Cách đây trên hai ngàn năm, trong thành phố Sravasti ở Ấn Độ có một gia đình Bà-la-môn sinh được hai người con trai. Người con cả có trí thông minh hiếu học, còn đứa em tên là Chunda (Châu lợi Bàn Đặc) thì rất kém, không biết đọc, biết viết, tất nhiên không thể làm tròn trách nhiệm người con thuộc một gia đình tu sĩ.
Sau khi người cha mất, hai người con trai gặp một đệ tử của Phật Cồ-đàm và không bao lâu sau người con lớn trở thành thành tu sĩ được theo chân đức Phật và được gia nhập giáo hội. Trong lúc đó Chunda cũng lui tới, nhưng chỉ biết giành ăn với chó mèo mà thôi.Người anh lớn hỏi ý kiến A-nan, người hầu cận thân tín của Phật, rằng liệu một kẻ có trí khôn tệ hại như Chunda được phép gia nhập tăng già chăng. A-nan nói “Đem em ngươi lại cho đạo sư và trực tiếp hỏi ý kiến của Ngài”.
Lúc đầu Chunda không dám lại gặp Phật vì tự thấy không xứng đáng và quá ngu dốt, nhưng nhờ ông anh chỉ rằng giáo pháp này lấy lòng từ bi làm chính, nên cuối cùng Chunda mới chịu. Chunda đến gặp Phật một cách sợ sệt, theo giờ hẹn sẵn, lúc Phật đang tiếp chuyện trong một vườn cam. Chỉ nhìn qua, Phật Cồ-đàm đã thầy ngay tính khiêm tốn và lòng nhân hậu của con người trẻ tuổi này và cho phép A-nan thu nhận làm môn đồ.
A-nan khai thị Chunda bằng bài kệ:
“Xa lánh mọi tư tưởng xấu, cái có thể mang lại hành động xấu.
Tha thiết quên mình và sẵn lòng phụng sự,
Tránh không bám giữ nơi cái Ngã.
Thanh tịnh, tỉnh giác và trong sạch, đúng như tự nhiên,
Thì không có khổ não nào có thể xâm lấn.
Đó là đạo lý của người giác ngộ.”