DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 33/59 ĐầuĐầu ... 23313233343543 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 321 tới 330 của 588
  1. #321
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Thông rằng :

    Chỗ này nói về thành tựu Trí Xuất Thế Gian của chúng sanh, cốt yếu là ngộ Vô Sanh Nhẫn mà thôi vậy. Người ta không ngộ Vô Sanh là do chứa nhóm nghiệp làm chướng ngại vậy. Chứa nghiệp không gì qua Sát, Đạo, Dâm, Vọng, gọi là Tứ Khí. Hàng Tỳ Kheo Ni thì thêm Xúc Chạm, Hẹn Hò, Che giấu, Đi Theo gọi là Bát Khí.

    Giới Luật có năm hạng tương đương với năm hình phạt của thế gian. Một là Ba La Di tương đương với tội tử hình; hai là Tăng Tàn tương đương với tội lưu đày; ba là Ba Dật Đề tương đương với khổ sai; bốn là Đề Xá Ni tương đương với tội phạt trượng; năm là Đột Kiết La tương đương với tội đánh bằng roi.

    Nếu gặp nghiệp đời trước thì nước, lửa, trùng, rắn cũng đủ làm hại. Tuy Thiên, Long, ác tinh không có lòng hại người nhưng một khi chạm phải khí của các loại đó thì không khỏi bị nạn, cũng là sự chiêu cảm của nghiệp trước vậy. Nghiệp có nặng nhẹ, quả báo cũng nặng nhẹ. Nếu chìm đắm trong các nẻo ác, sanh vào chỗ chẳng vui, thì danh Phật còn chẳng nghe huống là đắc Vô Sanh Nhẫn ư ? Độc chỉ trì Chú này hay tiêu tan nghiệp trước, khỏi các thứ hoạn nạn độc hại. Nếu là người phát tâm Bồ Đề quyết định thì như gió thổi cát, nước sôi trên tuyết, cầu gì mà chẳng toại ư? Chưa được Chánh Thọ liền đắc Chánh Thọ, chưa thể hành Lục Độ liền đắc Lục Độ, chưa được Túc Mạng liền đắc Túc Mạng, thường sanh cùng một chỗ với Chư Phật, đồng xứ huân tu, do đó mà ngộ Vô Sanh Nhẫn thật là dễ vậy. Công đức trì Chú lớn lao vô cùng, không thể nghĩ bàn vậy.

    Thiền sư ni Vô Trước Diệu Tổng nghe Tổ Đại Huệ nêu lên nhân duyên Ngài Dược Sơn ban đầu ra mắt Tổ Thạch Đầu, sau đó đến Đức Mã Tổ, hốt nhiên tỉnh ngộ.

    Tổ Đại Huệ xuống tòa giảng thì cư sĩ Phùng Công Tập đi theo đến phương trượng, nói rằng: “Tôi lý hội được công án Hòa Thượng vừa nêu”.

    Tổ Huệ nói: “Thế nào?”

    Đáp rằng: “Như thế cũng chẳng được, tô rô ta bà ha! Chẳng như thế cũng chẳng được, tất rị ta bà ha! Như thế, chẳng như thế rốt ráo đều chẳng được, tô rô tất rị ta bà ha!”

    Tổ Đại Huệ đem chuyện này nói với ni Diệu Tổng.

    Ni nói: “Chỉ từng thấy Quách Tượng chú giải Trang Tử. Người hiểu biết lại cho rằng chính Trang Tử chú giải Quách Tượng”.

    Tổ Đại Huệ thấy lời nói kỳ dị, lại nêu chuyện Thạch Đầu gặp Bà Tử mà hỏi thì ni Diệu Tổng đáp bằng kệ :

    “Một chiếc thuyền nan nổi mấy phương

    Cất mái múa chèo biệt cung thương

    Núi mây, trăng biển đều vất ráo

    Được quá Trang Châu mộng bướm trường”.

    Tổ Đại Huệ bèn thôi.

    Ông Phùng Công nghi ngờ chỗ ngộ của ni Diệu Tổng chưa căn bản, sau đó qua đất Vô Tích, mới đến thuyền hỏi rằng: “Lão bà sanh bảy đứa con, sáu đứa không gặp tri âm, chỉ tại một đứa cũng chẳng tiêu tan được, bèn quăng xuống nước! Lão sư Đại Huệ bảo đạo nhân lý hội được là hiểu thế nào?”

    Ni đáp: “Trên mà cùng thông khắp thì cùng đến chỗ Chân Thật!”

    Ông Phùng rất kinh hoảng.

    Như chỗ ngộ Vô Sanh Nhẫn của ni Diệu Tổng là Chú đấy ư? Là chẳng phải Chú đấy ư? Mà sao nhả hơi xuất lời không dễ gì đo đếm, đoán biết vậy?



  2. #322
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    VI. CHÚ LÀ PHƯỚC ĐỨC NHƯ Ý CHO MÌNH VÀ CHO CẢ NƯỚC, BẢO HỘ CHO NGƯỜI SƠ HỌC

    Kinh:

    “Lại nữa, Anan, nếu có người nữ chưa có con mong cầu có thai mà có thể chí tâm nhớ niệm Chú này, hoặc đeo trên người Chú Tất Đát Đa Bát Đát Ra này, bèn sanh con trai con gái trí huệ phước đức. Người cầu sống lâu tức được sống lâu. Muốn cầu quả báo mau được viên mãn thì mau được viên mãn. Về thân mạng, dung mạo, sức khoẻ cũng lại như vậy. Sau khi mạng chung, tùy nguyện mà sanh qua mười phương quốc độ, nhất định không sanh nơi biên địa hạ tiện huống là các loài dị hình.

    “Anan, nếu các cõi nước, châu huyện, làng xóm bị đói kém, dịch lệ hay giặc nạn mà viết Thần Chú này treo ở bốn cửa thành, các chỗ thờ tự hoặc trên các lá phướn, rồi khiến chúng sanh nơi ấy vâng đón, cung kính lễ bái, hết lòng cúng dường Chú này, khiến nhân dân mỗi người đeo trong mình hay cất trong mỗi nhà thì tất cả tai ách thảy đều tiêu diệt.

    “Này, Anan, bất kỳ chỗ nào mà có Chú này thì Thiên Long hoan hỷ, mưa thuận gió hòa , mùa màng sung túc, dân chúng an vui. Chú này lại có thể trấn phục tất cả ác tinh, tùy phương hiện các điềm quái, đều khiến cho tai chướng không khởi, con người không bị chết dữ, chết yểu, thân thể không vướng xiềng xích gông cùm, ngày đêm ngủ ngon, thường không ác mộng.

    “Này, Anan, cõi Ta Bà này có tám vạn bốn ngàn tai biến ác tinh, hai mươi tám đại ác tinh đứng làm đầu, lại có tám đại ác tinh làm chủ biến hiện nhiều thứ trên đời, gây ra nhiều loại tai họa dị thường cho chúng sanh. Chỗ nào có Chú này thì các thứ đó đều tiêu diệt hết, trong mười hai do-tuần làm vòng kết giới thì các điềm tai biến hung dữ vĩnh viễn không vào được.

    “Thế nên, Như Lai tuyên dạy Chú này để bảo hộ các người tu hành sơ học trong đời vị lai vào được Tam Ma Địa, thân tâm rộng không, được đại an ổn, không bị hết thảy ma quỷ thần và những oan khiên, nợ nghiệp từ vô thủy tới nay đến khuấy hại. Ông với những người Hữu Học trong chúng này cùng những người tu hành đời vị lai y theo đàn tràng ta dạy, như pháp mà trì Giới, gặp được bậc Giới Chủ là vị Tăng thanh tịnh, đối với Tâm Chú này chẳng sanh nghi hối; người thiện nam tử như thế ngay nơi thân cha mẹ sanh ra này mà không được Tâm Thông thì mười phương Như Lai hóa ra là vọng ngữ!”



  3. #323
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Thông rằng:

    Chỗ này nói về cứu hộ thế gian được Đại Vô Úy, đại khái giống như bốn Diệu Đức không thể nghĩ bàn của Ngài Quan Thế Âm: cầu trai được trai, cầu gái được gái, cầu sống lâu được sống lâu, cầu viên mãn được viên mãn mà cốt yếu là quy về Tâm Thông. Tâm Thông không ra ngoài ba nghĩa: Một là chứng quả, tức là ngồi nghiêm chỉnh an cư một trăm ngày đắc quả Tu Đà Hoàn; hai là tỏ hiểu, tức là tự biết nhất định thành Phật không sai; ba là Túc Mạng Thông, tức là rõ biết khắp cùng không còn nghi hoặc. Tâm Thông này cũng từ trong cái không thể nghĩ bàn mà được, huống là các thứ linh ứng để đề phòng tai họa, chế ngự hoạn nạn làm sao nghĩ bàn được?

    Năm Thứ Mười Ba niên hiệu Đại Nghiệp, Đức Tứ Tổ Đạo Tín dẫn đồ chúng đến Cát Châu thì gặp bọn cướp vây thành bảy tuần (bảy mươi ngày) chẳng lui tan, mọi người đều sợ hãi. Tổ thương xót, dạy bày niệm Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa. Khi ấy, bọn cướp nhìn lên trên thành như có thần binh, bèn bảo nhau: “Trong thành ắt có dị nhân, không thể đánh được”. Bèn lần lần bỏ đi.

    Lại như Trần Tôn Túc (Mục Châu) ở chùa Khai Nguyên hàng ngày đan dép để nuôi mẹ, cho nên có hiệu là Trần-dép-cỏ. Giặc cướp vào xứ, Tổ treo một chiếc dép cỏ nơi cửa thành. Giặc muốn vất đi, dùng hết sức cũng chẳng nhúc nhích, bèn than: “Xứ Mục Châu này có Đại Thánh Nhân”, rồi bỏ thành mà rút lui. Dân trong thành khỏi bị tai họa.

    Chỗ này quả là rõ ràng rồi vậy. Những chuyện khác thì Cao Tăng Truyện ghi lại kể ra không xiết. Còn như tất cả ác tinh tùy phương mà hiện các điềm quái thì cũng như vọng kiến đồng nghiệp ở đoạn trước, mỗi thứ đều do nghiệp cảm, chẳng phải khi không mà sanh. Ác tinh có tám mươi bốn ngàn thứ tương ứng với chừng ấy nghiệp phiền não của chúng sanh. Việc con người làm ở dưới, trời biến hiện đối ứng ở trên. Thiên tượng lớn có hai mươi tám ngôi cùng các dư khí của kinh tinh ngũ hành. Tất cả đều bẩm thọ cái tinh hoa của ngũ hành mà vận chuyển trong không trung. Hễ nghịch tánh nó thì tai họa ứng đáp như các sao Tuệ, Bộ, Phi Lưu [Sao chổi], Thái Bạch, Xi Vưu... Chú này sức Từ rộng lớn, tinh ròng chí thiện nên tất cả các khí xấu không đến gần được, bởi thế có thể tiêu diệt các tai họa dị kỳ ngoài mấy trăm dặm.

    Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng sanh ra vào ngày Tám tháng Tư năm Thứ Hai niên hiệu Nghi Phụng đời Đường, cảm ứng có luồng bạch khí hiện ở trên trời khoảng xứ An Khương.

    Quan Thái Sử trông thấy bèn tâu lên vua Cao Tông.

    Vua hỏi : “Đây là điềm lành gì?”

    Đáp rằng : “Pháp khí của đất nước, chẳng nhiễm vinh hoa thế gian”.

    Vua bèn sai Thái Thú đất Kinh Châu là Hàn Giai đích thân đến vấn an gia đình.

    Phàm chỗ cảm ứng của thiện ác thì lành dữ khác hẳn nhau, ai dám bảo Chú này không đủ để tiêu sạch tai họa ư?



  4. #324
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    VII. CÁC THẦN HỘ PHÁP PHÁT NGUYỆN BẢO HỘ RỘNG RẢI.

    Kinh:

    Phật dạy lời ấy rồi, vô lượng trăm ngàn Kim Cang trong hội đều đồng thời ở trước Phật chấp tay đảnh lễ, thưa rằng: “Như lời Phật dạy, chúng tôi sẽ thành tâm bảo hộ những người tu Bồ Đề như vậy”.

    Khi ấy, Phạm Vương cùng trời Đế Thích, bốn Đại Thiên Vương cùng ở trước Phật đồng thời đảnh lễ, thưa rằng: “Quả có người lành tu học như vậy chúng tôi sẽ tận tâm chí thành bảo hộ, khiến cho họ suốt đời tu hành được như nguyện”.

    Lại có vô lượng Đại Tướng Dược Xoa, các vua La Sát, vua Phú Đơn Na, vua Cưu Bàn Trà, vua Tỳ Xá Giá, các Đại Quỷ Vương Tần Na Dạ Ca cùng các Quỷ Soái cũng ở trước Phật chấp tay đảnh lễ, thưa rằng: “Chúng tôi cũng thệ nguyện hộ trì người này khiến tâm Bồ Đề sớm được viên mãn”.

    Lại có vô lượng Thiên Tử Nhật Nguyệt, Thần Gió, Thần Mưa, Thần Mây, Thần Sấm và các hàng Thần Điển, các quan tuần trong năm, quyến thuộc chủ tinh... cũng ở trong hội đảnh lễ chân Phật, thưa rằng: “Chúng tôi cũng bảo hộ người tu hành này để an lập Đạo Tràng, được Vô Sở Úy”.

    Lại có vô lượng Thần Núi, Thần Biển, hết thảy các loài tinh kỳ muôn vật ở đất đai, trên không, dưới nuớc và Vua Thần Gió, Trời Vô Sắc Giới ở trước Như Lai đồng thời cúi đầu, thưa rằng: “Chúng tôi cũng bảo hộ người tu hành ấy đắc thành Bồ Đề, vĩnh viễn không có ma sự”.

    Lúc bấy giờ, tám vạn bốn ngàn na do tha hằng hà sa câu chi Kim Cương Tạng Vương Bồ Tát ở trong Đại Hội liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, thưa rằng: “Bạch Thế Tôn, như bọn chúng tôi, công nghiệp tu hành đã thành Bồ Đề từ lâu mà chẳng giữ Niết Bàn, thường theo Chú này để cứu người chánh tu hành tu Tam Ma Đề trong đời mạt thế. Thưa Thế Tôn, người tu tâm cầu chánh định như vậy, dầu ở đạo tràng hay lúc kinh hành, cho đến tán tâm dạo chơi xóm làng thì đồ chúng của chúng tôi vẫn thường đi theo hầu hạ bảo vệ người ấy. Giả sử Ma Vương, Đại Tự Tại Thiên muốn có cơ hội để khuấy phá, rốt cuộc cũng không thể được. Các quỷ thần nhỏ cách xa người này ngoài mười do-tuần, trừ phi hạng đó phát tâm muốn tu thiền. Bạch Thế Tôn, những ác ma hay quyến thuộc của ma như vậy muốn đến quấy phá người lành này, chúng tôi sẽ dùng bảo chử [Chày báu] đánh nát đầu như tro bụi, thường khiến cho người này tu hành được như nguyện.

    Thông rằng:

    Người trì Chú này được các Thần bảo hộ. Người trì Chú này chóng đắc Bồ Đề. Người trì Chú này vĩnh viễn không có ma sự. Nguyện lực của Bồ Tát Kim Cang Tạng thật quá sâu xa: Chẳng giữ lấy Niết Bàn, thường theo Chú này mà cứu hộ người tu hành chân chánh trong đời mạt thế, nên các ma không có được cơ hội khuấy phá.

    Ma Vương Chướng Tế thống lãnh quyến thuộc theo Bồ Tát Kim Cang Tề một ngàn năm tìm kiếm chỗ khởi xứ mà chẳng được. Bỗng nhiên ngày nọ thấy được, bèn hỏi: “Ngài y trụ chỗ nào mà tôi suốt một ngàn năm tìm khởi xứ của Ngài không ra?”

    Bồ Tát nói: “Ta chẳng y hữu trụ mà trụ, chẳng y vô trụ mà trụ, như thế mà trụ”.

    Tổ Pháp Nhãn nói: “Ma Vương Chướng Tế chẳng thấy Kim Cang Tề bèn theo, còn như Kim Cang Tề có thấy Ma Vương chăng?”

    Tổ Diệu Hỷ nói: “Đã kiếm khởi xứ không ra thì chuyện một ngàn năm đi theo là gì thế?

    “Đức Kim Cang Tề nói: “Ta chẳng y hữu trụ mà trụ, chẳng y vô trụ mà trụ, như thế mà trụ”, ấy là hỗ tương lừa dối quá lắm !”

    Tổ Pháp Nhãn nói: “Ma Vương Chướng Tế chẳng thấy Kim Cương Tề bèn theo, còn như Kim Cương Tề có thấy Ma Vương chăng?”

    Phán đoán như thế cũng là xem lỗ mà đặt nêm!

    Nay đây bộ không biết khởi xứ của Diệu Hỷ ư? Hãy theo sau mà la lên rằng: “Nói mớ gì thế?” Xét Diệu Hỷ phán đoán như vậy, quả là Ma Vương rình mò chẳng thấy! Nhưng Ma Vương khổ sở muốn kiếm khởi xứ đến đổi đi theo một ngàn năm thì Ma Vương cũng phát tâm muốn tu thiền vậy. Thế nên đối với Bồ Tát Kim Cang Tề chẳng có chi xa cách, mà Bồ Tát Kim Cang tề cũng muốn thuyết pháp cho. Những việc ấy đều không phải người tầm thường mà suy lường nổi.

    Từ Quyển Bốn mời vào “Nhà hoa” cho đến đây gọi chung là phần Tu Đạo. Văn sau riêng là phần Chứng Quả.



  5. #325
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    CHƯƠNG IV: KHAI THỊ CÁC ĐỊA VỊ TU CHỨNG


    MỤC MỘT: KHAI THỊ HAI CÁI NHÂN ĐIÊN ĐẢO BA MÓN TIỆM THỨ


    I. ÔNG ANAN XIN KHAI THỊ NHỮNG DANH MỤC, THỨ BẬC TU HÀNH

    Kinh:

    Ông Anan liền từ chỗ ngồi đứng lên, đảnh lễ chân Phật, bạch Phật rằng: “Chúng tôi ngu độn, thích được đa văn, với các tâm hữu lậu chưa cầu lìa khỏi. Nhờ Phật từ bi dạy dỗ được sự huân tu chân chánh, thân tâm khoan khoái an nhiên, được lợi ích lớn. Thưa Thế Tôn, tu chứng Tam Ma Đề của Phật như thế, khi chưa đến Niết Bàn thì thế nào gọi là Càn Huệ Địa? Bốn mươi bốn tâm thứ lớp đến đâu để được danh mục tu hành? Đến nơi chốn nào thì gọi là Nhập Địa? Sao gọi là Đẳng Giác Bồ Tát?”

    Thưa hỏi thế rồi, năm vóc gieo xuống đất. Đại chúng nhất tâm chờ từ âm Phật, chiêm ngưỡng không chớp mắt.

    Khi ấy, Đức Thế Tôn khen Ông Anan rằng: “Hay thay! Hay thay! Các ông mới có thể khắp vì đại chúng và tất cả chúng sanh đời mạt thế tu Tam Ma Đề, cầu Đại Thừa mà xin Ta nêu bày con đường chánh tu hành từ phàm phu cho đến Đại Niết Bàn. Nay ông hãy lắng nghe, sắp vì ông nói”.

    Ông Anan và đại chúng chấp tay, chú tâm yên lặng thọ giáo.


    Thông rằng :

    Ban đầu, Phật bảo Ông Anan: “Tâm gọi là thẳng. Như thế, từ đầu đến cuối, các địa vị trung gian vĩnh viễn không có tướng quanh co. Niết Bàn là cuối, Càn Huệ là đầu, bốn mươi bốn trung gian là Tín, Trụ, Hướng và Tứ Gia Hạnh, chẳng phải là không có thứ lớp, đó là danh mục tu hành vậy. Tiến vào Thập Địa cho đến Địa Thứ Mười Một là Đẳng Giác Bồ Tát. Đến Đại Niết Bàn mới gọi là Diệu Giác”.

    Cái nơi chốn đạt đến này không mượn vào việc tu. Vậy làm sao được cái tướng không quanh co đây? Không quanh co nghĩa là nhất siêu trực nhập, trước sau không khác, là con đường Diệu Bồ Đề Tối Thượng vậy. Bởi thế, Phật bảo: “Nêu bày con đường chánh tu hành Vô Thượng từ phàm phu cho đến Đại Niết Bàn”, nghĩa là từ phàm phu mà chứng thẳng Diệu Giác, không mượn gì thứ lớp. Nêu bày, nghĩa là chúng sanh chưa chứng nên nói trước cho, đại để như vậy.

    Tổ Hoàng Bá nói: “Tâm đây tức là cái Tâm Vô Tâm. Lìa cả thảy Tướng thì chúng sanh cùng Chư Phật không có chút gì sai khác. Chỉ là Vô Tâm, bèn là rốt ráo.

    “Các người học Đạo! Như chẳng ngay đây Vô Tâm thì bao kiếp tu hành rốt chẳng nên gì, bị công hạnh của Tam Thừa ràng buộc, chẳng có giải thoát. Nhưng chứng Tâm này có mau chậm. Có người nghe pháp một niệm bèn được Vô Tâm. Có người đến Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng mới được Vô Tâm. Có người đến Thập Địa mới được Vô Tâm. Dầu dài hay ngắn, được Vô Tâm là trụ, không còn gì có thể tu, có thể chứng, thật Không Chỗ Đắc, chân thật chẳng hư. Một niệm mà đắc cũng như Thập Địa mà đắc, công dụng như nhau không có sâu cạn, chỉ khỏi bao kiếp uổng công cần khổ vậy”.

    Lời dạy của Tổ Hoàng Bá cũng đồng như Phật nêu bày con đường chánh tu hành Vô Thượng. Ngay đây mà thấu suốt mới tin khoảng trung gian quả là không các tướng quanh co.



  6. #326
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    II. KHAI THỊ HAI CÁI NHÂN ĐIÊN ĐẢO


    Kinh:

    Phật nói: “Anan, hãy biết, cái Diệu Tánh tròn sáng lìa mọi danh tướng, bổn lai không có thế giới, chúng sanh. Nhân vọng mà có sanh, nhân sanh mà có diệt. Sanh diệt thì gọi là vọng, diệt vọng thì gọi là Chân. Đó gọi là hai danh hiệu chuyển y Bồ Đề Vô Thượng và Đại Niết Bàn của Như Lai vậy.

    Thông rằng:

    Tánh mà nói là Diệu thì chẳng trệ nơi Tịch. Minh mà nói là Viên thì chẳng sa vào cái Sở, mà lìa tướng, lìa danh, không thể nghĩ bàn. Chứng vào Diệu Tánh này thì thế giới chẳng phải là thế giới, chúng sanh chẳng phải là chúng sanh, tức vọng thành Chân, cái sanh diệt chẳng phải là sanh diệt vậy.

    Tổ Mã Minh nói: “Vì chẳng như thật biết Chân Như Nhất Pháp nên tâm bất giác động mà thành có ra niệm. Niệm tức là tướng sanh, sanh tức là tướng diệt. Sanh diệt, danh Tướng đều là vọng. Bằng như thật mà rõ biết Chân Như Nhất Pháp ắt Vọng vốn không chỗ có. Giống như người theo phương hướng mà mê lầm, sự mê lầm nào có tự tướng! Cho Đông là Tây mà phương hướng thật nào có xoay chuyển gì đâu. Tỉnh ngộ ra thì cái phương Tây mê lầm kia đâu có! Mê thì cho là tâm động mà thật nào chẳng có động. Như biết cái tâm động ấy là chẳng sanh diệt, liền vào thẳng cửa Chân Như”.

    Rốt ráo thay lời nói này! Đây có thể làm lời dạy chân chánh cho cái “Diệt Vọng thì gọi là Chân” vậy. Thế nên, chuyển cái bất giác y vào Tánh Giác gọi là Bồ Đề Vô Thượng; chuyển cái sanh tử y vào Vô Sanh gọi là Niết Bàn, chứ chẳng phải lìa cái bất giác mà còn có riêng cái Giác, chẳng phải lìa sanh tử mà có riêng cái Vô Sanh. Chỉ là cái vọng kiến diệt đi tức Chân Tánh hiện. Cái bất giác này liền ngay là Chân Giác; cái sanh diệt này liền thật là Vô Sanh. Tức là cái thế giới chúng sanh này đây vốn không có chi là chúng sanh, thế giới. Thế nên mới gọi là Vô Thượng, đó là Đại!

    Chuyển Y thì có sáu thứ: Một là, Tổn lực ích năng chuyển, nghĩa là tổn giảm thế lực của chủng tử ô nhiễm và tăng thêm công năng của chủng tử thanh tịnh, lần lần chế phục sự hiện hành, cũng gọi là Chuyển Y.

    Hai là, Thông đạt chuyển, nghĩa là do thấy Đạo, đạt Chân, rồi nỗ lực đoạn trừ hai cái Chướng (Phiền Não và Sở Tri), chứng sơ lược một phần Chân Thật Chuyển Y.

    Ba là, Tu tập chuyển, nghĩa là hàng Thập Địa từng Địa đoạn dần câu sanh Vô Minh, chứng “Chân Chuyển Y”.

    Bốn là, Quả mãn chuyển, nghĩa là ở địa vị cứu cánh dùng Kim Cương Định vĩnh viễn đoạn trừ tất cả Vô Minh thô, tế, đốn chứng Chuyển Y Phật Quả Viên Mãn.

    Năm là, Hạ liệt chuyển, nghĩa là hàng Nhị Thừa chán khổ ưa tịch lặng, ở chỗ chứng Chân Trạch Diệt, không có khả năng kham nhẫn thù thắng.

    Sáu là, Quảng đại chuyển, nghĩa là địa vị Đại Thừa, không có cả ưa lẫn chán, thông đạt ngã pháp đều Không, song đoạn hai Chướng, đốn chứng Vô Thượng Bồ Đề, bởi có khả năng kham nhẫn thù thắng.

    Bồ Đề Vô Thượng và Đại Niết Bàn này Quảng Đại Chuyển Y Thứ Sáu cùng với Quả Mãn Chuyển Y Thứ Tư đều là Đốn Chứng. So với hàng Nhị Thừa hạ liệt lần lượt tu tập hoàn toàn khác hẳn.

    Thiền Sư An Dân, ban đầu giảng kinh Lăng Nghiêm ở thành đô, được hàng nghĩa-học nương về. Thời ấy, Tổ Viên Ngộ ở chùa Chiếu Giác. An Dân có bạn lành là Thắng thiền sư nên đến đó. Nghe được Tổ Viên Ngộ vào lúc tiểu tham nêu ra nhân duyên ba lần kêu thị giả, thì Triệu Châu có đề ra câu nói “Như người viết chữ trong tối, chữ tuy chẳng thành mà văn vẻ đã rỡ ràng”. Trong chỗ nào là văn vẻ đã rỡ ràng?”

    Sư An Dân tâm nghi chuyện ấy, đốt hương xin vào thất của Tổ.

    Tổ Viên Ngộ hỏi: “Tòa chủ giảng kinh gì?”

    Đáp rằng: “Lăng Nghiêm”.

    Tổ Ngộ nói: “Kinh Lăng Nghiêm có bảy chỗ trưng bày Tâm, tám nơi trả về để biện rõ Tánh Thấy, vậy rốt ráo Tâm ở chỗ nào?”

    Sư An Dân trình bày giải thích lắm thứ, Tổ đều chẳng chịu, mới bảo hãy ở nơi “Tất cả chốn là văn vẻ đã rỡ ràng” mà thể hội.

    Tình cờ có nhà sư hỏi Tổ về Thập Huyền Đàm [Mười bài kệ của thiền sư Đường An Sát], vừa mới nêu ra câu “Tâm ấn của thầy, dáng vẻ thế nào...”, thì Tổ Viên Ngộ nói lớn: “Văn vẻ đã rỡ ràng!”

    Sư Dân nghe liền có chỗ tỉnh ngộ, bèn xin ấn chứng.

    Tổ dạy: “Lấy bổn sắc mà trui rèn thì vô ích”.

    Một hôm, sư thưa với Tổ: “Xin Hòa Thượng thôi nêu lời, để tôi nói xem sao”.

    Tổ chấp thuận.

    Sư Dân nói: “Bình thường dơ chùy, dựng phất há chẳng phải là chỗ trong kinh nói “Hết thảy hình tướng có trong thế gian đều tức là Bồ Đề Diệu Minh Chân Tâm” ư?”

    Tổ Viên Ngộ cười, nói: “Ông xưa nay ở trong đó mà sinh nhai đấy!”

    Sư Dân lại nói: “La hét, gõ sàng há chẳng phải là “Phản văn văn tự tánh, tánh thành Vô Thượng Đạo” ư?”

    Tổ nói: “Ông há chẳng thấy trong kinh nói: “Diệu Tánh sáng đầy, lìa các danh tướng” ư?”

    Sư Dân ngay nơi lời nói được tiêu tan vướng mắc.

    Tổ Viên Ngộ ra khỏi đất Thục, đến ở Giáp Sơn. Sư thôi giảng kinh, theo hầu bên Tổ. Tổ ban đêm giảng thiền cho chúng, nêu ra công án “Buồm xưa chưa căng”. Sư chẳng khế hội, xin Tổ giải quyết.

    Tổ Ngộ nói: “Ông hỏi đi!”

    Sư vừa mới cất lời, Tổ Ngộ liền nói: “Trước sân, cây bách!”

    Sư bèn tỏ suốt, nói với Tổ rằng : “Người xưa nói “Như một giọt nước rớt vào trong ao lớn”, nào chẳng biết “Biển lớn rớt vào trong một giọt nước”!”

    Tổ cười nói: “Kể sá gì lão ấy! Chưa chi đã khiến phân tòa giảng!”

    Rồi nói bài kệ:

    “Thôi khoe Tứ Phận [Bốn phần Luật], dẹp Lăng Nghiêm

    Ở chốn đầu mây, triệt để tham

    Chẳng học Lương Công gần Mã Tổ

    Mà như Đức Kiểu [Đức Sơn] lễ Long Đàm

    Ba thu bay lượn núi Bích Nham

    Nay phiền ngồi tạm Nhất Tòa nhé

    Giữa chốn trăm hoa, hiện Ưu Đàm”.


    Người xưa thực tham, thực chứng, trải qua bao nhiêu Chuyển Y rồi sau mới được chỗ yên ổn mà ngồi. Thế biết cái “Diệt Vọng gọi là Chân” chẳng phải dễ chứng đắc.



  7. #327
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh:

    “Anan, nay ông muốn tu pháp Chân Tam Ma Địa, thẳng đến Đại Niết Bàn của Như Lai thì trước hết phải biết hai cái nhân điên đảo này của chúng sanh cùng thế giới. Điên đảo chẳng sanh, đó là Chân Tam Ma Địa của Như Lai.

    Thông rằng:

    Chân Tam Ma Địa chẳng phải do tu mà đắc. Phàm cái gì có thể tu thì không thể nói là Chân được. Đối với vọng duyên thì trước tiên rõ biết nguyên nhân, nguyên nhân đã không có thì điên đảo chẳng sanh ra. Đã không có điên đảo mà chẳng gọi là Chân thì gọi là gì?

    Tiền trần duyên ra là phân đoạn vọng sanh, tức là nghĩa của Giới. Giới không có tánh. Trôi dời chẳng dừng là nghĩa của Thế. Thế cũng không có tự tánh. Vốn không Tự Tánh, đương thể Không Tịch, đó là Chân Tam Ma Địa.

    Thiền sư Cổ Linh Thần Tán gặp Tổ Bách Trượng được khai ngộ, bèn về chùa cũ.

    Vị bổn sư hỏi rằng: “Ông xa tôi đi ra ngoài, được sự nghiệp gì?”

    Đáp rằng: “Tuyệt chẳng có sự nghiệp gì cả”.

    Thầy bèn khiến làm việc như trước.

    Một hôm thầy Ngài tắm, bảo Ngài kỳ lưng.

    Ngài bèn vỗ lưng, nói: “Cái Phật đường đẹp mà Phật chẳng Thánh!”

    Thầy quay đầu nhìn, Ngài nói: “Phật tuy chẳng Thánh mà hay phóng quang”.

    Thầy Ngài một hôm ngồi bên cửa sổ xem kinh, lúc ấy có con ong đang đục giấy cửa sổ định chui ra ngoài.

    Ngài thấy thế, bảo: “Thế giới thênh thang như kia lại chẳng chịu ra, cứ xoi giấy cũ thì năm Lừa mới nổi!”

    Rồi nói bài kệ:

    “Cửa Không chẳng chịu thoát

    Chui cửa sổ quá si

    Trăm năm dùi giấy cũ

    Ngày nào mới xuất đầu!”.


    Thầy Ngài để kinh xuống, hỏi rằng: “Ông đi tham học gặp ai, mà sao trước sau tôi thấy ông ăn nói lạ thường!”

    Sư đáp: “Con nhờ Hòa Thượng Bá Trượng chỉ cho cái chỗ ngừng nghỉ, nay muốn báo đáp ân đức từ mấy lâu nay”.

    Thầy Ngài bèn bảo chúng thiết trai, mời Ngài thuyết pháp.

    Sư bèn lên tòa, nêu xướng môn phong Tổ Bách Trượng rằng:

    “Linh quang độc rạng

    Vượt thoát căn trần

    Thể lộ Chân Thường

    Chẳng vương văn tự

    Tâm Tánh không nhiễm

    Vốn tự Viên Thành

    Chỉ lìa vọng duyên

    Tức Như Như Phật”.


    Thầy Ngài nghe xong cảm ngộ, nói: “Ngờ đâu có duyên được nghe cực tắc sự [Sự cùng tột của Thiền]!”

    Đây cũng gọi là “Thẳng đến Đại Niết Bàn của Như Lai” vậy. Nếu chẳng thế thì ít ai không tùy theo cái điên đảo của chúng sanh, có lúc nào mới thôi?



  8. #328
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh:

    “Anan, thế nào gọi là Điên Đảo tạo thành Chúng Sanh?

    “Anan, do Tâm Tánh vốn Minh, tánh Minh ấy tròn đầy toàn khắp, nên nhân cái Minh vọng phát hình như có tánh, cái tánh ấy do vọng kiến mà sanh. Vậy là từ chỗ “Rốt ráo không” lại hóa thành “Rốt ráo có”. Cái Có này có được là do cái vốn chẳng có nhân làm nhân. Tướng Năng Trụ và Sở Trụ từ căn bản không có cội gốc. Rồi nương nơi cái cội gốc không có chỗ trụ này mà kiến lập ra thế giới cùng chúng sanh.

    “Vì mê Bổn Tánh Viên Minh mà sanh hư vọng, nhưng tánh của vọng không có tự thể, chẳng có chỗ nương trụ. Vừa muốn trở lại Chân Tánh thì cái muốn Chân đó đã chẳng phải là Tánh Chân Như chân thật. Trong cái chẳng phải Chân mà cầu trở lại Chân thì rõ ràng là hiện thành những Phi Tướng: Phi Sanh, Phi Trụ, Phi Tâm, Phi Pháp. Xoay vần phát sanh. Sanh lực phát minh, huân tập thành Nghiệp. Đồng nghiệp thì cảm nhau, nhân có cảm nghiệp bèn có sự sanh nhau, diệt nhau. Do vậy mà có cái Điên Đảo tạo thành Chúng Sanh.


    Thông rằng:

    Ở trước, kinh nói “Chúng sanh nối tiếp nhau, lỗi lầm là Giác Minh”. Ở đây nói “Điên đảo của chúng sanh tức nhiếp hết nghiệp quả, là nhân cái Minh mà vọng phát hình như có Tính, cái Tính ấy do Vọng Kiến mà sanh”.

    Phàm Tánh Minh sao lại sanh hư vọng? Đó là nhân cái Minh tức là có phân biệt, có phân biệt thì sa lạc thành thức tình, thức tình không có gốc gác nên gọi là hư vọng. Như không có phân biệt thì tức là cái Dụng của Trí, thường phân biệt mà không nhiễm trước, đó gọi là Bạch Tịnh Thức, là Đại Viên Cảnh Trí. Không rơi vào nơi chỗ nên nói là Minh Viên, tròn đầy sáng khắp. Một khi lập ra cái Sở, cái Minh liền chẳng Viên mà hóa thành Vọng Kiến. Cũng như đoạn trước nêu ra mặt trăng thứ hai và bóng lòe của đèn đều là bệnh nhặm mắt. Đó là từ rốt ráo không thành ra rốt ráo có vậy.

    Cái Năng Hữu cùng cái Sở Hữu này chẳng phải có một nguyên nhân gì để hiện ra là Năng hay Sở cả. Đã không có nhân thì lấy gì mà nương trụ? Vậy nên tướng Năng Trụ, Sở Trụ này là tướng hư vọng, rốt ráo không có cội gốc gì để tìm thấy. Trụ vốn không gốc gác thì trụ bèn là Không Trụ. Như rõ được cái Vô Trụ này thì đương thể Vô Sanh. Không nói đó là Không, chỉ là Vô Trụ. Gốc ở cái Vô Trụ này kiến lập hết thảy pháp, không ngại gì thế giới, chúng sanh, sắc sắc kiến lập: trong Tự Tánh Viên Minh vốn không có chướng ngại. Một tức tất cả. Tất cả tức Một. Tìm cái Chân còn không có, huống gì là có Vọng ư? Chỉ vì mê Tánh Viên Minh này thì phân biệt vọng sanh ra.

    Cho rằng phân biệt hư vọng đó là y nơi Chân mà sanh ư? Chân chẳng phải là môi giới cho Vọng.

    Cho rằng phân biệt hư vọng đó là y nơi Cảnh mà sanh ư? Cảnh chẳng phải là nguồn phát xuất của Tâm. Rõ không có chỗ nương tức là không có tự thể. Vọng vốn không có tự thể, thì Vọng ấy tức là Chơn ấy, ngay đó hiện là Chân Tâm, chẳng phải trừ Vọng để có Chân. Khởi ra cái Vọng phân biệt rồi lại muốn trở về cái Chân, thì một niệm về Chân này hoàn toàn là Vọng. Vì sao thế? Tánh Chân Như chân thật vốn tự Vô Tâm, cái Chân há có thể đắc để mà muốn được ư? Hễ muốn Chân liền chẳng phải Chân. Trong cái chẳng phải Chân mà cầu trở về thì đó cũng là trở về nơi cái chẳng phải Chân vậy. Thế thì rõ là chẳng hiện thành những tướng Phi Chân sao? Có Vọng, có Chân, Chân cùng Vọng đối thì Chân đó đã là Vọng rồi vậy. Có thể cầu, có thể trở lại, ắt thuộc về tạo tác, mà tạo tác đâu có thể là Chân. Do đó mà nói “Rõ ràng hiện thành Phi Tướng”.

    Cái gọi là Tướng, đó là Sanh Tướng, Trụ Tướng, Tâm Tướng, Pháp Tướng. Vô Sanh mà cho là Có Sanh thì cái Sanh ấy là Phi vậy. Vô Trụ mà cho là có Trụ thì cái Trụ ấy là Phi vậy. Vô Tâm mà cho là có Tâm thì cái Tâm ấy là Phi vậy. Vô Pháp mà cho là có Pháp thì Pháp ấy là Phi vậy. Đó là bốn cái Phi Tướng xoay vần sanh nhau.

    Nương nơi pháp mà sanh tâm thì cảnh giới làm duyên mà sanh ra Trí Tướng, Tương Tục Tướng. Do tâm trụ vào pháp thì do hai thứ Trí Tướng và Tương Tục Tướng mà lại khởi ra Chấp Thủ Tướng và Kế Danh Tự Tướng. Tâm cùng pháp tương sanh thì đó là sanh lực phát minh. Bốn cái này đều là Hoặc (Mê Lầm) huân tập thành Nghiệp, bèn khởi ra cái Nghiệp Tướng vậy.

    Do có đồng nghiệp cảm ứng lẫn nhau mà sanh diệt tương tục, đó là nghiệp-hệ-khổ-tướng vậy. Bởi có ba thứ Hoặc, Nghiệp và Khổ mà thành Điên Đảo của chúng sanh. Như chẳng mê bổn tánh viên minh thì Sanh chẳng phải Sanh, Trụ chẳng phải Trụ, Tâm chẳng phải Tâm, Pháp chẳng phải Pháp, Vọng chẳng phải Vọng, không gì chẳng phải Chân, Điên Đảo làm sao có?

    Xưa, Đức Văn Thù hỏi Đức Duy Ma: “Thân lấy gì làm gốc?”

    Đáp rằng: “Tham Dục làm gốc”.

    Hỏi: “Tham Dục lấy gì làm gốc?”

    Đáp rằng: “Hư Vọng Phân Biệt làm gốc”.

    Hỏi: “Hư Vọng Phân Biệt lấy gì làm gốc?”

    Đáp rằng: “Điên Đảo Tưởng làm gốc”.

    Hỏi: “Điên Đảo Tưởng lấy gì làm gốc?”

    Đáp rằng: “Vô Trụ làm gốc”.

    Lại hỏi: “Vô Trụ lấy gì làm gốc?”

    Đáp rằng: “Vô Trụ ắt không gốc. Này Ngài Văn Thù Sư Lợi, từ gốc Vô Trụ lập cả thảy Pháp”.

    Có nhà sư hỏi Tổ Pháp Nhãn: “Trong kinh có nói: “Từ gốc Vô Trụ lập cả thảy Pháp”. Thế nào là gốc Vô Trụ?”

    Tổ Nhãn nói: “Hình khởi mà chưa là Chất, danh có mà chưa là danh!”

    Ngài Thiên Đồng tụng rằng:

    “Hết dấu vết, bặt tin tức

    Mây trắng không căn, gió mát không sắc

    Tan khắp bầu trời mà chẳng phải tâm

    Nắm giữ quả đất mà nào có lực

    Rỗng suốt cội nguồn thiên cổ

    Đúc nên khuôn mẫu muôn loài

    Sát trần đạo hội: chốn chốn Phổ Hiền

    Lầu các môn khai: từng từng Di Lặc”.


    Tổ Tuyết Đậu đưa cây gậy lên nói rằng: “Đại chúng! Cây trụ trượng là hình-danh nêu hết: hình tức vô hình, danh tức vô danh!”

    Chư vị lão túc quả có một đoạn tác dụng viên minh, chẳng sa vào tri giải. Chốn chốn trần trần tìm Danh Tướng chúng sanh còn chẳng thể đắc, huống gì là cái Điên Đảo.



  9. The Following User Says Thank You to Thiện Tâm For This Useful Post:

    hoatihon (10-29-2015)

  10. #329
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh:

    “Anan, thế nào là Điên Đảo tạo thành Thế Giới?

    “Cái Có đó có được là do từng phần từng đoạn vọng sanh. Do đó mà Giới (Không Gian) kiến lập, chẳng phải nhân mà làm nhân, không có trụ mà làm trụ. Trôi dời chẳng trụ, do đó mà Thế (Thời Gian) thành. Bốn phương ba đời hòa hợp giao thiệp lẫn nhau biến hóa thành chúng sanh mười hai loài. Thế nên, thế giới thì nhân động có Tiếng, nhân Tiếng có Sắc, nhân Sắc có Hương, nhân có Hương có Xúc, nhân Xúc có Vị, nhân Vị biết Pháp. Sáu vọng tưởng lộn loạn thành nghiệp tính, bởi thế mà có mười hai Phần Hạn (Loài) xoay chuyển. Vậy nên trong thế gian, các thứ Thanh, Hương, Vị, Xúc... biến đổi cùng tột đến mười hai lần là quay trở lại.

    “Dựa theo Tướng Điên Đảo luân chuyển đó mà có ra Thế Giới, thành những loài: noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh, hữu sắc, vô sắc, hữu tưởng, phi hữu sắc, phi vô sắc, phi hữu tưởng, phi vô tưởng.

    Thông rằng:

    Trong bốn quyển trước thì nói Phương (Không Gian), Thế (Thời Gian) giao thiệp lẫn nhau, biến đổi ba lần. Đó là đối với Y Báo (Cõi Giới) hiển bày Chánh Báo (Chúng Sanh), do vậy mà bảo rằng công đức của sáu Căn, mỗi cái là một ngàn hai trăm.

    Còn ở đây, trong sự giao thiệp lẫn nhau, lấy Y Báo theo Chánh Báo nên nói biến hóa thành mười hai loài chúng sanh để bày rõ điên đảo của thế giới. Ở trước thì nói rằng Công Đức, ở đây thì nói là Điên Đảo, đều là do sáu căn thành tựu. Chìm đắm tức là Điên Đảo, siêu việt tức là Công Đức, trong khoảng trở bàn tay vậy. Sáu Căn, sáu Trần là mười hai phần hạn. Kiến Phần và Tướng Phần đan dệt với nhau thành mười hai biến hóa. Thanh, Hương, Vị, Xúc là do bốn Đại tạo ra. Sáu Vọng Tưởng lộn loạn huân tập thành chủng tử nghiệp tính. Đây là nguyên do thành lập ra Kiến Phần của mười hai loài. Tứ Đại nương theo mười hai phần hạn, luân chuyển cùng tột mười hai lần biến đổi. Đó là nguyên do thành lập ra Tướng Phần của mười hai loài. Căn Thân thì gần gũi còn Tướng phần khí giới là xa lạ. Tướng Phần trọn không ra ngoài sáu Trần. Chỗ khởi ra của sáu Trần vốn không có trước sau, mà đây chỉ lấy Thanh đứng trước. Vì sao thế? Khi trời đất mới động, Lôi Chấn [Sấm sét, quẻ Dịch] có ra tiếng, kinh động vang đến trăm dặm, nghe được rất xa nên chỗ tiếp xúc của sáu Căn thì Âm Thanh là trước hết. Còn năm Trần kia thì lần lần đến gần mới biết được. Đến mùi vị lấy miệng mà biết, pháp thì dùng tâm mà biết lại càng gần nhất. Nhưng nói tướng nhân Âm Thanh mà tưởng thấy Sắc, nhân Sắc mà thầm biết Hương, tiếp xúc Hương mà nhân đó tiếp xúc với Thể, nhân tiếp xúc với Thể mà biết phân biệt Mùi Vị, nhân phân biệt Vị mà biết chọn Pháp thì đó là chuyện tương duyên mà khởi ra, không có trước sau.

    Trong hai mươi lăm Viên Thông thì bắt đầu là Âm Thanh mà xoay lại cái Nghe là kết thúc. Chỗ này cũng giúp cho thấy cái Căn Nghe là tối tròn vẹn. Nhưng Căn với Trần đan dệt nhau mà mỗi bên thành ra phần đoạn, đó là nghĩa Giới. Trôi dời chẳng ngừng, chuyển vần ba cõi đó là nghĩa Thế. Thế, Giới hòa hiệp, căn trần đầy lấp. Cái chỗ có mà có được là lấy cái chẳng phải nhân làm nhân. Vốn không có nguyên nhân gì mà lại vọng sanh phân biệt nên là cái Điên Đảo tạo thành Thế Giới. Nếu cả sáu Vọng Tưởng lộn loạn dứt ngay một lượt, trong chẳng thấy Căn, ngoài chẳng thấy Trần, thì cái Thế Giới này không có chỗ trụ, vốn tự vô sanh, thì còn có Điên Đảo gì đâu?

    Thiền sư Sở Nam ban đầu tham hỏi Tổ Phù Dung.

    Tổ Dung nói : “Ta chẳng phải thầy ông. Thầy ông chính là Hoàng Bá!”

    Sở Nam bèn đến ra mắt Tổ Hoàng Bá.

    Tổ Bá hỏi : “Ông khi chưa hiện hình tượng ba cõi thì sao?”

    Sư Nam nói : “Vậy nay há là có sao?”

    Tổ Bá nói : “Có, Không hãy để đó. Nay đây thì sao?”

    Sư Nam nói : “Chẳng kim cổ”.

    Tổ Bá nói : “Pháp nhãn của ta đã ở nơi thân ông rồi vậy”.

    Về sau, có nhà sư hỏi thiền sư Sở Nam rằng : “Thế nào là dễ?”

    Sư đáp: “Mặc áo ăn cơm, không cần đọc kinh, học giáo, không phải hành đạo lễ bái hay đốt hương thiêu đảnh, thế chẳng dễ ư?”

    Hỏi: “Thế nào là khó?”

    Đáp rằng: “Mảy niệm vừa sanh bèn đủ cả năm ấm! Sanh tử luân hồi ba cõi đều từ một niệm nơi ông mà sanh. Bởi thế, Phật dạy Chư Bồ Tát rằng: “Đó là chỗ hộ niệm của Chư Phật”.

    Thật như thiền sư Sở Nam tiền tế, hậu tế đều đoạn là do biết sợ một niệm động. Đó quả là thấu rõ cái nguyên nhân của Thế Giới Điên Đảo vậy.



  11. #330
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh:

    “Anan, do nhân thế giới hư vọng luân hồi, điên đảo về Động, nên hòa hợp với Khí thành ra tám mươi bốn ngàn loạn tưởng bay lặn. Do đó mà có mầm trứng trôi lăn trong cõi nước : cá, chim, rùa, rắn... các loài đầy dẫy.

    “Do nhân thế giới tạp nhiễm luân hồi, điên đảo về Dục nên hòa hợp với Tư (Phong Nhuận, Bổ Báo) thành ra tám mươi bốn ngàn loạn tưởng ngang dọc. Do đó mà có bọc thai trôi lăn trong cõi nước: người, súc vật, rồng, tiên... các loài đầy dẫy.

    “Do nhân thế giới chấp trước luân hồi, điên đảo về Thú (Thú Hướng) nên hòa hợp với Noãn (Hơi Nóng) thành ra tám mươi bốn ngàn loạn tưởng nghiêng ngửa. Do đó mà có Thịt Mềm thấp sanh trôi lăn trong cõi nước: nhung nhúc, ngọ nguậy.. các loài đầy dẫy.

    “Do nhân thế giới biến dịch luân hồi về Giả nên hòa hợp với Xúc thành ra tám mươi bốn ngàn loạn tưởng mới, cũ. Do đó có Thịt Cứng hóa sanh trong cõi nước : lột võ, bay đi... các loài đầy dẫy.

    Thông rằng :

    Các Pháp có trong ba cõi, tất cả do Tâm tạo. Hết thảy không ngoài Kiến Phần và Tướng Phần hòa hợp mà thành. Một niệm vừa động thì mới bắt đầu hư vọng phân biệt. Khi đã sanh ái thủ thì thành tạp nhiễm. Càng ngày càng nhiễm sâu, bèn thành có bám chấp. Thế gian chưa từng có chuyện bám chấp hoài mà không nhả, vì rốt cuộc cũng phải theo biến dịch. Đây là cái cách thế tự nhiên của tình niệm trôi lăn vậy.

    Cái Động của niệm thì Tưởng nhẹ mà Tình nặng, nên trứng thì do Tưởng sanh, mà thai thì bởi Tình mà có. Trứng thì do Khí giao nên tròn và động, mà Tưởng nhiều thăng trầm nên cảm thành quả có cá, chim... khác nhau. Thai thì do tinh giao nên phong nhuận và nhiễm ô, mà tình thì có nghiêng, có ngay nên cảm thành quả có người, thú... các loại.

    Chấp Tình thì xu phụ chẳng rời, cũng là cái ý rằng mỗi thứ đam mê theo chỗ thú hướng của mình, nên Thấp (ẩm ướt) nhân vào sự hợp cảm, chờ ngày khô ấm mới sanh ra. Tình mê thì Khí trệ, chẳng nhờ giao hợp nên cảm ứng ra loài máy động. Cái chấp Tình đã biến đổi, lìa nơi đây nương nơi kia, cùng loại với biến dịch sanh tử, nhưng lại chẳng chân thật nên gọi là Giả. Biến hóa thì dùng cái giả danh, xúc loại mà thành, hướng đến cái mới, chuyển đổi cái cũ. Đổi cũ thì như loài lột vỏ, đến mới thì như loài bay đi nhẹ nhàng. Tình đổi Khí dời, mỗi thứ ứng với thể trạng của mình nên gọi là biến dịch luân hồi.

    Mầm trứng mới nhập thai là hình thức Thai và Trứng chưa phân biệt. Bọc thai là hình thức Thai và Trứng đã dần dần phân biệt. Thịt mềm là hình thức ban đầu của Thấp Sanh, đã không nhập thai nên không có hai địa vị trên. Thịt cứng thì thoát vỏ mà thành hình, không có tướng nhuyễn mềm. Mỗi thứ có cạn sâu chẳng đồng, nhưng đều do sáu Vọng Tưởng lộn loạn làm cái Nhân Điên Đảo, cho đến đầy dẫy kết thành Thế Giới. Thế biết Chân Tánh vô lượng, mà Vô Minh cũng vô lượng.

    Thiền sư Khánh Thiện Năng thượng đường rằng: “Sự bất đắc dĩ mới cho các ông dây leo bám: hết thảy chúng sanh chỉ vì tâm, trần chưa chịu thoát, tình lượng chẳng trừ, thấy sắc nghe thanh, đuổi sóng bôn ba, trôi lăn ba cõi, lặn hụp bốn loài. Giả như chánh kiến chẳng minh, thì đụng đâu cũng thành vướng mắc. Nếu mà thị phi bỏ ráo, thiện ác mất tiêu thì yên ngồi đầu Báo, Hóa Phật, triệt hết lối nẻo Thánh phàm. Đến chỗ ấy mới cho là có chút ít tương ứng. Dù cho như vậy, thì trên phần thầy tu chưa có gì là kỳ đặc. Vì sao như thế? Vừa có thị phi thì rối rắm mất tâm. Ối!”

    Có nhà sư hỏi thiền sư Báo Từ Tựï: “Tình sanh, trí cách; tưởng biến, thể thù (sai khác), chỉ như tình chưa sanh thì sao?”

    Sư đáp : “Cách!”

    Hỏi rằng : “Tình chưa sanh thì cách cái gì?”

    Sư nói : “Cái anh chàng này, chưa gặp người vậy”.

    Nếu luận về trên phần thầy tu thì Tình Tưởng chẳng sanh cũng còn phải đợi kềm dùi, huống chi là đuổi sóng bôn ba thì sao khỏi hụp lặn bốn loài?



Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •