DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 16/18 ĐầuĐầu ... 61415161718 CuốiCuối
Hiện kết quả từ 151 tới 160 của 176
  1. #151
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    PHẦN THỨ NĂM - TRỞ LẠI MIỀN TÂY TÂY TẠNG
    __________________________________________________ ______________________________________


    ĐẤU TRANH VỚI THỜI GIAN VÀ CHƯỚNG NGẠI


    Vị Lạt ma Phiyang vừa đi thì thời gian trở thành có thực và cuộc chạy đua với nó bắt đầu. Chúng tôi đã rõ là kể từ nay không phải từng ngày mà từng phút là quý báu. Chúng tôi thức dậy với tia sáng đầu tiên của mặt trời chiếu qua khe của vách gồm những tảng đá chất lộn xộn bên nhau và chúng tôi ra về khi trong đền đã quá tối và mặt trời đã lặn sau rặng đá. Chúng tôi không dám phí thời giờ vì cả chuyện ăn trưa. Vì lý do đó mà chúng tôi nấu nướng và ăn uống sau khi mặt trời lặn. Có khi chúng tôi làm việc thêm dưới ánh nến với những bản vẽ và ghi chú trước khi đi ngủ, cho đến khi ngón tay chúng tôi còn động đậy được nhờ hơi nóng của chén xúp. Nhiệt độ trong phòng không bao giờ lên quá số không và điều này thường xảy ra là trà mới pha đôi lúc quên uống vì trò chuyện, đã đóng thành khối băng trong tách gỗ.

    Muốn rửa tay rửa mặt, chúng tôi phải đập băng trong thau, vì nước đóng thành băng ngay sau khi Wangdu mang từ dưới lũng lên trong một bình gỗ và đổ thau cho chúng tôi. Để có nước nấu ăn pha trà, bình gỗ phải để bên cạnh lò lửa trong động của Wangdu. Vì chất đốt, thường là trấu, có khi phân trâu, rất hiếm; phải mang từ lũng lên mới có, nên ông dùng chung để nấu ăn với cái lò đặt giữa chỗ ngủ của chúng tôi và cửa động.

    Thức ăn chủ yếu của chúng tôi là bánh kèm ít bơ mà chúng tôi đã mua với giá cao tại Tholing Gompa; và buổi tối chúng tôi thêm một loại xúp đặc có sữa và bột. Cuối cùng khi bơ của Tholing hết, chúng tôi gửi một người của Tschamba-Lhakhang đi Tholing, nhưng tu viện ở đó cũng hết bơ nên phải tìm những người chăn trừu gốc Nomade ỏ Tschang-Thang. Sau một tháng người đó về, cầm theo được hai thỏi bơ mỗi thỏi nặng một lạng, có mùi phó mát hơn mùi bơ.

    Nói thế nhưng tượng Phật và bích họa trong các đền làm chúng tôi hào hứng hơn nên chuyện ăn uống không đáng lưu ý. Song song chúng tôi cũng không thể làm ngơ một điều là lương thực ngày càng ít đi với tốc độ đáng sợ. Cuối cùng chúng tôi khám phá sau bao đựng thực phẩm có một cái lỗ to. Chúng tôi thầm lặng bít lỗ và chất đồ ăn ở một chỗ an toàn hơn - xa cánh tay đã thò vào lỗ.

    Vài ngày sau thì không có gì xảy ra nhưng sau đó đồ dự trữ lại hao hụt. Phải chăng ổ khóa mà chúng tôi khóa cửa gỗ mỗi sáng trước khi đi làm, đã bị mở ra trong lúc vắng mặt? Muốn chắc chắn, chúng tôi niêm phong ổ khóa mỗi sáng. Nhưng ổ khóa không bị ai mở, cũng không có dấu hiệu gì nơi vách tường chứng tỏ có trộm. Vậy tại sao dự trữ lại hao hụt hơn chúng tôi sử dụng nhiều. Chúng tôi chắc kể trộm chỉ có thể Wangdu hay bè bạn bà con thỉnh thoảng tới thăm. Nhưng lạ một điều là ai đó có thể vào được mà không mở cửa hay đục vách. Nhưng đục vách thì không thể vì phải tốn nhiều thời giờ và thế nào cũng để lại dấu vết, điều mà chúng tôi đã khám phá ra ngay nhờ từng có kinh nghiệm. Để đề phòng, thỉnh thoảng hai chúng tôi có người bất ngờ về lều đá, như bỏ quên điều gì.

    Om Mani Padme Hum !

  2. #152
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    PHẦN THỨ NĂM - TRỞ LẠI MIỀN TÂY TÂY TẠNG
    __________________________________________________ ______________________________________


    Wangdu có một người anh em rễ, thỉnh thoảng tới thay công việc, anh ta nói với chúng tôi là cũng có quyền được làm để kiếm ít tiền. Điều mà lúc đầu hai người vui vẻ thỏa thuận với nhau, dần dần trở thành một chuyện tranh chấp và tới ngày nọ thì hai người tranh nhau dữ dội, người này muốn loại bỏ người kia ra ngoài. Lần đó chúng tôi đang ở trong lều, khi chuyện tranh chấp bắt đầu. Hình như có ai đạp người kiavà không cho vào phòng. Bỗng nhiên có tiếng đổ rầm - cả hai người lẫn chiếc cửa sập đổ vào phòng! Và chúng tôi hoảng hồn khi thấy cửa bật ra khỏi bản lề. Thế là câu trả lời đã rõ.

    Hóa ra khi mỗi ngày khóa cửa và niêm phong ổ khóa để đi đến đền thì kẻ trộm chỉ việc nâng cửa ra khỏi bản lề và tha hồ lấy đồ dự trữ của chúng tôi. Và sau đó họ chỉ việc cho cửa vào lại bản lề và buổi tối (hay bất cứ lúc nào) khi chúng tôi về thì ổ khóa và niêm phong còn nguyên. Kể từ đó chúng tôi niêm phong luôn mặt kia của cửa và không còn bị mất trộm thức ăn nữa.

    Trong thời gian đó thì một tháng rưỡi đã trôi qua và vị tỉnh trưởng Tsaparang, có lẽ ông đã trên đường đến Shipki, không nhắn gửi gì chúng tôi cả. Có thể đến Shipki không thấy chúng tôi, ông sẽ gửi người đi Tsaparang xem ra sao. Lúc đó có thể thêm một tháng trôi qua và phần lớn công việc của chúng tôi đã xong. Mặt khác cũng có thể lúc đó các ngọn đèo Himalaya đều bị tuyết phủ và lúc đó có bắt chúng tôi đi Ấn Độ cũng không được. Đối với chúng tôi thì chuyện xảy ra cũng không sao, miễn là công việc có tiến triển.

    Khoảng giữa tháng 12 thì có chuyện chẳng lành xảy ra. Một chiều nọ một vài người xem ra thô lỗ đến Tsaparang và ngủ tạm trong hang của Wangdu, cả đêm họ uống rượu và la ó. Sáng hôm sau có một người đàn ông mặt mày tối om, mắt chột (về sau người ta kể gã bị mất một mắt trong một vụ bắn nhau ở Tschang-Thang) đến báo là vị tỉnh trưởng ra lệnh chúng tôi phải rời Tsaparang và ông có lệnh hộ tống chúng tôi đến đèo biên giới.

    Vì các bản sao bích họa mới xong phân nữa, chúng tôi nói với ông là sẵn sàng đi, chỉ xin tỉnh trưởng cho thêm ít ngày để làm cho xong. Để tranh thủ thời giờ, tôi vội viết cho tỉnh trưởng một lá thư và nhờ một người trong bọn mang đi. Tôi cũng không chờ đợi thư chấp thuận nhưng đoán là cả tuần sau thì người dưa thư mới về lại. Vị tỉnh trưởng, theo lời các người trong bọn kể, đã từ Shipki về lại và hiện đang ở hành dinh chính tại Schangscha.

    Đúng như tôi đoán. Sau một tuần người đưa thư về lại và nhờ đó mà chúng tôi hoàn thành được công việc. Li đã làm xong bản vẽ đời sống Đức Phật, còn tôi đã sao lại hầu hết tất cả các bích họa trong ngôi đền trắng cũng như phần lớn tượng trong đền đỏ. Ngoài ra Li cũng làm được ấn bản của một loạt tranh các buổi lễ khánh thành đền, nhờ đó mà ta có hình dung rõ nét về những người đã xây dựng hai ngôi đền.

    Chỉ một ngày sau khi người đưa thư về, hai ngôi đền bị niêm phong theo lệnh của tỉnh trưởng. Đó là một ngày buồn rầu cho chúng tôi, hôm đó chúng tôi cử hành rước lễ trước những bức tượng vàng của Phật, những tượng mà mỗi ngày đều gây cảm hứng suốt ba tháng nay và cúi nhìn chúng tôi mỉm cười từ bi. Lúc này, lúc phải từ giã tượng, chúng tôi thấy như xa người bạn quí nhất. Đối với chúng tôi, tượng là hiện thân sinh động của trí huệ và từ bi. Tượng khiến lòng chúng tôi tràn ngập sự tinh tấn và phấn khởi, chúng tôi đã làm việc dưới sự bảo vệ của tượng. Các tượng đó đã giảng pháp bằng tiếng nói không lời về cái đẹp bất hủ nằm trong tim chúng tôi, cái đẹp đó sẽ sống mãi dưới dạng linh ảnh của thành tựu cao quý nhất. Chúng tôi rời các ngôi đền với lòng biết ơn sâu xa. Chúng tôi đã làm tròn nhiệm vụ của mình và không thế lực nào của thế gian có thể cướp đi những gì chúng tôi đạt được.

    Om Mani Padme Hum !

  3. #153
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    PHẦN THỨ NĂM - TRỞ LẠI MIỀN TÂY TÂY TẠNG
    __________________________________________________ ______________________________________


    KHÁM PHÁ ĐƯỜNG ĐÁ BÍ MẬT VÀ ĐỀN MAN-ĐA-LA


    Sau khi các đền bị niêm phong, lần đầu tiên chúng tôi có thời giờ để đi xem phế tích và các vùng lân cận đồng thời có dịp vẽ và chụp hình. Không thiếu những cảnh hấp dẫn và xinh đẹp và vì công việc chính đã hoàn thành, chúng tôi yên lòng theo đuổi những ý thích sáng tạo riêng. Đó là cách hay nhất để quên nỗi buồn chia xa và bớt đi sự trống rỗng trong lòng.

    Trong lúc Li lo vẽ cảnh gần tháp thờ ở mặt sau vùng đá núi Tsaparang thì tôi xem xét lại các phế tích nằm phía trên các ngôi đền, chạy dài gần đến chân đỉnh đá thẳng đứng mà trên đó ngày xưa là các lâu đài vua chúa đứng dựng trên bầu trời - trông rất kiêu hãnh và gần như không thể đạt tới. Tôi cứ mãi nghĩ đến một bí mật nào đó nằm trong các cung điện hoang tàn này và hẳn phải là lý do tại sao viên tỉnh trưởng không cho mình ở đây lâu. Chắc ông lo ngại ngày nào đó chúng tôi sẽ tìm ra phương tiện và cách thức leo lên đến đỉnh núi đá hay con đường bí ẩn nào mà ông muốn giấu.

    Ý tưởng này nằm trong đầu tôi khi đi quanh trong các con đường dọc ngang của tòa nhà đổ nát cho tới lúc tôi đứng trước một vách tường đá và nghĩ là sẽ bỏ ý định tìm tòi. Tôi vừa định quay về thì để ý ba tảng đá nằm chồng lên nhau dưới chân núi và tôi bỗng thấy rằng chúng không thể tình cờ nằm chồng như thế, nó phải có bàn tay con người. “Thế nhưng với mục đích gì?”, tôi tự hỏi. Phải chăng để làm dấu hay bảng chỉ đường hoặc có mục đích trực tiếp hơn: bậc thang cho một nơi nào đó khó tới. Tôi leo đứng lên các tảng đá và với tay lên trên thì tay đụng một lõm núi mà đứng phía dưới không thấy được. Và tôi níu tay leo lên, đạp chân lên đá, tay kia lại đụng một mỏm đá khác, cứ thế mà lần lượt tôi leo lên đến bờ của vách đá. Trên đây tôi thấy mình dứng nơi phần dưới của một hẻm núi bị nước mưa xói mòn và nhiều sỏi trơn trợt. Tôi trèo qua đống sỏi và đến một hẻm núi có bậc thang mà tôi tin chắc nó là đường dẫn lên các cung điện cũ của vua chúa.

    Niềm vui của tôi kéo dài không lâu vì bậc thang sớm biến mất trong cảnh hoang tàn nên tôi lạc lối trong phế tích. Cuối cùng lại thấy mình ở cửa vào. Giải pháp duy nhất còn lại là cứ theo hẻm núi đầy sỏi và đá đổ mà đi. Nhờ đó mà không lâu tôi thấy một hẻm núi có bậc nữa, còn nguyên vẹn hơn cái trước và dẫn đến một cao nguyên mà từ đây nền đá trung tâm của Tsaparang vọt thẳng lên cả trăm mét. Tôi tìm không thấy một chỗ nào có bậc thang. Thế là vị tỉnh trưởng có lý khi nói đường vào cung điện và đền đài đã bị phá hủy.

    Khi đã đến đây rồi ít nhất tôi cũng tìm xem vài hang động nằm dưới chân đỉnh đá, với hy vọng còn dấu tích gì của bích họa, đồ gốm hay hình tượng gì, thường có trong động, nhưng cũng không thấy gì. Thế nhưng tôi lại thấy cái mình ít chờ đợi nhất; một trong những động chính là cửa vào của một đường hầm, sau một đường cong thì nó ngoằn ngoèo dẫn đi ngược lên cao, có khi đi sát bờ tường có ánh sáng lọt vào. Tôi theo đường hầm, tim đập thình thịch. Càng leo lên cao, tôi càng háo hức chờ đợi và đồng thời cũng càng lo ngại nếu phải lọt vào một đường cùng hay giờ cuối bị trở ngại thì tất cả đều là toi công.

    Vì thế nên tôi càng mừng lúc hết đường hầm ra lại thấy ánh sáng mặt trời và thấy mình đang đứng trên đỉnh Tsaparang, chỗ mà suốt một thời gian chúng tôi nghĩ là không lên được. Cảnh quan nhìn từ đây ra là phần thưởng cho công khó leo lên. Tôi thấy Tsaparang nằm trên đỉnh đá, đỉnh này được cắt khỏi rặng núi bởi hai lũng sâu và hai lũng này chảy dài tới sông Langtschen - Khambab. Mặt trên của sông là một vùng núi đá lởm chởm in đậm nét trong bầu trời xanh. Nó giống như một loạt những giáo đường kiểu gô-tích với tháp đá và đỉnh nhọn hoắt. Phía sau lô nhô những đỉnh tuyết và mặt trời rực rỡ màu sắc hiện ra trong vắt.

    Om Mani Padme Hum !

  4. #154
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    PHẦN THỨ NĂM - TRỞ LẠI MIỀN TÂY TÂY TẠNG
    __________________________________________________ ______________________________________


    Tôi hầu như đứng giữa một man-đa-la mênh mông gồm những dạng hình và màu sắc siêu nhiên; đó là trung tâm của những sắc hình có mối liên hệ mật thiết với nhau; hầu như nó là tiêu điểm của mọi sức mạnh của trời đất, sức mạnh đó đã tạo hình cho cảnh vật xung quanh. Theo nguyên lý kỷ hà này mà mọi chốn thiêng liêng và trung tâm uy lực được xây dựng; trong đó yếu tố tâm linh luôn luôn đóng góp vai trò chủ đạo, phù hợp với quy luật thiên nhiên và ý niệm thiện mỹ của con người. Những lâu đài của vua chúa hoàng tộc chính là pháo đài của lòng tin và chốn thiêng liêng của các thần bảo hộ, nơi mà công chúng không được vào, chỉ dành cho người đã được quán đỉnh, đã được huấn luyện chuẩn bị hàng năm trời.

    Với ý thức đó, tôi đi quanh phế tích của đền đài cung điện, chúng là chứng nhân thầm lặng của một quá khứ lớn lao chiến thắng và thảm kịch, niềm say mê của con người và lý tưởng, tham vọng quyền lực và lòng xả thân tôn giáo. Một sự yên lặng hầu như đáng sợ ngự trị nơi đây, chỗ nằm giữa trời và đất và có lẽ tham dự vào cả hai nơi; vào cái niềm vui của cảm khái thiêng liêng và cái khổ tận cùng do tham vọng và quyền lực của con người gây ra. Tôi đi như trong mơ, như dệt trong một thực tại bốn chiều của quá khứ và tương lai - và bỗng nhiên đứng trước một cánh cửa khép hờ của một tòa nhà còn nguyên vẹn hoàn toàn, nó được giữ lại như một phép lạ giữa cảnh hoang tàn.

    Với một cảm giác kỳ lạ, tôi bước vào trong sự yên tĩnh của căn phòng mờ mờ, trong đó như hiện diện cái bí ẩn của hàng trăm năm, số phận một quá khứ uẩn khúc hầu như muốn bày tỏ cho tôi. Khi mắt tôi dần quen với bóng tối thì những gì mình đoán đã thành sự thực; tôi đang đứng nơi chốn linh thiêng nhất của một ngôi đền bí ẩn, chỗ điểm đạo, đó là nơi mà Man-đa-la của “niềm an lạc cao quí nhất” xuất hiện trước kẻ được quán đỉnh, chỗ thấy được Báo thân các vị thiêng liêng và biểu tượng của vũ trụ.

    Lần đầu tiên tôi được tới với thế giới ẩn mật này là lúc có mặt Tomo Géché Rimpotsché và dưới sự hướng dẫn của ông thì đó là một sự chứng thực sinh động đối với tôi. Tôi dành một năm để học tập về Man-đa-la này, trong thời gian đó nó là trung tâm của đời sống tâm linh của mình. Thế nhưng hồi đó tôi cũng biết mình chưa mở được tấm màn che đậy phép tu ẩn mật nhất này của Mật tông. Trong thời Liên Hoa Sinh, nó đã đưa vào Tây Tạng và trở thành một trong những phép tu truyền thừa cổ và quan trọng nhất, được giữ ở mức cao cấp cho các trường phái của Phật giáo Tây Tạng, từ Nyingmapa cho đến Gelugpa.

    Man-đa-la chứa đựng toàn bộ các bước hình thành thế giới tâm linh xuất phát từ trung tâm sâu kín nhất của thức - sự phát triển thành sắc hình từ cái không vô tướng và vô tận - thông qua những chủng âm của các năng lực của dạng hình và nhờ sự kết tinh của các biểu hiện then chốt của chúng, mà màu sắc và hình dạng hiện lên trong một hình ảnh trung tâm của vũ trụ, hình đó cứ tiếp tục rung động thành vòng tròn lan mãi để hiện thành thế giới vật chất. Trung tâm đích thực và phi thời gian của thế giới đó được thể hiện bởi núi Tu-di, nó là trục tĩnh tại, là mặt cắt đầy đủ nhất của vũ trụ, trong đó hình ảnh của các cõi sinh tồn đều có mặt, từ các cõi Thiên cho đến các thế giới khác, các cõi mà các tầng lớp ý thức càng lúc càng mạnh mẽ và trong suốt. “Một thế giới của những cái nhỏ hình thành, ngập đầy những năng lực uyên nguyên, trong vũ trụ thì tác động như năng lực vũ trụ, trong con người là sức mạnh thể chất và tinh thần. Trong sự trình bày chi tiết đó, phần lớn những kích thước đều lấy từ các giáo pháp tâm linh hay các huyền thoại. Vài kích thước đó đều chung nhất và rõ ràng đến mức người ngoài cuộc cũng có thể thấy được tính chất vĩ đại của những sự sáng tạo, cho họ cảm nhận được rằng, mình đang tham dự vào một màn kịch tâm linh lớn, nó cho ta lòng cảm khái cao nhất và quí nhất(51).

    Lĩnh vực cao nhất của tầng lớp ý thức nói trên được biểu hiện bằng một ngôi đền thiêng làm bằng chất liệu thanh tịnh và quí báu và chứa Man-đa-la của “niềm an lạc cao quí” và của sự chứng thực toàn vẹn nhất của tâm giác ngộ, trong đó nó chiếm vị trí trung tâm của bậc cấp. Nơi trung tâm của Man-đa-la thực tại cao nhất được diễn tả bằng sự giao hòa nhất thể của Thần Demtschog và dạng trí tuệ siêu việt của ngài được biểu diễn bởi nữ Thần Dorje Phagmo.

    Om Mani Padme Hum !

  5. #155
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    PHẦN THỨ NĂM - TRỞ LẠI MIỀN TÂY TÂY TẠNG
    __________________________________________________ ______________________________________


    Với mười hai tay chân của cặp nam nữ thần, đó là biểu hiện của “mười hai nhân duyên”, thần Démtchog xé tấm da voi của vô minh; với bốn khuôn mặt biểu hiện của tứ đại chiếu rọi trong bốn màu, thần thâm nhập và bao trùm bốn hướng của không gian với bốn tâm vô lượng từ bi hỉ xả. Mỗi khuôn mặt có ba mắt, vì cái nhìn của thần đi suốt ba cõi (dục giới, sắc giới, vô sắc giới) và ba thời (quá khứ, hiện tại, vị lai). Thân của thần có sắc xanh, nó biểu hiện tính vô tận, thường còn và nhất thể của không gian bao trùm mọi sự; tức là nguyên lý của Tính Không bao trùm và hiện hữu thường hằng, là gốc của mọi thực tại.

    Thân của Dorje Phagmo có sắc đỏ, biểu tượng lòng quên mình năng động vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Thần chỉ có một khuôn mặt, biểu thị sự vắng bóng mọi ảo giác che đậy. Hai vị thần ôm chặt lấy nhau, biểu hiện sự không tách lìa của thân và tâm - sự nhất thể của trí huệ và đại lạc.

    Và tất cả những hình tượng thiên thần khác, nằm trên các bậc cấp khác, quanh vị namThần nữ Thần đại diện cho trí tuệ của mình, các vị đó là phản ánh các cấp bực khác nhau của thực tại. Tất cả chư vị đều quên mình trong vũ điệu của vũ trụ, diễn tả cái an lạc cao quí nhất, xuất phát từ sự hợp nhất của Bát Nhã (prajna) và phương tiện (upaya), tức là của trí tuệ và sự chứng thực của nó thông qua hình động từ bi. Mỗi một hình tượng này đều hiện thân cho một tính chất hay mức độ trên đường thành tựu, đạo lộ đó diễn tả các bước trong phép thiền quán sâu xa và bao trùm này.

    “Ta phải làm gì để biến linh ảnh thiền định thành sự thực? Mỗi hình dung phải được sinh động bằng cách tiếp đầy sức sống và năng lực. Mỗi vị thần phải sống thực, mỗi năng lực sử dụng trong thiền định phải trở thành khả năng cao nhất. Toàn thể cơ cấu của Man-đa-la này phải rung lên đầy sức mạnh, đủ khả năng bắt liên hệ với các sức mạnh lớn lao trong vũ trụ, chúng vốn chỉ bị thu nhỏ lại trong mỗi kẻ thiền định đơn lẽ. Đối với đầu óc tâm linh thì vũ trụ chứa đầy tư tưởng của thần linh, đầy những sức mạnh của ý chí lớn, đầy những dạng hình mang thức, chúng miên viễn chiếu rọi trong không gian và chính là bản chất của thế giới. “Thế giới chỉ là một tư tưởng trong đầu Thượng đế. Người ta phải cần tu học hàng năm để đạt sức mạnh của cái thấy (của linh ảnh) và để cho thiền quán này sống lại với mọi chi tiết trong dạng một bản kịch nội tâm (52). Vì mục đích này, nhiều mô hình của Man-đa-la được xây dựng lên, trong đó vũ trụ tâm linh được trình bày lại với đủ chi tiết. Người ta đã vẽ lại hàng trăm hình tượng Thần Thánh và Ma Quỉ, từ những ngôi đền trang hoàng đầy vàng ngọc trên đỉnh Tu-di đến tám nơi thiêu xác, chỗ của thần chết và của quán đỉnh; trong đó Du già sư và các vị Tất địa đã tái sinh và chuyển hóa tâm linh; trong dó họ sống lại quá trình chết và sự chiến thắng ảo giác của cái chết: vì muốn tái sinh, người ta đã quán đỉnh phải qua ngưỡng cửa cái chết.

    Trong lúc nghiệm lại những điều này, tôi đứng trên bậc cửa đền và hồi hộp nhìn vào phía trong tối đen. Nhưng điều gì đã xảy ra? Những hình tượng nhiều vô số của các Thần Thánh ngày xưa vốn nằm trên Man-đa-la bây giờ nằm ngổn ngang quanh và trên bục. Rõ ràng chốn thiêng liêng này đã bị một đội quân nào tàn phá khi Tsaparang thất thủ, sau sự sụp đổ của triều đại Guge. Thế nhưng lực lượng tàn bạo không hủy được không khí thiêng liêng của Thánh địa này được. Vách tường vẫn còn bích họa với vẻ đẹp và màu sắc đậm đà. Các bức bích họa vẽ một điệu vũ huyền bí của các vị Thần nhiều tay nhiều đầu, đang say sưa ôm chặt các người nữ, cho thấy một hình ảnh dễ sợ, vừa toát ra sự tàn bạo vừa chứa cái đẹp. Đối với người đã được quán đỉnh thì nó là bản đồ, với kẻ không biết thì nó là sự đe dọa. Sống và chết, sáng tạo và hủy diệt, sức mạnh của ánh sáng và bóng tối đan lồng vào nhau trong một sự trộn lẫn xoay tròn của chuyển hóa và giải thoát.

    Tôi mở thật rộng cánh cửa đền nhưng ánh sáng vẫn không đủ để có thể chụp hình các bích họa. Thế nhưng trong số những hình tượng nằm lăn lóc dưới khung Man-đa-la là một tượng Heruka bốn tay (một dạng của thần Demtschog), được một Không hành nữ (53) đầy trí huệ Khadoma ôm chặt, và hình tượng này diễn tả hòa nhập trọn vẹn giữa từ bi và trí huệ để đạt tới đại lạc. Hình tượng này quá tuyệt diệu nên tôi mang nó trả lại cho các tượng khác của Man-đa-la vì tôi tin rằng với thời gian cả đền lẫn tượng không chóng thì chầy sẽ bị tiêu hủy. Thế nhưng điều đáng mừng là ít nhất cũng ghi được một phần của vẻ đẹp vô thường lên phim, để làm kỷ niệm cho tôi và cũng làm chứng nhân cho hậu thế.

    Om Mani Padme Hum !

  6. #156
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    PHẦN THỨ NĂM - TRỞ LẠI MIỀN TÂY TÂY TẠNG
    __________________________________________________ ______________________________________


    Trước khi đóng cửa đền, tôi nhìn lại lần cuối Thánh địa và đọc Thần chú, qua đó nội dung của Man-đa-la được sống dậy và tái chứng nghiệm, chính là câu Thần chú đã vang lên cách đây một ngàn năm tại chốn này, câu Thần chú đã sinh ra linh ảnh để ngôi đền này được ra đời. Lòng chắc rằng những dấu vết cuối cùng của Man-đa-la sẽ sớm mất đi, tôi cảm tạ mình đã được nhìn thấy nó và có cơ hội được sống lại cái tinh thần đã xây dựng và ban phép trong đền. Tính thiêng liêng của các chốn này không phải nhờ tôn tạo bên ngoài mà có, mà nhờ hành động quên mình nội tâm và sự tập hợp tâm thức mà chỉ qua đó, sức mạnh sáng tạo của Thần chú mới biến thành hiện thực.

    Tôi ra lại ngoài để thấy ánh sáng mặt trời, lòng đầy niềm vui cảm tạ là niềm mơ ước cuối cùng tại Tsaparang đã được thực hiện và trách nhiệm phải làm nơi đây đã hoàn thành. Trước khi trở về qua đường hầm đá, tôi nhìn lai một lần nữa phong cảnh khoáng đãng, phế tích của kinh đô cũ và các lũng sâu xung quanh. Sâu dưới chân, tôi thấy một bóng người đang cử động va đó là Li, đang vẽ cạnh tháp thờ dưới chân núi. Tôi gọi Li - quên nghĩ tới cái nguy bị ai khám phá. Li nhìn quanh ngạc nhiên không biết tiếng gọi từ đâu cho đến khi nhìn lên và thấy tôi đứng bên bờ núi đá. Li ra hiệu tôi đừng cho ai biết mình trên đó và người của viên tỉnh trưởng có thể đang đi tìm chúng tôi. Hy vọng không ai nghe tiếng mình, tôi biến mất vào đường hầm và đi nhanh xuống núi.

    Vì Li cũng muốn xem Demtschog-Lhakhang nên ngày hôm sau tôi cùng Li leo lên lại và mặc dù tôi đã đánh lạc hướng các người của viên tỉnh trưởng bằng cách đi theo lối khác, nhưng họ đã nghi và gửi Wangdu đi kiếm chúng tôi. Thế nên chúng tôi vừa ra khỏi Demtschog-Lhakhang (sau khi Li vội chụp một số hình) thì Wangdu xuất hiện ở cuối đường hầm đá, nét mặt đầy bối rối. Rõ ràng là viên tỉnh trưởng đã cấm Wangdu không cho chúng tôi biết đường lên đỉnh và tìm mọi cách ngăn cản đến viếng những đền đài xưa. Việc Wangdu nhiều lần phủ nhận có đường lên đỉnh Tsaparang là bằng chứng đầy đủ cho chuyện đó rồi. Thế nên chúng tôi nói với ông là tỉnh trưởng sẽ không biết chuyện này nếu ông không nói gì lại cho ai nghe. Điều này rõ ràng làm ông yên lòng và chiều hôm đó ông còn vui lòng chỉ cho chúng tôi xem đền Yamantaka, chỗ mà chúng tôi cố tránh vì đã hứa với vị tỉnh trưởng chỉ làm việc ở các đền chính có các vị thần “hiền lành”.

    Sau kinh nghiệm tại Tholing, chúng tôi biết rõ nỗi sợ của viên Tỉnh trưởng là sẽ bị Thần phạt nếu cho người lạ vào chốn linh thiêng nằm ngay phía trên đền đỏ và nơi này luôn luôn đóng cửa. Không những đây là trú xứ các vị Hộ pháp đầy uy lực và đáng sợ, mà chỗ đó còn có những tượng bằng kim loại đem về từ những đền và tháp thờ hư hại khác của Tsaparang. Ngôi đền nhỏ đó thực chất là một kho báu gồm những đồ đồng tinh tế nhất mà chúng tôi từng thấy. Nhất là các công trình về các vị Thần phẫn nộ nhiều tay với nhiều nữ nhân quấn quýt xung quanh cho thấy trình độ toàn hảo trong việc tạo tác nghệ thuật trên kim loại mà ít nơi nào có được, nó xứng đáng đạt trình độ cao cấp của nghệ thuật. Thế nhưng những công trình nghệ thuật đó, một số được mạ vàng kỹ lưỡng, lại bị vất trong những phòng nhỏ và tối của điện nên Li chỉ chụp được một số ít. Dù vậy chúng tôi cũng mừng vì đã nhìn thấy được một phần lớn vật này.

    Bây giờ không còn gì phải làm hơn là xếp đồ đạc và chuẩn bị một chuyến đi dài ngày về hướng Ấn Độ. Thật khó từ giã nơi này nhưng nỗi buồn mà chúng tôi cũng giảm đi khi nghĩ rằng mình đã làm tất cả trong khả năng cho phép và cố gắng đó đã được đền đáp.

    Lần sửa cuối bởi hoangtri; 01-03-2018 lúc 09:13 AM
    Om Mani Padme Hum !

  7. #157
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    PHẦN THỨ NĂM - TRỞ LẠI MIỀN TÂY TÂY TẠNG
    __________________________________________________ ______________________________________

    SÁU NGÀY TRÊN SÔNG ĐÓNG BĂNG


    Chuyến đi trên dãy Himachal Pradesh nằm phía tây Tây Tạng, mà ở giữa là những tiểu quốc Ấn Độ, là một chuyến đi nguy hiểm giữa mùa đông. Nó có thể chấm dứt bằng một tai họa nếu tôi không từ chối kế hoạch của ông bạn chột mắt của viên tỉnh trưởng đi theo đến biên giới. Vì muốn làm xong việc càng sớm càng tốt, ông cố đi con đường ngắn nhất và đẩy chúng tôi vào vùng không người ở bên kia biên giới, mặc cho chúng tôi có thể nguy khốn vì thiếu lương thực, chỗ ăn ở và thiếu phương tiện chuyên chở. Ông lấy lý do là con đường thường đi đã bị tuyết phủ kín và không còn cách nào khác hơn cách đó để đi Ấn Độ. Cũng may là trước khi rời Ấn Độ chúng tôi có nghiên cứu kỹ lưỡng bản đồ biên giới Ấn -Tạng (thường không bán, chỉ dành cho cơ quan nhà nước) và chụp bản sao. Nhờ thế mà tôi kịp thời khám phá ra mối nguy hiểm này. Tôi từ chối kế hoạch của ông và nhất định đi hướng của thương nhân thường đi và nếu cần, đợi hết tuyết mới qua đèo.

    Nếu giữa tháng 12 mà gọi Tsaparang là lạnh thì chúng tôi sớm biết đây là ấm và dễ chịu so với cái lạnh tê cóng và ngọn gió cắt da khi phải đi trên vùng núi non. Cái lều bằng vải dù của chúng tôi vẫn được xem là chắc và kín gió bây giờ không che chắn gì được cả. Chúng tôi không có nhiệt kế, nhưng hai mươi độ âm chắc phải đúng trong tối hôm đó. Vải dù bị cóng cứng lại tới mức mà hôm sau phải cố gắng hết sức mới cuốn xếp lại được. Ngoài ra tay chúng tôi cóng cả, mỗi cử động là đau nhức. Ngay cả hành động dễ nhất như lấy máy ảnh ra khỏi túi da và vặn ống kính, cũng nhọc nhằn làm chúng tôi hầu như mất ý muốn chụp hình. Toàn bộ năng lực của chúng tôi chỉ dồn vào việc giữ được mạng sống và đi.

    Ban đêm chúng tôi phải mang đôi ủng Tây Tạng nặng nề nếu không chân sẽ bị cóng và sáng hôm sau không thể xỏ chân vào ủng đã cứng vì cóng. Chúng tôi ngủ với mũ che tai, đắp tất cả chăn chỉ chừa môt lỗ nhỏ ở mũi để thở. Sáng hôm sau hơi thở chúng tôi đã thành một thỏi băng trên chăn. Cũng không thể dùng khăn tay hay giấy để chùi mũi được nữa. Râu tôi đã thành một tảng băng, thỉnh thoảng tôi lại phải bẽ băng nằm dưới mũi mình - làm việc đó cần một cái búa có lẽ hay hơn một chiếc khăn tay.

    Người của viên tỉnh trưởng vừa là hướng đạo vừa giúp việc, được chúng tôi trả tiền hậu hĩ nên ông ta cứ đến lũng nào có người là đi đánh bạc và uống rượu - một thói quen mà khi mới đến Tsaparang chúng tôi đã biết ông. Có lúc ông uống nhiều tới nỗi suốt cả ngày không thấy mặt mũi đâu cả và cuối cùng ông đi mất luôn và chúng tôi phải thuê người khác - một người tên Scherab - trong những tháng tới đây; anh là người giúp việc trung thành và tư chất rất tốt; khiến anh thành bạn thật sự của chúng tôi. Anh lo lắng cho chúng tôi từng li từng tí, không ngại khó, miễn làm sao cho chúng tôi được dễ chịu và không bị trấn lột. Anh không bao giờ nghĩ tới cái lợi của riêng mình. Sau kinh nghiệm của chúng tôi với Wangdu và người của viên tỉnh trưởng, sự hiện diện của anh là một món quà Trời cho. Nhất là lúc phải ở lại cả tháng trời tại một làng Tây Tạng nhỏ trước biên giới vì tuyết đổ, chúng tôi rất quí sự có mặt của anh. Sự lưu trú bất ngờ này thực tế là một phước lành vì lũng này mà xung quanh là núi tuyết bao bọc, thật như một Thiên đường giữa hai thế giới, trong đó chúng tôi sống ba tháng với niềm hạnh phúc không chút mờ tối, giữa những người đơn giản và dễ thương và dưới chân của vị thầy Tây Tạng cuối cùng của mình.

    Om Mani Padme Hum !

  8. #158
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    PHẦN THỨ NĂM - TRỞ LẠI MIỀN TÂY TÂY TẠNG
    __________________________________________________ ______________________________________


    Trước khi đến ốc đảo bình an này, chúng tôi phải trải qua một chuyến hành trình nửa tháng. Khi đến gần tuyến đường chính thì chúng tôi đã nghe nói nó bị đóng cửa rồi. Chưa có cơ hội kiểm tra tin này thực hư thế nào thì dân làng, kẻ mang tin đó lại, cho hay họ sẵn sàng đưa chúng tôi qua hẽm núi của sông Langtschen Khambab đã đóng băng và mang hành lý cho. Chỉ có mùa đông mới có thể đi trong hẻm này được, nó rất hẹp và sâu và dễ bị đá đổ, không có đường đi giữa dòng thác chảy mạnh và vách núi hai bên. Thế nên ta có thể đi thông qua nó khi dòng nước bị đông cứng, mà lúc đó cũng không thể cho trâu hay ngựa theo được. Sau đó chúng tôi biết nguyên do; ở đây không có đường mòn nào dẫn xuống lũng ngoài con đường bên thác với mực nước cao trên hai ngàn mét. Ngoài ra không có thú vật nào có thể đi trên băng vì nước chảy mạnh, và khi đóng băng nó không cho một mặt bằng phẳng mà gợn sóng, có nơi lổm ngổm những tảng băng.

    Vì thế chúng tôi buộc phải thuê khoảng hai mươi người trong lũng để mang hành lý, nơi mà chúng tôi ở lại hai ngày qua. Gần làng này có một tu viện nằm ở một vị trí tuyệt diệu, trên đỉnh của một chỏm núi bơ vơ, nhìn qua tưởng như có một sức mạnh khủng khiếp, nó lôi núi lên từ trạng thái lỏng và sau đó nó hóa thành đá. Tên của tu viện là Pekar Gompa. Pekar là tên một vị thần trước khi Phật giáo du nhập, được xem là hộ pháp trong vùng và được Phật giáo giữ lại.

    Người của viên tỉnh trưởng sau khi biến mất vài ngày bây giờ đã xuất hiện lại, xem ra không muốn liều mình trong hẽm núi của Langtschen - Khambab và chắc cũng sợ không về nhà kịp trước cuối Đông nếu tuyết đổ ập thình lình, nên từ giả chúng tôi với nước mắt lưng tròng. Có thể trong bụng ông nghĩ là chúng tôi cũng không qua khỏi hiểm nguy, cũng có thể vì hôm đó ông uống rượu nhiều quá chăng. Dù gì đi nữa, chúng tôi cũng mừng thoát khỏi ông và tiếp tục ra đi với số người khác vui vẻ và thân thiện mà chúng tôi cảm giác yên lòng hơn với họ mặc dù không biết ngày mai sẽ ra sao. Hiểm nguy của thiên nhiên đối với chúng tôi không đáng sợ bằng sự bất ổn của thói lưu linh.

    Khi cách làng vài dặm nằm cạnh lũng sâu, chúng tôi trượt xuống một hố cát, đáy tới lũng, thấp hơn cả ngàn mét so với chỗ phát xuất. Tới đây thì chúng tôi mới rõ mình đã làm một điều là không thể đi lui được nữa. Không thể nào từ đáy lũng mà leo ngược lên cồn cát dựng đứng - đó là chưa kể mang theo hành lý. Tôi không biết mình phải làm thế nào, giả sử con suối không đủ đông cứng để chịu sức nặng hành lý và sự va chạm khi người khuân vác ngã lên trên. Dù không mang vác cũng đã khó giữ thăng bằng trên băng rồi nên người ta chỉ đi vài bước lại té ngã.

    Nên chúng tôi không đi được nhiều và buổi tối chúng tôi dựng lều bên một bờ có nhiều sỏi. Trong đêm này lần đầu tiên chúng tôi thấy hơi ấm dễ chịu, nhờ chỗ không cao và kín gió, một phần nhờ trời đang chuyển; trên cao trời đang kéo mây. Chúng tôi tận hưởng cảnh mặt trời lặn rất đẹp và xung quanh lều láng chúng tôi là một thứ cỏ vàng, tắm mình trong một ánh sáng ấm dễ chịu, nó làm quên khó nhọc đã qua và sự bất định sắp tới. Lòng chúng tôi đầy một cảm giác hạnh phúc không giải thích được, như trong mơ, quá khứ và tương lai như tan biến đi và chỉ còn lại ý thức về cảnh đẹp vây quanh là có thật. như trong lũng “lâu đài mặt trăng”, chúng tôi cảm nhận một sự hào hứng cao độ, trong thế giới quen thuộc của chúng ta hầu như không tồn tại nữa, để ta có cảm giác giải phóng khỏi những gì đã qua và những cái sắp tới mà không còn quyết định cũng như trách nhiệm với chúng; và nhờ thế mà tận hưởng cái hiện tiền: thế giới nằm quanh đây, trong đó chúng tôi tự mình quyết định lấy mình, như mình là người duy nhất trong vũ trụ. Sự kỳ diệu của một chuyến du hành gồm những điều cảm nhận khó lý giải và tính huống bất ngờ như thế, hơn xa hẳn những con số cụ thể và kết quả vật chất mang lại.

    Om Mani Padme Hum !

  9. #159
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    PHẦN THỨ NĂM - TRỞ LẠI MIỀN TÂY TÂY TẠNG
    __________________________________________________ ______________________________________


    Vì thế chỗ nghỉ trại này đọng lại trong ký ức như một “trại hè” mà chúng tôi đặt tên cho nó trước khi đi ngủ, dù ngay giữa mùa Đông. Sáng hôm sau chúng tôi ngạc nhiên xiết bao khi thức dậy thấy xung quanh tuyết rơi đầy, đúng là cảnh vật mùa Đông. Chúng tôi dụi mắt, dần dần tỉnh dậy từ giấc mơ mùa hè, cố gắng thích nghi với thời tiết mới. Liệu có tiếp tục được chuyến đi hay không, nếu không thì sao? Thế nhưng những người đi cùng xem ra không chút bận tâm. Hình như họ ngủ trên tuyết cũng say và sung sướng như chúng tôi ngủ trong lều. Chúng tôi phải khâm phục sự cường tráng và cách nhận chịu vui vẻ mọi tình huống của họ và thấy họ như vậy, ta yên lòng hơn nhiều. Dù tuyết rơi, không khí vẫn dễ chịu. Điều này cho thấy một lần nữa, tại Tây Tạng khi trời rất lạnh thì tuyết ít rơi và khi tuyết rơi thì đó là dấu hiệu của thời tiết dịu, đáng mừng.

    Trong cái lạnh khắc nghiệt của non cao, trong đó tất cả đều đông cứng mà lại vắng bóng tuyết, chúng tôi ngạc nhiên thấy trong vùng nhiều tuyết này mà lại ít lạnh hơn. Thường thường khi thấy cảnh vật mùa Đông này thì chúng tôi lại lạnh thấu xương sống - Li sinh tại Bombay gần biển và lớn lên tại đó, còn tôi phần lớn đời mình sống vùng nhiệt đới. Các bạn Tây Tạng của tôi vẫn hưởng tuyết vui vẻ suốt thời gian đi trong lũng sâu. Khi chúng tôi đến một nơi có ít cây mọc mà dân Tây Tạng vùng rẻo cao không bao giờ thấy, họ trầm trồ rằng nơi đây có nhiều gỗ và dừng lại đốt một đống lửa to, hát hò nhảy múa suốt đêm. Chúng tôi cũng vui theo và nướng bánh thật nhiều trong đêm đó. Tất cả đều trở thành một gia đình hạnh phúc. Cảnh vật thật tuyệt vời: lửa cháy bập bùng ngay giữa tuyết, quần áo nhiều màu của mọi người chen giữa màu đá dwis những cành cây tuyết đọng, tất cả diễn ra trong cảnh hoang vu của núi rừng mà uy lực và vẻ đẹp hoang sơ của nó tương phản trực tiếp với cái vui bé nhỏ của con người. Đó là nhóm người vui vẻ nhất trong chuyến hành trình của chúng tôi và các phụ nữ trẻ tuổi xem ra cũng không biết mệt như cánh đàn ông, dù suốt ngày họ mang vác nặng nề đi trên băng hay sỏi. Tất cả họ đều ngủ trên tuyết tự nhiên như trên giường nệm, chỉ đắp hai miếng lông trừu, mặt lông lật vào phía trong. Giữa miếng lông đó, họ ngủ hoàn toàn trần truồng, quần áo được bó lại thành gối, đó là một tục mà chúng tôi thấy nhiều nơi khác ở Tây Tạng. Có lẽ họ thấy chúng tôi ngủ mà mặc áo quần cũng kỳ quái lắm.

    *
    * *

    Tuyết mà ngày đầu chúng tôi nghĩ là trở ngại lớn bây giờ ngược lại là cái thuận lợi và dễ đi hơn trên băng nhiều, không hay bị té ngã, nhưng mặt khác chúng tôi cũng phải cẩn thận hơn để tránh những khe nứt nằm ẩn trong tuyết. Xuống sâu thêm thì dòng suối đã lỡ băng, có lẽ vì nước chảy mạnh hơn và ai đã bước lên đó thì hết phương giải cứu vì nước sẽ cuốn trôi đi. May là không ai trong chúng tôi bị gì và sau sáu ngày đi trên dòng sông đóng băng, chúng tôi đến làng Tyak mà gần đó là nơi sinh của Rintschen Sangpo. Ra khỏi khe núi, phải nói chúng tôi rất buồn vì đã chấm dứt chuyến phiêu lưu và nhất là phải xa những người bạn đồng hành.

    Chỉ Sherab là ở lại với chúng tôi để lo liệu kiếm thêm người và trâu. Bây giờ chúng tôi ở trên trục đường chính nên không còn gì để ngại nữa. Tại Shipki, chúng tôi không thấy bóng dáng của viên Tỉnh trưởng Tsaparang đâu cả mặc dù đã cố tính cắm lều gần nhà khách của ông, một tòa nhà khiêm tốn mà công chức Tây Tạng làm chỗ ở tạm thời. Chúng tôi vượt qua đèo Shipki không chút khó khăn mặc dù còn nhiều tuyết và xuống đến bình nguyên Poo hạnh phúc, một Thiên đường bé nhỏ; bấy giờ vào khoảng cuối tháng giêng.

    Om Mani Padme Hum !

  10. #160
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG
    PHẦN THỨ NĂM - TRỞ LẠI MIỀN TÂY TÂY TẠNG
    __________________________________________________ ______________________________________


    THUNG LŨNG HẠNH PHÚC


    Poo cũng như mọi làng khác của Tây Tạng và con người ở đây cũng như người Ấn phía bên kia đèo Shipki, chỉ biên giới chính trị giữa hai nước Ấn Độ - Tây Tạng là chạy trên đỉnh đèo. Biên giới này không quan trọng gì đối với dân ở hai phía, họ nói cùng thứ tiếng, cùng một tôn giáo, lui tới với nhau không trở ngại, trong lúc hầu như họ không liên lạc gì với dân chúng phía Ấn Độ của dãy Himalaya, cách Poo năm ngày đường.

    Chúng tôi hy vọng tìm nơi đây một trạm bưu điện, nhưng được nghe ở đây mỗi tháng mới có nhân viên bưu điện người Ấn đi qua một lần. Và khi hỏi bao giờ thì ông ta đến, chúng tôi được nghe trả lời: “Đầu năm khi đèo Himalaya mở lại”. “Khi nào mới mở’, chúng tôi lo ngại hỏi. “Ô, khoảng ba tháng nữa!”.

    Điều đó có nghĩa phải bốn tháng sau chúng tôi mới đến được bình nguyên Ấn hay một thành phố lớn; vì từ đây mà đi Simla cần phải một tháng mới tới. Điều này thật ra cũng chẳng sao, nếu tiền bạc và lương thực của chúng tôi chưa cạn. Làm sao sống trong những tháng này? Thế nhưng điều này không thành vấn đề đối với một ông già tốt bụng, ông là người quản lý cho một nhà khách dành cho công chức của Sở lao động, họ là người có trách nhiệm tu bổ con đường xuyên đèo Shipki. Ông già tự lấy quyền cho chúng tôi được ở trong nhà khách này vì chúng tôi không liên hệ được với Sở. “Và nếu ông bà cạn tiền’, ông nói thêm, “tôi đưa cho ông bà thêm. Ông bà trả lại cho tôi lúc bưu điện đến hay bao giờ cũng được”.

    “Nhưng chúng tôi là người lạ và không có chứng minh gì”, chúng tôi nói và nghe ông trả lời: “Trách nhiệm của tôi là giúp ông bà, ngoài ra tôi tin ông bà”.

    Tên ông là Namgyal và dù bên ngoài không khác gì dân trong làng - ông mặc chiếc áo thô, bện tay bằng sợi không nhuộm màu và đầu đội chiếc mũ tròn nhỏ mà dân chúng vùng Himalaya thường đội - nhưng ông được dân trong vùng kính trọng gọi là lạt ma Nyingma và là người sùng tín và hiểu biết sâu sắc. Ông xem chúng tôi như người trong gia đình “vì tất cả chúng ta”, nhưng ông nói, “đều là Aryakula, thuộc về dòng dõi cao quý của Phật”. Ông không bỏ một cơ hội nào để nói với chúng tôi và Scherab về các vấn đề đạo lý, thậm chí mang đến nhiều kinh sách thiêng liêng, tài sản quí báu nhất của ông, để chúng tôi được đọc. Trong số đó có Tử Thư (Bardo Thodol), Mani Kahbum và những tác phẩm nói về thời kỳ đầu của Phật giáo Tây Tạng, nhất là trong thời kỳ của Liên Hoa Sinh va ba vị vua lớn Srongtsen Gampo, Tisong Desten và Ralpatschan. Ngoài ra ông kể nhiều mẫu chuyện dân gian, thường đọc cho chúng tôi nghe những đoạn trong sách mà sau đó ông giảng rất kỹ.

    Cuốn Mani Kahbum gây ấn tượng sâu xa lên Scherab. Một buổi sáng nọ anh đến chúng tôi, nước mắt đầm đìa; lý do là anh độc về số phận của những người đã gây ác nghiệp về hại sinh vật. Anh thú nhận cũng làm ác như vậy vì đã đặt bẫy chồn cáo. Chúng tôi an ủi anh, nói rằng không tội nghiệp nào mà không hóa giải đi khi trái tim đã chuyển. Anh hứa sẽ không bao giờ làm chuyện đó nữa và xúc động nghe Namgyal nó về lòng đại từ bi của Phật và những hành động vị tha trên đường chứng ngộ Phật quả.

    Om Mani Padme Hum !

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 3 người đọc bài này. (0 thành viên và 3 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •