DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 2/18 ĐầuĐầu 123412 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 11 tới 20 của 176
  1. #11
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts
    KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
    Quyển 561
    __________________________________________________ ______________________________________


    Các chúng Bồ-tát cũng như thế, nếu đối với Đại thừa có tín, có nhẫn, có ưa thích, có tinh tấn, có thắng giải, có sự không buông lung, có ý ưa thích tốt đẹp, có xả, có kính, có tâm thanh tịnh, có sự hộ trì tốt đẹp, chẳng rời bỏ quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, lại có thể giữ gìn phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thì nên biết hạng này nhất định chẳng thối lui giữa đường, nhập vào địa vị Thanh văn hoặc Độc giác, nhất định chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

    Lại nữa, Thiện Hiện! Ví như có người một trăm hai mươi tuổi, già nua, suy yếu, lại thêm có các thứ bệnh, đó là: bệnh phong, nhiệt, đàm, hoặc cả ba thứ bệnh. Người già bệnh này muốn từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến nơi khác, nhưng tự mình chẳng thể đi được. Có hai người khỏe mạnh, xốc hai bên hông, từ từ đỡ lên và nói: “Chẳng có gì khó khăn, muốn đi lại tùy ý. Nay hai người chúng tôi luôn luôn ở bên cạnh, chắc chắn đi đến đâu đều an ổn, không tổn hại.”

    Các chúng Bồ-tát cũng như thế, nếu đối với Ðại thừa có tín, có nhẫn, có ưa, có thích, có tinh tấn, có thắng giải, có sự không buông lung, có ý ưa thích tốt đẹp, có xả, có kính, có tâm thanh tịnh, có sự hộ trì tốt đẹp, chẳng rời bỏ quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, lại có thể hộ trì phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thì nên biết hạng này nhất định chẳng thối lui giữa đường, nhập vào địa vị Thanh văn hoặc Độc giác, nhất định chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Trái với trên đây thì gọi là hắc phẩm.

    Rỗng không, không có mười phang,
    Ta về yên lặng ..... đạo tràng Chân Như !

  2. #12
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts
    KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
    Quyển 561
    __________________________________________________ ______________________________________


    PHẨM NHƯ LAI 01


    Khi ấy, Thiện Hiện bạch Phật:

    - Bạch Thế Tôn! Bồ-tát mới học nên làm thế nào để học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa?

    Phật bảo Thiện Hiện:

    - Bồ-tát mới học muốn học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, trước nên gần gũi, phụng sự bạn lành. Nếu ai có thể tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, dạy bảo trao truyền cho các Bồ-tát, thì gọi là bạn lành. Người ấy nói thế này: “Thiện nam tử, đến đây! Ông nên siêng năng tu bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa. Khi ông siêng năng tu tập, nên dùng vô sở đắc làm phương tiện, hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Khi ông hồi hướng, chớ dùng sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà chấp thủ Bồ-đề. Vì sao? Vì tánh của trí Nhất thiết trí chẳng phải là sở thủ. Thiện nam tử! Ông chớ sanh tham đắm các địa vị Thanh văn, Độc giác v.v...” Nếu ai có thể dạy bảo, trao truyền như thế cho Bồ-tát mới học, làm cho họ dần dần nhập vào Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thì nên biết đó là bạn lành của Bồ-tát.

    Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

    - Bạch Thế Tôn! Các Bồ-tát này phát tâm Bồ-đề, muốn thẳng tới Bồ-đề là việc làm rất khó!

    Phật bảo Thiện Hiện:

    - Đúng như vậy! Đúng như vậy! Việc làm của các chúng Bồ-tát rất khó, nghĩa là vì lợi ích an vui cho các thế gian nên phát tâm hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, với lời thề: Ta vì cứu giúp các thế gian nên làm nhà cửa cho các thế gian, làm chỗ quay về nương tựa cho các thế gian, làm hòn đảo cho các thế gian, chỉ dạy con đường rốt ráo cho các thế gian, làm vị thầy dẫn đường cho các thế gian, làm chỗ hướng đến cho các thế gian... nên phát khởi sự siêng năng tinh tấn, hướng đến đại Bồ-đề.

    Thiện Hiện! Thế nào là các chúng Bồ-tát thề cứu giúp tất cả thế gian nên phát khởi sự siêng năng tinh tấn, hướng đến đại Bồ-đề? Nghĩa là các Bồ-tát thấy các thế gian chìm trong khổ sanh tử chẳng thể ra khỏi, nên siêng năng tinh tấn, hướng đến đại Bồ-đề, vì dứt khổ cho người kia nên giảng thuyết điều cốt yếu của Chánh pháp.

    Thiện Hiện! Thế nào là các chúng Bồ-tát làm nhà cửa cho tất cả thế gian nên phát khởi sự siêng năng tinh tấn hướng đến đại Bồ-đề? Nghĩa là các Bồ-tát muốn vì thế gian thuyết tất cả pháp đều chẳng hòa hợp, nên phát khởi sự siêng năng tinh tấn hướng đến đại Bồ-đề.

    Rỗng không, không có mười phang,
    Ta về yên lặng ..... đạo tràng Chân Như !

  3. #13
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts
    KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
    Quyển 561
    __________________________________________________ ______________________________________


    Thiện Hiện bạch:

    - Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ-tát muốn vì thế gian thuyết tất cả pháp đều chẳng hòa hợp?

    Phật dạy:

    - Này Thiện Hiện! Các chúng Bồ-tát muốn vì thế gian tuyên thuyết năm uẩn và tất cả pháp đều chẳng hòa hợp, không buộc, không mở, không sanh, không diệt. Do vậy, có thể che chở, giúp đỡ tất cả, giống như nhà cửa.

    Thiện Hiện! Thế nào là các chúng Bồ-tát làm chỗ quay về nương tựa cho các thế gian nên phát khởi sự siêng năng tinh tấn hướng đến đại Bồ-đề? Nghĩa là các Bồ-tát muốn làm cho thế gian thoát khỏi tất cả sanh, già, bệnh, chết, sầu than, buồn khổ nên phát khởi sự siêng năng tinh tấn hướng đến đại Bồ-đề, phương tiện thiện xảo giảng thuyết điều cốt yếu của chánh pháp.

    Thiện Hiện! Thế nào là các chúng Bồ-tát làm hòn đảo cho các thế gian nên phát khởi sự siêng năng tinh tấn hướng đến đại Bồ-đề? Nghĩa là các Bồ-tát hướng đến đại Bồ-đề vì muốn thuyết cho thế gian ranh giới trước sau của năm thủ uẩn đều dứt. Do cái này dứt nên tất cả pháp đều dứt. Tất cả pháp này dứt tức là Niết-bàn tịch diệt vi diệu; cũng là tánh như thật không điên đảo. Ví như trong biển, sông, ao lớn nhỏ, chỗ đất cao ở được gọi là hòn đảo; Niết-bàn cũng thế, là chỗ an ổn.

    Thiện Hiện! Thế nào là các chúng Bồ-tát chỉ dạy cho thế gian con đường rốt ráo nên phát khởi sự siêng năng tinh tấn hướng đến đại Bồ-đề? Nghĩa là các Bồ-tát hướng đến đại Bồ-đề vì muốn thuyết cho thế gian sắc rốt ráo chẳng gọi là sắc; thọ, tưởng, hành, thức và các pháp khác cũng thế. Pháp tánh rốt ráo chẳng phải sắc v.v... vậy.

    Cụ thọ Thiện Hiện bạch:

    - Kính bạch Thế Tôn! Nếu pháp tánh rốt ráo các sắc v.v... chẳng gọi sắc v.v... thì lẽ đáng các Bồ-tát đã đắc không phân biệt trong tánh rốt ráo của Bồ-đề?

    Phật bảo Thiện Hiện:

    - Đúng như vậy! Đúng như vậy! Trong tánh rốt ráo hoàn toàn không phân biệt, nhưng đối với các Bồ-tát là việc rất khó làm. Tuy có thể quán tất cả pháp như thế nhưng chẳng chứng đắc, cũng chẳng chìm đắm. Nghĩ thế này: Ta đối với pháp này hiện Đẳng giác rồi, nên tuyên thuyết chỉ dạy cho thế gian, làm cho họ biết được đạo tướng rốt ráo như thế.

    Rỗng không, không có mười phang,
    Ta về yên lặng ..... đạo tràng Chân Như !

  4. #14
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts
    KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
    Quyển 561
    __________________________________________________ ______________________________________


    Thiện Hiện! Thế nào là các chúng Bồ-tát làm thầy dẫn đường cho thế gian phát khởi sự siêng năng tinh tấn, hướng đến đại Bồ-đề? Nghĩa là các Bồ-tát hướng đến đại Bồ-đề muốn thuyết cho thế gian bản tánh sắc không sanh không diệt; thọ, tưởng, hành, thức cũng như thế. Muốn thuyết cho thế gian quả Dự lưu cho đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề bản tánh các pháp không sanh, không diệt.

    Thiện Hiện! Thế nào là các chúng Bồ-tát làm sự hướng đến cho các thế gian nên phát khởi sự siêng năng tinh tấn hướng đến đại Bồ-đề? Nghĩa là các Bồ-tát hướng đến đại Bồ-đề, muốn tuyên thuyết chỉ dạy cho thế gian: Sắc lấy hư không làm sự hướng đến. Thọ, tưởng, hành, thức và tất cả pháp cũng lấy hư không làm sự hướng đến. Muốn tuyên thuyết, chỉ dạy cho thế gian: Sắc không chỗ hướng đến, ngang đồng với hư không. Thọ, tưởng, hành, thức và tất cả pháp cũng không chỗ hướng đến, ngang đồng với hư không. Như hư không rộng lớn, không đến, không đi, không tạo, không tác, không trụ, không sanh, không diệt. Các pháp cũng vậy, đều như hư không, không có sự phân biệt. Vì sao? Vì các sắc Không, nên không đến, không đi… Thọ, tưởng, hành, thức và tất cả pháp cũng đều là Không, nên không đến, không đi. Vì sao? Vì tất cả pháp đều dùng: Không, vô tướng, vô nguyện, không tạo, không tác, không sanh, không tánh, như mộng, như huyễn, không ngã, không biên giới, Niết-bàn tịch tĩnh, không thủ, không xả, không đến, không đi, tịch diệt cùng cực… để làm sự hướng đến. Người kia chẳng thể vượt qua sự hướng đến này.

    Khi ấy, Thiện Hiện bạch Phật:

    - Bạch Thế Tôn! Ai có thể tin hiểu pháp sâu xa như thế?

    Phật bảo Thiện Hiện:

    - Nếu các Bồ-tát từ lâu tu đại hạnh, đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, ở chỗ chư Phật phát thệ nguyện rộng lớn, đã trồng căn lành, đều được thành thục, được vô lượng bạn lành giúp đỡ hộ niệm, thì có thể tin hiểu pháp sâu xa này.

    Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

    - Bạch Thế Tôn! Các Bồ-tát này lấy gì làm tánh?

    Phật bảo Thiện Hiện:

    - Các Bồ-tát này lấy điều phục, viễn ly làm pháp tánh. Nhờ tánh này nên có thể biết, có thể rõ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.

    Rỗng không, không có mười phang,
    Ta về yên lặng ..... đạo tràng Chân Như !

  5. #15
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts
    KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
    Quyển 561
    __________________________________________________ ______________________________________


    Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

    - Bạch Thế Tôn! Các Bồ-tát này có thể biết, có thể rõ Bát-nhã ba-la-mật-đa sẽ hướng đến nẻo nào?

    Phật dạy Thiện Hiện:

    - Các Bồ-tát này sẽ hướng đến trí nhất thiết.

    Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

    - Bạch Thế Tôn! Nếu các Bồ-tát chứng nơi hướng đến rồi thì có thể làm chỗ quay về và hướng tới cho vô lượng, vô biên hữu tình.

    Phật bảo Thiện Hiện:

    - Đúng như vậy! Đúng như vậy! Nếu các Bồ-tát chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề thì có thể làm chỗ quay về, hướng tới cho vô lượng, vô biên hữu tình.

    Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

    - Bạch Thế Tôn! Các Bồ-tát này thường làm việc khó làm, nghĩa là mặc giáp, đội mũ bền chắc như thế vì muốn độ vô lượng, vô biên hữu tình, làm cho vào Niết-bàn, nhưng loài hữu tình hoàn toàn chẳng thể đắc.

    Phật bảo Thiện Hiện:

    - Đúng như vậy! Đúng như vậy! Như lời ông nói.

    Lại nữa, Thiện Hiện! Các Bồ-tát này mặc giáp đội mũ chẳng thuộc các sắc, thọ, tưởng, hành, thức; chẳng thuộc Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát và tất cả trí nhất thiết trí. Vì sao? Vì tất cả pháp đều không sở thuộc.

    Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

    - Bạch Thế Tôn! Nếu các Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thì chẳng trụ địa vị Thanh văn, Độc giác v.v...

    Phật bảo Thiện Hiện:

    - Ông quán nghĩa nào mà nói như thế?

    Thiện Hiện thưa:

    - Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không chấp trước. Nếu người nào tu Bát-nhã ba-la-mật-đa thì đối với tất cả pháp hoàn toàn không có sự tu, cũng không có người tu, thời gian tu, nơi chốn tu và do đây tu chẳng thể đắc.

    Kính bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là pháp không quyết định. Nếu tu hư không, tu tất cả pháp, tu không biên giới, tu không giữ gìn thì chính là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa.

    Rỗng không, không có mười phang,
    Ta về yên lặng ..... đạo tràng Chân Như !

  6. #16
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts
    KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
    Quyển 561
    __________________________________________________ ______________________________________


    Phật bảo Thiện Hiện:

    - Đúng như vậy! Đúng như vậy! Như lời ông nói.

    Lại nữa, Thiện Hiện! Nên nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế, quán sát Đại Bồ-tát Bất thối chuyển; nghĩa là các Bồ-tát nếu chẳng tham đắm Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, chẳng chấp lời của người khác và sự chỉ dạy truyền trao của người khác để làm điều chơn yếu, thì chẳng phải chỉ tin người khác mà còn có sự tạo tác, nghe nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế, tâm vị đó chẳng kinh, chẳng sợ, chẳng hãi, chẳng chìm, chẳng đắm, không nghi, không ngờ, cũng chẳng mê mờ, hoang mang, hoan hỷ ưa nghe, hết lòng tin nhận; các Bồ-tát này nhất định chẳng thối lui. Các Bồ-tát như thế đời trước đã được nghe nghĩa lý Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nên nay được nghe, tâm không kinh sợ v.v...

    Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

    - Bạch Thế Tôn! Nếu các Bồ-tát nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa tâm không kinh v.v... thì các Bồ-tát này làm sao quán sát Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa?

    Phật bảo Thiện Hiện:

    - Đại Bồ-tát này nên dùng tâm tùy thuận trí nhất thiết quán sát Bát-nhã ba-la-mật-đa.

    Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

    - Bạch Thế Tôn! Thế nào là tâm tùy thuận trí nhất thiết quán sát Bát-nhã ba-la-mật-đa?

    Phật bảo Thiện Hiện:

    - Như các Bồ-tát tùy thuận hư không quán sát Bát-nhã ba-la-mật-đa thì đó là tâm tùy thuận trí nhất thiết quán sát Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì sao? Vì trí nhất thiết vô lượng, vô biên. Nếu vô lượng, vô biên tức là chẳng phải sắc, cũng chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức; không đắc, không hiện quán, không trí, không thức, không sanh, không diệt, không tu, không tác, không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, không phương hướng, không nơi chốn, cũng không sở trụ, chỉ có thể nói là vô lượng, vô biên.

    Thiện Hiện nên biết! Hư không vô lượng, vô biên nên trí nhất thiết cũng vô lượng, vô biên. Trí nhất thiết vô lượng, vô biên nên không ai có thể chứng. Chẳng phải sắc có thể chứng, cho đến chẳng phải thức có thể chứng. Chẳng phải bố thí Ba-la-mật-đa có thể chứng, cho đến chẳng phải Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể chứng. Vì sao? Vì sắc cho đến thức chính là trí nhất thiết không hai, không khác. Bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa chính là trí nhất thiết không hai, không khác.

    Rỗng không, không có mười phang,
    Ta về yên lặng ..... đạo tràng Chân Như !

  7. #17
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts
    KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
    Quyển 561
    __________________________________________________ ______________________________________


    Bấy giờ Thiên tử Phạm Thế cõi Dục cùng đi đến chỗ Phật, đồng bạch Phật:

    - Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế rất là sâu xa, khó thấy, khó biết.

    Phật bảo các Thiên tử:

    - Đúng như vậy! Đúng như vậy! Như lời ông nói. Khi mới thành Phật, Ta quán nghĩa này, ngồi yên tịnh tư duy, chẳng muốn nói pháp, Ta nghĩ: Pháp của Ta sâu xa, chẳng phải các thế gian có thể tin nhận nhanh chóng. Pháp Ta chứng chính là Bát-nhã ba-la-mật-đa. Pháp này sâu xa, chẳng phải năng chứng, chẳng phải sở chứng, không nơi chốn chứng, không thời gian chứng và do đây chứng, cũng chẳng thể đắc. Thiên tử nên biết! Hư không sâu xa nên pháp này sâu xa. Ngã sâu xa nên pháp này sâu xa. Tánh tất cả pháp không đến, không đi nên pháp này sâu xa.

    Khi ấy, các Thiên tử bạch Phật:

    - Thật lạ thay! Kính bạch Thế Tôn! Pháp Phật thuyết, tất cả thế gian rất khó tin hiểu. Pháp Phật thuyết không thủ, không xả. Hữu tình thế gian lại hành thủ xả.

    Phật bảo các Thiên tử:

    - Đúng như vậy! Đúng như vậy! Như lời ông nói.

    Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

    - Pháp Phật thuyết sâu xa vi diệu, đối với tất cả pháp đều có thể tùy thuận, không có sự chướng ngại, đồng như hư không. Pháp Phật thuyết hoàn toàn không sanh, vì tất cả pháp sanh không thể đắc vậy. Pháp mà Phật biết, hoàn toàn không nơi chốn vì tất cả nơi chốn đều chẳng thể đắc vậy.

    Phật dạy:

    - Này Thiện Hiện! Đúng như vậy! Đúng như vậy.

    Các Thiên tử bạch Phật:

    - Bạch Thế Tôn! Ðại đức Thiện Hiện là chơn Phật tử, từ Như Lai sanh, vì những gì Ngài nói đều tương ưng với Không vậy.

    Thiện Hiện bảo các Thiên tử:

    - Các ông nói: Ta từ Như Lai sanh. Thế nào là Thiện Hiện từ Như Lai sanh? Nghĩa là từ chơn như của Như Lai sanh vậy. Vì tất cả pháp sanh chẳng thể đắc vậy. Nên chơn như của Như Lai không đến, không đi, bản tánh chẳng sanh.

    Chơn như của Thiện Hiện cũng không đến không đi, bản tánh chẳng sanh, nên nói: Thiện Hiện từ Như Lai sanh.

    Chơn như của Như Lai chính là chơn như của tất cả pháp. Chơn như của tất cả pháp chính là chơn như của Như Lai.

    Rỗng không, không có mười phang,
    Ta về yên lặng ..... đạo tràng Chân Như !

  8. #18
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts
    KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
    Quyển 561
    __________________________________________________ ______________________________________


    Chơn như của Như Lai không có tánh chơn như, cũng chẳng không có tánh chơn như. Chơn như Thiện Hiện cũng như thế, nên nói: Thiện Hiện từ Như Lai sanh.

    Chơn như Như Lai không biến đổi, không phân biệt, khắp tất cả chỗ. Chơn như Thiện Hiện cũng như thế, nên nói: Thiện Hiện từ Như Lai sanh.

    Chơn như Như Lai lấy thường trụ làm tướng nên không có sở trụ. Chơn như Thiện Hiện cũng như thế, nên nói: Thiện Hiện từ Như Lai sanh.

    Chơn như Như Lai không có sự chướng ngại, chơn như tất cả pháp cũng không có sự chướng ngại. Chơn như Thiện Hiện cũng như thế, nên nói: Thiện Hiện từ Như Lai sanh.

    Chơn như Như Lai cùng chơn như tất cả pháp đồng một chơn như, không hai, không khác, không tạo, không tác. Chơn như của Như Lai luôn luôn là tướng chơn như, không lúc nào là chẳng phải tướng chơn như. Thế nên chơn như không hai, không khác. Chơn như Thiện Hiện cũng như thế, nên nói: Thiện Hiện từ Như Lai sanh.

    Chơn như Như Lai đối với tất cả chỗ không nhớ nghĩ, không phân biệt. Chơn như tất cả pháp đối với tất cả chỗ cũng không nhớ nghĩ, không phân biệt. Chơn như của Thiện Hiện cũng như thế, nên nói: Thiện Hiện từ Như Lai sanh.

    Chơn như Như Lai không khác, chẳng thể đắc. Chơn như tất cả pháp cũng không sai khác, chẳng thể đắc. Chơn như Thiện Hiện cũng như thế, nên nói: Thiện Hiện từ Như Lai sanh.

    Chơn như Như Lai chẳng lìa chơn như các pháp. Chơn như các pháp chẳng lìa chơn như Như Lai. Chơn như Như Lai luôn luôn là tướng chơn như, không lúc nào là chẳng phải tướng chơn như. Chơn như của Thiện Hiện cũng như thế, nên nói: Thiện Hiện từ Như Lai sanh.

    Tuy nói là tùy sanh nhưng không có chỗ tùy sanh, vì chơn như Thiện Hiện chẳng khác Phật. Chơn như Như Lai chẳng phải đến, đi. Chơn như của tất cả pháp cũng chẳng phải đến, đi. Chơn như Thiện Hiện cũng như thế, nên nói: Thiện Hiện từ Như Lai sanh.

    Như Lai chính là chơn như Như Lai. Chơn như của Như Lai từ chơn như quá khứ, chơn như quá khứ từ chơn như Như Lai.

    Chơn như Như Lai từ chơn như vị lai, chơn như vị lai từ chơn như Như Lai.

    Chơn như Như Lai từ chơn như hiện tại, chơn như hiện tại từ chơn như Như Lai.

    Chơn như Như Lai từ chơn như ba đời, chơn như ba đời từ chơn như Như Lai. Chơn như Như Lai cùng chơn như ba đời không hai, không khác.

    Rỗng không, không có mười phang,
    Ta về yên lặng ..... đạo tràng Chân Như !

  9. #19
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts
    KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
    Quyển 561
    __________________________________________________ ______________________________________


    Chơn như tất cả pháp, chơn như Thiện Hiện cũng không hai, không khác, nên nói: Thiện Hiện từ Như Lai sanh.

    Chơn như của Bồ-tát tức là chơn như của Phật. Các chúng Bồ-tát do chơn như nên khi đắc Bồ-đề gọi là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Khi Như Lai chứng đắc chơn như này, ba ngàn thế giới biến động sáu cách. Ta đối với chơn như các pháp như thế càng tin hiểu, nên nói: Thiện Hiện từ Như Lai sanh.

    Thiên tử nên biết! Nhưng Thiện Hiện ta chẳng do sắc cho đến thức, nên từ Như Lai sanh. Cũng chẳng do quả Dự lưu cho đến Độc giác Bồ-đề nên từ Như Lai sanh. Cũng chẳng do trí nhất thiết nên từ Như Lai sanh. Chỉ do chơn như nên từ Như Lai sanh.

    Thiên tử nên biết! Nhưng Thiện Hiện ta không từ sắc, thọ, tưởng, hành, thức sanh. Không từ quả Dự lưu cho đến Độc giác Bồ-đề sanh, nên Thiện Hiện ta từ Như Lai sanh.

    Khi ấy, Xá-lợi Tử bạch Phật:

    - Như Lai như thế rất sâu xa vi diệu.

    Phật bảo Xá-lợi Tử:

    - Đúng như vậy! Đúng như vậy! Như lời ông nói. Như Lai sâu xa vi diệu như thế, nên ngay khi thuyết tướng Như Lai như thế, ba ngàn Bí-sô sạch hẳn các lậu, tâm được giải thoát, thành A-la-hán, năm trăm Bí-sô-ni xa trần lìa cấu, sanh pháp nhãn thanh tịnh, năm ngàn chư Thiên đắc Vô sanh pháp nhẫn, sáu ngàn Bồ-tát sạch hẳn các lậu, tâm được giải thoát.

    Phật bảo Xá-lợi Tử:

    - Sáu ngàn Bồ-tát trong chúng này từng ở chỗ năm trăm đức Phật quá khứ gần gũi cúng dường. Tuy tu bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự nhưng không giữ gìn phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, phát sanh nghĩ tưởng sai khác, tu hạnh sai khác, nên đời này chỉ nghe pháp lớn mà tâm sạch các lậu, được giải thoát.

    Rỗng không, không có mười phang,
    Ta về yên lặng ..... đạo tràng Chân Như !

  10. #20
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts
    KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
    Quyển 561
    __________________________________________________ ______________________________________


    Xá-lợi Tử! Các chúng Bồ-tát tuy có đạo Bồ-tát: Không, vô tướng, vô nguyện nhưng không giữ gìn phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, liền chứng Niết-bàn, rơi ở địa vị Thanh văn, Độc giác.

    Xá-lợi Tử! Ví như có con chim, thân nó to lớn từ một trăm cho đến năm trăm do-tuần, lông cánh của nó chưa đủ, hoặc đã suy yếu. Con chim này từ trên cõi trời Ba mươi ba nhào thẳng xuống châu Thiệm-bộ. Giữa đường nó nghĩ: Ta nay muốn quay về trên cõi trời Ba mươi ba. Ý ông thế nào? Con chim này có thể về lại cõi trời Ba mươi ba được không?

    Xá-lợi Tử bạch:

    - Kính bạch Thế Tôn! Không.

    Phật bảo Xá-lợi Tử:

    - Con chim này giữa đường hoặc ước muốn: Ðến châu Thiệm-bộ sẽ khiến cho thân ta không bị tổn hại, không bị đau đớn, ý ông thế nào? Ước muốn của con chim này có được thỏa mãn không?

    Xá-lợi Tử bạch Phật:

    - Kính bạch Thế Tôn, không! Con chim này khi tới châu Thiệm-bộ, thân nó nhất định bị tổn hại, đau đớn, hoặc chết, hoặc gần chết. Vì sao? Vì thân của nó lớn, lông cánh chưa đủ, hoặc đã suy yếu, lại từ trên cao rơi xuống vậy.

    Phật bảo Xá-lợi Tử:

    - Có thiện nam tử v.v... Bồ-tát thừa cũng như thế, tuy phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, đã trải qua số đại kiếp như cát sông Hằng, siêng tu bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, cũng tu giải thoát môn: không, vô tướng, vô nguyện nhưng không giữ gìn phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, liền chứng Niết-bàn, rơi vào địa vị Thanh văn hoặc Độc giác.

    Xá-lợi Tử! Các Bồ-tát này tuy nghĩ nhớ giới uẩn cho đến giải thoát tri kiến uẩn của chư Phật ba đời nhưng tâm thủ tướng, không biết như thật về công đức chơn thật của năm uẩn như thế, chỉ nghe danh tự suông, thủ tướng, chấp trước, hồi hướng Bồ-đề, bèn rơi vào địa vị Thanh văn hoặc Độc giác. Vì sao? Xá-lợi Tử! Vì các Bồ-tát này xa lìa phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa nên như thế.

    Xá-lợi Tử bạch Phật:

    - Bạch Thế Tôn! Như con hiểu nghĩa Phật dạy: Nếu các Bồ-tát xa lìa phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa thì tuy đầy đủ vô lượng tư lương phước đức, nhưng đối với Bồ-đề hoặc đắc, hoặc chẳng đắc. Thế nên Bồ-tát muốn đắc Bồ-đề thì nhất định chẳng nên xa lìa phương tiện thiện xảo của Bát-nhã ba-la-mật-đa.

    Khi ấy, Phật bảo Xá-lợi Tử:

    - Đúng như vậy! Đúng như vậy! Như lời ông nói.

    Quyển 561

    HẾT

    Rỗng không, không có mười phang,
    Ta về yên lặng ..... đạo tràng Chân Như !

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 3 người đọc bài này. (0 thành viên và 3 khách)

Chủ đề tương tự

  1. KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA _ Từ quyển 221 đến quyển 230
    Gửi bởi chimvacgoidan trong mục Bát nhã Tạng
    Trả lời: 143
    Bài cuối: 09-08-2016, 09:52 AM
  2. KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA _ Từ quyển 51 đến quyển 60
    Gửi bởi chimvacgoidan trong mục Bát nhã Tạng
    Trả lời: 135
    Bài cuối: 03-20-2016, 08:05 PM
  3. KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA _ Từ quyển 41 đến quyển 50
    Gửi bởi chimvacgoidan trong mục Bát nhã Tạng
    Trả lời: 146
    Bài cuối: 03-07-2016, 05:01 PM
  4. KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA _ Từ quyển 31 đến quyển 40
    Gửi bởi chimvacgoidan trong mục Bát nhã Tạng
    Trả lời: 107
    Bài cuối: 02-26-2016, 08:29 AM
  5. KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA _ Từ quyển 21 đến quyển 30
    Gửi bởi chimvacgoidan trong mục Bát nhã Tạng
    Trả lời: 123
    Bài cuối: 02-15-2016, 11:21 AM

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •