DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 32/59 ĐầuĐầu ... 22303132333442 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 311 tới 320 của 588
  1. #311
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Thông rằng:

    Trong mười hai năm sau khi Phật thành Đạo thì chưa đặt định Giới Luật, tạm cho Tỳ Khưu ăn năm thứ tịnh nhục. Sau đó, nhân đám Lục Quần Tỳ Khưu cố tình giết hại để ăn, từ đấy đặt định Luật phải vĩnh viễn dứt trừ giết hại. Trong các kinh nói năm thứ tịnh nhục là không thấy, không nghe, không nghi, cùng là chim chết già, tự chết. Ở đây, nói năm thứ tịnh nhục là do thần lực hóa sanh, cũng giống như ở Ngũ Đài Sơn có một loại thịt bằng thảo mộc, vốn không có mạng căn, nên gọi là tịnh. Con người không bỏ đi sự Giết Hại, vì để ăn mặc vậy. Nếu mặc áo lông, tơ, sợi của chúng sanh, và ăn máu thịt chúng sanh, đều vì duyên nợ đó chưa thể giải thoát thật sự, muốn ra khỏi ba cõi sao được?

    Như con người trong kiếp ban đầu, hình thể có ánh sáng vàng, chân như dẫm trên mây. Nhân vì ăn chất bổ báo của đất là lúa thơm, nên thân thể cứng nặng, chân chẳng rời đất, cũng vì duyên nợ với đất. Cho nên tu thiền tập định, vốn để tránh tội, trái lại làm điều giết hại, có khác gì bịt tai mà trốn tránh người, đáng ra phải nín hơi thì lại kêu lớn tiếng. Muốn khỏi luân hồi, làm gì có chuyện ấy được. Dầu cho có được thiền định, cũng là tà định của Quỉ Thần. Cái tà định của Quỉ Thần tương tự như cái thiền định, nên nói “Giống như Tam Ma Đề”, rốt lại phải lạc vào Thần Đạo. Thân thể là loại máu thịt, bộ phận thân thể là loại da lông vậy. Thân chẳng ăn, mặc các thứ ấy, đều do tâm ngăn cấm, nên lấy nhiếp tâm làm Giới. Nếu là người đại giải thoát, không tuân giữ Luật này, phải riêng có đầy đủ “Một con mắt lẻ”.

    Hòa Thượng Hiện Tử, chẳng rõ người xứ nào, từ lúc được ấn tâm ở Tổ Động Sơn bèn chung lộn với thế tục ở Mân Xuyên, mùa Đông mùa Hạ chỉ mặc một áo; hàng ngày nơi bờ sông lượm lặt tôm sò để nuôi bụng, ban đêm về ở trong miếu-đốt-giấy-vàng-bạc Bạch Mã.

    Thiền sư Hoa Nghiêm Tịnh muốn biết chân, giả. Vào ẩn trước trong miếu giấy-vàng-bạc.

    Đến khuya, Hiện Tử trở về.

    Tổ Nghiêm nắm đứng lại, nói: “Như sao là ý Tổ Sư từ Tây sang?”

    Liền đáp: “Đài mâm rượu trước Thần”.

    Tổ Nghiêm nói: “Quả thật, đồng sanh căn với ta”.

    Không ai biết cuộc đời về sau thế nào.

    Đây gọi là Dị loại trung hành [Hành trong loài khác] vậy.

    Tổ Nam Tuyền nhân hai bên nhà Đông, nhà Tây tranh nhau con mèo. Tổ Tuyền bắt gặp, rao bảo với chúng rằng: “Nói được thì cứu được con mèo, nói chẳng được thì chém bỏ vậy”.

    Trong chúng không có lời đối đáp. Tổ Tuyền liền chém.

    Tổ Triệu Châu từ ngoài về, Tổ Tuyền nêu lại chuyện lúc nãy.

    Tổ Châu liền cởi chiếc dép cỏ để lên đầu mà đi ra.

    Tổ Tuyền nói: “Lúc ấy mà có ông thì cứu được con mèo rồi”.

    Lại Tổ Tuyết Phong, đang cùng đại chúng làm ruộng, thấy một con rắn, lấy gậy khêu lên.

    Rồi kêu chúng rằng: “Xem đây này!”

    Bèn lấy dao chặt làm hai khúc.

    Huyền Sa lấy gậy hất ra sau lưng chẳng thèm ngó lại. Cả chúng ngạc nhiên.

    Tổ Phong nói: “Tài thay!”

    Tổ Tuyết Phong thần dụng y tợ Tổ Nam tuyền. Ngài Huyền Sa chẳng chút gì ngó lại, y cách Ngài Triệu Châu!

    Tổ Tuyền thì nói: “Lúc ấy có ông thì cứu được con mèo rồi!”

    Tổ Phong thì nói: “Tài thay!”

    Cha con hai nhà ấy tiết tấu thành tựu, như một ấn mà ấn ra. Chỗ tụng của hai Ngài Tuyết Đậu, Thiên Đồng cũng là y dạng vẽ hồ lô [Trái bầu].

    Ngài Tuyết Đậu tụng rằng:

    “Hai nhà đều dẹp hết thiền hòa

    Dấy lên khói bụi ngại gì phiền

    Nhờ được Nam Tuyền đưa cử lệnh

    Một đao hai khúc mặc tình nghiêng”.

    “Công án nên chăng hỏi Triệu Châu

    Trường An thành nội mặc nhàn du

    Đầu mang dép cỏ không người hiểu

    Về trong nhà núi tức yên thôi”.


    Ngài Thiên Đồng tụng rằng :

    “Hai nhà mây nước lắm phiền hà

    Vương lão sư tăng nghiệm chánh tà

    Dao bén chặt lìa đều mất dấu

    Thiên cổ bảo người mến tác gia”.

    “Đạo này chưa mất, tri âm khá khen!

    Đẽo núi thấu biển, hề, chỉ tôn Đại Vũ

    Đội đá vá trời, hề, riêng hiền Nữ Oa

    Triệu Châu riêng có chỗ sanh nhai

    Dép rơm đầu đội có chi sai

    Đến trong chỗ-khác toàn soi tỏ

    Chỉ cái vàng ròng chẳng lẫn sa (cát)”.


    Đây là hai, ba lão nhà nghề [Tác gia] dùng sát sanh làm Phật sự. Ấy là cảnh giới bậc đại nhơn, nên người tầm thường chẳng thể đo lường.



  2. #312
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh:

    “Anan, lại các chúng sanh lục đạo trong các thế giới lòng chẳng trộm cắp, ắt chẳng theo dòng sanh tử nối tiếp nhau. Ông tu pháp Chánh Định cốt để ra khỏi trần lao, nếu lòng trộm cắp chẳng trừ, thì không ra khỏi trần được. Dầu có nhiều trí thiền định hiện tiền mà không đoạn dứt sự trộm cắp, hẳn lạc vào tà đạo: hạng trên là tinh linh, hạng giữa là yêu mị, hạng dưới là người tà bị tà mị nhập vào.

    Các đám tà kia cũng có đồ chúng, mỗi mỗi tự xưng là thành Đạo Vô Thượng. Sau khi Ta diệt độ, trong đời mạt pháp, lắm thứ yêu tà đó lẫy lừng trong thế gian, lén núp gian dối, xưng là thiện tri thức. Mỗi kẻ tự xưng đã được pháp siêu nhân, lừa gạt người không biết, dọa dẫm khiến mất lòng tin, chúng qua đến đâu cửa nhà hao tán.

    Ta dạy hàng Tỳ Khưu theo pháp khất thực để bỏ lòng tham, thành Đạo Bồ Đề. Các hàng Tỳ Khưu không tự nấu ăn, gởi cái sống thừa nương tạm nơi Tam Giới, thị hiện một lần đi về, đi rồi không trở lại. Làm sao bọn giặc mượn y phục của Ta buôn bán Như Lai, tạo đủ thứ nghiệp mà đều gọi là Phật pháp, lại chê bai các Tỳ Khưu xuất gia đầy đủ Giới Luật là đạo Tiểu Thừa; do chỗ làm cho nghi lầm vô lượng chúng sanh mà đọa địa ngục vô gián.

    Như sau khi Ta diệt độ, nếu có Tỳ Khưu phát tâm quyết định tu Tam Ma Đề, ở trước hình tượng Như Lai, chính mình thắp một ngọn đèn, đốt một ngón tay hay ở trên thân đốt một điểm hương, Ta nói người ấy nợ cũ từ vô thủy trong một thời trả hết, đời đời cáo biệt thế gian, vĩnh viễn thoát khỏi các lậu. Người ấy tuy chưa rõ liền con đường Vô Thượng Giác, nhưng đối với Phật pháp đã có tâm quyết định. Nếu không làm được cái nhân xả thân nhỏ mọn ấy, dầu có thành Đạo Vô Vi, cũng phải sanh lại làm người, trả hết nợ cũ, như chuyện ăn lúa-ngựa của Ta [Đức Phật nhận lời thỉnh cầu của Vua Bà La Môn A Kì Đạt, an cư nhập Hạ trong nước này. Trong ba tháng Phật và năm trăm đệ tử cùng nhau ăn cơm lúa ngưạ. Đây là một trong thập nạn của Phật], thật không sai khác.

    “Ông dạy người đời tu Tam Ma Đề, sau nữa phải đoạn dứt lòng trộm cắp, đó là lời dạy rõ ràng trong sạch, chỗ quyết định thứ ba của Chư Như Lai Tiên Phật Thế Tôn.

    “Thế nên, Anan, nếu chẳng dứt trừ trộm cắp mà tu thiền định thì cũng như người rót nước vào chén thủng, mong cho được đầy, dầu trải qua số kiếp nhiều như bụi, rốt chẳng thể đầy. Như các Tỳ Khưu, ngoài y bát ra, mảy may không tích trữ, xin bữa ăn có dư thì bố thí cho chúng sanh đói; nơi nhóm hội lớn, chấp tay vái chào đại chúng, có người đánh mắng cũng đồng như khen ngợi, quyết tự buông bỏ thân tâm, máu xương thân thịt chung với chúng sanh, không đem lời dạy bất liễu nghĩa của Như Lai làm chỗ hiểu của mình, làm lầm lạc người mới học, thì Phật ấn chứng cho người ấy thật được Tam Muội.

    “Như Ta nói đây, gọi là lời Phật, chẳng như đây nói, tức lời Ba Tuần.

    Thông rằng:

    Tham mà chẳng ngừng hẳn đến chỗ lén cắp. Trộm cắp vật của người để nuôi thân mình, hại chỉ ở thân mà thôi, cho nên thắp đèn đốt tay hẳn có thể đền xong. Còn buôn bán lời dạy bất liễu nghĩa của Như Lai, lấy làm chỗ hiểu của mình để lầm lạc người mới học, đó là kẻ trộm cắp pháp vậy, hại này không kể xiết, bởi trong lòng khắn khít cái tự ái, muốn có riêng sở trường, chưa thể tự buông bỏ. Bỏ thân dễ, bỏ tâm khó. Phải khiến thân tâm đều xả bỏ thì tâm trộm cắp ắt trừ, thế mới nói được là thật đắc Tam Muội vậy.

    Xưa, có Bà La Môn [Bà La Môn xứ này gọi là Tịnh Duệ, nòi giống trong sạch] họ Hắc vận thần lực, vui vẻ dùng hai tay dỡ lên cao hai cây bông ngô đồng đến cúng dường Phật.

    Đức Phật gọi lớn: “Tiên nhơn!”

    Người Bà La Môn ứng tiếng “dạ”.

    Phật bảo: “Buông bỏ đi!”

    Người Bà La Môn liền buông một cành bông bên tay trái.

    Phật lại gọi lớn: “Tiên nhơn, buông bỏ đi!”

    Người Bà La Môn lại liền buông một cành hoa bên tay phải.

    Phật lại gọi: “Tiên nhơn, buông bỏ đi!”

    Người Bà La Môn nói: “Bạch Thế Tôn! Nay con hai tay đều không, Ngài còn dạy buông bỏ cái gì?”

    Phật nói: “Ta chẳng dạy ông buông bỏ bông đi. Ông phải buông bỏ ngoài sáu Trần, trong sáu Căn, giữa sáu Thức, buông bỏ hết một lượt. Cái chỗ không có gì để buông bỏ chính là chỗ khỏi sanh tử của ông”.

    Người Bà La Môn ngay nơi lời ngộ Vô Sanh Nhẫn.

    Thiền sư Hoàng Long Duy Thanh được ấn tâm ở Tổ Hối Đường, thường vì người nói: “Người học Đạo ngày nay chưa thoát khỏi sanh tử, bệnh ở tại chỗ nào? Bệnh ở lòng trộm cắp chưa chết vậy. Nhưng đó không phải là tội của người ấy, mà là tội của ông thầy vậy. Như Hán Cao Đế dối gạt Hàn Tín mà giết đi thì Hàn Tín tuy chết mà tâm nào có chết? Người học Đạo đời xưa, ngay lời nói thoát sanh tử. Công hiện tại chỗ nào? Vì lòng trộm cắp đã chết vậy. Nhưng chẳng phải người học tự có thể đâu, chính do ông thầy kềm kẹp đập phá kín nhiệm vậy. Như Lương Võ Đế ngụ tại sân chầu, thấy Hầu Cảnh chẳng động âm hơi, lòng Hầu Cảnh đã khô kiệt không còn gì cả vậy. Chỗ nói của các phương, chẳng phải không đẹp đẽ nhưng nói cho cùng thì như Triệu Xương [Người xứ Kiến Nam, đời Tống, thiện nghệ về nghề vẽ bông, trái, cỏ cây, bướm, ong... sắc màu, nét vẽ trông y như thật] vẽ hoa, hoa tuy giống thật nhưng chẳng phải là hoa thật!”

    Đây đáng làm giới răn kẻ buôn bán Như Lai.



  3. #313
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh:

    “Anan, chúng sanh lục đạo trong thế giới như thế, tuy thân tâm không có Sát, Đạo, Dâm ba hạnh đã tròn nhưng nếu có Đại Vọng Ngữ thì Tam Ma Đề không được thanh tịnh, thành ma ái kiến, mất giống Như Lai. Đó là chưa được mà nói được, chưa chứng nói là chứng. Hoặc cầu sự tôn trọng tột bậc của thế gian, bảo người khác rằng “Tôi nay đã đắc quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, đạo A La Hán, thừa Bích Chi Phật, Tam Hiền hay Bồ Tát Thập Địa”, trông mong người kia lễ sám, tham sự cúng dường. Đó là những kẻ nhất-điên-ca, tự diệt giống Phật, như người lấy dao chặt cây Đa La; Phật nói người ấy mất hẳn căn lành, không còn chánh tri kiến, chìm trong ba biển khổ, chẳng thành Tam Muội.

    “Ta bảo các hàng Bồ Tát và A La Hán, sau khi Ta diệt độ, Ứng Thân sanh vào đời mạt pháp, đủ thứ hình, độ người chìm đắm. Hoặc làm Sa Môn, cư sĩ áo trắng, vua chúa, quan lại, đồng nam, đồng nữ như thế cho đến người dâm nữ, quả phụ, người gian dối, trộm cắp, người đồ tể, buôn bán, cùng họ đồng sự, khen ngợi Phật Thừa, khiến cho thân tâm họ vào Tam Ma Địa, nhưng rốt ráo chẳng tự nói ra tôi thật là Bồ Tát, thật là A La Hán, khinh xuất nói với người chưa học, làm tiết lậu mật nhân của Phật. Chỉ trừ ra đến lúc lâm chung, hoặc chăng thầm có lời di chúc. Làm sao hạng người ấy có thể rối gạt chúng sanh để thành Đại Vọng Ngữ.

    “Ông dạy người đời tu Tam Ma Đề, sau hết phải đoạn trừ các Đại Vọng Ngữ, đó là lời dạy rõ ràng trong sạch, chỗ quyết định thứ tư của Chư Như Lai Tiên Phật Thế Tôn.

    “Thế nên, Anan, nếu không đoạn dứt được Đại Vọng Ngữ thì như khắc phân người làm ra hình cây Chiên Đàn, muốn có hương thơm, thế nào có chuyện ấy. Ta dạy hàng Tỳ Khưu, trực tâm là đạo tràng, trong bốn oai nghi, tất cả hành vi, còn không chút hư dối, huống sao tự xưng đắc pháp thượng nhân, ví như người hèn mạt tự xưng bậy là Đế Vương, tự chuốc lấy sự tru diệt. Huống là bậc Pháp Vương, làm sao đặt bày hư vọng? Nhân địa chẳng chân, quả phải quanh co, thế mà cầu Phật Bồ Đề, như người cắn rốn, muốn thành tựu cái gì? Như các Tỳ Khưu, tâm như dây đàn thẳng, mỗi mỗi chân thật mà vào Tam Ma Địa, vĩnh viễn không có ma sự. Ta ấn chứng người ấy thành tựu Tri Giác Vô Thượng của Bồ Tát.

    “Như Ta nói đây, gọi là lời Phật, chẳng như đây nói, tức là lời Ba Tuần”.

    Thông rằng:

    Thân, Khẩu, Ý đầy đủ mười nghiệp. Thân nghiệp là Dâm, Sát, Đạo. Ý nghiệp là Tham, Sân, Si. Khẩu nghiệp là Ác Khẩu, Lưỡng Thiệt, Ỷ Ngữ, Vọng Ngữ. Thân tâm không có hành động Sát, Đạo, Dâm có thể tin là không có Ác Khẩu, Lưỡng Thiệt, Ỷ Ngữ. Duy cái Đại Vọng Ngữ dường là còn đấy. Vì sao thế? Trong không có tâm Sát, Đạo, Dâm, ngoài không có việc Sát, Đạo, Dâm, ba hạnh đã tròn, trong ngoài thanh tịnh, đời chẳng có nhiều. Nhưng xét theo Tối Thượng Thừa, chưa là kỳ lạ. Bởi căn si kia khó trừ, nên trong Tam Ma Địa, vẫn còn ái kiến. Mới bèn nói láo, xưng là đã chứng được Thập Địa, hay Tam Hiền là Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, cho đến Bích Chi Phật, Bốn Thánh Quả. Ý đồ tham sự cúng dường, tức là Ái Ma. Cho là vào bậc Thánh, tức là Kiến Ma.

    Ở trước nói là hầm Ái Kiến, là tâm vướng mắc nơi cảnh, mất đường Bồ Đề, là chẳng giãy sạch mầm mống vậy. Ở đây nói về ma Ái Kiến, tâm kẹt nơi pháp, mất giống Như Lai, là người giúp cho mầm giống lớn lên vậy. Người chẳng giãy sạch mầm giống mà hồi tâm hướng Đạo, còn được Bồ Đề. Người giúp mầm giống thêm lớn, chiếm ngôi Đế xưng Vương, tự ôm lấy sự tru diệt, nên cái hại thật là quá lắm. Nói rằng yếu chỉ, hiểu biết sai lầm mà cho là cực tắc, khiến cho chúng sanh chẳng còn biết có việc hướng thượng, nên làm tiêu mất hạt giống Phật. Chuyện Đại Vọng Ngữ há không nên răn cấm ư? Như người trong quả vị, Ứng Thân hiển hóa còn chẳng dám coi thường tiết lậu mật nhân, tự nói ra chỗ đắc.

    Như Hòa Thượng Pháp Hoa Chí Ngôn [Tổ Thứ Sáu trong phái Thiên Thái ở Đông Độ, hiệu Trí Oai thiền sư. Lập thiền lâm ở Thai Châu, Phổ Thông Sơn nơi có tên Pháp Hoa, kẻ học thiền có 300 người, kẻ nghe giảng có 700 người. Do đó gọi hiệu là Pháp Hoa tôn giả], sắp hóa (tịch), gọi người nói : “Ta từ vô lượng kiếp đến nay, thành tựu qua nhiều quốc độ, phân thân xiển dương giáo hóa, nay trở về Nam!”

    Nói xong, nằm nghiêng bên phải mà tịch.

    Ông Tập Tiên Vương Chất hỏi Tổ Pháp Hoa: “Như sao là ý Tổ Sư từ Tây sang?”

    Tổ nói :

    “Trong bóng núi xanh suối lam khởi

    Tháp báu cao ngâm lay gió mai”.

    Lại nói : “Mời thầy Pháp Hoa đốt hương”.

    Tổ nói : “Chưa từ trai-giới kiếm. Chẳng hướng phía Phật cầu”.

    Hoặc hỏi : “Sư là phàm ư, là Thánh ư?”

    Bèn dở tay lên, nói rằng: “Tôi chẳng trụ trong ấy”.

    Xem người ở trong quả vị, lời lẽ riêng khác, nào làm chuyện dối vọng.

    Nhà sư hỏi Tổ Dược Sơn: “Như sao là cái rất báu trong Đạo?”

    Tổ Sơn nói : “Chẳng cong nịnh”.

    Hỏi : “Khi chẳng cong nịnh thì sao?”

    Tổ Sơn nói : “Nghiêng (đất) nước chẳng đổi”.

    Đức Tịnh Danh nói rằng: “Trực tâm là đạo tràng, vì không hư giả”.

    Tâm như dây đàn thẳng tắp, mỗi mỗi chân thật, thì không chỉ vĩnh viễn không có ma sự, mà đối với Tri Giác Vô Thượng cũng như thế thành tựu. Giới Đại Vọng Ngữ này sau khi ba Hạnh đã tròn, thâu nhiếp nó ắt thành Tri Giác Vô Thượng, còn chẳng giữ ắt chìm ba biển khổ. Giới này duyên với thân tâm trong sạch thì sức mạnh cực lớn. Một niệm chẳng giới thì sự trong sạch của thân tâm chẳng thiện dụng, mà là ác dụng, cái ác ấy là muốn khác người vậy. Nên sự Giới Cấm càng phải nhiệm mật.

    Trước đã nói “Nhiếp tâm là Giới, nhân Giới sanh Định, nhân Định phát Huệ, đó là ba Vô Lậu Học”. Bây giờ chỉ nói rõ ràng bốn Cấm Giới, mà chẳng nói đến Định, Huệ. Sao thế? Ngay trong Giới thì Định Huệ đã tự sẵn, vốn là một thể, vốn không có thứ lớp trước sau.

    Như nói rằng “Ông dạy người đời tu Tam Ma Đề”, thì nào không từng lấy Định Huệ làm gốc. Đến chỗ nói, “Phật ấn chứng người ấy thật được Tam Muội”, thì đó là bằng chứng rõ ràng của sự “Nhân Giới sanh Định” vậy.

    Lại nói rằng “Ta ấn chứng người ấy thành tựu Tri Giác Vô Thượng của Bồ Tát” thì đó là bằng chứng rõ ràng “Nhân Định phát Huệ” vậy. Cho nên ngay nơi Giới là Định Huệ tự tại, chẳng phải riêng cầu cái gọi là Định Huệ vậy.

    Ba Vô Lậu Học này chỉ bậc A La Hán chứng được. Người chứng Đạo này là giết giặc, là Vô Sanh, là Ứng Cúng, là làm Ma sợ, không đủ nói hết.

    Ba Tuần là tên của Vua Ma, đây nói là kẻ ác.



  4. #314
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    PHỤ LỤC



    Kinh Lăng Nghiêm nói rằng “Từ Văn, Tư, Tu vào Tam Ma Địa. Ban đầu ở trong cái Nghe, vào dòng mất Sở. Chỗ vào đã lặng, hai tướng động tĩnh rõ ràng chẳng sanh. Như thế tăng dần, cái Nghe và chỗ Nghe hết, cũng không trụ vào cái hết Nghe này, thì cái Giác và chỗ Giác đều không. Cái không Giác cùng tột tròn vẹn, thì năng không và sở không đều diệt. Sanh diệt đã diệt, Tịch Diệt hiện tiền”.

    Đây là cửa vào Đạo của Bồ Tát Quán Thế Âm, lý rất tinh thâm, ngôn ngữ luận bàn chẳng tới nổi.

    Tôi tình cờ cùng pháp sư Càn đàm luận, thấy có ý vị, nhân thuật ra đây.

    Chỗ nói rằng “Từ Văn, Tư, Tu mà vào Tam Ma Địa” là nói từ việc “Xoay lại cái Nghe” mà xuy xét (Tư); từ xoay lại cái Nghe mà Tu. Tức từ xoay lại cái Nghe mà thể nhập, cho đến địa Chánh Định chẳng sanh chẳng diệt. Tam Ma Địa này vốn không động lay, lặng trong thường tịch. Chỉ vì cảm theo thanh trần, nên cái căn nghe dính che tánh trong lặng mà khởi ra, cho đến nghe tiếng rồi đuổi theo tiếng, trôi lăn mà quên trở lại, cách lìa hẳn với Tam Ma Địa rồi vậy.

    Như chỉ từ Văn, Tư, Tu mà vào, thì tánh Nghe tức là Lý, Tư là Trí, Tu là Hạnh. Ba đức Lý, Trí, Hạnh viên dung, cùng đến một lúc. Cho nên, hễ xoay lại cái Nghe thì Tư (suy xét) đã ở trong ấy rồi; hễ xoay lại cái Nghe thì Tu đã ở trong ấy rồi. Cái Thánh Huệ Tư, Tu từ chỗ xoay lại cái Nghe mà sanh, bước bước về Chân, địa địa tăng tiến, như văn đoạn sau nói rõ, đó là thứ tự vào Tam Ma Địa.

    Ban đầu, ở trong cái Nghe, ngược dòng mà xuôi vào: chẳng vào thanh trần mà vào dòng Thánh, tức cùng Tự Tánh nương nhau, ngoài mất đi cái Sở.

    Phàm cảm nhận thanh trần hẳn phải có cái Sở, nay tuy mất cái Sở, còn chưa vắng lặng được. Đang khi tiếng động, thì thấy có tướng động mà muốn cho mất đi. Đang khi tiếng im lặng thì thấy có tướng tĩnh mà muốn theo trụ vào. Hai tướng động tĩnh rõ ràng nên chưa có thể vắng lặng. Tuy từ chỗ mất đi cái Sở mà nhập vào cho đến chỗ tịch nhiên, mà cái động tự nó động, ta chẳng biết cái động ấy, thì tướng động nào có tự sanh? Cái tĩnh ấy là tự tĩnh, ta chẳng biết cái tĩnh, thì tướng tĩnh nào tự có sanh? Mất cái sở đến cùng cực, thì không chỉ tướng động bất khả đắc, mà tướng tịnh cũng bất khả đắc vậy.

    Hai tướng động tĩnh đó là chỗ duyên ra của cái căn Nghe, nên là cái cảnh Sở Văn. Hai tướng chẳng sanh, rõ ràng sáng tỏ, đó cũng là cái căn Năng Văn. Mất cái Sở Văn thì dễ, mà mất cái Năng Văn thì khó. Như thế tăng dần, đi tới chẳng ngừng, đã mất cái Sở, lại mất cái Năng, thì cả Sở Văn và Năng Văn đều hết sạch. Sở Văn (Chỗ Nghe) là thanh trần. Từ chỗ mất cái Sở lần lần cho đến khi Sở Văn hết, rốt không có gì để nghe nữa, ắt thanh trần tiêu mất vậy. Năng Văn là cái căn Nghe. Từ vào dòng lần lần cho đến chỗ Năng Văn hết, rốt không còn cái Nghe ắt căn Nghe tiêu mất. Căn, Trần đều mất, quay về chỗ dứt tận. Có tướng hết để được, tức là chấp không. Nếu trụ nơi không, thì tuy được Sở Giác không mà chưa được Năng Giác không vậy. Nay ngoài hết sạch các Trần, trong hết sạch căn Nghe, như vậy chỗ hết nghe cũng không trụ bám, thì không chỉ Sở Giác không mà Năng Giác cũng không.

    Sở Giác không, là nhân vô ngã. Năng Giác không, là pháp vô ngã. Chứng Nhân Vô Ngã dễ, chứng Pháp Vô Ngã khó. Phải lấy cái Chân Không Đại Thừa mà không thì Năng Giác mới không. Có cái không để không cái Giác, thì cái không chưa được toàn vẹn. Có cái Giác để giác cái không thì cái Giác chưa được viên dung. Độc chỉ lấy cái Không mà không cái Giác, cùng quên đi cái Không, lấy cái Giác mà giác cái Không, cùng quên đi cái Giác mới có thể gọi là Viên Dung vậy.

    Nhưng như vậy còn chưa cùng cực. Cùng cực thì Không tức là Giác, cầu tướng Không chẳng thể có. Giác tức là Không, cầu tướng Giác chẳng thể có. Đó là Giác mà không có giác, Không mà không có không, nên mới là toàn vẹn rốt ráo. Độc chỉ Giác cùng cực tròn đầy, nên không có tướng giác để đắc, thì cái Sở Không diệt. Độc chỉ Không cùng cực, tròn đầy, nên không có tướng không để đắc, thì cái Năng Không cũng diệt. Sở Không diệt, đó là pháp không. Năng Không diệt, đó là không không. Năng Không, Sở Không đều chẳng sanh, mới gọi là “Sanh diệt đã diệt” vậy.

    Còn tiếng thì có tiếng sanh, tiếng diệt. Còn cái Nghe thì có cái Nghe sanh, cái Nghe diệt. Còn cái Giác thì có cái Giác sanh, cái Giác diệt. Còn cái Không, thì có cái Không sanh, cái Không diệt. Đều là chưa lìa sanh diệt. Nay nhân không, pháp không, mà lại không không, phàm các thứ thuộc về sanh diệt đều đã diệt hết. Đó là chẳng sanh, chẳng diệt, một tánh Chân Như hiện bày trước mắt. Ôi, một tánh Chân Như sở dĩ chẳng hiện tiền, đều là do các pháp sanh diệt che khuất. Nay một mảy tơ sạch ráo, Chân Thể lộ bày, vốn tự tịch nhiên, vốn không có diệt, chẳng phải diệt dứt rồi sau mới diệt, nên gọi là Tịch Diệt.

    Cái tánh tịch diệt này tùy chỗ hiển bày, chẳng cầu lìa tiếng mà tiếng tăm tự tịch diệt, chẳng cầu lìa nghe mà cái Nghe tự tịch diệt, chẳng cầu lìa giác mà giác tự tịch diệt, chẳng cầu lìa Không mà Không tự tịch diệt. Tịch diệt hiện tiền, chỗ nào chẳng Không ư?

    Tam Ma Địa này, tức Đại Định Thủ Lăng Nghiêm, nên pháp môn Phản Văn, Xoay Lại Cái Nghe, là cương lĩnh bộ kinh này.

    Đã được Tịch Diệt hiện tiền, phát khởi từ bi diệu dụng, thì há có pháp nào khác để độ người ư? Đời có người chưa được nhân không thì nói nhân không để độ. Đời có người chưa được pháp không thì nói pháp không để độ. Đời có người chưa được không không thì nói không không để độ. Cần yếu là về chỗ Tịch Diệt Hiện Tiền mà thôi vậy.

    Đây là Nhất Tâm của Phật Phật, chẳng phải riêng gì Đức Quán Âm!

    Chứng Đạo Ca của Ngài Vĩnh Gia nói:

    “Tâm là căn, pháp là trần

    Cả hai như dấu vết trên gương

    Vết nhơ hết sạch, quang bày hiện

    Tâm pháp đều vong, Tánh tức Chân”.


    Đại ý là vậy.



  5. #315
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    CHƯƠNG III: PHẬT KHAI THỊ VỀ MẬT GIÁO


    I. KHAI THỊ ĐẠO TRÀNG TU CHỨNG


    Kinh:

    “Anan! Ông hỏi về nhiếp tâm, Ta nay đã nói: “Để vào Tam Ma Địa tu học pháp môn nhiệm mầu, cầu Đạo Bồ Đề, trước hết phải giữ bốn thứ Luật Nghi này trong trắng như sương tuyết, tự không còn sanh mảy mún cành lá. Ba cái của Tâm, bốn cái của Miệng không có nhân để sanh ra.

    “Anan, nếu chẳng sai mất bốn Luật Nghi đó thì tâm còn chẳng duyên theo Sắc, Hương, Vị, Xúc, cả thảy ma sự làm sao phát sanh? Nếu có tập khí cũ không thể diệt trừ, ông dạy người đó nhất tâm trì tụng Thần Chú Vô Thượng Phật Đảnh Quang Minh “Ma Ha Tát Đát Đa Bát Đát Ra” của Ta. Đây là Tâm Chú Như Lai Vô Kiến Đảnh Tướng, Phật Tâm Vô Vi, từ đảnh phát huy, ngồi đài sen báu mà tuyên thuyết ra.

    “Như ông đời trước cùng Cô Ma Đăng Già nhân duyên nhiều kiếp, tập khí ân ái chẳng phải một đời hay một kiếp, song Ta một phen tuyên dương Thần Chú thì vĩnh viễn thoát khỏi lòng yêu, thành A La Hán. Nàng kia là dâm nữ, không tâm tu hành, chỉ nhờ thần lực của Chú ngầm giúp mà thành liền quả Vô Học, huống gì các ông, những hàng Thanh Văn trong hội, cầu Tối Thượng Thừa, quyết định thành Phật, ví như tung bụi vào gió thuận, nào khó khăn gì.

    “Nếu ở đời mạt thế, có người muốn ngồi đạo tràng tu hành, trước hãy giữ Cấm Giới Tỳ Khưu trong sạch. Cần phải chọn lựa vị Sa Môn Giới Hạnh trong sạch bậc nhất làm thầy. Nếu chẳng gặp được vị tăng chân thật thanh tịnh thì Giới Luật Nghi của người tu tất không thành tựu.

    “Sau khi Giới được thành tựu, mặc áo mới, sạch, đốt hương, ở chỗ vắng mà trì tụng Thần Chú nói ra từ Tâm Phật này, một trăm lẻ tám biến. Sau đó kiết giới, dựng lập đạo tràng, cầu xin Chư Vô Thượng Như Lai mười phương hiện trụ các quốc độ phóng quang Đại Bi đến rọi đỉnh đầu.

    “Anan, những hàng Tỳ Khưu, Tỳ Khưu Ni hay hàng cư sĩ, thí chủ trong sạch như thế, vào đời mạt thế, tâm dứt tham dâm, giữ tịnh giới Phật, ở trong đạo tràng, phát nguyện Bồ Đề, ra vào tắm rửa, sáu thời hành đạo, không lo ngủ nghỉ, như thế trải qua ba lần bảy ngày, Ta tự hiện thân đến trước người ấy, xoa đỉnh an ủi, khiến nên Giác Ngộ”.

    Thông rằng:

    Hiện nghiệp dễ chế phục, vì tự mình có thể làm trái ngược với nó. Nghiệp xưa khó trừ dứt, phải mượn thần lực nên nói Thần Chú có thể phá trừ tập khí đời trước. Tập khí như bụi thì tan rã dễ dàng. Ấy là do thần lực thầm trợ giúp, chẳng thể nghĩ bàn vậy.

    Lấy cái Phật Huệ chẳng thể nghĩ bàn để tiêu tan cái Vô Minh chẳng thể nghĩ bàn, như thế cầu Tối Thượng Thừa quyết định phải thành tựu. Chú này hầu như siêu xuất Giới Định Huệ mà làm một nhánh riêng, nhưng nếu Giới Định Huệ chẳng tinh nghiêm thì không thể được linh ứng. Do đó, kinh nói “Nếu chẳng gặp được vị tăng chân thật thanh tịnh thì Giới Luật Nghi của người tu tất không thành tựu”. Lại nói “Không lo ngủ nghỉ, như thế trải qua hai mươi mốt ngày, Ta tự hiện thân, khiến nên khai ngộ”. Đó gọi là “Suy xét đi, suy xét đi, suy xét nữa đi! Suy xét đến chỗ chẳng được thì Quỷ Thần cùng thông vậy”. Phật vốn là Không, tâm tịnh mà có. Nước trong trăng hiện, lý ấy hẳn nhiên. Định Huệ cùng cực, thì tiếp thông với khí phần Chư Phật, há chẳng hiện hình an ủi hay sao? Nếu thấy tướng ấy, chỉ quán Không Tịch: nếu là Phật thì rõ ràng tự tại; nếu là ma thì diệt mất. Người tu tập thiền định phải biết điều này.

    Thiền sư Vĩnh Minh Thọ tu Sám Hối Pháp Hoa ở chùa Quốc Thanh, ban đêm thấy một vị thần cầm kích đi vào, Ngài quở rằng: “Sao được tự ý vào đây?”

    Đáp rằng: “Chứa nghiệp lành đã lâu, mới vào được trong này”.

    Nửa đêm, Ngài đi quanh thánh tượng, thấy Đức Phổ Hiền ở trước, tay cầm hoa sen.

    Ngài lại ở đỉnh Kim Hoa Đại Trụ, tụng kinh ba năm, trong lúc thiền quán thấy Đức Quan Âm rót nuớc cam lồ vào miệng, bèn được biện tài. Từ đó viết bộ Tông Cảnh Lục và Vạn Thiện Đồng Quy lưu hành ở đời.

    Thiền sư Minh Giáo Tung ban đêm đầu đội tượng Quan Âm mà niệm danh hiệu, đầy đủ mười vạn lần mới nghỉ. Ngài cũng thấy Đức Quan Âm rưới nước cam lồ cho. Từ đó, bao nhiêu kinh sách thế gian chẳng học mà hiểu. Ngài có viết Thiền Môn Định Tổ Đồ, Truyền Pháp Chánh Tông Ký và Nguyên Giáo Luận. Vua Tống Nhân Tông than khen, chiếu lệnh chép vào Đại Tạng Kinh.

    Đây là những chứng nghiệm rõ ràng của việc “Xoa đầu an ủi, khiến nên khai ngộ” vậy.



  6. #316
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    II. KHAI THỊ ĐẠO TRÀNG TU CHỨNG

    Kinh:

    Ông Anan bạch Phật: “Thưa Thế Tôn, tôi nhớ lời dạy bảo Từ Bi Vô Thượng của Như Lai, tâm tự khai ngộ, tự biết tu chứng, thành Đạo Vô Học. Còn người tu hành đời mạt pháp muốn lập đạo tràng, thế nào mà kiết giới cho hợp với pháp tắc trong sạch của Chư Phật Thế Tôn?”

    Phật dạy Ông Anan: “Người đời mạt pháp, nguyện lập đạo tràng, trước hết kiếm con trâu trắng sức mạnh ở núi Tuyết Sơn, sống bằng cỏ thơm non mướt, loài trâu trắng này chỉ uống nước trong của núi Tuyết Sơn, phân rất nhuyễn mịn. Nên lấy phân đó hòa trộn với bột hương Chiên Đàn để tráng nền đất. Nếu không phải là loài trâu trắng ở Tuyết Sơn thì phân hôi bẩn, không thể tráng nền. Riêng ở đồng bằng, có thể đào bỏ lớp đất trên mặt, lấy đất sét vàng từ năm thước trở xuống rồi hòa trộn với hương Chiên Đàn, trầm thủy, tô hợp, huân lục, uất kim, bạch giao, thanh mộc, linh lăng, can tùng và kê thiệt. Mười thứ ấy rây nghiền thành bột, trộn với đất sét để làm nền đàn tràng, mỗi bề một trượng sáu, thành cái đàn bát giác.

    “Trung tâm đàn đặt một cái bát, trong bát đựng nước sương móc tháng Tám. Trong nước tùy ý để các hoa lá hiện có. Lấy tám cái gương tròn, mỗi cái để theo mỗi hướng, chung quanh cái bát hoa. Bên ngoài gương, dựng lập mười sáu hoa sen, mười sáu lư hương, giữa chúng bày hoa. Các lư hương đều trang nghiêm, đốt thuần bằng trầm thủy, không cho thấy lửa.

    “Lấy sữa trâu trắng để trong mười sáu đồ chứa. Lấy sữa làm bánh với đường cát, bánh rán, váng sữa, tô hợp, mật gừng, thuần kem, thuần mật, mỗi thứ mười sáu cái đặt quanh ngoài hoa sen để cùng dâng Chư Phật và các Đại Bồ Tát. Mỗi giờ ăn cơm và lúc nửa đêm dùng nửa thăng mật hòa với thăng rưỡi váng sữa (bơ).

    “Trước đàn để riêng một lò lửa nhỏ, lấy hương Đâu Lâu Bà [Trầm thủy loại thô, màu đỏ] nấu lấy nước thơm mà rửa than, đốt cho cháy hừng, rót mật bỏ vào, đốt cho hết khói, cúng dường Phật và Bồ Tát.

    “Ở bốn phía ngoài, treo khắp phan, hoa; ở trong nhà đàn, bốn vách chưng bày các hình tượng của mười phương Như Lai và các vị Bồ Tát. Chính giữa để tượng Phật Lô Xá Na, Phật Thích Ca, Phật Di Lặc, Phật A Súc, Phật A Di Đà; hai bên đặt tượng Đức Quan Âm Đại Biến Hóa và Kim Cang Tạng Bồ Tát. Hai bên cửa để hình tượng Đế Thích, Phạm Vương, Ô Sô Sắt Ma, Lam Địa Ca, Quân Trà Lợi, Tỳ Câu Chi, bốn vị Thiên Vương, Tần Na Dạ Ca...

    “Lại dùng tám cái gương treo úp giữa hư không, đối chiếu với tám gương trước trong đàn tràng, khiến cho hình ảnh lồng nhập vào nhau nhiều lớp.

    “Trong bảy ngày đầu, chí thành đảnh lễ danh hiệu mười phương Như Lai, Chư Đại Bồ Tát, Chư A La Hán. Thường trong sáu thời đi quanh đàn tụng Chú, hết lòng hành Đạo, mỗi thời trì một trăm lẻ tám biến.

    “Trong bảy ngày thứ hai, một mặt chuyên tâm phát nguyện Bồ Tát, tâm không gián đoạn. Trong Luật Tạng của Ta đã có chỉ dạy về nguyện.

    “Trong bảy ngày thứ ba, trong cả mười hai thời, một bề trì Chú Bát Đát Ra của Phật. Cho đến ngày thứ bảy, mười phương Như Lai nhất thời xuất hiện chỗ ánh sáng của gương giao nhau, được Phật xoa đảnh; bèn ở nơi đạo tràng tu Tam Ma Địa, có thể khiến cho hạng tu học đời mạt thế thân tâm sáng sạch như ngọc lưu ly.

    “Anan, nếu vị Giới Sư mà vị Tỳ Kheo thọ giới hay một trong mười vị Giới Sư chứng minh không được thanh tịnh thì những đạo tràng đó phần nhiều chẳng được thành tựu.

    “Sau hai mươi mốt ngày, ngồi nghiêm chỉnh an cư. Trải qua một trăm ngày, những người có lợi căn không rời khỏi chỗ ngồi mà đắc quả Tu Đà Hoàn. Dầu cho thân tâm thánh quả chưa thành, vẫn quyết định tự biết thành Phật không sai lầm.

    “Ông hỏi về Đạo Tràng, kiến lập như thế”.



  7. #317
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Thông rằng:

    Kiến lập Đạo Tràng cốt ở tinh khiết, ngoài thì trọn vẹn nghi thức, trong thì hết sức thành. Được vậy thì trong ngoài là một, tâm cảnh không hai. Các nhà giải thích mỗi mỗi miễn cưỡng so sánh, hoặc Tín hoặc Trí, hoặc Đức hoặc Hạnh. Nếu như vậy thì chỉ giữ Đạo Tràng tịch diệt là đủ rồi, cần gì kiến lập Đạo Tràng ư?

    Duy mười thứ hương, mỗi thứ đều có nghĩa. Bạch Giao Hương hay trừ ác khí, trị ghẻ ban nên tương tự với Giới Hương trừ những bất thiện của Thân. Thanh Mộc Hương hay đánh thức ma ngủ nên tương tự với Tinh Tấn Hương xa lìa ngủ nghỉ. Huân Lục hay dứt đau nên tương tự với Định Hương hay trì giữ. Tô Hợp sát quỷ, trừ tà nên tương tự với Nhẫn Hương chế ngự ma quỷ. Linh Lăng hay giữ mắt sáng nên tương tự với Huệ Hương làm sáng suốt. Chiên Đàn hay thơm xa nên tương tự với Bố Thí Hương. Cam Tùng hay hòa hợp các hương nên tương tự với Giải Thoát Hương hay hòa hợp các công đức. Uất Kim hay trừ độc, đuổi tà nên tương tự với Pháp Hương diệt ám, phá chấp. Kê Thiệt hay khiến thân thể người ta thơm nên tương tự với Giải Thoát Tri Kiến Hương hay dùng tất cả phương tiện vào khắp các cảnh giới. Trầm Thủy thì như Bồ Đề Hương cùng tột vực thẳm của pháp vậy.

    Kinh Hoa Nghiêm nói: “Khi Phật tử thoa hương thì nguyện cho mười thứ hương Ba La Mật xông khắp”, là gốc ở chỗ này vậy. Chư Phật, Bồ Tát chưa hẳn đã hưởng sự cúng dường này, mà muốn khiến cho người tu hành phước huệ đều đầy đủ. Như Phật nhận sự cúng dường sau cùng của Ông Thuần Đà. Phật thọ thực vào giữa trưa nên lấy nửa đêm so định giữa trưa. Hoặc gọi nửa đêm khoảng giữa giờ Hợi và giờ Tý, lúc ấy Dương mới động, chẳng lìa Bổn Tánh, cũng như Tam Ma Địa, hai bên không chỗ bám níu, đó là Trung Đạo, do đó nên cúng Phật.

    Đến ngày thứ hai mươi mốt, ở chỗ ánh sáng của gương giao nhau, được Phật xoa đảnh, tức là cảnh giới Lý Sự vô ngại vậy. Người tu hành đến địa vị Quán Đảnh thì Phật dùng hào quang nhiếp thọ. Biên giới của Giác giao nhập, ánh sáng chiếu soi nhau, nên lấy thí dụ “Chỗ ánh sáng của gương giao nhau” rất là xác đáng. Cho nên người đắc quả, bên trong sự chói sáng phát ra, thân tâm sáng sạch như ngọc lưu ly, Tánh Trí sáng khắp suốt thông với Phật Huệ. Đây là bằng cớ rất hiệu nghiệm của sức Thần Chú vậy.

    Dầu chưa đắc quả vẫn quyết định tự biết thành Phật không sai lầm vì rằng ngồi nghiêm chỉnh an cư, tiêu trừ trần cấu cũng thoáng thấy được cái Tâm Thể tròn đầy sáng suốt, cùng Phật không hai. Chỉ vì tập khí đời trước buộc ràng, nên chưa dễ thấu thoát, nhưng trải qua tháng, năm chưa có ai là chẳng thành.

    Luật Sư Linh Chi tạo lại Giới Đàn Ngũ Đài ở Minh Châu. Khi đàn thành rồi, có một ông lão thần khí siêu phàm, mày râu trắng phau, tiến đến thưa rằng: “Đệ tử có ba hạt minh châu xin dâng để mừng Giới Đàn thành tựu”. Nói xong biến mất. Ngài cho để minh châu ở chính giữa đàn thì hạt châu càng sáng. Sau đó, vị Đàn Chủ mời mười vị sư để mở Giới Pháp. Sau ba ngày, vào lúc nửa đêm, có một nhà sư đăng đàn bỗng thấy hào quang hạt châu tỏ suốt ra ngoài, bên trong hiện hình Thiện Tài Đồng Tử. Nhà sư kinh ngạc hô hoán, mọi người dậy thấy vậy đều vây quanh làm lễ. Mỗi đêm tăng chúng càng thành khẩn lễ bái. Nơi hạt châu khi thì hiện Phật sắc vàng, hoặc Quan Âm sáu tay, hoặc trúc tía, hoặc liễu xanh, hoặc cây, đá lạ kỳ, hoặc chim Ca Lăng Tần Già bay múa trái, phải, hoặc nguyệt cái, hoặc Long Thần dâng châu... thần biến nhiều thứ. Ai thấy nghe cũng bảo hy hữu.

    Tuy thế, cùng tột trong sạch, tâm như tâm Phật thì phóng quang hiện điềm lành cũng là việc bình thường vậy.



  8. #318
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    III. TUYÊN THUYẾT THẦN CHÚ

    Kinh :

    Ông Anan đảnh lễ chân Phật, bạch rằng: “Từ khi xuất gia, tôi ỷ lại sự thương yêu của Phật, vì cầu sự đa văn nên chưa chứng vô vi. Gặp sự trói buộc của tà thuật Phạm Thiên, tâm tuy sáng suốt mà sức chẳng tự do. Nhờ gặp Ngài Văn Thù khiến tôi được giải thoát. Tuy nhờ Phật Đảnh Thần Chú Như Lai âm thầm giúp sức, nhưng chính mình chưa được nghe. Mong Bậc Đại Từ tuyên thuyết trở lại, thương xót cứu giúp cho những người tu hành trong hội này cho đến những người còn trong luân hồi ở đời sau nhờ mật âm Phật mà thân ý giải thoát”.

    Khi ấy, hết thảy đại chúng trong hội đều làm lễ, chờ nghe chương cú bí mật của Như Lai.

    Bấy giờ, Thế Tôn từ đảnh phóng ra hào quang trăm báu, trong hào quang phóng ra hoa sen báu ngàn cánh, có Hóa Thân Như Lai ngồi trong hoa sen, đảnh phóng mười đạo hào quang trăm báu, mỗi mỗi hào quang đều thị hiện khắp mười hằng hà sa Kim Cang Mật Tích đỡ núi, cầm chữ khắp cõi hư không. Đại chúng ngước trông, sợ mừng hòa lẫn, xin Phật thương che, nhất tâm lắng nghe Như Lai Vô Kiến Đảnh Tướng phóng quang Phật tuyên thuyết Thần Chú.

    Thông rằng:

    Vì sao Thần Chú có thể khiến Ông Anan tức thời giải thoát? Bởi vì Vô Kiến Đảnh Tướng phóng quang Như Lai tức là thị hiện của Diệu Trạm Tổng Trì Thủ Lăng Nghiêm Vương vậy. Cái ấy đã hằng giữ được tánh trong lặng nên hóa giải cái phân chia Tánh trong lặng, đã kiên cố nên phá tan cái chẳng kiên cố. Như lửa làm tiêu băng tự có cái lý thầm lặng mà thắng đoạt vậy. Sau là Kim Cang Bồ Tát, tâm tinh thuần thì lặng lẽ nhanh chóng phát mở thần thức kẻ kia, người ấy bấy giờ tâm có thể ghi nhớ, đắc túc mạng thông. Huống gì thần lực Như Lai toàn khắp hằng sa thế giới, đâu đâu cũng quang minh, đâu đâu đều giải thoát. Các thứ tà thuật cũng như bụi tuyết rớt vào lò lửa hồng, lập tức tiêu tan.

    Ông Cung Phụng Hạo Nguyệt hỏi Tổ Trường Sa Sầm: “Như sao là Đà La Ni?”

    Tổ Sa chỉ phía bên mặt thiền sàng, nói: “Cái ấy sư tăng tụng được đấy”.

    Hỏi rằng: “Lại còn ai khác tụng được chăng?”

    Tổ Sa lại chỉ phía bên trái thiền sàng, nói: “Cái ấy sư tăng cũng tụng được đấy”.

    Hỏi rằng: “Vì sao tôi chẳng có nghe?”

    Tổ Sa nói: “Đại Đức há chẳng nghe nói, “Chân tụng không vang, chân thính [Nghe thật] không nghe”, ư?

    Hỏi rằng: “Như thế thì âm thanh chẳng nhập pháp giới tánh vậy?”

    Tổ Sa nói: “Lìa Sắc cầu thấy, chẳng phải Chánh Kiến. Lìa Thanh cầu nghe, đó là nghe tà”.

    Hỏi rằng: “Như sao là “Chẳng lìa Sắc là Chánh Kiến; chẳng lìa Tiếng là Thật Nghe”?”

    Tổ Sa khai thị bằng bài kệ:

    “Đầy mắt vốn chẳng phải sắc

    Tràn tai vốn chẳng phải thanh

    Văn Thù thường chạm mắt

    Quan Âm bịt Nhĩ Căn

    Hiểu ba (Thân) nguyên một thể

    Đạt bốn (Trí) vốn đồng Chân

    Rõ ràng Pháp Giới Tánh

    Không Phật cũng không nhân [Người]”.


    Thế biết, chỗ Tổ Trường Sa nói là Pháp Giới Tánh bèn tùy chỗ mà tuyên tụng Chú Đà La Ni. Cái ấy thật không Phật cũng không người thì chốn nào có được ma sự ư?



  9. The Following User Says Thank You to Thiện Tâm For This Useful Post:

    hoatihon (10-26-2015)

  10. #319
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    IV. KHAI THỊ ĐÂY LÀ TÂM CHÚ CỦA MƯỜI PHƯƠNG NHƯ LAI

    Kinh:

    “Anan, đây là Phật Đảnh Quang Tụ Tất Đát Đa Bát Đát Ra (SITATAPATRA), bí mật Già Đà, vi diệu chương cú, xuất sanh tất cả mười phương Chư Phật. Mười phương Như Lai nhân Chú Tâm này đắc thành Vô thượng Chánh Biến Tri Giác. Mười phương Như Lai nắm Chú Tâm này hàng phục các ma, chế dẹp ngoại đạo. Mười phương Như Lai cỡi Chú Tâm này ngồi hoa sen báu mà ứng hiện vi trần quốc độ. Mười phương Như Lai ngậm Chú Tâm này chuyển Đại Pháp Luân trong vi trần quốc độ. Mười phương Như Lai trì Chú Tâm này, ở khắp mười phương xoa đảnh thọ ký, tự quả của mình chưa thành, cũng ở nơi mười phương nhờ Phật thọ ký. Mười phương Như Lai y Chú Tâm này, thường khắp mười phương nhổ cứu các khổ như là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, đui điếc, câm ngọng, oán ghét ở chung khổ, thương phải xa cách khổ, cầu chẳng được khổ, khổ vì năm ấm lẫy lừng, trái ngang lớn nhỏ đồng thời giải thoát. Nạn cướp, nạn binh, nạn vua, nạn ngục, nạn nước, gió, lửa, đói khát bần cùng ứng niệm tiêu tan. Mười phương Như Lai tùy Chú Tâm này ở khắp mười phương phụng sự thiện tri thức, trong bốn oai nghi, cúng dường như ý, trong pháp hội hằng sa Như Lai được suy tôn là Đại Pháp Vương Tử. Mười phương Như Lai được Chú Tâm này ở khắp mười phương nhiếp thọ thân nhân, khiến cho hàng Tiểu Thừa nghe tạng bí mật chẳng sanh kinh sợ. Mười phương Như Lai tụng Chú Tâm này thành Vô Thượng Giác, ngồi cội Bồ Đề, nhập Đại Niết Bàn. Mười phương Như Lai truyền Tâm Chú này, sau khi diệt độ, phó chúc Phật pháp sự, trụ trì rốt ráo, nghiêm tịnh Giới Luật, tất hẳn đắc thanh tịnh.

    “Nếu Ta nói về Chú Phật Đảnh Quang Tụ Bát Đát Ra này thì dù âm thanh liên tục, câu chữ không lập lại, từ sáng đến tối, trải qua hằng sa kiếp cũng không thể cùng tận. Chú này cũng gọi tên là Như Lai Đảnh. Hàng Hữu Học các ông chưa hết luân hồi, phát tâm chí thành cầu quả A La Hán mà không trì Chú này thì không thể nào ngồi đạo tràng khiến cho thân tâm xa lìa các ma sự được.

    Thông rằng :

    Thần Chú Phật Đảnh không thể nghĩ bàn, tuy nói là trì các danh hiệu nhưng cũng như mật lệnh trong quân đội, âm thầm phù hợp tương ứng, và cũng như lấy nước biển lớn để diệt lửa đóm. Hết thảy ma sự do tâm tạo ra, nay lấy cảnh giới không thể nghĩ bàn của Chư Phật mà tẩy rửa đi thì cũng như dùng Tâm Vương dẹp trừ Tâm Tặc, hẳn lập tức diệt ngay.

    Tối Thượng Thừa, mật tu, mật chứng, chẳng mượn lời nói, tức đây là thật tế, nên bảo rằng xuất sanh hết thảy mười phương Chư Phật. Một là thành Chánh Biến Tri. Hai là chế phục tà ma, ngoại đạo. Ba là ứng hiện trong vi trần quốc độ. Bốn là chuyển Đại Pháp Luân. Năm là nhờ Phật thọ ký. Sáu là nhổ cứu các khổ. Bảy là làm Pháp Vương Tử. Tám là nhiếp thọ thân nhân. Chín là nhập Đại Niết Bàn. Mười là phó chúc Phật-Pháp sự. Tất cả đều dùng Tâm Chú này mà thành tựu. Nếu chẳng phải là Một Đường Tối Thượng thì có gì đáng hơn nữa? Cái ý của tên kinh, rốt cuộc chẳng ra ngoài chỗ đó.

    Thành Chánh Biến Tri tức là thể nhập Biển-Khắp-Biết vậy. Hàng phục tà ma, ngoại đạo tức là tà chú tiêu tan vậy. Ứng hiện trong vi trần quốc độ tức là Diệu Liên Hoa Vương vậy. Chuyển Đại Pháp Luân tức là Vô Thượng Bảo Ấn vậy. Xoa đỉnh thọ ký tức là Quán Đảnh Chương Cú vậy. Nhổ cứu các khổ tức là cứu thoát Ông Anan cùng Tánh Tỳ Khưu Ni vậy. Đại Pháp Vương Tử tức là Vạn Hạnh của Chư Bồ Tát vậy. Nhiếp thọ thân nhân tức là cứu hộ thân nhân vậy. Nhập Đại Niết Bàn tức là Định Thủ Lăng Nghiêm vậy. Phó chúc Phật Pháp Sự tức là Tu Chứng Liễu Nghĩa vậy.

    Tâm Chú này bao hàm nhiều nghĩa như thế. Mười phương Như Lai đều do đây mà xuất sanh, nên là Chú Thập Phương Phật Mẫu Đà La Ni. Chưa thấu rõ điều này thì các kiến chấp nổi lên như ong vỡ tổ mà thành tà ma, ngoại đạo, tạo nghiệp không thôi mà chịu các khổ. Đây là chỗ giống nhau của vi trần quốc độ. Thấu rõ điều này tức là Pháp Vương Tử, nhờ Phật thọ ký, phó chúc việc Phật pháp, chuyển Đại Pháp Luân, không chỉ tự độ mà còn độ người, thế tức là trước sau thành Phật vậy. Người trì Chú này kỳ hạn là ở chỗ thấy Tánh thành Phật thì loại chương cú bí mật tầm thường há có thể sánh ư?

    Tổ Bách Trượng nói: “Nếu mà nay ở nơi tất cả các pháp hữu vô có tơ hào tâm ái nhiễm thì dù cho chân đang đạp lên hoa sen cũng đồng là ma làm. Nếu chấp vốn thanh tịnh, vốn giải thoát, tự là Phật, tự là người hiểu thiền tức là thuộc về ngoại đạo tự nhiên. Nếu chấp do Nhân Duyên mà chứng đắc tu thành thì thuộc về ngoại đạo nhân duyên. Chấp Có thì thuộc Thường Kiến đạo. Chấp Không thì thuộc Đoạn Kiến đạo. Chấp Cũng Có, Cũng Không thì thuộc Biên Kiến đạo. Chấp Chẳng phải Có, Chẳng phải Không thì thuộc Không Kiến ngoại đạo cũng gọi là ngu si ngoại đạo”.

    Như nay chẳng khởi ra cái Phật Kiến, Niết Bàn Kiến... Tuyệt không có tất cả Kiến Hữu Vô và cũng không có cái Vô Kiến, thì gọi là Chánh Kiến. Không có hết thảy các cái Nghe mà cũng không có cái Không nghe, gọi là Chánh Văn. Đó là chế phục ngoại đạo. Không có ma phàm phu đến là Đại Thần Chú. Không có ma Nhị Thừa đến là Đại Minh Chú. Không có ma Bồ Tát đến là Vô Thượng Chú. Cho đến cũng không có ma Phật đến là Vô Đẳng Đẳng Chú.

    Một là biến ra chúng sanh xiểm xúc Tu La; hai là biến ra Nhị Thừa xiểm xúc Tu La; ba là biến ra Bồ Tát xiểm xúc Tu La. Đây là Tịnh Độ tam biến. Hết thảy các pháp Hữu Vô phàm Thánh ví như quặng vàng, cái Chân Như của chính mình ví như vàng. Vàng và quặng tách ra, thì vàng ròng lộ bày. Bỗng có người kiếm tiền, kiếm đồ báu liền biến vàng ra tiền mà cho. Cũng như bột gạo tinh thuần không có đất cát, có người xin bánh liền biến bột ra bánh mà cho. Lại cũng như kẻ bầy tôi có trí hiểu được ý vua, nếu vua muốn đi mà đòi Tiên Đà Bà [Có bốn nghĩa : muối, đồ dùng, nước và ngựa] thì liền dâng ngựa. Khi vua ăn mà đòi Tiên Đà Bà liền dâng muối... Các thí dụ trên để chỉ người khéo thông đạt huyền chỉ nên ứng cơ chẳng sai lầm. Cũng gọi là Lục Tuyệt Sư Tử.

    Tổ Chí Công nói: “Mặc người tạo tác trăm điều, hàng Thập Địa Bồ Tát không đói, không no, vào nước không chìm, vào lửa không cháy. Dù muốn cháy cũng không thể cháy được! Người ta thì bị số lượng cai quản, qui định. Phật thì chẳng phải thế, vào lửa không cháy mà muốn cháy là cháy. Vào nước không chìm, mà muốn chìm là chìm! Vì Phật sử dụng được bốn Đại tự do vậy”.

    Ôi, đến địa vị Phật, sử dụng được bốn Đại tự do thì Tánh tức là Chú, Chú tức là Tánh, có chỗ nào mà chẳng thành tựu? Thật không thể nghĩ bàn vậy, đất Trung Nguyên có được chuyện ấy, chỉ có Chú mới hàng phục tà ma. Nay Tổ Bách Trượng nói: “Không có các thứ ma đến, tức đó là Chú”, thật rất có ý vị vậy.



  11. The Following User Says Thank You to Thiện Tâm For This Useful Post:

    hoatihon (10-26-2015)

  12. #320
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    V. SỨC CỦA THẦN CHÚ LÀM TIÊU NGHIỆP CHƯỚNG TẠO PHƯỚC ĐỨC, SỐNG CHÂN THƯỜNG

    Kinh:

    “Này Anan, như các thế giới, theo chỗ cõi nước có chúng sanh tùy theo sản vật nước mình có: vỏ cây hoa, lá bối, giấy trắng, lụa bạch mà viết chép Chú này, đựng trong túi hương. Người này tâm u tối chưa thể tụng nhớ thì mang trong người hoặc viết trong nhà, phải biết rằng người đó suốt đời không bị tất cả các thứ độc làm hại.

    “Anan, nay Ta vì ông nói lại Chú này để cứu hộ thế gian được Đại Vô Úy và thành tựu Trí Xuất Thế Gian của chúng sanh.

    “Như sau khi Ta diệt độ, chúng sanh đời mạt thế có người tự tụng hay dạy người khác tụng, phải biết những chúng sanh trì tụng như thế: lửa không thể thiêu; nước chẳng thể chìm; độc yếu, độc mạnh không thể hại được. Cho đến các Chú ác dữ của Thiên, Long, Quỷ, Thần, tinh kỳ, ma mị đều không làm gì nổi, tâm được Chánh Thọ. Tất cả bùa chú, trùng độc, thuốc độc, kim khí độc địa, cỏ cây, trùng rắn, khí độc muôn thứ vào trong miệng người ấy đều thành vị cam lồ. Hết thảy ác tinh cùng các quỷ thần lòng dữ hại người, đối với người ấy không thể khởi ra niệm ác. Tần Na, Dạ Ca, các quỷ vương ác độc cùng với quyến thuộc đều chịu ơn sâu, thường ủng hộ che chở.

    “Anan, phải biết Chú này thường có tám vạn bốn ngàn na do tha hằng hà sa cu chi chủng tộc Kim Cang Tạng Bồ Tát mỗi mỗi đều có các chúng Kim Cang làm quyến thuộc, ngày đêm theo hầu. Giả sử có chúng sanh tâm còn tán loạn, chưa vào Tam Ma Địa mà lòng nhớ, miệng trì Chú này thì các Kim Cang Vương thường theo bên mình. Huống là người phát tâm Bồ Đề quyết định thì các vị Kim Cang Tạng Vương Bồ Tát ấy sẽ tinh thành âm thầm phù trợ mà phát khởi thần thức người đó, khiến cho người ấy đúng lúc nhớ lại được tám mươi bốn ngàn hằng hà sa kiếp, rõ biết khắp cả, không còn nghi hoặc. Từ kiếp thứ nhất cho đến thân sau cùng, đời đời không sanh vào các loài dược xoa, la sát, phú đơn na, ca tra phú đơn na, cưu bàn trà, tỳ xá giá... và các ngạ quỷ hữu hình hay vô hình, có tưởng hay không tưởng, và những chốn dữ như thế. Người thiện nam này, hoặc đọc hoặc tụng, hoặc viết hoặc chép, hoặc đeo hoặc cất, hoặc cúng dường nhiều cách Thần Chú này thì kiếp kiếp chẳng sanh vào chỗ không vui, bần cùng hạ tiện.

    “Các chúng sanh ấy, dù tự mình chẳng làm nghiệp phước mà công đức của mười phương Như Lai hẳn thông cho người này. Do vậy mà trải qua a tăng kỳ bất khả thuyết bất khả thuyết kiếp thường được cùng Chư Phật sanh ở một nơi, vô lượng công đức nhóm lại như chùm cây ác-xoa thành đồng một chỗ huân tu, vĩnh viễn không phân tán. Thế nên có thể khiến người đã phá Giới được Giới Căn thanh tịnh; người chưa đắc Giới khiến người cho đắc Giới; người chưa Tinh Tấn khiến đắc Tinh Tấn; người không Trí Huệ khiến đắc Trí Huệ; người không Thanh Tịnh chóng đắc Thanh Tịnh; người chẳng giữ Trai Giới tự thành Trai Giới. Anan, người thiện nam đó khi trì Chú này, giả sử có phạm Cấm Giới khi chưa thọ trì thì sau khi trì Chú hết thảy tội Phá Giới, không kể nặng nhẹ, nhất thời tiêu diệt. Dù đã từng uống rượu, ăn năm thứ rau cay, các thứ bất tịnh thì tất cả Chư Phật, Bồ Tát, Kim Cang, Tiên Thiên, Quỷ Thần không cho là lỗi. Giả sử mặc y phục không sạch rách nát thì mỗi cử chỉ đi đứng thảy đồng thanh tịnh. Dù không lập đàn, chẳng vào Đạo Tràng cũng không hành đạo mà trì tụng Chú này thì công đức so vào Đàn, hành đạo giống nhau không khác. Nếu tạo trọng tội Ngũ Nghịch, Vô Gián và tội Tứ Khí, Bát Khí của Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni mà tụng Chú này rồi thì các nghiệp nặng như vậy hẳn đều diệt hết như gió mạnh thổi tan đống cát không còn chút gì. Anan, nếu có chúng sanh chưa hề sám hối hết thảy tội chướng nặng nhẹ từ vô lượng vô số kiếp đến giờ mà nay có thể đọc tụng Chú này, đeo giữ trên người hay để nơi chỗ ở như trại, nhà vườn, quán... thì những nghiệp chứa nhóm trước kia đều tiêu tan như nuớc sôi trên tuyết, chẳng bao lâu đều được ngộ Vô Sanh Nhẫn.



Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 2 người đọc bài này. (0 thành viên và 2 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •