DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 3/18 ĐầuĐầu 1234513 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 21 tới 30 của 176
  1. #21
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    TU HỌC VÀ CÁC NGHI LỄ
    __________________________________________________ ______________________________________


    Cao hơn một chút có một cái đền nhỏ, cứ theo giờ nhất định trong ngày, nó lại phát ra một thứ tiếng rất trầm ngâm của lễ nghi tụng niệm. Bị tiết điệu lôi kéo mà thỉnh thoảng có nghe tiếng kim loại chạm nhau, tôi leo lên đến đền và nghe tiếng tụng của một tu sĩ, rõ là ông đang tụng niệm hàng ngày. Sau đó vì sợ phiền tôi vội rút lui. Mấy ngày sau tôi mới có dịp xin ông được thăm nơi chốn thiêng liêng này, nơi này khác với ngôi đền chính là mọi người không được bước vào.

    Tôi thấy ngay lý do. Ngôi đền nhỏ này chứa đầy các vị thần dữ tợn, hiện thân của năng lượng hoại diệt và thay đổi, các vị này hiện ra đáng sợ cho những ai bám víu vào vật thể thế gian và danh sắc của chúng, còn đối với ai đã hiểu tự tính của sự vật thì đó là năng lượng của giải thoát khỏi ngục tù, đại diện cho sự chiến thắng của tự thân - đó là sự chuyển hóa thoát khỏi cái vô minh tối tăm và vòng vây của cái Ngã. Các vị đó là hiện thân của tri kiến cao tột, nó như một tia chớp hủy diệt tất cả những gì đã ngăn cản ta chứng nghiệm một thực tại vượt trên tư duy khái niệm, như đã xảy ra một kẻ tầm đạo ở Sais, người vì tò mồ đã lột khăn che mặt của một pho tượng Isis: “Sự phẫn nội sâu xa đã chôn vùi y dưới hố sâu”.

    Đây là lý do tại sao nhiều pho tượng của các vị Thần phẫn nộ (một dạng của thực tại) trong các đền riêng biệt lại che mặt và chỉ những kẻ đã quán đỉnh rồi mới được vào; vì chỉ với họ thì lực lượng này hay dạng này của thực tại cũng chính là biểu hiện của Giác ngộ như những hiện thân từ bi khác của Phật và Bồ-tát - trong tự tính sâu xa nhất - thì hai dạng này quả là một. Qui luật của vũ trụ (Pháp) thì hiền hòa và hỗ trợ cho những ai chấp nhận nó, nhưng lại dữ tợn cho những ai đi ngược lại và phủ nhận nó. Sức mạnh của ánh sáng hay của giải thoát, sức mạnh đưa ta đến Giác ngộ, hiện ra với kẻ chống lại ánh sáng và thực tại trong dạng đáng sợ: và vì thế mà những dạng này được gọi là “Hộ pháp” và được người đã quán đỉnh, người đã hiểu ý nghĩa ẩn mật của chúng, gọi là “Thần bảo hộ” (yidam).

    Thêm một điều bí ẩn nữa cho tôi phải tìm hiểu. Đó là một tòa nhà có dạng như một ngôi đền, lớn hơn ngôi đền của các Thần bảo hộ nhưng lại nhỏ hơn mọi căn nhà khác của tu viện. Nó có hình vuông, mái sơn vàng cong lên theo kiểu Trung Hoa và có một mái hiên đóng kín, cột che kín, thành ra không thể nhìn vào được. Cửa vào duy nhất là cửa sau nhưng luôn luôn khóa chặt.

    Điều làm tôi tò mò và thấy kỳ diệu là căn nhà này lại thông với ngôi đền chính nằm thấp hơn bằng một tràng hoa của những hạt giống gần như trong suốt, trắng bạc của một giống cây mà tôi không biết đến. Khi hỏi Katschenla, ông trả lời tôi bằng một giọng đầy kính sợ và bí ẩn rằng nơi đó có vị “Đại Lạt ma”, người đó là một vị Phật rồi, đang thiền định. Ông nói giọng thì thào ra chiều như đang ở gần vị “Đại lạt ma” đó và mặc dầu không hỏi được vị đó là ai và tất cả mọi chuyện thế nào nhưng tôi bắt đầu suy nghĩ: phải chăng không khí đầy năng lượng này của tu viện và sự chuyển hóa tâm thức trong tôi mà tôi đã thấy, phải chăng những điều đó có mối liên hệ gì với sự hiện diện của vị lạt ma này? Sự thực là Katschenla - mà lòng tốt và sự thành thật của ông đã gây ấn tượng sâu sắc nơi tôi, - đã nói về vị này một cách kính cẩn, làm tôi ao ước trở thành đệ tử của vị đó. Khi nói với Katschenla điều đó, ông đồng ý ngay và hứa sẽ báo cho sư trưởng điều này để sư trưởng tùy cơ mà báo lại cho vị Lạt ma.

    Om Mani Padme Hum !

  2. #22
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    VỊ ĐẠO SƯ XUẤT HIỆN
    __________________________________________________ ______________________________________


    VỊ ĐẠO SƯ XUẤT HIỆN


    Một hai tuần trôi qua. Tôi không rõ vị sư trưởng có báo gì cho vị Lạt ma không. Thế nhưng ngày nọ - khi thiền định trở về từ một hang động phía bên kia đỉnh núi, dưới Tschorten - thì tại chỗ của tôi trong đền có một quả xoài thuộc giống ngon và quí, giống này chỉ mọc ở bình nguyên Ấn Độ và mùa này bắt đầu chín. Tôi không tin mắt mình khi nhìn thứ trái cây sang trọng này và càng không thể hiểu làm sao nó đã đến được đây. Katschenla đến thăm tôi, mặt hớn hở, chỉ tay hướng nhà thiền định nọ và nói đó là tặng vật của vị Đại lạt ma. Chưa bao giờ trong đời tôi nhận được quà tặng quí báu như thế, vì nó báo cho tôi rằng mong ước của tôi được chấp nhận và tôi trở thành học trò (Tschela) do vị đạo sư tâm linh vĩ đại này đích thân dạy dỗ.

    Katschenla chung vui toàn vẹn với tôi và tôi quyết chí đợi vị đạo sư, dù kéo dài bao lâu cũng mặc, cho đến khi ông chấm dứt thiền định mà tôi nghe nói có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng. Nhưng tôi tin tưởng đáng công đợi, dù cho đời suốt đời để tìm ra được vị thầy đích thực, tức là người không phải chỉ truyền cho ta tri kiến suy luận mà là người thầy, dựa trên chính sự chứng thực của mình mà đánh thức được sức mạnh tâm linh của trò và dẫn trò đến sự viên mãn. Từ “Guru” thường được thầy dịch là “thầy”, nhưng trong thực tế không có từ nào tương đương trong các ngôn ngữ châu Âu; vì “Guru” cao hơn hẳn “thầy” trong nghĩa rộng của từ này. Một vị thầy cho kiến thức, còn một Guru cho hẳn con người mình. Giáo pháp sâu nhất của một Guru không phải là chữ nghĩa của ông mà là điều không nói ra được, vì ông vượt lên phạm vi của ngôn ngữ. Vị Đạo Sư[9] là niềm cảm hứng, nói theo nghĩa đen, có nghĩa ông là con người đã cho ta tâm thức sinh động của bản thân mình.

    Tương tự như thế thì từ “Tschela” có nghĩa là cao hơn “trò” trong nghĩa thông thường, tức là người chỉ học một khóa học. Đó là người đệ tử, nó có một mối liên hệ tâm linh sâu kín với đạo sư của mình - một mối liên hệ được thiết lập bằng lễ Điểm đạo, trong đó một sự trao truyền sức mạnh tâm linh sẽ diễn ra. Sự trao truyền đó hiện thân bằng một câu thần chú và người đệ tử bất cứ lúc nào cũng được gọi đến, nhờ thế mà họ giữ được một mối liên hệ thường xuyên với đạo sư của mình.

    Sức mạnh tâm linh nói ở đây không phải là lực lượng vượt trên ý thức của trò mà là khả năng của đạo sư cho phép trò chia sẻ chứng thực của mình, sự chứng thực chỉ có trong một tình trạng ý thức và chứng ngộ cao hơn thông thường. Nhờ thế mà trò được trải qua hoặc có được một tri kiến chớp nhoáng về tự tính của mục đích muốn tới, để cho trò không chỉ hướng đến một ý niệm mơ hồ mà một thực tại đã thấy và đã chứng thực. Một khả năng như thế chỉ đạt được sau một đời chuyên tâm thiền định và cứ sau mỗi thời kỳ hoàn toàn độc cư và đại định thì khả năng dó lại tăng trưởng lên, như nước dồn lại trong hồ sẽ tích thêm năng lượng.

    Điều này rất rõ đối với tôi trong ngày mà vị Đại lạt ma - hồi đó tên của ông chưa mang ý nghĩa gì với tôi, nhưng ông không ai khác hơn là Tomo Gésché Rimpotsché - lần đầu rời ngôi đền sau nhiều tuần thiền định. Từ sáng sớm tôi đã thấy hoạt động bất thường của tu viện, hầu như số người tăng gấp đôi gấp ba. Thật là bí ẩn khi nhiều tu sĩ từ đâu lại nhưng xem ra họ thuộc về tu viện mà không sống trong các bức tường tại đây. Ngay cả những người tôi biết trước nhưng hôm nay xem ra thay đổi, không phải chỉ vì họ mặc áo quần đẹp nhất, mà vì họ hết sức sạch sẽ, tắm rửa nghiêm túc.

    Om Mani Padme Hum !

  3. #23
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    VỊ ĐẠO SƯ XUẤT HIỆN
    __________________________________________________ ______________________________________


    Mọi người ngồi kín các hàng ghế dài trong đền, dù đã mang thêm ghế vào. Các nồi nấu trà và xúp sôi sùng sục trong bếp bên cạnh đền, chuẩn bị được đưa vào trong lúc nghỉ. Chính điện được chiếu sáng bằng hàng ngàn ngọn đèn dầu và từng bó nhang cháy bốc lên từng đám mây thơm lừng và cho một đám khí xanh trên đầu các bức tượng.

    Thình lình có âm thanh tù-và trầm như tiếng sấm xen lẫn với tiếng xạp-xỏa và tiếng trống chậm rãi. Hai cánh cửa đền mở rộng và Tomo Géché Rimpotsché bước vào, hai bên là hai Lạt ma áo quần trang nghiêm, đầu đội mũ cao. Thân choàng một khăn lụa vàng (áo choàng truyền thống của tu sĩ Phật giáo), người ta trải dưới chân ông một tấm nệm cầu nguyện. Ông chắp hai tay cao hẳn trên đầu để cúi chào các bậc Giác ngộ, quì xuống nệm, trán chạm đất. Ông lặp lại nghi lễ này ba lần trong lúc toàn bộ các tu sĩ tụng niệm. Tiếng tụng niệm ngân nga trầm lắng tạo nên âm thanh đều đặn lẫn trong những tiếng xập-xỏa thúc giục và xuyên khắp qua hai cửa vang vọng từ bên ngoài vào.

    Sau khi vị đạo sư tế lễ xong, người ta đội cho ông một cái mũ vàng, đầu nhọn, tượng trưng cho đạo vị cao cấp. Rồi ông đi giữa những hàng ghế và ngồi lên tòa, cao hơn một chút so với vị sư trưởng, người đại diện cho ông khi ông vắng mặt. Khi ông đi giữa điện, một sự yên lặng sâu xa ngự trị trong tất cả mọi người. Tất cả ngồi bất động và hầu như bị tê dại bởi sự có mặt huyền bí của một con người, người đã truyền cho cả ngôi đền một sức mạnh tập trung của tâm thức thanh tịnh sau nhiều tuần nhập định. Tôi bắt đầu hiểu ngộ điều Katschenla nói, rằng vị Đại lạt ma là một với các vị Giác ngộ, chư Phật.

    Khi vị đạo sư ngồi trên tòa thì vị sư trưởng bắt đầu tụng niệm với một giọng rất trầm, trầm đến nỗi ta phải hỏi đây là tiếng từ lồng ngực con người hay từ tầng sâu của trái đất. Sau dó là tiếng tụng của Tu sĩ và các Tiểu tăng; tiếng cao của người trẻ, tiếng thấp của người già và tiếng rất trầm xuyên suốt của vị Sư trưởng làm thành một tiết điệu hoàn hảo. Sau đó âm thanh tụng niệm ngày càng cao, điểm thêm tiếng trống, cao dần rồi ngưng bặt để chỉ còn nghe thấy tiếng của Sư trưởng. Sau đó toàn bộ Tu sĩ lại tụng niệm, âm thanh đạt tới một đỉnh cao khác, lẫn với tiếng kim khí lao-xao và tiếng trống trầm ấm, lại dứt hẳn để chỉ nghe tiếng của Sư trưởng. Tiết điệu thay đổi lên xuống này, khi thì im lặng sâu lắng, khi thì dồn dập cao tột, trong đó cái im lặng mở đường cho cái dồn-dập, cái vô thanh là tổng số mọi âm thanh, làm cho người có mặt liên tục bị một áp lực sống động, ở trong một trạng thái của tâm linh và xả bỏ. Thế nên sau đó bài giảng và phép lành của Tomo Gésché Rimpotsché hầu như gặp một vùng đất tốt.

    Om Mani Padme Hum !

  4. #24
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    NHẠC LỄ TÂY TẠNG
    __________________________________________________ ______________________________________


    NHẠC LỄ TÂY TẠNG


    Loại nhạc lễ sâu lắng, đầy tác dụng tâm linh của Tây Tạng, là âm thanh nền của các buổi giảng đạo, không được xây dựng nên bởi tiết tấu mà chủ yếu là nhịp điệu và tác dụng của các chủng âm - tôi dám nói là của các chủng âm nguyên thủy [10] mà mỗi âm đó được một nhạc cụ chuyên biệt trình bày. Các nhạc cụ đó không hề bắt chước các biến hiện của giọng hát hay xúc cảm của con người mà đại diện cho cách diễn tả trọn vẹn của những hiện tượng cơ bản của tự nhiên, trong đó thì giọng người chỉ là một trong nhiều loại dao động, các dao động đó làm nên những bản hào ca tạo thành âm điệu của vũ trụ.

    Bản hòa ca này không tuân thủ qui luật của phép hòa ca theo nhạc lý phương Tây, thế nhưng nó mang lại một hiệu ứng tổng thể, hiệu ứng này không phải không có nhịp điệu, vì cái tất cả thực ra cũng có phép tắc nhất định và cho thấy một sự song song giữa các yếu tố âm thanh ở các mức độ khác nhau.

    Mặc dù bị âm nhạc tác động sâu sắc, nhưng tôi không đủ trình độ để có một phân tích chuyên môn hay một mô tả khách quan về kỹ thuật cả âm nhạc Tây Tạng. Thế nên tôi chỉ có thể nói về quan sát và phản ứng cảm tính của mình bằng những câu đơn giản. Điều đáng nói là tính cách sơ lược của các tường trình ngắn ngủi về nhạc Tây Tạng mà tôi đọc thấy trong các sách chỉ dẫn du lịch làm tôi tin rằng, hoặc là ngôn ngữ âm nhạc phương Tây không phù hợp để diễn tả tính cách độc đáo của nhạc Tây Tạng, hoặc là những người muốn trình bày nó không đủ sức nắm lấy cái thần của nó.

    Muốn làm được điều này, người ta phải quen với thực tế tôn giáo và tự nhiên tại nơi mà nền âm nhạc này lớn lên. Người ta phải sống lâu tại đây, phải tham dự vào cuộc sống tinh thần và cảm xúc, mà âm nhạc là cách diễn tả trực tiếp.

    Phật giáo Tây Tạng xem con người không phải là một thể sống riêng lẻ, mà nằm trong mối liên hệ với cái nền vũ trụ. Thế nên, âm nhạc tế lễ của Tây Tạng không nói đến những cảm xúc nhất thời của một cá thể mà thể tính vô thủy vô chung, miên viễn của đời sống vũ trụ, trong đó cái vui buồn riêng tư của ta không đóng vai trò gì. Với thể tính đó, ta gặp lại suối nguồn của thực tại trong tự tính sâu kín nhất của ta. Đây không phải chỉ là cái cốt yếu của thiền định Phật giáo mà cũng là của âm nhạc tế lễ Tây Tạng, nó xây dựng trên sự rung động sâu xa nhất mà một nhạc cụ hay giọng người đủ sức diễn tả: những âm thanh hầu như tiếng sấm động - chủng âm thiêng liêng của tự nhiên, mà sự dao động của nó đại diện cho nguồn sống của hết thảy mọi vật trong vũ trụ. Chúng tạo ra cái nền móng mà trên đó âm thanh cao hơn hay những tiếng đập của nhạc cụ bằng gỗ mới trổi dậy, như dạng hình của loài hữu tình xuất hiện từ các năng lực cơ bản của tự nhiên - người ta ý thức những năng lực đó không nơi đâu mạnh bằng các dãy núi hùng vĩ và các cao nguyên ngút ngàn và cô tịch ở Tây Tạng.

    Om Mani Padme Hum !

  5. #25
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    NHẠC LỄ TÂY TẠNG
    __________________________________________________ ______________________________________


    Như giọng trầm của người chỉ huy đã cho đoàn nhạc công nền móng và mở đầu bài giảng, rồi cuối mỗi đoạn lại trở về với giọng trầm; thì tương tự thế, chiếc kèn tù-và bằng đồng dài bốn mét là gốc gác, là điểm xuất phát của dàn giao hưởng. Loại kèn luôn luôn được thổi từng cặp, để cho chiếc này vừa dứt thì chiếc kia thổi lên. Và như thế mà ta luôn luôn có một tiếng kèn liên tục, có lên có xuống, trong sức mạnh và chiều sâu của nó nghe như một đại dương của âm thanh tràn trong không gian. Và trên mặt đại dương đó mà chủng âm của nó là OM, gốc của mọi âm thiêng liêng, thì gió đã tạo ra đời sống cá thể bằng cách làm thành vô số những sóng lớn sóng nhỏ, như những âm thanh của nhạc cụ gỗ, chúng sinh động và đầy tiết điệu.

    Giọng trầm mà vị Sư trưởng bắt đầu và làm nền cho buổi lễ không gì khác hơn chính là sự nhắc lại của chủng âm thần chú này, vì buổi giảng đạo chủ yếu (dù không phải mọi lúc) có tính cách chú nguyện, nhất là trong phần đầu và phần cuối của mỗi đoạn. Tất cả những câu chú nguyện quan trọng của phần tụng niệm được sự tham gia của chuông và trống nhỏ.

    Ngược với tiếng kèn không nhiều thì ít có tính tĩnh tại thì tiếng đập và tiếng xập xỏa đại diện cho yếu tố động của dàn nhạc. Tiết điệu dĩ nhiên phải thay đổi theo từng đoạn tụng niệm, nhưng - đây là điều quan trọng về tính chất âm nhạc và cảm xúc, vì là một cảm giác của sự giải thoát sinh ra từ áp lực lúc đầu còn chậm về sau nhanh dần - đến đoạn cuối cùng của buổi lễ thì tiết điệu nhạc nhanh dần - đến đoạn cuối của buổi lễ thì tiết điệu nhạc nhanh dần lên, đến lúc nó trổ vào đoạn chung cuộc. Nơi đó thì tiếng xập xỏa mang lại một âm thanh kim loại, quay cuồng, thắng lợi, vươn cao hơn tất cả tiếng đập chạy ầm ầm phía dưới và chấm dứt bằng một tiếng xập xỏa vang dội. Sau đó lại bắt đầu một chu trình mới, chậm rãi của một đoạn tế lễ khác.

    Khi tiếng kèn hay giọng trầm của con người bắt chước chủng âm vũ trụ, trong đó ta chứng cái vô cùng của không gian thì tiếng trống đại biểu cho tính hữu hạn của cuộc sống và vận động, chúng tuân thủ nguyên lý cao nhất của mọi sinh cơ, tuân thủ chu trình nội tại của chúng, đó là chu trình sáng tạo và phân hủy, phân tích và tổng hợp, hóa hiện và thu hồi, sinh thành và hoại diệt; chúng đạt đỉnh cao trong hữu hiện và giải thoát.

    Nếu tiết điệu trong lễ nhạc Tây Tạng đóng vai trò quan trọng của âm hưởng vô thường trong đời sống cá thể thì nhịp điệu của âm nhạc lại nói lên cơ cấu và ý nghĩa đích thực của nó. Với tiếng trống hay tiếng đập, người Tây Tạng (hẳn là cả người phương Đông nói chung) nói lên cảm xúc hoàn toàn khác với ở phương Tây, là nơi không thấy đó là một nhạc cụ cơ bản hay độc lập. Trong thời đầu của văn hóa Ấn Độ, ý nghĩa của tiếng trống có thể được thấy qua một ẩn dụ quan trong của Phật, trong đó Ngài so sánh qui luật trường cửu của vũ trụ như nhịp điệu của tiếng trống, đó là lời đầu tiên sau khi giác ngộ, Ngài nóí về “tiếng trống bất tử” (amata dundubhin) vang lên cho toàn thế giới.

    Chính vì không theo dõi được hết tất cả chi tiết của buổi tế lễ dưới sự hướng dẫn của Tomo Géshé Rimpotsché, nên sáng hôm đó tôi tập trung nghe tiếng ca nhạc và lưu ý tác động của buổi lễ đó làm tôi có khả năng cảm thụ lớn nhất. Trong những tuần trước dù đã tham gia nhiều buổi lễ nhưng chưa bao giờ tôi được sống trong một tình trạng hoàn hảo và hòa điệu như thế. Tất cả những người tham dự ngày hôm đó hầu như tràn đầy sự hiện diện của một tâm thức cao hơn – như tôi cảm nhận, là thống nhất trong ý thức bao trùm tất cả của một vị đạo sư, để cho tất cả hành động của họ đều hòa hợp với nhau, tụng kinh hay niệm chú, hầu như tất cả đã tan chảy, hòa chung vào một thân duy nhất.

    Om Mani Padme Hum !

  6. #26
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    GẶP GỠ ĐẠO SƯ
    __________________________________________________ ______________________________________


    GẶP GỠ ĐẠO SƯ


    Tôi vui mừng biết bao khi được gặp hiện thân của ý niệm xa vời đó thật sự ở ngay trước mắt mình: một con người, mà bất cứ những ai được tiếp xúc đều được học hỏi, chỉ sự hiện diện của ông đã gây ấn tượng và đúng như kinh sách thường nói, hãy chứng thực ngay tại đây và bây giờ như trong những ngày Phật còn tại thế.

    Số phận đã dành cho tôi một cơ hội lớn lao được gặp một người như thế, được tiếp xúc sống động với cái tâm thức đã tạo nên tâm chư Phật và các vị thánh nhân trong quá khứ cũng như sẽ tạo nên tâm các vị khác trong tương lai.

    Tôi được gặp vị đạo sư sớm hơn mình chờ đợi. Lần gặp đó diễn ra trong một phòng thờ nhỏ tại lầu trên của Labrang (tòa nhà chính của tu viện), nơi ở của vị đạo sư mỗi khi ông lưu lại Yi-Gah Tschor-Ling; và những lúc ông vắng mặt, nơi đó vẫn được xem là chốn thiêng liêng không ai được ngồi, dù chỉ rất ngắn và lúc ông vắng mặt thì được thay đổi bởi bộ áo lễ dựng đứng, biểu hiện sự hiện diện tâm linh của ông. Vì nơi đây là chỗ ông hằng ngày quán tưởng và trải qua vô số giờ thiền định. Ngay ban đêm ông cũng ngồi thiền định trong thế liên hoa. Chỗ ngồi này không cho phép ông nằm hay duỗi chân. Đó là một khung hình vuông, trong đó có nhiều gối cứng. Phía dưới chỗ ngồi có đường viền che ba phía, phía thứ tư là lưng dựa có trang trí bằng bánh xe chính pháp và các biểu tượng khác. Phía trên chỗ ngồi là hình bầu trời với bảy màu, tượng trưng cho hào quang của Phật.

    Toàn bộ gian phòng này toát ra không khí của an bình và vẻ đẹp, là hơi thở của một nhân cách, của sự hòa hợp không những về mặt thiện mỹ mà sự bày tỏ tự nhiên của một cuộc sống hoàn toàn hướng về tâm linh. Ngoài ra các bức tranh tôn giáo đẹp chi li kỹ lưỡng, lòng trong khuôn đem từ Trung Quốc qua, hòa hợp với màu sắc thanh nhã của loại thảm Tây tạng bọc các ghế ngồi xung quanh bàn nhỏ uống trà. Phía kia của gian phòng là các bức tượng thếp vàng với trình độ thủ công xuất sắc để trong các lồng kính, xung quanh khắc họa hình rồng và các hình nổi khác. Phần dưới của bệ thờ gồm có nhiều cửa, nhô ra một chút để có thể đặt trên đó chén đựng nước và đèn dầu, tất cả đều bằng bạc. Trong phòng không có một vật gì mà không mang biểu tượng hay chức năng của một đời sống tâm linh và cũng không có gì gọi là của riêng của bậc đạo sư [11]. Sau khi ông đã rời bỏ thân người lần này, theo chỉ thị của ông, người ta cho tôi đặc quyền vô song là được ở trong phòng này – và tôi thấy lại tất cả những gì như hồi ông còn hiện diện. Ngay cả một tách trà bằng ngọc để trên một đĩa bạc mà mỗi ngày người ta còn rót trà nóng cũng như các pháp khí khác như kim cương sử, chuông, bình bát và các thứ khác cũng còn nằm tại chỗ cũ, trước chỗ ngồi của ông.

    Nhưng tất cả chi tiết này đều hòa nhập trong một ấn tượng chung của an bình và hòa hợp của ngày đầu tiên đó. Tôi cúi mình trước đạo sư và ông đặt hai tay trên đầu tôi: hai bàn tay mà chỉ cần đặt nhẹ lên đầu là đã có môt luồng điện của sự an lạc chạy khắp người và phủ khắp tôi, để tất cả những gì tôi định nói hay hỏi ông bỗng biến mất khỏi tâm mình như sương mù dưới ánh mặt trời. Chỉ riêng sự có mặt của con người này đã đủ để phá tan mọi sự thể, biến nó thành không – như bóng đêm gặp ánh sáng.

    Om Mani Padme Hum !

  7. #27
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    GẶP GỠ ĐẠO SƯ
    __________________________________________________ ______________________________________


    Khi ông ngồi trước mắt tôi, dưới hình vẽ bầu trời, trong bộ áo đơn giản đỏ sậm của một tu sĩ Tây Tạng, thật khó đoán tuổi ông, dù lúc đó chắc ông không dưới tuổi 65. Tóc cạo ngắn của ông vẫn còn đen và thân ông khỏe mạnh, thẳng người. Khuôn mặt ông cho thấy một tính cách mạnh mẽ, nhưng cái nhìn thân thiện và khóe miệng hướng lên hầu như sắp mỉm cười làm tôi thấy tin tưởng.

    Điều đáng lạ lùng là không ai chụp hình được Tomo Géché Rimpotsché, mặc dù trong thời gian ông đi hành hương tại các thánh địa Ấn Độ, nhiều người đã lén chụp hình vì biết ông không đồng ý. Kết quả luôn luôn như nhau: hoặc là người ta thấy phim không ảnh hay hình mờ hẳn đi, hay là có điều gì xảy ra. Dù nguyên nhân thế nào thì khuôn mặt của vị đạo sư không thể ghi lại trên phim. Ông từ chối mội sự thần thánh hóa và không muốn con người mình là đối tượng của một sự tôn thờ.

    Trong ngày nhận tôi làm đệ tử, ông nói: “Nếu con muốn ta là thầy thì hãy đừng nhìn vào cá nhân ta, vì mỗi một cá nhân đều có hạn cuộc và bao lâu ta còn quan sát thấy sự thiếu trọn vẹn ở một người khác, thì bấy lâu ta còn tự đánh mất khả năng học hỏi từ người đó. Hãy nhớ rằng, mỗi loài đều mang trong mình tia sáng của Phật quả, thế nhưng khi ta chú ý đến sai trái của người khác thì ta tự đánh mất ánh sáng toát ra từ người đó, thông qua người đó mà đến với ta, dù cường độ của nó có khác nhau giữa người này người kia.

    Hiển nhiên khi tìm một vị đạo sư ta phải tìm người đáng tin cậy; nhưng khi đã tìm ra người đó, ta phải xem tất cả những gì mà thầy dạy cho ta đều là ơn phước của Phật cả. Ta không xem lời nói của thầy từ thầy mà ra, mà là tiếng của Phật, đáng được tôn quí. Khi con cúi đầu trước thầy, không phải con tôn thờ xác thân có hạn mà thờ Phật, tôn quí vị đạo sư vĩnh cửu, người đã truyền chánh pháp thông qua ngôn từ của một người thầy mang nhân trạng, đó là một đơn vị sinh động trong một chuỗi những vị nhập dòng, người truyền pháp từ thầy qua trò, từ thuở của Thích-Ca Mâu-Ni cho đến ngày hôm nay. Những người truyền giáo pháp chính là bình chứa và nếu họ thông hiểu và tự chứng thực thì họ chính là hiện thân của pháp.

    Cái làm nên vị đạo sư không phải là trình độ tâm linh, chẳng phải thân thể, chẳng phải ngôn từ mà chính là thực tại, cái tuệ giác, thứ ánh sáng nằm trong người đó. Người đó càng chứa nhiều thứ đó, khi thứ đó càng sinh động, thì hình dạng lẫn hành động người đó càng phù hợp với nó, người học trò càng dễ nhận ra vị Phật trong thầy mình. Vì thế mà học trò hết sức cẩn trọng trong việc lựa đạo sư cho mình; cũng như thế, mà thầy lựa trò cho mình.

    Thế nhưng ta không bao giờ quên rằng, trong mỗi con người có một tâm Bồ đề luôn luôn hiện diện (vì thế mà tôi hay gọi “tia chớp” của tâm giác ngộ thay vì gọi tư tưởng giác ngộ, tia chớp đó sinh ra khi tiềm năng này trở thành ý thức) và chỉ sự mù quáng của chính ta ngăn trở mình nhận ra nó. Ta càng bất toàn thì càng có khuynh hướng thấy sai trái nơi người khác, trong lúc những người đã đạt tri kiến sâu xa thì lại thông qua những sai trái đó mà thấy tự tính của mọi loài khác. Thế nên những người vĩ đại nhất cũng là người thấy cái linh thể nơi người khác, là người luôn luôn tôn kính cả những người tầm thường nhất.

    Bao lâu ta coi khinh mọi người, xem người là thấp kém, bấy lâu ta không có tiến bộ. Vì thế khi ta hiểu rằng, mình sống đúng trong thế giới xứng đáng cho mình, ta sẽ cảm nhận sai trái của mọi người là của chính mình – dù nó có xuất hiện không trực tiếp từ nơi ta mà ra. Đó chính là nghiệp của mình phải sống trong thế giới bất toàn này, nói cho cùng thì thế giới này là do ta tự tạo. Chỉ có thái độ đó mới giúp ta vượt được khó khăn của mình, vì nó thay sự phủ định vô bổ bằng một năng lực tích cực để tới sự hoàn thiện, nó không những làm cho ta xứng đáng với một thế giới tốt đẹp hơn, mà còn đưa ta trở thành người tạo tác cho sự sáng tạo đó”.

    Sau đó vị đạo sư tiếp tục giải thích các điều kiện tâm linh tiên quyết và các phép thiền định để tạo nên được thái độ tích cực và sáng tạo đó. Lòng từ bi thương người – không phải chỉ biết đau khổ theo người mà cũng biết vui sướng cùng người – đối với tất cả loài hữu tình, theo ông là sự chuẩn bị đầu tiên cho phép thiền định vì nó sẽ loại bỏ những giới hạn thuộc về cảm tính và tư duy do ta tự tạo. Muốn được thái độ này ta phải biết xem mọi loài là mẹ đẻ hay con ruột của chính mình – trong vũ trụ này không có sinh vật nào mà không từng là bà con ruột thịt với ta trong vô lượng kiếp. Để biết quý từng khoảnh khắc của đời sống, ta cần luôn tâm niệm rằng, mỗi một chớp mắt có thể là giây phút cuối của đời mình, không dễ gì có lại. Ngoài ra ông chỉ thêm rằng, những gì ta biết về thiền định qua sách vở không hề so sánh được với sự chứng thực trực tiếp và với tác dụng tâm linh của đạo sư, miễn là ta biết thành tâm rộng mở tấm lòng với ông.

    Vì thế mà trong Bồ Đề Hành Kinh[12] có đoạn: “Khi tư tưởng Giác ngộ đã bắt rễ thì kẻ khổ đau bị trói buộc trong tù ngục của đời sống trở thành con đẻ của sự Giác ngộ, được Trời và Người tôn kính. Khi tư tưởng này đã chiếm thân bất tịnh của người đó thì nó sẽ biến thân đó thành viên ngọc cao quý của một vị Phật. Vì thế hãy tới với thứ nước Cam lồ đó, nó có thể chuyển hóa tuyệt diệu và mang tên là Tâm Bồ đề”.

    Om Mani Padme Hum !

  8. #28
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    ĐIỂM ĐẠO
    __________________________________________________ ______________________________________


    ĐIỂM ĐẠO


    Thật may mắn cho tôi không những được chuẩn bị bởi sự dạy dỗ kiên trì của Katschenla mà còn được một người bạn là một vị lạt ma Mông Cổ biết Anh ngữ, đã giúp tôi học hỏi kinh sách Tây Tạng, bù lại tôi chỉ cho ông tiếng Pali và thêm Anh văn. Ông đã học tập hai mươi năm trong một tu viện đại học gần Lhasa, đạt được học vị Géché và về sau cùng làm việc với nhà Đông phương học Stael-Holstein tại Bắc Kinh. Tên ông là Tubden Scherab, nhưng thường ông được gọi là “Géchéla”.

    Nhờ ông làm thông dịch mà tôi không gặp khó khăn gì để hiểu giáo pháp của đạo sư và trao đổi riêng với ông, mặc dù – tôi sớm biết – vị đạo sư không cần đến thông dịch viên vì ông đọc tư tưởng của tôi như đọc một cuốn sách đang mở. Vì biết tôi đã dành phần lớn thời gian trưởng thành của mình để nghiên cứu Phật giáo, ông không phí giờ mà giảng cho tôi những giáo lý tổng quát nữa mà đến ngay với đề tài của phép tu thiền định, điều đối với ông hệ trọng hơn mọi ý kiến thức lý thuyết. Đối với tôi, điều này từ xưa đến nay chính là khía cạnh chủ yếu của đạo Phật cũng như đời sống tôn giáo.

    Tới nay thì tôi dựa vào trực giác của riêng mình và các khai thị trong hệ Pali về việc hành trì thiền định, nhất là kinh Tứ Niệm Xứ [13](thời đó được phổ biến không phải theo phương pháp mới mà theo cách đơn điệu của trường phái Mynamar). Vì thế mà tôi hết sức quan tâm được đưa vào các phương pháp truyền thống, từng bước đi sâu vào sự chứng thực thiền định.

    Trong ngày mà Tomo Géché Rimpotsché chính thức nhận tôi làm đệ tử và quán đỉnh cho tôi bằng một buổi lễ điểm đạo, trong đó tôi nhận được thần chú đầu tiên của mình, thì một điều quan trọng trở nên rõ ràng, điều mà tôi chưa có trong cuộc đời tôn giáo của mình. Đó là một biến cố tâm linh, nó không cần bất cứ triết lý hay lý luận phải trái gì vì nó không hề dựa trên sự hiểu biết lý thuyết mà là những sự thực xảy ra và sự chứng nghiệm trực tiếp và nhờ đó mà tôi chắc rằng, mục đích mình theo đuổi không phải là một ý niệm trừu tượng do đầu óc hư cấu ra, mà là tình trạng ý thức có thể đạt tới thực, một thực tại có thể nắm bắt.

    Thế nhưng biến cố đã cho thấy thực tại có thể nắm bắt này lại quá tinh tế, vượt qua mọi so sánh, nên sự mô tả quá trình điểm đạo và những biến cố trong đó sẽ hết sức thiếu sót như ta tìm cách mô tả cảm thụ âm nhạc bằng ngôn từ. Đúng là sự mô tả chi tiết kỹ thuật và những cái gọi là “khách quan” sẽ hủy hoại cái chủ yếu, tính chất xúc cảm và nội dung đích thực của sự cảm thụ, vì sự “cảm xúc” trong nghĩa đích thực chính là cái làm tâm ta lay động, đào sâu, đánh thức nó, đưa lên một đời sống cao hơn, tới một khả năng nhận biết rộng hơn. Biểu hiện cao nhất của điều này là sự giác ngộ, sự chứng thực tự tính ánh sáng của ta, đồng thời đưa tới sự vận động tự tại, vô ngại, thanh tịnh nhưng lại bất động của tâm là vô minh – dù chúng ta do loại tư tưởng khái niệm, tham muốn hay bám giữ tạo ra. Sự bất động lại không đồng nghĩa với cái dừng chết, không có nghĩa kềm lại tư tưởng mà là dòng tâm thức không bị cản trở bởi những khái niệm tự tạo và ước muốn ích kỷ hay dòng chảy tự nhiên của nó bị chia cắt ra từng phần với hy vọng phân tích tìm hiểu nó. Điều này không có nghĩa là ta phải từ bỏ mọi tư duy khái niệm – đó là điều bất khả – mà đừng lạc lối trong đó để trở thành nô lệ của nó.

    Om Mani Padme Hum !

  9. #29
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    ĐIỂM ĐẠO
    __________________________________________________ ______________________________________


    Cũng như từng âm thanh của một tiết điệu tự nó không mang ý nghĩa gì, nó chỉ có nghĩa trong mối liên hệ với những âm trước nó và sau nó – chúng là thời khắc của một sự vận động đầy ý nghĩa sinh động, không bị ngăn chận, những âm thanh đó cũng như bản thân tiết điệu không bị phá hủy; cũng tương tự như thế mà ta không thể tách những khái niệm hay biến cố đơn lẻ ra khỏi khung cảnh hay dòng chảy của tư tưởng hay cảm xúc được biến cố của lễ điểm đạo, tìm cách hiểu nó bằng khái niệm và suy luận thì ta chỉ có những phần tử chết trong tay chứ không phải “sợi dây tâm thức”, cái làm cho chúng có sức sống. “Sợi dây tâm thức’ này được người Tây Tạng gọi là dam-ts'hig. Đó là mối liên hệ nội tại giữa thầy với trò (cũng như mối liên hệ giữa những cái thiêng liêng và con người – dù nó xuất hiện dưới bất kỳ dạng nào), biểu thị sự vận động nội tại và chứng thực mà trên đó mối liên hệ được xây dựng.

    Quá trình của lễ điểm đạo không chứa đựng điều gì bí ẩn, nhưng nó không thể trao truyền vì mỗi người phải tự nếm trải. Khi cố trình bày những điều vượt quá ngôn từ, ta chỉ kéo những điều thiêng liêng hạ xuống mức tầm thường, đánh mất cái “sợi dây” đó và không lợi gì cho ai. Với lời nói, ta chỉ hủy phá cái nhiệm mầu, cái thanh tịnh và sự hồn nhiên của tâm tư nội tại mình cũng như làm mất lòng kính sợ vốn là chìa khóa cổng đền cho sự mở hiện. Như bí ẩn của tình yêu chỉ có thể nẩy nở khi vắng bóng đám đông cũng như những kẻ yêu nhau không ai thảo luận tình yêu với người ngoài cuộc; thì cũng như thế, sự kỳ diệu của chuyển hóa nội tâm chỉ xảy ra khi những năng lực bí ẩn của nó nằm ngoài mắt nhìn tầm thường và phiếm luận vô bổ của thiên hạ.

    Điều có thể trao truyền được chỉ là kinh nghiệm thuộc về lĩnh vực của ý thức thông thường; và ngoài ra là kết quả và kết luận của những kinh nghiệm đó hay là những giáo pháp tập hợp những chứng thực qua nhiều thế hệ hay qua các vị thầy. Trong một tác phẩm trước đây[14] tôi đã cố gắng nói đến điều này và trong tập sách này tôi cũng sẽ nói đến về những ấn tượng cũng như những gì trải qua về các con người tạo ảnh hưởng quyết định lên đời sống tâm linh của mình.

    Trong những con người đó thì Tomo Géché Rimpotsché là vĩ đại nhất. Mối dây liên hệ sinh ra trong lễ điểm đạo lần đầu và cũng là lần quan trọng nhất đối với tôi chính là nguồn suối của năng lực và sự cảm hứng. Vị đạo sư này đã giúp tôi bằng sự hiện diện của ông, ngay cả sau khi ông mất; hồi đó tôi không biết rõ sự giúp đỡ này cũng như không biết rằng ông là một trong những vị đạo sư Tây Tạng vĩ đại và được trọng vọng nhất và đối với hàng triệu người, tên ông đồng nghĩa với sự thực chứng cao nhất của Phật đạo.

    Trong chừng mức nhất định thì cái không biết này lại thuận lợi cho tôi vì nó cho phép tôi, thông qua kinh nghiệm của chính mình mà quan sát tính cách phi thường của vị đạo sư một cách tự nhiên và không bị ý kiến của người khác chi phối; và tự mình biết rằng ông có thần thông như các vị thánh nhân trong quá khứ thường có.

    Om Mani Padme Hum !

  10. #30
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    ĐIỂM ĐẠO
    __________________________________________________ ______________________________________


    Lần nọ, hoàn toàn tình cờ tôi cùng với người bạn Mông Cổ ở bên ông và đang nói chuyện về một số khía cạnh của thiền định. những câu hỏi của chúng tôi xoay quanh về các vấn đề nảy sinh trong các phép tu hằng ngày. Trong câu chuyện, vì người bạn tôi nói về các vấn đề riêng tư và vì không tham gia câu chuyện, tôi nghĩ ngợi về các điều khác. Lúc đó trong tâm nổi lên sự tiếc nuối là ngày ra đi của vị đạo sư không còn xa nữa, ông phải trở về tu viện chính, bên kia biên giới Tây Tạng và có thể nhiều năm sẽ trôi qua trước khi tôi có dịp ngồi lại dưới chân ông. Như theo một sức mạnh vô hình, tâm tôi nói thầm: “Hãy cho con một dấu hiệu rõ rệt của sợi dây nối con với thầy, cho con cái gì vượt lên mọi lời, nhắc nhở con nhớ đến mục đích cao cả và đức hạnh của thầy: dù đó là một tượng Phật nhỏ được thầy ban phước hay bất cứ cái gì…”. Chưa nói thầm hết ý thì vị đạo sư đã bất ngờ cắt câu chuyện, quay về phía tôi nói: “Trước khi chia tay, ta sẽ cho con một tượng Phật nhỏ làm kỷ niệm”.

    Tôi choáng người, không dủ sức nói lời cảm ơn – phần vì vui mừng, phần vì xấu hổ mình đã ngắt câu chuyện của vị đạo sư chỉ vì ý nghĩ khẩn cầu và hầu như có tính chất thử thách. Nếu biết ông có thể nghe tư tưởng của tôi như lời nói bình thường, tôi đã không bao giờ dám ngắt câu chuyện của thầy, không hề muốn dùng ý nói chuyện với ông.

    Ngay cả lúc đang bận chuyện khác, ông vẫn phản ứng về tư tưởng của tôi, điều đó làm tôi nghĩ rằng không những ông học được ý tưởng người khác mà có cái khả năng mà Kinh sách Phật giáo gọi là “thiên nhĩ”, tức là nghe tất cả những tư tưởng của người khác hướng về mình. Và ngoài ra, tôi nói thầm những lời đó không bằng tiếng Tây Tạng, tôi nghĩ bằng ngôn ngữ của tôi, thế nên không phải ngôn ngữ mà ý nghĩa của ngôn ngữ, đó là điều mà vị đạo sư nghe thấy.

    Trong ngày chia tay, dĩ nhiên là tôi rất hồi hộp. Từ lần đó đến nay, nhiều tuần đã trôi qua mà đạo sư không nhắc nhở gì lại điều mình hứa và tất nhiên tôi không dám hỏi gì về điều đó và tin rằng ông cũng nhớ đến như mình. Có thể ông thử lòng kiên nhẫn và tin tưởng của mình chăng. Điều này làm tôi càng nín lặng.

    Nhưng khi vị đạo sư bị vô số người cần đến trong những ngày cuối cùng của ông tại Yi-Gah-Tscho-Ling, những kẻ đi từ xa đến xin gặp để được ban phước thì tôi không bỏ được lo ngại liệu lời xin của mình đã bị quên lãng đi không, có gì làm trở ngại không.

    Vì thế mà tôi ngạc nhiên và vui sướng xiết bao khi phút chia tay ông trao cho tôi – trước khi tôi kịp nói điều gì – một tượng Phật Thích-Ca Mâu-Ni nhỏ nạm vàng, trang trí đẹp, làm bằng đá và cho tôi hay rằng, ông đã giữ nó trong tay lúc thiền định hàng ngày.

    Om Mani Padme Hum !

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •