KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐAQuyển 575__________________________________________________ ______________________________________
Lại nữa, đồng tử Mạn-thù-thất-lợi! Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu là hành xứ sâu xa của các Bồ-tát. Nếu các Bồ-tát hành được chỗ ấy thì đối với các cảnh giới đều được thông suốt. Hành xứ như vậy chẳng phải hành xứ của tất cả thừa. Vì sao? Vì hành xứ này không danh, không tướng, không có sự phân biệt. Thế nên gọi là chẳng phải chỗ hành xứ.
Mạn-thù-thất-lợi lại bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát tu hành pháp nào mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề?
Phật bảo đồng tử Mạn-thù-thất-lợi:
- Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, tâm không lười mỏi sẽ mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Lại nữa, đồng tử Mạn-thù-thất-lợi! Đại Bồ-tát nào thường tu hành đúng đắn Tam-ma-địa Nhất tướng trang nghiêm sẽ mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Mạn-thù-thất-lợi lại bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Vì sao gọi là Tam-ma-địa Nhất tướng trang nghiêm? Các chúng Bồ-tát tu hành thế nào?
Phật bảo đồng tử Mạn-thù-thất-lợi:
- Tam-ma-địa này lấy tướng pháp giới để làm trang nghiêm, nên gọi là Tam-ma-địa Nhất tướng trang nghiêm. Đại Bồ-tát nào muốn nhập vào Tam-ma-địa thù thắng này, trước hết phải lắng nghe, thỉnh hỏi, tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu. Rồi sau đó mới có thể nhập vào Tam-ma-địa này.
Mạn-thù-thất-lợi! Nếu Đại Bồ-tát nào bất động pháp giới, biết chơn pháp giới chẳng phải dao động, không thể nghĩ bàn, không thể hý luận, như vậy mới nhập vào được Tam-ma-địa Nhất tướng trang nghiêm.
Mạn-thù-thất-lợi! Thiện nam, thiện nữ v.v… nào muốn nhập vào Tam-ma-địa này phải ở chỗ trống vắng, lìa xa chỗ ồn náo, ngồi kiết già chẳng nghĩ đến các tướng. Vì muốn lợi lạc tất cả hữu tình, phải chú tâm chánh niệm, thủ giữ danh tự một vị Như Lai, khéo tưởng về dung nghi của Ngài. Ngài ở phương nào thì ngồi thẳng quay về hướng ấy, niệm niệm tiếp nối nhau, niệm một Như Lai tức là đã quán khắp chư Phật ba đời. Vì sao? Mạn-thù-thất-lợi! Vì vô lượng, vô biên công đức biện tài của một đức Phật ngang bằng với tất cả Phật. Chư Phật ba đời đều nương vào một chơn như mà chứng đại Bồ-đề không sai khác.