Thông rằng :
Đây là ở nơi Thường, Vô Thường theo đó mà khởi ra cái Hữu Biên, Vô Biên. Luận về Thường, Vô Thường thì dùng cái Tánh mà nói, thuộc về Kiến Phần. Về Hữu Biên, Vô Biên thì dùng phận vị mà nói, thuộc Tướng Phần. Một là, phận vị ba đời. Hai là phận vị Thấy, Nghe. Ba là, phận vị Ta-Người. Bốn là phận vị Sanh Diệt. Tất cả đều giới hạn trong phận vị của Hành Ấm mà vọng sanh ra so tính.
Một là, do Hành Ấm lưu chuyển không ngừng nên cho sự lưu chuyển là tam tế quá khứ, hiện tại, vị lai mà gọi là Hữu Biên. Còn cho sự không ngừng là tiếp nối không có bờ mé, mà gọi là Vô Biên.
Hai là, chỉ so tính trong chỗ thấy, nghe được chúng sanh trong tám vạn kiếp mà gọi là Hữu Biên, còn ngoài tám vạn kiếp không thấy, nghe gì nên gọi là Vô Biên.
Ba là, cho rằng mình biết cùng khắp tất cả chúng sanh, đó là tính Vô Biên, còn Tánh Biết của chúng sanh có cùng khắp hay không thì chỉ họ tự biết, chứ mình chẳng hề biết. Vậy chúng sanh bị hạn cuộc nơi sự tự biết, chẳng thể thông tiếp với mình, nên chỉ có tánh Hữu Biên.
Bốn là, xét cùng Hành Ấm là Không, thấy rằng trước có mà nay không. Do đó, so tính rằng Chánh Báo của chúng sanh nửa sanh, nửa diệt, thế giới Y Báo cũng nửa sanh, nửa diệt. Nửa sanh là Hữu Biên, nửa diệt là Vô Biên.
Bốn cái luận Hữu Biên này đều không ra khỏi sự tuần hoàn sanh diệt của chúng sanh và các kiến chấp kiếp hoại hay chẳng hoại nói ở trước, chỉ đặc biệt so tính về hữu biên và vô biên.
Có nhà sư hỏi Quốc Sư Huệ Trung (tiếp theo đoạn trước) : “Có vị trí thức chỉ bày kẻ học nhân này rằng : “Chỉ tự biết Tánh. Khi rõ Vô Thường, ném bỏ cái xác phiền não một bên rồi, cái chỗ cao linh trí tánh, rỗng rang mà lui về, gọi là giải thoát”. Theo đây thì thế nào ?”
Quốc sư nói : “Trước đã nói rồi, vẫn còn là cái hạn lượng của hàng Nhị Thừa, ngoại đạo. Nhị Thừa chán ghét sanh tử, ưa thích Niết Bàn. Ngoại đạo cũng nói “Ta có hoạn nạn lớn, vì ta có thân”, bèn vui về Minh Đế. Tu Đà Hoàn buộc vào tám vạn kiếp, ba quả kia buộc vào sáu, bốn, hai vạn kiếp. Bậc Bích Chi Phật trụ trong Không định một vạn kiếp. Ngoại đạo trụ trong Phi Phi Tưởng tám vạn kiếp. Nhị Thừa hết kiếp còn có thể hồi tâm hướng Đại Thừa, còn ngoại đạo liền trở lại luân hồi”.
Hỏi rằng : “Phật Tánh một giống hay khác ?”
Quốc sư nói : “Chẳng thể một giống”.
Hỏi rằng : “Sao vậy ?”
Quốc sư nói : “Hoặc có thứ toàn chẳng sanh diệt, hoặc nửa sanh nửa diệt, nửa chẳng sanh diệt”.
Hỏi rằng : “Vì sao mà giải thích như vậy ?”
Quốc sư nói : “Phật Tánh ngay đây của tôi hoàn toàn không có sanh diệt, Phật Tánh phương Nam của ông thì nửa sanh nửa diệt, nửa chẳng sanh diệt”.
Hỏi rằng : “Phân biệt chỗ nào ?”
Quốc sư nói : “Đây thì thân tâm nhất như, ngoài thân không có gì khác, thế nên toàn vẹn chẳng sanh diệt. Còn phương Nam của ông thì thân là Vô Thường, Thần Tánh là Thường, bởi thế mà nửa sanh nửa diệt, nửa chẳng sanh diệt”.
Hỏi rằng : “Cái sắc thân của Hòa Thượng há đồng được với Pháp Thân chẳng sanh diệt ư ?”
Quốc sư nói : “Sao ông lại vào tà đạo thế ?”
Thưa rằng : “Học nhơn này sao mà vào tà đạo ?”
Quốc sư nói : “Ông chẳng thấy kinh Kim Cương nói “Thấy sắc, cầu thanh đều là hành tà đạo” ư ? Nay chỗ thấy của ông chẳng phải vậy sao ?”
Thưa rằng : “Tôi đã từng đọc giáo lý Đại Thừa, Tiểu Thừa, cũng thấy có nói cái chỗ Trung Đạo chánh tánh chẳng sanh chẳng diệt, cũng thấy có nói rằng ấm này diệt, ấm kia sanh, thân có đổi thay mà Thần Tánh chẳng diệt. Đâu có thể bác bỏ hết giống như hai kiến chấp Đoạn, Thường của ngoại đạo ?”
Quốc sư nói : “Ông học cái đạo chân chánh xuất thế Vô Thượng hay là học hai cái kiến chấp Đoạn, Thường sanh tử của thế gian ? Ông há chẳng thấy Tổ Triệu Công nói “Nói chân thì ngược tục, theo tục thì ngược chân” ư ? Ngược với Chân nên mê Tánh mà chẳng quay lại. Nghịch với Tục nên lời nói đạm bạc không mùi vị. Hạng Trung Căn nghe thì như nhớ như quên. Hạng Hạ Căn nghe thì vỗ tay mà cười. Nay ông muốn học theo người hạ liệt mà cười Đại Đạo ư ?”
Đáp rằng : “Thầy cũng nói “Tức Tâm là Phật”, bậc trí thức phương Nam cũng nói thế, có gì là khác đâu ? Thầy lẽ ra chớ nên cho mình phải mà họ quấy”.
Quốc sư nói : “Hoặc là tên khác, thể đồng; hoặc là tên đồng mà thể khác. Bởi đó mà lầm lộn. Chỉ như Bồ Đề, Niết Bàn, Chân Như, Phật Tánh thì danh khác mà Thể đồng. Còn Chân Tâm, Vọng Tâm, Phật Trí, Thế Trí thì tên đồng mà thể khác. Vì phương Nam lầm đem cái Vọng Tâm mà cho là Chân Tâm : nhận giặc làm con. Nắm giữ cái Thế Trí mà xưng là Phật Trí, giống như mắt cá mà lầm lộn với ngọc minh châu. Không thể phụ họa theo được, cần phải phân biệt đúng sai rõ ràng”.
Hỏi rằng : “Làm sao lìa được lỗi ấy ?”
Quốc sư nói : “Ông chỉ khéo quan sát rõ ràng trở lại Ấm, Giới, Nhập, Xứ, mỗi mỗi đều tìm xem tận cùng, còn có được mảy tơ hào nào chăng ?”
Thưa rằng : “Rõ ràng quan sát đó, chẳng thấy có một cái gì khá được”.
Quốc sư nói : “Ông phá hoại tướng thân tâm ư ?”
Đáp rằng : “Thân tâm tánh lìa, có gì để hoại ?”
Quốc sư nói : “Ngoài thân lại có vật chăng ?”
Đáp rằng : “Thân tâm không có ngoài, đâu lại có vật ư ?”
Quốc sư nói : “Ông phá hoại tướng thế gian ư ?”
Đáp rằng : “Thế gian tướng chính là vô tướng, nào dùng đến chuyện hoại”.
Quốc sư nói : “Như thế đó, tức lìa lỗi vậy. Kinh Hoa Nghiêm nói “Một niệm quán khắp vô lượng kiếp, không đi, không đến, cũng không trụ. Như thế rõ biết sự ba đời, siêu các phương tiện thành thập lực””.
Đây là chỗ nói “Tự, Tha chẳng cách hở mảy lông, thủy chung chẳng rời ngay đương niệm”. Chẳng biết cái kiến giải Hữu Biên, Vô Biên do đâu mà kiến lập ?