DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 12/59 ĐầuĐầu ... 2101112131422 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 111 tới 120 của 588
  1. #111
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh:

    “Anan, lại như chỗ ông bày tỏ: Tỷ căn và hương trần làm duyên, sanh ra Tỷ Thức. Thức ấy nhân tỷ căn sanh ra, lấy tỷ căn làm Giới, hay nhân hương trần sanh ra, lấy hương trần làm Giới?

    “Anan, nếu nhân tỷ căn sanh ra, thì trong tâm ông, lấy cái gì làm tỷ căn? Lấy cái hình tướng mũi thịt như hai móng tay, hay lấy sự ngửi biết lay động làm tỷ căn?

    “Nếu lấy cái hình tướng mũi thịt, thì chất thịt là thân và cái biết của thân là cái cảm xúc. Đã gọi là thân thì không phải là lỗ mũi, gọi là cảm xúc thì thuộc về trần. Vậy còn không có gì để gọi là tỷ căn, làm sao mà Giới được thành lập?

    “Nếu lấy cái Ngửi Biết làm tỷ căn, thì trong tâm ông lấy cái gì làm cái biết? Nếu lấy lỗ mũi thịt, thì cái biết của chất thịt là xúc trần, chứ không phải là tỷ căn. Nếu lấy hư không làm cái Biết, thì hư không ắt tự biết, còn xác thịt lẽ ra chẳng biết. Như thế, lẽ ra hư không phải là ông! Thân ông mà chẳng biết, thì Ông Anan hiện giờ chẳng còn ở đâu nữa.

    “Nếu lấy cái hương làm cái biết, thì cái biết thuộc về hương trần, nào dính dáng gì đến ông?

    “Nếu mùi thơm, mùi thối sanh ra do tỷ căn của ông, thì hai mùi thơm, thối kia không sanh ra do cây y lan và cây chiên đàn, hai vật đó không đến, thì ông tự ngửi lỗ mũi là thơm hay thối! Thối thì chẳng phải thơm; thơm thì không phải thối. Nếu cả hai mùi thơm, thối đồng ngửi được cả, thì một người ông phải có hai tỷ căn, đứng trước Ta hỏi đạo lại có hai Anan, thế thì ai mới là cái thể của ông? Nếu tỷ căn là một, thì thơm, thối không hai. Thối đã thành thơm, thơm đã thành thối, hai tánh đó đã không có, thì Giới do đâu mà thành lập?

    “Lại nếu nhân hương trần mà sanh, thì Tỷ Thức đã nhân hương trần mà có, cũng như như nhân con mắt mà có Thấy, thì không thể thấy con mắt: Tỷ Thức nhân hương mà có, lẽ ra không biết được hương trần. Nếu biết được hương trần thì không phải do hương trần sanh ra, còn nếu không biết được hương trần thì không phải là Tỷ Thức. Hương trần mà không biết là có, thì cái Giới của hương không thành. Tỷ Thức mà không biết hương trần, thì cái Giới của nó không phải do hương trần mà lập. Đã không có cái Thức ở khoảng giữa thì nội căn, ngoại trần cũng không thành, thì các thứ Ngửi Biết kia rốt ráo là hư vọng.

    “Thế nên, phải biết tỷ căn và hương trần làm duyên, sanh ra Tỷ Thức Giới, cả ba chỗ đều không. Tức là ba thứ Tỷ Giới, Hương Giới và Tỷ Thức Giới vốn chẳng phải tánh Nhân Duyên, chẳng phải tánh Tự Nhiên.


    Thông rằng:

    Cái Mũi là Căn. Hương là Cảnh. Ở giữa hai cái ấy là Thức. Phàm nói Giới là chuyên để chỉ Thức. Cái Thức này không ở nơi Căn mà sanh, không ở nơi Hương mà sanh, đại ý tương tợ, nhưng văn nghĩa có hơi phức tạp.

    Mượn cảnh để phá căn, thì Thức chẳng phải do hư không sanh, mà là ở giữa. Ngay nơi cảnh mà phá căn, thì Thức chẳng do hòa hợp mà sanh ra, cũng là dễ thấy. Ban đầu phá phù trần căn, cái mũi thịt chẳng phải là cái Biết. Rồi phá thắng nghĩa căn, lại không phải hư không là cái Biết. Nếu cái Biết ở hương, thì can dự gì đến lỗ mũi? Mà đã sanh ở lỗ mũi thì cần gì đến vật ? Nếu đồng ngửi được cả thơm thối, thì phải có hai mũi, vậy thì cái căn đâu có đủ để căn cứ. Đã chỉ một cái mũi, sao lại có hai mũi, vậy cái cảnh cũng không đủ làm bằng cớ. Do đó, nói “Tỷ Thức do nơi Căn sanh”, là sai vậy.

    Nếu nói “Tỷ Thức do hương trần sanh ra”, thì đáng lẽ không biết được hương, cũng như cái thấy do con mắt mà có ra thì không thể trở lại thấy con mắt. Nếu nói là Biết, thì hương trần tự có Thức, nào cần phải nói là sanh ra? Nếu nói là không Biết, thì không thể gọi là Thức, thì Giới do đâu mà lập? Do đó, nói rằng “Thức do Hương Trần sanh”, là sai lầm vậy.

    Hương trần đã không thể tự biết mùi của nó, thì căn với trần lìa nhau, chứ không thể hợp được. Mà Thức nếu từ hương trần sanh ra, thì chẳng thể biết hương trần. Còn biết được hương trần, thì hẳn là chẳng phải từ hương sanh ra. Đó là căn, cảnh lìa nhau, vốn chẳng nương nhau vậy. Nên nói rằng “Tỷ Thức do Căn và Cảnh hợp nhau mà sanh”, là sai lầm vậy.

    Cái Giới của hương không thành, thì không thể ở giữa. Đã không có cái giữa, lấy đâu có trong, có ngoài ! Rõ là Tỷ Thức hư vọng, vốn không xứ sở, bèn hiểu tánh Ngửi Biết là Không, chẳng có tánh Nhân Duyên hay Tự Nhiên nào khá được.

    Phẩm Pháp Giới của kinh Hoa Nghiêm : Trưởng giả Chúc Hương Ưu Bát La Hoa khéo phân biệt mà biết tất cả mùi hương, cũng biết điều hòa tất cả Hương Pháp, cho đến nơi chốn bay ra của Hương Vương. Lại khéo biết trị các bệnh của hương, đoạn trừ các hương xấu, mà sanh ra Hoan Hỷ Hương, tăng Trí Huệ Hương, diệt Phiền Não Hương. Khiến ở Vô Vi mà sanh Ưa Luyến Hương, ở nơi Hữu Vi mà sanh Chán Lìa Hương, xả bỏ các Kiêu Dật Hương, phát tâm Niệm Phật Hương, chứng Giải Thoát Pháp Môn Hương, Thánh Sở Thọ Dụng Hương, Nhất Thiết Bồ Tát Sai Biệt Hương, Nhất Thiết Bồ Tát Địa Vị Hương.

    Ngài dạy : “Ta chỉ biết môn Điều Hòa Hương Pháp này, cũng như các Bồ Tát lìa xa hết thảy các ác tập khí, chẳng nhiễm thế dục, cầu cắt lìa lưới phiền não của bọn ma, vượt khỏi các nẻo luân hồi. Lấy Trí Huệ Hương mà tự trang nghiêm, nơi mọi thế gian đều không nhiễm trước, thành tựu đầy đủ Giới “Không Chỗ Bám”, làm trong sạch Trí “Không Bám”, Hành cái “Không Bám Cảnh”, nơi hết thảy chốn đều không chỗ bám níu, tâm đều bình đẳng, không bám, không nương”.

    Xưa, có một tôn giả đi qua hồ sen. Vị Thần sen trách rằng: “Không được trộm hương thơm của tôi”.

    Vị tôn giả bèn hỏi: “Người đời qua lại, ai chẳng ngửi mùi thơm, đâu chỉ một mình ta ngửi trộm sao?”

    Vị Thần nói: “Người đời tán loạn tâm, nên chẳng gọi là trộm. Tôn giả đây tâm trong sạch, nên có chút bám dính thì chẳng được!”

    Tỷ Thức chưa dễ hàng phục vậy! Thế nên, hộ trì cái Tâm Vô Trước mà ngao du cõi đời, đó là “Khéo phân biệt mà biết tất cả mùi hương”, thì không gì mà chẳng có thể.



  2. #112
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh
    : “Anan, lại như chỗ ông bày tỏ: Thiệt căn và vị trần làm duyên, sanh ra Thiệt Thức. Thức ấy nhân thiệt căn sanh ra, lấy thiệt căn làm Giới, hay nhân vị trần sanh ra, lấy vị trần làm Giới?

    “Anan, nếu nhân thiệt căn sanh ra, thì trong thế gian mía ngọt; mơ chua; hoàng liên đắng; muối mặn; tế tân, gừng, quế hết thảy đều không có Vị. Ông tự nếm cái lưỡi, là ngọt hay đắng? Nếu cái lưỡi là đắng, thì lấy cái gì để nếm cái lưỡi? Lưỡi chẳng thể tự nếm, thì lấy gì mà có hay biết? Nếu lưỡi không đắng, vị tự chẳng sanh ra, làm sao lập thành Giới?

    “Nếu nhân vị trần mà sanh ra, thì Thiệt Thức đã là vị rồi, đồng như thiệt căn, không thể tự nếm, làm sao mà biết là vị hay chẳng phải vị? Lại tất cả các vị chẳng phải do một vật sanh ra. Các vị đã do nhiều vật sanh ra, thì cái Thiệt Thức nếu do vị trần sanh, cũng phải có nhiều tự thể. Nếu Thiệt Thức là một thể và thể đó do vị sanh ra, thì các vị mặn, nhạt, chua, cay, các tướng khác nhau này phải chỉ là một vị, không thể phân biệt. Không có phân biệt, thì không có Thức, làm sao còn gọi là Thiệt Thức Giới? Chẳng lẽ hư không sanh ra cái Thức Phân Biệt của ông?

    “Thế thì cái Thức ở giữa do thiệt căn và vị trần hòa hợp mà sanh, vốn không tự tánh, làm sao mà cái Giới có được?

    “Vậy nên phải biết: Thiệt căn, vị trần làm duyên, sanh ra Thiệt Thức, cả ba Xứ đều Không. Tức là Thiệt Giới, Vị Giới và Thiệt Thức Giới vốn chẳng phải Tánh Nhân Duyên, chẳng phải tánh Tự Nhiên.


    Thông rằng:

    Ban đầu, bác bỏ “Nhân thiệt căn sanh”, là phá cái lý Tự Sanh. Thứ hai là bác bỏ “Nhân vị trần sanh”, là phá cái lý Cái khác sanh. Thứ ba là bác bỏ “Hư không sanh”, là phá cái lý Không nguyên nhân mà sanh. Thứ Tư bác bỏ “Lưỡi và vị hòa hợp mà sanh”, là phá cái lý Chung nhau sanh. Tức ở trong đó, vốn không tự tánh, thiệt căn chẳng thể tự nếm mùi, mùi vị cũng chẳng tự nếm biết, thì Thức do đâu mà sanh? Chính là hiển bày ý chỉ Vô Sanh. Biết Thiệt Thức vốn Vô Sanh, thiệt căn vốn tự trong sạch, tức là Diệu Chân Như Tánh vậy.

    Xưa, có vị thiền sư ăn uống hỗn tạp, không chọn lựa, nhiều đệ tử bắt chước theo. Một bữa nọ, bày một bữa cúng ở chỗ thiêu xác người chết, rồi lấy thịt thiêu còn sót, gồm chung vào rồi ăn. Đệ tử đều ói mửa, chạy mất.

    Sư bèn nói: “Ta nhiều đời thanh tịnh, nên mới không chọn lựa. Các ông có thể cùng với ta ăn món này, mới nên duy trì việc ăn uống”.

    Từ đó, cả chúng sợ hãi mà lo vâng giữ Giới Luật.

    Tổ Tào Sơn cũng ưa rượu.

    Có vị tăng hỏi: “Áo linh không khoác thì như thế nào?”

    Đáp: “Tào Sơn này trọn hiếu! [Đây nghĩa là xứng Tánh]”

    Hỏi : “Trọn hiếu rồi thì như thế nào?”

    Tổ đáp : “Tào Sơn khoái rượu từ Tôn Đảnh”.

    Có đệ tử tên là Thuế Thanh, bạch hỏi: “Đệ tử cô bần, xin thầy cứu giúp”.

    Tổ Sơn gọi lớn: “Thuế Xà Lê!”

    Sư Thuế ứng tiếng: “Dạ!”

    Tổ Sơn nói: “Rượu Thanh Nguyên [Phái Tào Động xuất phát từ Ngài Thanh Nguyên Hành Tư] trắng trong, uống rồi ba chén sao còn bảo chưa thấm môi!”

    Tổ Huyền Giác nói : “Ở chỗ nào mà cho là có uống!”

    Ba tắc này là: Tánh của Vị vốn Không, Thiệt Thức cũng vốn Không. Liễu đạt mới gọi rằng “Biết mùi vị”.



  3. #113
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh
    :

    “Anan, lại như chỗ ông bày tỏ: Thân căn và xúc trần làm duyên sanh ra Thân Thức. Thân Thức này do thân căn sanh ra, lấy thân căn làm Giới, hay nhân xúc trần sanh ra, lấy xúc trần làm Giới?

    “Anan, nếu nhân thân căn sanh ra, mà không có hai cảm xúc hợp và lìa, thì thân căn còn biết gì? Nếu nhân xúc trần sanh ra, mà không có thân căn của ông, thì có ai chẳng có thân mà lại biết chuyện hợp, lìa được?

    “Anan, vật thì không biết cảm xúc, thân căn có biết mới có cảm xúc. Tức nơi cảm xúc, biết có thân. Tức nơi thân căn, mà biết cảm xúc. Nhưng nơi Xúc, thì không phải là thân, nơi thân thì không phải là Xúc. Hai tướng thân và xúc, vốn không xứ sở. Nếu Xúc hợp với thân, thì làm thể tánh của thân. Lìa thân thì chẳng có thể tánh nào, bèn như tướng hư không. Nội căn, ngoại trần đã không thành, cái Thức ở giữa làm sao mà lập? Giữa chẳng lập được, trong ngoài đều là Tánh Không, thì cái Thân Thức của ông do đâu mà lập thành Giới?

    “Thế nên, phải biết: Thân căn và xúc trần làm duyên, sanh ra Thân Thức, cả ba chỗ đều Không. Tức là cả ba thứ Thân Giới, Xúc Giới và Thân Thức Giới vốn chẳng phải Tánh Nhân Duyên, chẳng phải tánh Tự Nhiên.


    Thông rằng:

    Câu “Vật thì không biết cảm xúc”, nghĩa là vật có thể chạm biết. Vật thì thật, cái Biết thì hư. Cái thật với cái hư chẳng có tiếp xúc với nhau. Cho nên, vật thì chỉ tiếp xúc với vật, không thể tiếp xúc với cái Biết. Một chữ Biết này bày rõ ràng ra cái Pháp Thân trong sạch, chẳng phải là chỗ mà sự chạm xúc có thể tới được.

    Cái Thân biết có cảm xúc là do sắc thân phân biệt mà Biết, lấy hai chỗ hợp, lìa làm duyên. Cảm xúc không lìa thân căn, thân căn cũng không lìa cảm xúc. Nhưng nói cảm xúc thì chẳng phải là thân căn, nói thân căn thì chẳng phải là cảm xúc, hai cái ấy thật là không thể xác định. Do đó, nếu hợp lại thì chỉ có một thân thể, mà cái Cảm Xúc ở tại đâu? Nếu lìa nhau, thì Xúc không còn, đồng như hư không vậy. Cả hai đều không có ở đâu, trong ngoài đều không thành tựu. Thân và Xúc đều không nơi chốn, thì Thân Thức do đâu mà thành lập? Đã không có cái Thức ở giữa, thì căn và cảnh rốt ráo là không. Thế nên biết cái Thân Thức Giới chỉ là hư vọng.

    Thiền sư Nam Nhạc Huệ Tư đã đắc túc mạng thông, bỗng nhiên lại bị nghiệp chướng khởi lên, tay chân rũ liệt, không thể đi đứng. Ngài tự nghĩ rằng: “Bệnh từ nghiệp sanh, nghiệp từ tâm khởi. Nguồn tâm vốn chẳng khởi, ngoại cảnh đâu có hình trạng gì? Bệnh, nghiệp và thân đều như bóng mây!” Quán như thế, tướng điên đảo diệt, nhẹ nhàng yên ổn như xưa. Như Ngài mới có thể nói là rõ thấu Thân Thức là hư vọng vậy.

    Thiền sư Hưng Dương Phẩu nằm bệnh.

    Ngài Đại Dương đến thăm, hỏi: “Thân này như bọt huyễn, mà có ở trong bọt huyễn mới thành biện xét. Nếu không có cái bọt huyễn này, thì chuyện đại sự chẳng do đâu mà nghiệm xét. Nếu muốn xét chuyện đại sự, thì Thức lại giữ lấy cái bọt huyễn này, làm sao đây?”

    Tổ Phẩu nói: “Vẫn còn là chuyện bên này”.

    Đại Dương hỏi : “Thế chuyện bên kia thì làm sao?”

    Tổ Phẩu nói : “Quanh đất vừng hồng đẹp, đáy biển chẳng trồng bông” [“Táp địa hồng luân tú, hải để bất tài hoa”].

    Đại Dương cười nói : “Ông còn tỉnh táo không?”

    Tổ Phẩu quát : “Sắp nói ta quên mất à!”

    Rồi liền tịch.

    Như Tổ Hưng Dương Phẩu có thể nói là thấu rõ cái Pháp Thân Hướng Thượng Sự vậy.

    Có vị sư hỏi Ngài Đại Long: “Sắc thân thì hư hoại, như thế nào là cái Pháp Thân kiên cố?”

    Tổ Long nói: “Hoa núi nở dường gấm. Nước khe trong như lam”.

    Ngài Tuyết Đậu tụng rằng:

    “Hỏi, từng chẳng biết

    Đáp, lại chẳng hiểu

    Trăng lạnh gió cao, đỉnh xưa thông lạnh

    Cười vui thay

    Giữa đường gặp được người đắc đạo

    Chẳng lấy nói, im đối đãi cùng

    Tay cầm roi bạch ngọc đánh vụn ngọc Ly Châu

    Đánh chẳng nát, thêm dấu vết!

    Nước có hiến chương, thêm ba ngàn điều tội!”.


    Theo bài tụng này thì cái Kiên Cố Pháp Thân còn phải đập cho nát, huống là cái Sắc Thân đó ư?



  4. #114
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh
    :

    “Lại như chỗ ông bày tỏ: Ý căn và pháp trần làm duyên, sanh ra Ý Thức. Thức đó là nhân ý căn sanh ra, lấy ý căn làm Giới, hay nhân pháp trần sanh ra, lấy pháp trần làm Giới?

    “Anan, nếu nhân ý căn sanh ra, thì trong ý ông chắc phải có chỗ suy nghĩ mà phát rõ ra cái ý của ông; nếu không có các pháp trần thì ý không có chỗ sanh ra. Lìa các duyên trần, ý căn còn không có hình tướng, thì cái Thức đem dùng vào chỗ nào?

    “Lại cái Thức Tâm của ông cùng các sự nghĩ suy, các sự rõ biết là đồng nhau hay khác nhau. Nếu đồng với ý căn, tức là ý căn rồi, làm sao lại do ý căn sanh ra? Nếu khác mà không đồng với ý căn, thì lẽ ra không có biết gì. Nếu không có chỗ Biết, thì làm sao lại do ý căn sanh ra? Còn nếu có chỗ Biết, làm sao biết được ý căn? Khi hai tánh đồng nhau và khác nhau đều không thành, Giới do đâu mà lập?

    “Nếu Ý Thức do pháp trần sanh ra, thì các pháp trong thế gian không ngoài năm Trần. Ông hãy xem các pháp sắc, thanh, hương, vị, xúc đối với năm căn đều có hình tướng rõ ràng, chẳng phải chỗ thu nhiếp của ý căn. Nếu Ý Thức của ông quyết định nương nơi pháp trần mà sanh ra, thì ông hãy xem xét kỹ, mỗi pháp có hình trạng gì? Nếu lìa ngoài sắc không, động tĩnh, thông bít, lìa hợp, sanh diệt, vượt ngoài các tướng này, rốt ráo là không chỗ đắc. Sanh thì các pháp Sắc Không đều sanh ra, diệt thì các pháp Sắc Không đều diệt. Các nguyên nhân đã không, thì cái thức có là do chúng sanh ra, nào có hình tướng gì đâu? Tướng trạng không thể có, Giới do đâu mà sanh?

    “Thế nên, phải biết: Ý căn, pháp trần làm duyên, sanh ra Ý Thức, ba chỗ này đều không. Tức là ba thứ Ý Giới, Pháp Giới và Ý Thức Giới vốn chẳng phải tánh Nhân Duyên, chẳng phải tánh Tự Nhiên.


    Thông rằng:

    Cái Ý Thức Giới này là Tánh Hiểu Biết, Phân Biệt của Thức Thứ Sáu. Đã lấy sự Biết do Phân Biệt làm tánh, thì lìa ngoài pháp hẳn không có duyên, ý bèn chẳng sanh. Lìa Duyên thì vô hình, vậy Ý Thức dùng vào đâu? Thế thì cái Thức duyên theo pháp này, rõ ràng không sanh ra nơi ý căn. Nếu nói ý căn hay phân biệt mà sanh ra Ý Thức, vậy thì Thức Thứ Bảy làm chỗ nương cho sự nhiễm, tịnh và Thức Thứ Tám là Thức Tâm làm chỗ nương dựa căn bản của mọi Thức, đối cùng Thức Thứ Sáu có tánh hiểu biết do phân biệt là đồng hay là khác?

    Kinh Lăng Già nói: Tâm (Thức Thứ Tám) hay tích nhóm Nghiệp Ý (Thức Thứ Bảy), hay mở rộng sự tích nhóm, hiểu biết do phân biệt gọi là Thức, đối đãi với hiện cảnh thì có năm Thức.

    Luận Duy Thức nói: Tập Khởi gọi là Tâm, suy lường gọi là Ý, hiểu biết cảnh gọi là Thức. Chỉ là một pháp mà khác tên.

    Đã duy chỉ một pháp, đều có thể gọi là Tâm, đều có thể gọi là Ý, đều có thể gọi đó là Thức. Nhưng sự tinh vi ấy có thể biện biệt, có nhiều thứ ấy mà đặt tên vậy.

    Ở trong Thức Thứ Tám, Ý và Thức đều không còn, nên chỉ có thể gọi là Tâm.

    Ở Thức Thứ Bảy, chẳng phải Tâm, chẳng phải Thức, chỉ có thể gọi là Ý.

    Ở Thức Thứ Sáu, thì Tâm và Ý đều đối đãi với Cảnh, nên gọi là Thức Phân Biệt sự vật.

    Kỳ thật chỉ là một. Như biển khởi sóng: không khác cũng không không khác. Thức Thứ Sáu đuổi theo Trần sanh ra Gió Cảnh Giới, liền khởi động các sóng Suy Lường của Thức Thứ Bảy, mà thật chẳng rời cái biển lặng chứa của Thức Thứ Tám. Ba Thức này chẳng phải đồng, chẳng phải khác, cứ hãy tạm để đó.

    Bây giờ, nói về chuyện Ý sanh ra Thức. Nếu nói Thức đồng với Ý thì Thức là Ý, làm sao gọi Ý là cái Năng Sanh và Thức là cái Được Sanh ? Nói là đồng thì không được vậy. Nếu nói Thức khác với Ý, hoàn toàn chẳng đồng thì một cái thuộc hữu tình, một cái thuộc vô tình, lẽ ra không có chỗ Biết, vậy bảo khác nhau thì không thể được. Nếu không có chỗ Biết, thì chắc chẳng phải do Ý sanh. Ý phân biệt được cái chỗ Sở Sanh thì phải có cái Thức ở trong ấy. Nếu có chỗ để biết, thì khi Ý sanh mà không có pháp nào để duyên, thì chỉ có cái Ý làm sao mà tự biết cái Ý ? Nếu cho là Biết cái Ý, thì cái Ý trở lại thành cảnh, không còn là căn được. Nếu không biết cái Ý, lại giống như không có Thức, thì sao nói là Ý sanh Thức?

    Rời ngoài pháp mà tìm cái Thức, rất khó hình dung: nếu nói là đồng, thì không còn có thể gọi là Sanh ra; nếu gọi là khác thì không thể gọi được là Thức. Thế là hai tánh đồng nhau, khác nhau đều không thành tựu. Thức không có chỗ định, Giới làm sao lập thành? Do đó mà nói Thức do căn sanh là hư vọng vậy.

    Nếu nói Thức duyên với pháp trần mà hiện, nhân pháp mà có sanh ra, thế thì phải có pháp khá hình dung ra được rồi mới có thể làm Nhân. Nay các pháp của thế gian chẳng thể ngoài năm trần, đối đãi năm căn, và làm cái sở nhân của năm Thức. Ý có thể lìa ngoài năm Trần này mà riêng có tướng trạng của các pháp để làm sở nhân không? Cái nội cảnh mà Ý tự duyên, tuy không nhờ năm căn bên ngoài nhưng rốt cuộc không thể ra khỏi bóng dáng của Sắc Không, sanh diệt... các pháp. Dầu có duyên các pháp xuất thế gian là Phi Sắc, Phi Không, Bất Sanh Bất Diệt nhưng cái phi sắc phi không cũng do Sắc Không mà hiển, cái bất sanh bất diệt cũng do sanh diệt mà bày. Rốt là chẳng có thể rời ngoài Sắc Không, sanh diệt mà có riêng được cái pháp trần để làm nhân sanh Thức. Ở nơi năm Trần mà tìm pháp thì Trần là nhân của ngũ căn, chẳng phải là nhân của Ý. Mà rời năm Trần để cầu pháp, thì không có pháp nào để được. Đã không thể đắc, thì không có Nhân vậy. Nhân mà không có, lấy gì sanh ra ? Nếu không có Nhân mà nói là có Thức sanh ra, thì Thức này chẳng thể nào phân biệt các pháp. Còn nếu phân biệt được các pháp thì tạo ra được tướng trạng gì ? Tướng trạng không có, Thức thật chẳng sanh. Nên nói là nhân pháp mà Thức sanh là sai lầm vậy. Đã chẳng phải Ý sanh, lại chẳng phải Pháp sanh, thì Ý Thức ở tại chốn nào? Không có nơi chốn, tức là chốn Chân Thật vậy.

    Xưa, Thượng Tọa Quốc Thanh Tịnh hỏi Tổ Trường Sa: “Như trong kinh dạy : không thể lấy cái tâm có chỗ biết mà đo lường nổi cái Tri Kiến Vô Thượng của Như Lai, thế thì làm sao?”

    Tổ Sa nói: “Ông hãy nói xem: cứu xét cho cùng cái tâm có chỗ biết này, lại có đo lường nào được nổi chăng? Theo đó mà tin nhập”.

    Sau này, có vị tăng hỏi: “Đệ tử mỗi đêm ngồi thiền, tâm niệm tán loạn, chưa biết cách nào nhiếp phục. Xin thầy chỉ bảo”.

    Ngài Quốc Thanh Tịnh trả lời: “Nếu ban đêm ngồi tịnh mà niệm niệm lăng xăng, thì lấy cái tâm lăng xăng đó cứu xét cái chỗ lăng xăng. Thấy là nó không có xứ sở, thì cái tâm niệm lăng xăng đó đâu còn! Cứ xét ngược lại cái tâm, thì cái tâm cứu xét đó đâu có tại chỗ nào. Trí chiếu soi vốn không, cái cảnh để duyên cũng tĩnh lặng vậy. Chiếu mà chẳng chiếu, tuyệt không có cảnh để chiếu soi vậy. Cảnh, Trí đều tịch diệt, tâm lượng an nhiên. Ngoài chẳng tìm cầu lấy sự tán loạn, trong chẳng trụ nơi định tĩnh. Hai đường dứt bặt, một Tánh suốt nhiên. Đây là yếu đạo về nguồn vậy”.

    Tổ Dược Sơn đang ngồi, có vị tăng hỏi : “Ở cái chỗ bằng phẳng, suy nghĩ cái gì?”

    Tổ Sơn nói : “Suy nghĩ cái thật chẳng có suy nghĩ”.

    Hỏi : “Cái chẳng suy nghĩ đó, làm thế nào suy nghĩ ?”

    Tổ Dược Sơn nói : “Tuyệt chẳng suy nghĩ !”

    Có vị tăng hỏi thiền sư Thục Châu Tây : “Thế nào là chỗ Phi Tư Lượng?”

    Ngài đáp : “Ai thấy một chấm trong đêm tối giữa hư không?”

    Ngài Đơn Hà tụng rằng :

    “Một điểm linh minh, sáu chẳng thâu

    Rõ thay, nào phải sững mắt vào

    Tin tức trong kia, người khó rõ

    Chỉ có hư không một điểm mù”.


    (Nhất điểm linh minh lục bất thâu

    Chiêu nhiên hà dụng cánh ngưng mâu

    Cái trung tiên tức nhân nan ủy

    Độc hữu hư không ám điểm đầu).


    Cho nên, rõ được chỗ Tâm Thức chẳng thể đến được, bèn thấu suốt nguồn cội của Thức vậy.



  5. #115
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    MỤC BẢY: TÓM THU VỀ NHƯ LAI TẠNG

    II. THU BẢY ĐẠI


    Kinh:

    Ông Anan bạch Phật: “Thưa Thế Tôn, Như Lai thường nói về Nhân Duyên Hòa Hợp rằng: Tất cả các thứ biến hóa trong thế gian đều do bởi bốn Đại hòa hợp mà phát hiện ra. Thế sao Như Lai đều bài bác cả hai nghĩa Nhân Duyên và Tự Nhiên? Nay tôi không biết nghĩa ấy thế nào, xin Phật rủ lòng thương xót khai thị cho chúng sanh nghĩa rốt ráo của Trung Đạo, không còn các pháp hý luận”.

    Lúc bấy giờ, Thế Tôn bảo Ông Anan rằng: “Trước ông đã chán lìa các pháp Tiểu Thừa Thanh Văn, Duyên Giác mà phát tâm quyết cầu Bồ Đề Vô Thượng, nên ta nay vì ông mà khai thị cái Đệ Nhất Nghĩa Đế, sao ông lại còn đem những thứ vọng tưởng Nhân Duyên, hý luận của thế gian mà tự trói buộc? Ông tuy là nghe nhiều mà như người nói tên vị thuốc, đến khi thuốc thật ở trước mắt lại chẳng hề phân biệt được. Như Lai bảo thế thật là đáng thương xót! Nay ông hãy nghe kỹ, ta sẽ vì ông phân biệt khai thị. Cũng để cho những người tu Đại Thừa mai sau thông đạt cái Thật Tướng”.

    Ông Anan lặng yên, kính vâng Thánh Chỉ của Phật.


    Thông rằng:

    Ông Anan mong Thế Tôn khai thị Trung Đạo. Nếu cho thật tại là Nhân Duyên Hòa Hợp của thế gian, thì mắc vào Có (Hữu). Nếu bài bác cả hai thứ Nhân Duyên và Tự Nhiên thì lại chìm đắm vào Không. Cái chẳng phải Có, chẳng phải Không mới là Trung Đạo. Ông không biết cái Bồ Đề Vô Thượng là cái Trung Đạo không chỗ bám nắm, mới là Đệ Nhất Nghĩa Đế vậy. Cái Đệ Nhất Nghĩa Đế này siêu khỏi mọi Ấm, Nhập, Xứ, Giới chẳng phải phải tánh Nhân Duyên, chẳng phải tánh Tự Nhiên. Thấy các Tướng chẳng phải Tướng, tức đó là Đại Thừa Thật Tướng.

    Ông Anan muốn rời bỏ Tiểàu Thừa mà cầu cái Bồ Đề Vô Thượng. Nay chỉ cho đó là Tánh Diệu Chân Như, thì hoang mang ngơ ngác, chẳng hiểu ra sao, như người nói ra tên thuốc, mà cái chơn dược ở ngay trước mắt lại chẳng có hay. Thật đáng thương xót! Than ôi, thuốc nào có dễ biết!

    Bồ Tát Văn Thù một ngày nọ bảo đồng tử Thiện Tài đi hái thuốc.

    Ngài nói : “Cái gì là thuốc hãy hái mang về”.

    Thiện Tài xem khắp đại địa không có gì chẳng phải là thuốc, trở về bạch rằng : “Không có cái gì mà chẳng phải là thuốc”.

    Ngài Văn Thù nói : “Cái gì là thuốc hái mang về đây”.

    Thiện Tài bèn ngay trên mặt đất ngắt lên một cọng cỏ, đưa cho Ngài Văn Thù. Ngài Văn Thù cầm lấy, đưa lên cho đại chúng xem, rồi nói: “Thuốc này cũng hay giết người, cũng hay cứu người”.

    Tổ Vân Môn nói: “Thuốc và bệnh hiện hữu vì nhau, khắp cõi đất là thuốc, cái gì là tự kỷ?”

    Ngài Tuyết Đậu tụng rằng :

    “Khắp cõi đất là thuốc

    Xưa nay sao quá lầm

    Đóng cửa chẳng làm xe (để dùng)

    Đường thông tự trống rộng

    Lầm, lầm !

    Lỗ mũi xa trời cũng xuyên suốt!”.


    Theo ý bài tụng ngày thì chân dược hiện tiền ấy cũng cần mửa ra hết, huống là cái chuyện chẳng thể phân biệt của Anan!



  6. The Following User Says Thank You to Thiện Tâm For This Useful Post:

    trantu (08-23-2015)

  7. #116
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh
    :

    “Anan, như chỗ ông nói: Tứ Đại hòa hợp phát hiện ra các thứ biến hóa trong thế gian. Anan, nếu các Đại ấy tánh chẳng phải hòa hợp thì không thể trộn lẫn với các Đại khác, cũng như hư không không thể hòa hợp được với các sắc. Nếu tánh của các Đại là Hòa Hợp, thì cũng đồng như các thứ biến hoá, trước sau hóa thành lẫn nhau, sanh diệt nối nhau, sanh rồi diệt, diệt rồi sanh, sanh sanh diệt diệt như vòng lửa quay tròn, chưa hề ngừng nghỉ. Anan, như nước thành băng, băng trở lại thành nước.

    Thông rằng:

    Nếu nói tứ Đại chẳng phải hòa hợp, thì chẳng phải nghĩa Chân Như tùy duyên, đồng như ngoan không mà thôi. Nếu nói tứ Đại nhất định phải hòa hợp, thì chẳng phải là nghĩa Chân Như bất biến, giống như biến hóa mà thôi. Như nước thành băng, băng trở lại thành nước, tứ Đại vốn là Như Lai Tạng Tánh, chẳng phải ngoài nước mà có băng. Nước hòa với cái gì mà thành băng? Băng hòa với cái gì mà thành nước?

    Vốn chỉ là một vật, không có cái gì khác hòa lẫn vào. Tìm cầu tướng hòa hợp rõ là chẳng thể có, do đó, thật chẳng phải hòa hợp mà cũng chẳng phải không hòa hợp. Chỉ vì mê thì Chân Như là bốn Đại: như nuớc thấy thành băng. Ngộ, thì tứ Đại là Chân Như: như băng vốn là nước. Nước vốn là một mà thôi vậy.

    Có vị tăng hỏi Tổ Lâm Tế : “Thế nào là bốn cảnh vô tướng?”

    Tổ Lâm Tế nói : “Ông khởi một niệm tâm Nghi, bèn bị Đất ngăn ngại. Ông khởi một niệm tâm Ái, bèn bị Nước nhận chìm. Ông khởi một niệm tâm Sân, liền bị Lửa cháy thiêu. Ông có một niệm tâm Hỷ, liền bị Gió thổi bay. Nếu hay rõ ràng được như thế, Cảnh nào trói buộc nổi? Chốn chốn đều dùng được Cảnh: Đông mọc Tây lặn, Nam mọc Tây chìm, giữa nổi bên chìm, bên nổi giữa chìm. Đi trên nước như trên đất, vào đất như nước. Do sao mà vậy? Vì thấu suốt bốn Đại như mộng như huyễn vậy. Này các đạo lưu! Nay đây cái nghe pháp là ông, chẳng phải là tứ Đại của ông, mà hay dùng tứ Đại của ông. Thấy được như thế, thì bèn đi hay ở đều tự do”.

    Xem như lời Tổ Lâm Tế thì đi đâu cũng là nước, làm gì có băng đâu?

    Tổ Dược Sơn nhân có thí chủ cúng dường bộ thường phục. Đưa ra trước chúng, nói rằng: “Pháp Thân có đủ bốn Đại hay không? Nói được, thì cho một áo lá”.

    Ngài Đạo Ngô nói: “Tánh đất chẳng phải là Không. Không chẳng phải là tánh đất. Đó là Đại Địa. Ba Đại kia cũng thế”.

    Tổ Sơn nói: “Cho ông một cái áo lá”.

    Chỗ thấy của Ngài Đạo Ngô sao lại trái ngược với kinh này? Thử tham xem!



  8. The Following User Says Thank You to Thiện Tâm For This Useful Post:

    trantu (08-23-2015)

  9. #117
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh
    :

    “Ông hãy xét cái tánh của Địa Đại: thô lớn thì làm đất liền, nhỏ nhặt thì làm vi trần, cho đến lân hư trần, do chia chẻ cái sắc cực vi nhỏ nhất làm bảy phần mà thành. Nếu chẻ lân hư trần nữa, thì thật là tánh hư không.

    “Anan, nếu cái lân hư trần đó chẻ ra thì thành hư không, vậy thì biết hư không sanh ra sắc tướng. Nay ông hỏi rằng: Do hòa hợp mà sanh ra các tướng biến hóa trong thế gian, thì ông hãy xét một cái lân hư trần dùng bao nhiêu hư không hòa hợp lại mà có? Không lẽ lân hư trần hợp lại thành lân hư trần? Mà lân hư trần đã chẻ ra được thành hư không, thì dùng bao nhiêu sắc tướng để hợp thành hư không? Nếu sắc hợp lại thì hợp sắc không thể thành hư không. Nếu hư không hợp lại, thì hợp hư không làm sao ra thành sắc? Sắc có thể chẻ ra được, chứ hư không làm sao mà hợp lại được?

    “Ông vốn chẳng biết, trong Như Lai Tạng: Tánh Sắc là Chân Không, Tánh Không là Chân Sắc, bản nhiên thanh tịnh, tròn khắp pháp giới, tùy tâm chúng sanh ứng ra chỗ hay biết, theo nghiệp mà hiện bày. Thế gian không biết, lầm cho là Nhân Duyên hay Tự Nhiên. Đó đều là thức tâm phân biệt, đo lường: chỉ có lời nói, danh tự, toàn không có thật nghĩa.

    Thông rằng:

    Bài tụng Pháp Giới rằng:

    “Có ai muốn biết lý Chân Không

    Chân Như trong tánh hiện khắp ngoài

    Tình với vô tình chung một thể

    Chốn chốn đều đồng Pháp Giới Chơn!”.

    Đây là yếu chỉ của bảy Đại.

    Chân Không là cái Thể Nhất Như vậy. Bảy Đại là cái Dụng duyên theo nghiệp vậy. Thể, Dụng không hai, nương nhau mà hiển, chẳng lìa Diệu Tánh, nên mỗi mỗi đều là Tánh. Duy chỉ một Tánh. Không là Tánh Không, Sắc là Tánh Sắc, bèn Tức Không, Tức Sắc, đó là Diệu Hữu, đó là Diệu Chân Như Tánh vậy. Không sa vào Hữu, Vô nên nói là thanh tịnh, mà chưa từng chẳng Hữu, Vô nên gọi là Bản Nhiên. Là trong sạch, tức nhân duyên chẳng thể ô nhiễm. Là Bản Nhiên, tức chẳng phải hòa hợp mà thành. Cái gì mà từ nhân duyên hay hòa hợp sanh, đó chỉ là hình tướng, có nơi chốn làm sao mà đầy khắp pháp giới? Duy chỉ chẳng từ nhân duyên hay hòa hợp mà sanh thì không hình tướng, không xứ sở nên toàn khắp pháp giới. Toàn khắp pháp giới là Tánh, thì có gì chẳng phải là Thất Đại? Toàn khắp pháp giới là Thất Đại thì có gì chẳng phải là Tánh?

    Tâm Như Lai chỉ một vị Thanh Tịnh, chỉ một vị Bản Nhiên, chỉ một vị Toàn Khắp nên không thể biết, không thể lường. Tâm của chúng sanh thì ở nơi cái Thanh Tịnh ấy lại có thời gian mà ô nhiễm. Ở trong cái Bản Nhiên ấy lại có thời gian mà chẳng như nhiên. Ở trong cái Toàn Khắp ấy, lại có thời gian mà hạn hẹp. Tùy cái tâm năng tri, xứng vừa với cái lượng sở tri. Biết cho lắm thì tích tụ thành nghiệp, nghiệp tích tụ thành quả, có thiện, có ác mà biến tạo ra cái Y Báo, Chánh Báo mười cõi. Tâm của chúng sanh tán loạn không bờ nên nghiệp của chúng sanh cũng đầy dẫy không bờ. Tâm ấy nếu không có cái Tánh Toàn Khắp pháp giới làm Thể thì làm sao tùy nghiệp mà phát hiện, để càng phát ra thì càng vô cùng ư?

    Nghiệp lực của chúng sanh mỗi mỗi chẳng đồng. Nhưng đồng ở trong cái Thanh Tịnh Bổn Nhiên, một mảy lông cũng chẳng hề thêm bớt, nên nói rằng xuẩn động hàm linh đều có Phật Tánh. Thế gian mê lầm chẳng ngộ Tam Giới Duy Tâm, Vạn Pháp Duy Thức. Thế nên, ở nơi những sự việc phát hiện ra theo nghiệp, thấy ra là có nhân duyên sanh, mà làm cho là tánh nhân duyên; còn thấy ra là không có nhân duyên sanh thì lầm cho là tánh Tự Nhiên. Chẳng rõ cái Thanh Tịnh Bổn Nhiên thì sự Có Không đều lìa, cả Nhân Duyên hay Tự Nhiên đều không có ở nơi nào để bám níu.

    Nói là Nhân Duyên sanh ư ? Thế thì lân hư duyên với cái gì để sanh ra hư không, hư không duyên với gì mà sanh ra lân hư ? Chỉ có hư không duyên với hư không, chỉ có sắc mới duyên với sắc. Dù cho lân hư chẻ ra thành hư không, thì phải bao nhiêu hư không để hiện thành lân hư. Lân hư chẳng phải do hư không mà có, thì hư không cũng chẳng phải nhân lân hư chẻ thành. Sắc, Không đã chẳng thể sanh lẫn nhau, thì sự sanh ra của Đại Địa là vô tự tánh.

    Thế nên, nói Nhân Duyên hòa hợp sanh là sai lầm vậy.

    Nói là Tự Nhiên sanh ư? Hư không nào có vô cớ mà có hư không, sắc nào có vô cớ mà có sắc. Chẳng có nhân chẻ lân hư, thì nào có thấy được hư không? Chẳng nhân gom tụ lân hư, làm sao thành Đại Địa? Thế thì sự sanh ra của Đại Địa nào phải không có nguyên nhân mà tự nhiên bỗng có đâu?

    Do đó, nói Tự Nhiên sanh là sai lầm.

    Cả hai thuyết đều là do Thức Tâm phân biệt suy lường, không phải Nhân Duyên mà gượng nói Nhân Duyên; không phải Tự Nhiên mà gượng cho là Tự Nhiên, chỉ là lời nói, toàn là hý luận không có căn cứ. Nào có biết rằng Như Lai Tạng Tánh chẳng có khởi lên đối với cái thấy, chẳng bám vào cái tướng. Không khởi nơi cái thấy, cho nên suy tính không thể tới nổi. Không bám nơi cái tướng nên lời nói không thể thấu đến. Đó là cái chỗ mà tâm hành xứ diệt [Mất dấu], ngôn ngữ hết đường”, ấy mới là Thật Tướng, mới là Đệ Nhất Nghĩa Đế vậy.

    Thiền sư Tần Bạt Đà hỏi pháp sư Sanh : “Thầy giảng kinh luận gì?”

    Thầy Sanh đáp : “Kinh Đại Bát Nhã”.

    Sư Đà nói : “Làm thế nào nói nghĩa Sắc Không?”

    Thầy Sanh đáp : “Các vi trần tụ lại là Sắc, các vi trần vô tự tánh là Không”.

    Sư Đà nói : “Vi trần chưa tụ, gọi là gì ?”

    Thầy Sanh không giãi bày được.

    Thiền sư Đà lại hỏi : “Còn giảng kinh nào khác nữa ?”

    Thầy Sanh đáp : “Kinh Đại Niết Bàn”.

    Sư Đà nói : “Nói nghĩa Niết Bàn như thế nào?”

    Thầy Sanh đáp : “Niết mà chẳng sanh, Bàn mà chẳng diệt, nên gọi đó là Niết Bàn”.

    Sư Đà nói : “Cái ấy là Niết Bàn của Như Lai, cái gì là Niết Bàn của pháp sư ?”

    Thầy Sanh đáp : “Nghĩa của Niết Bàn há có hai sao? Tôi chỉ như thế này, chưa hiểu thiền sư nói Niết Bàn như thế nào?”

    Sư Đà đưa cây hốt như ý lên, rồi nói : “Thấy chăng?”

    Đáp : “Thấy”.

    Sư Đà nói : “Thấy cái gì?”

    Đáp : “Thấy cái hốt như ý trong tay thiền sư”.

    Sư Đà ném cái hốt như ý xuống đất, rồi hỏi : “Thấy không?”

    Đáp : “Thấy”.

    Sư Đà nói : “Thấy cái gì?”

    Đáp : “Thấy cái hốt trong tay thiền sư rớt xuống đất”.

    Thiền sư chê rằng: “Xem qua chỗ thấy hiểu của ông, chưa ra khỏi đám thường tình, sao gọi được là làm ồn náo vũ trụ” [Giảng kinh].

    Rồi phất tay áo bỏ đi.

    Các đệ tử của pháp sư nghi ngờ chưa dứt, bèn chạy theo níu thiền sư Đà lại, hỏi : “Thầy tôi nói Sắc Không, Niết Bàn chẳng khế hợp, chưa rõ thiền sư nói nghĩa Sắc Không như thế nào?”

    Thiền sư Đà nói: “Ta chẳng nói thầy các con thuyết không được đúng, nhưng thầy các con chỉ nói Sắc Không trên quả vị, mà chẳng biết nói cái Sắc Không ngay chỗ nguyên nhân”.

    Đệ tử thưa: “Như thế nào là Sắc Không ngay chỗ nguyên nhân?”

    Thiền sư Đà nói: “Một vi trần Không nên chúng vi trần Không, chúng vi trần Không nên một vi trần Không. Trong chúng vi trần Không, không có một vi trần”.

    Đây không phải là lời thiền sư Đà đặt ra, vì kinh nói : Một căn thanh tịnh nên các căn thanh tịnh. Các căn thanh tịnh nên một căn thanh tịnh. Trong một căn thanh tịnh không có các căn. Trong các căn thanh tịnh không có một căn.

    Lấy chỗ này phát minh thì chẳng phải khó hiểu. Bèn cùng với “Tánh Sắc Chân Không, Tánh Không Chân Sắc” chỉ ngay đường vào.



  10. The Following User Says Thank You to Thiện Tâm For This Useful Post:

    trantu (08-23-2015)

  11. #118
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh
    :

    “Anan, tánh Lửa vô ngã, nhờ ở các duyên mà hiện. Ông hãy xem các nhà chưa nấu ăn ở trong thành, khi muốn nấu bếp thì tay cầm kính dương toại đưa ra ngoài mặt trời mà cầu lửa.

    “Anan, phàm gọi là Hòa Hợp thì như Ta, ông và một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ kheo nay hợp thành một chúng. Chúng tuy là một, nhưng gạn xét về căn bản, thì mỗi người đều có tánh, đều có chỗ sanh, tên hiệu, họ hàng của mình. Như Ông Xá Lợi Phất thuộc dòng Bà La Môn, Ông Ưu Lâu Tần Loa thì thuôïc dòng Ca Diếp Ba, cho đến Ông Anan thì thuộc dòng Cù Đàm.

    “Anan, nếu tánh Lửa nhân Hòa Hợp mà có ra, thì khi người kia cầm kính lấy lửa nơi ánh sáng mặt trời, lửa đó từ trong kính mà ra, do từ bùi nhùi mà có hay là từ mặt trời mà đến?

    “Anan, nếu từ mặt trời mà đến, lửa ấy đã đốt được bùi nhùi trong tay ông, thì những rừng cây mà ánh sáng mặt trời đi qua phải bị đốt cháy cả. Nếu từ trong kính mà ra, thì lửa ấy đã có thể từ nơi kính ra mà đốt cháy bùi nhùi, làm sao kính lại không bị chảy. Cho đến cả tay cầm kính cũng không thấy nóng, thì làm sao kính chảy ra được. Nếu do bùi nhùi sanh ra, thì cần gì ánh sáng mặt trời và kính tiếp xúc với nhau, rồi lửa mới sinh. Ông hãy xét cho kỹ: kính thì do tay cầm, ánh sáng mặt trời thì từ trên xuống, còn bùi nhùi thì từ đất sanh, vậy lửa từ phương nào đến đây? Mặt trời và kính xa nhau, chẳng có hòa, chẳng có hợp không lẽ lửa kia không do đâu mà tự có?

    “Ông còn không biết rằng: Trong Như Lai Tạng, tánh Hỏa là Chân Không, tánh Không là Chơn Hỏa, thanh tịnh bản nhiên, toàn khắp pháp giới tùy theo tâm chúng sanh mà ứng vừa với chỗ hay biết.

    “Anan, ông phải biết: Người đời cầm kính ở một chỗ thì một chỗ lửa sanh, khắp pháp giới cầm kính thì khắp pháp giới có lửa. Lửa khắp thế gian mà nào có nơi chốn, chỉ theo Nghiệp phát hiện. Thế gian không biết, lầm cho là tánh Nhân Duyên và tánh Tự Nhiên. Hết thảy đều là sự phân biệt, đo lường của thức tâm: chỉ có lời nói, danh tự, toàn không có thật nghĩa.


    Thông rằng:

    Ngài Long Thắng nói: “Nếu các pháp là thật có, thì chẳng cần dùng tâm thức mới biết là có tướng. Nếu dùng tâm thức mới biết là có, ấy là chẳng phải có. Như tướng cứng của Đất, phải dùng thân căn, thân thức mới biết là có. Còn nếu không có thân căn, thân thức thì không thấy có tướng cứng”.

    Hỏi rằng: “Thân căn, thân thức thì có khi cảm biết, có khi không cảm biết, còn đất thì vẫn luôn luôn có tướng cứng chứ?”

    Đáp rằng: “Hoặc trước đã tự nhiễm biết cái tướng cứng, hoặc nghe người nói mới biết là có tướng cứng. Nếu trước chẳng nhiễm biết, chẳng nghe nói thì làm gì có cái tướng cứng? Lại nữa, nếu đất luôn luôn thật là tướng cứng, thì không thể bỏ tướng cứng ấy. Nhưng như tô lạc, mật ong, nhựa cây khi nấu thì phải bỏ cái tướng cứng mà biến thành thể lỏng. Vàng, bạc, đồng, sắt hết thảy đều như thế. Còn nước đang ở thể lỏng, lạnh thì chuyển thành tướng cứng là băng. Như vậy, tất cả mọi thứ mọi loại đều có thể biến đổi tướng trạng”.

    Ngài lại nói: “Nếu lửa thật có tánh nóng, thì sao có người vào lửa chẳng cháy. Trong thân cũng có lửa nóng, sao chẳng thiêu thân? Lửa ở trong mây mà nước không diệt được. Bởi thế, lửa không có tánh nóng nhất định. Vì thần thông lực, lửa không thể cháy thân. Vì nghiệp nhân duyên, ngũ tạng không nóng. Vì lực điện trong mây, nước không diệt được. Nếu tánh nóng và lửa khác nhau, thì lửa chắc chẳng nóng. Nếu tánh nóng và lửa là một, thì sao còn gọi là nóng? Tánh lửa như thế, các Đại khác cũng vậy”.

    Như thế, tánh chung và tánh riêng đều Không, nên gọi là Tánh Không. Lấy theo Lý ấy mà suy ra tánh của Đất, Nước, Lửa thì cũng như theo dòng mà thấu được nguồn: tất cả đều Không.

    Chỗ chỉ bày của Đức Thế Tôn là: Từ cái Tánh mà phát ra Tướng, gọi là theo Nghiệp mà phát hiện, ứng với cái lượng của Sở Tri. Còn chỗ luận của Ngài Long Thắng là: Từ nơi Tướng mà thấu cùng đến cái Tánh, đặc biệt hiển bày cái Sắc Tâm chẳng hai vậy.

    Cái kính Dương Toại cũng gọi là Ngũ Phương Chư. Sách Luận Hành chép: “Tháng Năm, ngày Bính Ngọ, giờ Ngọ làm đá Ngũ Phương tròn như cái gương, ở giữa trũng. Soi vật thì ảnh ngược, hướng về mặt trời thì có lửa”.

    Thế gian chỉ biết bùi nhùi, kính với mặt trời: ba cái nhân duyên hòa hợp lại thì lửa sanh. Chẳng biết rằng kính, bùi nhùi cùng với mặt trời đều ở xa nhau, chẳng phải Hòa hợp nên chẳng phải là Nhân Duyên. Nếu nói bỗng nhiên tự có ra, thì đáng lẽ chẳng cần kính hướng vào mặt trời, thế nên cũng chẳng phải Tự Nhiên. Nếu nói cả ba cái, mỗi cái đều có tánh lửa, thì lẽ ra bùi nhùi phải tự cháy, kính phải tự chảy và chỗ ánh sáng mặt trời đi đến, như rừng cây phải bị cháy thiêu! Cả ba cái đều không có tánh lửa, đủ biết là Hỏa Tánh vốn Không. Nhưng vì cái sức nghiệp của ba cái mà lửa tùy theo nghiệp hiện ra. Thế mới biết, lửa có khắp thế gian là Tánh Không, nào có nơi chốn. Nên cọ xát cây thì có lửa, đập đá là có lửa. Tất cả đều theo nghiệp mà phát hiện, chẳng riêng ở một cái kính Dương Toại, đều từ trong cái Tánh Thanh Tịnh phát khởi ra. Ngay Tánh tức là lửa, nào mượn Nhân Duyên? Ngay lửa là Tánh, sao nói là Tự Nhiên? Thế nên, Hỏa Đại vốn chẳng phải Nhân Duyên, chẳng phải Tự Nhiên. Tánh lửa ấy bèn chính là Thật Tướng vậy.

    Tổ Tuyết Phong nhóm lửa xong, bèn chỉ ngay ngọn lửa mà khai thị cho đại chúng: “Ba đời Chư Phật đang ở trong ngọn lửa chuyển Đại Pháp Luân”.

    Tổ Vân Môn nói rằng: “Ngọn lửa là ba đời Chư Phật thuyết pháp. Ba đời Chư Phật lập tức nghe”.

    Tổ Huyền Sa nói: “Gần đây lệnh vua khá nghiêm ngặt!”

    Tổ Tuyết Phong nói: “Là làm sao?”

    Tổ Sa nói: “Chẳng để cho trà trộn cướp đồ ngoài chợ!”

    Tổ Tuyết Phong bèn le lưỡi.

    Ngày nọ, Tổ Tào Sơn vào tăng đường hơ lửa.

    Có vị sư nói: “Hôm nay lạnh thật”.

    Tổ Sơn nói : “Nên biết có cái chẳng lạnh!”

    Vị sư hỏi : “Ai là kẻ chẳng lạnh?”

    Tổ Sơn gắp lửa mà chỉ đó.

    Nhà sư nói : “Chớ nói là không có người”.

    Tổ Sơn ném bỏ lửa xuống.

    Nhà sư nói : “Con ở trong chỗ ấy chẳng hiểu được”.

    Tổ Sơn nói : “Mặt trời soi đầm lạnh, sáng ngời lại sáng ngời”.

    Cổ nhân gặp cảnh thì phát minh Một đường hướng thượng. Đó là Tánh lửa Chân Không, Tánh Không thật lửa, nơi ấy là chỗ thấu thoát chân thật.



  12. The Following User Says Thank You to Thiện Tâm For This Useful Post:

    trantu (08-23-2015)

  13. #119
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh
    :

    “Anan, tánh Nước chẳng định : khi chảy, khi ngừng không có chừng. Như trong thành Thất La Phiệt, các ông Tiên Ca Tỳ La, Chước Ca La và các nhà đại huyễn thuật Bát Đầu Ma, Ha Tát Đa... muốn cầu tinh Thái Âm để hòa với các thuốc huyễn thuật, thì các ông ấy trong lúc mặt trăng tròn sáng, tay cầm hạt châu Phương Chư, hứng nước trong ánh mặt trăng. Vậy, nước ấy từ trong hạt châu mà ra hay ở trong hư không tự có hay từ mặt trăng đến?

    “Anan, nếu từ mặt trăng đến, thì ở phương xa còn có thể làm hạt châu có ra nước, thì ánh sáng qua những rừng cây lẽ ra đều phải có chảy nước. Có chảy nước thì cần gì phải đợi hạt châu Phương Chư? Còn nếu không chảy nước thì biết là nước chẳng phải từ mặt trăng xuống. Nếu từ hạt châu mà ra, thì trong hạt châu thường phải chảy nước, sao lại phải đợi nửa đêm có mặt trăng sáng? Nếu do hư không mà sanh, thì hư không vô bờ bến, thì nước cũng không có giới hạn, vậy thì cõi người đến cõi trời đều phải chìm ngập, làm sao còn các loài? Ông hãy xét kỹ: mặt trăng từ trời chiếu xuống, hạt châu do tay cầm, còn cái mâm hứng nước thì do người xếp đặt, vậy nước kia từ phương nào mà chảy đến đây? Mặt trăng và hạt châu thì cách xa nhau, không phải hòa, không phải hợp, chẳng lẽ nước kia không từ đâu mà tự có?

    “Ông còn không biết rằng trong Như Lai Tạng, Tánh Thủy là Chân Không, Tánh Không là Chân Thủy, thanh tịnh bản nhiên, toàn khắp pháp giới tùy theo tâm chúng sanh mà ứng vừa với chỗ hay biết.

    “Một chốn cầm châu thì một chốn có nước chảy ra. Khắp pháp giới cầm hạt châu thì khắp pháp giới nước sanh ra. Nước có khắp thế gian mà nào có nơi chốn, chỉ theo nghiệp mà phát hiện. Thế gian không biết, lầm cho là tánh Nhân Duyên hay tánh Tự Nhiên. Hết thảy đều là sự phân biệt, đo lường của thức tâm, chỉ là lời nói, danh tự toàn không có thật nghĩa.

    Thông rằng:

    Châu Phương Chư còn gọi là Âm Toại, hình giống con sò. Chà cho nóng, để dưới ánh trăng sẽ sinh ra nước. Phương là đá, Chư là ngọc. Luyện nấu đá mà thành, làm vào tháng Một (Mười Một), ngày Nhâm Tý, giờ Tý.

    Nước sinh ra ở hạt Phương Chư vốn chẳng phải do Hòa Hợp, chẳng phải là Tự Nhiên thì cũng giống như kính Dương Toại. Nhưng chỗ nói “Nếu do hư không mà sanh, thì hư không vô biên, nước cũng không giới hạn... làm sao còn các loài?” Chẳng phải là mâu thuẫn với chỗ Tánh Không Chân Thủy sao? Bởi vì, lấy Tướng mà luận thì có hình, nên nước đầy hư không mà làm đắm chìm cả. Nhưng lấy Tánh mà luận thì vô hình, nên hư không vô tận thì nước hiện ra cũng vô tận. Câu “Tánh Thủy Chân Không” này là chỉ về tánh của tứ Đại thanh tịnh mà nói. Tánh vốn là Không, Không Không tương dung, Không Không bất nhị làm gì thấy có lấn đoạt lẫn nhau?

    Đoạn sau, chỗ nghi của Ông Phú Lâu Na là ở nơi Tánh mà nghi có sự lấn đoạt, chứ chẳng phải nghi ở nơi Tướng. Tướng thì chẳng tương dung, Thế Tôn đã nói trước rồi còn nghi gì nữa!

    Tổ Dược Sơn hỏi vị sư : “Từ đâu tới?”

    Đáp : “Ở Hồ Nam lại”.

    Tổ Sơn hỏi : “Nước hồ Động Đình đầy chưa?”

    Đáp : “Dạ, chưa”.

    Tổ Sơn nói : “Mưa đã lâu, sao chưa đầy ?”

    Vị sư không đáp được.

    Tổ Đạo Ngô nói thay rằng : “Đầy rồi mà!”

    Tổ Vân Nham nói : “Chỗ sâu xa!”

    Tổ Động Sơn nói : “Trong kiếp nào mà từng có tăng, giảm?”

    Tổ Vân Môn nói : “Chỉ ở trong ấy!”

    Tổ Tuyết Phong nói : “Ngồi bên rá cơm mà đói chết vô số người. Ngồi bên biển nước, khát chết vô số người!”

    Tổ Huyền Sa rằng : “Ngồi trong rá cơm, đói chết vô số người. Ngập đầu trong biển nước, khát chết vô số người!”

    Tổ Vân Môn : “Suốt thân là cơm, suốt thân là nước”.

    Tổ Thiên Đồng nêu ra: “Ta thì chẳng vậy, ngồi trong rá cơm, cái no làm chết vô số người. Ngập đầu trong biển nước, cái nê làm chết vô số người!”

    Trước là cái họa vì chẳng nuốt vào. Sau là cái họa vì chẳng mửa ra. Chỉ như Ngài Vân Môn nói: Suốt thân là cơm, suốt thân là nước. Ở trong ấy thì không còn chỗ nuốt vào, mửa ra. Cổ nhân cử xướng cái tánh biển thật như sóng nước trùng trùng vô tận, đến Tổ Vân Môn : “Suốt thân là nước”, lời nói mới trọn thành. Cùng với “Tánh nước Chân Không, Tánh Không thật nước, bản nhiên thanh tịnh, toàn khắp pháp giới”, thật là khế hợp. Do đó mà biết rằng lấy Ý Thức mà đo lường Tánh Không, Tánh Thủy thì biết kêu gào mấy cho vừa.



  14. The Following User Says Thank You to Thiện Tâm For This Useful Post:

    trantu (08-23-2015)

  15. #120
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh
    :

    “Anan, tánh Gió không có tự thể, khi động khi tĩnh bất thường. Ông thường sửa áo, vào trong đại chúng, gấu áo Tăng Già Lê động đến người gần bên thì có chút gió phất qua mặt người kia. Gió đó là do gấu áo cà sa mà ra, từ hư không mà phát khởi hay do mặt người kia mà sanh?

    “Anan, nếu gió ấy phát ra do gấu áo cà sa, thì ông đã mặc cả gió, cái áo phải bay tung rời khỏi thân ông. Nay ta thuyết pháp, rủ áo ở trong hội này, ông hãy xem cái áo của Ta, gió ở nơi đâu? Không lẽ trong áo lại có chỗ chứa gió?

    “Nếu gió đó do hư không sanh ra, thì khi áo ông không động sao gió chẳng bay phất. Tánh của hư không thì thường còn, gió phải thường sanh ra. Còn khi không có gió, hư không phải diệt mất! Gió diệt có thể thấy được, hư không diệt thì có nghĩa gì? Bởi vì có sanh diệt, thì đâu có gọi là hư không? Còn đã gọi là hư không, thì gió ở đâu mà ra được?

    “Nếu gió ấy sanh ra do cái mặt người bị phất, thì đã do mặt người ấy sanh ra, lẽ ra phải phất vào ông, sao tự ông sửa áo mà lại phất ngược vào người kia?

    “Ông hãy xét kỹ: sửa áo là do nơi ông, mặt thuộc về người kia, hư không lặng yên chẳng hề lay động, thì gió từ phương nào phát động đến đây? Tánh của gió và của hư không cách biệt, chẳng có hòa, chẳng có hợp, không lẽ gió kia không do đâu mà tự có?

    “Ông thật không rõ rằng: Trong Như Lai Tạng, Tánh Gió là Chân Không, Tánh Không là Thật Gió, thanh tịnh bản nhiên, toàn khắp pháp giới tùy theo chúng sanh mà ứng vừa với chỗ hay biết.

    “Anan, như một mình ông hơi động cái áo thì có chút gió bay ra. Khắp pháp giới đều phất, thì khắp các quốc độ đều có gió. Phong Đại có ở cùng khắp thế gian mà không có nơi chốn, chỉ theo Nghiệp mà phát hiện. Thế gian không biết, lầm cho là tánh Nhân Duyên hay tánh Tự Nhiên. Hết thảy đều là những phân biệt, đo lường của thức tâm, chỉ có lời nói, danh tự toàn không có thật nghĩa.

    Thông rằng:

    “Ông tự sửa áo mà áo không bay mất. Cái mặt thuộc người kia mà gió chẳng phất ngược lại. Hư không lặng yên, chẳng theo gió mà có sanh có diệt”. Ba cái ấy chẳng can dự gì tánh lưu động của gió, thì cái gì mà cho là hòa hợp? Chẳng lẽ gió không đâu mà có ra, sao gọi là Tự Nhiên? Bởi vì Gió tức là Tánh, Tánh tức là Gió vậy. Chỉ theo nghiệp mà phát hiện ra, như áo động thì có gió sinh. Tánh cùng khắp pháp giới, thì gió cũng cùng khắp pháp giới, nên cùng gọi là Đại (lớn).

    Nho gia nói Khôn là Đất, Khảm là Nước, Ly là Lửa. Tốn là Gió. Tất cả không ra ngoài Âm Dương. Âm Dương từ đâu sanh ra? Từ trong Động Tĩnh của Thái Cực sanh ra vậy. Mỗi vật đều đầy đủ một Thái Cực. Vạn vật đều suốt một thể Thái Cực. Chưa từng chẳng phải tức Lý là Sự, tức Sự là Lý. Nhưng mà ngộ Tâm là Thái Cực thì ít có thay! Đã ngộ Tâm là Thái Cực, dưới trời đâu có cái vật ở ngoài Tâm ư?

    Tổ Ma Cốc đang quạt, có nhà sư hỏi: “Tánh của gió thường trụ, không nơi nào chẳng khắp, Hòa Thượng còn động quạt làm gì?”

    Tổ Cốc nói: “Ông chỉ biết “Tánh gió thường trụ”, mà không biết chuyện không đâu chẳng khắp”.

    Nhà sư nói: “Sao là không đâu chẳng khắp?”

    Tổ Cốc lại phẩy quạt.

    Nhà sư làm lễ.

    Tổ Cốc nói: “Cái ông sư không có chỗ dùng, dẫu có ngàn ông thì có ích gì!”

    Lại Tổ Nam Tuyền hỏi nhà sư : “Đêm qua gió mạnh, nhỉ?”

    Nhà sư đáp: “Đêm qua gió mạnh”.

    Tổ Tuyền nói: “Thổi gãy một cành tùng trước cửa!”

    Sư nói: “Thổi gãy một cành tùng trước cửa”.

    Tổ Nam Tuyền lại hỏi một nhà sư khác: “Đêm qua gió mạnh, nhỉ?”

    Nhà sư nói : “Là ngọn gió nào?”

    Tổ Tuyền nói : “Thổi gãy một cành tùng trước cửa!”

    Nhà sư nói : “Là cây tùng nào?”

    Tổ Tuyền nói : “Một được, một mất”.

    Căn cứ vào chỗ đáp của hai vị tăng thì đều có hơi thở thiền tăng. Sao Ngài Nam Tuyền lại nói một được, một mất? Nếu định ngay ra được, mới cho là tự mình thấy Nam Tuyền.



  16. The Following User Says Thank You to Thiện Tâm For This Useful Post:

    trantu (08-23-2015)

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •