KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐAQuyển 543__________________________________________________ ______________________________________
Đại Bồ-tát nào đối với pháp có thể tùy hỷ hồi hướng mà khởi lên vọng tưởng về pháp có thể tùy hỷ hồi hướng; đối với pháp được tùy hỷ hồi hướng khởi lên vọng tưởng về pháp được tùy hỷ hồi hướng, rồi khởi lên sự tùy hỷ hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Đại Bồ-tát này đã khởi lên sự tùy hỷ hồi hướng như vậy thì rơi vào tưởng, tâm, kiến điên đảo. Sự tùy hỷ hồi hướng này đều sai. Bồ-tát nên biết mà phương tiện lánh xa.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Như chư Phật Thế Tôn, nếu Đại Bồ-tát trong quá, khứ, vị lai, hiện tại, cắt đứt đường qua lại các cõi, chấm dứt sự hý luận, từ lúc mới phát tâm cho đến chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, tiến dần đến khi nhập vào cảnh giới Vô dư y bát Niết-bàn, như vậy cho đến Chánh pháp diệt, trong khoảng thời gian đó bao căn lành tương ưng với Ba-la-mật-đa của chư Phật. Hoặc căn lành tương ưng với Ba-la-mật-đa mà Phật Thế Tôn đã thọ ký cho Bồ-tát. Hoặc căn lành tương ưng với sự quán sát duyên khởi mà Phật Thế Tôn đã thọ ký cho Độc giác. Hoặc căn lành tương ưng đã phát khởi thí tánh, giới tánh, tu tánh mà Phật Thế Tôn đã thọ ký cho hàng Thanh văn. Hoặc căn lành tất cả hữu lậu, vô lậu của bậc hữu học. Hoặc căn lành vô lậu của bậc Vô học. Hoặc giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát tri kiến uẩn của Phật Thế Tôn. Hoặc vì lợi ích an vui cho tất cả hữu tình nên đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả. Hoặc vô lượng, vô số Phật pháp khác. Hoặc Phật Thế Tôn tuyên thuyết Chánh pháp. Hoặc các căn lành kia an trụ thắng giải do siêng năng tu học với Chánh pháp. Hoặc căn lành của các loài dị sanh đã gieo trồng với Chánh pháp. Hoặc căn lành của các trời, rồng, A-tu-la v.v... đã gieo trồng lúc lắng nghe Chánh pháp, và sau khi nghe pháp; cho đến căn lành của loài bàng sanh lúc lắng nghe Chánh pháp và sau khi nghe pháp. Hoặc căn lành của các trời, người v.v... đã gieo trồng sau khi Phật Thế Tôn nhập Niết-bàn. Tập hợp tất cả cân lường và hiện tiền phát khởi tâm tùy hỷ tối tôn, tối thắng, tối thượng, tối diệu.
Lại đem các việc phước nghiệp tương ưng sự tùy hỷ này ban cho các hữu tình một cách bình đẳng, rồi cùng nhau hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Trong lúc này, nếu chơn chính hiểu rõ các pháp được tùy hỷ hồi hướng tận diệt ly biến; các pháp được tùy hỷ hồi hướng tự tánh đều là Không. Tuy biết như vậy nhưng vẫn thường tùy hỷ hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Vả lại, trong lúc này nếu hoàn toàn hiểu rõ chơn chính không có pháp có nào thể tùy hỷ hồi hướng với pháp. Vì sao? Vì tất cả pháp tự tánh đều là Không. Trong cái Không ấy hoàn toàn không có pháp tùy hỷ hồi hướng. Tuy biết như vậy nhưng vẫn thường tùy hỷ hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Đại Bồ-tát này sẽ không rơi vào cảnh tưởng, tâm, kiến điên đảo.
Vì sao? Vì Đại Bồ-tát này không chấp trước tâm tùy hỷ và căn lành công đức đã tùy hỷ; đối với tâm hồi hướng và sự hồi hướng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề cũng không chấp trước. Do không chấp trước nên chẳng rơi vào cảnh điên đảo. Đại Bồ-tát khởi tâm tùy hỷ hồi hướng như vậy mới gọi là sự tùy hỷ hồi hướng chơn chánh vô thượng, xa lìa tất cả hư vọng phân biệt.