DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 3/59 ĐầuĐầu 123451353 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 21 tới 30 của 588
  1. #21
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh:

    - Nay ông muốn học đạo Bồ Đề Vô Thượng, phát minh Chơn Tánh thì phải lấy Tâm Ngay Thẳng (Trực Tâm) mà trả lời chỗ Ta hỏi. Mười phương Như Lai đồng một con đường mà ra khỏi Sanh Tử đều là bởi Tâm Ngay Thẳng. Tâm mà nói là Ngay Thẳng, tức là từ địa vị đầu tiên cho đến cuối cùng, suốt trong khoảng giữa, cứ như thế, một mực không có những tướng quanh co.

    Thông rằng: Hiệp Luận nói ở đây, đặc biệt là: Chân Phát Minh Tánh, vậy thì cũng có "Vọng Phát Minh Tánh" sao? Có chứ. Làm sao để phân biệt?

    Đáp:

    - Vô tâm tùy mặc xoay vần mà khắp biết, vốn mầu nhiệm sáng soi mà hằng vắng lặng, ấy là Chân Phát Minh Tánh.

    Chỗ nói: Mười phương Như Lai đều cùng một đường mà ra khỏi Sanh Tử đều do Trực Tâm, là thế. Còn nghịch với thời tiết, bỏ lỡ nhân duyên, lấy vọng tưởng mà gắng gượng hiểu biết, là: Vọng Phát Minh Tánh.

    Chỗ nói: Dùng các vọng tưởng, vọng tưởng này chẳng chân thật nên có luân hồi, chính là thế. Vốn là một Thể, nhưng bởi vì không có tự tánh, không có thời gian, nên tùy chỗ dùng mà có sai khác đó thôi. Tùy mặc xoay vần, hằng hằng vắng lặng mà Hay Biết, ắt hợp với Bổn Tánh nhiệm mầu. Nghịch thời lỡ duyên mà Biết, ắt hợp với Trần Cảnh hư vọng.

    Ngài Mã Minh dạy:

    - Cái Bổn Tánh vốn trong sạch, bởi vì Vô Minh bất giác mà hiện ra tướng tâm ô nhiễm. Tuy có tâm ô nhiễm, Bổn Tánh vẫn thường sáng suốt trong sạch. Cái tướng của tâm ô nhiễm là Vô Minh đang hiện hành. Còn Bổn Tánh sáng sạch là cái Trí Thể Bất Động.

    Có vị tăng hỏi Tổ Vân Am:

    - Luận Tạp Hoa nói: Cái vô minh đang hiện hành tức là Như Lai Bất Động Trí. Điều này thật khó tin, làm sao hiểu được?

    Khi ấy có một đồng tử đang quét đất.

    Tổ Am bèn gọi. Đồng tử quay đầu lại.

    Tổ Am nói:

    - Chẳng phải là Bất Động Trí đó sao?

    Lại hỏi:

    - Cái Phật Tánh của ngươi như thế nào?

    Đồng tử nhìn qua trái, qua phải, như không vậy rồi bỏ đi.

    Tổ Am nói:

    - Chẳng phải là vô minh hiện hành đó sao? Chân Phát Minh Tánh ấy, như ánh sáng của hạt minh châu, thường tự soi hạt châu.


  2. The Following 2 Users Say Thank You to Thiện Tâm For This Useful Post:

    hoatihon (07-08-2015),honglien (07-10-2015)

  3. #22
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh:

    A Nan, nay Ta hỏi ông:

    - Đương khi ông do ba mươi hai tướng của Như Lai mà phát tâm thì ông lấy cái gì mà thấy và cái gì ưa thích?


    Thông rằng: Đây là chỗ từ từ dẫn dụ trước hết của Thế Tôn.

    Đức Thế Tôn há chẳng biết rằng: Sự Thấy thuộc về con mắt, ưa thích thuộc về cái tâm, hay sao?

    Nhưng cái Thấy Có đó, là cái Thấy về hình tướng hữu vi. Cái "có chỗ ưa thích" ấy, là cái ưa về hình tướng hữu vi. Nên hỏi ai thấy, ai yêu, cốt để A Nan ngay lúc ấy nhận ra và nắm lấy con người thực xưa nay của mình vậy. Nếu có thể hồi quang phản chiếu, tìm cầu cái Thấy ấy, chợt hiểu Bất Khả Đắc, hết thảy ưa muốn vốn chưa từng có gốc rễ, tức thì nhập ngay vào Định Thủ Lăng Nghiêm. Thế chẳng khoái sao? Về sau, nhà Thiền hay dùng cái cơ chốt này.

    Có nhà sư hỏi Tổ Bá Trượng:

    - Như sao là Phật?

    Tổ Trượng hỏi:

    - Ông đó là ai?

    Đáp:

    - Tôi đây vậy.

    Tổ Trượng rằng:

    - Ông biết cái Tôi đó chăng?

    Đáp:

    - Rõ ràng vậy.

    Tổ Trượng bèn dựng đứng cây phất tử lên, rằng:

    - Ông lại thấy chăng?

    Đáp:

    - Thấy.

    Tổ Trượng bèn chẳng thốt lời nào.

    Chỗ hỏi của vị tăng là Phật, mà Tổ Trượng lại chẳng nói gì đến Phật, chỉ ở Chỗ Thấy của vị tăng mà nhắc nhở. Một tắc này, rõ ràng bày tỏ được cái khuôn mẫu của Lăng Nghiêm.


  4. The Following 2 Users Say Thank You to Thiện Tâm For This Useful Post:

    hoatihon (07-08-2015),honglien (07-10-2015)

  5. #23
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts

    Kinh:

    A Nan bạch Phật:

    - Thưa Thế Tôn, sự ưa thích đó là dùng cái tâm và con mắt của tôi. Do mắt thấy tướng tốt của Như Lai, tâm sinh ưa thích, nên tôi phát tâm nguyện lìa bỏ sanh tử.

    Phật bảo Ông A Nan:

    - Như chỗ ông nói, thật do tâm và con mắt mà có ưa thích. Nếu không biết tâm và mắt ở đâu, thì chẳng dẹp được trần lao. Ví như bậc quốc vương bị giặc xâm lăng, phát binh đánh dẹp, thì binh ấy cần nhất phải biết chỗ ở của kẻ giặc. Khiến ông bị luân hồi, thì tâm và mắt là thủ phạm. Nay ta hỏi ông:

    - Tâm và mắt ấy hiện ở chỗ nào?


    Thông rằng: Chỗ hỏi của Thế Tôn là riêng tỏ về chỗ Hướng Thượng Nhất Lộ. Nói: Lấy cái gì mà thấy, lấy ai ưa thích, rõ ràng là chỉ thẳng mặt trăng. Chỗ đáp của Ông A Nan chưa rời khỏi thường tình, chỉ biết hợp theo Trần mà chẳng biết hợp với Giác. Xoay lưng lại với Giác mà hiệp theo Trần, là lỗi của ai? Sáu Giặc (sáu Căn) làm môi giới, tự cướp lấy của báu nhà mình. Cho nên, chỗ Ông A Nan nói: Tâm và Mắt, chỉ là Căn và Thức, lôi kéo theo trần lao, lưu chuyển cùng sanh tử. Cái Thường Trụ Chân Tâm như vua trong nước, vì bị giặc xâm lấn, nên vốn trong sạch mà gọi là dơ, vốn sáng soi mà gọi là mờ ám. Tâm và mắt thật là lũ giặc của Chân Tánh vậy. Do đó, phải thấu đến cùng sào huyệt của chúng mà diệt trừ. Nghịch dòng trôi lăn, giữ tròn Chân Tánh, Lục Dụng (sáu Thức) chẳng hiện hành, mà phát ra sự sáng rỡ trong sạch vốn có, sáu Căn đồng dùng thay lẫn cho nhau, con mắt thịt do cha mẹ sanh ra thấy suốt mười phương, thì còn đâu các lỗi bị lưu chuyển nữa!

    Thiền sư Tử Hồ Tung có đêm la lớn:

    - Có cướp! Có cướp!

    Đệ tử choàng dậy tranh nhau đuổi bắt. Ngài chụp lại một người, nói rằng:

    - Bắt được một tên rồi.

    Người đệ tử ấy nói:

    - Không phải đâu, chính là tôi đây.

    Ngài buông ra nói rằng:

    - Chính là. Chỉ bởi vì Chẳng Chịu Nhận Lấy đó thôi!

    Cho nên, nếu chịu nhận lấy thì giặc cướp tức là con cái. Chẳng thể kham lấy, con cái trở lại làm giặc. Đoạn thuyết thoại này đối với chuyện vị quốc vương đem binh trừ giặc, thật là một phen hý lộng, riêng cho Bực Có Mắt, đó thôi.


  6. The Following 3 Users Say Thank You to Thiện Tâm For This Useful Post:

    hoatihon (07-06-2015),honglien (07-10-2015)

  7. #24
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts

    PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG

    CHƯƠNG I: CHỈ BÀY CHÂN TÂM

    MỤC MỘT: GẠN HỎI CÁI TÂM

    II - CHẤP TÂM Ở TRONG THÂN



    Kinh:

    Ông A Nan bạch với Phật:

    - Thưa Thế Tôn, tất cả mười loài chúng sanh ở thế gian đều cho cái Thức Tâm Hay Biết là ở trong thân. Thiết nghĩ, thì con mắt như hoa sen xanh của Như Lai cũng ở trên mặt Phật. Nay tôi thấy con mắt vật chất của tôi cũng ở trên mặt tôi. Như vậy thì cái Thức Tâm thật ở trong Thân.

    Phật bảo Ông A Nan:

    - Hiện nay ông ngồi trong giảng đường của Như Lai. Ông hãy xem rừng Kỳ Đà ở đâu?

    - Thưa Thế Tôn, giảng đường cao lớn thanh tịnh này ở trong vườn Cấp Cô Độc, còn rừng Kỳ Đà hiện thật ở ngoài giảng đường.

    - A Nan, nay ông ở trong giảng đường, thì ông thấy cái gì trước tiên?

    - Thưa Thế Tôn, tôi ở trong giảng đường, trước hết là thấy Như Lai, sau đó là đại chúng, rồi nhìn ra ngoài thấy vườn rừng.

    - A Nan, do đâu ông thấy được vườn rừng?

    - Thưa Thế Tôn, do các cửa giảng đường mở rộng, nên tôi ở trong này mà thấy được ra ngoài xa.


    Thông rằng: Phù Căn Tứ Trần cũng giống như sáu Căn, đây chỉ về Nhãn Căn mà thôi. Đất, Nước, Lửa, Gió: Tánh chúng xưa nay vốn trong sạch; mà Tướng của Đất, Nước, Lửa, Gió mỗi mỗi đều dao động như bụi bặm, gọi là Trần. Khi sáu Căn tạo thành thì nương theo tứ Trần này: Sáu Căn chìm vào trong, bốn Đại trôi nổi ở bên ngoài, cho nên gọi là Phù Căn Tứ Trần. Với cả mười loài, Thức Tâm đều ở trong, mắt ở trên mặt thì không nói cũng biết rồi. Con mắt của Như Lai ở trên mặt, nhưng không dám xác quyết Thức Tâm là ở trong, vì Như Lai đã rời lìa cái Thức rồi, vì cái Pháp Thân thì tròn đầy không có trong hay ngoài vậy. A Nan nói ra thật đắn đo, mà người dịch cũng cẩn thận. Thế Tôn muốn bày rõ cái nghĩa: Tâm chẳng ở trong, nên trước hết lấy giảng đường, rừng vườn, cửa nẻo làm ví dụ. Giảng đường ví như trong thân, vườn rừng ví như ngoại vật, cửa nẻo ví như lục căn. Nếu Ông A Nan là người tỏ suốt, thấy được con người đích thực của A Nan, vốn chẳng thuộc giảng đường, chẳng thuộc vườn rừng, chẳng thuộc cửa nẻo, thì ông sẽ đến đi tự tại, không làm gì có trong có ngoài. Nếu chấp chặt tâm này, lầm lạc cho là ở trong Sắc Thân, lấy tạng phủ làm nhà nhốt kín, lấy sáu căn làm cửa nẻo, ôm lấy ngoại cảnh làm vườn rừng, rồi nghĩ rằng ngoài những thứ đó thì không có chỗ an thân. Một mai, nhà hư cửa nát, cảnh đổi, cái Thấy tiêu vong, thì còn chỗ nào để an được. Thế Tôn tuy nương theo chỗ bình thường biện biệt thứ tự trong ngoài, cũng chỉ rõ ràng sắc thân vốn như huyễn, chẳng phải là chỗ để bám chấp được. Như giảng đường, cửa cái, cửa sổ đối với ta chẳng có tương can gì.

    Ngài Trí Huy Thiền sư trước khi tịch có bài kệ:

    Ngã hữu nhất gian xá,
    Phụ mẫu vị tu cái.
    Vãng lai bát thập niên,
    Cận lai giác tổn hoài.
    Tảo nghị di biệt xứ,
    Sự thiệp hữu tắng ái.
    Đãi tha tồi hủy thời,
    Bỉ thử vô phòng ngại.


    Dịch:

    Ta có một căn nhà,
    Xây lợp bởi mẹ cha.
    Tám mươi năm lui tới,
    Gần đây rõ sắp hoại.
    Sớm liệu dời nơi khác,
    Nào có chuyện ghét thương.
    Đợi lúc kia sập nát,
    Đây kia không ngăn ngại.


    Rồi ngồi kiết già mà đi. Đó là thương ghét đều quên, đến đi không trở ngại, cái Năng Kiến đã tiêu vong thì còn nói gì đến chuyện trong ngoài nữa.


  8. The Following 4 Users Say Thank You to Thiện Tâm For This Useful Post:

    hoatihon (07-08-2015),honglien (07-10-2015),Phúc Hạnh (07-08-2015)

  9. #25
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh:

    Khi ấy, Đức Thế Tôn ở giữa đại chúng, đưa cánh tay sắc vàng xoa đầu Ông Anan, dạy ông và đại chúng rằng: “Có Pháp Tam Ma Đề, tên là Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Vương, gồm đủ muôn hạnh. Mười phương Như Lai, đều do một pháp môn là con đường Diệu Trang Nghiêm ấy mà siêu xuất. Nay ông hãy nghĩ kỹ!”

    Ông Anan đảnh lễ, kính vâng lời Phật dạy.


    Thông rằng:

    Một pháp môn siêu xuất này rõ ràng chỉ ra con đường Đốn Ngộ cốt ở chỗ chuyển Thức thành Trí. Tinh thuần dùng Kim Cang Càn Huệ mới có thể nói là con đường đạo Chân Thật. Sau này, trong kinh có nói: “Diệu Pháp này, vô lượng Chư Phật trong hằng sa kiếp đời quá khứ, nhờ khai ngộ cái tâm này mà được đạo Vô Thượng. Thức Ấm tận hết, thì ngay đây các Căn của ông có thể dùng thay cho nhau được [Tai có thể thấy, mắt có thể nghe... ]. Từ trong chỗ dùng thay nhau đó mà có thể thấu vào Kim Cương Càn Huệ của Bồ Tát. Cái Tâm thuần nhất tròn sáng ở trong phát chiếu ra, như ngọc lưu ly trong sạch, ngậm mặt trăng quý báu ở trong. Như vậy rồi vượt lên hàng Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hành, Thập Hồi Hướng, Tứ Gia Hạnh Tâm, đến chỗ tu hành của Kim Cương Thập Địa Bồ Tát, đến địa vị Đẳng Giác Tròn Sáng, nhập vào cái Biển Trang Nghiêm Mầu Nhiệm của Như Lai, tròn đầy cái Đạo, quy về trong cái Vô Sở Đắc”.

    Đầu đuôi ứng nhau, tất lấy việc siêu xuất Thức Ấm làm cái quy tắc rốt ráo. Đức Thế Tôn thấu suốt rằng sự tiếp nối nhau của sanh tử thế gian chỉ là sự tiếp nối nhau của mỗi mỗi vọng tưởng, mê mờ chẳng hề biết quay trở lại. Thức Ấm hết ráo, đó là Chân Tâm Thường Trụ, hiện bày trước mắt, Thể Tánh trong sạch sáng soi, cùng Phật không khác. Cho nên, phá được Thức Ấm, tức nhập Đốn Môn. Ông Anan tuy thông minh học rộng, rốt cuộc chẳng ra khỏi thức tình phân biệt. Thức tình chưa trừ, chỉ là ở chỗ “Có đắc”. Mà chứng Bồ Đề, chỉ ở tại chỗ “Không đắc”. Cho nên, phần sau của kinh, nơi bảy chỗ hiển bày cái Tâm, Ông Anan mỗi mỗi cứ lấy chỗ “Có đắc” mà tự trói, còn Thế Tôn thì thảy thảy đều lấy chỗ “Không đắc” mà quét sạch. Kinh Lăng Già nói: “Có tướng để đắc là Thức, không có tướng để đắc là Trí”. Đây thật là Đốn Môn liền chứng Bồ Đề vậy.

    Đức Nhị Tổ Thần Quang [Tổ Huệ Khả. Người đời Bắc Ngụy, xứ Lạc Dương. Lúc Đạt Ma đại sư ở núi Tung Sơn, tại Chùa Thiếu Lâm, đức Thần Quang cầu đạo rất mực. Đến đêm hôm trời tuyết, chặt lìa cánh tay trái. Đức Đạt Ma cảm chịu. Cải đổi tên là Huệ Khả. Sau, thọ y bát của Tổ Đạt Ma, nối pháp của thiền tông, làm Tổ Thứ Hai], chặt tay trước mặt Sơ Tổ Đạt Ma cầu xin pháp môn An Tâm.

    Tổ nói: “Đem cái tâm lại đây ta an cho!”

    Ngài Thần Quang thưa: “Tìm hết tâm rồi, rốt là không thể đắc!” [Mích tâm liễu bất khả đắc]

    Sơ Tổ nói: “Ta an tâm cho ông rồi đó”.

    Nếu Ông Anan có thể tin được bảy chỗ trưng bày tâm đều bất khả đắc, thì y bát đâu có riêng truyền cho Ông Ca Diếp!


  10. The Following User Says Thank You to Thiện Tâm For This Useful Post:


  11. #26
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh:

    Phật bảo Ông Anan: “Như lời ông nói: ở giảng đường, do cửa mở rộng nên ông thấy được vườn rừng ở xa. Liệu có chúng sanh nào ở trong giảng đường, không thấy Như Lai mà lại thấy được ngoài giảng đường không?”

    Ông Anan thưa: “Thưa Thế Tôn, ở trong giảng đường không thấy Như Lai mà lại thấy được rừng suối bên ngoài, thật không có lẽ đó”.

    Phật dạy: “Anan, ông cũng như thế. Cái tâm linh của ông, hết thảy đều rõ biết. Nếu hiện nay cái tâm rõ biết đó của ông thật ở trong thân, thì trước hết nó phải rõ biết trong thân thể. Vậy có chúng sanh nào, trước thấy bên trong thân rồi sau mới thấy những vật ở bên ngoài không? Dầu không thấy được tim, gan, tì, vị nhưng móng tay mọc, tóc dài ra, gân chuyển, mạch nhảy, đúng ra phải rõ, sao lại không biết? Đã không biết bên trong, làm sao biết được bên ngoài? Vậy nên biết rằng ông nói cái tâm hay rõ biết đó trụ ở thân, không có lẽ nào như vậy”.


    Thông rằng:

    Do mắt thấy mà tâm biết, chẳng rời căn trần, do bởi phía trong mà biết phía ngoài, đó là cái thấy bình thường thế tục. Đức Thế Tôn bèn ở nơi cái thấy thường tình mà bác bỏ rằng “Đã không biết phía trong làm sao ở phía trong?” Tuy người có Trí cũng phải khuất phục bởi lý luận này. Thật ra, tim gan tì vị, không gì mà chẳng biết rõ. Móng tóc gân mạch, không gì mà chẳng hay. Nếu không hay biết, thì hóa ra chỉ là một vật ù lì vậy sao?

    Ngài Phó Đại Sĩ [Họ Phó, tên Hấp, tự Huyền Phong, là đạo sĩ để tóc. Lấy họ mà gọi là Phó Đại Sĩ; còn theo xứ mà gọi là Đông Dương Đại Sĩ. Tự ngài xưng là Thiện Huệ Đại Sĩ.] có bài kệ:

    “Đêm đêm ôm Phật ngủ

    Sáng sáng cùng Phật dậy

    Đứng ngồi vẫn theo nhau

    Nói nín đồng vừa vặn

    Mảy tơ chẳng lìa nhau

    Tương tự như hình, bóng

    Muốn biết chỗ Phật ở

    Lời nói âm thanh đó”.


    (Dạ dạ bảo Phật miên

    Triêu triêu hoàn cọng khởi

    Khởi tọa trấn tương tùy

    Ngữ mặc đồng cư chỉ

    Túng hào bất tương ly

    Như thân ảnh tương tự

    Dục thức Phật khứ xứ

    Chỉ giá ngữ thanh thị).

    Theo lời nói này đây, thì nói rằng “Cái tâm rõ biết ở trong Thân” cũng chẳng phải là không đúng!

    Ngài Vân Môn [Tổ Văn Yến thiền sư, tại núi Vân Môn, nối kế Tổ Tuyết Phong. Sắc phong các hiệu Khuôn Chơn thiền sư, Đại Từ Vân Khuôn Chơn Hoằng Minh thiền sư. Để lại nhiều thoại đầu công án như Vân Môn Nhất Bửu, Vân Môn Tam Cú, Vân Môn Thể Lộ Kim Phong... ] nói rằng: “Luận Bảo Tạng nói “Trong trời đất, giữa vũ trụ, có một vật báu, ẩn tại Non Hình (thân thể). Cầm lồng đèn hướng vào trong Phật điện, đem ba cửa đến để trên lồng đèn, để làm gì?”

    Ngài tự thay thế mà nói: “Theo vật, ý dời”.

    Lại nói: “Mây nổi sấm động”.

    Ngài Tuyết Đậu [Một vị cao tăng. Tuyết Đậu là tên núi. Được ngài Vân Môn truyền pháp. Tại núi này còn có Thường Thông thiền sư, Minh Giác đại sư đều lấy tên núi làm hiệu] tụng rằng:

    Xem đi,

    Bến cổ ai kia nắm cần câu

    Mây trùng trùng, nước mênh mông

    Trăng sáng, bông lau, anh tự thấy!.


    Đoạn công án này nói cái Năng Tri Tỏ Biết và cái Bổn Giác Tròn Sáng rất dễ lẫn lộn, cũng tương tợ như trăng sáng và bông lau, nên cần soi xét phân biệt. Nếu soi xét phân biệt ra được, thì không chỉ lồng đèn và lộ trụ [Lộ trụ: cây cột trước chùa. Là một công án của Tổ Vân Môn: Cổ Phật với cây lộ trụ tương giao, đó là cơ thứ mấy?], mà còn đốn triệt được Tâm Tông của Tổ Vân Môn, và cái vật báu trong thân cũng cùng với Tăng Triệu [Tăng Triệu: người viết bộ Bảo Tạng Luận còn gọi là Triệu Luận] khế hợp.. Đâu phải là bọn ma mị tinh hồn giỡn cợt tầm thường có thể mượn lời mà nói được.


  12. The Following 2 Users Say Thank You to Thiện Tâm For This Useful Post:

    hoangtri (07-12-2015)

  13. #27
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    III. CHẤP TÂM Ở NGOÀI THÂN


    Kinh:

    Ông Anan cúi đầu bạch Phật: “Tôi nghe lời Phật dạy như vầy, mới rõ tâm tôi thật ở ngoài thân. Tại sao như thế? Ví như đèn thắp trong phòng, trước hết phải chiếu trong phòng, sau mới do cửa chiếu sáng ngoài sân. Tất cả chúng sanh không thấy bên trong thân mà chỉ thấy bên ngoài, cũng như ngọn đèn, để ở ngoài phòng, không thể chiếu sáng trong phòng. Nghĩa ấy rõ ràng, chắc là không lầm, chưa biết có đúng với liễu nghĩa của Phật hay không?”

    Phật bảo Ông Anan: “Vừa rồi, các tỳ kheo theo Ta đi khất thực trong thành Thất La Phiệt, nay đã về rừng Kỳ Đà. Ta đã thọ trai rồi, giờ ông hãy xem trong chúng tỳ kheo, khi một người ăn thì các người khác có no không?”

    Ông Anan bạch Phật: “Thưa Thế Tôn, không. Vì rằng các tỳ kheo tuy là A La Hán nhưng thân xác khác nhau, làm sao một người ăn mà các vị kia no được”.

    Phật bảo Ông Anan: “Nếu cái tâm tỏ hiểu, thấy biết của ông thật riêng ở ngoài thân, thì thân và tâm ở ngoài nhau, chẳng dính líu gì với nhau. Vậy thì cái gì tâm biết thì thân không thể hay, cái gì thân hay thì tâm không thể biết. Nay Ta đưa tay nhu nhuyễn lên cho ông xem, khi mắt ông thấy thì tâm ông có phân biệt không?”

    Ông Anan bạch Phật: “Thưa Thế Tôn, đúng vậy”.

    Phật bảo Ông Anan: “Nếu thân và tâm cùng hay biết một lúc thì làm sao tâm lại ở ngoài thân? Vậy, phải biết rằng ông nói cái tâm rõ biết trụ ở ngoài thân, thật không thể có điều ấy”.


    Thông rằng:

    Chỗ thấy của Ông Anan chưa chân thật nên không tránh khỏi việc theo lời mà sanh ra sự hiểu biết. Cái tri giải sanh ra theo lời nói ấy chính là chỗ ở của thức tình. Đức Thế Tôn cốt nhổ dứt cái thức căn nên mỗi mỗi đều chặt bỏ, khiến cho Ông Anan không có chỗ để bám víu. Đấy mới thật là giống như quốc vương đi dẹp giặc, biết chỗ của giặc mà diệt trừ.

    Ông Anan cho rằng cái tâm ở ngoài thân, là đúng với chỗ liễu nghĩa của Phật, chẳng phải là không có kiến thức đâu. Bởi vì cái tâm ấy, ngầm ẩn nơi Trời thì là Trời, ngầm ẩn nơi Đất bèn là Đất, cùng khắp vũ trụ, rộng trải nhiều đời, chứ đâu phải ràng buộc mãi trong một thân này. Thế nên ông mới nói “Tỉnh ngộ biết cái tâm tôi thật ở ngoài thân”. Lại thêm “Nghĩa ấy rõ ràng, chắc là không lầm”.

    Đức Thế Tôn lấy ví dụ “Người khác ăn tất chẳng phải ta no”, để chỉ rằng nếu cái tâm ở ngoài thì có quan hệ gì đến thân ta. Cái thân mạng là hình tướng, nên ăn chẳng thể tương thông, làm sao người này ăn người kia no được. Còn cái tri giác là thần nhiệm, trong ngoài nào có trở ngại được. Chỉ vì Ông Anan chấp chặt “Tâm ở ngoài”, như một vật sáng, chỉ chiếu bên ngoài mà không thể chiếu bên trong. Thế thì ngoài thân là tâm, còn trong thân chẳng phải là tâm sao! Nếu tâm ở ngoài thân, thì thân không thể biết : như người khác ăn, ta chẳng thấy no. Nhưng mắt thấy cái gì, tâm liền phân biệt ngay cái ấy, thế thì cái tâm ấy lại chẳng thường ở trong ư? Cho nên nói ở ngoài là sai lầm.

    Ngài Tào Sơn [Bổn Tịch thiền sư, kế pháp Tổ Động Sơn Lương Giới thiền sư. Phái Tào Động. Tào Sơn là tên gọi theo chỗ ở] một hôm nghe tiếng chuông, bèn nói: “Ối chà, ối chà!”

    Có nhà sư hỏi: “Hòa Thượng làm sao thế?”

    Ngài bảo: “Đánh trúng tâm ta”.

    Nhà sư không có chỗ đối lại.

    Ngài Ngũ Tổ Giới nói thay rằng: “Làm tâm của thằng giặc hoảng hồn!” [Tác tặc nhân tâm hư]

    Ngài Phó Đại Sĩ có bài kệ:

    “Xóm làng các Phật, tại thế giới

    Bốn biển núi sông, sanh đầy khắp

    Phật với chúng sanh đồng một Thể

    Chúng sanh là giả danh của Phật

    Như cần thấy Phật: xem ba quận

    Rừng ruộng, nhà vườn, ở khắp nơi

    Hoặc ở không trung bay quanh quẩn

    Hoặc cho sông núi tiếng vang lừng

    Hoặc kết bạn bè đi khắp xứ

    Hoặc lại cô đơn bước một mình

    Hoặc khiến ban ngày xuôi ngược chạy

    Hoặc khiến ban đêm đi gác canh

    Hoặc đen, hoặc đỏ, rồi hoặc trắng

    Hoặc tía, hoặc hồng với vàng, xanh

    Hoặc to hoặc nhỏ mà mới dưỡng

    Hoặc trẻ hoặc già lúc xưa sanh

    Hoặc có cây đàn trên lông cánh

    Hoặc mang đèn đóm ở thắt lưng

    Hoặc giữa hư không bay loạn xạ

    Hoặc sanh cây cỏ mặc tung hoành

    Hoặc vô ngôn hạnh mà ra cửa

    Hoặc vào hang đất tạm ký sanh

    Hoặc xoi lỗ cây làm quê quán

    Hoặc kết cỏ cây làm thành, ổ

    Hoặc dệt võng lưới làm đường thôn

    Hoặc nằm đất đá làm thềm ốc

    Chư Phật Bồ Tát đều như thế

    Cái ấy tên là Xá Vệ thành”.

    Nơi này mà khế chứng [Hợp tự biết thực tình] thì nói cái tâm Giác Liễu Năng Tri trụ ở ngoài thân cũng không phải là chẳng trúng vậy!

  14. The Following 2 Users Say Thank You to Thiện Tâm For This Useful Post:

    hoangtri (07-12-2015)

  15. #28
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    IV. CHẤP TÂM NÚP SAU CON MẮT


    Kinh
    :

    Ông Anan bạch Phật: “Thưa Thế Tôn, như lời Phật dạy: vì không thấy bên trong thân, nên tâm không ở trong thân. Vì thân và tâm cùng biết một lần, không thể rời nhau nên tâm không riêng ở ngoài thân được. Nay tôi suy nghĩ, biết tâm ở một chỗ!”

    Phật bảo: “Chỗ ấy ở đâu?”

    Ông Anan bạch Phật: “Cái tâm Hay Biết ấy đã không biết bên trong mà lại thấy bên ngoài. Theo như tôi xét nghĩ, thì nó nấp sau con mắt. Ví như có người lấy chén lưu ly úp vào hai con mắt, con mắt tuy là có vật úp vào nhưng không bị trở ngại, con mắt ấy vừa thấy thì liền phân biệt được ngay. Cái tâm hay biết của tôi không thấy bên trong là vì tâm ấy ở nơi con mắt; nhưng lại thấy bên ngoài rõ ràng không ngăn ngại, vì tâm nấp sau con mắt”.

    Phật bảo Ông Anan: “Theo chỗ ông nói : tâm nấp sau con mắt như con mắt nấp sau chén lưu ly. Vậy thì người kia đang khi lấy chén lưu ly úp vào hai mắt, trông thấy núi sông thì có trông thấy chén lưu ly không?”

    - Thưa Thế Tôn, đúng thế, người ấy đương khi lấy chén lưu ly úp vào hai con mắt thật có thấy chén lưu ly.

    Phật bảo Ông Anan: “Nếu tâm ông nấp sau con mắt như con mắt nấp sau chén lưu ly, thì khi trông thấy núi sông sao không trông thấy con mắt? Nếu thấy con mắt, thì con mắt cũng là ngoại cảnh, không thể mắt liền thấy mà tâm liền biết được. Nếu không thấy được con mắt, thì sao lại nói rằng tâm nấp sau con mắt như con mắt nấp sau chén lưu ly? Vậy, nên biết rằng ông nói cái tâm Hay Biết nấp sau con mắt như con mắt nấp sau chén lưu ly, thật không đúng vậy”
    .

    Thông rằng:

    Luận Bát Thức Quy Củ nói “Kẻ ngu khó phân biệt được Căn và Thức”. Vậy thì Căn và Thức khó phân biệt từ xưa rồi. Nếu nói Căn chẳng phải là Thức thì Căn tự là Căn, Thức tự là Thức. Thức thường thấy cái Căn. Nếu nói Căn tức là Thức, thì người chết kia, con mắt cũng hiện còn, tại sao chẳng thấy. Cho nên biết rằng năm Căn chỉ là vật sắc trong suốt soi cảnh vật mà thôi, còn Thức thì hiểu biết phân biệt. Chủng Tử và Hiện Hành của hai thứ huân tập chẳng giống nhau. Năm Căn tức là sắc pháp, là Tướng Phần của Thức Thứ Tám, đủ cả hai nghĩa Chấp (Giữ) và Thọ (Lãnh), có tánh vô ký và trắng sạch suốt. Năm Thức thuộc về tâm pháp, tức là Kiến Phần của Thức Thứ Tám, đủ cả ba Tánh (Thiện, Ác, Vô Ký), hay hiểu biết rõ ràng gọi là Tánh Cảnh thuộc về Hiện Lượng, nên Luận nói “Tánh Cảnh, Hiện Lượng thông ba tánh”. Đến Thức Thứ Sáu mới có Phân Biệt, thuộc về Tỷ Lượng [So sánh, suy lường], Phi Lượng [Biết lầm lạc]. Đây là chỗ phân biệt giữa Căn và Thức.

    Ông Anan nói rằng “Căn ấy vừa thấy liền phân biệt ngay” là đúng. Nhưng nói tiếp “Cái tâm nấp ở trong Căn như chén lưu ly úp lên mắt”, thì sai. Vì, nếu quả như khi chén lưu ly úp lên mắt, thì mắt thấy núi sông cũng thấy được chén lưu ly, cũng thế, tâm khi thấy núi sông, cũng phải thấy con mắt. Nay tâm chẳng thấy con mắt, tức là rõ ràng tâm chẳng phải ngầm ẩn trong con mắt. Ví dụ để so sánh của ông chẳng chân thật, chính thuộc Phi Lượng. Xét chỗ chỉ bày của Ông Anan thì cái tâm Tri Giác chỉ là sáu Thức Phân Biệt vậy. Sáu Thức này do đâu khởi ra? Đó là do sự truyền tống, chuyển đưa của Thức Thứ Bảy và do sự hàm tàng, chứa giữ của Thức Thứ Tám. Dầu cho sự phân biệt dễ bỏ, mà Hành Ấm khó trừ. Dầu cho Hành Ấm dễ tiêu, mà chủng tử khó chuyển hóa.

    Nay đối với sáu Thức Phân Biệt mà Ông Anan còn chưa biết chỗ ở của chúng, huống hồ lại biết được cái Thức Thứ Bảy và Thức Thứ Tám? Chỗ ở còn không biết, nói gì đến chuyện đem binh đi đánh dẹp?

    Kinh này mới đầu phá hang ổ của sáu Thức, nên mới có bảy chỗ trưng bày của Tâm. Sau cùng công kích các cơ quan đầu não của Thức Thứ Tám, cho đến lúc Thức Ấm hết sạch. Đây là đại lược việc chuyển Thức thành Trí. Văn sau của kinh nói rằng “Tuy để được Sáu tiêu [Tức là sáu Thức tiêu.] hết, dường còn chưa mất cái Một”[Cái Thức Thứ Nhứt, A Lại Da]. Đến khi Một, Sáu đều tiêu, rồi không chỗ dựa, mới nhìn lại cái đoạn “Nấp trong con mắt giống như lấy chén lưu ly mà úp” này, lại không phát ra một tiếng cười lớn hay sao! Tuy nhiên, nếu khéo thí dụ, thì không gì mà chẳng được!.

    Xưa, Trung Ấp Hồng [Tổ Hồng Ân thiền sư] thiền sư, có Ngài Ngưỡng Sơn đến tạ ơn truyền Giới, xong rồi hỏi rằng: “Cái nghĩa Phật Tánh như thế nào?”

    Tổ Ấp đáp: “Tôi sẽ nói một ví dụ cho ông: giống như cái nhà có sáu cửa sổ, trong ấy có nhốt một con khỉ lớn, ở ngoài có con khỉ lớn kêu rằng: “Đười ươi”, thì con ở trong liền ứng đáp. Y vậy, cả sáu cửa đồng kêu vang, đồng ứng đáp”.

    Ngài Ngưỡng Sơn [Tổ Huệ Tịch thiền sư, ở Giang Nam, núi Đại Ngưỡng Sơn, tên hiệu Ngưỡng Sơn. Tổ có ba chỗ công án: Ngưỡng Sơn Chẩm Tử, Ngưỡng Sơn Chỉ Tuyết và Ngưỡng Sơn Đằng Điều] lễ tạ rồi đứng lên thưa rằng: “Nhờ ơn Hòa Thượng thí dụ, không gì chẳng rõ. Lại còn có một sự: nếu con khỉ ở trong mê ngủ, con khỉ lớn ở ngoài muốn cùng gặp nhau, thì làm sao?”

    Tổ Ấp bước xuống khỏi chỗ ngồi, nắm tay Ngài Ngưỡng Sơn nhảy múa mà nói: “Đười ươi cùng ông gặp nhau rồi đó. Ví như con tò vò làm tổ trên lông nheo con muỗi, hướng về ngã tư đường mà hô hoán rằng: “Đất rộng người thưa, tương phùng ấy ít”.

    Tổ Vân Cư [Vân Cư Sơn: núi tại Giang Nam, huyện Khương Kiến Xương. Trên đỉnh thường có mây, nên đặt tên Vân Cư. Lại còn gọi là Âu Sơn, vì có đức Âu Ngập thành đạo tại đó. Đây có nhiều Tổ ở, hóa đạo nên thường lấy tên núi làm hiệu] Tích nói rằng: “Khi ấy mà Trung Ấp không được một lời nói ấy của Ngưỡng Sơn, thì làm gì có Trung Ấp!”

    Tổ Trung Thọ Trù nói: “Có người nào định được đạo lý này chăng? Nếu định chẳng được thì chỉ là kẻ bắt tay chơn của tinh hồn làm trò hý lộng. Nghĩa Phật Tánh ở tại chỗ nào?”

    Thiền sư Huyền Giác [Đức Huyền Giác, đời Đường. Ban đầu thuần thông phép Chỉ Quán của Thiên Thai. Thường tu thiền quán. Sau đến Tào Khê, một đêm mà khế ngộ yếu chỉ. Đặt tên Nhất Túc Giác. Trở về Vĩnh Gia, học trò gọi hiệu là Chơn Giác Đại Sư.] nói: “Nếu chẳng phải là Ngưỡng Sơn, làm sao được thấy Trung Ấp. Hãy nói đâu là chỗ Ngưỡng Sơn được gặp Trung Ấp?”

    Tổ Thiên Đồng tụng rằng:

    Nhà tuyết ngũ vùi năm sắp hết

    Cửa rêu đêm chẳng mở, thâm u

    Vườn rừng khô lạnh xem biến đổi

    Gió xuân thổi dậy luật Đồng Khôi
    [Một loại sáo].

    Bài tụng này rõ ràng ca ngợi chỗ ngủ của Ngài Ngưỡng Sơn, chẳng đọa vào sự khô chết. Đó tức là chỗ Ngài Trung Ấp và Ngưỡng Sơn gặp nhau, quả là cái cảnh giới Một, Sáu điều tiêu, nhưng cái chuyện “Vườn rừng biến thái như luật Đồng Khôi” với lại “Tay chân tinh hồn” thì khác nhau biết bao!


  16. The Following 2 Users Say Thank You to Thiện Tâm For This Useful Post:

    Phúc Hạnh (07-13-2015)

  17. #29
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    V. CHẤP NHẮM MẮT THẤY TỐI LÀ THẤY BÊN TRONG THÂN



    Kinh:

    Ông Anan bạch Phật: “Thưa Thế Tôn, nay tôi lại nghĩ như vầy: trong thân thể chúng sanh nầy, tạng phủ ở bên trong, khiếu huyệt ở ngoài, có tạng thì tối, có khiếu thì sáng. Nay tôi trả lời với Phật rằng: mở mắt thấy sáng, gọi là thấy bên ngoài. Nhắm mắt thấy tối, gọi là thấy bên trong. Nghĩa ấy thế nào?”

    Phật bảo Ông Anan: “Đương khi ông nhắm mắt thấy tối, thì cái cảnh tối ấy là đối với con mắt hay không đối với con mắt”. Nếu đối với mắt thì cái tối ở trước mắt sao lại thành ở trong thân? Còn cái tối đó thành ở trong thân thì khi ở trong phòng tối, không có ánh sáng của mặt trời, mặt trăng hay của đèn, thì cái gì ở trong nhà tối đó đều là phủ tạng của ông hết hay sao? Còn nếu cái tối không đối với Mắt, thì làm sao thành ra có thấy? Nếu cho rằng rời cái thấy sáng bên ngoài thì thành ra cái thấy tối đối với bên trong, nhắm mắt thấy tối gọi là thấy bên trong thân, thì khi mở mắt thấy sáng sao lại không thấy cái mặt ? Nếu không thấy cái mặt thì cái thấy tối đối với bên trong cũng không thành được. Còn như thấy được cái mặt, thì cái tâm Hay Biết ấy và con mắt đều ở giữa hư không, sao lại thành ở trong thân được? Nếu tâm và con mắt ở giữa hư không thì tất nhiên không phải là thân thể của ông, vì không lẽ hiện nay Như Lai thấy mặt ông cũng là thân của ông hay sao? Và như thế thì con mắt của ông đã biết mà thân của ông lại chẳng biết. Thế là theo lời nói chấp trước của ông, thân và mắt ở riêng như thế đều có Tánh Biết, thì ông lại có hai Tánh Biết, rồi chính một thân ông sẽ thành hai đức Phật hay sao? Vậy, phải biết rằng ông nói thấy tối gọi là thấy bên trong thân, thật không có lẽ ấy”.


    Thông rằng:

    Ông Anan chỉ vì nghi vướng vào lời nói “Chẳng thể thấy bên trong” mà sanh ra bao nhiêu là suy đoán. “Nấp sau con mắt” đã chẳng phải, thì “Cái thấy tối xoay vào trong” lại đúng hay sao? Cái “Thấy tối” này lại càng suy ra nhiều suy tính hơn. Ông Anan tuy chưa tỏ lời mà Đức Thế Tôn mỗi mỗi đem ra phá sạch. Ban đầu là hỏi cái cảnh tối đó là đối với mắt hay không đối với mắt. Nếu đối với mắt thì thành cảnh ở ngoài, còn nếu không đối với mắt thì chẳng thấy được, thì cái tối đó không thể gọi là ở trong vậy. Đã cho là cái Thấy của “Năng Kiến” là do nhìn trở lại chứ không nhờ con Mắt, thì nếu nhắm mắt nhìn vào trong thấy tối, ắt mở mắt quay lại nhìn cũng có thể thấy mặt. Mặt không thấy được, làm sao thấy được cái tối, vậy thì cái Thấy ấy không thể thấy bên trong. Nếu lại dùng tâm thức im lặng suy xét, đây là tạng phủ, đây là mặt mày, mà gọi là cái Thấy, thì cái tâm Nhãn ấy, chẳng phải ở tại hư không sao?

    Nếu cho là Tâm, mắt vốn ở tại hư không, có thể thấy mặt mày của mình, thì thân của Như Lai cũng là thân của ông sao? Nếu cho rằng cái Thấy của Như Lai là cái Thấy của ông, thân Như Lai là thân của ông thì một thân Anan có thể thành hai vị Phật sao?

    Từ cái chỗ “Thấy bên trong” này mà sanh ra bao nhiêu là suy tính. Cái “Thấy đối với bên trong” đã chẳng thể thành, thì thấy tối không thể gọi là “Thấy bên trong” được. Tuy nhiên, cái Năng Kiến ấy nó vốn tự tối, vậy thì ai thấy đó?

    Ngài Vân Môn hạ lời: “Người người tự có quang minh cả. Khi xem chẳng thấy, tối thui thui. Thế nào là quang minh của người người?”

    Tự trả lời thay rằng: “Kho bếp ba cửa”.

    Lại nói: “Việc tốt chẳng bằng không”.

    Ngài Tuyết Đậu tụng rằng:

    “Tự chiếu bày độc sáng

    Vì ông thông một đường

    Hoa tàn cây không bóng

    Khi xem ai chẳng thấy

    Thấy, chẳng thấy

    Cỡi ngược trâu, hề, vào Phật điện”.


    (Tự chiếu liệt cô minh

    Vi quân thông nhất tuyến

    Hoa tạ thụ vô ảnh

    Khán thời thùy bất kiến

    Kiến bất kiến

    Đảo kỵ ngưu hề nhập Phật điện).


    Nếu hiểu được chỗ “Cỡi ngược trâu vào Phật điện”, thì nói “Thấy tối tức là thấy bên trong” cũng không phải là không đúng!



  18. The Following 2 Users Say Thank You to Thiện Tâm For This Useful Post:

    Phúc Hạnh (07-15-2015)

  19. #30
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    VI. CHẤP TÂM HỢP VỚI CHỖ NÀO THÌ LIỀN CÓ Ở CHỖ ẤY


    Kinh :

    Ông Anan bạch Phật: “Tôi thường nghe Phật chỉ dạy tứ chúng: Do tâm sanh nên thảy thảy pháp sanh. Do pháp sanh nên thảy thảy tâm sanh”. Nay tôi suy nghĩ thì cái Thể Suy Nghĩ đó thật là tâm tánh của tôi, hễ hợp với chỗ nào thì tâm liền có ở chỗ đó, chứ không phải ở trong, ở ngoài hay ở chặng giữa”.

    Phật bảo Ông Anan: “Nay ông nói rằng: do Pháp sanh nên các thứ tâm sanh, hễ hợp với chỗ nào thì tâm liền có ở chỗ đó. Cái tâm ấy nếu không có tự thể thì không thể hợp được, chứ nếu không có tự thể mà vẫn hợp được thì Giới Thứ Mười Chín cùng Trần Thứ Bảy hợp lại được hay sao? Nghĩa ấy không đúng.

    “Còn nếu có tự thể thì khi ông lấy tay tự gãi thân ông, cái tâm biết gãi của ông ở trong thân ra hay từ ngoài vào? Nếu từ trong thân ra, thì phải thấy trong thân. Còn nếu từ ngoài vào, thì trước hết phải thấy cái mặt”.

    Ông Anan bạch Phật: “Thấy là con Mắt, còn tâm thì Biết chứ không Thấy như con Mắt, nói tâm thấy là không đúng nghĩa”.

    Phật dạy: “Nếu con mắt thấy được, thì khi ông ở trong phòng, cái cửa có thấy được không? Lại những người chết rồi vẫn còn con Mắt, lẽ ra phải thấy được vật, mà nếu thấy được vật thì sao gọi là chết?

    “Anan, lại nếu cái tâm hay biết của ông phải có tự thể thì có một thể hay có nhiều thể? Nay tâm ở nơi thân ông, thể ấy cùng khắp cả mình hay không cùng khắp? Nếu tâm có một thể thì ông lấy tay gãi một chi, lẽ ra cả tứ chi đều biết, mà nếu đều biết thì lại không biết gãi ở chỗ nào. Nếu biết chỗ gãi thì cái thuyết một thể của ông tự nhiên không thành. Nếu như có nhiều thể thì thành ra nhiều người, còn biết cái thể nào là thể của ông. Nếu cái thể ấy là cùng khắp thì lại như trước kia, không biết được chỗ gãi. Còn nếu như không cùng khắp thì khi ông chạm trên đầu, đồng thời cũng chạm dưới chân, hễ đầu có biết, lẽ ra chân phải không biết, nhưng hiện nay ông lại không phải như thế”.

    “Vậy, nên biết rằng “Hễ hợp với chỗ nào, tâm liền ở chỗ đó”, thật không có lẽ ấy”.


    Thông rằng:

    Chạm đầu: đầu biết, chạm chân: chân biết, há chẳng phải là “Hễ hợp với chỗ nào, tâm liền tùy có ở chỗ đó” hay sao? Nhưng nếu thế thì ở chỗ không hợp, thì tâm hoàn toàn không có. Đó chẳng phải là tà kiến “Đoạn, Thường” hay sao? Đức Thế Tôn hẳn không vô cớ trách rầy chuyện này.

    Chỉ ở nơi một chữ “Hợp” mà biện rõ chỗ sai lầm. Hợp tức phải là có tự thể. Nếu không có tự thể, nghĩa Hợp không thành. Cũng như không có Trần Thứ Bảy, tất không có Giới Thứ Mười Chín. Còn nếu có tự thể, thì thể này đã chẳng phải từ ngoài vào, lại cũng chẳng phải từ trong ra. Cái tâm thể ấy là một thể hay nhiều thể? Ở nơi thân con người, nó là thể biến khắp hay là thể không biến khắp? Lấy tay gãi một chi, thì cái Biết tùy do gãi mà có, nếu cái Biết ấy là một thể thì phải ở khắp nơi, còn nếu là nhiều thể thì thành ra nhiều người! Cái Biết ấy nếu có ở khắp nơi thì khi gãi không rõ chỗ gãi; còn nếu không ở khắp nơi thì khi gãi lại có chỗ không biết. Có bốn điều trên đều chẳng phải, tức là cái tự thể không định được, vậy do đâu mà hợp? Nói là “Tùy chỗ mà hợp” ấy, thì hợp với một thể ư ? Hợp với nhiều thể ư? Hợp với thể biến khắp ư? Hợp với Thể chẳng biến khắp ư? Hợp với kia thì bỏ đây, hợp với đây thì bỏ kia. Vả chăng phải một, chẳng phải nhiều, chẳng phải khắp, chẳng phải không khắp, mà cuối cùng chẳng có thể hợp. Đã không thể hợp, làm sao thấy “Cái tùy theo mà có”?

    Đức Thế Tôn tuy biện biệt cái sai lầm của thuyết “Hễ hợp với chỗ nào, tâm liền tùy có ở chỗ đó”, nhưng cũng chỉ bày cái diệu mầu của Chân Tâm vô thể. Vô thể ắt vô hiệp, Tâm Cảnh chẳng đến nhau, ngay đây Giải Thoát [Rảnh rang], vốn tự Vô Sanh. Thế thì làm sao nói được “Pháp sanh thì thảy thảy tâm sanh”? “Tâm sanh thì thảy thảy pháp sanh” cùng với ý chỉ “Tam Giới Duy Tâm” không khác, nên không cần phải biện luận. “Pháp sanh thì thảy thảy tâm sanh” thì tâm vốn Vô Sanh, nhân Cảnh mà có soi chiếu, cũng tự là không bệnh.

    Nhưng Ông Anan dẫn lời dạy của Phật để chứng minh là “Hợp với chỗ nào, tâm liền có ở chỗ đó”, thì ấy là cái tâm theo sóng đuổi sóng, chẳng phải cái tâm hiện cảnh mà tịch diệt vậy. Nên ngộ được cái tâm vô thể thì sự hiện cảnh không làm ngăn ngại, nên duyên khởi mà Vô Sanh là vậy.

    Có nhà sư hỏi Tổ Giáp Sơn [Giáp Sơn: tên núi. Tổ sư tu tại núi này nên lấy tên núi làm hiệu]: “Khi dẹp Trần thấy Phật thì sao?”

    Tổ Sơn rằng: “Chính liền vung kiếm! Nếu không vung kiếm, ngư ông nghỉ ổ!”

    Nhà sư đem hỏi Tổ Thạch Sương [Tổ tên Sở Viên, tự Trần Minh, cháu sáu đời của Ngài Lâm Tế Nghiã Huyền (Tổ Lâm Tế tông). Nương ở Thạch Sương Sơn, ban đầu học Nho. Hai mươi mốt tuổi đi tu, kế pháp nơi Lạc Dương Chiêu]: “Dẹp Trần thấy Phật thì như thế nào?”

    Tổ Sương đáp: “Hắn không quốc độ, chỗ nào gặp hắn?”

    Nhà sư trở về nói lại y vậy cho Tổ Giáp Sơn.

    Tổ Sơn thượng đường nói rằng: “Cái bày vẽ của môn đình [Nhà Thiền]chẳng như lão tăng. Thấu lý, luận sâu còn cách Thạch Sương trăm bước!”

    Ngài Thiên Đồng tụng rằng:

    Phất thanh kiếm lớn tẩy binh oai

    Dẹp loạn công đầu ấy là ai?

    Một sớm, khí trần thanh (trọng) bốn biển

    Rủ y (áo), trời đất tự vô vi.


    Ngài Đơn Hà tụng rằng :

    Một câu khế lý, ngọc reo vang

    Nội ngoại long lanh, mắt lạnh tràn

    Cõi Vô Lậu ấy dừng chẳng được

    Trong bóng trăng hoa khó thấy thay!


    Một tắc này đây, “Dẹp trần thấy Phật”, mà tự mình còn chẳng thấy, huống là hợp với trần mà tìm Phật, tìm Giác thì thật là quá sức điên đảo! Tuy nhiên, một mặt trăng hiện khắp tất cả mặt nước. Tất cả mặt trăng dưới nước thu nhiếp vào một mặt trăng. Thì sự “Tùy chỗ mà hợp” lo gì chẳng có!



  20. The Following User Says Thank You to Thiện Tâm For This Useful Post:

    Phúc Hạnh (07-15-2015)

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 3 người đọc bài này. (0 thành viên và 3 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •