KINH HOA NGHIÊM Phẩm 25 PHẨM THẬP HỒI HƯỚNG
__________________________________________________ ______________________________________
Vì muốn lợi ích tất cả chúng sanh, mà Bồ Tát an trụ vô lượng đại nguyện Bồ Đề, nhiếp thủ vô số thiện căn rộng lớn, siêng thật hành những đều lành, cứu độ khắp tất cả mọi loài, xa tất cả kiêu mạn phóng dật, quyết định đến bực Nhứt thiết trí, trọn chẳng để tâm đến những đạo khác, thường quán sát Chư Phật Bồ Đề, bỏ hẳn tất cả những pháp tạp nhiễm, tu hành tất cả chỗ sở học của Bồ Tát, nơi đạo Nhứt thiết trí, không bị chướng ngại, trụ nơi trí địa, ưa thích tụng tập, dùng vô lượng trí huệ họp những thiện căn, tâm chẳng luyến thích tất cả thế gian, cũng chẳng nhiễm trước nơi công hạnh của mình thật hành, chuyên tâm thọ trì giáo pháp của Chư Phật.
Bồ Tát ở tại gia nhiếp khắp những thiện căn khiến được tăng trưởng mà hồi hướng Chư Phật vô thượng Bồ Đề như vậy.
Bấy giờ Bồ Tát nhẫn đến thí cho Súc sanh ăn một nắm một hột, đều nguyện rằng : Tôi sẽ làm cho các loài này thoát khỏi báo Súc sanh mà được lợi ích an vui rốt ráo giải thoát, khỏi hẳn biển khổ, dứt hẳn khổ thọ, trừ hẳn khổ uẩn, dứt hẳn khổ giác, khổ tụ, khổ hạnh, khổ nhơn, khổ bổn và các khổ xứ. Nguyện cho những chúng sanh kia đều được giải thoát tất cả khổ.
Bồ Tát chuyên tâm tưởng nhớ tất cả chúng sanh như vậy, dùng thiện căn này làm trên hết, vì họ mà hồi hướng Nhứt thiết chủng trí.
Bồ Tát sơ phát tâm Bồ Đề nhiếp khắp chúng sanh tu những thiện căn đều đem hồi hướng cả, muốn cho họ thoát hẳn sanh tử, được sự khoái lạc vô ngại của các Như Lai, ra khỏi biển phiền não, tu Phật đạo, từ tâm cùng khắp, bi lực rộng lớn, khiến khắp tất cả được vui tịch tịnh, gìn giữ thiện căn, gần gũi Phật pháp, ra khỏi cảnh ma, vào cảnh Phật, dứt giống thế gian, gieo giống Phật, trụ trong pháp tam thế bình đẳng.
Bao nhiêu thiện căn đã, sẽ và hiện tập họp đều đem hồi hướng như vậy cả.
Bồ Tát lại nghĩ rằng : như Chư Phật và Bồ Tát quá khứ thật hành những sự cung kính cúng dường Chư Phật, độ chúng sanh khiến được giải thoát, siêng năng tu tập tất cả thiện căn đều đem hồi hướng mà không chấp trước. Nghĩa là chẳng tựa nơi sắc, chẳng nhiễm nơi thọ, không tưởng điên đảo, chẳng khởi hành, chẳng theo thức, bỏ rời sáu trần, chẳng trụ thế pháp, thích đạo xuất thế, biết tất cả pháp đều như hư không, không từ đâu đến, bất sanh, bất diệt, không chơn thiệt, không nhiễm trước, xa lìa tất cả những kiến chấp phân biệt; động chẳng chuyển, chẳng mất, chẳng hoại, trụ nơi thiệt kế không tướng lìa tướng chỉ là nhứt tướng.
Bồ Tát thâm nhập tất cả pháp tánh như vậy, thường thích tu tập thiện căn phổ môn, đều thấy tất cả chúng hội Chư Phật.
Như thiện căn hồi hướng của tất cả Như Lai thời quá khứ, tôi cũng hồi hướng như vậy hiểu pháp như vậy, chứng pháp như vậy, y pháp như vậy mà phát tâm tu tập chẳng trái pháp tướng, biết chỗ tu hành như huyễn, như ảnh, như trăng đáy nước, như tượng trong gương, nhơn duyên hòa hiệp mà hiển hiện nhẫn đến bực Như Lai rốt ráo.