KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐAQuyển 478__________________________________________________ ______________________________________
LXXXIV. PHẨM NÓI THẬT
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:
- Bạch đức Thế Tôn! Có người thật thấy đã không tạp nhiễm và không thanh tịnh, có người chẳng thật thấy cũng không tạp nhiễm và không thanh tịnh. Vì sao vậy? Vì tất cả pháp vô sở hữu.
Bạch đức Thế Tôn! Có người thật nói đã không tạp nhiễm và không thanh tịnh, có người chẳng thật nói cũng không tạp nhiễm và không thanh tịnh. Vì sao vậy? Vì tất cả pháp không có tự tánh.
Bạch đức Thế Tôn! Pháp không có tự tánh là không tạp nhiễm và không thanh tịnh. Pháp có tự tánh cũng không tạp nhiễm và không thanh tịnh. Các pháp có tự tánh và không có tự tánh cũng không tạp nhiễm và không thanh tịnh. Vì sao vậy? Vì tất cả pháp đều dùng vô tánh làm tự tánh vậy.
Bạch đức Thế Tôn! Nếu người thật thấy và người thật nói không nhiễm không tịnh, người chẳng thật thấy và người chẳng thật nói cũng không nhiễm không tịnh, thì tại sao đức Thế Tôn có lúc nói có pháp thanh tịnh?
Phật bảo:
- Này Thiện Hiện! Ta nói tất cả pháp tánh bình đẳng là pháp thanh tịnh.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:
- Bạch đức Thế Tôn! Sao gọi tất cả pháp tánh bình đẳng?
Phật bảo:
- Này Thiện Hiện! Vì các pháp Chơn như, pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới như hư không, cảnh giới bất tư nghì, dù có Phật ra đời hay không có Phật ra đời thì tánh tướng của các pháp vẫn thường trụ. Đấy gọi là tất cả các pháp tánh bình đẳng. Tánh bình đẳng đây gọi là pháp thanh tịnh. Đây nương vào thế tục nói là thanh tịnh, chẳng phải nương vào thắng nghĩa. Vì sao vậy? Vì trong thắng nghĩa đế đã không có sự phân biệt, cũng không có hý luận, dứt bỏ tất cả đường danh tự, ngôn ngữ.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:
- Bạch đức Thế Tôn! Nếu tất cả pháp như mộng, như tượng, như tiếng vang, như quáng nắng, như ảo ảnh, như huyễn hóa và như thành Tầm hương, tuy hiển hiện như có nhưng không thật có, vậy làm sao các Đại Bồ-tát nương vào pháp chẳng thật có đây để phát tâm hướng tới Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, bằng lời thệ như vầy: Ta sẽ viên mãn bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. Ta sẽ viên mãn thù thắng thần thông Ba-la-mật-đa. Ta sẽ viên mãn phương tiện thiện xảo, diệu nguyện, lực, trí Ba-la-mật-đa. Ta sẽ viên mãn bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Ta sẽ viên mãn bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo. Ta sẽ viên mãn pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện. Ta sẽ viên mãn tám giải thoát cho đến mười biến xứ. Ta sẽ viên mãn nội Không cho đến vô tính tự tính Không. Ta sẽ viên mãn chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì. Ta sẽ viên mãn Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo. Ta sẽ viên mãn Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa. Ta sẽ viên mãn tất cả môn Đà-la-ni, môn Tam-ma-địa. Ta sẽ viên mãn năm loại mắt, sáu phép thần thông. Ta sẽ viên mãn mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Ta sẽ viên mãn pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả. Ta sẽ viên mãn trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Ta sẽ viên mãn ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của bậc Đại sĩ. Ta sẽ phát khởi vô lượng quang minh chiếu khắp mười phương vô biên thế giới. Ta sẽ phát khởi âm thanh vi diệu biến khắp mười phương vô biên thế giới, tùy theo tâm, tâm sở pháp của các hữu tình hiểu biết khác nhau mà nói nhiều thứ pháp môn vi diệu khiến được lợi vui?