DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 2/2 ĐầuĐầu 12
Hiện kết quả từ 11 tới 16 của 16
  1. #11
    NỤ Avatar của lavinhcuong
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    410
    Thanks
    302
    Thanked 508 Times in 134 Posts


    Bài 39.

    Hoằng-Nhẫn Đại sư 弘忍大師 (602 - 675 T.L.)


    Ngài là vị Tổ thứ 32 và cũng là Tổ thứ 5 của Thiền Tông Trung Hoa.

    Một hôm, Tổ Đạo-Tín đi viếng núi Long-Phong gặp một vị sư già trồng tòng, thời nhơn gọi là Tài-Tòng đạo giả.

    Vị sư ấy hỏi Tổ rằng: -Đạo Pháp của Như-Lai có thể cho tôi nghe được chăng ?

    Tổ đáp: -Tuổi ông đã già, dù có nghe được cũng không hoằng hóa kịp. Nếu có tái sanh được thì ta cũng nán chờ.

    Đạo giả nghe dạy rồi từ tạ đi xuống núi. Đến huyện Huỳnh-Mai, thấy một cô gái đang giặt áo ở bờ sông, ông chào và hỏi: -Nhà cô ở gần xa, cô vui lòng cho tôi nghỉ nhờ được chăng ?

    Cô đáp: -Tôi còn cha mẹ không dám tự quyền, mời Sư vào nhà hỏi cha mẹ tôi là hơn.

    Ông bảo: - Vậy cô có bằng lòng không cho tôi biết ?

    Cô đáp: -Riêng tôi bằng lòng.

    Đạo giả nghe cô hứa chịu, bèn trở về núi ngồi ngay thẳng viên tịch.

    Cô gái kia là con út của nhà họ Châu, sau khi hứa lời với Đạo giả rồi, không bao lâu có thai. Cha mẹ cô thấy chưa chồng mà có thai, là làm ô nhục gia phong, quyết định đuổi cô đi. Cô mang bầu, lại sống bơ vơ không chỗ nương đỡ, phải đi kéo chỉ mướn nuôi miệng qua ngày.

    Đến ngày, cô sinh ra một đứa con trai xinh xắn, nhưng vì sự kỳ thị không chồng mà có con, nên cô đành kết bè đem thả trôi sông, hy vọng sẽ có ai đó đem về nuôi.

    Sáng ngày, cô thấy đứa bé vẫn ở chỗ cũ (nước chảy mà bè không trôi), khí sắc vẫn tươi tỉnh lạ thường. Cô lấy làm lạ nên đổi ý bồng về nuôi dưỡng tiếp, mặc cho tiếng đời dị nghị. Đến bảy tuổi, đứa bé gặp Tổ Đạo-Tín đối đáp trôi chảy, ý tứ sâu xa, được Tổ xin cho xuất gia, đặt tên là Hoằng-Nhẫn.

    Hoằng-Nhẫn có nghĩa là mẹ nhẫn nhục nuôi con, cũng có nghĩa Tổ Đạo-Tín nhẫn chờ đứa bé khôn lớn truyền pháp. Theo truyện nầy, Tổ Hoằng-Nhẫn là thân sau của Tài-Tòng đạo giả.

    Thuở nhỏ, Sư thông minh, xinh đẹp. Có ông thầy xem tướng khen rằng: "Đứa bé nầy có đầy đủ tướng tốt, chỉ thua Phật bảy tướng thôi".

    Năm bảy tuổi, Sư gặp Tổ Đạo-Tín độ cho xuất gia. Từ đây về sau, Sư theo hầu Tổ đến khi được truyền tâm ấn. Khi Tổ tịch, Sư kế thừa trụ trì tại núi Phá-Đầu, giáo hóa nơi đây rất thạnh hành. Khi ấy, dân chúng kính mộ tông phong dù ở xa nghìn dặm cũng tìm đến tham học. Tại đạo tràng nầy, tăng chúng thường trực không dưới năm trăm người.

    Khoảng niên hiệu Hàm-Hanh (670-674 T.L.) nhà Đường, có người cư sĩ tên Huệ-Năng từ phương Nam đến yết kiến Sư.

    Sư hỏi: -Ngươi từ đâu đến ?

    Huệ-Năng thưa: -Đệ tử từ Lĩnh-Nam đến.

    _ Ngươi đến đây muốn cầu việc gì ?

    _ Đệ tử chỉ cầu làm Phật, chứ không cầu việc gì khác.

    _ Người Lĩnh-Nam là kẻ man di làm sao làm Phật được ?

    _ Người thì có Nam Bắc, Phật tánh há có Nam Bắc sao ?

    Sư biết là bậc lợi căn, giả vờ nạt bảo: -Lại nhà sau đi !

    Huệ-Năng đảnh lễ, đi xuống nhà sau lãnh phần đạp chày giã gạo.

    Một hôm, Sư dự biết thời kỳ truyền pháp đã đến, liền gọi đồ chúng đến bảo: -Chánh pháp khó hiểu không nên nhớ ghi lời nói suông của ta, giữ làm nhiệm vụ của mình. Các ngươi, tùy ý mỗi người làm một bài kệ, nếu thấy được ta sẽ truyền pháp và y bát cho.

    Lúc đó, hội chúng hơn bảy trăm người, ai cũng tôn sùng thượng tọa Thần-Tú, cho rằng chỉ có TT Thần Tú là người có khả năng, nên không trình kệ. Thần Tú cũng không dám trình thẳng mà lén chép kệ lên vách hành lang. Ngủ Tổ thấy kệ còn vướng mắc, nên thầm kêu Thần Tú vào phòng riêng bảo làm lại.

    Huệ Năng nghe chúng tụng bài kệ của Thần Tú, bảo rằng "Tôi cũng có kệ, phiền ai đó chép lên dùm". Tổ Hoằng Nhẫn đọc được bài kệ ấy liền lấy dép bôi ngang dọc bài kệ và bảo :

    _ Ai làm bài kệ nầy cũng chưa thấy Tánh.

    Một hôm Sư làm bộ đi dạo xuống nhà bếp, hỏi tác giả bài kệ :

    _ Cầu đạo cực như vậy sao ? Gạo đã trắng chưa ?

    _ Dạ, gạo trắng đã lâu, chỉ chưa sàng mà thôi !

    Tổ dùng gậy gõ vào 3 cái vào cối giả gạo, rồi chắp tay sau lưng mà quay đi. Huệ-Năng nửa đêm (canh ba) đi ngỏ sau vào thất. Sư lấy y che ánh sáng, rồi giảng kinh Kim-Cang cho Huệ-Năng nghe. Đến câu "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" Huệ-Năng bừng ngộ, Sư dạy:

    -Chư Phật ra đời chỉ vì một đại sự nhân duyên, bởi chúng sanh căn cơ có lớn nhỏ, tùy đó hướng dẫn, mới có nói ra ba thừa, mười địa đốn tiệm, gọi đó là giáo môn. Như-Lai riêng đem chánh pháp nhãn tạng vô thượng chơn thật vi diệu trao cho Tổ Ma-Ha-Ca-Diếp, lần lượt truyền đến đời thứ 28 là Tổ Bồ-Đề-Đạt-Ma. Tổ Đạt-Ma sang Trung-Quốc truyền nối đến đời ta là 5 đời, nay ta đem Phật pháp và y bát đã thọ trao lại cho ngươi. Ngươi phải gắng gìn giữ truyền trao đừng cho bặt dứt, hãy nghe ta nói kệ:

    Hữu tình lai hạ chủng,
    Nhơn địa quả hoàn sanh,
    Vô tình ký vô chủng,
    Vô tánh diệc vô sanh.
    (*)

    (Gặp Hữu tình thì gieo giống xuống,
    Nhơn đất quả liền sanh,
    Đối với Vô tình thì không gieo giống,
    Bởi không tánh cũng không sanh).


    Huệ-Năng thọ pháp và y bát xong, lễ bái thưa: -Pháp đã nghe dạy, còn y bát có nên truyền cho người sau chăng ? Sư bảo:

    -Xưa Tổ Đạt-Ma là người nước khác, truyền pháp cho Tổ Huệ-Khả, vẫn ngại người đời không tin sự truyền thừa của thầy trò, nên lấy y bát truyền để làm tín vật. Nay tông môn của ta thiên hạ đều biết rõ, nên y bát không cần thiết phải truyền nữa, song chánh pháp thì nên gắng truyền bá ngày càng rộng. Ngươi nên đi liền, khéo tránh, thời gian sau sẽ ra hoằng hóa.

    Huệ-Năng lại hỏi: -Nay con phải đi về đâu ?

    Sư bảo: -Đến Hoài thì dừng, gặp Hội thì ẩn.

    Huệ-Năng lãnh dạy, lễ tạ rồi ra đi ngay đêm ấy. Sau khi truyền pháp, liên tiếp ba hôm, Sư không thượng đường thuyết pháp. Toàn chúng đều nghi ngờ, đồng đến thưa thỉnh.

    Sư bảo: -Pháp của ta đã đi về phương Nam rồi. Giờ lại nói gì ?

    Chúng thưa: -Người nào được ?

    Sư bảo: -Năng ấy được đó.

    Chúng biết là cư sĩ Huệ-Năng. Họ đồng đuổi theo, song ngoài Huệ Minh ra thì không ai tìm gặp được.

    Bốn năm sau, một hôm chợt Sư gọi đại chúng bảo: -Việc ta đã xong, đến lúc nên đi.

    Sư vào trong thất ngồi an nhiên thị tịch, nhằm niên hiệu Thượng Nguyên thứ hai (675 T.L.) nhà Đường, thọ 74 tuổi. Chúng xây tháp ở Đông-Sơn huyện Huỳnh-Mai tôn thờ. Vua Đường-Đại-Tông truy phong là Đại-Mãn Thiền Sư, tháp hiệu Pháp-Võ.

    Sư có trước tác tập "Tối thượng thừa luận", hiện giờ còn lưu hành.

    -----------------

    Phụ chú :

    (*)


    有情來下種  
    因地果還生
    無情既無種  
    無性亦無生


    NAM MÔ ĐẠI TUỆ VĂN THÙ SƯ LỢI BỒ TÁT

  2. #12
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts


    Ngói bể làm gương.






    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  3. #13
    NỤ Avatar của lavinhcuong
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    410
    Thanks
    302
    Thanked 508 Times in 134 Posts


    Bài 40.


    (Thưa quý đạo hữu, ở bài 39, chúng ta đã sưu khảo về đức Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn rồi, đến bài 40 này xin được trình bày tiếp về đức Lục Tổ Huệ Năng (cho liền mạch), mặc dầu trong Truyền Đăng Lục bài nói về đức Lục Tổ Huệ Năng được sắp vào quyển 5)

    Huệ-Năng Đại sư 慧能大師 (638 – 713 T.L.)

    Ngài là vị Tổ thứ 6 của Thiền Tông Trung Hoa và là Tổ thứ 33 Tây Thiên.

    Sư họ Lư, Tổ tiên quê ở Phạm-Dương, cha tên Hành-Thao, mẹ là Lý-Thị. Đời Võ-Đức (618-627 T.L.) nhà Đường cha Sư làm quan ở Nam-Hải, sau dời về Tân Châu. Sư sanh tại Tân-Châu. Sư được ba tuổi, cha mang bệnh rồi mất, mẹ thủ chí nuôi con. Sư lớn lên trong gia đình rất nghèo túng. Mỗi ngày, Sư phải vào rừng đốn củi đem ra chợ đổi gạo nuôi mẹ.

    Một hôm, nhơn gánh củi ra chợ bán, có người mua bảo gánh đến nhà. Sư gánh ngang qua một căn nhà, bỗng nghe người trong nhà tụng kinh, âm ba vang ra, Sư lắng tai, chợt nghe như người khách tha phương bổng gặp lại người thân nơi xứ lạ.

    Sư hỏi khách: - Ông tụng đó là Kinh gì ? do đâu mà được Kinh này ?

    Khách đáp: -Kinh Kim-Cang. Phát xuất từ Ngũ Tổ Hoằng-Nhẫn ở chùa Đông-Sơn, tại huyện Huỳnh-Mai.

    Nghe nói xong, Sư tỏ chí muốn tìm đến đó học đạo, song gia cảnh còn mẹ già không ai nuôi ! Có người khách hàng quen vốn cũng là Phật tử xin đài thọ số tiền để Sư cung cấp mẹ già. Gặp cơ hội tốt, Sư về xin phép mẹ cho xuất gia, mẹ Sư hoan hỉ cho xuất gia.

    Sư khăn gói lên đường, trải hơn một tháng mới đến huyện Huỳnh-Mai.

    Sư vào yết kiến Tổ, Tổ hỏi: -Ngươi từ đâu đến ?

    Sư thưa: -Dạ, con từ Lĩnh-Nam đến.

    _ Ông đến đây để cầu việc gì ?

    _ Dạ con đến đây chỉ cầu làm Phật, không cầu việc gì khác.

    _ Người Lĩnh-Nam là phường thấp kém (người Hoa hay chê là Nam man) làm sao cầu làm Phật được ?

    _ Người thì có Nam Bắc, chớ Phật tánh không chia Nam Bắc.

    Tổ biết Sư là hàng pháp khí, bèn bảo xuống nhà trù làm công quả.

    Ở đây, Sư chuyên bửa củi, giã gạo. Cối gạo to, chày đạp lớn, người Sư ốm, không đủ sức nặng để làm đối trọng cất được chày đạp, Sư phải cột thêm tảng đá lớn vào lưng để đủ sức giã gạo. Sư làm công việc nặng nhọc như vậy gần ngót sáu tháng, mà chưa khi nào trễ nải, thối chí.

    Một hôm, Tổ xuống nhà trù, đi ngay chỗ Sư giã gạo, thấy Sư mang đá giã gạo, Tổ bảo: -Ngươi vì đạo quên mình như thế ư ? Ta biết ngươi căn tánh lanh lợi, nhưng ngại kẻ khác hại ngươi nên ta không nói chuyện với ngươi, ngươi có biết chăng ?

    Sư thưa: -Dạ, con có biết.

    Tổ biết thời cơ truyền pháp đã đến, liền ra lệnh cho toàn chúng trình kệ. Trong số chúng bảy trăm người đều suy nhường Thượng tọa Thần-Tú. Thần Tú ráng hết sức làm bài kệ mà không dám trình, bèn chép lên vách hành lang rằng :

    Thân thị Bồ đề thọ
    Tâm như minh cảnh đài
    Thời thời cần phất thức
    Vật sử nhạ trần ai.
    (*)

    (Thân như cây Bồ đề
    Tâm như đài gương sáng
    Lúc lúc siêng lau chùi
    Chớ để dính bụi dơ).


    Sư nghe mọi người tụng bài kệ của Thần-Tú, lòng không phục, bèn nói :"Tui cũng có một bài kệ, xin phiền vị nào hay chữ chép dùm", kệ rằng :

    Bồ đề bổn vô thọ
    Minh cảnh diệc phi đài
    Bổn lai vô nhất vật
    Hà xứ nhạ trần ai.
    (**)

    (Cội giác nào phải cây,
    Tuệ giác có chi đài.
    Xưa nay không một vật,
    Chỗ nào dính trần ai ?!)


    Đọc kệ của Huệ Năng, Tổ biết : đây là người mà mình cần tìm, bèm lấy dép xoá đi.

    Vài hôm sau, Tổ tìm cơ hội xuống nhà trù, đến chỗ Sư đang giã gạo hỏi:

    _ Gạo trắng chưa ?

    Sư thưa: -Dạ, đã trắng mà chưa có sàng.

    Tổ bèn cầm gậy gõ trên tay cối ba cái, rồi chắp tay sau lưng đi lên. Canh ba đêm ấy Sư theo ngỏ sau, lẻn vào thất Tổ. Tổ lấy y cà sa che ánh sáng lại, rồi giảng Kinh Kim Cang cho Huệ Năng nghe, đến câu "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" sư ngộ được YẾU CHỈ PHẬT PHÁP, bèn vui mừng thốt lên :

    Nào dè tự tánh vốn tự thanh tịnh,
    Nào dè tự tánh vốn chẳng sanh diệt,
    Nào dè tự tánh vốn tự đầy đủ,
    Nào dè tự tánh vốn chẳng lay động,
    Nào dè tự tánh hay sanh vạn pháp!


    Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn biết Huệ Năng đã chứng ngộ, nên truyền trao y bát cho Sư, đọc bài kệ truyền pháp, và dạy đi về phương Nam.

    Sư mang y bát đi được mấy hôm vừa đến Dưu-Lãnh bị một người hiệu Huệ-Minh đuổi theo. Sư để y bát trên tảng đá, vào rừng ẩn. Huệ-Minh đến dỡ y bát lên không nổi, đành phải kêu:

    _ Hành giả ! Tôi đến đây vì pháp, chớ không vì y bát.

    Sư nghe nói, bước ra ngồi trên tảng đá bảo: -Nếu ông vì pháp, hãy bình tâm lại nghe tôi nói.

    Huệ-Minh đứng lặng yên giây lâu.

    Sư bảo: -Khi không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh ?

    Huệ-Minh nghe câu nầy liền nhận ra "mặt thật xưa nay" của mình.

    Sư thường tàng ẩn nơi hai ấp Hoài và Hội. Có lúc gặp phải cuộc sống khó khăn, Sư lại gia nhập vào đoàn thợ săn.

    Ngót mười sáu năm ẩn tránh. Sư biết cơ duyên hoằng pháp đã đến, bèn đến Quảng-Châu, nhằm ngày mùng tám tháng giêng năm Bính-Tý, niên hiệu Nghi-Phụng năm đầu (676 T.L) nhà Đường. Sư vào nghỉ nhờ ngoài hiên chùa Pháp-Tánh.

    Hôm ấy, pháp sư Ấn-Tông đang giảng kinh Niết-Bàn. Trước chùa treo lá phướng dài, gió thổi lá phướng phất phơ qua lại. Hai ông đạo lấy đó làm đề tài tranh luận. Người nói: "phướng động".người bảo "gió động"; bàn qua cải lại ỏm tỏi. Sư bảo: -Không phải phướng động, không phải gió động, mà tâm của mấy vị động. Mọi người nghe qua đều ngạc nhiên. Họ vào báo cho Ấn-Tông biết lời bàn kỳ diệu ấy.

    NAM MÔ ĐẠI TUỆ VĂN THÙ SƯ LỢI BỒ TÁT

  4. #14
    NỤ Avatar của lavinhcuong
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    410
    Thanks
    302
    Thanked 508 Times in 134 Posts


    Hôm sau, Ấn-Tông mời Sư vào hỏi thăm, Sư luận giải rõ ràng. Ấn-Tông bất giác đứng dậy thưa: -Ngài không phải là người thường. Nghe nói y pháp của Ngũ Tổ Huỳnh-Mai đã về phương Nam, vậy có phải Ngài chăng ?

    Sư đáp: -Chẳng dám.

    Ấn-Tông bèn tập hợp bốn chúng, cầu xin Sư trình bày y bát của Tổ. Sư bèn đem y bát cho đại chúng chiêm bái. Ấn-Tông xin làm đệ tử, đồng thời cầu chỉ dạy thiền yếu.

    Đến ngày rằm tháng giêng, Ấn-Tông thỉnh các bậc danh đức đến làm lễ thế phát cho Sư. Ngày mùng tám tháng hai, làm lễ truyền giới cụ túc cho Sư tại chùa Pháp-Tánh. Luật sư Trí-Quang làm Tuyên-luật-sư. Giới đàn nầy, đời Tống,Tam Tạng Cầu Na Bạt-Đà-La đã dự ký trước rằng: -Sau sẽ có nhục thân Bồ Tát thọ giới tại đây.

    Lại, thời Lương mạc, Tam Tạng Chân-Đế, đích thân trồng hai cây Bồ Đề tại giới đàn nầy và bảo chúng rằng: -Sau khoảng một trăm hai chục năm, sẽ có bậc đại sĩ ở dưới cội Bồ Đề nầy khai diễn pháp vô thượng thừa, độ chúng sanh vô lượng.

    Sau đó có quan Thích Sử Thiều Châu tên Vi Cừ thỉnh Sư đến chùa Đại Phạm thuyết pháp môn vi diệu và thọ giới vô tướng tâm địa. Quan liêu, sĩ thứ và kẻ tại gia, người xuất gia đến dự nghe pháp trên ngàn người. Những thời thuyết pháp tại đây, được đệ tử Sư ghi lại đầy đủ trong kinh Pháp Bảo Đàn.

    Năm sau, Sư muốn trở về chùa Bửu Lâm ở Tào Khê là chỗ ẩn xưa kia. Ấn Tông cùng quan liêu sĩ thứ đạo tục tiển đưa có hơn ngàn người. Sư an trú ở đây, tăng chúng xa gần đua nhau đến tham vấn. Trung bình chư tăng thường có mặt tại chùa không dưới một ngàn. Sư đã dựng lên cây cờ Đại pháp, bốn phương trông thấy đều hướng về.

    Niên hiệu Thần Long năm đầu (705 T.L) Vua Trung Tông xuống chiếu sai sứ là Tiết Giảm đi thỉnh Sư về triều. Sư từ chối vì lý do bệnh. Trong lời từ chối của Sư có câu: "Tôi nguyện được trọn đời ở chốn núi rừng".

    Tiết Giảm thưa: -Các bậc thiền đức nơi kinh thành đều nói "muốn được hội đạo cần phải tọa thiền tập định, nếu không nhơn thiền định mà được giải thoát, là việc chưa từng thấy". Chưa biết Thầy thường nói pháp dạy người thế nào ?

    Sư đáp: -Đạo do tâm ngộ, đâu phải do ở ngồi. Kinh nói: "Nếu nói Như-Lai hoặc đến, hoặc đi, hoặc nằm là người ấy không hiểu nghĩa ta nói" (Kinh Kim Cang). Vì sao ? Vì Như-Lai không từ đâu đến cũng không đi đâu . Vì không từ đâu đến nên không sanh, vì không đi đâu nên không diệt. Nếu không sanh diệt là Như-Lai thanh tịnh thiền, các pháp không tịch là Như-Lai thanh tịnh tọa. Tột cùng không được, cũng không có chỗ chứng, huống là ngồi ư ?

    Tiết Giảm thưa: -Đệ tử trở về kinh đô ắt Chúa Thượng có hỏi. Cúi xin Hòa Thượng từ bi chỉ cho chỗ tâm yếu, ngõ hầu đối cảnh giải rành, khiến cho những kẻ học giả ở kinh đô hiểu biết tu hành. Ví như thắp một ngọn đèn, mồi được trăm ngàn ngọn đèn, khiến cho chỗ tối tăm được sáng, sáng mãi không cùng.

    Sư bảo: -Đạo không có tối sáng, tối sáng là nghĩa đối đãi nhau; dù sáng mãi không cùng, cũng là có cùng. Bởi vì đối đãi mà lập danh tự cho nên Kinh nói: "Pháp không có so sánh vì không có đối đãi".

    –Sáng thí dụ trí huệ, tối thí dụ phiền não. Người tu hành nếu không dùng trí huệ chiếu phá phiền não, thì cái sanh tử từ vô thủy do đâu được ra khỏi ?

    Sư bảo: -Nếu dùng trí huệ chiếu phá phiền não, đây là kẻ tiểu căn Nhị thừa, là xe dê, xe nai, người đại căn thượng trí không như vậy.

    Tiết Giảm hỏi: -Thế nào là chỗ kiến giải của Đại thừa ?

    Sư đáp: -Sáng cùng không sáng tánh nó chẳng hai, tánh không hai tức là tánh thật. Tánh thật thì ở phàm phu chẳng bớt, ở hiền thánh chẳng thêm, dừng nơi phiền não mà chẳng loạn, đứng nơi thiền định mà chẳng lặng, chẳng đoạn chẳng thường, chẳng đến, chẳng đi, chẳng ở giữa và hai bên, chẳng sanh, chẳng diệt, tánh tướng như như, thường trụ không dời đổi, gọi đó là Đạo.

    Tiết Giảm thưa: -Hòa thượng nói chẳng sanh chẳng diệt, có khác gì chúng ngoại đạo nói ?

    Sư bảo: -Ngoại đạo nói chẳng sanh chẳng diệt là đem cái diệt chận cái sanh, lấy cái sanh để bày cái diệt. Diệt vẫn chẳng diệt, sanh nói không sanh. Ta nói không sanh diệt là xưa tự không sanh, nay cũng không diệt, đâu có thể đồng với ngoại đạo ư ? Ông muốn rõ được tâm yếu thì, đối tất cả việc thiện ác đều chớ suy nghĩ, tự nhiên được vào.Tâm thể trong trẻo thường lặng lẽ diệu dụng như hằng sa.

    Tiết Giảm nghe qua liền đại ngộ, lễ bái Sư trở về triều. Về triều ông tâu hết tự sự cho vua nghe. Vua càng thêm cung kính và ngợi khen.Vua lại ban chiếu và cúng dường ca-sa, tích trượng bảo câu. Sắc đổi tên chùa Bửu-Lâm là Trung-Hưng.

    Năm sau, vua lại sắc thích sử Thiều-Châu kiến thiết ngôi chùa Trung-Hưng lại và đổi tên là Pháp-Tuyền. Chùa của Sư ở trước, tại Tân-Châu đổi tên là Quốc-Ân.

    Một hôm Sư bảo chúng: -Thiện tri thức ! các ngươi mỗi người tịnh tâm nghe ta nói pháp, hết thảy các ngươi tâm mình là Phật, chớ có hồ nghi. Ngoài không có một pháp có thể dựng lập, đều là tâm mình
    sanh ra muôn pháp. Kinh nói: "Tâm sanh thì các thứ pháp sanh, tâm diệt thì các thứ pháp diệt"(***). Nếu muốn thành tựu chủng trí phải đạt nhất tướng tam muội và nhất hạnh tam muội. Nếu ở tất cả chỗ mà không trụ tướng, ở trong tướng ấy mà không sanh yêu ghét, chẳng lấy, chẳng bỏ, chẳng nghĩ việc lợi ích, thành hoại,..v.v…an ổn thanh tịnh gọi là nhất tướng tam muội. Nếu ở tất cả chỗ đi đứng ngồi nằm, ròng một trực tâm, không dời khỏi đạo tràng, liền thành tịnh độ, gọi là nhất hạnh tam muội. Nếu người đủ hai tam muội nầy, như đất có giống hay chứa đựng, nuôi dưỡng thành tựu được bông trái của nó. Nhất tướng, nhất hạnh cũng lại như vậy.
    Nay ta nói pháp, ví như khi mưa thấm ướt cả đất, Phật tánh của các ngươi ví như các hột giống, vừa gặp thấm ướt, liền nảy mầm. Giữ đúng lời ta quyết được Bồ-Đề, đúng theo ta dạy mà thực hành nhất định chứng quả Phật.

    Niên hiệu Tiên-Thiên năm đầu (712 T.L) một hôm Sư chợt gọi đồ chúng đến bảo: -Ta ở chỗ Tổ Hoằng-Nhẫn thọ pháp yếu cùng y bát. Nay tuy nói pháp mà không truyền y bát, bởi vì các ngươi lòng tin đã thuần thục, không còn nghi ngờ, nên chẳng truyền. Nghe ta nói kệ:

    Tâm địa hàm chư chủng,
    Phổ vũ tất giai sanh.
    Đốn ngộ hoa tình dĩ,
    Bồ-Đề quả tự thành.(****)


    (Đất tâm chứa các giống,
    Mưa khắp ắt nẩy mầm.
    Hoa tình vừa đốn ngộ,
    Trái bồ-đề tự thành).


    Sư lại bảo: -Pháp ấy không hai, tâm ấy cũng vậy. Đạo kia thanh tịnh cũng không các tướng. Các ngươi dè dặt chớ quán tịnh và tâm kia không.Tâm nầy sẵn tịnh, không lấy bỏ, mỗi người tự nỗ lực tùy duyên đi an lành.

    Sư thuyết pháp độ sanh đã được bốn chục năm. Trước đây, Sư đã sai người về chùa Quốc-Ân ở Tân-Châu xây tháp. Đến ngày mùng 6 tháng 6 năm nầy, Sư lại sai người đến đốc suất làm nhanh.

    Đến ngày mùng 1 tháng 7, niên hiệu Tiên-Thiên thứ hai (713 T.L),Sư gọi môn nhân bảo: -Ta muốn trở về Tân-Châu, các ngươi lo sửa soạn thuyền. Lúc ấy, đại chúng đều buồn bã, thỉnh Sư ở nán lại.

    Sư bảo: -Chư Phật ra đời vẫn thị hiện vào Niết-Bàn. Có đến ắt có đi, lẽ đó là việc thường vậy. Thân hình hài của ta về ắt có chỗ.

    Chúng hỏi: -Hôm nay thầy đi bao giờ trở lại ?

    Sư bảo: -Lá rụng về cội, trở lại không hẹn.

    Chúng hỏi: -Pháp nhãn tạng, thầy sẽ trao cho người nào ?

    Sư bảo: -Có đạo thì được, vô tâm thì thông.

    Chúng thưa: -Thầy để lời di chúc xem có nạn không ?

    Sư bảo: -Ta diệt độ khoảng năm, sáu năm ắt có người đến lấy đầu ta. Nghe ta nói kệ:

    Đầu thượng dưỡng thân,
    Khẩu lý tu xan.
    Ngộ Mãn chi nạn,
    Dương Liễu vi quan.


    (Trên đầu nuôi thân,
    Trong miệng để ăn.
    Gặp Mãn gây nạn,
    Dương Liễu làm quan).


    -Sư nói tiếp: Sau khi ta diệt độ khoảng bảy chục năm, có hai vị Bồ-Tát từ phương Đông đến, một tại gia, một xuất gia chung hưng hóa Phật pháp, sửa lại các ngôi già lam nâng đỡ tông chỉ của ta.

    Sư về đến Tân-Châu, vào chùa Quốc-Ân, tắm gội xong, ngồi kiết già, an nhiên thị tịch. Khi ấy có mùi hương lạ xông ra, móng trắng vòng chí đất. Sư tịch ngày mùng hai tháng tám năm Quý Sửu, niên hiệu Tiên-Thiên thứ hai (713 T.L), đời Đường, thọ 76 tuổi.

    Bấy giờ môn đồ hai châu Thiều và Tân muốn đem hài cốt Sư về châu mình an táng. Bàn nhau không ngã lẽ, phải thấp hương cầu nguyện ý Sư; nếu khói hương bay về đâu, thì vâng theo ý đó. Khói hương bay thẳng hướng Tào-Khê. Thế là môn đồ ở Thiều Châu sửa soạn đưa linh cữu Sư về nhập tháp. Ngày 13 tháng 11 đưa linh cữu về nhập tháp tại bên bờ khe Tào-Hầu, nay là chùa Nam-Hoa.

    Vua Đường Hiến-Tông truy phong Sư là Đại Giám thiền sư, tháp hiệu Nguyên Hòa Linh Chiếu. Môn đệ của Sư đắc pháp và hoằng hóa sau nầy có cả thảy bốn mươi ba vị: 1-Hành-Tư ở núi Thanh Nguyên. 2-Hoài-Nhượng ở Nam Nhạc.

    3-Pháp-Hải. 4-Huệ-Trung. 5-Bổn-Tịnh. 6-Thần-Hội. 7-Huyền-Giác. 8-Huyền-Sách. 9-Tam Tạng Quật-Đa v.v…


    -------------

    Phụ chú :

    (*)


    身是菩提樹,  
    心如明鏡臺,

    時時勤拂拭, 
    勿使惹塵埃


    (**)

    菩提本無樹,  
    明鏡亦非臺;

    本來無一物,  
    何處惹塵埃?


    (***)


    心生種種法生。心滅種種法滅


    (****)


    心地含諸種  
    普雨悉皆生

    頓悟華情已  
    菩提果自成


    NAM MÔ ĐẠI TUỆ VĂN THÙ SƯ LỢI BỒ TÁT

  5. The Following User Says Thank You to lavinhcuong For This Useful Post:

    Admin (06-21-2015)

  6. #15
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts


    Thân thị Bồ đề thọ.






    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  7. The Following User Says Thank You to hoatihon For This Useful Post:

    Admin (06-21-2015)

  8. #16
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts


    Bồ đề bổn vô thọ.






    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  9. The Following User Says Thank You to hoatihon For This Useful Post:

    Admin (06-21-2015)

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Chủ đề tương tự

  1. Trích đăng Truỳên Đăng Lục _ quyển 2
    Gửi bởi lavinhcuong trong mục THIỀN TÔNG
    Trả lời: 25
    Bài cuối: 06-20-2015, 08:33 AM
  2. Trích đăng Truỳên Đăng Lục
    Gửi bởi lavinhcuong trong mục THIỀN TÔNG
    Trả lời: 42
    Bài cuối: 06-18-2015, 09:49 AM
  3. Truyền đăng lục ~ Hoạt hình Phật giáo
    Gửi bởi minhquang trong mục Video liên quan Phật giáo
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 06-17-2015, 10:03 PM

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •