Bài 68.


3. THIỀN SƯ CHÍ THÀNH 志誠 Ở KIẾT CHÂU.


Người Thái Hòa, Kiết Châu. Lúc còn nhỏ theo phụng sự thiền sư Thần Tú ở chùa Ngọc Tuyền, núi Đương Dương, Kinh Nam. Sau nhân hai Tông giáo hóa thạnh hành, đồ chúng của Thần Tú thường hay chê Nam Tông:

- Đại sư Huệ Năng không biết một chữ, có tài năng đặc biệt nào?

Tú nói:

- Người đó được trí vô sư, thâm ngộ thượng thừa, ta chẳng bằng. Vả thầy ta Ngũ Tổ đích thân truyền y pháp, há phải hồ đồ đâu? Ta hận không thể đi xa được thân cận, ở đây luống thọ quốc ân. Những người các ông không nên trì trệ nơi đây, nên đi Tào Khê hỏi lại những chỗ còn nghi ngờ, ngày kia trở về nói lại cho ta nghe.

Sư nghe thầy mình nói như vậy, lễ từ đi đến Thiều Dương, theo chúng tham thỉnh mà không nói từ đâu đến. Bấy giờ Lục Tổ bảo chúng:

- Bữa nay có người trộm pháp, trà trộn trong pháp hội này.

Sư bước ra lễ bái trình đầy đủ sự việc. Tổ hỏi:

- Thầy ông dạy chúng như thế nào?

Đáp:

- Thường chỉ bảo đại chúng trụ tâm quán tịnh, ngồi hoài không nằm.

Tổ nói:

- Trụ tâm quán tịnh là bệnh đâu phải thiền. Ngồi hoài câu thúc thân, với lý thiền có ích gì? Hãy nghe ta nói kệ:

Sanh lai tọa bất ngọa,
Tử khứ ngọa bất tọa.
Nguyên thị xú cốt đầu,
Hà vi lập công quá?


生來坐不臥  
死去臥不坐
元是臭骨頭  
何為立功過


Khi sống ngồi không nằm,
Chết rồi nằm không ngồi.
Vốn là khúc xương hôi,
Làm sao lập công quá ?


Sư hỏi:

- Chưa biết Đại sư dùng pháp gì dạy người?

Tổ đáp:

- Nếu ta nói có pháp cho người tức là dối gạt ông. Chỉ tạm tùy phương tiện cởi trói, tạm gọi là Tam muội. Hãy nghe ta nói kệ:

Nhất thiết vô tâm tự tánh giới,
Nhất thiết vô ngại tự tánh huệ.
Bất tăng bất thoái tự Kim cang,
Thân khứ thân lai bổn Tam muội.


一切無心自性戒  
一切無礙自性慧
不增不退自金剛  
身去身來本三昧


Vô tâm tất cả, tự tánh giới,
Vô ngại tất cả, tự tánh huệ.
Không tăng không giảm, tự Kim cang,
Thân đến thân đi, vốn Tam muội.

Sư nghe kệ bèn sám hối tạ lỗi, xin được trở về nương theo. Rồi trình một bài kệ:

Ngũ uẩn huyễn thân,
Huyễn hà cứu cánh?
Hồi thú chơn như,
Pháp hoàn bất tịnh.


五蘊幻身  
幻何究竟  
迴趣真如
法還不淨


Thân huyễn ngũ uẩn,
Huyễn đâu cứu cánh?
Hướng tới chơn như,
Pháp còn bất tịnh.

Tổ thừa nhận, sau đó Sư trở về Ngọc Tuyền.