Hành khất có năm nghĩa: Một là, trong chứng bình đẳng, ngoài không thấy tướng giàu nghèo. Hai là, rời cái tâm tham lam kiêu mạn ngã theo điều lợi. Ba là, có sức Đại Định, chẳng có sợ các độc dữ của nhà gái dâm. Bốn là, lìa bỏ sự nghi ghét của phàm phu. Năm là, phá chỗ phân biệt của Nhị Thừa.

Đức Duy Ma Cật nói rằng:

- Nơi ăn mà bình đẳng, thì nơi pháp cũng bình đẳng. Chẳng luận sang hèn, dơ sạch đều chứng Bồ Đề. Đó là viên thành vô lượng công đức của tất cả chúng sanh. Ông Tu Bồ Đề thì bỏ nghèo theo giàu. Ông Đại Ca Diếp thì bỏ giàu theo nghèo. Thế tức là lòng Từ chẳng quân bình, chẳng gọi là lòng Từ bình đẳng. Nhưng khi Ông A Nan trong tâm vừa khởi niệm như thế, là đã rơi vào ý thức phân biệt, bèn thuộc về cái kế sanh nhai của nhà quỷ, nên ma mới có cơ hội.

Làm sao sánh được với sự hành khất như thế này: Thuở trước, có vị Hòa Thượng, thường dùng gậy quảy một cái bao bố với cái nệm rách. Bao nhiêu đồ dùng đều bỏ hết ráo trong cái bao ấy. Vào chợ búa xóm làng, thấy vật gì thì xin. Hoặc thịt chua cá mặn, vừa lấy thì bỏ vào miệng, còn lại thì bỏ trong bao. Đời ấy người ta gọi là Trường Đinh Tử. Một hôm, có vị tăng đi trước mặt, Sư bèn vỗ vào lưng, vị tăng quay đầu lại. Sư nói:

- Cho ta một đồng tiền.

Tăng nói:

- Nói được thì cho ông một đồng tiền.

Sư bỏ cái bao bố xuống, khoanh tay mà đứng sững. Lại một ngày nọ, Ngài đứng ở chợ. Có vị tăng hỏi:

- Hòa Thượng tại Trong Ấy làm cái gì? Ngài đáp:

- Đồng với: Con Người.

Tăng rằng:

- Đến rồi vậy, đến rồi vậy.

Ngài nói:

- Ông chẳng phải là con người ấy đâu. Tăng hỏi:

- Thế nào là con người đó?

Ngài đáp:

- Cho ta một đồng tiền!

Ngài có bài kệ:

Một bát cơm ngàn nhà,
Cô thân muôn dặm xa.
Mắt xanh, người ít thấy,
Mây trắng hỏi đường qua.


Bản gốc:

Nhất bát thiên gia phạn,
Cô thân vạn lý du.
Thanh mục đỗ nhân thiển,
Vấn lộ bạch vân đầu.


Nếu khế hợp được chỗ ấy, có thể nói là được Nghi Thức của Chư Phật vậy.