DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 57/59 ĐầuĐầu ... 7475556575859 CuốiCuối
Hiện kết quả từ 561 tới 570 của 588
  1. #561
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Thông rằng :

    Tánh của thế gian không ra ngoài tánh của mười hai loài sanh diệt. Cái Hành Ấm giản phác u ẩn máy động thì tuy không có tướng sanh diệt thô, nhưng cái cội nguồn máy động mỗi mỗi chẳng ngừng. Đó là then chốt chung sinh ra các loài. Hành Ấm hết thì cái then chốt này tan nát. Gọi là then chốt (cơ) vì sâu xa không thể thấy, vi tế không thể chỉ ra, như giềng mối của lưới, như bâu cổ của áo. Cái giềng mối then chốt này là căn nguyên của sanh diệt. Ngã Thể chúng sanh (Bổ Đặc Già La) là cái thân trung ấm hướng theo các nẻo, đền nhân trả quả, mạch lạc cảm ứng, mảy tóc không sai. Nay thì cái then chốt sanh khởi nát tan thì nghiệp nhân đã tiêu mất, lấy gì dẫn quả ? Đã không có báo thân, lấy gì đền nhân ? Nhân, quả đều mất, cảm ứng dứt bặt, ấy là tuyệt mất cái mạch ngầm sâu xa vi tế truyền tống chủng tử vậy. Sự chuyển động của mạch ngầm rất là vi tế. Mạch ngầm không dứt thì Mệnh Căn chẳng đoạn. Mạch dứt, then chốt tiêu vong, mới có thể vào cảnh Vô Sanh vậy.

    Ở trước, ba Ấm hết thì như gà mới gáy, chưa phân sắc tinh quang, vẫn còn tối tăm. Ở đây, Hành Ấm hết thì như gà gáy lần chót, ngắm về phương Đông đã có sắc sáng. Thấu vào cái Thức Ấm này, sáu căn liền rỗng sạch, không còn cái tướng giong ruổi khởi động, trong lặng sáng suốt im phắc suốt ngần. Nhập vào lại vào thêm, sâu xa lại sâu thêm, cho đến nhập vào cái Không Chỗ Nhập, thẳng thấu đến chỗ bổn nguyên. Bởi thế, ở trước thì chưa rõ cái mối manh của mỗi sanh mạng, chỉ mới thấy cái then chốt sanh khởi chung. Nay thì rõ thông cái nguyên do thọ mạng của mười hai loài. Ấy là đã thấy cái Đồng mà chưa thấy cái sanh khởi. Xét thấy nguyên do nắm lấy cội nguồn, chẳng cho dời đổi, chẳng để giong ruổi. Đây đã không đầu mối, thì kia tự chẳng hấp dẫn. Hết cả mười phương cõi, duy Tâm duy Thức mà thôi. Còn đâu có được cái chẳng đồng ?

    Đã được tánh Đồng, thì trời đất cùng ta đồng gốc, vạn vật như ta một Thể, thuần nhiên một Biển Tạng Thức vậy. Ngắm qua cái sắc tinh sáng, không đến nổi mờ chìm (hôn trầm). Ắt chẳng thấy, chẳng nghe gọi là cùng cực huyền áo; không tiếng, không mùi gọi là cùng cực thâm mật. Ở đây, dần dần phát hiện lộ bày. Tuy phát hiện mà chưa đến chỗ trong suốt sáng rỡ, còn bị Thức Ấm ngăn che, nên gọi là phạm vi của Thức Ấm.

    Nếu ở chỗ nguyên do thọ sanh của mười hai loài mà đã được tánh Đồng, lại dùng cái sức Định Huệ làm tiêu tan sáu căn, khiến cho sự phân chia có thể hợp lại, sự nghẽn che có thể mở ra. Mở chia, đóng hợp tự do, sáng sạch chẳng nương theo căn, cái thấy ấy, cái nghe ấy gần với chỗ viên thông thì sáu căn thanh tịnh, có thể dùng thay nhau. Đó là chỗ ở trước nói “Ngược dòng toàn nhất, sáu Dụng chẳng hành, ngay đây mười phương cõi nước rỡ ràng thanh tịnh, như ngọc lưu ly, ở trong treo trăng sáng”. Ở đây cũng nói “Mười phương thế giới cùng với thân tâm như ngọc lưu ly”. Đó là trứng vàng của loài chim Kim Xí, trong trẻo sáng suốt rỡ ràng như kim cương, không thể phá hoại vậy.

    Trong là thân tâm, ngoài là thế giới đã trong ngần sáng suốt, thì không những cái sắc tinh sáng phát hiện ra, mà cái Mật Viên Tịnh Diệu của hết thảy Như Lai đều hiện ra trong đó. Người ấy liền được Vô Sanh Pháp Nhẫn, tức là chỗ gọi là Càn Huệ Địa. Thức Ấm mà chưa hết thì chẳng thể đến đây được. Thức Ấm là cái tế vi khó đoạn, tức là cái Mạng Căn, nguyên do thọ sanh đều bắt đầu ở đó. Nay Thức Ấm hết, ắt căn nguồn đều hết. Các loài không còn kêu mời đến được, bèn cùng với cái không-thể-mời mà vong mất. Mười phương đều đồng, bèn cùng với tính Đồng mà hết mất. Bởi thế, có thể siêu vượt Mệnh Trược vậy.

    Các vị thầy xưa lấy Hơi Thở, Hơi Nóng và Thức, ba cái hòa hợp thành Mạng Căn. Lúc thọ sanh thì Thức Ấm đến trước hết. Còn Thức đã ra khỏi thì Hơi Thở và Hơi Nóng diệt theo. Cái việc Thức ra khỏi thì mạng chung này phàm phu đều vậy, đâu có thể gọi là siêu vượt Mệnh Trược được ư ?

    Nói “Thức Ấm hết” là đã không còn cái Thức đến trước đi sau. Nói “Vượt khỏi Mệnh Trược” là đã chứng quả A La Hán, không còn chịu thân sau, đâu có thể bàn bạc mơ hồ ư ?

    Trước thì Thân Trung Ấm hướng theo các nẻo, mỗi mỗi tùy theo loại, Hành Ấm hết thì đã dứt cái mạch này. Còn cái mạng mạch của Thức Ấm lại càng vi tế, nên gọi là ảo tượng rỗng không. Ảo là hình như không. Tượng là hình như có. Hình như có, hình như không, lại rốt ráo rỗng không. Rỗng không chẳng sanh chẳng diệt là cái thể Chân Như vậy. Ảo tượng là cái bóng dáng sanh diệt trong tám Thức. Thế nên, y theo Chân Như thì gọi là Chánh Giác, y vào Thức Thứ Tám liền hệ lụy với vọng giác. Trái Giác, hợp Trần nên gọi là vọng tưởng điên đảo. Thức Ấm hết sạch tức là chuyển Thức thành Trí, chuyển sanh diệt mà trụ nơi chẳng sanh diệt. Trừ cái Vọng Tưởng điên đảo vi tế Ảo tượng rỗng không này đâu có dễ gì ư ?

    Nhà sư hỏi Tổ Hương Nham : “Như sao là Đạo ?”
    Tổ Nham nói : “Rồng ngâm nga trong cây khô”.
    Hỏi rằng : “Như sao là người trong Đạo ?”
    Tổ Nham rằng : “Con ngươi ở trong sọ khô”.
    Nhà sư đem hỏi Tổ Thạch Sương : “Như sao là “Rồng ngâm trong cây khô” ?”
    Tổ Sương nói : “Còn đeo cái vui trong ấy”.
    Hỏi rằng : “Như sao là “con ngươi trong sọ khô”?”
    Tổ Sương nói : “Còn mang cái thức trong ấy”.
    Nhà sư lại hỏi Tổ Tào Sơn : “Như sao là “Rồng ngâm trong cây khô” ?”
    Tổ Sơn nói : “Huyết mạch chẳng đoạn”.
    Hỏi rằng : “Như sao là con ngươi trong sọ khô ?”
    Tổ Sơn nói : “Chưa khô hết !”
    Hỏi : “Chưa rõ lại có người được nghe chăng ?”
    Tổ Sơn nói : “Khắp đại địa chưa có một ai chẳng nghe”.
    Hỏi : “Chưa rõ Rồng ngâm là chương cú gì ?”
    Tổ Sơn nói : “Chẳng cần biết đó là chương cú gì, người nghe qua đều chết mất”.
    Tổ Sơn lại dùng bài kệ chỉ dạy cho :

    “Cây khô rồng ngâm, thật thấy Đạo
    Sọ khô không Thức, mắt tinh mơ
    Vui, Thức hết rồi, tin tức hết
    Đâu người để biện sạch trong dơ ?”.


    Ngài Thiên Đồng nêu ra rằng : “Vua ở trong cửa, thần chẳng ra ngoài, nên cái vui, Thức đều hết, ắt con về với cha”.

    Gọi là “Khô ráo hết” tức là Thức Ấm hết. Chẳng có chương cú như vậy làm sao rõ được chương cú này?



  2. #562
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh :

    “Anan, phải biết thiện nam tử ấy đã cùng tột tánh Không của các Hành, về đến nguồn Thức, đã diệt sanh diệt nhưng chưa viên mãn trong chỗ tinh diệu của Tịch Diệt. Người ấy có thể khiến nơi thân mình, các Căn khác nhau khi hợp, khi chia và cùng với các loài mười phương thông chung Tánh Giác. Cái Giác Tri thông suốt một màu vắng lặng, có thể nhập vào nguồn viên mãn.

    “Nếu ở chỗ quay về, lập ra cái nhân chân thường mà sanh thắng giải, thì người ấy sa vào cái chấp Nhân Sở Nhân, thành bạn bè với đám Sa Tỳ Ca La, quy về Minh Đế, mê lầm Bồ Đề của Phật, bỏ mất Chánh Tri Kiến.

    “Đó gọi là hạng Thứ Nhất, lập ra cái tâm có chỗ đắc, thành cái quả có chỗ quy về, trái xa tánh Viên Thông, ngược với đạo Niết Bàn, sanh vào giống ngoại đạo.



  3. #563
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Thông rằng :

    Cái Thức Ấm trong lặng sáng suốt, do Hành mà trôi chuyển. Hành Ấm đã Không, đã diệt cái tướng trôi chảy sanh diệt, nhưng còn nương cái nguồn Thức trong lặng chẳng trôi, nên ở chỗ tịch diệt, sự tinh diệu chưa viên mãn.

    Tịch Diệt nghĩa là sanh diệt đã diệt, không còn phải dùng cái Diệt để diệt Sanh Diệt nữa vậy. Ở đây thì diệt Sanh Diệt tức là còn thuộc về sự dùng công phu, nên chưa là Diệu, nguồn Thức vẫn còn, nên chưa được Viên. Nhưng đã về nguồn Thức, tiêu tan sáu Căn, về trong một chỗ nên có thể khiến nơi thân mình sáu Căn ngăn cách nhau mà có thể dùng thay nhau, hợp chia không ngại. Mượn Căn mà phát ra sự sáng suốt, nắm bỏ tự tại như nhiên, không chỉ cái Tự Giác bên trong sáng rỡ mà còn cùng với với các loài mười phương thông chung tánh Giác. Tánh Giác của tất cả các loài tức là cái Giác của ta, Tánh Giác của ta tức là cái Giác của tất cả các loài. Cái Giác Tri thông nhau, dung hợp không hai. Có thể vào nguồn Giác, viên dung không vướng ngại. Cái cội nguồn này viên mãn cùng cực là cội nguồn thọ mạng của các loài, cũng là cội nguồn phát ra cái giác của các loài. Mạng do đấy mà lập, giác do đấy mà khởi.

    Đã là phát xuất từ cái giác nhưng không thấy có tướng tri giác, nên cho cái giác này là chẳng phải thường, vô giác mới là thường. Thế nên, Giác trở về với Vô Giác đó là Chân Thường, về đến nguồn Thức, đó là cái nhân của Chân Thường. Vậy là lấy cái mơ màng mờ mịt của lúc tám Thức chưa thành hình mà làm chỗ nương náu, cái đó ngoại đạo gọi là Minh Đế vậy. Đã có chỗ trở về, lại có cái sở nhân, mà năng nhân và sở nhân đều là hư vọng. Lập cái Tâm có chỗ đắc, để thành ra cái quả có chỗ đắc thì nhân ấy quả ấy đều sa vào cái sở vọng. Có Sở thì chẳng phải Viên, có Sở tức chẳng Chân, nên nói là trái xa tánh Viên Thông, ngược với Vô Thượng Niết Bàn mà giong ruổi vậy.

    Thiền sư Vân Cái Sơn Chí Nguyên nhân có Ông Đạo Chánh ở Đàm Châu dâng biểu xin Mã Vương mời sư luận nghĩa.

    Nhà vua mời Ngài lên điện, ra mắt uống trà xong, sư đến xin vua cây gươm, rồi cầm gươm hỏi Đạo Chánh : “Trong giáo pháp của ông có nói “Mơ mơ màng màng trong ấy có vật”, đó là vật gì ? “Mờ mờ mịt mịt trong ấy có tinh”, đó là tinh hoa gì ? Nói được không chém, không nói được thì chém !”

    Ông Đạo Chánh hoang mang mờ mịt, bèn lễ bái sám hối.

    Thiền sư nói với Vua : “Bệ hạ biết người này không ?”

    Vua đáp : “Biết”.
    Sư nói : “Là ai thế ?”
    Vua nói : “Đạo Chánh”.

    Sư nói : “Chẳng phải ! Đạo ấy mà chánh thì đã đối đáp khế hợp được với sơn tăng. Đó chỉ là cây hòe côi vô chủ”.

    Giá như ông đạo sĩ chẳng có phân vân mà đối đáp liền được rõ ràng thì cũng chẳng ra khỏi Minh Đế ! Đối cùng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác cách nhau quá xa vậy.



  4. #564
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh :

    “Anan, lại nữa, thiện nam tử ấy đã cùng tột tánh không của Hành Ấm, đã diệt sanh diệt, nhưng chưa viên mãn trong chỗ tinh diệu của Tịch Diệt. Nếu ở chỗ quay về mà ôm làm tự thể của mình, tất cả chúng sanh trong mười hai loài khắp cả hư không đều ở trong thân mình tuôn khởi ra, rồi sanh thắng giải thì người ấy sa vào kiến chấp Năng, Phi Năng, thành bạn bè với Trời Ma Hê Thủ La, hiện thân Vô Biên, mê lầm Bồ Đề của Phật, bỏ mất Chánh Tri Kiến.

    “Đó gọi là hạng Thứ Hai, lập ra cái tâm Năng Vi, thành cái quả Năng Sự, trái xa tánh Viên Thông, ngược với đạo Niết Bàn, sanh vào giống Đại Mạn Thiên, cho cái Ta là cùng khắp viên mãn.



  5. #565
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Thông rằng :

    Ở trước là luận Thường, Vô Thường, ấy là xem thấy cái tâm diệu minh cùng khắp mười phương cõi, trong lặng như nhiên mà cho là Thần Ngã rốt ráo. Từ đó suy tính rằng cái Ta thì cùng khắp mười phương, lặng sáng chẳng động, còn tất cả chúng sanh tự sanh tự chết ở trong tâm mình. Tức là ở đây nói “Đều ở trong thân mình tuôn khởi ra”. Nhưng ở trước là chỉ thấy cái Hành Ấm, nên so tính về cái Năng Vi(05). Tuy chấp rằng mình có khả năng sanh các thứ loài mà thực ra không có khả năng đó, nên nói là cái chấp Năng, Phi Năng.

    Nguyên do thọ sanh của mười hai loài nằm ở tại Ta, thì cho là từ Ta mà ra, không gì chẳng được. Cớ sao lại nói rằng “Phi Năng” ? Bởi vì, Ba cõi duy Tâm, vạn pháp duy Thức, không có cái ngã tướng để đắc nên có thể làm chủ muôn tượng vậy. Nay ở nơi nguồn Thức mà ôm làm tự thể của mình, rồi cho rằng vũ trụ ở nơi tay, vạn vật hóa sanh từ nơi Thân. Ấy là trộm thấy biển cả sanh ra bọt nước, mà tự thân chưa lìa khỏi bọt nước, thì bọt nước có thể sanh bọt nước ư ? Một khi có cái Năng Chấp thì tuy hiện thần thông quảng đại, đều quay về chỗ kiêu mạn, vì Bất Năng mà gắng gượng cho là Năng vậy.

    Ma Hê Thủ La(06) ba mắt tám tay, cỡi trâu trắng, cầm phất trắng hay biến hiện vô biên thân chúng sanh, rồi nói rằng chúng sanh từ ta tuôn khởi ra. Sống ở cõi Trời Sắc Đảnh(07), chưa có thể vượt khỏi Tam Giới mà cho rằng có thể sanh Tam Giới thì há chẳng ngạo mạn ư ? Lập ra cái tâm Mình có thể sanh kia, cho rằng Mình có thể thành tựu chuyện của kia. Hễ còn một chút năng kiến thì chẳng tự viên mãn, nên gọi là trái xa tánh Viên Thông, ngược với đạo Niết Bàn.

    Tổ Tuyết Phong khai thị đại chúng rằng : “Khắp cả đại địa giúm lại thành hạt gạo lớn, ném ngay trước mặt. Thùng sơn(08) chẳng hiểu thì đánh trống khắp mời xem !”
    Ngài Tuyết Đậu tụng rằng :

    “Hết đầu trâu, tới đầu ngựa
    Trong gương Tào Khê tuyệt bụi trần
    Đánh trống xem kìa, sao không thấy
    Trăm hoa xuân đến, nở vì ai ?”.

    Ngày khác, Tổ Tuyết Phong lại nói : “Khắp cả đại địa là một con mắt lẻ của Sa Môn, các ông hướng về đâu mà đi cầu ?”

    Tổ Triệu Châu nghe kể lại, nói : “Nếu ông trở về, cho gởi cái mai !”
    Ngài Hải Ấn Tín tụng rằng :

    “Mắt lẻ Sa Môn không chứa vật
    Muôn tượng sum la từ kia xuất
    Cái mai, ai nhỉ, biết Triệu Châu
    Cái chuyện “phóng hành”, cần miên mật”.


    Ngài Biệt Phong Ấn tụng rằng :

    “Tuyết Phong đi cầu chỗ nào
    Mà Triệu Châu gởi cái mai ?
    Con mắt lẻ Sa Môn
    Bừa bãi mới như vậy
    Ha ! Ha ! Ha !
    Trong nước Đại Đường tiếng trống nổi
    Trong nước Tân La múa quá chừng !”.


    Xem cái cử xướng này của Tổ Tuyết Phong, chỉ cốt yếu biết lấy cái bổn lai tuôn khởi ra tất cả, cái chỗ thật tế rốt ráo không chút bóng dáng dấu vết. Nếu nói “Hay Hiểu”, “Hay Ngộ”, “Hay làm Nguồn Cội cho muôn pháp”, ấy là tay nói tào lao, cần sử dụng cái mai của Triệu Châu mới được.



  6. #566
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh :

    “Lại nữa, thiện nam tử ấy đã cùng tột tánh không của Hành Ấm, đã diệt sanh diệt, nhưng chưa viên mãn trong chỗ tinh diệu của tịch diệt. Nếu ở chỗ quay về mà có chỗ nương tựa, tự nghi rằng thân tâm mình từ chỗ kia phát sanh ra, và cả mười phương hư không cũng đều do chỗ kia sanh ra, rồi ngay nơi cái chỗ sanh ra tất cả đó cho là thể chân thường không sanh diệt. Vậy là ở trong sanh diệt sớm chấp là thường trụ. Đã lầm là chẳng sanh, mà còn mê sự sanh diệt. An trụ trong mê lầm trầm trọng mà sanh thắng giải thì người ấy sa vào cái chấp Thường, Phi Thường, thành bạn bè của những kẻ chấp Tự Tại Thiên, mê lầm Bồ Đề của Phật, bỏ mất Chánh Tri Kiến.

    “Đó gọi là hạng Thứ Ba, lập ra cái tâm Nhân Y, thành cái quả Vọng Kế, trái xa Viên Thông, đi ngược đạo Niết Bàn, sanh ra dòng giống Đảo Viên.




    Thông rằng :

    Trước nói “Nếu y nơi chỗ quay về mà lập ra cái nhân Chân Thường”. Quay về đã có chỗ, ấy là mình có chỗ về. Cái chỗ ta trở về quả thật có thể sanh ra ta, do vậy mà tự nghi thân tâm mình từ nguồn Thức kia tuôn phát ra, mười phương hư không cũng do kia sanh khởi. Không tự mình khởi, nên nói là đều khởi. Chẳng tự mình phát, nên nói là tuôn xuất ra. Khi chưa có ta thì trước đã có Thức này, không chỉ sanh mình ra mà còn sanh tất cả. Do đó mà mơ hồ thấy Thần Ngã là Vô Thường, còn nguồn Thức là Thường. Thần Ngã còn thuộc về Thức Thứ Bảy. Nguồn Thức thuần là Thức Thứ Tám, cái ban sơ chưa động vậy; bèn lấy nguồn Thức làm cái thể Chân Thường không sanh không diệt. Ở chỗ lặng trong không động này, trong chỗ sanh diệt vi tế mà sớm chấp là Thường Trụ. Không chỉ không thấy tánh chẳng sanh chẳng diệt chân thật mà còn mê, không biết pháp sanh diệt hiện tại. An trụ trong mê lầm trầm trọng mà cho là thắng giải. Đó là lấy cái chẳng phải Thường làm Thường, nên sa vào cái chấp Thường, Phi Thường. Như cho là Tự Tại Thiên sanh ra mình mà cho đó là Thường, chẳng biết Tự Tại Thiên cũng chẳng phải là cõi trời Thường Trụ.

    Đạo Thư nói : “Thái Ất là cái khí nguyên nhất. Ban đầu sanh ở trên Thái Hư, có cõi trời Ngọc Kinh. Bốn phương, mỗi phương đều có tám cõi trời, ba mươi hai vị Đế ở đó. Ở trên cõi Ngọc Kinh có ba cõi Trời Tam Thanh : Ngọc Thanh, Thượng Thanh và Thái Thanh. Ở trên cõi trời Tam Thanh lại có mười cõi trời Hư Hoàng, là chỗ ở của Nguyên Lão Nguyên Tôn và Thiên Hoàng Cửu Hoàng”. Đó là cõi trời Sắc Đảnh và Không Cư, ngoại đạo không thể biết rõ, bèn cho đó là cội gốc sanh trời sanh đất. Và chỗ nói rằng “Thiên Hoàng giáng cửu khí làm ra cái Hỗn Độn” thì cũng như bên Tây Vực cho Đại Phạm Thiên làm chủ tể của vũ trụ, đều phát xuất từ kiến chấp trên. Đó là lập ra cái tâm Nhân Y(09), nương vào cái nhân là nguồn Thức, cho là sanh ra mình mà thành cái quả Vọng Kế(10), lầm cho là Thường Trụ, chẳng phải do mình vậy.

    Trước kia thì suy tính rằng ta sanh ra tất cả vật, ở đây thì nghĩ rằng mình hoàn toàn do cái kia sanh, nên gọi là Đảo Viên. Đó là muốn quên Ngã, quên Năng mà không thể mất hết cái tướng sanh, nên nói là “Trái xa tánh Viên Thông, đi ngược đạo Niết Bàn”.

    Thiền sư Đại Ninh Khoan khai thị đại chúng, đưa cây gậy lên, nói : “Tánh mạng của Phật trước, kỷ cương của Phật sau đều trọn ở trong ấy. Như nay sử dụng đến thì làm mây, làm mưa, làm điềm tốt, làm điềm lành, lợi người, lợi trời, ra sanh vào tử. Thế giới tha phương khởi chìm, cuốn mở. Dù cho suốt thân là miệng, nói cũng chẳng có, suốt thân là mắt, soi chẳng hết. Một niệm tương ưng, sát na vạn kiếp !”

    Tổ Từ Minh khai thị đại chúng : “Đạo Ngô gióng trống, bốn đại bộ châu cùng dự. Trụ trượng quơ ngang, quả y hết Càn Khôn đại địa. Bình bát mà chuyển, che hết hằng sa thế giới. Thử hỏi tất cả các ông hướng về chốn nào để an thân lập mệnh ? Nếu mà biết chỗ an thân lập mệnh : Bắc Cu Lô Châu ăn cơm, xơi cháo. Nếu mà chẳng biết : Ngồi mãi trên sàng xơi cháo, ăn cơm !”
    Đây là các vị tôn túc chỉ thẳng ra cái Chẳng Sanh Chẳng Diệt, là thể Chân Thường. Thử nói xem là có về nương hay không về nương ? Đừng ngại, nghi đi !



  7. #567
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh :

    “Lại nữa, thiện nam tử ấy đã cùng tột tánh không của Hành Ấm, đã diệt sanh diệt, nhưng chưa viên mãn trong chỗ tinh diệu của Tịch Diệt. Nếu nơi chỗ hay biết, nhân sự hay biết cùng khắp mà lập ra cái nhận thức rằng cỏ cây mười phương đều gọi là hữu tình, không khác với người. Cây cỏ làm người, người chết rồi trở lại thành cỏ cây mười phương. Ở nơi cái hay biết cùng khắp, không có chọn lựa và cho là thắng giải. Người ấy sa vào kiến chấp Tri, Vô Tri, thành bạn bè của bọn Bà Tra, Tiển Ni chấp tất cả đều có hay biết, mê lầm Bồ Đề của Phật, bỏ mất Chánh Tri Kiến.

    “Đó gọi là hạng Thứ Tư suy tính cái tâm Viên Tri thành cái quả sai lầm, trái xa tính Viên Thông, đi ngược đạo Niết Bàn, sanh ra giống Đảo Tri.




    Thông rằng :

    Ở trước thì quay về Minh Đế, mờ mịt không biết, nhưng cái biết thì không thể diệt được, nên nhân cái biết lập ra nhận thức rằng Nguồn Thức có biết, mà tất cả các pháp đều do cái Biết biến khởi ra. Bởi cho rằng cái thể của tánh Biết trải khắp cùng các pháp, đến nỗi nói rằng loài vô tình đều có biết, không có chọn lựa. Đó là lấy cái Không Biết làm cái Biết, nên gọi là Đảo Tri(11).

    Bộ Hóa Thơ của Ông Đàm Tử(12) có nói : “Cây Phong già hóa làm đạo sĩ. Hạt lúa mục hóa làm bướm. Đó là từ vô tình mà thành hữu tình vậy. Cô hiền nữ hóa thành bia đá, con trùn núi hóa thành cây bách hợp. Đó là từ hữu tình mà thành vô tình vậy. Thế thì cái gì là người, gì là ta, gì là có thức, gì là vô thức ? Vạn vật là một vật, vạn thần là một thần vậy”.

    Đó là kiến chấp “Cỏ cây làm người, người làm cỏ cây” vậy.

    Có nhà sư hỏi Quốc sư Huệ Trung : “Cổ đức nói “Xanh xanh trúc biếc trọn là Pháp Thân, rờ rỡ hoa vàng đâu không Bát Nhã”. Có người không chịu, bảo là tà thuyết. Cũng có người tin, nói bất tư nghì. Không biết như thế nào ?”

    Quốc sư nói : “Đây là cảnh giới của Đức Phổ Hiền, Văn Thù chẳng phải hàng phàm phu tiểu khí có thể tin nhận. Ý chỉ hợp với kinh Đại Thừa Liễu Nghĩa. Bởi thế, Hoa Nghiêm kinh nói “Phật Thân đầy tràn Pháp Giới, khắp hiện trước tất cả chúng sanh, tùy duyên cảm hiện không đâu chẳng khắp mà hằng tại tòa Bồ Đề này”. Trúc biếc đã chẳng ngoài Pháp Giới, há chẳng phải Pháp Thân đấy sao ? Lại nữa, kinh Bát Nhã nói : “Vì Sắc vô biên nên Bát Nhã cũng vô biên”. Hoa vàng đã chẳng vượt ngoài Sắc, há chẳng phải là Bát Nhã đó sao ? Lời nói sâu xa, kẻ chưa tỉnh ngộ khó mà hiểu được”.

    Nghe xong, thiền khách làm lễ mà đi.

    Lại có thầy Tòa Chủ giảng Hoa Nghiêm hỏi Hòa Thượng Đại Châu rằng : “Thiền khách cớ sao chẳng chịu “Xanh xanh trúc biếc trọn là Pháp Thân, rờ rỡ hoa vàng không chi chẳng là Bát Nhã” ?”

    Tổ Châu nói : “Pháp Thân không có hình tượng, ứng ra trúc biếc mà thành hình. Bát Nhã vô tri, đối hợp hoa vàng mà hiện tướng. Chẳng phải hoa vàng, trúc biếc kia mà có Bát Nhã, Pháp Thân. Thế nên, kinh nói “Chân Pháp Thân của Phật giống như hư không. Ứng vật hiện hình như trăng trong nước”. Nếu hoa vàng thật là Bát Nhã thì Bát Nhã đồng với vô tình. Trúc biếc nếu thật là Pháp Thân thì Pháp Thân là đồ ứng dụng. Tọa Chủ có hiểu không ?”

    Đáp rằng : “Chưa hiểu được ý này”.

    Tổ Châu nói : “Như là người thấy Tánh thì nói phải cũng được, nói chẳng phải cũng được, tùy chỗ dùng mà nói, chẳng kẹt phải hay chẳng phải. Còn như người chẳng thấy Tánh, nói trúc biếc thì dính mắc trúc biếc; nói hoa vàng thì dính mắc hoa vàng; nói Pháp Thân thì kẹt Pháp Thân; nói Bát Nhã chẳng hay Bát Nhã. Bởi thế mà đều thành ra tranh luận”.

    Vị Tọa Chủ lễ tạ rồi đi.

    Tổ Diệu Hỷ nói : “Trong chúng thương lượng Đạo, hai vị tôn túc thiết tha thế kia. Một người được cái Thể, một người được cái Dụng. Được cái Dụng thì trên Sự mà kiến lập, được cái Thể thì trên Lý mà quét dẹp. Đó là chỗ nói là “Thật Tế Lý Địa không nhận hạt bụi, trong cửa Phật sự chẳng bỏ một pháp” vậy. Ta làm Pháp Vương, nơi pháp tự tại, hoặc đè hoặc nâng, không được không mất, cái kiến giải như vậy gọi là anh lùn xem kịch ! Chỗ thấy của Diệu Hỷ, các ông cũng cần chung biết. Há chẳng nghe nói “Đập tan xương sống con lừa, leo lên chân con ruồi xanh” ư ?”

    Lại có nhà sư hỏi Tổ Vân Môn : “Như sao là Thanh Tịnh Pháp Thân ?”

    Tổ Môn nói : “Hoa Dược Lan”.
    Nhà sư hỏi : “Bèn cứ như vậy thì sao ?”
    Tổ Môn nói : “Sư tử lông vàng”.
    Ngài Tuyết Đậu tụng rằng :

    “Hoa Dược Lan, chớ mơ màng !
    Vạch số ở cán, không tại bàn cân
    Bèn như vậy, thật không mối manh
    Sư tử lông vàng, tay tổ ngắm”.


    Ngài Thiên Đồng nêu ra rằng : “Giặc đến cần đánh, khách tới cần đãi. Vân Môn, Tuyết Đậu, cả hai đều là tay tổ. Trong ấy làm gì có chuyện “Bèn cứ như vậy” đâu ? Rất kỵ chạm đầu, đụng trán đấy !”

    Căn cứ theo chỗ thấy của các vị tôn túc trên thì cái Viên Diệu còn không thể “Bèn cứ như vậy”, huống gì trong ấy lại so tính cái tâm “Biết hết” để thành cái quả sai lầm ư ?



  8. #568
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh :

    “Lại nữa, thiện nam tử ấy đã cùng tột tánh không của Hành Ấm, đã diệt sanh diệt, nhưng chưa viên mãn trong chỗ tinh diệu của Tịch Diệt. Nếu ở trong chỗ viên dung của các Căn dùng thay lẫn nhau đã được tùy thuận, bèn ở nơi tánh viên dung biến hóa phát sanh các thứ mà cầu cái ánh sáng của Hỏa Đại, ưa cái trong sạch của Thủy Đại, thích cái tràn khắp của Phong Đại, ngắm cái thành tựu của Địa Đại. Mỗi mỗi đều sùng phụng cho các Đại kia là bản nhân, lập thành cái nhận thức thường trụ thì người ấy sa vào cái kiến chấp sanh vô sanh, thành bè bạn của nhóm Ca Diếp Ba và Bà La Môn, đem hết thân tâm thờ nước, thờ lửa để cầu ra khỏi sanh tử, mê lầm Bồ Đề của Phật, bỏ mất Chánh Tri Kiến.
    “Đó gọi là hạng Thứ Năm, chấp trước sùng phụng, mê tâm theo vật, lập ra cái nhân mong cầu hư vọng mà đợi cái quả giả dối, trái xa tánh viên thông, đi ngược đạo Niết Bàn, sanh ra giống Điên Hóa.



    Thông rằng :

    Hành Ấm đã không, thì sáu Căn dùng thay nhau. Các Căn đều viên dung, phát sanh biến hóa, tùy thuận không ngại bèn ở nơi tánh viên dung biến hóa tất cả đều có thể phát sanh mà cho rằng sáu Căn này do bốn Đại thanh tịnh mà có, cái tánh của bốn Đại thanh tịnh là thường trụ ở thế gian, chưa từng ngừng diệt. Đã có thể hóa khởi sáu Căn thì tất cả tiền trần đều do đó mà phát khởi, vậy bốn Đại thanh tịnh là bổn nhân khởi ra mọi thứ. Trước mắt thì Địa, Thủy, Hoả, Phong biến diệt vô thường mà cái Địa Bổn Nhân thì thường trụ không đổi, nên cầu cái ánh sáng của Hỏa Đại, nghĩa là cầu cái tánh thường trụ của ánh sáng vậy. Ưa cái trong sạch của Thủy Đại, nghĩa là cái tánh thường trụ của trong sạch. Thích cái tràn khắp của Phong Đại, nghĩa là cái tánh thường trụ của tràn khắp. Nắm cái thành tựu của Địa Đại, nghĩa là cái tánh thường trụ của thành tựu vậy. Ở mỗi cái đều sùng phụng, cầu ra khỏi sanh tử. Chẳng phải sùng phụng cái Tướng suông, mà muốn nhân cái Tướng mà được cái Tánh. Như đồng tử Nguyệt Quang ban đầu tu tập pháp Quán Nước, qua nhiều kiếp mới có thể làm một với nước. Cái ý sùng phụng của ngoại đạo cũng mường tượng như vậy, muốn hợp làm một với cái tánh của bốn Đại, thường trụ ở thế gian mà gọi là chẳng sanh diệt. Đây chẳng phải là chỗ cầu mà lại cầu, nên gọi là “Cầu hư vọng”, chẳng phải chỗ đợi mà đợi nên gọi là “Đợi giả dối”.

    Việc sanh của bốn Đại, là cái sanh của hữu vi. Sự hóa của bốn Đại, là cái hóa của hữu vi. Bốn Đại là cái bị sanh chứ thật chẳng có thể sanh. Bốn Đại là cái bị hóa, chứ thật chẳng có thể hoá. Chấp cái không có sanh này mà cho là sanh thì điên đảo cái lý biến hóa, nên gọi là Đảo Hóa. Tâm vốn là nguồn gốc của vạn hóa. Tất cả vạn vật đều do Tâm mà có ra. Nay đây chẳng biết Tâm mà chạy theo vật, bỏ gốc theo ngọn mà muốn ra khỏi sanh tử, lại ngược vào sanh tử, bỏ mất Chánh Tri Kiến, ngu si đến nỗi như vậy thì há chẳng trái xa tánh Viên Thông, đi ngược đạo Niết Bàn ư ? Do thế mà quên mất cái Biết, hết mất chỗ thấy thì mong cái chẳng sanh diệt quả là khó vậy !

    Xưa, Ngài Lỗ Tổ hễ thấy có nhà sư đến bèn quay mặt vô vách.

    Tổ Nam Tuyền nghe vậy, nói : “Tôi bình thường hướng về người khác mà nói : “Hãy nhận lãnh cái “Không kiếp về trước”, hiểu lấy cái “Thuở Phật chưa ra đời” mà còn chưa được một phần, nửa phần. Kia như vậy, thì tết Lừa thôi !”

    Ngài Bửu Phước hỏi Tổ Trường Khánh : “Như Ngài Lỗ Tổ, phẩm hạnh ở chỗ nào mà bị Tổ Nam Tuyền nói như thế ?”

    Tổ Khánh nói : “Lui mình nhường người, trong muôn người không có được một”.
    Ngài Thiên Đồng tụng rằng :

    “Trong nhạt có vị
    Diệu thoát tình phàm
    Miên miên nhược tồn, hề, trước khi hình tượng
    Lù đù như ngu, hề, đạo kia thật quý
    Ngọc chạm mất đi thuần diệu
    Châu trong vực hằng tự tươi
    Mười phần khí trong, hề, nắng thu sạch bóng
    Một mảnh mây nhàn, hề, xa phân trời nước”.


    Chỗ này há hạng Bà La Môn “Nhìn Vách” có thể góp lời được ư ?
    Lại Tổ Tuyết Phong hỏi nhà sư : “Chốn nào đến?”
    Đáp : “Thần Quang đến”.
    Tổ Phong nói : “Ngày thì gọi là Nhật Quang. Đêm thì gọi là Hỏa Quang. Thế nào là Thần Quang ?”
    Nhà sư không chỗ trả lời.
    Tổ Tuyết Phong tự thay thế nói rằng : “Nhật Quang, Hỏa Quang. Có nói Nhật Quang, Hỏa Quang thì hãy dẹp quách cái Thần Quang cho xong !”

    Cần phải thấy các Tướng chẳng phải Tướng mới liền hợp với ý chỉ Vô Sanh !



  9. #569
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh :

    “Lại nữa, thiện nam tử ấy đã cùng tột tánh không của Hành Ấm, đã diệt sanh diệt, nhưng chưa viên mãn trong chỗ tinh diệu của Tịch Diệt. Nếu ở nơi chỗ viên minh, chấp sự trống không trong viên minh, bác bỏ tiêu diệt các sự vật biến hóa. Lấy sự vĩnh viễn diệt mất làm chỗ quy y, rồi sanh thắng giải thì người ấy sa vào kiến chấp Quy Vô Quy thành bè bạn của nhóm chấp Không trong Vô Tưởng Thiên, mê lầm Bồ Đề của Phật, bỏ mất Chánh Tri Kiến.

    “Đó gọi là hạng Thứ Sáu, vẹn thành tâm hư vô, kết nên cái quả Không Vong, trái xa tánh Viên Thông, đi ngược đạo Niết Bàn, sanh ra giống Đoạn Diệt.




    Thông rằng :

    Ở trước thì vọng chấp bốn Đại là chẳng sanh diệt, bèn sa vào Thường Kiến. Ở đây thì phá diệt các sự vật biến hóa mà nương về cái vĩnh viễn diệt mất, đó là sa vào Đoạn Kiến.
    Cái trống không trong cái sáng, cái sáng trong cái trống không, thì hình như bày hiện tánh Viên Minh, độc chỉ chấp chặt cái trống rỗng ở trong tánh sáng, lấy cái vô quy làm quy, trụ yên nơi tánh không bèn sa vào quả Vô Tưởng Thiên.

    Nhóm Chấp Không không có thân cảm xúc, ở trong hào quang của Phật, ánh sáng khiến tạm thấy. Do lấy Không làm Nhân, nên cũng lấy Không làm Quả, thế bèn dứt mất chủng tánh Như Lai, nên gọi là “Cháy mầm, hư giống” vậy. Ngoại đạo lấy đó làm Niết Bàn, nên cách xa Niết Bàn chân thật ngàn dặm muôn dặm !

    Có nhà sư hỏi Tổ Vân Môn : “Khi cây héo lá rụng thì thế nào ?”
    Tổ Môn nói : “Thể lộ gió vàng !”
    Ngài Tuyết Đậu tụng rằng :

    “Hỏi đã có Tông
    Đáp cũng tương đồng
    Ba câu rõ được(13)
    Một cú rộng không
    Đồng rộng hề, gió mát rào rào
    Trời cao hề, mưa xa lất phất
    Anh chẳng thấy
    Thiếu Lâm ngồi mãi, khách chưa về
    Yên nương Hùng Nhĩ, chùa rộn rịp”.

    Tổ Huyền Sa thượng đường rằng : “Phật Đạo mênh mông không đường lối nhất định. Không có cửa là cửa giải thoát, không có ý là ý đạo nhân. Chẳng ở ba mé(14) nên không thể thăng trầm. Kiến lập thì trái với Chân nên chẳng thuộc về tạo tác. Động ắt khởi lên cội gốc sanh tử, Tịnh thì mê muội nơi chốn hôn trầm. Động Tĩnh đều mất thì lạc vào Không Vong. Động tĩnh đều thâu thì mơ hồ Phật Tánh. Hẳn phải đối trần, đối cảnh như tro lạnh, cây khô. Lúc đến hạp dùng, chẳng mất phép tắc. Như gương soi hình tượng, chẳng loạn ánh sáng. Chim bay trong không chẳng lấm vẻ không. Bởi thế, mười phương không có ảnh tượng, ba cõi bặt dứt hành tung. Chẳng sa vào cái cơ lui tới, chẳng trụ nơi cái ý trung gian. Trong chuông không có tiếng vang của trống, trong trống không có tiếng vang của chuông. Chuông trống chẳng tương giao, câu câu không sau trước. Như tráng sĩ duỗi tay chẳng nhờ tha lực, sư tử dạo chơi nào cần bạn lứa ? Hư không hết nhặm, nào do soi suốt ! Một dải quang minh chưa hề mờ tối. Đến vào trong ấy, thể bặt bặt, thường sáng quắc, mặt trời chói rực, bày bố vô biên ! Trong Viên-Giác-Không chẳng động lay. Nuốt sáng Càn Khôn soi tột khắp”.

    Tổ Huyền Sa, Vân Môn thấy suốt chân thể Niết Bàn vốn không sanh diệt, phát huy chỗ tinh diệu như vậy đủ cho hàng ngoại đạo dựng tóc gáy.



  10. #570
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh :

    “Lại nữa, thiện nam tử ấy đã cùng tột tánh không của Hành Ấm, đã diệt sanh diệt, nhưng chưa viên mãn trong chỗ tinh diệu của Tịch Diệt. Nếu nơi tánh Viên Thường củng cố cái thân cho thường trụ như tánh ấy, mãi không suy mất mà sanh thắng giải, thì người ấy sa vào cái chấp Tham Phi Tham, thành bè bạn của nhóm A Tư Đà, cầu được mạng sống lâu dài, mê muội Bồ Đề của Phật, bỏ mất Chánh Tri Kiến.

    “Đó gọi là hạng Thứ Bảy, bám níu cái Mệnh Căn, lập cái Nhân Củng cố vọng thân hướng theo cái Quả Khổ nhọc lâu dài, trái xa tánh Viên Thông, đi ngược đạo Niết Bàn, sanh ra giống Vọng Diên(15).



    Thông rằng :

    Thoáng thấy tánh Viên Minh, bèn chấp theo tướng “Trống không trong cái sáng”. Thoáng thấy chỗ Viên Thường bèn chấp theo cái tướng Thường chẳng hư hoại. Chỗ này thì người trí cũng không tránh khỏi. Nhưng tánh Viên Minh chưa từng chẳng trống không, mà cái trống không đó chẳng thể chấp níu. Chấp nắm cái trống không ấy thì sa vào Không. Cái tánh thuần trong toàn vẹn chưa từng chẳng Thường, mà cái Thường kia không thể chấp níu. Chấp nắm cái Thường ắt chạy theo khổ nhọc.

    Trang Tử nói “Đại khối làm nhọc ta vì cái sống”. Các cách tu luyện như gấu vươn vai, chim ngẩng cổ, nôn cũ thâu mới cũng là chuyện nhọc nhằn, nên gọi là “Khổ nhọc lâu dài”. Vả chăng, cái sắc thân bốn Đại này bị định nghiệp ràng buộc. Cái phân đoạn sanh tử chẳng thể làm cái biến dịch sanh tử, cái biến dịch chẳng thể làm cái phân đoạn. Thân vốn vô thường, thật chẳng thể tham mà nay lại bám níu muốn được lâu dài, nên gọi là cái chấp Tham Phi Tham. Tuy các vị tiên trường thọ có được cái thuật này mà chứng sự trường thọ chẳng qua là củng cố cái vọng thân mà thôi, đối với tánh Chân Thường không hư hoại rất là xa cách, nên gọi là trái xa tánh Viên Thông, đi ngược đạo Niết Bàn.

    Bám níu Mạng Căn, lặng đứng cái Thức Tinh, lắng trong chẳng giao động bèn có thể vượt khỏi Vô Tưởng Thiên mà sanh cõi trời Phi Phi Tưởng. Đây gọi là hạng ngoại đạo Đệ Nhất ở Tây Vực, trọng việc củng cố thân cho thường trụ, cùng lắm là hết tám vạn kiếp lại lọt vào luân hồi. Thế thì sao có thể thường trụ ư ?

    Tổ Huyền Sa nhân uống lầm thuốc, cả người đỏ rần, có nhà sư hỏi : “Thế nào là Pháp Thân kiên cố ?”

    Tổ Sa nói : “Cõi đất mưa giọt lộp độp !”

    Hòa Thượng Hoài tụng rằng :

    “Nhểu nhểu suốt thân là mủ thối
    Trên thuyền câu cá, hiển gia phong
    Người đời chỉ ngó trên dây nhợ
    Chẳng thấy hoa lan đối liễu hồng”.


    Hòa Thượng Đoan nói : “Từng có người hỏi Ngài Pháp Hoa “Thế nào là thanh tịnh Pháp Thân ?”, thì Ngài chỉ đáp “Cứt thúi ngất trời”. Lại nói : “Trên lá hoa sen hóa làm trẻ nhỏ”. Thử nói là đồng hay khác với cổ nhân ?”
    Ngài Pháp Hoa cũng có bài tụng :

    “Cứt thúi ngất trời cũng ngẫu nhiên
    Pháp Hoa đâu dám vì ông tuyên
    Mũi kia mà có thông thiên khiếu(16)
    Cứ việc hoành hành khỏi xỏ xiên”.


    Ở đây, các vị tôn túc đối với cái Pháp Thân kiên cố trong đàm luận mà còn muốn nôn ra, huống gì cái sắc thân thô lậu này mà muốn giả dối kéo dài ư ?

    Nhưng cũng có vị nương nguyện lực mà trở lại, chẳng phải nhờ tu luyện mà đắc.
    Như Ngài Thiên Tuế Bảo Chưởng người Trung Ấn, sanh năm Thứ Mười Hai đời Châu Uy Việt, bàn tay trái nắm lại, đến năm bảy tuổi làm lễ cạo tóc mới mở ra, do đó mà có tên là Bảo Chưởng(17). Khoảng đời nhà Ngụy Tấn, sang Trung Hoa, vào đất Thục làm lễ Đức Phổ Hiền. Thường không ăn, hằng ngày tụng các kinh Bát Nhã hơn ngàn cuốn, có bài vịnh rằng :

    “Nhọc nhằn răng ngọc lạnh
    Tợ giòng suối tuôn nhanh
    Có lúc đêm thâu ngồi
    Trước thềm quỉ thần khóc”.

    Một hôm, Ngài bảo đại chúng : “Ta có lời nguyện ở thế ngàn tuổi, năm nay là sáu trăm hai mươi sáu năm !”

    Bởi thế có danh xưng là Thiên Tuế(18).

    Kế đó, Ngài dạo núi Ngũ Đài, dời đến ở chùa Hoa Nghiêm, núi Chúc Dung, núi Song Phong ở Hoàng Mai; rồi chùa Đông Lâm ở Lư Sơn, đều tìm đến để xây dựng. Gặp lúc Tổ Đạt Ma vào nước Lương, bèn đến hỏi ý chỉ, được khai ngộ. Vua Võ Đế tôn kính tuổi đạo cao, mời vào trong triều. Chẳng bao lâu lại vào đất Ngô, có bài kệ rằng :

    “Thành Lương gặp Đạo Sư
    Tham thiền rõ tâm địa
    Rong chơi hai xứ Triết
    Hết trọn non nước đẹp”.

    Thuận giòng xuống miền Đông giáp Thiên Trúc, ở núi Mậu Phong, lên non Thái Bạch, vượt qua núi Nhạn Đảng, bàn luận ở núi Thúy Phong, cả thảy bảy mươi hai cái Am. Trở về Xích Thành, dừng nghỉ ở các nơi Vân Môn, Pháp Hoa. Trở lại núi Phi Lai, ngụ ở non Thạch Đậu, đi hết bốn trăm Châu của Trung Hoa. Trong xứ này gọi là Đạo Nhân du phương. Đó là năm Thứ Mười Lăm niên hiệu Trinh Quán. Sau ở chùa Bửu Nghiêm đất Phổ Giang, kết bạn hiền với Lãng thiền sư. Mỗi khi thăm hỏi thì cho con chó trắng mang thơ sang, Ngài Lãng cũng sai một con vượn xanh làm sứ giả. Nên nơi vách sư Lãng có câu “Chó trắng ngậm thơ đến. Vượn xanh rửa bát về”.
    Ngày mồng Một Tết năm Thứ Hai niên hiệu Hiển Khánh, Ngài tự đắp một bức tượng, đến mồng Chín thì xong, mới hỏi đệ tử là Huệ Vân : “Cái này giống ai ?”

    Đáp rằng : “Dạ, chẳng khác Hòa Thượng”.

    Liền đó đi tắm, thay áo, ngồi kiết già, bảo Huệ Vân : “Ta trụ thế một ngàn lẽ bảy mươi hai năm, nay sắp từ giã.

    “Hãy nghe kệ ta :

    “Bổn lai không sanh tử
    Nay cũng bày sanh diệt
    Ta đặng tâm ở-đi
    Lại về đây năm khác”.

    Chốc lát lại dặn dò : “Sau khi ta tịch sáu mươi năm, có nhà sư đến lấy hài cốt ta thì đừng ngăn cản”.

    Nói xong, thì đi thoát.

    Hơn năm mươi bốn năm sau, có Trưởng Lão Thích Phù từ Vân Môn đến tháp, làm lễ rồi nói : “Xin tháp mở rộng ra”.

    Chốc lát cửa tháp quả nhiên mở rộng, bộ xương liền nhau như màu vàng ròng. Thích Phù bèn mang sang đất Tần Vọng xây tháp chôn thờ.

    Từ năm Đinh Mão đời Châu Uy Liệt đến năm Đinh Tỵ niên hiệu Hiển Khánh đời Đường Cao Tông đúng một ngàn lẽ bảy mươi hai năm ! Đến nước này trải qua hơn bốn trăm năm. Hàng ngoại đạo cầu sống lâu mà có thể như Ngài Bảo Chưởng có mấy người ư ?



Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 2 người đọc bài này. (0 thành viên và 2 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •