DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 11/59 ĐầuĐầu ... 91011121321 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 101 tới 110 của 588
  1. #101
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    CHƯƠNG I: CHỈ BÀY CHÂN TÂM

    MỤC BẢY: TÓM THU VỀ NHƯ LAI TẠNG



    I. TÓM THU (tt)

    G. THU MƯỜI HAI XỨ

    Kinh:

    “Lại nữa, Anan, như sao là mười hai Xứ vốn là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh?"

    Thông rằng:

    Mới đầu, ở trong năm Ấm thì dùng phép tỷ dụ để phá tình chấp, vì ngũ Ấm vốn không, nếu không so sánh thì khó hiển bày. Tiếp đến, ở trong sáu Nhập chỉ ra cái sự việc giả để hiển bày cái vọng tướng của chúng. Sáu Nhập vốn vọng, nên dùng vọng để dẫn đến vọng, có thể suy ra mà thông hiểu. Đoạn này nói đến Mười Hai Xứ cho đến đoạn sau là Bảy Đại thì lấy ngay cái cảnh thấy, nghe trước mắt mà chỉ bày cái Như Lai Tạng Tánh của chúng. Thật là mỗi cõi Phật độ, mỗi hạt trần rành rành không hở sót vậy.

    Đức Tam Tổ Tăng Xán nói: “Chẳng ghét sáu trần. Liền đồng Chánh Giác”, là đã thấy sâu xa chỗ này vậy.

    Thiền sư Kim Sơn Thiện Minh thượng đường nói với đại chúng rằng: “Người xưa nói: Ở mắt là thấy, ở tai là nghe, ở mũi là ngửi hương, ở lưỡi là bàn luận, ở thân là cảm xúc, ở ý là bám níu. Tuy nhiên như thế là chỉ thấy đầu dùi nhọn, chẳng thấy đầu đục vuông!

    “Nếu là Kim Sơn tôi ắt chẳng phải thế: Có mắt mà nhìn chẳng thấy, có tai mà lắng chẳng nghe, có mũi mà chẳng biết mùi, có lưỡi mà chẳng hề đàm luận, có thân mà chẳng biết cảm xúc, có ý mà chẳng bám níu. Một niệm tương ưng, sáu căn liền giải thoát. Dám hỏi các vị thiền đức: Thử nói xem là đối với lời trước là đồng hay khác? Nếu có bậc cụ nhãn thì xin bước ra làm cho rõ thông tin tức. Còn nếu không có, xin vì các ông mà giải nghĩa trùng trùng. Buông mở ra thì riêng thông xe, ngựa. Nắm tóm lại thì mảy lông cũng chẳng còn. Nếu là bậc thiền gia cự phách thì kham hết mọi trái phải, phân chia”.

    Một đoạn chỉ bày này quả là cùng đoạn kinh trên trùng trùng giải thích.



  2. #102
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh
    :

    “Anan, ông hãy xem rừng cây Kỳ Đà và các suối ao đó. Ý ông thế nào? Như thế là sắc trần sanh ra cái Thấy hay là cái Thấy sanh ra sắc tướng?

    “Anan, nếu Nhãn Căn sanh ra sắc tướng, thì khi thấy hư không không có sắc tướng lẽ ra cái tánh của sắc đã tiêu mất rồi. Mà đã tiêu mất thì tỏ rõ hết thảy đều không. Sắc tướng đã không thì lấy gì rõ được tướng hư không? Đối với hư không thì cũng như vậy.

    “Lại nếu sắc trần sanh ra cái Thấy, thì khi thấy hư không bèn không có sắc, cái Thấy hẳn tiêu mất. Tiêu mất thì tất cả đều không, lấy gì mà rõ được hư không và sắc tướng?

    “Thế nên, phải biết cái Thấy cùng với sắc, không đều không có xứ sở. Tức Sắc Trần và cái Thấy, cả hai Xứ đó đều hư vọng, vốn chẳng phải tánh Nhân Duyên, chẳng phải tánh Tự Nhiên.

    Thông rằng:

    Ở đoạn trước dựa trên sáu Nhập để phá sáu căn thì tuy dùng sáu trần để đối biện mà ý chánh vẫn ở tại căn. Hiện đây là nói về Mười Hai Xứ, thì tuy là phá cả căn lẫn trần, mà chánh là phá cái trần. Sau này, nói về Mười Tám Giới, thì chỉ chuyên phá cái Thức. Đoạn trước về sáu Nhập thì luôn luôn có câu “Đều là tướng phát mỏi do chăm chú của Bồ Đề”, đó là từ trên Căn mà nói. Đoạn này nói “Hãy xem rừng Kỳ Đà và các suối ao” là từ trên Sắc mà khởi nói.

    Nếu nói là sắc sanh ra cái Thấy, thì chắc hư không chẳng sanh ra cái Thấy. Vậy lấy cái gì giúp thấy sắc, lại rõ thấy hư không? Nếu nói là con mắt sanh ra sắc tướng, thì chắc là nó không thể sanh ra tướng hư không, thì cái gì giúp hiển bày sắc, lại hiển bày hư không? Do đây mà nói: Con mắt không thể sanh ra sắc, con mắt vốn tự tịch diệt, nào cùng với sắc ư? Sắc không thể sanh ra con mắt, sắc vốn tự tịch diệt, đâu cùng với mắt ư? Chỉ lấy hư không mà hình dung ra sắc thì sắc trần tự phá. Cái Thấy cùng với sắc, không đều không có xứ sở. Sắc là Không mà cái Thấy cũng Không đó vậy. Sắc và cái Thấy đều Không, lấy gì làm Nhân Duyên, lấy gì làm Tự Nhiên, thì chẳng gọi đó là Tánh Chân Như sao?

    Xưa, Tổ Ngưỡng Sơn chỉ con sư tử ở ngoài tuyết nói: “Có vượt qua được cái sắc này không, nhỉ?”

    Tổ Vân Môn nói: “Hiện giờ nên cùng nhau đẩy ngã cho xong”.

    Ngài Tuyết Đậu nói: “Chỉ biết đẩy ngã, chẳng biết đỡ dậy”.

    Ngài Phật Giác tụng rằng :

    “Một sắc không qua chỉ bày người

    Trong cõi bạc trắng luống than van

    Vượt ngoài “xô ngã” và “đỡ dậy”

    Cũng tựa gió Đông đón sáng Xuân”.


    (Nhất Sắc vô quá chỉ thị nhân

    Bạch ngân thế giới lý tần thân

    Siêu nhiên thôi đảo hoàn phù khởi

    Tranh tợ Đông phong hú nhật tân).


    Ngài Thiên Đồng tụng rằng: “Một ngã một dậy, sư tử sân tuyết. Khéo không phạm đến nhưng chứa lòng nhân. Mạnh mẽ ở chỗ làm mà thấy nghĩa. Ánh sáng trong suốt soi mắt mà tựa người mê. Rõ ràng đổi thân sa vào địa vị. Là kẻ thầy tu, rõ không nương gởi, cùng tử cùng sanh, nào đây, nào đó? Tin ấm nứt cây mai, hề, Xuân đến lạnh cành. Gió mưa lay rụng lá, hề, Thu lặng mưa đầy”.

    Tổ Vạn Tùng nói: “Đã kêu là Sắc ắt cùng với con mắt mà đối nhau. Cái Sắc vượt qua màu trắng, chỉ là một Vô Sắc, nên không có với mắt đối nghịch”.

    Tổ Vân Môn nói: “Sở dĩ nói “Hiện nên cùng đẩy ngã”, vì nếu hướng về chỗ trắng, chỗ không trắng mà nhận lấy thì thật đã rơi vào trong cõi Vô Sắc. Ngài Tuyết Đậu sở dĩ riêng chỉ ra một con đường để sống lại, ấy là hướng về chỗ xô ngã mà dạy đỡ dậy”.

    Tổ Phật Nhãn nói: “Nếu ở trong ấy mà giúp đỡ nâng cho đứng dậy thì liền sanh có thứ lớp”.

    Như các vị tôn túc đối với một sắc tướng nhỏ nhặt mà còn cần phá sạch hết ráo, huống gì là trước mắt thấy có đủ thứ sao?



  3. #103
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh
    :

    “Anan, ông lại nghe trong vườn Kỳ Đà này, khi thức ăn dọn rồi thì đánh trống, khi chúng nhóm lại thì đánh chuông. Tiếng chuông, tiếng trống trước sau nối tiếp nhau. Ý ông thế nào? Như vậy là cái Tiếng đến bên cái Nghe hay cái Nghe đến chỗ cái Tiếng?

    “Anan, nếu như cái tiếng đó đến bên cái Nghe, thì cũng như ta khất thực trong thành Thất La Phiệt, ở rừng Kỳ Đà không có ta nữa. Cái tiếng đó đã riêng đến bên cái Nghe của Ông Anan, thì lẽ ra Ông Mục Liên, Ông Ca Diếp không cùng nghe được một lần. Huống gì trong này có một ngàn hai trăm năm mươi vị Sa môn, một khi nghe tiếng chuông thì đồng đến chỗ ăn cơm cả.

    “Lại như cái Nghe của ông đến chỗ cái tiếng, thì cũng như ta đã về rừng Kỳ Đà rồi, trong thành Thất La Phiệt không còn ta nữa. Vậy, khi ông nghe tiếng trống, cái Nghe của ông đã đến nơi tiếng trống rồi, thì khi có lúc tiếng chuông phát ra, đáng lý ông không thể cùng nghe, huống nữa, ông còn nghe được cả tiếng voi, ngựa, bò, dê và nhiều tiếng khác. Còn nếu chúng không đi đến với nhau thì lại là không có nghe gì cả.

    “Thế nên, phải biết rằng cái Nghe và cái Tiếng đều không có xứ sở. Tức cái Nghe và Thanh Trần, hai Xứ đều hư vọng, vốn chẳng phải tánh Nhân Duyên, chẳng phải tánh Tự Nhiên.

    Thông rằng:

    Câu “Cũng như Ta khất thực trong thành Thất La Phiệt, tại rừng Kỳ Đà không có Ta nữa” để thí dụ cho cái Tiếng đến bên cái Nghe, thì các chỗ khác không còn có cái tiếng, vậy sao một ngàn hai trăm năm mươi vị Sa môn lại còn cùng nghe? Câu “Cũng như ta đã về rừng Kỳ Đà rồi, trong thành Thất La Phiệt không còn có ta nữa” để thí dụ cho cái Nghe đến chỗ cái tiếng thì các chỗ khác phải không còn cái Nghe, vậy thì tại sao lại nghe tiếng voi, ngựa, bò, dê và nhiều tiếng khác nữa? Câu “Nếu không đi đến với nhau” tức là rơi vào ngoan không. Nghĩa Nghe không thành lập được, thì cái Tiếng và cái Nghe đều không có dấu tích. Uyển chuyển mà cùng khắp, gặp chỗ đều thông suốt, có xứ sở nào đâu? Cho là Nhân Duyên, thì không có chỗ Duyên. Cho là Tự Nhiên, thì cũng chẳng có chỗ nào mà Tự. Ngay ấy là hư vọng, bèn là không có gì chẳng phải là Chân Thể, nên gọi đó là Tánh Chân Như Nhiệm Mầu vậy.

    Tổ Huyền Sa nhân có người đang tham học, nghe thấy tiếng chim én, bèn nói : “Bàn sâu Thật Tướng, khéo thuyết Pháp Yếu!”

    Liền xuống tòa giảng.

    Khi ấy, có một vị sư hỏi thêm : “Thưa, tôi chẳng hiểu”.

    Tổ Sa nói : “Đi đi, ai tin được ông!”

    Lại có Tổ Báo Từ lên tòa giảng, nghe chim tu hú kêu, bèn hỏi nhà sư: “Tiếng gì thế?”

    Sư đáp : “Tiếng chim tu hú”.

    Tổ Từ nói : “Nếu muốn không chiêu vô gián nghiệp, chớ báng Như Lai Chánh Pháp Luân”.

    Rồi xuống tòa.

    Tất cả âm thanh là Phật Thanh. Thế còn hiểu được.

    Còn, Tổ Huyền Sa nói: “Trong chuông không có tiếng trống, trong trống không có tiếng chuông, chuông trống chẳng có xen lẫn nhau, mỗi mỗi không sau trước”.

    Hiểu thế nào? Đây là ý chỉ Vô Sanh Duyên Khởi. Ngộ đó thì cái chỗ nói là Thật Tướng, là Pháp Yếu, có thể thấy rồi.



  4. #104
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh
    :

    “Anan, ông hãy ngửi mùi hương chiên đàn trong lư này. Hương ấy, nếu đốt đến một thù thì cả thành Thất La Phiệt, trong bốn mươi dặm đều đồng thời ngửi được mùi thơm. Ý ông thế nào? Mùi thơm ấy sanh ra do cây chiên đàn, do nơi mũi ông, hay sanh từ hư không?

    “Anan, nếu mùi thơm ấy sanh ra do mũi ông, đã nói là từ mũi sanh ra, tất phải từ lỗ mũi mà ra, lỗ mũi không phải chiên đàn, làm sao trong lỗ mũi lại có được mùi thơm chiên đàn? Lại đã gọi rằng ông ngửi mùi thơm, thì mùi thơm phải vào trong lỗ mũi; còn nói là trong lỗ mũi phát ra mùi thơm, nói thế là không đúng nghĩa. Nếu sanh ra do nơi hư không, thì tánh hư không là thường còn, mùi thơm lẽ ra cũng phải thường có, cần gì phải đốt cây chiên đàn khô trong lư rồi mới có? Nếu mùi thơm sanh ra từ cây chiên đàn, thì cái chất thơm ấy nhân đốt mà thành khói, nếu mũi ngửi được là do khói xông đến mũi. Tại sao khói đó xông lên khoảng không chưa được bao xa mà trong vòng bốn mươi dặm đều đã ngửi thấy?

    “Thế nên, phải biết Hương Trần và cái Ngửi đều không xứ sở. Tức cái Ngửi và Hương Thơm, cả hai Xứ ấy đều hư vọng, vốn chẳng phải tánh Nhân Duyên, chẳng phải tánh Tự Nhiên.

    Thông rằng:

    Cái Ngửi này cùng với Hương Thơm, chẳng phải mũi, chẳng phải hư không, chẳng phải gỗ chiên đàn, tức là cái Hương Xứ không có thật vậy. Thế nào mà trong vòng bốn mươi dặm đồng thời ngửi thấy, thì cái sức đặc biệt của mùi thơm cũng là không thể nghĩ bàn.

    Táo Bách Luận: “Cây chiên đàn Ô Lạc Ca: Ô Lạc Ca là tên con rắn. Chiên đàn là cây thơm. Rắn này rất độc, nó hay sợ nóng độc, thường quấn quanh cây thơm này thì độc khí hết. Ý nói rằng nếu có chúng sanh nghe nói cái Hương mà Tâm Cảnh đều không, vốn không thể tướng, không xứ sở, không một pháp khá được, tin mà ngộ nhập thì tất cả phiền não, độc khí tự nhiên đều thanh tịnh”.

    Thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn [Đời Đường, tại Đăng Châu, núi Hương Nghiêm, tại Ngụy Sơn học Tổ Linh Hựu được tỏ ngộ. Sắc tặng hiệu tự là Tập Đăng Đại Sư.] có bài kệ:

    “Có một lời, toàn quy củ

    Định suy lường, theo bọn xấu

    Đạp lên mà chẳng lầm, bèn tỉnh ngay xứ sở

    Một đời tham học, sự không thành

    Ân cần ôm được gốc chiên đàn”.

    Bài kệ này từ đây mà ra vậy.


    Tổ Chí Công [Tổ sư đời vua Lương Võ Đế. Vua thường hỏi việc an nguy đất nước về sau. Tổ không nói, lấy tay chỉ yết hầu để chỉ bày, ý nói Hầu Cảnh. Vua không hiểu. Sau quả bị nghịch thần là Hầu Cảnh bức bách. Vua mới tỉnh ngộ thì nghiệp xưa đã tiêu] nói: “Trọn ngày lấy hương chọn lửa. Không hay thân tức Đạo Tràng”.

    Ngài Thiên Đồng nêu ra: “Kẻ giỡn tinh hồn nào có giới hạn?”

    Ngài Huyền Sa nói: “Suốt ngày lấy hương chọn lửa. Chẳng hay Chơn Thật Đạo Tràng”.

    Ngài Thiên Đồng nêu ra: “Thật kỳ quái: tám mươi ông vào trường ốc, chẳng phải là trẻ nhỏ giỡn chơi? Thử nói cái lợi cái hại ở chỗ nào? Có Trí hay chẳng có Trí, so ra trong ba mươi dặm đều đồng một tác dụng Vô Sanh, mới là có chút hào ly biện biệt ở đây”.

    Người có trí hãy biện biệt.



  5. #105
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh
    :

    “Anan, ông thường hai thời ở trong chúng cầm bình bát khất thực. Trong đó, hoặc gặp những món tô lạc đề hồ, gọi là vị quý. Ý ông thế nào? Vị ấy sanh ra ở trong hư không, do nơi cái lưỡi hay do nơi đồ ăn?

    “Anan, nếu cái Vị ấy sanh ra do nơi cái lưỡi của ông, thì ở trong miệng ông chỉ có một cái lưỡi. Cái lưỡi lúc ấy đã thành vị tô rồi, nếu gặp cục đường phèn, lẽ ra cái Vị không thay đổi. Nếu chẳng thay đổi thì không gọi được là biết Vị. Còn nếu thay đổi thì cái lưỡi không có nhiều tự thể, thì làm sao một cái lưỡi lại biết được nhiều Vị Thể thế?

    “Nếu Vị ấy sanh ra do nơi đồ ăn, thì đồ ăn không có sự Biết, làm sao tự nó biết Vị? Lại như đồ ăn tự biết, thì cũng giống như người khác ăn, nào có dính dáng gì đến ông, mà nói là ông biết Vị?

    “Nếu Vị ấy sanh ra từ hư không, thì ông hãy nếm hư không xem là Vị gì. Nếu hư không đó mà có Vị mặên, làm mặn lưỡi ông, chắc cũng làm mặn cái mặt ông và mọi người trong cõi này: cũng giống như cá biển, đã thường thọ nhận cái mặn thì không còn biết cái vị nhạt là gì nữa. Nhưng nếu không biết nhạt thì lại cũng không biết mặn. Tức là không có chỗ Biết, sao gọi là biết Vị?

    “Thế nên, phải biết: các Vị và Lưỡi Biết Nếm đều không xứ sở. Tức cái Biết Nếm và các Vị, cả hai Xứ đều hư vọng, vốn chẳng phải tánh Nhân Duyên, chẳng phải tánh Tự Nhiên.


    Thông rằng:

    Đoạn này chứng minh cái tánh của Vị, chẳng sanh ra do nơi hư không, chẳng sanh ra do nơi Lưỡi, thì còn dễ biết. Nhưng sao lại nói chẳng do món ăn sanh ra? Vì, món ăn chẳng có Thức, nó chẳng tự nói: Vị của tôi ngon, Vị tôi dở. Phân biệt ngon, dở là thuôïc về căn lưỡi. Mà căn lưỡi thì không có định thể, theo Vị mà dời đổi. Đủ biết rằng: Vị tự là vị, lưỡi tự là lưỡi. Cả hai đều lặng nhiên. Biết lưỡi cùng vị đều vắng lặng, thì thật tin là chúng chẳng phải là Nhân Duyên, chẳng phải là Tự Nhiên mà chính là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh.

    Thiền sư Thần Đảnh Nhân có lần cùng với chúng Tăng đến miền Tương Miện. Có một vị sư khởi bàn về Thiền rất trôi chảy. Trong quán Dã Phạn Sơn đã bày xong thức ăn, mà nhà sư luận nói vẫn chưa xong.

    Tổ Đảnh nói: “Ba cõi duy chỉ một Tâm, muôn pháp duy chỉ là Thức. Duy Thức, duy Tâm, mắt thanh, tai sắc là lời của ai thế?”

    Nhà sư nói: “Lời của Tổ Pháp Nhãn”.

    Tổ Đảnh hỏi: “Nghĩa ấy như thế nào?”

    Sư đáp: “Duy Tâm nên Căn và Cảnh không đến nhau. Duy Thức nên Thanh, Sắc khua đánh”.

    Tổ Đảnh nói: “Cái Lưỡi, cái Vị có phải là Căn và Cảnh không?”

    Nhà sư đáp: “Phải”.

    Tổ Đảnh lấy đũa gắp rau bỏ vào miệng, giỡn cợt nói rằng: “Nào gọi là tương nhập sao?”

    Người ngồi chung quanh đều kinh hãi. Nhà sư chẳng thể đáp lại.

    Tổ Đảnh nói: “Cái vui dọc đường rốt cuộc chưa đến nhà. Kiến giải dầu vi diệu cũng chẳng gọi là thấy đạo. Tham, cần thật tham. Ngộ, cần thật ngộ. Diêm Vương chẳng sợ chuyện nói nhiều”.

    Vị sư làm lễ mà cáo từ.

    Tổ Huyền Sa có lần ăn trái vải, hỏi đại chúng: “Trái vải này cho là màu hồng ư? Cho là màu đỏ ư? Các ông làm sao đây? Nếu nói là một màu lại là mông lung; nói là nhiều màu thì chỉ thành cái đoạn-thường [Tức Đoạn Thường Nhị Kiến. Cái thứ hai trong năm Ác Kiến, gọi là Biên Kiến. Biên Kiến có hai thứ: một là Đoạn Kiến; hai là Thường Kiến] Các ông làm sao đây?”

    Sư Ngạn Thao nói: “Đó chỉ vì Hòa Thượng phân biệt”.

    Tổ Sa nói: “Ngu si mơ hồ như thế có giao thiệp gì đâu?”

    Sư Xung Cơ nói: “Hết thảy xưa nay chỉ là một màu”.

    Tổ Sa nói: “Đều là mơ hồ hết, có khi nào mà hiểu được?”

    Bèn quay qua hỏi sư Kiểu Nhiên: “Ông nói thế nào?”

    Sư Kiểu Nhiên nói: “Không thể không biết đó là trái vải”.

    Tổ Sa nói: “Thật chỉ là trái vải”.

    Lại nói: “Các ông như lâu nay ở trong Giá Lý (Tâm Pháp) của tôi, cùng nói gì mà chẳng biện nổi trắng đen, không biết lành dữ. Tôi luôn nói với các ông là : Dụng xứ chẳng hoán [Thay đổi] cơ. Nhân sao chỉ lo đối đáp, có giao thiệp gì đâu!”

    Người xưa nơi một miếng ăn, một thức uống đều cốt phát minh chuyện hướng thượng. Mỗi mỗi đều như thế, há phải ở chỗ đối đáp lưu loát. Cần phải thực ngộ mới cùng người sáng mắt tương kiến vậy.



  6. #106
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh
    :

    “Anan, buổi sớm mai ông thường lấy tay xoa đầu, ý ông thế nào? Trong việc biết xoa đó, lấy cái gì làm cái Biết Cảm Xúc? Cái Biết ấy ở nơi tay hay ở nơi đầu?

    “Nếu nó ở nơi tay, mà cái đầu không biết, làm sao thành ra Cảm Xúc? Nếu nói ở nơi đầu, mà cái tay lại vô dụng thì làm sao gọi là Cảm Xúc? Nếu đầu lẫn tay mỗi cái đều có cái Biết, thì một mình Anan lại có hai cái thân hay sao? Nếu đầu và tay đều do một Cảm Xúc sanh ra thì tay và đầu phải là một tự thể. Mà nếu chỉ có một tự thể thì Cảm Xúc không thành được. Còn nếu là hai thể thì Cảm Xúc ở phía nào? Ở bên Năng thì không ở bên Sở, ở bên Sở thì không có ở bên Năng. Chẳng có lẽ là hư không tạo thành Cảm Xúc cho ông?

    “Thế nên, phải biết: Cảm Xúc và Thân Căn đều không xứ sở. Tức cái Thân biết Cảm Xúc và cái Cảm Xúc, cả hai đều hư vọng, vốn chẳng phải tánh Nhân Duyên, chẳng phải tánh Tự Nhiên.

    Thông rằng:

    Ở đây, chỉ rõ tánh Xúc là hư vọng, ở năng thì chẳng ở sở, ở sở thì chẳng ở năng. Năng sở đều chẳng phải, thì Xúc tức là Tánh Chân Như.

    Kinh Hoa Nghiêm nói: “Như thế, tự tánh như huyễn, như mộng, như bóng dáng rốt chẳng thành tựu. Trong Tánh Chân Như các pháp tùy duyên. Tuy là tùy duyên, các pháp quy tánh. Khi tùy duyên thì hình như có hiện ra. Như xem làm huyễn thuật: không có mà có. Như nhìn cảnh mộng: không thấy mà thấy. Như xem ảnh trong nước: chẳng phải sanh ra, chẳng phải nhập vào. Như nhìn bóng trong gương: chẳng trong, chẳng ngoài. Vì Vô Tánh mà tùy duyên, nên Lý chẳng thành tựu. Vì tùy duyên mà vô tánh, nên Sự chẳng thành tựu. Lý Sự không thành tựu thì tất cả các pháp đều không thành. Cũng như trong chiêm bao mộng thấy đánh võ với người: cũng có cảm nhận xúc chạm, nhưng rốt ráo ai là người đánh, ai cảm thấy bị đánh? Thế nên, tất cả các pháp đều như thế cả”.

    Tổ Bửu Phước thấy có vị tăng đi lại, lấy cây gậy đánh vào cây cột lộ trụ, rồi đánh vào đầu ông tăng.

    Vị này buông tiếng kêu đau.

    Tổ Phước nói: “Cái ấy vì sao chẳng đau?”

    Vị tăng không đáp được.

    Tổ Huyền Giác nói thay rằng: “Ham đi thì chống gậy”.

    Lại còn Tổ Bửu Giác có lần hỏi Ông Chuyển Vận Phán Quan là Hạ Ỷ rằng: “Ông nói Hữu Tình với Vô Tình đều cùng một thể phải không?”

    Khi ấy, có con chó nằm dưới bàn hương án, bèn lấy cây thước đập xuống bàn hương án rồi lại đập con chó, nói: “Con chó Hữu Tình thì chạy đi, bàn hương án Vô Tình thì vẫn còn đó. Như thế nào là một thể được?”

    Ông Hạ Ỷ không thể đáp.

    Tổ Bửu Giác nói: “Vừa mới tư duy liền thành dư pháp!”

    Cái hiểu biết của chư vị Thánh đời trước trao truyền cho nhau đều là ý chỉ này.



  7. #107
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh
    :

    “Anan, ông thường trong Ý duyên với ba tánh thiện, ác và vô ký sanh ra có các pháp trần. Những pháp trần đó tức nơi tâm mà sanh ra, hay là rời ngoài tâm mà có riêng nơi chốn?

    “Anan, nếu tức nơi tâm thì các pháp không phải là trần cảnh, như thế thì chúng không phải là cái sở duyên của tâm, làm sao thành một Xứ được?

    “Nếu rời ngoài cái tâm có riêng nơi chốn, thì bản tánh của pháp trần là có biết hay không có biết? Nếu có biết thì gọi là tâm, nhưng nếu nó khác với ông và không phải là trần cảnh, thì cũng như là cái tâm của người khác. Còn nếu nó tức là ông và cũng tức là tâm, thì làm sao mà cái tâm ông lại trở thành hai ở nơi ông?

    “Nếu không có biết thì cái pháp trần đó đã không phải là sắc, thanh, hương, vị, ly, hợp, lạnh, nóng và tướng hư không, thì nó hiện ở chỗ nào? Hiện nay, ở nơi Sắc Không, không thể chỉ ra nó được, chẳng lẽ trong nhân gian lại có cái ngoài hư không? Không có cảnh sở duyên thì ý căn do đâu mà lập thành một Xứ được?

    “Thế nên, phải biết : Pháp trần cùng ý căn đều không xứ sở. Tức ý căn và pháp trần cả hai xứ đều hư vọng, vốn chẳng phải tánh Nhân Duyên, cũng phải tánh Tự Nhiên.


    Thông rằng:

    Ba sự thiện, ác, vô ký ngay khi đối đãi với căn thì các sự ấy đều thật, nên gọi là Thật Cảnh. Còn khi không đối đãi với cảnh, chỉ có một mình ý thức duyên mà thôi, bèn là bóng dáng của Thật Cảnh, nên gọi là Nội Trần. Nội trần không ra ngoài ba tánh thiện, ác, vô ký duyên ra Sắc Không, hết thảy pháp, nên cũng gọi là Pháp Trần. Từ vô thủy đến nay, trong và ngoài huân tập lẫn nhau, nên nói là “Sanh thành”.

    Nếu nói “Pháp tức nơi tâm”, thì tâm là năng duyên, pháp là sở duyên làm sao mà tức được. Điều này dễ biện rõ. Nếu nói “Pháp lìa ngoài tâm”, thì cái pháp này thật ở đâu? Cho pháp là có biết, thì đồng với tâm, mà đã đồng với tâm bèn chẳng phải là trần cảnh vậy. Chẳng phải trần mà lại khác với ông, mà vẫn phải gọi là tâm, tức là cũng như tâm của người khác. Chẳng phải trần mà không khác với ông, thì sao tâm ông lại thành hai ở nơi ông, mà gọi đó là pháp trần vậy sao? Do đó, lấy sự Có Biết mà làm nơi chốn thì không thể được. Còn cho là Không Biết thì pháp trần ấy lấy cái gì mà bày tỏ ra được?

    Pháp trần đã chẳng phải là các tướng Sắc Không, lại chẳng phải rời ngoài Sắc Không mà có riêng chỗ chứa lập. Ngoài sắc có hư không, hư không thì chẳng có gì ở ngoài. Nếu pháp trần có cái Xứ để cho tâm duyên được thì chắc là hư không đã có cái ở ngoài nó. Nhưng hư không làm gì có cái ở ngoài nó, thì tâm duyên vào đâu?

    Sở dĩ tâm mà duyên với pháp, nghĩa là Sắc Không thì vô tri, do tri mà hiển bày. Tri thì có phân biệt, bèn gọi đó là pháp. Nay pháp đã vô tri, lại không nơi chốn, thì tâm tuy là có biết, mà biết cái gì? Do đó, lấy vô tri làm nơi chốn cho pháp trần thì cũng không được. Chẳng phải có biết, chẳng phải không có biết, thì Xứ do đâu mà lập được? Tức nơi tâm chẳng có pháp, lìa ngoài tâm cũng chẳng có pháp, nên pháp trần không có tự tánh vậy. Thế thì chẳng phải hư vọng sao? Pháp không xứ sở thì ý căn là không. Nên gọi đó là Diệu Chân Như Tánh vậy.

    Thiền sư Thanh Châu Pháp Bổn thượng đường, nói: “Khởi lên âm thanh mà muốn bặt tiếng vang, đâu biết âm thanh là gốc của tiếng vang. Giỡn bóng mà muốn trốn hình, đâu biết hình là gốc của bóng. Lấy pháp hỏi pháp, chẳng hay pháp vốn chẳng phải pháp. Lấy tâm truyền tâm, nào hay tâm vốn vô tâm. Tâm vốn vô tâm, biết tâm như huyễn. Ngộ pháp chẳng phải pháp, biết pháp toàn như mộng. Tâm, pháp không thực, chớ giả dối truy cầu. Mộng huyễn, Không hoa nhọc gì nắm bắt! Đến vào trong ấy thì ba đời Chư Phật, một Đại Tạng Giáo, lời lẽ Tổ Sư, Tôn Túc trong thiên hạ đều lộ bày là đám dây leo, chùm gởi, trọn chẳng còn bám chấp. Tại sao thế? “Thái bình vốn chỗ tướng quân mong. Không để tướng quân thấy thái bình””.

    Bài kệ trong kinh Tạp Hoa nói :

    “Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân

    Tâm, Ý các Tình Căn

    Bởi đó thường lưu chuyển

    Mà thật không người chuyển

    Pháp Tánh vốn không sanh

    Thị hiệân mà có sanh

    Trong ấy không Năng hiện

    Cũng không vật Sở hiện

    Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân

    Tâm, Ý các Tình Căn

    Cả thảy: Không, Vô Tánh

    Vọng tâm phân biệt: Có

    Như thế mà quan sát

    Tất cả đều Vô Tánh”.


    Đại ý đoạn này thật cùng với kinh mà hiển phát.



  8. #108
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    H. THU MƯỜI TÁM GIỚI


    Kinh:

    “Lại nữa, Anan, như sao là Mười Tám Giới vốn là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh?

    Thông rằng:

    Đối với Trần thì gọi là Căn, Căn ở trong vậy. Đối với Căn thì gọi là Trần, Trần ở ngoài vậy. Ở khoảng giữa, mỗi mỗi phân biệt là cái Thức. Ba cái Căn, Trần, Thức nương nhau mà thành lập, như cây lau gác lên nhau, nên có tên là Mười Tám Giới. Ba cái ấy, có thì cùng có, không thì cùng không, vốn không tự tánh. Đã không tự tánh, bèn vốn là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh vậy.

    Thiền sư Thùy Lộc Bổn Tiên thượng đường, nói: “Chỗ các Pháp sanh ra là chỗ hiện bày của tâm”. Lời nói ấy thật là cửa nẻo để vào. Thử hỏi các ông: mắt thấy hết thảy sắc; tai nghe hết thảy thanh; mũi ngửi hết thảy mùi; lưỡi nếm hết thảy vị; thân chạm hết thảy các thứ mềm, trơn; ý phân biệt hết thảy các pháp. Vậy thì cái vật đối với mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý chỉ duy là tâm các ông hay chẳng phải là tâm các ông? Nếu nói là duy chỉ tâm các ông, sao chẳng cùng thân các ông làm thành một khối cho rồi? Vì sao các vật đối đãi ấy lại ở ngoài các Căn của các ông? Các ông nếu nói vật đối với mắt, tai, mũi, lưỡi... chẳng phải là tâm các ông thì tại sao có câu “Chỗ các pháp sanh ra là chỗ hiện bày của tâm” lưu truyền tại thế gian, ai cũng nêu bày? Các ông nghe lời yếu lý ấy, có hiểu không? Nếu không hiểu, hãy dụng tâm thương lượng để được dạy cho mà hiểu, ở trong ấy chớ có lười biếng học hỏi. Vô sự, hãy lui”.

    Có vị tăng hỏi Tổ Vân Cư : “Khi sáu cửa chẳng rõ thì như thế nào?”

    Tổ Cư nói : “Chẳng giao thiệp với duyên”.

    Vị tăng hỏi : “Thế nào là chuyện hướng thượng?”.

    Tổ Cư nói : “Người cẩn thận thì không giữ gìn”.

    Ngài Đầu Tử tụng rằng :

    “Xuân đến, người đá nhìn núi xa

    Oanh kêu, hoa gỗ sóng xanh nhàn

    Nên biết, ngoài mây, tùng, núi đẹp

    Nghìn xưa đón gió mặc năm hàn”.

    Hai câu đầu tụng về Chẳng giao thiệp với duyên. Hai câu sau tụng về Chuyện hướng thượng. Cần rõ được sự hướng thượng mới tin Mười Tám Giới vốn là Tánh Chân Như vậy.



  9. #109
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh
    :

    “Anan, như chỗ ông bày tỏ: Nhãn căn và sắc trần làm duyên, sanh ra Nhãn Thức. Cái Thức này là nhân nhãn căn sanh ra, lấy nhãn căn làm Giới; hay nhân sắc trần sanh ra, lấy sắc trần làm Giới?

    “Anan, nếu nhân nhãn căn sanh ra, mà không có Sắc, có Không, thì không thể phân biệt, dầu cho có cái Thức của ông cũng chẳng làm gì. Cái Thấy của ông mà không có xanh, vàng, trắng, đỏ thì không thể biểu hiện ra được, vậy do đâu mà lập ra Giới?

    “Nếu nhân sắc trần sanh ra, thì khi ở hư không, chẳng có sắc, lẽ ra cái Thức của ông phải diệt mất, làm sao mà biết đó là hư không? Nếu khi sắc trần biến đổi, ông cũng biết sắc tướng biến đổi, mà cái Thức của ông chẳng biến đổi, thế thì do đâu mà lập sắc trần làm Giới? Nếu theo sắc mà biến đổi thì cái Giới không thành. Nếu không biến đổi, tức là thường hằng, cái Thức đã từ sắc sanh ra, lẽ ra không biết hư không ở chỗ nào.

    “Nếu do cả hai thứ nhãn căn và sắc trần chung nhau sanh ra, thì hợp lại ắt ở giữa phải có chỗ lìa; còn như lìa, ắt hai cái có thể hợp lại. Như thế, thể tánh xen lộn, làm sao thành được Giới?

    “Thế nên, phải biết: Nhãn căn, sắc trần làm duyên sanh ra Nhãn Thức Giới, cả ba chỗ đều không. Tức là cả ba thứ Nhãn Giới, Sắc Giới và Nhãn Thức Giới vốn chẳng phải tánh Nhân Duyên, chẳng phải tánh Tự Nhiên.

    Thông rằng:

    Cái Mười Tám Giới này, chỉ phá sáu Thức. Nói cái Thức này chẳng phải từ mắt sanh ra mà lấy mắt làm Giới, vì Thức thì phân biệt, nhưng nếu không có Sắc, Không thì phân biệt dùng vào đâu?

    Cái Thức này chẳng phải từ sắc sanh ra mà lấy sắc làm Giới, vì sắc thì có biến diệt, Thức thì không đổi thay, nếu chỉ từ sắc mà ra thì làm sao biện không?

    Thức ấy cũng không nhân nhãn và sắc hợp lại mà làm ra Giới. Vì một bên có Biết (nhãn căn) hợp với một bên không Biết (sắc trần) ắt chống nhau, làm sao mà tương nhập? Nên nói “Ở giữa phải có chỗ lìa”.

    Bảo rằng lìa ngoài nhãn và sắc mà sanh ư? Lìa căn tức là hợp với cảnh, lìa cảnh tức phải hợp với căn, vậy Thức thuộc bên nào? Thế nên mới nói “Xen lộn”.

    Ba chỗ đồng chẳng phải, thì Giới ở đâu mà có?

    Tổ Pháp Nhãn chỉ cây tre, hỏi vị tăng : “Thấy không?”

    Vị tăng đáp : “Dạ, thấy”.

    Tổ Nhãn nói : “Tre đến trong mắt hay mắt đến bên tre?”

    Vị tăng nói : “Đều chẳng phải như thế”.

    Sau này, Tổ Pháp Đăng riêng nói: “Khi ấy, chỉ nên bửa mắt ra mà ngó thầy”.

    Tổ Quy Tông Nhu riêng nói rằng: “Hòa Thượng chỉ là chẳng tin hai chuyển ngữ của tôi lại có hơi thở của thiền tăng”.

    Lại có vị tăng hỏi Tổ Thiên Đồng Khải: “Như thế nào là con mắt ứng dụng không thiếu hụt?”

    Tổ Đồng nói : “Vẹn giống như mù một thứ!”

    Ngài Đơn Hà tụng rằng:

    “Mù, ngọng, điếc, câm xa Thiên Chân

    Mắt tợ lông mày: Đạo mới gần

    Đông Quân đêm trước ngầm ban lệnh

    Chốn hoàng oanh hót liễu xanh xuân”.


    Ở chỗ này mà tin được thấu đáo thì mặc tình ứng dụng không thiếu hụt.



  10. #110
    NỤ Avatar của Thiện Tâm
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    601
    Thanks
    275
    Thanked 229 Times in 156 Posts


    Kinh
    :

    “Anan, lại như chỗ ông bày tỏ: Nhĩ căn và thanh trần làm duyên, sanh ra Nhĩ Thức. Thức ấy nhân nhĩ căn sanh ra, lấy nhĩ căn làm Giới, hay nhân thanh trần mà sanh ra, lấy thanh trần làm Giới?

    “Anan, nếu nhân nhĩ căn sanh ra mà không có mặt hai tướng động, tĩnh thì cái biết của căn chẳng thành. Mà đã không biết gì thì cái Biết còn không thành huống là cái Thức phân biệt còn có hình dạng gì?

    “Nếu nhân lỗ tai nghe, mà không có động, tĩnh cái Nghe cũng không thành, làm sao lấy hình tướng lỗ tai trộn lẫn sắc trần, mà gọi được là Nhĩ Thức Giới. Cái Nhĩ Thức Giới ấy do đâu mà thành lập?

    “Nếu nhân thanh trần mà sanh ra, thì cái Nhĩ Thức nhân thanh trần mà có, bèn chẳng liên quan gì đến cái Nghe, mà đã không nghe, thì cũng không biết các tướng thanh trần ở đâu. Nhĩ Thức mà do thanh trần sanh ra, dầu cho rằng thanh trần do cái Nghe mà có tướng, thì cái Nghe lẽ ra phải nghe được Nhĩ Thức. Nếu không nghe được Nhĩ Thức thì thanh trần chẳng phải là Giới của Nhĩ Thức. Còn nếu nghe được, thì Nhĩ Thức cũng đồng với thanh trần. Nhĩ Thức đã bị nghe, thì cái gì biết sự nghe được cái Nhĩ Thức đó? Còn nếu không ai biết thì rốt cuộc giống như cỏ cây.

    “Chẳng lẽ thanh trần và cái Nghe trộn lẫn thành ra cái Giới ở giữa? Giới không có ở giữa thì các tướng nội căn, ngoại trần do đâu mà thành?

    “Thế nên, phải biết: Nhĩ căn, thanh trần làm duyên sanh ra Nhĩ Thức Giới, cả ba chỗ ấy đều không. Tức là ba thứ Nhĩ Giới, Thanh Giới và Nhĩ Thức Giới vốn chẳng phải là tánh Nhân Duyên, chẳng phải tánh Tự Nhiên.


    Thông rằng:

    Tiểu thừa cho rằng “Nhân Duyên sanh ra pháp”, lấy đó làm thật có, chẳng hiểu được “Tức Không” nên Phật căn cứ vào chỗ Nghe, Thấy thường ngày ấy mà phá bỏ.

    Nếu nhân nhĩ căn mà sanh ra, thì nhĩ căn có Thắng Nghĩa Căn và Phù Trần Căn. Thắng Nghĩa Căn biết phân biệt, nhưng nếu không có thanh trần tiếp xúc thì cái Biết còn không có, huống là có hình tượng gì ? Phù trần căn thì dù có xen tạp với sắc trần, mà nếu không có hai tướng động, tĩnh thì cái Nghe còn không có, huống là có Thức Giới! Cho nên, nếu nói “Nhĩ Thức nhân Nhĩ Căn sanh ra”, là sai lầm.

    Nếu nhân thanh trần mà sanh ra, thế thì thanh trần đã tự có Nhĩ Thức, cần gì đến tai nghe? Đã không có người nghe, thì ai phân biệt được các thanh trần? Nếu nói nương nhau mà sanh, cho là thanh trần nhân cái Nghe mà có tướng, thì cũng phải cho rằng cái Nghe nhân thanh trần mà nghe được Nhĩ Thức. Nhĩ Thức đã bị nghe, thì cũng chỉ là thanh trần, thì còn cái gì làm năng tri để biết rằng đã nghe Nhĩ Thức? Nếu cùng cái Biết, thì thành ra có hai cái Thức! Còn nếu không có cái Biết, thì đồng với cỏ cây. Nên nói “Thức sanh ra nơi Thanh Trần” là sai lầm vậy.

    Nếu nói rằng “Thanh Trần và cái Nghe hòa hợp mà sanh ra Nhĩ Thức”, thì một bên là có Biết, một bên là không có Biết, giữa khoảng Biết và Không Biết đó, làm sao mà trộn lẫn để thành ra cái Giới? Cái Giới ở giữa đã không có, thì Thức không chỗ nương, thế thì nội căn, ngoại trần do đâu mà thành lập? Nên nói “Thanh Trần và cái Nghe hòa hợp mà sanh” là sai lầm vậy.

    Ba chỗ đều không, thì Nhĩ Thức chẳng sanh, nên biết cái Nhĩ Thức vô sanh ấy tức là Tánh Chân Như vậy.

    Có lần, Đức Thế Tôn đang ngồi dưới cây Ni Câu Luật, có người đi buôn hỏi : “Ngài có thấy xe đi qua không?”

    Ngài nói : “Chẳng thấy”.

    Lại hỏi : “Lại có nghe chăng?”

    Đáp : “Chẳng nghe”.

    Hai người đi buôn hỏi : “Không thiền định sao?”

    Đáp : “Không thiền định”.

    Hỏi : “Không phải ngủ sao?”

    Đáp : “Không ngủ”.

    Người đi buôn tán thán : “Lành thay! Lành thay! Thế Tôn thường biết mà chẳng thấy!” Bèn cúng dường lên hai cây vải trắng.

    Có vị sư hỏi thiền sư Hà Trạch Thần Hội: “Khi cái thấy, nghe chiếu thanh, sắc thì đồng thời hay có trước sau?”

    Tổ Hội nói: “Đồng thời hay trước sau hãy để đó. Rốt ráo, ông lấy cái gì làm thanh, sắc?”

    Vị sư nói: “Như chỗ chỉ bày của thầy, thì không có thanh, sắc nào khá được”.

    Rồi quỳ lạy mà đi ngay hôm đó. Sau sư ở ẩn tại núi Mông.

    Có vị Tam Tạng xứ Thiên Trúc tên là Thanh Minh đến xứ Mân. Vua xứ Mân mời Ngài Huyền Sa đến để nghiệm luận.

    Tổ Sa lấy chiếc đũa sắt gắp lửa gõ vào cái lư đồng, rồi hỏi: “Đó là tiếng gì?”

    Vị Tam Tạng đáp: “Tiếng đồng-sắt”.

    Tổ Sa nói: “Đại Vương chớ để người ngoại quốc lừa dối!”

    Vị Tam Tạng không đáp được.

    Ngài Thiên Đồng nêu ra rằng: “Hợp với Lý thì đó là Thần: gã nghèo được viên ngọc trong tay áo. Bị Tình gói kín thì đó là Vật: người lực sĩ mất viên ngọc trên trán! Vị Tam Tạng chỉ biết nhìn tới trước. Ngài Huyền Sa lại chẳng thể ngó lui. Hiểu được chăng? Đặt bày điều tội cho người thì tội càng lớn”.

    Cái tắc công án này, các vị tôn túc nói rất nhiều.

    Vị Tam Tạng nói “Tiếng đồng-sắt” thì rõ ràng đuổi theo thanh trần rồi vậy.

    Tổ Pháp Nhãn riêng nói : “Thỉnh Đại Sư làm Đại Vương”.

    Tổ Pháp Đăng riêng nói : “Hãy nghe Hòa Thượng hỏi!”

    Tổ Tuyết Đậu nói : “Chớ lừa dối người ngoại quốc thì tốt”.

    Ở chỗ vị Tam Tạng không trả lời được, Ngài Pháp Nhãn thay thế mà nói rằng: “Đại Sư đã hưởng thọ lâu rồi sự cúng dường của Đại Vương”.

    Tổ Pháp Đăng nói thay: “Ấy là Hòa Thượng lừa dối Đại Vương!” Câu nói này rất có ý vị, đó là chỗ Ngài Thiên Đồng nói “Đặt bày điều tội cho người thì tội lại càng lớn” đó vậy.

    Cứ theo ý Tổ Huyền Sa thì gọi cái gì là tiếng đồng-sắt? Còn theo ý vị Tam Tạng thì gọi cái gì chẳng phải là tiếng đồng-sắt? Hai lời này rất dễ lừa người. Phải mỗi mỗi đều nhìn thấu mới chẳng bị người lừa.



Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •