DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 17/19 ĐầuĐầu ... 71516171819 CuốiCuối
Hiện kết quả từ 161 tới 170 của 187
  1. #161
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts
    KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
    Quyển 529
    __________________________________________________ ______________________________________


    Như vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nhờ sức tâm vô lậu, xa lìa các tướng, nên ở trong các pháp vô tướng, vô đắc, vô tác được viên mãn an nhẫn Ba-la-mật-đa và cũng có thể viên mãn các pháp lành khác.

    Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nên đem tâm ly tướng vô lậu mà tu tinh tấn Ba-la-mật-đa. Đại Bồ-tát này quyết tâm tinh tấn dõng mãnh nhập vào sơ tịnh lự cho đến nhập vào tịnh lự thứ tư. Nương vào bốn tịnh lự này phát sanh các thần thông biến hiện, cho đến đưa tay sờ tới mặt trời, mặt trăng, tự do xoay chuyển không thấy khó khăn. Thành tựu dõng mãnh thân tinh tấn, đem sức thần thông trong chừng giây lát có thể đến được hằng hà sa số thế giới của chư Phật khắp mười phương. Lại đem các dụng cụ ưa thích thượng hạng cung kính cúng dường chư Phật Thế Tôn. Nhờ đó quả báo căn lành vô tận, dần dần chứng đắc trí nhất thiết trí. Nhờ thế căn lành này tăng thượng, đã được thành Phật rồi, lại được vô lượng thế gian, trời, người, A-tu-la v.v... đem vô lượng vật dụng ưa thích thượng hạng cúng dường, cung kính. Nhờ căn lành này sau khi nhập vào Niết-bàn để lại Xá-lợi, còn các đệ tử vẫn được vô lượng thế gian, trời, người, A-tu-la v.v... cúng dường, cung kính.

    Đại Bồ-tát này lại dùng thần lực có thể đến hằng hà sa số thế giới của chư Phật khắp mười phương, được nghe chư Phật nói pháp. Nghe rồi thọ trì không bao giờ quên mất, cho đến chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

    Đại Bồ-tát này dùng thần lực có thể đến hằng hà sa số thế giới của chư Phật khắp mười phương, thành thục hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật, tinh tấn tu học trí nhất thiết tướng, đã được viên mãn rồi, chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, vận chuyển pháp luân vi diệu, độ thoát các loài hữu tình.

    Như vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát thành tựu thân tinh tấn dõng mãnh, nên được tinh tấn Ba-la-mật-đa mau được viên mãn.

    Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát thành tựu tâm tinh tấn dõng mãnh nên mau viên mãn các thánh đạo vô lậu và các chi thánh đạo được nhập vào tinh tấn Ba-la-mật-đa. Nhờ đó làm cho tất cả các nghiệp bất thiện nơi thân, khẩu, ý không phát sanh được.

    Rỗng không, không có mười phang,
    Ta về yên lặng ..... đạo tràng Chân Như !

  2. #162
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts
    KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
    Quyển 529
    __________________________________________________ ______________________________________


    Đại Bồ-tát này ở trong các pháp quyết không chấp thủ: Thường hoặc vô thường, khổ hoặc vui, ngã hoặc vô ngã, tịnh hoặc bất tịnh, cảnh giới hữu vi hoặc cảnh giới vô vi, Dục giới, Sắc giới hoặc Vô sắc giới; hoặc bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc; hoặc bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo; hoặc ba pháp môn giải thoát; hoặc vô lượng, vô biên các Phật pháp khác đều chẳng chấp thủ, thường hoặc vô thường v.v... Cũng không chấp thủ quả Dự lưu cho đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

    Đại Bồ-tát này cũng chẳng chấp thủ đây là bậc Dự lưu, là bậc Nhất lai, hay là Phật. Cũng chẳng chấp thủ hữu tình nào thấy hoàn toàn thì gọi là bậc Dự lưu. Hữu tình nào làm mỏng hạ phần kiết sử thì gọi là bậc Nhất lai. Hữu tình nào đoạn tận hạ phần kiết thì gọi là bậc Bất-hoàn. Hữu tình nào đoạn tận thượng phần kiết thì gọi là bậc A-la-hán. Hữu tình nào đạt được Ðộc giác thì gọi là Ðộc giác. Hữu tình nào đạt được trí đạo tướng thì gọi là Bồ-tát. Hữu tình nào đạt được trí nhất thiết tướng thì gọi là Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác.

    Đại Bồ-tát này đối với các pháp và các hữu tình như thế đều chẳng chấp thủ. Vì sao? Vì tất cả pháp và các hữu tình đều vô tự tánh không thể đắm trước. Đại Bồ-tát này thành tựu tâm tinh tấn dõng mãnh, nên dù làm các việc lợi ích cho hữu tình mà vẫn không tiếc thân mạng, vẫn đối với các hữu tình hoàn toàn vô sở đắc.

    Mặc dù đã viên mãn sự tu tinh tấn Ba-la-mật-đa, nhưng đối với tinh tấn Ba-la-mật-đa hoàn toàn vô sở đắc. Dù đã viên mãn tất cả Phật pháp nhưng đối với Phật pháp hoàn toàn vô sở đắc, dù đã nghiêm tịnh tất cả cõi Phật nhưng đối với cõi Phật hoàn toàn vô sở đắc.

    Đại Bồ-tát này thành tựu tâm tinh tấn như vậy, dù đã xa lìa tất cả các pháp cũng có thể thu nhận tất cả pháp lành nhưng không chấp thủ. Vì không chấp thủ nên từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, từ thế giới này đến thế giới khác, vì muốn làm lợi ích cho các loài hữu tình, thị hiện các thần thông một cách tự tại vô ngại theo ý muốn. Nghĩa là thị hiện rưới nhiều hương thơm, rải các hoa đẹp, trỗi các kỹ nhạc, hiện mây sấm chấn động cả đại địa, hoặc thị hiện bảy món báu nhiệm mầu trang nghiêm thế giới, thân phóng ánh sáng, làm cho chúng sanh đui mù đều được thấy rõ. Hoặc thân hiện ra các mùi hương vi diệu, những kẻ nhơ uế đều được thơm tho sạch sẽ. Hoặc thị hiện xây dựng hội cúng tế, bố thí mà không làm hại các loài hữu tình; nhân đó giáo hóa vô lượng hữu tình làm cho họ nhập vào chánh đạo, xa lìa sự giết hại sanh mạng cho đến việc tà kiến, hoặc thực hành việc bố thí cho đến Bát-nhã.

    Rỗng không, không có mười phang,
    Ta về yên lặng ..... đạo tràng Chân Như !

  3. #163
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts
    KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
    Quyển 529
    __________________________________________________ ______________________________________


    Các hữu tình nào vì muốn làm lợi ích các loài hữu tình khác, hoặc là xả bỏ của báu, bỏ vợ con, bỏ ngôi vua, bỏ phần thân thể, bỏ cả thân mạng, tùy theo các loài hữu tình nên dùng phương tiện như vậy, để làm lợi ích an vui cho họ

    Như vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, do sức tâm vô lậu xa lìa các tướng, có thể ở trong tất cả pháp vô tướng, vô đắc, vô tác viên mãn tinh tấn Ba-la-mật-đa và có thể viên mãn các pháp lành khác.

    Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nên đem tâm ly tướng vô lậu mà tu tịnh lự Ba-la-mật-đa. Trừ định của Như Lai, còn đối với các định khác Đại Bồ-tát này đều được viên mãn.

    Đại Bồ-tát này lìa pháp dục, ác, bất thiện, có tầm, có tứ, ly sanh hỉ lạc, nhập vào sơ tịnh lự, cho đến chứng vào tịnh lự thứ tư, được an trụ hoàn toàn.

    Đại Bồ-tát này đem tâm từ, nói rộng cho đến đem tâm xả duyên khắp mười phương mà an trụ hoàn toàn.

    Đại Bồ-tát này vượt qua các sắc tưởng, diệt hữu đối, không tư duy các thứ tưởng, nhập vào Không vô biên, Không vô biên xứ, cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ được an trụ hoàn toàn.

    Đại Bồ-tát này nhập vào tịnh lự Ba-la-mật-đa, đối với tám giải thoát, chín định thứ đệ, dù thuận nghịch đều được an trụ hoàn toàn.

    Đại Bồ-tát này đối với không, vô tướng, vô nguyện đẳng trì được an trụ hoàn toàn.

    Ðối với định Vô gián, định như Điện quang, định Kim cương dụ, định của bậc Thánh, bậc Chánh đẳng v.v... được an trụ hoàn toàn.

    Đại Bồ-tát này an trụ tịnh lự Ba-la-mật-đa, tu ba mươi bảy pháp phần Bồ-đề, nhập vào trí đạo tướng đều được viên mãn. Dùng trí đạo tướng tóm thâu tất cả Tam-ma-địa rồi tuần tự tu hành vượt lên địa vị chỉ quán, cho đến tu hành Ðộc giác rồi mới chứng nhập vào Chánh tánh ly sanh của Bồ-tát. Ðã nhập vào Chánh tánh ly sanh của Bồ-tát tu học các địa được viên mãn Phật địa.

    Đại Bồ-tát này dù tuần tự tu vượt qua các địa cho đến chưa chứng đắc trí nhất thiết trí, nhưng trong giai đoạn ấy không chấp lấy quả tu chứng.

    Đại Bồ-tát này nhập vào tịnh lự Ba-la-mật-đa, từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, gần gũi cúng dường chư Phật Thế Tôn, trồng nhiều căn lành với chư Phật, thành thục hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật. Từ thế giới này đến thế giới kia làm lợi ích an vui cho hữu tình thân tâm không biết mỏi mệt.

    Rỗng không, không có mười phang,
    Ta về yên lặng ..... đạo tràng Chân Như !

  4. #164
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts
    KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
    Quyển 529
    __________________________________________________ ______________________________________


    Đại Bồ-tát thực hành bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, giáo hóa hữu tình, hoặc dùng giới uẩn cho đến giải thoát trí kiến uẩn để độ thoát các hữu tình, hoặc dạy cho họ chứng được quả Dự lưu. Nói rộng cho đến dạy cho họ chứng được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Tùy theo thế lực, căn lành của loài hữu tình làm cho pháp lành tăng trưởng, dùng các thứ phương tiện làm cho họ an trụ.

    Đại Bồ-tát này nhập vào tịnh lự Ba-la-mật-đa, phát sanh tất cả pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa, chứng đắc bốn sự hiểu biết thông suốt thù thắng, chứng đắc dị thục thần thông thù thắng.

    Đại Bồ-tát này thành tựu dị thục thần thông thù thắng. Quyết định chẳng thọ bào thai trở lại, quyết định chẳng hưởng thú vui dâm dục, quyết định chẳng lệ thuộc chiếc xe thọ sanh, quyết định không bị lỗi thọ sanh làm ô nhiễm. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát này khéo thấy biết tất cả pháp hoàn toàn đều như huyễn hóa. Tuy Đại Bồ-tát biết các hành đều như huyễn hóa nhưng nương vào bi nguyện lợi ích an vui cho loài hữu tình. Tuy nương vào bi nguyện lợi ích an vui cho loài hữu tình mà vẫn hiểu hữu tình và sự hoạt động của chúng đều bất khả đắc. Tuy hiểu hữu tình và sự hoạt động của chúng đều bất khả đắc nhưng vẫn giáo hóa tất cả hữu tình, làm cho chúng an trụ trong pháp bất khả đắc. Ðây là nương nơi thế tục đế, chẳng phải nương nơi thắng nghĩa đế.

    Đại Bồ-tát này nhập vào tịnh lự Ba-la-mật-đa, tu hành tất cả tịnh lự, giải thoát, đẳng trì, đẳng chí, cho đến viên mãn quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, thường không xa lìa việc tu tịnh lự Ba-la-mật-đa.

    Đại Bồ-tát này hành phương tiện trí đạo tướng, phát sanh trí nhất thiết tướng, an trụ trong ấy đoạn trừ vĩnh viễn sự tương tục của tập khí phiền não, làm lợi mình lợi người, có thể làm ruộng phước cho tất cả thế gian, trời, người, A-tu-la v.v... đáng thọ nhận sự cúng dường, cung kính của thế gian.

    Như vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, do sức tâm vô lậu xa lìa các tướng, nên ở trong tất cả pháp vô tướng, vô đắc, vô tác viên mãn tịnh lự Ba-la-mật-đa và có thể viên mãn các pháp lành khác.

    Rỗng không, không có mười phang,
    Ta về yên lặng ..... đạo tràng Chân Như !

  5. #165
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts
    KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
    Quyển 529
    __________________________________________________ ______________________________________


    Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nên đem tâm ly tướng vô lậu mà tu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Đại Bồ-tát này hoàn toàn không thấy một pháp nhỏ nào thật có. Nghĩa là không thấy có sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Nói rộng cho đến các pháp hữu lậu và vô lậu đều hoàn toàn không thật có. Cũng lại không thấy các pháp như vậy có sanh có diệt, có tăng ích, có tổn giảm, có chứa nhóm, có phân ly. Như thật quán sắc, thọ, tưởng, hành, thức, nói rộng cho đến các pháp hữu lậu và vô lậu đều là hư dối, đều không bền chắc, đều không có tự tánh.

    Đại Bồ-tát này khi quán sát như vậy chẳng đạt được tự tánh của sắc, chẳng đạt được tự tánh của thọ, tưởng, hành, thức. Nói rộng cho đến chẳng đạt được tự tánh của pháp hữu lậu, chẳng đạt được tự tánh của pháp vô lậu.

    Đại Bồ-tát này hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, khi quán như vậy đối với tất cả pháp phát sanh tin hiểu sâu xa, đều lấy vô tánh làm tự tánh. Ðối với những việc phát sanh tin hiểu như thế rồi, mới có thể thực hành pháp nội Không, cho đến có thể thực hành pháp vô tính tự tính Không. Khi hành như vậy đối với tất cả pháp không bị đắm trước, nghĩa là chẳng đắm trước vào sắc, cũng chẳng đắm trước vào thọ, tưởng, hành, thức. Nói rộng cho đến chẳng đắm trước vào tất cả hạnh Đại Bồ-tát, cũng chẳng đắm trước vào quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật.

    Đại Bồ-tát này khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, vô sở hữu có thể viên mãn đạo Bồ-đề. Nghĩa là viên mãn bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nói rộng cho đến tám mươi vẻ đẹp.

    Đại Bồ-tát này an trụ đạo Bồ-đề như vậy rồi lại có thể viên mãn quả dị thục của Phật đạo, nghĩa là có thể viên mãn bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa, và vô lượng pháp phần Bồ-đề khác.

    Đại Bồ-tát này an trụ quả dị thục của Phật đạo như thế, do sức thần thông thù thắng mà quả dị thục phát sanh, dùng phương tiện làm lợi ích cho các loài hữu tình. Tùy theo các hữu tình cần đem bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa độ thoát họ, liền dùng bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa để độ thoát họ; cần dùng giới uẩn cho đến giải thoát trí kiến uẩn mà độ thoát, liền dùng giới uẩn cho đến giải thoát trí kiến uẩn mà độ thoát họ. Người nào đáng độ thoát làm cho họ chứng được quả Dự lưu, hoặc quả Nhất lai cho đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, liền dùng phương tiện làm cho họ chứng được quả Dự lưu, hoặc quả Nhất lai cho đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

    Đại Bồ-tát này nên làm các việc như biến hiện ra thần thông, muốn đến hằng hà sa số thế giới đều tùy ý đi đến. Muốn hiện các thứ trân bảo trong các thế giới đã đến, đều tùy ý hiện. Muốn làm cho các hữu tình trong các thế giới đã đến thọ dụng các trân bảo quý, tùy theo chỗ ưa muốn của họ đều làm cho họ được đầy đủ.

    Rỗng không, không có mười phang,
    Ta về yên lặng ..... đạo tràng Chân Như !

  6. #166
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts
    KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
    Quyển 529
    __________________________________________________ ______________________________________


    Đại Bồ-tát này từ thế giới này đến thế giới khác đều làm lợi ích an vui cho các hữu tình. Thấy rõ tướng trang nghiêm thanh tịnh các thế giới, nên tự mình độ thoát tùy theo ý muốn làm trang nghiêm cõi Phật, giống như các cõi trời Tha hóa tự tại, cần dùng các thứ thực phẩm đều tùy tâm hiện ra. Bồ-tát ấy tùy ý thọ dụng các thứ trang nghiêm vô lượng cõi Phật. Sự thọ dụng ở nơi các cõi Phật này đều nhiệm mầu thanh tịnh, xa lìa các pháp tạp nhiễm, tùy theo ý muốn mà hiển hiện.

    Đại Bồ-tát do thân dị thục này mà bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa và do thân dị thục này sanh ra các thần thông vi diệu, cũng do thân dị thục này sanh đạo Bồ-đề nên hành trí đạo tướng. Nhờ trí đạo tướng được thành thục nên chứng được trí nhất thiết tướng. Nhờ chứng được trí này nên đối với tất cả pháp không còn chấp lấy. Nghĩa là không chấp sắc, cũng không chấp thọ, tưởng, hành, thức. Nói rộng cho đến cũng không chấp lấy pháp thiện, pháp ác, pháp thế gian, pháp xuất thế gian, pháp hữu lậu, hoặc pháp vô lậu, pháp hữu vi, hoặc pháp vô vi. Cũng không chấp lấy quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề đã chứng. Cũng không chấp lấy các vật đã thọ dụng ở các cõi Phật. Trong ấy, hữu tình đối với tất cả pháp cũng không chấp lấy. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát này trước không chấp tất cả pháp nên đối với tất cả pháp đều vô sở đắc, vì các hữu tình mà thuyết giảng tất cả pháp tánh không trái ngược, không chấp lấy.

    Như vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, do sức tâm vô lậu xa lìa các tướng, nên ở trong tất cả pháp vô tướng, vô đắc, vô tác viên mãn Bát-nhã ba-la-mật-đa và có thể viên mãn các pháp lành khác.

    Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật:

    - Bạch Thế Tôn! Làm thế nào các Đại Bồ-tát đối với các pháp vô tạp, vô tướng, tự tướng Không mà có thể viên mãn bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa? Làm sao đối với tất cả pháp vô lậu không khác nhau để bày ra sự khác nhau? Làm sao biết rõ tướng khác nhau của các pháp như vậy? Làm sao ở trong Bát-nhã ba-la-mật-đa đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật-đa và tất cả các pháp thế gian và xuất thế gian? Làm sao có thể đối với các pháp tướng khác nhau hiển bày một tướng, đó là vô tướng và đối với một tướng; trong pháp vô tướng hiển bày các loại pháp tướng khác nhau?

    Phật dạy:

    - Này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, an trụ trong năm thủ uẩn như mộng, như tiếng vang, như bóng, như ảnh trong gương, như quáng nắng, như huyễn, như hóa, như thành Tầm hương (ảnh ảo), vì các hữu tình mà tu hành bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, như thật biết rõ năm thủ uẩn như mộng cho đến như thành Tầm hương hoàn toàn vô tướng.

    Rỗng không, không có mười phang,
    Ta về yên lặng ..... đạo tràng Chân Như !

  7. #167
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts
    KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
    Quyển 529
    __________________________________________________ ______________________________________


    Vì sao? Vì mộng cho đến thành Tầm hương đều vô tự tánh. Nếu pháp nào vô tự tánh thì pháp ấy vô tướng. Pháp nào vô tướng, tức là một tướng nên gọi là vô tướng. Do nhân duyên này nên biết tất cả người thí, người nhận, vật thí, tánh thí, quả thí, duyên thí hoàn toàn vô tướng. Nếu biết như vậy mà hành bố thí thì có thể viên mãn sự tu hành bố thí Ba-la-mật-đa. Ai có thể viên mãn sự tu hành bố thí Ba-la-mật-đa, thì đối với tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa thường không xa lìa và đầy đủ sáu Ba-la-mật-đa này, thì có thể viên mãn bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Cũng có thể viên mãn bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo. Nói rộng cho đến viên mãn trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng.

    Đại Bồ-tát này đầy đủ các kết quả dị thục phát sanh Thánh pháp vô lậu như vậy, dùng sức thần thông có thể đến được hằng hà sa số thế giới chư Phật khắp mười phương, đem vô lượng vật dụng thượng hạng cúng dường, cung kính chư Phật Thế Tôn và làm lợi ích cho các loài hữu tình. Người đáng dùng bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa để độ, liền dùng bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa mà độ thoát. Người đáng dùng các pháp lành khác để độ, liền dùng các pháp lành khác mà mà độ thoát.

    Đại Bồ-tát này thành tựu căn lành thù thắng như vậy, đối với tất cả pháp hoàn toàn tự tại vô ngại, tuy ở trong sanh tử nhưng chẳng bị tội lỗi của sanh tử làm ô nhiễm. Vì muốn làm lợi ích cho các loài hữu tình nên thọ nhận sự giàu sang tự tại ở cõi nguời, cõi trời. Do thế lực giàu sang tự tại nên làm các việc lợi ích cho các hữu tình, dùng bốn nhiếp pháp giáo hóa họ. Đại Bồ-tát này biết tất cả pháp hoàn toàn vô tướng nên tuy biết quả Dự lưu nhưng không trụ quả ấy, cho đến tuy biết quả Ðộc giác Bồ-đề nhưng không chấp lấy quả Ðộc giác Bồ-đề.

    Vì sao? Vì Đại Bồ-tát này như thật biết rõ tất cả pháp rồi, và muốn chứng đắc trí nhất thiết tướng không giống với các bậc Thanh văn, Ðộc giác.

    Như vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát biết tất cả pháp hoàn toàn vô tướng nên như thật biết rõ sáu pháp Ba-la-mật-đa như bố thí v.v... và vô lượng, vô biên các Phật pháp khác đều vô tướng. Do nhân duyên này có thể viên mãn tất cả Phật pháp mới có khả năng chứng đắc trí nhất thiết trí ở đời vị lai làm lợi ích an vui cho các hữu tình.

    Rỗng không, không có mười phang,
    Ta về yên lặng ..... đạo tràng Chân Như !

  8. #168
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts
    KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
    Quyển 529
    __________________________________________________ ______________________________________


    Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, an trụ trong năm thủ uẩn như mộng, như tiếng vang, như bóng, như ảnh trong gương, như quáng nắng, như huyễn, như hóa, như thành Tầm hương, viên mãn tịnh giới Ba-la-mật-đa. Đại Bồ-tát này như thật biết rõ năm thủ uẩn này như mộng cho đến như thành Tầm hương, liền viên mãn vô tướng tịnh giới Ba-la-mật-đa. Tịnh giới như vậy không khuyết không hở, không tỳ vết, không nhơ uế, không bị chấp thủ, đáng được cúng dường, được người trí khen ngợi, thọ trì pháp thiện vi diệu, pháp thiện hoàn toàn, là Thánh vô lậu, được tóm thâu trong thánh đạo xuất thế gian. Đầy đủ giới này mới có thể khéo thọ trì giới, thiết lập đắc giới đúng pháp, giới luật nghi, giới hữu biểu, giới vô biểu, giới hiện hành, giới chẳng hiện hành, giới oai nghi, giới phi oai nghi.

    Tuy đầy đủ các giới như thế nhưng đối với các giới này, Đại Bồ-tát không còn chấp trước, không nghĩ như vầy: Ta nhờ giữ giới này sẽ được sanh vào dòng đại tộc Sát-đế-lợi cho đến đại tộc Cư sĩ, được giàu sang tự tại.

    Lại không nghĩ như vầy: Ta nhờ giữ giới này sẽ sanh làm Tiểu vương hoặc làm Đại vương, Luân vương, hoặc làm phụ tướng được giàu sang tự tại. Lại không nghĩ: Ta nhờ giữ giới này sẽ được sanh trong cõi trời Tứ đại thiên vương cho đến trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ được giàu sang tự tại. Lại không nghĩ: Ta nhờ giữ giới này sẽ được chứng quả Dự lưu cho đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.

    Vì sao? Vì các pháp như vậy đều đồng một tướng gọi là vô tướng. Pháp vô trụ không đắc vô tướng, pháp hữu tướng không đắc hữu tướng, pháp vô tướng không đắc hữu tướng, pháp hữu tướng chẳng đắc vô tướng. Do nhân duyên này đều vô sở đắc.

    Như vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa mau chứng đắc vô tướng tịnh giới Ba-la-mật-đa. Ðã viên mãn vô tướng tịnh giới Ba-la-mật-đa, nên mau nhập vào Chánh tánh ly sanh của Bồ-tát. Ðã nhập vào Chánh tánh ly sanh của Bồ-tát nên chứng được Vô sanh pháp nhẫn của Bồ-tát. Ðã chứng được Vô sanh pháp nhẫn của Bồ-tát nên tu hành trí đạo tướng thẳng đến trí nhất thiết tướng, được kết quả dị thục phát sanh năm phép thần thông thù thắng.

    Lại được năm trăm pháp môn Đà-la-ni, cũng được năm trăm pháp môn Tam-ma-địa. Ở địa vị này phát sanh bốn sự hiểu biết thông suốt. Từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, gần gũi cúng dường chư Phật Thế Tôn, thành thục hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật.

    Rỗng không, không có mười phang,
    Ta về yên lặng ..... đạo tràng Chân Như !

  9. #169
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts
    KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
    Quyển 529
    __________________________________________________ ______________________________________


    Đại Bồ-tát này vì sự hóa độ cho hữu tình, nên tuy lưu chuyển trong các đường sanh tử nhưng không hề bị tội lỗi kia làm ô nhiễm.

    Như người huyễn hóa tuy hiện các việc đi, đứng, nằm, ngồi nhưng thật sự không có các nghiệp qua lại v.v... Tuy hiện ra các thứ lợi ích an vui cho loài hữu tình nhưng đối với các hữu tình và sự hoạt động của họ đều vô sở đắc. Ví như có đức Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác tên là Tô-phiến-đa được Bồ-đề rồi, vận chuyển pháp luân vi diệu, độ vô lượng chúng, làm cho thoát khỏi sanh tử chứng đắc Niết-bàn. Khi ấy, không có loài hữu tình nào dám nhận sự thọ ký của Phật, liền làm hóa Phật ở đời lâu dài, tự xả bỏ thọ mạng nhập vào Niết-bàn. Thân hóa Phật ấy trụ một kiếp rồi, thọ ký cho một vị Bồ-tát, sau đó thị hiện vào Vô dư Niết-bàn.

    Thân hóa Phật kia tuy đã làm các việc lợi ích cho các hữu tình nhưng đều vô sở đắc. Nghĩa là chẳng đắc sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Cho đến chẳng đắc tất cả pháp hữu lậu, vô lậu v.v... và các hữu tình. Các Đại Bồ-tát này cũng lại như vậy, tuy tạo tác mà vô sở đắc.

    Như vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa viên mãn tịnh giới Ba-la-mật-đa. Do tịnh giới Ba-la-mật-đa được viên mãn nên mới tóm thâu được tất cả Phật pháp. Nhờ đó chứng đắc trí nhất thiết trí, làm lợi ích an vui cho các hữu tình cho đến đời vị lai.

    Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, an trụ trong năm thủ uẩn như mộng, như tiếng vang, như bóng, như ảnh trong gương, như quáng nắng, như huyển, như hóa, như thành Tầm hương, viên mãn an nhẫn Ba-la-mật-đa. Đại Bồ-tát này như thật biết rõ năm thủ uẩn này như mộng cho đến như thành Tầm hương, liền viên mãn vô tướng an nhẫn Ba-la-mật-đa.

    Này Thiện Hiện! Vì sao Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thật biết rõ năm thủ uẩn như mộng, cho đến như thành Tầm hương liền viên mãn vô tướng an nhẫn Ba-la-mật-đa?

    Thiện Hiện! Đại Bồ-tát này như thật biết rõ năm thủ uẩn không thật tướng nên tu hai thứ nhẫn liền viên mãn vô tướng an nhẫn Ba-la-mật-đa. Thế nào là hai? Một là an thọ nhẫn; hai là quán sát nhẫn.

    An thọ nhẫn nghĩa là các Đại Bồ-tát từ khi mới phát tâm cho đến khi an tọa nơi tòa Bồ-đề vi diệu. Trong thời gian ấy giả sử có các loài hữu tình đều đến quở mắng, dùng dao gậy làm hại. Khi Bồ-tát hành an nhẫn Ba-la-mật-đa, cho đến không sanh tâm niệm giận hờn, cũng lại không sanh tâm niệm trả thù, Đại Bồ-tát chỉ nghĩ: Các hữu tình kia rất đáng thương xót, phiền não dẫy đầy nơi tâm, chẳng được tự tại, cho nên mới phát sanh ác nghiệp với ta như vậy. Nay ta không nên giận ghét họ. Lại nghĩ: Bởi ta gây tạo các uẩn oan gia, nên các hữu tình ấy phát sanh ác nghiệp với ta như vậy, chỉ tự trách mình, không nên hờn giận người. Khi Bồ-tát này quán sát kỹ như vậy, đối với các loài hữu tình sanh tâm thương xót. Những loại như vậy gọi là an thọ nhẫn.

    Rỗng không, không có mười phang,
    Ta về yên lặng ..... đạo tràng Chân Như !

  10. #170
    HOA Avatar của chimvacgoidan
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    9.688
    Thanks
    674
    Thanked 146 Times in 140 Posts
    KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
    Quyển 529
    __________________________________________________ ______________________________________


    Quán sát nhẫn, là Đại Bồ-tát suy nghĩ: Các hành như huyễn, hư dối chẳng thật, chẳng được tự tại, cũng như hư không vô ngã cho đến người biết, người thấy, chỉ là hư vọng do phân biệt khởi ra, tất cả đều là tự tâm hiện ra. Ai quở trách ta, ai làm hại ta? Ai bị quở trách, bị làm hại? Ðều là do tâm hư vọng phân biệt, nay ta không nên sanh tâm chấp trước. Các pháp như vậy, do tự tánh Không, thắng nghĩa Không, nên đều vô sở hữu.

    Khi Đại Bồ-tát quán sát kỹ như vậy, như thật biết rõ các hành trống không, vắng lặng, đối với tất cả pháp không sanh niệm tưởng nào khác. Những loại như vậy gọi là quán sát nhẫn.

    Đại Bồ-tát này tu học hai thứ nhẫn như vậy, nên mới có thể viên mãn vô tướng an nhẫn Ba-la-mật-đa. Nhờ đó nên chứng được Vô sanh pháp nhẫn.

    Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

    - Bạch Thế Tôn! Vô sanh pháp nhẫn là như thế nào? Thế nào là đoạn? Thế nào là trí?

    Phật dạy:

    - Này Thiện Hiện! Do thế lực này nên có chút phần pháp ác bất thiện, nên không phát sanh được, gọi là Vô sanh pháp nhẫn. Nó làm cho tất cả phiền não ngã và ngã sở, mạn v.v... hoàn toàn vắng lặng. Như vậy, nhẫn thọ các hành như mộng, nói rộng cho đến như thành Tầm hương, nhẫn đây gọi là trí, chứng được trí này mới gọi là đắc được Vô sanh pháp nhẫn.

    Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

    - Bạch Thế Tôn! Vô sanh pháp nhẫn của Thanh văn, Ðộc giác cùng với Vô sanh pháp nhẫn của các hàng Bồ-tát có khác nhau không?

    Phật dạy:

    - Này Thiện Hiện! Những bậc Dự lưu cho đến Ðộc giác hoặc trí, hoặc đoạn cũng gọi là nhẫn của Đại Bồ-tát. Lại có nhẫn của Đại Bồ-tát là pháp hoàn toàn chẳng sanh. Ðó là khác nhau.

    Rỗng không, không có mười phang,
    Ta về yên lặng ..... đạo tràng Chân Như !

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Chủ đề tương tự

  1. KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA _ Từ quyển 261 đến quyển 270
    Gửi bởi chimvacgoidan trong mục Bát nhã Tạng
    Trả lời: 144
    Bài cuối: 10-19-2016, 10:16 AM
  2. KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA _ Từ quyển 251 đến quyển 260
    Gửi bởi chimvacgoidan trong mục Bát nhã Tạng
    Trả lời: 142
    Bài cuối: 10-09-2016, 10:08 AM
  3. KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA _ Từ quyển 241 đến quyển 250
    Gửi bởi chimvacgoidan trong mục Bát nhã Tạng
    Trả lời: 141
    Bài cuối: 09-29-2016, 10:18 AM
  4. KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA _ Từ quyển 101 đến quyển 110
    Gửi bởi chimvacgoidan trong mục Bát nhã Tạng
    Trả lời: 155
    Bài cuối: 05-10-2016, 07:50 AM
  5. KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA _ Từ quyển 11 đến quyển 20
    Gửi bởi chimvacgoidan trong mục Bát nhã Tạng
    Trả lời: 130
    Bài cuối: 02-03-2016, 11:48 AM

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •