CON ĐƯỜNG MÂY TRẮNG PHẦN THỨ NĂM - TRỞ LẠI MIỀN TÂY TÂY TẠNG
__________________________________________________ ______________________________________
Những bức bích họa hẳn là toàn thiện nhất trong số những gì chúng tôi từng thấy trong hay ngoài Tây Tạng. Chúng che kín các vách tường, chỉ trừ đoạn dưới màu đỏ của vách (khoảng ba phần tư mét) lên đến trần. Chúng được thếp vàng không tiếc với sự chi li kỹ lưỡng nhất, ngay cả tại những góc tối tăm hay nằm hẳn trên cao không ai thấy tới, thậm chí mặt sau của những bức tượng. Vài hình trong bích họa có kích thước khổng lồ. Giữa những hình đó là những hình vừa và nhỏ, có nhiều nơi là những hình nhỏ xíu, có cái lớn không quá móng tay. Thế nhưng những hình tí hon này vẫn đầy đủ chi tiết như lông mày, tóc tai, móng tay móng chân, trang sức, mặc dù phải cần kính lúp mới thấy chúng. Chúng tôi sớm biết rằng các bức bích họa này là sự thể hiện lòng phụng sự tôn giáo, không cần biết chúng có được trầm trồ nhìn đến hay không. Đó là lời cầu nguyện và hành động thiền định bằng màu và dạng, mỗi một nét vẽ là một hành động của tập trung cao độ. Khi vẽ lại từng nét các bức bích họa, chúng tôi cảm nhận sự kỳ diệu của những đường nét, nơi đó còn nóng hổi nhịp tim và lòng quên mình sinh động của nghệ nhân, họ hiến mình cho tác phẩm, không cần biết tên mình ngày sau có còn ai nhắc tới. Họ tìm nơi sáng tạo tác phẩm niềm cảm khái của mình. Bản thân tác phẩm của họ đã là sự thờ phụng. việc vẽ lại những nét tinh tế này cũng cần sự chú tâm cao độ. Đó là một cảm giác kỳ lạ, được sống lại cảm nhận và xúc động của những người sống gần một ngàn năm trước. Hầu như chúng tôi tiến lại thân thể và nhân cách của họ, tham gia vào suy tư và cảm xúc của họ và bị nội tâm của họ chiếm giữ. Điều đó cho thấy, xúc cảm không những được biểu hiện bằng động tác ra ngoài - thí dụ như nét vẽ, vũ điệu, cử chỉ, ấn quyết - mà cả sự lặp lại những động tác đó cũng sinh ra chứng thực và cảm xúc như nguyên thủy.
Với cách này, chúng tôi bị hút vào công việc, hầu như chúng tôi đã đánh mất tính chất riêng của con người mình và nhận nhân cách của người khác làm của mình, những người sống cách đây hàng trăm năm đã làm công việc tương tự. Biết đâu được chúng tôi chính là những nghệ nhân trong một đời sống trước và đó là lý do đã dưa chúng tôi về lại chốn sáng tạo cũ.
Trong ba tháng ở Tsapang, cứ mỗi ngày trước khi bắt đầu công việc, chúng tôi lại tụng kinh quy y và tán thán trước tượng vàng và cúng hương đèn cho vị giác ngộ, phẩm vật tượng trưng cho ánh sáng và đời sống. Và mỗi ngày sự hiện diện của các vị càng rõ rệt và thúc bách hơn, để lòng chúng tôi tràn ngập sự cảm hứng mà quên đi sự đói lạnh và mọi khắc nghiệt của tình trạng hiện tại, sống như trong sự xuất thần, từ lúc mặt trời mọc đến khi lặn, làm việc hầu như không nghỉ vói một lượng thực phẩm tối thiểu.
Thế nhưng càng ngày trời càng lạnh, đặc biệt trong đền, chỗ mặt trời không bao giờ chiếu vào. Khi rót bảy chén nước để cúng buổi sáng thì chưa rót chén cuối, chén đầu đã đông, dù chỉ cần chưa đầy năm giây để rót chén nước. Vách tường của điện lạnh tới mức mà đụng lâu đến nó sẽ bị gây đau đớn và việc vẽ lại các chi tiết kỹ lưỡng là một sự cực hình. Li phải ủ chai mực tàu trong người để nó khỏi đông và chốc chốc Li phải hà hơi vào cọ nếu không, chỉ sau vài nét vẽ, mực đã bắt đầu cứng. Điều này thật khổ sở trong những ngày cuối của chúng tôi tại Tsaparang, lúc đó mỗi phút mỗi quí, và tôi nhớ là Li phải khóc vì chiến đấu chống cái lạnh.