DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 9/13 ĐầuĐầu ... 7891011 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 81 tới 90 của 123
  1. #81
    HOA Avatar của Thanh Mai
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.948
    Thanks
    594
    Thanked 287 Times in 173 Posts


    57. A-đề-sa giác ngộ




    A-đề-sa (Atisha) là con trai một lãnh chúa, sống trong một vương quốc tí hon tại miền Đông Bangale. Ông sinh năm 980 và khi còn nhỏ đã nằm mơ thấy nữ thần Tara sắc lục hiện ra và nói bằng một thứ tiếng không lời: “A-đề-sa (34), ngươi sinh ra không phải để vướng bận đời sống thế gian. Trong 552 kiếp vừa qua, kiếp nào ngươi cũng tìm kiếm chính quả. Trong đời này ngươi sẽ thành công. Ngươi sẽ giác ngộ và cứu độ vô số kẻ tầm đạo”.

    Không bao lâu sau, A-đề-sa thệ nguyện làm Tăng sĩ và theo học với nhiều vị đạo sư thời bây giờ. Đạo sư Mật tông Rahula đưa ông tới mức độ của một vị Acharya (giáo thụ).Người giáo thụ trẻ tuổi này nổi tiếng là một nhà hùng biện, nhưng chàng biết rõ rằng, ăn nói lưu loát và lối suy nghĩ có qui định sẽ không mang lại gì cả, nên chàng lên đường tìm kiếm con đường ngắn nhất dẫn đến giác ngộ. Chàng tự nhủ: "Theo Bồ-tát đạo thì muôn ngàn kiếp sau ta cũng không đắc đạo được. Bồ-tát lúc nào cũng quên mình, chỉ lo tìm ánh sáng giác ngộ nơi chúng sinh khác. Nếu thế thì ngàn năm sau ta cũng còn quanh quẩn mãi trong vòng trói buộc của ảo giác”.

    Chàng thanh niên cảm thấy buồn rầu mệt mỏi. Chàng nằm trên ghế định ngủ thì bỗng nhỏm dậy, nghe tiếng gọi của đạo sư. Chàng liền vội đến Rahula. Rahula nói: “Nghe này, ta đã gọi con. Bất cứ sự đeo bám nào nơi cái ngã sẽ ngăn con không được hòa với cái đó, với cái vô cùng đó, cái đã sản sinh ra từng cái ngã nho nhỏ. Dù cho con có những thần thông ghê gớm, đầu óc con có phát triển một cách thiên tài, con có thâm nhập thiền định sâu sa, và con có chứng được Niết-bàn, thì chúng cũng chỉ là những con đường vòng, con đường gián tiếp. Con phải ngộ ra rằng, cái gọi là cái tôi đó chỉ là một sự nhầm lẫn của tri thức, sự nhầm lẫn này đã lặp đi lặp lại quá nhiều kiếp rồi. Sau đó con cũng thấy cái ngã nơi người khác chẳng qua cũng là một sự nhầm lẫn của tri thức. Nhận ra thế nhưng cũng đừng có coi trọng nhận thức đó, nếu không con lại rơi vào cái bẫy của ngã. Hãy nhận ra cái vô cùng đó trong mỗi hiển hiện của nó. Con sẽ thấy ở đâu cũng là nó. Hãy quên cái không thật để cái thật phơi bày. Con chính là những gì con tìm thấy nơi người khác. Hãy thấy ánh sáng giác ngộ nơi người khác, đó là con đường ngắn nhất để đạt giác ngộ của mình”.

    A-đề-sa gật đầu và cám ơn vị đạo sư. Thật ra thì chàng đã nghe qua lời này, nhưng khi nghe nó từ lời một vị đạo sư, và biết rằng Rahula đã thấy ánh sáng nơi mình, lòng chàng tràn ngập một tình thương không diễn tả được.

    “Nắng vàng nhuộm thắm đồi xanh,
    Gió ngàn thoáng lại bức mành nhà ai”.


    Huyền Mơ 1953



  2. The Following User Says Thank You to Thanh Mai For This Useful Post:

    votam (07-26-2017)

  3. #82
    HOA Avatar của Thanh Mai
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.948
    Thanks
    594
    Thanked 287 Times in 173 Posts




    “Ai là người thoát khỏi sự ràng buộc của ảo giác, ai là người nhập Niết-bàn”. Rahula nói tiếp: "Cái người đó, người từ chối chuyện này để chạy theo chuyện kia, người đó chỉ là kết quả tri thức đang tưởng tượng. Hãy nhớ rằng tri thức đó, đang sử dụng một thứ nhị nguyên không bao giờ có thật. Cái an lạc nội tâm đang hiện hữu từng giây phút trong con, trong tự tính của con. Kẻ nào cứ tìm tòi, dòm ngó, kẻ đó đang quên những gì nó đang có, đang cùng nhìn ngó với nó”.

    A-đề-sa lại gật đầu hiểu ngộ như ngàn lần trước đó… nhưng lần này, chàng tự thấy thêm rằng, kinh nghiệm là những gì chúng đến rồi đi, và vì thế chúng không phải là cái gì thường hằng, không thể là cái gì đưa đến tri kiến về tự tính. Rahula trả lời: "Không có gì để tìm cả. Tất cả điều đáng làm đang tự xảy ra trước mắt con. Nhưng nếu con cứ muốn tìm một cái gì thì ta cho con lời khuyên như sau: Hãy tự đồng hóa mình với đức Quán Thế Âm và hiểu rằng Ngài và con cũng chỉ là một”.Nhưng tri thức là thứ không hề yên nghỉ, A-đề-sa vẫn cứ tìm con đường ngắn nhất. Chàng thực hiện mọi phép thiền quán và siêng năng lui tới Giác Thành, là nơi Phật Cồ-đàm thành đạo, đi nhiều vòng quanh tháp.Chàng vừa đi vòng thứ một trăm quanh tháp xong và tự đồng hóa mình với Quán Thế Âm thì có hai phụ nữ ở đâu lại gần, ngồi xuống và trò chuyện với nhau.Một bà nói: "Bà nghĩ sao, làm sao đạt được giác ngộ nhanh nhất?” Chỉ nhìn thoáng qua, A-đề-sa đã biết hai người này không phải tầm thường. Khuôn mặt rực sáng như được chiếu ánh sáng và thái độ của họ biểu hiện một sự cao quý, chỉ có thể xuất phát từ một tâm hồn an lạc sâu xa. A-đề-sa biết họ là sứ giả của một thế giới cao hơn, và họ nói với nhau là để cho chàng nghe.Bà kia cười đáp: “Quên mình là con đường ngắn nhất, còn đường nào khác? Bà bỏ quên cái ngã và bỏ quên cái khổ. Chỉ còn một điều duy nhất đáng làm trên thế giới này, đó là hãy hết mình phụng sự người khác”.

    Ngày hôm sau, A-đề-sa đang thiền định dưới gốc cây Bồ-đề trong Giác Thành thì một bà già ăn xin xấu xí đến. Một kẻ cùi đi cà nhắc tới và bắt đầu chuyện trò với người ăn xin. A-đề-sa không muốn nghe nhưng nội dung câu chuyện vẫn bám vào óc chàng: người ăn xin giảng cho kẻ cùi nghe rằng, từ bi là con đường thoát khổ. “Hãy tự đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, thay vì mong chờ người ta thông cảm và giúp đỡ ngươi. Ngươi đang bị lòng ích kỷ của chính ngươi kiềm tỏa”, người ăn xin nói.

    “Thật là lạ”, A-đề-sa nghĩ, “ở đây xem ra ai cũng biết con đường giác ngộ và cũng phù hợp với lời thầy. Chỉ có ta, có ta là còn nghi hoặc”.

    “Nắng vàng nhuộm thắm đồi xanh,
    Gió ngàn thoáng lại bức mành nhà ai”.


    Huyền Mơ 1953



  4. #83
    HOA Avatar của Thanh Mai
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.948
    Thanks
    594
    Thanked 287 Times in 173 Posts




    Hôm sau, A-đề-sa đi vòng xung quanh bảo tháp ở Giác Thành, tay lần chuỗi hạt, bỗng nghe chim hót ríu rít. Chim vừa đậu xuống tổ được làm bên cạnh đầu gối của tượng Quán Thế Âm. Chàng có cảm tưởng tiếng chim hót như nhắc lại thắc mắc của mình. Và ngước nhìn tượng Quán Thế Âm, chàng nghe nét mặt bức tượng hầu như nói: "Muốn nằm yên trong tự tính, ngươi hãy rũ bỏ mọi vướng mắc, mọi thành kiến. Sau đó, dù nghe qua có mâu thuẫn, ngưoi hãy mang tất cả gánh nặng của chị em ngươi, nếu thấy họ có lỗi thì hãy tha thứ hết cho họ. Chỉ có thế ngươi mới tự giải thoát ra khỏi ảo giác của một cái ta, cái ta tưởng chừng tội lỗi”.

    A-đề-sa đứng yên như tượng, lòng tràn đầy tri kiến, thứ tri kiến chàng đã biết nhưng lần này không còn một thứ nghi hoặc nào cản đường. Trong tâm chàng bỗng hiện lên một linh ảnh: một người lạ nói với tình thương vô biên. Trên một vùng đất xa lạ, người đó ngồi dưới bóng dừa và giơ tay vẫy A-đề-sa ngồi xuống bên cạnh. Một thời gian sau A-đề-sa lên đường đi Sumatra, một hòn đảo nhiệt đới, nơi đó đạo sư giác ngộ Serlingpa, vị thầy sau cùng đã đợi sẵn. Chàng ở tại đó 12 năm và được Serlingpa truyền đạo cho, thường bằng tâm truyền tâm. Sau khi Serlingpa nhập diệt, A-đề-sa trở thành truyền nhân, nắm giữ một phép bí truyền của Đại Thừa Phật giáo. Đó là phép Tonglen, được dịch là Chuyển hoá. Đó là phép trong đó hành giả chấp nhận cái năng lực tối tăm, thô bạo của sự ích kỷ của người khác, rút năng lực đó vào trong tâm mình và biến nó thành con đường của lòng Từ bi rực sáng. Tonglen, một khi được hành giả thượng căn áp dụng là một phép chữa bệnh vô song, nhưng đó là một phép tu khó khăn nên đến giữa thế kỷ 20 vẫn còn bí truyền.

    Trong những năm sau đó, A-đề-sa trở về Ấn Độ và giảng dạy tại đại học Vikramaschila. Hàng ngàn ngưòi đã được gặp ông và còn nhớ ông là người có những tri thức lạ lùng về con người của chính họ. Lời tiên tri của nữ thần Tara đã thành sự thật và một ngày kia, nhà vua Tây Tạng nghe đến tên tuổi và lòng Từ bi rộng khắp của ông. Nhà vua cử một đoàn sứ giả qua Ấn Độ, dâng cúng nhiều vàng bạc để mời cho được A-đề-sa qua Tây Tạng. Mới đầu A-đề-sa xin cho được suy nghĩ, nhưng thực tế ông không suy nghĩ gì cả, chẳng tìm lời câu trả lời gì trong tri thức của mình, mà liên hệ với Quán Thế Âm và Tara để xin các ngài hướng dẫn. Tara bằng cách nói không lời, cho biết Tây Tạng bây giờ và mai sau rất cần sự hiện diện của A-đề-sa. Nhưng Tara nói thêm, nếu đi Tây Tạng A-đề-sa chỉ sống đến 72 tuổi, còn nếu ở lại Ấn Độ thì thọ 92 tuổi. Sau đó A-đề-sa lên đường đi Tây Tạng, không chút ngần ngừ .

    Nhờ con ngưòi này mà Phật giáo Tây Tạng được phục hưng, nhất là phép tắc quy luật của cả một xã hội được chỉnh đốn lại từ gốc. Tại Tây Tạng, A-đề-sa được xem là vị đạo sư của quy y, vì nhờ ông mà vô số người thoát khỏi được vòng vây hãm của ảo giác. Năm 72 tuổi, ông rời thế giới này, trở về sứ xở của vô biên, đúng như Tara đã tiên đoán.

    Lần sửa cuối bởi Thanh Mai; 07-24-2017 lúc 08:25 AM
    “Nắng vàng nhuộm thắm đồi xanh,
    Gió ngàn thoáng lại bức mành nhà ai”.


    Huyền Mơ 1953



  5. The Following User Says Thank You to Thanh Mai For This Useful Post:

    votam (07-26-2017)

  6. #84
    HOA Avatar của Thanh Mai
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.948
    Thanks
    594
    Thanked 287 Times in 173 Posts


    58. Khu rừng đầy nữ thần Tara



    Cách nay hàng chục đại kiếp có người đàn bà tên là “Ánh trăng trí tuệ”. Là một nữ Bồ-tát, trong thời trẻ tuổi, bà đi rất xa trên Thánh đạo, nhưng có nhiều vị tu sĩ nghĩ rằng vẫn nên giảng dạy cho bà, mặc dù bà không hề muốn.

    Một buổi sáng nọ, Ánh trăng trí tuệ vừa ra giếng múc nước cho gia đình thì nhiều tu sĩ trờ tới, nói: Ánh trăng trí tuệ, người đàn bà thông minh đó và có nhiều khả năng hứa hẹn. Vì vậy chúng ta khuyên ngươi cầu nguyện làm sao cho đời sau tái sinh thành đàn ông để được giác ngộ hoàn toàn”.Ánh trăng trí tuệ lắc đầu nói: “Cách phân biệt giữa nam-nữ hay giữa ta-người là đặc trưng của đầu có biết phân biệt, nhưng không thoát khỏi tính chất nhị nguyên. Các ngưoi được gọi là tu sĩ, hành giả đạo học, mà sao còn nói với ta điều đó được?” Nói xong, với cử chỉ của một bậc Thánh, nàng giơ hai tay lên trời, tự nguyện chỉ sinh làm nữ giới và sẽ truyền bá giáo pháp cho đến lúc toàn bộ loài hữu tình thoát khỏi suy nghĩ nhị nguyên.

    Vài ngàn năm trôi qua, Ánh trăng trí tuệ cứ tái sinh làm nữ giới cho tới một lúc bà đạt giải thoát hoàn toàn và đạt cấp Giác ngộ Vô thượng. Kể từ đó bà được mang tên “Tara”, dịch nghĩa “tinh tú”.Dân Tây Tạng gọi Tara là “mẹ của tất cả các vị Phật” và gọi bà là “Đạo sư giải thoát”. Người ta cho rằng chính Tara, trong thời kiếp hiện nay là người đã giúp một vị nam giới thành Chính quả, vị đó trở thành đạo sư được truyền tụng nhiều nhất. Người Ấn Độ gọi đó là Quán Thế Âm, người Tây Tạng gọi là Chenrezig. Trong truyền thuyết Tây Tạng thì Chenrezig, sau khi đắc đạo, lòng biết ơn Tara đến nỗi ngài thần đọc thần chú Tara đến mười triệu lần, nhằm dùng âm điệu của thần chú Tara để giúp chúng sinh trong khắp cõi xứ. Vì thế từ đó Tara được xem là nữ thần cứu độ "tám nỗi lo và nguy hiểm”. Người ta kể ra hàng ngàn câu chuyện liên quan đến mật chú Tara, với sự rung động cứu độ của ngài ban phát. Một thương nhân Tây Tạng kể một bức tượng Tara nhỏ ông thường mang theo đã cứu ông khỏi bị trâu húc. Một Lạt-ma khác kể, hình của Tara đã có lần cứu ông thoát chết vì một viên đạn.

    “Nắng vàng nhuộm thắm đồi xanh,
    Gió ngàn thoáng lại bức mành nhà ai”.


    Huyền Mơ 1953



  7. The Following User Says Thank You to Thanh Mai For This Useful Post:

    votam (07-26-2017)

  8. #85
    HOA Avatar của Thanh Mai
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.948
    Thanks
    594
    Thanked 287 Times in 173 Posts





    Một chuyện khác kể về thành phố Mathura ngày xưa, trong đó có khoảng 500 Tăng và Ni tu học tại đó. Điều này làm một tên Quỉ sứ không vui và y tìm cách phá các hành giả thiền định. Tên Quỉ này bắt đầu nghiên cứu nhược điểm từng ngưòi một và y sẽ hiện ra trong dạng mà mỗi hành giả sợ hãi nhất. Đối với các trí thức học giả thì Quỉ nhỏ to (thì thầm) rằng thiền định sẽ dẫn tới điên loạn và mất trí nhớ. Một vị Tăng sĩ rất dễ thương hiền hậu thình lình trở lên cộc cằn thô lỗ. Các vị khác thì sa vào thói rượu chè hay ác kiến. Các vị kiên trì nhất thì bệnh hoạn, thiếu tinh tấn. Không bao lâu sau, không còn ai trong Mathura thực hành thiền định, tu học Phật pháp mà không bị những hiện tượng kỳ dị theo đuổi. Sau đó, một vị sư già bỗng nhớ lại ngày xưa thầy mình có dặn dò một điều. Lời dặn đó khuyên rằng: khi tới một mức sâu của thiền định thì phải nên tự buông mình và đồng thời cầu xin Tara giải thoát ra khỏi ác kiến của Ma Quỉ. Vị sư thực hành điều dặn dò đó và được Tara hiện cho thấy linh ảnh và khuyên phải làm các phép. Vị sư liền tụ họp các bạn đồng tu, yêu cầu các bạn đó mang lại tranh tượng của Tara, gồm 21 dạng khác nhau. Từ mọi đền đài, tu viện tranh tượng của Tara được dồn lại và cả hàng trăm vị tu sĩ đi vào rừng, treo tranh tượng đó lên cây.Kết quả không phải chờ lâu: kể từ lúc đó tên Quỉ muốn hiện hình gì thì hiện, nhưng các vị hành giả thiền quán không hề lay động, các vị đó cứ xem mọi hoạt động của Ma Quỉ đều là một dạng xuất hiện của Tara. Với cách đó thì họ không bao giờ phải sợ hãi và không có hậu quả nào xảy ra. Tên Quỉ nọ cũng không làm gì hơn được, vì trong tự tính sâu xa nhất, nó cũng chỉ là một dạng xuất hiện của Tara thật, của một Tính Không viên mãn hoàn toàn. Cũng nhờ đó mà tâm thức tên Quỉ cũng từ từ rời bỏ tính chất Quỉ của y, không còn tự đồng hóa với dạng hình của Quỉ và dạng Quỉ đó chết đi, để tâm thức tái sinh trong một cõi khác và để vùng rừng vĩnh viễn an vui.

    Sau đó không ai ngạc nhiên khi cuộc sống dân chúng trong Mathura phồn vinh hẳn lên. Trong vùng đó người ta còn ca bài “hai mươi mốt bài ca dành cho Tara”. Đến ngày nay mà các bài ca trung cổ đó còn được hát trong các đền đài hay tu viện nữ giới.

    “Nắng vàng nhuộm thắm đồi xanh,
    Gió ngàn thoáng lại bức mành nhà ai”.


    Huyền Mơ 1953



  9. The Following User Says Thank You to Thanh Mai For This Useful Post:

    votam (07-26-2017)

  10. #86
    HOA Avatar của Thanh Mai
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.948
    Thanks
    594
    Thanked 287 Times in 173 Posts




    59. Người con mù của vua A-dục




    Hai trăm năm sau ngày Phật Cồ-đàm nhập diệt, một viên tướng tên là A-dục (Ashoka) nắm quyền lãnh đạo Ấn Độ. Là một vị vua đầy uy quyền, ông thống nhất sứ xở chia năm xẻ bảy, cho xây đường xá, đào giếng, bệnh viện nhà nghỉ và nhất là bảo tháp, đền miếu, mà ngày nay người ta vẫn còn xem là một trong những công trình to lớn của con người. Mới đầu A-dục vương (35) là một con người hiếu chiến, nhưng về sau ông được một Tăng sĩ Phật giáo khuyên nên theo chủ trương hòa hiếu, bất bạo động. Nhà vua gặp vị Tăng sĩ này lần đầu trên đường đầy bụi bặm và thấy xót thương. Nhưng khi tới gần, ông nhận ra ánh sáng an tịnh trên khuôn mặt vị tu sĩ, và ông thấy nơi người du khất này một cái gì mà một Quốc vương như ông tìm kiếm lâu ngày chưa được.

    A-dục gia nhập Giáo hội và bắt đầu thiền định. Ông đi sâu vào giáo lý của Phật và nhiều lần hành hương đến thăm cây Bồ-đề tại Giác Thành, một gốc cây Thánh vì đây là nơi Phật Cồ-đàm thành đạo. Trước đó không lâu, vua A-dục lấy vợ, nàng tên là Tisja Rakscha. Vị hoàng hậu này không vui khi thấy nhà vua cứ đến tham vấn Tăng đoàn, không quan tâm đến nàng.Tisja Rakscha cảm giác bị bỏ bê và ghen tức đến mức nàng sai cận thần ghi chép giờ giấc nhà vua đến Giác Thành bao nhiêu và thời gian dành cho nàng bao nhiêu. Cuối cùng khi so sánh, nàng giận dữ tới mức sai cận thần cho đốn chặt cây Bồ-đề. Cây đó bị chặt thật nhưng lạ lùng thay, qua ngày mai nó lại mọc lên như cũ. Sau đó Tisja tìm mọi cách quyến rũ người con trai lớn của A-dục. Thái tử Kunala là con ghẻ của nàng và là người thừa kế ngôi cha. Nhưng Kunala biết rõ âm mưu của nàng nên thẳng thừng từ chối. Vị hoàng hậu trẻ tuổi hậm hực và quyết báo thù hai cha con. Nhân dịp nhà vua lại đi thăm đền ở Giác Thành, hoàng hậu âm mưu với triều đình bắt tội Kunala nhốt vào ngục, bộ hạ của nàng lẻn vào ngục khoét mắt chàng. Không ai cứu chàng kịp, chàng trở thành mù lòa. Trong cơn tuyệt vọng, chàng nhớ lời một vị hiền nhân đã già nói cách đó nhiều năm: “Không có gì trên đời này là thường hằng. Bất cứ điều gì ngươi sẽ có, rồi nó cũng sẽ mất. Vì vậy hãy giữ những gì mà ngươi là, và lúc đó những cái mất lớn nhất sẽ trở thành những cái được lớn nhất”.

    Cai ngục lấy mất ánh sáng của mắt chàng thì ngay lúc đó ánh sáng trí tuệ bùng lên và Kunala thấy tất cả sự vật đúng như chúng là, vượt ra ngoài thông thường cảm nhận của thế gian. Bây giờ chàng biết vị hiền nhân nọ đã biết trước số phận của chàng nhưng không ra tay cứu giải. Càng lúc, Kunala càng đi sâu vào thế giới bên trong và để mặc cho trời đất muốn xử sao với người có tội cũng được. Chàng không cần khai báo gì cả vì A-dục không bao lâu sau đã biết ai là người gây tội khoét mắt con mình và cho Tisja Rakscha hưởng hình phạt xứng đáng.

    Kunala rời bỏ ngai vàng và nhường ngôi cho con trai làm vua Ấn Độ. Sau đó ông rút vào rừng miền Tây Bắc, sống như một tu sĩ và an nhiên tu tập thiền định. Cuối cùng, chàng đối trị được lòng sân hận luôn luôn quay trở về trong tâm và hoàn toàn xả bỏ. Rồi cũng tới ngày mà chàng cảm tạ Tisja Rakscha về hành động xấu ác đó, vì cũng nhờ đó mà chàng mở được con mắt trí tuệ và lên ngôi vua của sứ xở nằm ngay trong tâm mình. Từ một con người mù loà Kunala đã sinh ra một bậc A-la-hán có thiên nhãn, một bậc hiền nhân. Vô số con ngưòi đã tìm được an ủi và sự cứu độ với vị đó.

    “Nắng vàng nhuộm thắm đồi xanh,
    Gió ngàn thoáng lại bức mành nhà ai”.


    Huyền Mơ 1953



  11. The Following User Says Thank You to Thanh Mai For This Useful Post:

    votam (07-26-2017)

  12. #87
    HOA Avatar của Thanh Mai
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.948
    Thanks
    594
    Thanked 287 Times in 173 Posts



    60. Đạo sư với khẩu súng



    Cách nay khoảng trăm năm có một đại hội gồm toàn các vị Tăng sĩ và tu sĩ cao cấp tại Đông Tây Tạng để cùng nhau cầu nguyện. Các vị đó cử hành một nghi lễ Mật tông quan trọng ngoài trời, bên cạnh một khu rừng rậm. Tất cả mọi người đều nhìn theo vị chủ lễ, ông tụng niệm và đọc thần chú, sau đó mọi người lặp lại. Bỗng một tiếng động khả nghi làm một vị lạt-ma đứng hàng sau cùng phải xoay người lại. Ông nín thở, trong lúc đó thì cả nhóm người cảm giác bất an khó chịu. Tất cả đều quay người nhìn phía cánh rừng, hầu như họ bị một năng lực gì hấp dẫn mạnh mẽ, hơn cả năng lực muốn hoàn thành buổi lễ. Giữa các cành cây là một người đàn ông mặt mày khó chịu, trên tay cầm một khẩu súng cũ, mắt nảy tia máu nhìn trừng trừng các vị Tăng sĩ. Sau lưng ngưòi đó là lố nhố một số người, tay cầm súng, mặt mày khó ưa. Vị chủ lễ nghe ai kêu một tiếng nhỏ. Ông đứng dậy đi về phía người đầu đảng rồi bỗng nhiên phủ phục năm dài xuống đất ba lần, tỏ dấu tôn quý nguời đó. “Doe Khyentse Rinpoche”, ông kêu lớn, giọng đầy cảm phục. “May mắn thay, ngài đến với chúng con ở đây. Ngài có làm gì thì chúng con cũng biết từ nơi ngài toát ra trí huệ và từ bi. Xin đến ngay. Nhưng xin ngài và các vị hãy để súng xuống để ban phước lành cho chúng con theo cách bình thường”.

    Vị chủ lễ quì xuống, cúi đầu về phía người đàn ông nọ để xin phước lành. Bây giờ thì cả nhóm đều biết đang hiện diện ở đây một vị đại sư xuất chúng, nhưng cũng đáng sợ nhất, đó là Doe Khyentse, một vị tu sĩ đắc đạo khác đời. Vị này giết thú vật, ăn thịt, uống rượu và dộng đầu học trò cho đến lúc họ giác ngộ mới thôi. Ngay cả Patrul Rinpoche, vị đại sư vô thượng của phía Đại Thành trong thế kỷ 19 cũng được đối xử như thế. Doe Khyentse đã chụp lấy chàng Patrul đúng lúc, tấn công chàng và cho chàng một kinh nghiệm giác ngộ không bao giờ quên. Cả đám Tăng sĩ hết sức hồi hộp không biết vị đạo sư khác đời này sẽ làm gì đây. Họ nín thở ngồi nhìn Doe Khyentse. Thay vì để tay lên đầu chủ lễ để ban phép, Doe Khyentse chỉa khẩu súng lên mây, bắn một phát. Tiếng nổ làm chủ lễ choáng người. Ông và cả đám co người lại, trong đầu trống rỗng, bị ném lui vào tự tính, vốn không hề có luật gì cả. Kẻ nào lưu trú được trong trạng thái này, kẻ đó có thể thấy sự vật không bị biến chiếu của đầu óc che đậy. Trạng thái này được gọi là Đại ngộ. Vị đại sư nhìn sơ qua đã biết ngay trong đám ai là kẻ đã tỉnh giác và giác ngộ, ai là người còn cần vài tiếng súng nữa. Vị chủ lễ vẫn quì, mắt nhắm nghiền và mỉm cưòi như một vị Phật. Một vị Tăng khác được đánh thức, cười mãi không thôi. Một vị thứ ba khóc vì sung sướng. Nhiều vị khác xem ra không thay đổi gì cả. Nhưng mắt một vị đại sư là mắt Thánh nhân, Ngài thấy hết. Ngài xoay người đi thẳng vào rừng, không nói một tiếng, trước khi cả đám người làm Ngài phiền nhiễu bằng những lời cám ơn.

    Tại sao Doe Khyentse lại sống như một dị nhân trong rừng trong núi? Nhiều ngưòi trong đám đó tự hỏi như thế sau khi ngài bắn phát súng bỏ đi. Câu trả lời là câu hỏi ngược lại: Ai biết được điều đó ?. Đạo lộ của những thánh nhân thì không thể thăm dò tới nơi !.

    “Nắng vàng nhuộm thắm đồi xanh,
    Gió ngàn thoáng lại bức mành nhà ai”.


    Huyền Mơ 1953



  13. The Following User Says Thank You to Thanh Mai For This Useful Post:

    votam (07-26-2017)

  14. #88
    HOA Avatar của Thanh Mai
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.948
    Thanks
    594
    Thanked 287 Times in 173 Posts


    61. Người vợ thích hợp



    Một vị Lạt-ma thực hành thiền định và bỗng thấy xuất hiện một linh ảnh. Ông cầu mong được chỉ giáo những gì phải làm trong giai đoạn sắp tới và linh ảnh chỉ rõ ông phải làm gì. Vị Lạt-ma gọi ba người thân nhất đến và nói: “Ta phải tìm cho ta một bà vợ thích hợp, một người đàn bà mà ta cùng nàng đạt tri kiến toàn vẹn. Linh ảnh vừa báo cho ta biết nàng đang ở trong một thung lũng gần đây và đang đợi ta”.

    Ba đệ tử này gật đầu nhưng hơi ngạc nhiên về thầy mình, vì ông áp dụng phép Mật tông này xem ra quá trễ. Đó là phép tu Tantra, trong đó người đàn ông tìm được chính mình nơi ngưòi đàn bà và ngược lại. Vị Lạt-ma mô tả người đàn bà như sau: “Hãy đi từ thung lũng này qua thung lũng khác và kiếm cho ra nàng, đó là nữ hoàng của Trí tuệ uyên nguyên, hiện thân làm người. Nàng này năng lực huy hoàng như năng lực thiên nhiên, nhưng năng lực đó bị che kín. Hãy đem nàng đến cho ta, nàng chỉ đợi một dấu hiệu từ phía ta”.

    Trong lúc các học trò đi tìm kiếm thì vị Lạt-ma hầu như liên tục thiền định trước bàn thờ. Sau ba ngày thì ba Tăng sĩ nọ về nhà tay không. “Đâu, người bạn đồng hành của ta đâu, người chỉ dành riêng cho ta?”, đạo sư hỏi ngay.

    “Chúng con tìm hoài mà không thấy ngưòi đàn bà như thầy mô tả, dù gần giống cũng không có”, học trò trả lời rụt rè. “Chỉ có một người đốn củi tồi tàn xấu xí, tuổi đã trung niên, nhưng có sức mạnh của trời đất ban cho. Nhưng bà ta một mắt bị mù, mặt mày dơ bẩn, tay vung một con dao đã cũ, ai nhìn cũng phải sợ. Bà ta không cho chúng con lại gần, không sao nói chuyện được. Ngoài ra không thấy ai nữa cả.”

    “Đúng bà ấy rồi”, vị Lạt-ma kêu lên mừng rỡ, học trò ngớ người đứng nghe. “Người đó, các ngươi chỉ thấy dạng ma quái của người, đó không ai khác hơn là vị nữ thần một mắt Ekajati trong nhân trạng, vị nữ thần có thân một bên là nữ, một bên là nam; và chỉ một mắt, vì nàng chỉ nhìn thấy Nhất thể. Hãy đem nàng đến ngay cho ta. Hình dáng nàng thế nào cứ mặc”.

    Các học trò lo ngại không biết làm sao nói với bà già. Cuối cùng họ cũng làm được một điều là trao quà cưới của thầy cho bà đó. Quà gồm có một tấm khăn trắng mà bà già chỉ sờ một cái rồi để qua một bên. Ba ngày hôm sau, vị Lạt-ma thân hành đến lều bà già, trong đó bà già sống độc cư từ nhiều năm nay với một con trâu và một con dê. Vị Lạt-ma chỉ nhìn vào mắt bà đã biết, bà chính là một nữ thần của trí huệ uyên nguyên. Ông kính cẩn cúi đầu ba lần trước hình dạng tồi tàn này và xin bà hãy truyền cho phép tu, phép này không thể dùng văn tự mà diễn tả được.

    Rồi bà già đốn củi thành hôn với vị Lạt-ma, cuộc đời họ hầu như nở hoa và ngày càng giàu có, cái giàu có không đo bằng vàng bạc. Và không phải chỉ có vị Lạt-ma mới được hưởng lộc này. Bất cứ ai chấp nhận được năng lực của vị Nữ thần này lúc bà hiện diện thì đều được truyền cho những tri kiến và cảm khái vô tận.

    “Nắng vàng nhuộm thắm đồi xanh,
    Gió ngàn thoáng lại bức mành nhà ai”.


    Huyền Mơ 1953



  15. #89
    HOA Avatar của Thanh Mai
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.948
    Thanks
    594
    Thanked 287 Times in 173 Posts


    62. Người kên kên



    Một tu sĩ ngồi trong thế liên hoa bên cạnh một nhà chứa xác và thiền quán về tính chất vô thường của sắc thân. Xung quanh toàn là thân người chết, chân tay ngổn ngang. Đó là thời xa xưa, lúc người ta chưa hỏa thiêu hay chôn cất, vì tại Tây Tạng, gỗ là của quý và mùa đông hầu như không kiếm ra. Ngoài ra người ta còn tin rằng, khi cho xác mình để thú vật ăn thì đó là hành động bố thí tốt đẹp cuối cùng của đời người.

    Một đàn chim kên kên bay lại, xem ra vui sướng với xác người. Đó là những con chim khổng lồ, đen từ đầu đến chân, kêu quang quác bên cạnh xác ngưòi làm vị tu sĩ khó lòng nhập định. Tu sĩ tức giận lấy một viên đá ném trúng cánh một con chim, vài sợi lông đen rơi lả tả.Đàn chim bay lên cao. Sau khi sự yên lặng trở lại, người tu sĩ bắt đầu tụng Kinh, giọng tụng ngân nga cầu siêu cho người chết, truyền cho người chết cái ấm áp tâm thức và năng lực sống của mình.

    Vài tháng sau người tu sĩ du hành một mình qua một vùng núi non ít người ở. Ông đang tìm cách khất thực, dồn ít thức ăn để có thể thiền nhập hai tuần liền không phải gián đoạn. Từ xa ông thấy cái làng nhỏ với vài mái lều đá. Ông đang đói ghê người, tưởng tượng dân làng toàn những ngưòi chăn trâu mộc mạc sẽ coi trọng một tu sĩ như ông và sẽ dâng cúng nhiều thức ăn.Gần đến nơi, ông đánh trống rung chuông và tụng đọc kinh Chod, kinh cúng dường, trong đó tín đồ mang cả thịt xương của chính mình ra cúng, nhằm chứng tỏ mình không còn bị trói buộc nơi sắc thân này nữa.Vừa tụng ông vừa gõ cửa lều đầu tiên. Cửa mở. Lời tụng của vị tu sĩ im bặt. Trước mắt ông là một người đàn ông cổ dài, gầy nhom, giương đầu ra như một con kên kên tìm mồi. Thân người ông quấn trong một cái áo dài rách mướp, tay cầm một cục đá to.“Chính ngươi, đồ tu sĩ giả mạo”, ngưòi đó gầm gừ. Trước khi người tu sĩ nói được điều gì, người đó vén áo qua một bên, cho thấy vết thương trên áo chưa lành. “Xương vai ta bây giờ còn đau! Hãy im ngay cái bài tụng cúng dường đó, nếu không ta đập ngươi ngay tại chỗ và sẽ ăn thịt ngươi ngay, kể cả ruột gan phèo phổi”.

    Người đàn ông nói xong rụt đầu lại, xong lại nhanh như chớp giương đầu ra như muốn mổ vào mặt tu sĩ. Ngưòi tu sĩ sợ hãi thụt lui vài buớc, nhưng bây giờ người đàn ông bỗng mỉm cười thân thiện, nheo một mắt. Sau đó ông đóng cửa lại đánh rầm. Người tu sĩ hôm đó ôm bụng đói đi ngủ, ông chịu nhịn và tâm ông quanh quẩn với câu hỏi: “Một con kên kên phải chăng có thể biến thành thầy dạy và ngược lại? Hay đó chỉ là phản chiếu của tâm ta? Dù tất cả đều do tâm tưởng tượng, phải chăng đó cũng là một bài học? Người kên kên đó thực tế là ai? Và nhất là: ta là gì, ta là ai?”

    “Nắng vàng nhuộm thắm đồi xanh,
    Gió ngàn thoáng lại bức mành nhà ai”.


    Huyền Mơ 1953



  16. #90
    HOA Avatar của Thanh Mai
    Tham gia ngày
    Jun 2015
    Bài gửi
    1.948
    Thanks
    594
    Thanked 287 Times in 173 Posts


    63. Doe Khyentse la mắng tử thi






    Doe Khyentse đã cứu độ vô số người, thường bằng những phương thuốc kỳ khôi nhất. Một trong những học trò đặc biệt của ngài là Dodrup Chen đệ nhị (22), thân tái sinh của Dodrup Chen đệ nhất, mà vị này lại là thầy dạy của Doe Khyentse. Dodrup Chen đệ nhất mất năm 1821. Vài chục năm sau, tâm thức từ bi của ngài trở về trái đất và được các Lạt-ma cao cấp nhận biết. Và số phận kỳ diệu đưa đẩy, chàng Dorup Chen thứ hai lại theo học với Doe Khyentse vốn ngày xưa là học trò của mình.

    Một vị tái sinh thường chỉ cần ít thời gian để phát huy lại khả năng sẵn có của mình và vì vậy thường làm cho thầy bạn xung quanh kinh ngạc. Dorup đệ nhị là một trong những thần đồng, với sự hướng dẫn đúng đắn, có thể phát triển nhanh chóng và sớm đạt những điều then chốt trong đời. Dorup đệ nhị là một thanh niên trẻ khi chàng vừa thiết lập một tu viện Dorup Chen tại Golok. Tất nhiên người ta đã hướng dẫn chàng thành Tăng sĩ và nghĩ vị tái sinh của đạo sư phái Đại Thành sẽ thành viện trưởng. Thế nhưng, dù có nhiều người thất vọng, chàng cương quyết từ chối, không theo qui định Tăng sĩ, không chịu mọi hạn chế gì nữa. Tuy thế người ta vẫn một lòng tin nơi vị tái sinh trẻ tuổi mặc cho chàng từ chối, tu viện vẫn cứ để chàng yên.Tới lúc Dorup đệ nhị lấy vợ và lui tới với vợ ngay cả trong viện thì tu viện mới mời chàng đi nơi khác, mặc dù ai cũng biết chàng trai này có nhiều quyền thuật và nhất là biết cách truyền tâm thức cho người chết lên một cõi cao hơn, giỏi hơn bất cứ người nào.

    Sau đó, Dorup đi Dartsay-Doe, một thị trấn gần biên giới Trung Quốc và trở thành đạo sư của lãnh chúa vùng đó. Thời gian sau, một bệnh dịch lan tràn làm nhiều người chết. Dorup Chen liền tìm mọi cách có thể để tìm hiểu nguyên nhân và chận đứng dịch bệnh. Cuối cùng, không có kết quả, chàng dùng phép Tonglen(36), thời đó là một bí truyền. Với phép đó, hành giả tự đặt mình vào người bệnh và rước bệnh qua mình. Bệnh dịch biến mất nhưng Drdrup Chen bây giờ mang bệnh đậu mùa. Trước khi chàng chết, nhiều vị Lạt-ma của tu viện DodrupChen ngày trước tới bên giường, dường như muốn tiễn đưa người bạn đồng môn lần cuối. Thực tế là các vị đó đến xin Dodrup Chen khi chết đừng biều diễn thần thông gì, đừng tỏ vẻ gì là một vị đắc đạo, để tu viện khỏi mang tiếng xấu đã đuổi một vị đắc đạo ra khỏi cửa, chỉ vì ngày xưa chàng xử sự không đúng phép tắc.Dodrup gật và hứa với các vị Lạt-ma điều đó. Các vị sắp sửa lên đường về Golok thì dân vùng thị trấn Dartsay-Doe xin các vị ở lại vài ngày để làm lễ an táng cho Dodrup với đầy đủ nghi thức.Không bao lâu sau triệu chứng sắp chết xuất hiện. Dodrup thân nóng hổi, lăn qua trở lại trên giường bệnh. Chàng cào cấu khắp nơi và cuối cùng chết trong sự kiệt sức.Các vị sứ giả của tu viện Dodrup Chen cúi đầu xấu hổ. Các vị tỏ vẻ tiếc tuổi chàng chết quá sớm, nhưng thực tế là vui mừng vì tu viện không phải mang tiếng xấu. Họ vừa định ra khỏi phòng, định làm một lễ hỏa táng nhỏ thì bỗng nhiên Doe Khyentse tung cửa đi vào. Như mọi lần, lúc nào ngài cũng mặc áo da và cầm một khẩu súng trong tay.Các vị Lạt-ma sợ hãi bước lui một bước nhưng Doe Khyentse không thèm nhìn tới. Ngài đã hiểu ngay sự tình, đưa mắt nhìn tử thi, hỏi lớn: “Hê, ngươi nghĩ thế nào đây. Thật sự ngươi muốn là một tên lây bệnh vô tích sự nằm chết ở đây hay sao?” Doe Khyentse bật lên tiếng cười và nói tiếp: “Nghe đây, không một đạo sư Đại Thành nào của trường phái chúng ta lại chịu chết như ngươi cả. Nào, ngồi đây, ngồi đây ngay ngắn xem. Hãy bày tỏ sự thật của nội tâm ngươi.”

    Tiếng quát tháo của Doe Khyentse làm mọi người chạy đến. Họ chen chúc bên cửa và chứng kiến một chuyện lạ.Doe Khyentse nhìn tử thi la lối lần nữa. Một phút trôi qua mà chưa có gì xảy ra. Bỗng nhiên xác chết nhảy dựng lên, tréo chân ngồi theo thế liên hoa, nhấc bổng khỏi đất khoảng nửa mét. Quanh đầu người chết, ánh sáng ngũ sắc tỏa ra, có tiếng nhạc êm dịu hầu như phát ra đâu đó. Trong vòng một dặm, không gian hầu như biến đổi, có những rung động kỳ lạ, thiên giới hình như nghiêng mình xuống chào hỏi. Các người hiện diện bắt đầu nức nở. Doe Khyentse vỗ tay, tiếng vang như sấm.

    Sau đó tu viện Dodrup Chen nghe tin này, họ nửa cười nửa khóc. Dodrup Chen đệ nhị đã chết như một vị đại sư đắc đạo và được an táng đúng nghi thức, dù cho các bạn đồng môn không hề biết hết sự đóng góp của người chết.

    “Nắng vàng nhuộm thắm đồi xanh,
    Gió ngàn thoáng lại bức mành nhà ai”.


    Huyền Mơ 1953



Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Chủ đề tương tự

  1. Nấm lim xanh Tiên Phước chữa bệnh tiểu đường
    Gửi bởi ngokinh18 trong mục Chia sẻ những bài thuốc hay
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 08-30-2016, 05:30 PM
  2. Tuyển tập nhạc thiền Phật Giáo tỉnh tâm an lạc
    Gửi bởi bachkim24h trong mục Âm nhạc Phật giáo
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 08-08-2016, 10:15 AM
  3. Niệm Phật kết hợp với nấm lim xanh chữa bệnh ung thư vú
    Gửi bởi chuvanduyhn91 trong mục Chia sẻ những bài thuốc hay
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 06-09-2016, 11:34 AM
  4. Tuyển tập các ca khúc mùa vu lan 2015
    Gửi bởi Đức Tâm trong mục Âm nhạc Phật giáo
    Trả lời: 7
    Bài cuối: 08-22-2015, 04:39 PM

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •