DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Hiện kết quả từ 1 tới 10 của 183
  1. #1
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts
    KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
    Quyển 571
    __________________________________________________ ______________________________________


    Bấy giờ, Trị Thế lại bạch Phật:

    - Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát tu hành bố thí có khác với Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu không?

    Phật bảo:

    - Trị Thế! Nếu bố thí không có trí tuệ Ba-la-mật-đa thì chỉ được gọi tên là bố thí, chẳng phải đến bờ kia. Phải do trí tuệ Ba-la-mật-đa mới được gọi là bố thí đến bờ bên kia. Tịnh giới, nhẫn nhục, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã cũng như vậy. Vì sao? Vì tánh Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu đều bình đẳng.

    Khi đức Phật thuyết pháp thậm thâm này, vua liền chứng được Vô sanh pháp nhẫn.

    Phật bảo Tối Thắng:

    - Thiên vương nên biết! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, phải như vua siêng cầu chánh pháp kia. Vua Chuyển luân khi ấy là Phật Nhiên Ðăng, còn ngàn người con kia chính là ngàn Phật thời Hiền kiếp.

    Tối Thắng bèn thưa Phật:

    - Bạch Thế Tôn! Làm thế nào mà các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu tu hành mau thành đạo đại Bồ-đề?

    Phật bảo Tối Thắng:

    - Thiên vương nên biết! Các Đại Bồ-tát hành phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, tu tâm từ v.v... không làm tổn hại các hữu tình, siêng năng hành tất cả Ba-la-mật-đa và bốn nhiếp sự, bốn vô lượng tâm và pháp phần Bồ-đề, tu học phương tiện thiện xảo của thần thông, với tất cả pháp lành đều tu viên mãn. Nếu các Bồ-tát tu hành như vậy thì có thể mau thành đạo đại Bồ-đề. Ðạo Bồ-đề ấy gọi là tín tâm, tâm thanh tịnh, tâm xa lìa sự dối gạt, tâm tu hành bình đẳng, tâm thí vô úy, giúp các hữu tình hoàn toàn gần gũi, siêng tu hành bố thí thì quả báo sẽ vô tận. Thọ trì tịnh giới mà không có sự chướng ngại. Tu hành an nhẫn xa lìa các sự giận dữ, siêng năng tinh tấn thêm thì sự tu hành dễ thành tựu, có tịnh lự thù thắng chẳng khởi tán loạn, đầy đủ Bát-nhã sẽ thông suốt hoàn toàn. Có đại từ nên làm lợi ích hữu tình. Có đại bi nên quyết không thối chuyển. Có đại hỷ nên thường làm vui lòng người khác. Có đại xả nên không khởi lên sự phân biệt. Không còn ba độc nên lìa các chông gai. Chẳng đắm sắc, thanh, hương, vị, xúc cho nên diệt trừ các sự hý luận. Không có phiền não nên xa lìa sự thù oán. Xả bỏ niệm của nhị thừa nên tâm rộng lớn. Ðủ trí nhất thiết nên thường xuất ra nhiều thứ báu. Thiên vương nên biết! Các Đại Bồ-tát hành phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, tu hành như vậy thì có thể mau thành tựu đạo đại Bồ-đề.

    Rỗng không, không có mười phang,
    Ta về yên lặng ..... đạo tràng Chân Như !

  2. #2
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts
    KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
    Quyển 571
    __________________________________________________ ______________________________________


    Tối Thắng lại bạch Phật:

    - Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, hiện ra hình tướng nào để giáo hóa loài hữu tình?

    Phật bảo Tối Thắng:

    - Thiên vương nên biết! Các Đại Bồ-tát hành phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, hiện ra hình tướng không nhất định. Vì sao? Vì tùy theo sự ưa thích, Bồ-tát liền hiện ra hình tướng như vậy. Hoặc hiện ra màu vàng ròng, hoặc hiện ra màu bạc, hoặc hiện ra màu pha lê, hoặc hiện ra màu lưu ly, hoặc hiện màu thạch tàng (chử tàng – mã não), hoặc hiện màu chơn châu, hoặc hiện màu xanh, vàng, đỏ, trắng, hoặc hiện màu ngọn lửa, mặt trời, mặt trăng, hoặc hiện màu Ðế Thích, hoặc hiện màu Phạm vương, hoặc hiện màu sương tuyết, hoặc hiện màu thư hoàng (khoáng chất), hoặc hiện màu châu đan, hoặc hiện màu mưa hoa, hoặc hiện màu hoa Chiêm-bác-ca (cây hoa sắc vàng ròng), hoặc hiện màu hoa Tô-mạt-na (hoa màu vàng trắng), hoặc hiện màu hoa sen xanh, hoặc hiện màu hoa sen vàng, hoặc hiện màu hoa sen đỏ, hoặc hiện màu hoa sen trắng, hoặc hiện màu trời Công đức, hoặc hiện màu con thiên nga, con công, hoặc hiện màu ngọc san hô, hoặc hiện màu châu như ý, hoặc hiện màu cõi hư không; tùy theo màu của trời, người đều hiện ra theo loại ấy.

    Thiên vương nên biết! Đại Bồ-tát này đều có thể thị hiện tùy theo sắc màu, hình tướng sai khác của tất cả hữu tình trong hằng hà sa số thế giới khắp mười phương. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát này hành phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu có thể nhiếp hóa khắp tất cả hữu tình, cho đến chẳng rời bỏ tất cả hữu tình. Vì sao? Vì tâm hành của tất cả hữu tình khác nhau. Thế nên Bồ-tát thị hiện nhiều thứ. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát này ở đời quá khứ có nguyện lực lớn, tùy theo các hữu tình ưa thấy thọ hóa liền thị hiện thân mà họ muốn thấy, như trong gương sáng vốn không có ảnh tượng nhưng tùy theo thể chất tốt xấu đều hiện tất cả. Nhưng gương sáng này cũng không có phân biệt: Cơ thể ta sáng sạch có thể hiện được cái sắc. Như vậy Bồ-tát hành phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu không có tâm phân biệt, tuỳ sự ưa muốn mà thị hiện, cũng chẳng phân biệt ta có thể hiện thân.

    Rỗng không, không có mười phang,
    Ta về yên lặng ..... đạo tràng Chân Như !

  3. #3
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts
    KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
    Quyển 571
    __________________________________________________ ______________________________________


    Thiên vương nên biết! Các Đại Bồ-tát hành phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, tùy theo thánh chúng ở trong chỗ ngồi, tâm họ ưa thích được thấy thân nào thuyết pháp, thì Bồ-tát hiện ngay thân ấy vì họ thuyết pháp. Nghĩa là hoặc thấy Phật, hoặc thấy Bồ-tát, hoặc thấy Độc giác, hoặc thấy Thanh văn, hoặc thấy Phạm vương, hoặc thấy Ðế Thích, hoặc thấy Đại Tự Tại, hoặc thấy Tỳ-sắc-noa, hoặc thấy Hộ Thế, hoặc thấy Luân vương, hoặc thấy Sa-môn, hoặc thấy dị đạo, hoặc thấy Bà-la-môn, hoặc thấy Sát-đế-lợi, hoặc thấy Phệ-xá, hoặc thấy Thú-đạt-la, hoặc thấy trưởng giả, hoặc thấy cư sĩ, hoặc thấy ngồi trong đài báu, hoặc thấy ngồi trên hoa sen, hoặc thấy tại đất, hoặc thấy bay trên hư không, hoặc thấy thuyết pháp, hoặc thấy thiền định.

    Thiên vương nên biết! Đại Bồ-tát này tu hành phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, vì cứu độ hữu tình nên không một kiểu hình nào và không một oai nghi nào mà không thể hiện được. Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu giống như hư không, không hình, không tướng, khắp mười phương thế giới không chỗ nào không có.

    Lại như hư không lìa các hý luận. Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu cũng lại như vậy, vượt các ngôn ngữ.

    Lại như hư không đời sống phải cần, với Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu cũng vậy, tất cả thánh phàm đều chung thọ dụng.

    Lại như hư không xa lìa các sự phân biệt. Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu cũng lại như vậy, không có tâm phân biệt.

    Lại như hư không dung chứa các sắc. Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng dung chứa được tất cả Phật pháp.

    Lại như hư không thường hiện các sắc. Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu cũng thường hiện ra tất cả Phật pháp.

    Lại như hư không tất cả cỏ cây, thuốc thang hoa quả đều nương vào đó mà tăng trưởng. Cũng vậy, tất cả căn lành đều dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu mà tăng trưởng.

    Rỗng không, không có mười phang,
    Ta về yên lặng ..... đạo tràng Chân Như !

  4. #4
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts
    KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
    Quyển 571
    __________________________________________________ ______________________________________


    Lại như hư không chẳng phải thường, chẳng phải đoạn, chẳng phải pháp để nói năng. Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu cũng lại như vậy, chẳng phải thường, chẳng phải đoạn, lìa các ngôn ngữ. Thế gian Sa-môn, Bà-la-môn v.v... cho đến Đế Thích, Phạm Thiên chẳng thể nghĩ lường Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu được.

    Thiên vương nên biết! Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu không có một pháp nào có thể làm ví dụ được. Nếu các thiện nam, thiện nữ v.v... tin thọ Bát-nhã ba-la-mật-đa thì công đức đạt được không thể nghĩ bàn. Nếu công đức này có hình sắc thì cõi hư không chẳng chứa hết được. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu sanh ra tất cả thiện pháp thế gian và xuất thế gian. Tất cả chúng trời, người, hoặc vua trời người, bốn hướng, bốn quả và các Độc giác, thập địa Bồ-tát, Ba-la-mật-đa, quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật, nhất thiết chủng trí, lực vô sở úy, và mười tám pháp Phật bất cộng v.v... đều hoàn toàn dựa vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu mà thành tựu.

    Khi thuyết pháp này, năm vạn Bồ-tát chứng được Bất thối chuyển. Một vạn năm ngàn chúng thiên tử được Vô sanh pháp nhẫn. Một vạn hai ngàn chúng trời, người xa lìa trần cấu sanh mắt pháp thanh tịnh. Hằng hà sa số loài hữu tình phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Trên hư không, chư Thiên trổi các kỹ nhạc và rải các thứ hương hoa đẹp của cõi trời để cúng dường Như Lai và Bát-nhã thâm sâu này. Lại có vô lượng trời, rồng, Dược-xoa, Kiện-đạt-phược, A-tố-lạc, Yết-lộ-trà, Khẩn-nại-lạc, Mạt-hô-lạc-già, người chẳng phải người v.v... cũng rải các thứ hoa và những vật báu cúng dường Như Lai và Bát-nhã thậm thâm. Khi đó, trời rồng và những chúng khác chấp tay cung kính đồng thanh cất tiếng khen ngợi Phật:

    - Hay thay! Hay thay! Thế Tôn đã hoan hỷ thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu như vậy.

    Quyển 571

    HẾT

    Rỗng không, không có mười phang,
    Ta về yên lặng ..... đạo tràng Chân Như !

  5. #5
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts
    KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
    Quyển 572
    __________________________________________________ ______________________________________


    Quyển 572:

    Phẩm Hiển Đức + Phẩm Hiện Hóa + Phẩm Đà-La-Ni + Phẩm Khuyên Răn 01


    PHẨM HIỂN ĐỨC


    Bấy giờ, Đại Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, chệch y che vai trái, gối phải quì sát đất, chấp tay cung kính bạch:

    - Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát trải qua bao nhiêu kiếp hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, cúng dường bao nhiêu đức Phật mà có thể thưa hỏi, hiển dương khen ngợi về Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu như Như Lai đã thuyết cho Thiên vương Tối Thắng vậy?

    Phật bảo Đại Bồ-tát Mạn-thù-thất-lợi:

    - Thiện nam tử! Việc như thế này không thể nghĩ bàn được. Nếu chẳng phải vô lượng trăm ngàn đại kiếp tu tập các hạnh, gieo trồng các căn lành thì chẳng được nghe công đức, danh tự của Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu.

    Thiện nam tử! Số cát sông Hằng trong hằng hà sa số thế giới khắp mười phương còn có thể biết được, chứ Đại Bồ-tát này hành Bát-nhã ba-la-mật-đa đã trải qua bao nhiêu số kiếp, cúng dường bao nhiêu vị Phật đều không thể biết được.

    Thiện nam tử! Trong quá khứ vô lượng, vô biên vô số kiếp khó nghĩ bàn, có đức Phật ra đời tên là Ða Văn đầy đủ mười hiệu, kiếp tên là Tăng Thượng, nước tên là Nhật Quang. Như Lai Ða Văn thuyết pháp môn thanh tịnh cho các Đại Bồ-tát:

    “Thiện nam tử! Ông phải siêng năng tu các pháp lành chẳng tiếc thân mạng.

    Khi đó, trong hội kia, có một vị Bồ-tát tên là Tinh Tấn Lực, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân ngài, chệch y che vai trái, gối phải quì sát đất, chấp tay cung kính mà thưa Phật:

    - Đức Thế Tôn đã nói: Ông nên siêng năng tinh tấn tu các pháp lành chẳng tiếc thân mạng. Theo con hiểu ý nghĩa lời Phật nói là: Các Đại Bồ-tát cần phải biếng nhác, chẳng tu pháp lành, mới có thể mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vì sao? Nếu các Bồ-tát siêng tu các pháp thì không thể trụ trong sanh tử lâu ngày để làm lợi lạc cho hữu tình. Nhưng các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, chấm dứt phiền não, trụ lâu trong sanh tử, quyết chẳng phải vì bản thân để mau chứng Niết-bàn, mà chỉ vì lợi lạc cho các hữu tình. Bồ-tát lấy sanh tử làm vui, chẳng lấy Niết-bàn làm vui. Vì sao? Vì các Đại Bồ-tát lấy sự giáo hóa hữu tình làm vui vậy. Nghĩa là tùy theo chỗ ưa muốn mà phương tiện khéo léo truyền trao pháp môn giúp họ được an lạc. Nếu siêng tu pháp lành thì mau hết phiền não, không thể làm lợi ích an vui cho tất cả hữu tình. Thế nên Bồ-tát quán sát sanh tử nhiều sự khổ não, khởi tâm đại bi chẳng bỏ hữu tình, thành tựu bản nguyện.

    Rỗng không, không có mười phang,
    Ta về yên lặng ..... đạo tràng Chân Như !

  6. #6
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts
    KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
    Quyển 572
    __________________________________________________ ______________________________________


    Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát đủ sức phương tiện ở lâu trong sanh tử, thấy được vô lượng, vô biên đức Như Lai, nghe và lãnh thọ vô lượng, vô biên chánh pháp, giáo hóa và dẫn dắt vô lượng, vô biên hữu tình. Thế nên, vì việc này mà Bồ-tát chẳng nhàm chán sanh tử, không ưa thích Niết-bàn.

    Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát khi quán sanh tử mà khởi lên sự chán sợ, ưa vui Niết-bàn thì sẽ rơi vào phi đạo, không thể làm lợi lạc cho tất cả hữu tình, không thông suốt cảnh giới mầu nhiệm của Như Lai.

    Thế nào là phi đạo?

    Là ưa Thanh văn và bậc Độc giác, đối với các loài hữu tình không có tâm đại bi. Vì sao? Vì đạo mà Thanh văn và Độc giác hành trì chẳng phải đạo của các Đại Bồ-tát. Vì sao? Vì Thanh văn và Độc giác chán sợ sanh tử, ưa vui với Niết-bàn, không thể đầy đủ phước đức trí tuệ, vì nghĩa này nên chẳng phải đạo Bồ-tát.

    Khi ấy, Phật Ða Văn liền khen ngợi Tinh Tấn Lực:

    - Hay thay! Hay thay! Như lời ông nói, các Đại Bồ-tát nên tu tự hành chớ tu tập theo phi đạo.

    Tinh Tấn Lực thưa:

    - Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Đại Bồ-tát đã tu đạo tự hành?

    Phật Ða Văn nói:

    - Bồ-tát thành tựu tất cả phước tuệ, vì sức đại bi không bỏ hữu tình, xa lìa Thanh văn và bậc Độc giác, được đắc Vô sanh nhẫn nhưng chẳng bỏ ba cõi, không có sự hy vọng sanh trưởng căn lành, dùng phương tiện thiện xảo tu hành tất cả Ba-la-mật-đa. Dùng sức trí tuệ, không có tâm phân biệt, sanh trưởng căn lành, thành tựu tận trí được vô lượng công đức. Dù biết các pháp không có một pháp nào tự nó có thể sanh, chỉ phương tiện hiện sanh. Dù biết hữu tình không có một hữu tình nào là thật có mà vẫn phương tiện giáo hóa, biết tất cả pháp đều lìa tự tánh. Quán các cõi Phật đều như hư không nhưng thường dùng phương tiện khéo léo nghiêm tịnh cõi Phật. Biết tất cả pháp thân Phật không có hình dáng nhưng phương tiện thị hiện tướng hảo trang nghiêm. Tùy theo tâm các hữu tình ưa thích điều gì liền phương tiện mà trao cho họ. Thân tâm Bồ-tát tuy thường vắng lặng nhưng vẫn thuyết pháp giáo hóa hữu tình, cũng dùng phương tiện thiện xảo xa lìa sự ồn náo, tu các thiền định, biết tự tánh Không nhưng thông suốt được tất cả trí tuệ sâu xa, dùng phương tiện thuyết pháp cho người khác, không chứng quả Thanh văn, Độc giác thừa, mà siêng năng cầu chứng được quả Giải thoát của Như Lai, chẳng bỏ tất cả đạo hạnh của Bồ-tát. Thiện nam tử! Đây gọi là Bồ-tát đã tự hành đạo của mình.”

    Rỗng không, không có mười phang,
    Ta về yên lặng ..... đạo tràng Chân Như !

  7. #7
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts
    KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
    Quyển 572
    __________________________________________________ ______________________________________


    Mạn-thù-thất-lợi! Khi Tinh Tấn Lực theo Như Lai để nghe nói về cảnh giới mà Bồ-tát đã tu hành chứng được là chưa từng có, liền vội vàng thưa với Phật Ða Văn:

    “Bạch Thế Tôn! Thật hiếm có, như con hiểu ý lời Phật nói là: Bồ-tát đầy đủ phương tiện thiện xảo, quán tất cả pháp đều là đạo cả. Ví như hư không dung chứa các sắc. Như vậy Bồ-tát đầy đủ phương tiện lớn, sự hành đạo thâu nhiếp tất cả pháp. Lại như hư không, tất cả cỏ cây hoa quả đều nhờ đó mà sanh trưởng. Như vậy các vật đối với cõi hư không không thể làm nhiễm hoặc tịnh, chẳng làm giận làm vui. Đại Bồ-tát này đầy đủ phương tiện lớn là Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, nên quán tất cả pháp đều là đạo, nghĩa là pháp của phàm phu hoặc pháp Thanh văn, hoặc pháp Độc giác, hoặc pháp Bồ-tát, hoặc pháp Như Lai. Vì sao? Vì các Bồ-tát này đã thông suốt rồi. Ví như lửa mạnh, nếu gặp cỏ cây tất không lùi lại. Các cây cỏ này đều thuận theo, càng làm cho ngọn lửa cháy mạnh thêm. Cũng vậy các pháp hoàn toàn thuận theo đạo của Bồ-tát nên gọi là Bồ-tát đạo. Thí như kim cương, thể chất nó rắn chắc, dao không thể chặt gãy, lửa không thể đốt cháy, nước không thể thối rửa, độc không thể hại. Cũng vậy, với phương tiện trí tuệ của Bồ-tát, Thanh văn, Độc giác, các ngoại đạo, và tất cả phiền não không thể nào làm tổn hoại được. Như ngọc thủy thanh có thể làm trong nước đục. Cũng vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu của Bồ-tát có thể làm cho tất cả phiền não của hữu tình đều được thanh tịnh. Ví như thuốc tốt Diệu bảo thần châu không thể ở chung với chất độc, có khả năng làm tiêu hết các chất độc. Cũng vậy Bồ-tát hành phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa chẳng ở chung với tất cả phiền não, mà có thể đoạn diệt tất cả phiền não. nhân duyên các pháp như vậy đều là đạo của Đại Bồ-tát.”

    Mạn-thù-thất-lợi! Khi Tinh Tấn Lực nói về pháp này, tám vạn Bồ-tát đều phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Hai trăm Bồ-tát đắc Vô sanh pháp nhẫn. Mạn-thù-thất-lợi! Tinh Tấn Lực kia chính là Thiên vương Tối Thắng hôm nay.

    Rỗng không, không có mười phang,
    Ta về yên lặng ..... đạo tràng Chân Như !

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •