DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 1/5 123 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 1 tới 10 của 49
  1. #1
    Avatar của trantu
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    152
    Thanks
    192
    Thanked 157 Times in 33 Posts

    GƯƠM BÁU TRAO TAY _ Handing Down the Precious Sword (Song ngữ)



    GƯƠM BÁU TRAO TAY

    (viết về Kinh Kim Cang)

    HANDING DOWN the PRECIOUS SWORD

    Tác giả: Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

    Dịch giả: Diệu Hạnh Giao Trinh


    Nhà xuất bản Phương Đông 2008

    --- oo 0 oo ---


    1. Lên Đường

    (1. Onwards on the Path)


    Khi tiếp cận với Kim Cang, tôi bỡ ngỡ và chưng hửng không ít. Lâu nay cứ nghe người ta đọc câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” như một câu thần chú để quên đi bao nội muộn phiền, rồi đọc Lục tổ Huệ Năng cũng thấy Ngài kể chuyện một hôm đi bán củi, chỉ nghe lóm người ta đọc có câu Kinh đó thôi mà đại ngộ, thế mà mình càng nghe càng mơ hồ, mù tịt. Sau khi viết “Nghĩ Từ Trái Tim,” ghi lại những cảm nghĩ của mình về Tâm Kinh Bát Nhã, tôi thấy hình như mình cũng có được đôi chút hiểu biết nhưng vẫn còn lờ mờ nên muốn tiếp tục tìm hiểu thêm các Kinh sách khác của Phật may ra sáng tỏ thêm chút gì chăng và nhờ đó mà có niềm tin để thực hành thấu đáo. Bởi biết là một chuyện, hiểu là một chuyện, còn từ biết đến tin đến làm và duy trì hành vi, nhận thức không phải dễ dàng. Cho nên trong Tâm Kinh, khi Bồ Tát Quán Tự Tại “hành thâm Bát Nhã” thấy được “ngũ uẩn giai không” thoát mọi khổ đau ách nạn mừng rỡ reo lên “Bồ đề, Tát-bà-ha!” thì Phật đã cảnh giác: Phải tiếp tục hành thâm. Hành thâm nữa. Chưa ăn thua gì đâu. Không được tự mãn. Không được lơ là.


    Tôi học Kim Cang không ngờ cũng thấy ghiền như khi học Tâm Kinh ngày trước. Đôi khi giật mình, đôi khi sửng sốt, đôi khi bỡ ngỡ, đôi khi chưng hửng. Các Kinh sách dù có nhiều truyền bản, nhưng rõ ràng là có một sự nhất quán, xuyên suốt, chỉ khác cách tiếp cận tùy “đối tượng đích” mà cách truyền đạt khác nhau chớ nguyên lý vẫn là một. Nắm được cái cốt lõi có thể bớt hoang mang, thấy được “chỗ vào” chăng?


  2. #2
    Avatar của trantu
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    152
    Thanks
    192
    Thanked 157 Times in 33 Posts



    Cái điều bỡ ngỡ và chưng hửng đầu tiên khi học Kim Cang là hy vọng được đọc, được nghe những lời hay ý đẹp, những khuôn vàng thước ngọc, những bài giảng uyên áo. Thế mà, trời ạ, Kim Cang lại đi kể ngay một chuyện rất đỗi bình thường, nếu không muốn nói là tầm thường nữa, chẳng ăn nhập vào đâu, đó là chuyện Phật tới giờ ăn, đói bụng, bèn mặc áo, ôm bình bát đi… khất thực, chẳng thèm nói lấy một tiếng, chẳng thèm ra oai tằng hắng lấy một tiếng! Nghĩ mà coi, giữa lúc có hằng ngàn người, cả các vị Đại Bồ Tát, A La Hán, các vị “chức sắc” và các đại đệ tử thân tín ngồi hồi hộp chờ nghe những lời giáo huấn sâu xa thì Phật chẳng nói chẳng rằng, mặc áo, cầm bình bát, vào thành khất thực. Đến khi khất thực thấy vừa đủ rồi mới ung dung trở lại “hội trường,” bày ra ăn, ăn xong, thu dọn y bát đâu đó đàng hoàng rồi rửa chân sạch sẽ, ngồi xếp bằng… thở, nghĩ là … nhập định! Chẳng thèm nói lấy một tiếng. Chẳng thèm ban cho một chút huấn từ! Tôi tưởng tượng lúc đó nếu mình cũng đang ngồi xớ rớ đâu đó, bên ngoài hành lang, dự thính, chờ nghe những lời thuyết giảng mà phát tức anh ách, cảm thấy hẫng, thất vọng. Bỗng dưng, Tu Bồ Đề xuất hiện. Ngồi giữa đám đông như mọi người bỗng ông đứng phắt dậy, cung kính cúi chào đúng nghi lễ với bậc Thế Tôn rồi cất lời ca ngợi: Thật tuyệt vời! Thật là tuyệt diệu! Thật xưa nay chưa từng có! Thế Tôn đã khéo léo dạy dỗ, khéo léo trao truyền, khéo léo gởi gấm cho các vị đang có mặt tại đây hôm nay! Lúc đó thì quả thực mới bùng nổ bài học vừa được truyền trao mà chẳng ai ngờ! Lúc đó thì sự chưng hửng đã trở thành nỗi áy náy. Chết rồi, nãy giờ không để ý, không theo dõi kỹ bài giảng không lời kia của Đức Phật! May mà có Tu Bồ Đề phát hiện! Những người không để ý quan sát kỹ sẽ mất đi một cơ hội đáng tiếc!



  3. #3
    Avatar của trantu
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    152
    Thanks
    192
    Thanked 157 Times in 33 Posts



    Phật có cách dạy riêng của Ngài: không nói một lời mà chỉ làm cho coi. Đó là một phương pháp giáo dục rất mới mà bây giờ người ta gọi là “demonstration,” tức là biểu diễn, làm gương, làm cho bắt chước, một lối dạy kỹ năng sống (life skills) rất hiện đại. Một lần nữa cho thấy học Phật, tu Phật là làm chớ không phải nói. Làm trước, nói sau. Hoặc cũng chẳng cần nói. Ta hiểu vì sao các vị thiền sư thường bắt học trò chẻ củi, nấu cơm, gánh nước, trồng rau, giã gạo… mà chẳng thèm dạy lấy một lời. Cho đến lúc nào học trò tự phát hiện ra một điều gì đó bức xúc trong tâm thì mới dạy, cũng bằng một cách kỳ cục nào đó: có khi lật thuyền, có khi gõ đầu, có khi trả lời trớt quớt, có khi hỏi ấm ớ kiểu ông đưa tâm đây tôi an cho, làm cho học trò ngớ ra rồi… sực tỉnh cơn mê! Cuối khoá học, trò cũng không nhận được một bằng cấp nào của thầy để khoe, thầy cũng chả có gì để trao cho trò. Bới “Cái đó” sẵn có trong trò, thầy chỉ giúp trò tự phát hiện, tự chứng nghiệm, tự “giải quyết” lấy vấn đề của mình. Đó gọi là tham vấn (counselling), một phương cách trị liệu tâm lý học và y học ngày nay. Người làm tham vấn ví như cô mụ đỡ đẻ, giúp bà mẹ có được cuộc đẻ mẹ tròn con vuông chớ không thể đẻ thay bà mẹ. Đứa con có sẵn trong bụng mẹ rồi.

    Trở lại bài học, mọi người giật mình, sửng sốt nhớ lại thì mới hay Phật muốn dạy mình bài học đầu tiên: đói thì ăn, khát thì uống. Tới giờ ăn thì phải lo ăn. Ai nói không cần ăn là người không biết sống, hoặc giả dối. Gần hai ngàn năm sau, Trần Nhân Tông, ông vua nhà Trần ở nước ta, vị thiền sư sáng lập phái Trúc Lâm Yên Tử cũng nói trong bài Cư Trần Lạc Đạo: Cơ tắc xan hề khốn tắc miên (Đói thì ăn, mệt thì ngủ.) Phật tới giờ ăn mà còn phải lo mặc áo, xách bình bát đi khất thực, huống là ta! Điều đáng để ý ở đây, một bậc Thế Tôn như Đức Phật, chỉ cần nói một tiếng, không thiếu món ngon vật lạ cúng dường! Thị giả hẳn đã lo bữa cơm tươm tất cho Phật đâu đó rồi, chờ Phật thuyết giảng xong thì vào ăn. Nhưng không. Phật đã tự đi kiếm ăn lấy một mình. Không nhờ vả đến ai. Không ăn thức ăn dọn sẵn ngon lành, mà tự mình làm đúng những điều mình đã dạy. Cho nên không giật mình, sửng sốt sao được! Nhiều vị “chức sắc” có mặt hẳn … hết hồn nhìn lại mình, nào đệ tử cung phụng, nào bày biện các món ăn tuy là chay mà cũng “sơn hào hải vị” không kém! Ngày nay ta còn thấy có nhiều thức ăn chay giả giống hình con tôm, con cá, đùi gà… thật là đáng ngại! Giật mình, sửng sốt còn bởi vì Phật, địa vị cao nhất, bậc Thế Tôn kia, có hằng chục “chức danh” lừng lẫy mà vẫn giản dị làm sao, vẫn đi chân trần từng bước thanh thoát, vẫn bưng bình bát đi khất thực giữa nắng trưa để có cái ăn, có gì ăn nấy.


    Lòng lâng-lâng nhẹ nguồn thơ,
    Như bồn hoa thắm bên bờ cỏ xanh
    .

  4. #4
    Avatar của trantu
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    152
    Thanks
    192
    Thanked 157 Times in 33 Posts



    Phật đi khoan thai, tự nhiên, mỗi bước đều chánh niệm, không “dính mắc” gì với chung quanh mọi người đang xì xầm hay bàn tán về mình, kẻ khen người chê mình. Ngài chỉ thở vào thở ra trên từng bước đi, ung dung, nhẹ nhàng, sảng khoái. Phật cũng không chọn các nhà giàu để đến khất thực hoặc chọn nhà nghèo dễ chịu hơn, hoặc những nhà quen biết cho chắc ăn, Phật cứ ung dung lần lượt đi từng nhà, từng nhà, bởi vì đâu có cần phải phân biệt, đâu có cần giúp riêng người giàu hay người nghèo. Ai cũng có vấn đề, ai cũng “khổ” như nhau thôi. Người nghèo khổ nghèo, người giàu khổ giàu! Có điều sau một vài tiếng đồng hồ đi bộ để khất thực như vậy thì món ăn nào cũng trở thành “cao lương mỹ vị,” nếu được ăn trong chánh niệm, được nhai kỹ từng chút một thì thức ăn nào cũng ngon, cũng dễ tiêu hoá. Hình như cái bình bát cũng vừa lớn đủ đựng thức ăn cho một người thôi, để không quá dư, không thưà mứa. Ngày nay ít thấy cảnh khất thực, nhất là ở các đô thị, thành phố, thế nhưng khi ta có dịp thấy một người mặc áo ca sa, mang bình bát, từng bước ung dung, chánh niệm, đi khất thực từng nhà, từng nhà, ta không khỏi khâm phục vị Thầy từ ngàn xưa, và tự dưng trong lòng thấy cảm động. Ngày nay dù không còn phải đi khất thực từng bữa nữa, nhưng việc đi bộ hằng ngày vài tiếng đồng hồ cũng luôn rất cần thiết cho sức khoẻ; thức ăn đơn giản, nhiều rau, nhiều đậu, ít béo, ít đường, ít mặn, không quá dư cũng đã rất tốt cho sức khoẻ. Đặc biệt là ăn trong trạng thái ung dung, thư giản, một không khí an lành, với niềm vui có được bữa ăn vừa đủ, không cầu kỳ, không thừa mứa, thì bữa ăn nào cũng trở nên ngon, lành mạnh, khoẻ khoắn. Ăn xong, Phật thu dọn y bát đâu đó gọn gàng, rửa chân sạch sẽ rồi mới vào ngồi tĩnh toạ. Điều đáng để ý ở đây là không phải ăn xong thì đi… ngủ hoặc bắt đầu tranh luận căng thẳng mà là ngồi tĩnh toạ, vào thiền. Có lẽ đó là lúc tốt nhất để nghe cơ thể mình hoạt động, để thấy các thức ăn được bộ máy tiêu hoá, hấp thu, chuyển hoá thành năng lượng ra sao trong từng tế bào. Bài học đã truyền trao. Nếu chịu khó quan sát kỹ tí nữa, lúc Phật bưng bình bát đi khất thực từng nhà, có lẽ ta còn phát hiện ra nhiều điều hay, thú vị khác. Chẳng hạn cái người đi khất thực kia không phải là người đi xin mà là người đi cho. Ta không thể phân biệt ai là người xin người cho ở đây.


    Lòng lâng-lâng nhẹ nguồn thơ,
    Như bồn hoa thắm bên bờ cỏ xanh
    .

  5. #5
    Avatar của trantu
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    152
    Thanks
    192
    Thanked 157 Times in 33 Posts



    Khi người đi khất thực đứng trước cửa nhà nào thì gia chủ mừng húm, cảm thấy như mình có một hạnh phúc lớn, không phải chỉ vì người đi xin kia là đức Phật mà chỉ vì cái hành vi đi xin kia thực ra mang một ý nghĩa khác, ý nghĩa cảnh tỉnh, như một lời nhắn nhủ, nhắc nhở. Gia chủ sẽ có dịp nhìn lại chính mình, nghe ngóng một tiếng nói nào đó ở trong sâu thẳm tâm hồn mình. Có thể rồi sẽ chóng quên, nhưng hôm nào đó lời nhắc nhở sẽ lại vọng lại. Với người quyền quý cao sang, có thể giật mình một chút thấy cái người đi chân đất, để đầu trần, bưng bình bát đứng xin kia là người vì sao đã từ bỏ ngôi vị Thái tử, đã từ bỏ gấm vóc lụa là, cung phi mỹ nữ. Cũng có thể sẽ có những người xua đuổi, sỉ vả, để rồi cũng nhận được một ánh mắt biết ơn, một nụ cười trìu mến và những bước đi nhẹ nhàng của người khất thực kia. Để rồi đêm về, người đã xua đuổi sỉ vả nọ nhớ lại, ngạc nhiên nghe một thứ tiếng nói khác trong lòng mình. Có những người nghèo không có cái ăn, không có cái gì để cho thì lúc đó cái ánh mắt, cái nụ cười sẽ chia sẻ cùng nhau. Sự tôn trọng, không phân biệt, đã nói lên nhiều điều quá đỗi. Thực ra nếu quan sát kỹ chút nữa, có lẽ từ lúc Phật đứng lên mặc áo, cầm lấy bình bát… mỗi cử chỉ đều đã toát lên một cái gì đó khác với ta. Nếu có ai cắc cớ hỏi chuyện mặc áo, cầm bình bát của Phật đâu thấy khác gì mọi người, thì chắc Ngài sẽ cười nhẹ nhàng nói: có chứ, có chứ. Bởi Phật khoác áo, cầm bình trong chánh niệm còn ta thì hấp tấp, hổn hển chụp lấy áo, chụp lấy bình bát, tất tả vội vàng…

    Diễn tiến của một buổi giảng huấn bằng phương pháp demonstration đó thì mỗi cử chỉ, hành động đều phải được theo dõi, quan sát rất kỹ để có thể thực hành theo. Suốt bài giảng đó, ta đã học được nhiều điều hơn ta tưởng: bố thí mà không phải bố thí, trì giới, nhẫn nhục mà không phải trì giới, nhẫn nhục, rồi tiết độ, tri túc, tinh cần, chánh niệm… và lúc nào cũng ở trong một trạng thái ung dung, an lạc, thảnh thơi, đầy trí tuệ. Cho nên ta sẽ không còn ngạc nhiên khi nghe Tu Bồ Đề cất tiếng ca ngợi: “Hy hữu Thế Tôn! Như Lai thiện hộ niệm chư Bồ Tát, thiện phó chúc chư Bồ Tát.”


    Lòng lâng-lâng nhẹ nguồn thơ,
    Như bồn hoa thắm bên bờ cỏ xanh
    .

  6. The Following User Says Thank You to trantu For This Useful Post:

    Phúc Hạnh (08-12-2017)

  7. #6
    Avatar của trantu
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    152
    Thanks
    192
    Thanked 157 Times in 33 Posts



    Tu Bồ Đề đang ngồi giữa “hội trường” bỗng đứng phắt dậy cung kính chắp tay cúi chào đức Phật và lớn tiếng ca ngợi: “Thật là tuyệt vời! Thật là tuyệt diệu!. Thật xưa nay chưa từng có. Như Lai đã khéo dạy dỗ, khéo giúp đỡ, khéo truyền trao, khéo phó chúc cho các vị Bồ tát”.

    Đọc tới đây tôi lại một phen chưng hửng! Bởi Tu Bồ Đề nào phải là ai xa lạ. Ông là một trong mười vị đại đệ tử của Phật, một bậc Alahan, người nổi tiếng ưa hạnh lan nhã, độc cư, người giải Không đệ nhất. Thế mà trong hội chúng này, ông lên tiếng nghe có vẻ gì đó như… ganh tị với các vị Bồ tát! Nào các vị Bồ tát… “vui” nhé, đựơc đức Phật “cưng” nhé, đựơc Như Lai quan tâm giúp đỡ, tin cậy gởi gấm và hôm nay còn được trực tiếp trao truyền một cách khéo léo như thế nhé! Làm như xưa giờ đức Phật chẳng hề dạy cho quý vị, chẳng hề tin cậy, giúp đỡ quý vị, vốn là những đại đệ tử gần gũi nhất của Phật vậy! Lúc đầu tôi chưng hửng, sau thấy hình như không phải vậy! Alahán đã là những bậc vô sanh, lẽ nào lại “sanh sự”, lẽ nào lại đi ganh tị chứ! Có thể đây là một buổi thuyết giảng quan trọng dành riêng cho các vị Bồ tát- những vị tuy đã giác ngộ nhưng vẫn hãy còn là chúng sinh, đang chuẩn bị lao vào thế giới khổ đau để giúp đỡ mọi người. Trong thính chúng, có những vị đã là Bồ tát nhưng cũng có những vị mới “phát tâm”, tu sĩ cũng như cư sĩ, cả nam lẫn nữ, thậm chí chưa phải đã “tự giác” hoàn toàn nhưng vẫn sẵn sàng “giác tha” để qua đó tu rèn học tập thêm. Bồ tát với chí nguyện sẵn sàng dấn thân vào đời, cứu nhân độ thế, là một thế hệ học trò mới của đức Phật- vào thời thuyết giảng Kim Cang. “Chín tầng gươm báu trao tay / Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh” (CPN) chăng?


    Lòng lâng-lâng nhẹ nguồn thơ,
    Như bồn hoa thắm bên bờ cỏ xanh
    .

  8. #7
    Avatar của trantu
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    152
    Thanks
    192
    Thanked 157 Times in 33 Posts



    Gươm báu? Đúng vậy. Thanh gươm trao truyền ở đây là thanh gươm sắc bén nhất, gươm được làm bằng Kim cương, có thể dùng để chặt đứt tất cả những khổ đau ách nạn của kiếp người. Việc làm này được giao phó cho các vị Bồ tát “tương lai”, những trai thiện gái lành tự nguyện, chí nguyện, dấn thân vào đời với lòng nhiệt tình, hăng say để truyền bá đạo giải thóat. Còn với những vị đã là những bậc “Chân nhân” đã dứt hết phiền trựơc, đã “đặt gánh nặng xuống” thì tùy, có thể dấn thân vào đời hay tiếp tục tu hành để giữ ngọn đuốc sáng của suối nguồn cũng hay.. Tôi nhớ đọc đâu đó câu này: when the source is deep, the stream is long. Nguồn có sâu thì dòng chảy mới dài! Còn “xuất chinh”? Phải, xuất chinh ở đây không phải là đi đánh Nam dẹp Bắc, chiếm đất giành dân gì cả mà là chiến đấu với chính mình, với giặc tham sân si trong mỗi con người. Lão Tử chẳng đã nói ”Thắng nhân giả hữu lực, tự thắng giả cường” đó sao? Thắng mình mới khó. Cho nên phải có gươm báu trao tay! Cái cách Tu Bồ Đề ngợi ca Phật đã khéo truyền trao, khéo quan tâm, khéo gởi gắm… hình như đã nói lên điều đó. Đó là cách mà ngày nay người ta gọi là tạo động cơ, “motivation”, trong giáo dục chủ động. Học trò có động cơ học tập thì học mới tốt, còn không rất dễ…ngủ gục! Hẳn là mọi người có mặt trong hội trường đều giật mình, và nhờ đó tâm hồn rộng mở, háo hức đón nhận những lời giáo huấn. Ai cũng tự hứa với lòng sẽ ráng để thành một “Bồ tát”, xứng đáng với sự tin cậy phó thác của đức Phật.

    Tu Bồ Đề liền đặt câu hỏi “Thưa Thế tôn, người trai thiện, người gái lành, muốn trở thành một bậc Giác Ngộ thì phải làm thế nào để an trụ tâm, làm thế nào để hàng phục tâm?”


    Lòng lâng-lâng nhẹ nguồn thơ,
    Như bồn hoa thắm bên bờ cỏ xanh
    .

  9. #8
    Avatar của trantu
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    152
    Thanks
    192
    Thanked 157 Times in 33 Posts



    Một câu hỏi cho đến hơn hai ngàn năm trăm năm sau vẫn còn như vang vọng! Nhất là trong thời buổi hiện nay, thời buổi toàn cầu hóa, “thế giới phẳng” gì gì đó đã đầy con người vào những cuộc tranh chấp khốc liệt, tranh giành quyền lực, quyền lợi, dẫn đến chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai… như ta đã thấy. Chưa bao giờ tâm con người ta lại “hừng hực” lên như thế, chưa bao giờ tâm con người ta lại “bấn xúc xích” lên như thế!

    Vâng, để Giác Ngộ, chỉ cần xoáy vào một chữ tâm đó thôi. Chỉ cần an trụ, chỉ cần hàng phục được cái tâm đó là xong! Nghĩa là trở thành một bậc Giác ngộ, ngang hàng với Phật, bởi Phật nói, phàm phu là Phật chưa giác ngộ, còn Phật là …phàm phu đã giác ngộ. Thế thôi. Chỉ có thế. Chỉ cần thế. Mọi thứ quấy rối cuộc đời, mọi thứ khổ đau ách nạn đều do cái tâm mà ra nên chỉ cần “xỏ mũi” nó, kéo nó lại, dạy dỗ nó, trừng trị nó –nói khác đi là hàng phục nó như hàng phục một con ngựa chứng, một con trâu điên- rồi…an trú nó vào một chỗ nào đó, đừng cho nó quậy phá nữa là xong! Tưởng dễ mà không dễ! Cái tâm đó coi vậy mà khó dạy, khó trị, khó hàng phục, khó an trú vô cùng! Giỏi như Thái thượng Lão quân mà thỉnh thoảng con trâu của ngài cỡi cũng sút chuồng lén xuống trần làm bậy, quậy phá tưng bừng. Con trâu này vốn còn đựơc ngửi mùi linh đan diệu dược của Ngài nên càng ghê gớm hơn nữa! Tôn Ngộ Không có bảy mươi hai phép thần thông biến hóa mà cũng đành bó tay, cũng hết thuốc chữa, phải nhờ đến Quan Âm Bồ tát mới xong!

    Một điều thú vị ở đây là Tu Bồ Đề nói đến người trai thiện, người gái lành (thiện nam tử, thiện nữ nhơn) chứ không nói đến bất cứ trai nào, gái nào. Thì ra đó là điều kiện tiên quyết. Phải tốt phải lành cái đã rồi mới tính chuyện trở thành Bồ tát được! Bởi con đường giác ngộ của Phật kỳ cục quá, lạ lùng quá, tuy là tuyệt diệu mà nói ra sẽ chẳng mấy ai tin, cũng chẳng dễ làm theo. Cho nên lúc đầu Phật đắn đo ngần ngại khá lâu mới chịu chuyển bánh xe pháp! Rõ ràng, một lần nữa, ta thấy Tu Bồ Đề dùng kỹ thuật tạo “motivation”, tạo môi trường thuận lợi cho việc truyền trao gươm báu của buổi hôm nay. Một điểm nữa cũng rất thú vị: không có chuyện kỳ thị giới tính, không có chuyện bất bình đẵng giới ở đây! Cả nam lẫn nữ, ai cũng có thể trở thành Bồ tát. Hơn hai ngàn năm trăm năm rồi đó!


    Lòng lâng-lâng nhẹ nguồn thơ,
    Như bồn hoa thắm bên bờ cỏ xanh
    .

  10. #9
    Avatar của trantu
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    152
    Thanks
    192
    Thanked 157 Times in 33 Posts



    Phật liền trả lời Tu Bồ Đề “Tốt lắm, tốt lắm! .Đúng như ông nói đó, Ta đã hết lòng giúp đỡ, hết lòng tin cậy, gởi gấm cho các vị Bồ tát!”. Được lời như cỡi tấc lòng! Không phải chỉ Tu Bồ Đề nói mà Phật cũng xác nhận nhé! Vậy thì lẽ nào chư vị còn dám lơ là! Không khí hội trường lúc đó có lẽ đã hoàn toàn khác, đã đủ chín muồi.

    “Này Tu Bồ Đề, ông hãy lắng tai nghe cho kỹ (đế thính) đây”. Lắng nghe (listening) là kỹ năng hàng đầu trong tham vấn (counselling) tâm lý ngày nay. Lắng nghe, không phải là nghe hời hợt ngoài tai, mà là nghe với tất cả tâm hồn, tất cả thân xác. Người biết lắng nghe là người nghiêng mình về phía người nói, nhìn vào mắt người nói, gật gù những chỗ tâm đắc, hỏi lại nếu cần và biết phản ánh, lặp lại với những câu chữ khác xem có đúng nội dung diễn đạt không. Một người biết lắng nghe là người có tâm hồn đồng cảm, chìm ngập, tràn dâng cảm xúc! Ta hiểu vì sao trong Kim Cang, Tu Bồ Đề, vị Alahan vô sanh là vậy mà cũng nước mắt rơi lã chã! Chữ “đế” ở đây còn có nghĩa là “thẩm xét”, suy xét cho thấu đáo, không thể chỉ nghe, tin một cách hời hợt được. Khi học Phật, thú vị nhất là Phật không “áp đặt” bao giờ, lúc nào cũng bảo ta chớ vội tin, hãy suy xét cho kỹ, tìm tòi cho thấu đáo, và thực hành cho miên mật để rồi tự mình phát hiện, tự mình “kiểm nghiệm”, tự mình chứng nghiệm lấy.

    Để ý thêm chút nữa, ta thấy dường như ở đây Phật chỉ nói riêng cho Tu Bồ Đề, với Tu Bồ Đề thôi. “Ta sẽ vì ông mà nói”. Đương vị nhữ thuyết. Có nghĩa là không phải với bất cứ ai ta cũng nói được điều này. Vì ông đã biết đặt ra một câu hỏi cốt lõi, rốt ráo… như vậy nên ta mới nói riêng cho ông biết: “Người trai thiện, người gái lành, muốn trở thành bậc Giác ngộ thì cứ làm …như vầy, như vầy…” Hãy nghĩ xem, trong tình huống đó mọi người sẽ chăm chú, sẽ dóng tai lên mà nghe như thế nào! Tất cả mọi người trong hội trường trở thành người học…lóm. Học… lóm là một cách học…hay! Lục tổ Huệ Năng đã từng học lóm như vậy ngay khi đã vào chùa, ngày ngày giã gạo , bửa củi, nấu cơm. Nhờ vậy mà ông thấy ngay “Bản lai vô nhất vật” trong khi những người khác còn loay hoay tìm kiếm! Cách nói “Hãy làm như vầy…như vầy…” thường gặp trong truyện xưa, mỗi khi có điều gì cần riêng tư, bí mật, càng gây thêm một sự tò mò muốn biết, muốn nghe. Phải chăng đó chính là kỹ thuật truyền trao đặc biệt của Kim Cang? Phật và Tu Bồ Đề có lẽ đang sắm vai, “role playing”, một cách tuyệt vời của phương pháp giáo dục chủ động rất hiện đại đó chăng?

    Tu Bồ Đề hớn hở: Xin vâng, xin vâng, con đang rất muốn nghe đây!


    Lòng lâng-lâng nhẹ nguồn thơ,
    Như bồn hoa thắm bên bờ cỏ xanh
    .

  11. #10
    Avatar của trantu
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    152
    Thanks
    192
    Thanked 157 Times in 33 Posts


    1. Onwards on the Path



    When I first read the Diamond Sutra, I was a bit startled and rather confused. Up to now, upon hearing someone recite the passage “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” He (the bodhisattva) can only give rise to that mind without dwelling anywhere, I always thought it was a comforting mantra to soothe one’s anguish state of being. I’ve even read that the 6th patriarch Hue Nang, one day while out selling wood casually heard someone quote that passage and he was instantly enlightened. For me, the more I hear it, the more I’m lost in the fog of confusion.

    After the publication of my book Thinking from the Heart, which comprised of my every thought and feeling about the Heart Sutra, I felt that my understanding was somewhat better though some confusion remained. For this reason I wanted to study other sutras to gain a little bit more clarity, in hopes of obtaining more faith and thorough practice. Knowing and Understanding is one thing, but to transcend from Knowing to believing, practicing, and remaining aware is not easy. That is why in the Heart Sutra, the Bodhisattva Avalokiteshvara is said to “practice deeply the Prajna Paramita…” acknowledging that the five aggregates are empty, and then was freed from all suffering and misfortune. He was so happy that he cried out “Bodhi! Swoha!” but the Buddha admonished “Go on practicing deeply. Practice more deeply. Nothing has been achieved. Don’t be self-satisfied. Don’t be neglectful”.


    I studied the Diamond Sutra and was surprised to find myself as captivated as I was when I studied the Heart Sutra earlier on. Sometimes I was surprised, sometimes I was puzzled, sometimes baffled, sometimes perplexed. Despite the existence of numerous sutras [taught by the Buddha] there is clearly a consistent unity of principle that went from the beginning to the end, with the methods of teaching vary depending on the audience for the teaching. If one can grasp the essence, maybe one will be less perplexed and be able to find “the way in”?


    (Quý Phật tử nào muốn tham khảo, học hỏi thêm về Anh ngữ, xin mở 2 tab cùng lúc để đối chiếu. Phần Anh ngữ này được chép vào đây nhằm phục vụ cho những Dịch Giả tương lai)


    Lòng lâng-lâng nhẹ nguồn thơ,
    Như bồn hoa thắm bên bờ cỏ xanh
    .

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 4 người đọc bài này. (0 thành viên và 4 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •