Kinh:
“Nay cõi Ta Bà này
“Thanh luận được tỏ rõ
“Chúng sanh mê gốc Nghe
“Theo thanh nên lưu chuyển
“Anan tuy nhớ kỹ
“Chẳng khỏi lạc tưởng tà
“Há chẳng tùy chỗ đắm
“Xoay dòng được Thường Chân
“Anan, ông nghe kỹ :
“Tôi nương oai lực Phật
“Tuyên nói Kim Cang Vương
“Như huyễn, chẳng nghĩ bàn
“Phật Mẫu, chân Tam Muội
“Ông nghe hằng sa Phật
“Tất cả pháp bí mầu
“Trước chẳng trừ dục lậu
“Chứa nghe thành lầm lỗi
“Dùng Nghe trì Pháp Phật
“Sao chẳng nghe (cái) tự nghe ?
Thông rằng:
Luận cái căn cơ của cõi này, nên chẳng rõ Tâm Tánh, phải nương theo tiếng luận giải mà được tỏ rõ, nghĩa là nhân lời nói mà ngộ Đạo, đó là sự thường vậy. Nhưng chúng sanh chẳng thấu đạt bổn nguyên, theo tiếng mà lưu chuyển, gọi đó là mê. Thế đó, chạy theo vật là tà, về gốc là chánh. Nếu có thể ngược dòng đến tột nguồn, đến chỗ chẳng sanh diệt, đó là xoay cái Nghe mà chứng Chân Thường, chẳng theo dòng chìm đắm. Đây là pháp môn một đường Niết Bàn của hằng sa Phật vậy. Tam Muội Kim Cang Văn Huân Văn Tu gọi là như huyễn, vì không nguyện, không làm vậy. Không nguyện, không làm, thông suốt gốc Nghe, Chư Phật đều do đó mà xuất. Nếu có nguyện, có làm là dục lậu chẳng trừ, tuy rộng giữ các pháp môn bí mật, cũng đổi thành lầm lỗi. Chẳng phải chỉ tâm ô nhiễm, tình thức còn mới gọi là dục lậu, mà chỉ lòa mắt khởi lên niệm thấy Phật cũng gọi là tà. Nên xoay cái Nghe, nghe vào Tự Tánh mới là cơ đệ nhất đối trị bệnh đa văn vậy.
Vua Tống Hiến Tông hỏi nhà sư Thiên Trúc rằng: “Đã là “Ngọn núi bay đến [Phi Lai Phong, tên riêng]” sao chẳng bay về?”
Đáp rằng: “Một động chẳng bằng một tĩnh”.
Lại hỏi: “Đức Quán Âm trong tay lần chuỗi niệm gì?”
Đáp rằng: “Niệm Đức Quan Thế Âm Bồ Tát”.
Lại hỏi: “Tự niệm danh hiệu mình làm gì?”
Đáp rằng: “Cầu người chẳng bằng cầu mình!”
Có nhà sư hỏi thiền sư Chí Siêu: “Như sao là Phật?”
Tổ Siêu nói: “Ông là người nào?”
Nói rằng: “Há chẳng phải “Bèn là [Tiện thị]” hay sao?”
Tổ Siêu nói: ““Bèn là” tức mất giao thiệp!”
Hai tắc này đều hợp với ý chỉ “Nghe cái tự nghe”.