Kinh:
“Anan, hư không không có hình, nhân sắc mà hiển ra. Như trong thành Thất La Phiệt là chỗ xa sông, những người dòng Sát Lỵ, dòng Bà La Môn, dòng Tỳ Xá, dòng Thủ Đà hay dòng Phả La Đọa, dòng Chiên Đà La... Khi dựng nhà mới thì đào giếng để lấy nước. Đào lên một thước đất, thì trong đó có một thước hư không, như vậy cho đến đào lên được một trượng, thì trong đó lại được một trượng hư không. Hư không sâu hay cạn tùy theo đào lên nhiều hay ít. Hư không đó, do đất mà ra, nhân đào mà có hay không nhân gì mà tự sanh?
“Anan, hư không đó không do gì mà tự sanh, thì trước khi chưa đào đất, sao chỗ ấy lại không trống rỗng, mà chỉ thấy là đất, chẳng có gì thông suốt. Nếu nhân đất mà ra, thì khi đất được moi ra phải thấy có hư không vào. Nếu đất ra trước mà không thấy hư không vào, làm sao nói là hư không nhân đất mà ra? Còn nếu không ra, không vào thì hư không với đất vốn không khác nguyên nhân. Không khác tức là đồng, thì khi đất ra, hư không sao chẳng có ra? Nếu nhân đào mà ra, thì đào phải có ra hư không chớ chẳng phải ra đất. Nếu chẳng nhân đào mà có ra, khi tự đào thì ra đất, sao lại thấy hư không?
“Ông hãy xét xem, xét kỹ, xem kỹ: sự đào do từ tay người chuyển vận theo phương hướng, đất thì từ nơi mặt đất mà dời đi, như thế hư không nhân đâu mà có ra? Sự đào và hư không: một cái thật, một cái hư, không tác dụng gì với nhau, chẳng phải hòa, chẳng phải hợp, chẳng lẽ hư không không do đâu mà tự có ra?
“Nếu hư không đó bản tánh tròn đầy toàn khắp, vốn chẳng hề lay động thì phải biết rằng hiện giờ ngay trước mặt đây: Hư Không và Địa, Thủy, Hỏa, Phong đều gọi là năm Đại, bản tánh vốn chân thật, viên dung, đều là Như Lai Tạng, vốn không sanh diệt.
“Anan, tâm ông mê muội, chẳng ngộ bốn Đại vốn là Như Lai Tạng. Phải nhìn ngay hư không là ra, là vào hay chẳng phải ra, vào. Ông hoàn toàn không biết trong Như Lai Tạng: Tánh Giác là Chân Không, Tánh Không là Chân Giác, thanh tịnh bản nhiên, toàn khắp pháp giới tùy theo tâm chúng sanh mà ứng với lượng hay biết.
“Anan, như một cái giếng trống không thì hư không có trong một cái giếng, mười phương hư không thì cũng như vậy. Không Đại tròn đầy khắp mười phương, thật không nơi chốn, theo nghiệp mà phát hiện. Thế gian không biết, lầm cho đó là tánh Nhân Duyên hay tánh Tự Nhiên. Hết thảy đều là những phân biệt, đo lường của tâm thức, chỉ có lời nói, danh từ toàn không có thật nghĩa.
Thông rằng:
Hư không chẳng có hình, sao có ra, vào? Chỉ bởi sắc hiện bày mà biết có hư không: có sắc thì chẳng phải là hư không, không có sắc tức là hư không. Sắc có đến, đi; hư không chẳng hề khởi, diệt. Khi tứ Đại diệt, hư không chẳng phải lúc ấy mới có. Bốn Đại có đến-đi, hư không vốn chẳng hề ra-vào. Tánh hư không tròn khắp cũng dễ hiểu, bốn Đại Chân Không cũng giống như vậy. Khi chưa tùy theo nghiệp thì thanh tịnh bản nhiên, toàn khắp pháp giới, vốn chưa hề không có. Khi đã theo nghiệp phát hiện rồi, tùy cảm tùy ứng mà đầy khắp thế gian thì cũng không phải lúc ấy mới có. Tướng có sanh diệt, Tánh không sanh diệt. Có sanh diệt, thì chẳng có Toàn Khắp. Còn cái Toàn Khắp thì tự nó không có sanh diệt, gọi đó là Như Lai Tạng, không từ đâu đến, không đi về đâu, há lại có sanh tử ở trong ấy ư?
Nói về cái ngoan không [Cái Không phi lý luận của Tiểu Thừa và ngoại đạo]thì tuy không có ra vào, nhưng cũng là sanh diệt. Như sau này có nói “Hư Không sanh trong cái Đại Giác như một cái bọt sinh ra trong biển cả... Mười phương hư không cũng đều tiêu mất, chỉ duy cái Chân Không là Chân Giác vốn không sanh diệt”.
Ở bốn Đại trước thì nói Chân Sắc, Chân Hỏa, Chân Thủy, Chân Phong đều dùng chữ Chân. Sau thì nói “Bốn Đại thanh tịnh” là đều nói trong Tánh. Không giữ lấy Tướng, bèn là “Tánh Chân Thật, viên dung đều là Như Lai Tạng, vốn không sanh diệt”. Thật rành rành tự tánh Chân Thật mà nói. Nếu các tướng hữu tình, làm sao mà viên dung vô ngại ? Nói là Dung, thì “tức Sắc tức Không, tức Không tức Sắc”, chẳng hề thấy có dấu vết của ngũ Đại, duy chỉ thuần nhất một cái Không. Nói là Viên, thì “Không chẳng ngại Sắc, Sắc chẳng ngại Không”, ngũ Đại đắp đổi lẫn nhau, hiển xuất vô cùng mà chẳng rời Nhất Chân vậy.
Trước thì lấy tứ Đại mà dung hội Chân Không. Đây thì lấy Chân Không tan về Chân Giác. Rõ ràng cái gọi là Chân Không tức là Chân Giác, cái ngoan không làm sao so sánh được.
Thiền sư Hoàng Long Tổ Tâm thượng đường rằng : “Tâm đồng Hư Không giới, bình đẳng với Tánh Không. Chứng đắc Tánh Không bèn không có pháp nào phải, trái. Cứ như thế mà ngơi nghỉ. Dừng chèo, thả neo về bến đậu thuyền. Cứ theo như môn đệ của lão tăng thì trời đất cách riêng không dính. Nói thử môn đệ của lão tăng có chỗ nào kỳ đặc :
“Vác ngang ngọn lược chẳng đoái người
Thẳng vào ngàn muôn đỉnh núi đi”.
Lại có Ông Hồ Đinh Giao tham lễ Tổ Bửu Thọ.
Tổ hỏi : “Chẳng phải là Hồ Đinh Giao [Đinh Giao có nghĩa là đóng đinh. ] ư?”
Ông Hồ trả lời : “Không dám”.
Tổ Tho nói : “Có đóng được hư không chăng?”
Ông Hồ nói : “Xin Hòa Thượng đả phá cho!”
Tổ Thọ bèn đánh.
Ông Hồ chẳng kham được ý chỉ ấy.
Tổ Thọ nói : “Về sau sẽ có ông thầy lắm lời vì ông mà chỉ cho chỗ này”.
Sau, Ông Hồ đến tham Ngài Triệu Châu.
Tổ hỏi : “Chẳng phải là Hồ Đinh Giao ư?”
Ông Hồ nói : “Không dám”.
Tổ Châu hỏi : “Có đóng được hư không chăng?”
Ông Hồ đáp : “Xin Hòa Thượng đả phá cho!”
Tổ Châu nói : “Hãy đóng vào một đường giáp nối ấy!”
Ông Hồ bèn kể chuyện bị gậy của Tổ Bửu Thọ.
Rồi hỏi : “Không rõ lỗi ở chỗ nào?”
Tổ Châu nói : “Chỉ một đường giáp nối ấy còn chẳng biết làm sao, lại còn bảo người đả phá hư không!”
Nhân đó, Tổ nói thay : “Hãy đóng vào một đường giáp nối ấy!”
Tổ Châu lại nói : “Ta nói như thế thì đối cùng với Ông Bửu Thọ kia thật là ngàn dặm muôn dặm”.
Ông Hồ bèn có chỗ thức tỉnh.
Hợp hai tắc mà xét, thì chứng đắc hư không cũng chẳng đúng, mà đả phá hư không cũng chẳng đúng. Vậy, thế nào mà thoát thân? Tham đi!