DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 3/3 ĐầuĐầu 123
Hiện kết quả từ 21 tới 26 của 26
  1. #21
    NỤ Avatar của lavinhcuong
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    410
    Thanks
    302
    Thanked 508 Times in 134 Posts


    Bài 32.

    Tổ Bà-Xá-Tư-Đa (Basiasita) 婆舍斯多


    Ngài là vị Tổ thứ 25 (đầu thế kỷ thứ mười) sau Phật Niết-bàn.

    Ngài dòng Bà-la-môn người nước Kế-Tân, cha hiệu Tịch-Hạnh , mẹ là Thường-An-Lạc. Một hôm, bà Thường-An-Lạc nằm mộng thấy lượm được cây kiếm thần, sau đó có thai Ngài. Khi sanh ra, Ngài nắm chặt bàn tay trái mãi, cho đến gặp Tổ Sư-Tử mới xoè ra. Ngài được cha mẹ cho phép xuất gia theo hầu Tổ Sư-Tử. Tổ Sư-Tử vì nợ trước phải trả nên truyền tâm ấn xong, bảo Ngài phải sang Nam-Ấn.

    Ra khỏi nước Kế-Tân, Ngài đến Trung-Ấn.Vua nước nầy hiệu Ca-Thắng ra đón tiếp Ngài. Trong nước nầy trước có chúng ngoại đạo giỏi pháp thuật, ỷ tài khinh chê Phật pháp, người cầm đầu tên Vô-Ngã. Vua thấy thế bất bình, muốn thỉnh Ngài chiết phục chúng. Vua mở hội nghị luận, chính vua làm chủ tọa. Vô-Ngã đến hội đề xướng mặc luận, không dùng lời nói.

    Ngài chống: -Nếu chẳng dùng lời làm sao phân biệt hơn thua ?

    Ngoại đạo nói: -Chẳng tranh hơn thua chỉ lấy nghĩa ấy.

    Ngài hỏi: -Cái gì là nghĩa ?

    Ngoại đạo đáp: -Không tâm là nghĩa.

    Ngài hỏi: -Ngươi đã không tâm thì đâu thành nghĩa ?

    –Tôi nói không tâm chính là danh chẳng phải nghĩa.

    Ngài nói: -Ngươi nói không tâm chính là danh chẳng phải nghĩa, ta nói phi tâm chính là nghĩa chẳng phải danh.

    –Chính là nghĩa chẳng phải danh thì ai hay biện được nghĩa ?

    Ngài bảo: -Ngươi nói chính là danh không phải nghĩa, thì danh nầy là danh gì ?

    –Vì biện cái phi nghĩa nên không danh mà đặt danh.

    Ngài bảo: -Danh đã phi danh thì nghĩa cũng phi nghĩa, người biện là ai và biện vật gì ?

    Bàn qua luận lại như thế đến hơn năm chục lần, ngoại đạo mới bặt lời nép phục. Bỗng trong vương cung có mùi hương lạ bay đến, Ngài chợt nói: "Đây là tin đưa đến, thầy ta đã tịch". Ngài liền xây mặt về hướng Bắc chấp tay đảnh lễ.

    Lễ xong, Ngài nói với vua: -Khi tôi mới đi, thầy dạy qua Nam-Ấn, nay ở lại đây đã lâu là trái ý thầy, xin tạm biệt Đại-Vương sang nơi ấy.Vua và quần thần đồng tiển Ngài sang Nam-Ấn.

    Vua nước Nam-Ấn hiệu là Thiên-Đức nghe tin Ngài sang cũng sửa sang xe giá ra đón tiếp, thỉnh Ngài về hoàng cung. Nhơn vua có hai Thái-tử, vị lớn là Đức-Thắng thì thân thể mạnh khỏe mà tánh tình hung bạo, còn em thì hiền lành mà bệnh hoạn liên miên, sẵn dịp vua hỏi Ngài.

    Vua hỏi: -Con tôi kính thờ Phật pháp, ưa làm việc lành, mà sao lại mắc bệnh kinh niên, vậy lẽ báo ứng lành dữ như thế nào ?

    Ngài đáp: -Bệnh của Thái-tử là do công đức phát sanh. Song lý sâu xa nầy Đại-Vương phải khéo nghe. Phật dạy người có nghiệp nặng nơi thân, ví như bệnh nội thương quá nặng, uống thuốc không có công hiệu, sắp chết bệnh càng hoành hành. Nếu là bệnh nhẹ, gặp thuốc liền bớt, bớt rồi từ từ mạnh. Người nghiệp nặng cũng vậy, tuy có công đức mà không làm gì được, đến lúc gần chết nghiệp lại càng hiện. Nếu nghiệp nhẹ, làm các việc công đức, nghiệp trước liền hiện, trả xong sau sẽ thanh tịnh. Hiện nay Thái-tử làm việc thiện mà bị bệnh lâu, hẳn là do làm các công đức nên phát ra nghiệp nhẹ nầy. Hiện nay tuy có khổ nhỏ,về sau sẽ an ổn. Kinh đã nói: "Nếu phải chịu nghiệp báo trong ba đường ác, nguyện đời nầy trả xong, để khỏi vào đường ác". Vua còn nghi gì ư ?

    Vua Thiên-Đức tín nhận, càng phát tâm làm phước. Sau đó, Ngài từ giả nhà vua đi hoằng hóa nơi khác. Mười sáu năm sau, vua Thiên-Đức băng, Thái-tử Đức-Thắng lên nối ngôi. Vua Đức-Thắng tin theo ngoại đạo, chú thuật, nghe lời xúi dục của chúng, muốn làm khó Ngài. Thái-tử con vua Đức-Thắng tên Bất-Như-Mật-Đa biết được ác ý đó, liền đến can vua.

    Thái-tử thưa: -Tôn-giả Bà-Xá-Tư-Đa xưa kia được ông nội kính trọng, nhiều người muốn hại còn không thể được, đạo đức của Ngài rất cao, xin phụ hoàng đừng làm khó Ngài.

    Vua Đức-Thắng nổi giận cho Thái-tử theo phe Tôn-giả Bà-Xá-Tư-Đa liền bắt hạ ngục. Sau vua cho thỉnh Ngài vào chánh điện.

    Vua cật nạn: -Nước tôi không có pháp tà, thầy tu học về Tông phái nào ?

    Ngài đáp: -Tôi tu học theo tâm tông của Phật.

    Vua hỏi: -Phật diệt độ đã một ngàn năm, thầy làm sao được tâm tông của Phật ?

    Ngài đáp: -Từ Phật truyền cho Tổ Ca-Diếp đã trải qua 24 đời đến thầy tôi là Tổ Sư-Tử, tôi được người truyền lại.

    Vua hỏi: -Tôn-giả Sư-Tử đã bị giết, đâu thể đem pháp truyền cho thầy ? Nếu thầy thật được truyền thì lấy gì làm tin ?

    Ngài đáp: -Thầy tôi truyền bát và trao y Tăng-già-lê để làm tin, hiện nay vẫn còn.

    Ngài liền lấy y đưa cho vua xem. Vua vẫn không tin bảo đem lửa đốt. Khi lửa cháy, y hiện năm sắc hào quang. Lửa tắt, y vẫn còn nguyên như cũ. Vua mới tin nhận, xin sám hối tạ tội. Đồng thời, vua truyền lệnh tha Thái-tử.

    Sau khi được thả, Thái-tử Bất-Như-Mật-Đa quyết chí xuất gia, xin phép vua cha được như nguyện. Vua thấy không thể ngăn được chí Thái-tử, nên đành phải cho. Thái-tử đến yết kiến Ngài xin cho làm đệ tử xuất gia.

    Ngài hỏi: -Nhà vua bằng lòng chăng ?

    Thái-tử thưa: -Phụ vương bằng lòng.

    Ngài hỏi: -Ông muốn xuất gia để làm việc gì ?

    Thái-tử thưa: -Con muốn xuất gia để làm việc Phật.

    Ngài thấy Thái-tử tha thiết cầu đạo, liền nhận cho xuất gia. Sau sáu năm, Ngài triệu thỉnh các vị thánh chúng vào vương cung truyền giới cho Bất-Như-Mật-Đa. Giờ truyền giới đó có nhiều điềm lành ứng hiện, toàn hội đều hoan hỷ.

    Một hôm, Ngài gọi Bất-Như-Mật-Đa đến dặn dò: -Ta đã già lắm, chẳng bao lâu sẽ rời cõi nầy, xưa đại pháp nhãn tạng của Như-Lai, nay ta trao lại cho ngươi. Hãy nghe ta nói kệ:

    Thánh nhơn thuyết tri kiến,
    Đương cảnh vô thị phi,
    Ngã kim ngộ kỳ tánh,
    Vô đạo diệc vô lý .
    (*)

    (Thánh nhơn nói tri kiến,
    Ngay cảnh không phải quấy,
    Nay ta ngộ tánh ấy,
    Không đạo cũng không lý).


    Bất-Như-Mật-Đa thọ pháp xong, thưa: -Còn y Tăng-già-lê thầy không truyền cho con, là sao vậy ?

    Ngài bảo: -Xưa ta được truyền y vì thầy ta bị nạn truyền pháp không rõ ràng. Nay ngươi được truyền, mọi người đều biết, cần y làm gì ? Chỉ cần hóa đạo.

    Nói xong, Ngài thị hiện thần biến rồi vào Niết-bàn. Đồ chúng lượm xá-lợi xây tháp thờ.

    ----------------

    Phụ chú :

    (*)


    聖人說知見  
    當境無是非
    我今悟真性  
    無道亦無理


    NAM MÔ ĐẠI TUỆ VĂN THÙ SƯ LỢI BỒ TÁT

  2. #22
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts


    Thị phi
    (Đúng sai).






    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  3. #23
    NỤ Avatar của lavinhcuong
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    410
    Thanks
    302
    Thanked 508 Times in 134 Posts


    Bài 33.

    Tổ Bất-Như-Mật-Đa (Punyamitra) 不如蜜多


    Ngài là vị Tổ thứ 26 (giữa thế kỷ thứ mười) sau Phật Niết-bàn.

    Ngài dòng Sát-Đế-Lợi ở Nam-Ấn, con vua Đức-Thắng. Lúc bé, Ngài đã sùng mộ Phật giáo, tánh tình thuần lương, thông minh xuất chúng. Vì can thiệp với vua cha về việc hại Tổ Bà-Xá-Tư-Đa, Ngài bị hạ ngục. Sau khi được thả, Ngài lấy cớ bệnh, từ ngôi Thái-tử, xin xuất gia với Tổ Bà-Xá-Tư-Đa. Sau đó, Ngài được Tổ truyền tâm ấn, đi giáo hóa các nơi.

    Ngài sang Đông-Ấn hoằng hóa. Vua nước nầy hiệu Kiên-Cố đang tin trọng các thầy Phạm-Chí. Hay tin Ngài vào nước nầy, chúng Phạm-Chí họp nhau bàn mưu hãm hại.

    Thầy bọn Phạm-Chí xin theo vua lên chỗ cao, ông chỉ xa hỏi vua: -Bệ hạ thấy gì không ? Phương-Tây có yêu khí, ắt ma vào nước.

    Vua đáp:-Không thấy, song có gì đáng ngại ?

    Phạm-Chi thưa: -Ma nầy đến thì quốc gia suy vong. Xin dâng kế với bệ hạ, chi bằng mình tiêu diệt trước đi.

    Vua đáp: -Chưa thấy họ có tội gì ? đâu thể nhẫn tâm hại được.

    Phạm-Chi lại tiến cử một đồ chúng giỏi chú thuật để theo vua trị ma.

    Ngài dự biết trước việc xảy đến nên dặn đồ chúng: -Ta đến thành nầy ắt có nạn nhỏ, các ngươi chớ sợ.

    Đến thành, Ngài xin vào yết kiến nhà vua. Vừa gặp, vua liền hỏi: -Thầy đến đây làm gì ?

    Ngài đáp: -Tôi đến đây vì độ chúng sanh.

    Vua hỏi: -Sẽ lấy pháp gì ? độ những loài chúng sanh nào ?

    Ngài đáp: -Tùy mỗi loài kia dùng pháp độ họ.

    Vua hỏi: -Nếu có người pháp thuật giỏi, thầy dám chống chăng ?

    Ngài đáp: -Phật pháp rất chơn chánh, dù Thiên Ma cũng hàng phục được, huống là yêu thuật mà chẳng dám chống sao ?

    Ngoại đạo nghe nói nổi nóng, liền dùng pháp thuật hóa quả núi lớn, hiện trên không ngay đầu Ngài, như chực sắp đè. Ngài lấy tay chỉ, quả núi bay lại trên đầu bọn Phạm Chí chúng hoảng sợ cầu Ngài cứu mạng. Ngài lấy tay chỉ, quả núi tan mất. Vua và chúng Phạm-Chí đều kính phục xin Ngài từ bi tha lỗi.

    Nhơn đó, Ngài đem yếu lý Phật pháp giảng giải cho vua nghe. Vua hiểu rõ, thêm lòng quí kính, thỉnh Ngài lưu lại trong hoàng cung. Ngài cũng cho nhà vua biết rằng trong nước nhà vua có một vị thánh nhơn sẽ nối tiếp Ngài truyền đạo.

    Nguyên trong nước nầy có một đồng tử con dòng Bà-la-môn. Cha mẹ mất sớm, đồng tử ấy phải ăn xin để sống qua ngày. Đồng tử nầy tánh tình phóng khoáng lạ thường, không ai biết tên họ gì. Có khi đồng tử tự xưng là Anh-Lạc, nên dân chúng gọi là đồng-tử Anh-Lạc.

    Gặp lúc đồng tử đi nhanh, có người hỏi:-Sao anh đi nhanh vậy ?

    Đồng tử đáp: -Sao các người đi chậm quá.

    Có người hỏi:-Anh họ gì ?

    Đồng tử đáp: -Tôi với các người đồng họ.

    Một hôm, vua Kiên-Cố cùng Ngài Bất-Như-Mật-Đa ngồi chung xe đi sang thành Đông. Anh-Lạc ra đón, đứng trước xe làm lễ. Ngài nói với nhà vua:

    -Người nầy là thánh nhơn ở trong nước đại vương vậy.

    Ngài lại hỏi Anh-Lạc: -Ngươi nhớ việc xưa chăng ?

    Anh-Lạc thưa: -Tôi nhớ xưa đồng trong pháp hội, Tôn-giả giảng Bát-Nhã-Ba-La-Mật-Đa, tôi giảng Tu-Đa-La thậm thâm. Duyên xưa lại gặp, nên mới đón nhau đây.

    Ngài nói với vua: -Đồng tử nầy là hóa thân của Bồ-Tát Đại-Thế-Chí ra đời để nối dòng pháp cho tôi. Sau tôi sẽ có hai vị đại-sĩ ra đời, vị trước giáo hóa ở Nam-Ấn, vị sau có duyên với nước Trung-Hoa, nhưng ở bên ấy chín năm rồi trở về bổn quốc.

    Ngài bảo Anh-Lạc: -Do xưa ta giảng Bát-Nhã, ông thuyết Tu-Đa-La, nay lại gặp đây, nên lấy chữ Bát-Nhã-Đa-La đặt tên ngươi.

    Bát-Nhã-Đa-La lễ tạ, theo thầy xuất gia. Ngài ở Đông-Ấn ngót sáu chục năm hoằng truyền chánh pháp.

    Thấy cơ duyên sắp mãn, Ngài gọi Bát-Nhã-Đa-La đến dặn dò: -Xưa Như-Lai trao đại pháp nhãn tạng lần lượt truyền đến ta, nay ta đem truyền lại cho ngươi, ngươi nên lưu truyền chớ để dứt mất. Nghe ta nói kệ:

    Chơn tánh tâm địa tàng,
    Vô đầu diệc vô vĩ,
    Ứng duyên nhi hóa vật,
    Phương tiện hô vi trí .


    (Kho tâm địa chơn tánh,
    Không đầu cũng không đuôi,
    Hợp duyên tùy hóa vật,
    Phương tiện gọi là trí).
    (*)

    Ngài từ giả vua Kiên-Cố rằng: -Đại-vương gánh vác việc nước, ủng hộ Tam-Bảo đều được an ổn. Vì tôi hóa duyên đã hết, không vì quyến luyến ân đức đại vương mà ở lâu, nay tôi sắp đi, đại vương khéo bảo hộ Phật pháp.

    Ngài nói xong, trở lại chổ ngồi, thị hiện các thứ thần biến, rồi thị tịch. Vua và môn đồ xây tháp thờ xá-lợi.

    -----------------

    Phụ chú :

    (*)


    真性心地藏  
    無頭亦無尾
    應緣而化物  
    方便呼為智


    NAM MÔ ĐẠI TUỆ VĂN THÙ SƯ LỢI BỒ TÁT

  4. #24
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts


    Chơn Tánh.






    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  5. #25
    NỤ Avatar của lavinhcuong
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    410
    Thanks
    302
    Thanked 508 Times in 134 Posts


    Bài 34.

    Tổ Bát-Nhã-Đa-La (Prajnatara) 般若多羅


    Ngài là vị Tổ thứ 27 (cuối thế kỷ thứ mười) sau Phật Niết-bàn.

    Ngài dòng Bà-la-môn ở Đông-Ấn. Cha mẹ mất sớm, Ngài đi theo xóm ăn xin qua ngày, nếu có ai mượn làm việc gì, Ngài sẵn sàng làm tận lực mà không cần tiền, hành động và ngôn ngữ của Ngài lạ thường, người đời không lường được. Khi gặp Tổ Bất-Như-Mật-Đa nhắc lại duyên xưa, Ngài xin xuất gia, theo hầu Tổ và được truyền tâm pháp.

    Sau nầy, Ngài thống lãnh đồ chúng sang Nam-Ấn hoằng hóa. Vua nước nầy hiệu Hương-Chí hết lòng sùng kính Phật pháp. Vua sanh ba người con trai đều kính tin Phật pháp. Người con lớn tên Nguyệt-Tịnh-Đa-La thích tu pháp niệm Phật tam muội. Người thứ hai tên Công-Đức-Đa-La thích tu bố thí làm phước. Người thứ ba tên Bồ-Đề-La thích thông lý Phật, lấy việc xuất thế làm trên. Vua thỉnh Ngài về cung cúng dường, bảo ba vị Thái-tử ra đảnh lễ Ngài. Ngài biết ba vị Thái-tử đều ham tu, muốn nghiệm thử trí mỗi người thế nào. Sẵn nhà vua cúng dường hạt châu quý vô giá, Ngài lấy ra hỏi:

    -Ở đời còn có vật gì quý báu bằng hạt châu nầy chăng ?

    Nguyệt-Tịnh thưa: -Hạt châu nầy quý tột, ở đời không có gì hơn nó, chẳng phải trong nhà vua thì làm gì có hạt châu nầy.

    Công-Đức-Đa-La cũng đồng ý như vậy. Bồ-Đề-Đa-La thưa:

    -Châu nầy là của báu thế gian chưa đủ làm tột, trong các thứ báu chỉ có pháp bảo là tột. Đây là ánh sáng của thế gian, trong các thứ ánh sáng chỉ có ánh sáng trí tuệ là tột. Đây là trong sạch của thế gian, trong các thứ trong sạch, chỉ tâm trong sạch là trên hết. Nhưng ánh sáng của hạt châu nầy không thể tự chiếu, cần nhờ ánh sáng trí tuệ mới biện biệt được nó. Đã biện rõ mới biết là châu, đã biết là châu mới hiểu cái quý báu của nó. Nếu hiểu cái quý báu của nó, thì nó báu mà không biết báu. Nếu biện rõ nó là châu, thì nó châu mà chẳng tự biết châu. Châu mà chẳng tự biết châu, cần nhờ trí châu mới biện được thế châu. Báu mà chẳng tự biết báu, cần nhờ trí bảo mới rõ pháp bảo. Song mà, thầy tôi có đạo thì báu kia liền hiện. Chúng sanh có đạo thì tâm báu cũng thế.

    Ngài khen ngợi tài biện luận của Bồ-Đề-Đa-La. Lại hỏi thêm:

    _ Trong các vật, vật gì không tướng ?

    –Trong các vật, chẳng khởi là không tướng.

    –Trong các vật, vật gì là tối cao ?

    –Trong các vật, nhơn ngã là tối cao.

    –Trong các vật, vật gì là tối đại ?

    –Trong các vật, pháp tánh là tối đại.

    Ngài thầm vui biết là đại pháp khí sẽ nối dõi cho Ngài sau nầy. Một hôm, vua Hương-Chí hỏi Ngài:

    -Tôi thấy các thầy đều tụng kinh, tại sao Tôn-giả không tụng kinh ?

    Ngài đáp: Tôi hơi thở ra chẳng tiếp các duyên, hít vào chẳng ở trong ấm giới, thường tụng thứ kinh nầy trăm ngàn muôn ức quyển.

    Vua Hương-Chí băng, hai hoàng tử lớn và hoàng thân đều kêu khóc, duy Bồ-Đề-Đa-La ngồi nhập định chỗ quàn linh cữu suốt bảy ngày. An táng nhà vua xong, Bồ-Đề-Đa-La xin phép mẹ và hai anh theo Ngài Bát-Nhã-Đa-La xuất gia. Ngài thấy cơ duyên đã thuần thục nên nhận cho, rồi thỉnh thánh tăng làm lễ xuất gia thọ giới cho Bồ-Đề-Đa-La.

    Hôm nọ, Ngài gọi Bồ-Đề-Đa-La đến dặn dò:

    _ Đại pháp nhãn tạng của Như-Lai lần lượt truyền trao, nay ta trao cho ngươi, ngươi khéo truyền bá chớ cho đoạn dứt, nghe ta nói kệ:

    Tâm địa sanh chư chủng,
    Nhơn sự phục sanh lý,
    Quả mãn bồ-đề viên,
    Hoa khai thế-giới khởi.
    (*)

    (Đất tâm sanh các giống,
    Nhơn sự lại sanh lý,
    Quả đầy bồ-đề tròn,
    Hoa nở thế-giới sanh).


    Truyền pháp xong, Ngài hiện các thứ thần biến, rồi thị tịch.

    ----------------

    Phụ chú :

    (*)

    心地生諸種  
    因事復生理
    果滿菩提圓  
    華開世界起



    Hết Quyển 2

    NAM MÔ ĐẠI TUỆ VĂN THÙ SƯ LỢI BỒ TÁT

  6. #26
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts


    Liên Trì.







    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Chủ đề tương tự

  1. Trích đăng Truỳên Đăng Lục
    Gửi bởi lavinhcuong trong mục THIỀN TÔNG
    Trả lời: 42
    Bài cuối: 06-18-2015, 09:49 AM
  2. Truyền đăng lục ~ Hoạt hình Phật giáo
    Gửi bởi minhquang trong mục Video liên quan Phật giáo
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 06-17-2015, 10:03 PM

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •