Trích đăng Truyền Đăng Lục Quyển 5

Bài 64.

Kính Quý Đạo Hữu !

Bài viết về đức Lục Tổ Huệ Năng tuy đã từng đăng ở cuối quyển 3 (vì mục đích muốn cho liền mạng mạch 33 vị Tổ), nay vì muốn thuận theo nguyên bản Truyền Đăng Lục nên Cường đăng lại (nhưng nội dung không lặp lại).

Kính báo !


_____________



33. TỔ HUỆ NĂNG ĐẠI SƯ 慧能大師

Họ ngoài đời là Lư. Gốc người Phạm Dương, cha là Hành Thao năm Võ Đức (618 – 626 – Đường Cao Tổ) làm quan bị giáng chức, đày đi Nam Hải, đến Tân Châu rồi làm dân ở đó.
Ba tuổi cha mất, mẹ Ngài thủ tiết nuôi con. Đến lớn gia cảnh càng nghèo khó, Ngài kiếm củi bán
nuôi sống qua ngày. Một hôm gánh củi vào chợ, nghe khách tụng kinh Kim Cang, giật mình hỏi khách:

- Đó là pháp gì? Được từ thầy nào?

Khách đáp:

- Pháp đó tên Kinh Kim Cang, được từ Nhẫn Đại sư ở Hoàng Mai.

Sư bèn thưa với mẹ, bày tỏ ý tìm thầy để cầu pháp. Thẳng đến Thiều Châu, gặp kẻ sĩ cao hạnh Lưu Chí Lược, kết bạn giao hữu. Ni Vô Tận Tạng là cô của Chí Lược, thường tụng kinh Niết Bàn, Sư nghe qua liền giải nghĩa kinh cho nghe. Ni cầm quyển kinh lên hỏi về chữ, Sư nói:

- Chữ thì không biết, nghĩa thì cứ hỏi.

Ni nói:

- Chữ còn không biết, làm sao hiểu nghĩa được?

Sư đáp:

- Diệu lý chư Phật chẳng quan hệ gì đến văn tự.

Ni nghe hết sức ngạc nhiên, thông báo các cụ lớn tuổi trong thôn xóm rằng "Năng là người hữu đạo, nên thỉnh cúng dường". Từ đó người địa phương đua nhau đến chiêm lễ. Gần đó có nền đất cũ chùa Bảo Lâm, chúng bàn bạc sửa chữa xây cất thêm, mời Sư đến ở. Bốn chúng tụ tập đông đúc, chẳng bao lâu chùa trở thành ngôi bảo phường. Một hôm Sư chợt nghĩ:

- Ta cầu đại pháp đâu được dừng lại giữa đường.

Hôm sau liền đến trong thạch thất, núi Tây Sơn huyện Xương Lạc, gặp thiền sư Trí Viễn. Sư bèn thỉnh ích, Viễn nói:

- Xem ông thần tư sáng sủa hơn hết, có lẽ là người phi thường. Ta nghe Bồ đề Đạt ma từ Tây vực đến đây, truyền tâm ấn ở Hoàng Mai, ông nên đến đó tham quyết.

Sư từ giã, đến thẳng chùa Đông Thiền huyện Hoàng Mai, nhằm năm Đường Hàm Hanh thứ hai (năm 671). Hoằng Nhẫn Đại sư gặp một lần thầm lặng mà biết Sư, sau truyền y pháp và dạy Sư ẩn trong vùng Hoài Tập, Tứ Hội.

Đến ngày mùng 8 tháng giêng năm Nghi Phụng nguyên niên, năm bính tý (676 - Đường Cao Tông), Sư tới Nam Hải gặp pháp sư Ấn Tông giảng kinh Niết Bàn ở chùa Pháp Tánh. Sư tạm ngụ dưới chái chùa, chiều tối gió tốc thổi lá phướn chùa, nghe hai ông tăng tranh luận, người thì nói phướn động người thì nói gió động, đối đáp qua lại mãi mà chưa chịu ngã ngũ. Sư nói:

- Cho kẻ dung tục này tham dự cao luận ngay được không ạ? Thật ra gió phướn chẳng động, tâm mình động thôi!

Ấn Tông tình cờ nghe lời nói đó rất ngạc nhiên mà kính sợ, hôm sau mời Sư vào thất hỏi về nghĩa gió phướn. Sư viện lý giảng giải đầy đủ, Ấn Tông bất giác đứng dậy hỏi:

- Nhất định hành giả là người phi thường, thầy của hành giả là ai?

Sư kể lại tự sự nhân do đắc pháp. Từ đó Ấn Tông giữ lễ đệ tử, xin được thọ nhận thiền yếu và báo tứ chúng:

- Ấn Tông thật đáng là phàm phu, nay may gặp được nhục thân Bồ tát.

Liền chỉ Lư cư sĩ đang dưới toà, bảo:

- Chính là người đó.

Nhân mời Sư xuất trình tín y được Ngũ Tổ truyền để mọi người chiêm lễ.

Đến ngày rằm tháng giêng, Ấn Tông hội các bậc danh đức xuống tóc Sư. Ngày mùng 8 tháng hai, Sư
thọ giới cụ túc ở chùa Pháp Tánh với luật sư Trí Quang. Giới đàn ấy do Ngài Tam tạng Cầu na Bạt đà la dựng nên vào triều Tiền Tống (420 – 479), Ngài Tam tạng huyền ký:

- Sau sẽ có nhục thân Bồ tát thọ giới tại giới đàn này.

Lại cuối triều Lương (502-556), Ngài Tam tạng Chơn Đế tự tay trồng hai cây bồ đề ở gần bên giới đàn, bảo chúng:

- Một trăm hai mươi năm sau, có đại sĩ diễn thuyết vô thượng thừa dưới hai cây này, độ vô lượng chúng.

Sư thọ giới cụ túc rồi, khai diễn pháp môn Đông Sơn dưới hai cây đó, đúng như lời huyền ký.

Năm sau 677, ngày mùng 8 tháng hai, bỗng nhiên Sư báo chúng:

- Ta không muốn ở đây, cần trở lại chỗ ẩn trước.

Bấy giờ Ấn Tông cùng tăng chúng và tại gia cư sĩ hơn nghìn người, tiễn Sư về chùa Bảo Lâm.

Thứ sử Thiều Châu là Vi Cừ thỉnh Sư đến chùa Đại Phạm trong thành, chuyển diệu pháp luân và thọ Vô tướng tâm địa giới. Môn nhân ghi chép các điều mục thành Đàn Kinh lưu truyền thạnh hành ở thế gian. Nhưng Sư lại trở về Tào Khê, ở chùa Bảo Lâm thuyết đại pháp vũ, học giả không dưới số nghìn.