DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 1/3 123 CuốiCuối
Hiện kết quả từ 1 tới 10 của 26
  1. #1
    NỤ Avatar của lavinhcuong
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    410
    Thanks
    302
    Thanked 508 Times in 134 Posts

    Trích đăng Truỳên Đăng Lục _ quyển 2



    Truyền Đăng Lục quyển đệ nhị .


    傳燈錄卷第二




    Bài 22.

    Tổ Ca-Na-Đề-Bà (Kanadeva) 迦那提婆



    Ngài là vị Tổ thứ 15 (cuối thế kỷ thứ sáu) sau Phật Niết-bàn.

    Ngài dòng Tỳ-Xá-Ly ở Nam-Ấn. Thuở nhỏ Ngài bẩm tánh thông minh, biện tài vô ngại, Ban sơ Ngài học phong tục trong nước, ưa làm việc phước thiện. Khi Tổ Long-Thọ đến nước nầy, Ngài tìm đến yết kiến. Tổ Long-Thọ muốn thử Ngài, sai đồ đệ múc một thau nước đầy để ở trước lối vào. Ngài đi qua lấy cây kim bỏ vào, rồi thẳng đến yết kiến Tổ.

    Thầy trò gặp nhau vui vẻ lãnh hội, khi Tổ Long-Thọ thuyết pháp hiện tướng vầng trăng tròn, Ngài thầm ngộ yếu chỉ. Ngài theo Tổ xuất gia và được truyền tâm ấn.

    Sau khi đắc pháp, Ngài vân du khắp nơi, lần lượt sang nước Ca-Tỳ-La để giáo hóa.Trong nước nầy có ông trưởng giả tên Tịnh-Đức sanh được hai người con trai, người cả tên La-Hầu-La-Điểm, người thứ tên La-Hầu-La-Đa. Ông hằng ngày chỉ săn sóc vườn tược. Hôm nọ, một cây trong vườn nẩy sanh thứ nấm lạ, ông nhổ về ăn thử, thấy rất ngon. Song chỉ ông và người con thứ hằng ngày đều nhổ được nấm ăn, ngoài ra không ai nhổ được. ông bảo con thứ: "Nấm cây nầy chỉ ta và ngươi được ăn, ắt là việc phi thường. Ước gì có ai thông hiểu giải thích cho việc này". La-Hầu La-Đa nói kệ:

    Thử mộc sanh kỳ nhĩ,
    Ngã thực bất khô khao,
    Trí giả giải thử nhơn,
    Ngã hồi hướng Phật đạo .


    (Cây nầy sanh nấm lạ,
    Con ăn rất ngon lành,
    Người trí giải nhơn nầy,
    Con xin theo Phật đạo).


    Chợt gặp Bồ-Tát Đề-Bà đến nhà, cha con ông Tịnh Đức vui mừng đem việc nầy ra hỏi.
    Ngài dạy :-Khi xưa lúc ông hai mươi tuổi thường mời một vị Tỳ-kheo về nhà cúng dường. Vị Tỳ-kheo ấy tuy có chút ít giới hạnh mà "con mắt pháp" chưa sáng, tâm không thấu lý, luống nhận sự cúng dường của ông. Song vị Tỳ-kheo ấy có chút ít tu hành nên khỏi sa vào đường ác, vẫn phải làm cây sanh nấm nầy để trả nợ cho ông. Xưa khi vị Tỳ-kheo ấy đến nhà ông, trong nhà chỉ có ông và người con thứ nầy thành kính cúng dường, còn bao nhiêu người đều không vui. Vì thế nên nấm hiện nay chỉ hai cha con ông được hưởng.

    Ngài lại bảo: -Ông nay được bao nhiêu tuổi ?

    Trưởng giả thưa: -Tôi được 79 tuổi.

    Ngài nói kệ :

    Nhập đạo bất thông lý,
    Phục thân hoàn tín thí,
    Nhữ niên bát thập nhất,
    Thử mộc bất sinh nhĩ.
    (*)

    (Vào đạo không thông lý,
    Đem thân đền tín thí,
    Trưởng giả tuổi tám mốt,
    Cây nầy không sanh nấm).


    Ông trưởng giả nghe nói xong, biết rõ duyên trước càng thêm thán phục, Ông thưa :-Tôi già yếu tuy muốn xuất gia e không kham theo thầy. Đứa con thứ của tôi hết lòng mộ đạo, tôi xin cho nó theo làm thị giả cho thầy, mong thầy dung nạp. Ngài hoan hỷ chấp nhận La-Hầu-La-Đa xuất gia và triệu tập các vị thánh tăng đến truyền giới.

    Ngài du hóa đến nước Ba-Liên-Phất gặp lúc ngoại đạo hưng thịnh Phật pháp lu mờ. Ngài đem hết khả năng chuyển hóa ngoại đạo trở về quy y Tam-Bảo, khiến xứ nầy Phật pháp hưng thịnh lại.

    Khi già yếu, Ngài gọi La-Hầu-La-Đa đến phó chúc pháp nhãn tạng và dặn dò đừng để đoạn diệt. Kế nói kệ :

    Bổn đối truyền pháp nhơn,
    Vị thuyết giải thoát lý,
    Ư pháp thật vô chứng,
    Vô chung diệc vô thủy.
    (**)

    (Xưa đối người truyền pháp,
    Vì nói lý giải thoát,
    Nơi pháp thật không chứng,
    Không có bắt đầu cũng không chấm hết).


    Dặn dò xong, Ngài nhập định ngồi nghiêm chỉnh thị tịch. La-Hầu-La-Đa và đồ chúng xây tháp cúng dường.

    Ngài là Bồ-Tát thứ ba làm nổi bật giáo lý Đại-Thừa. Những tác phẩm Ngài trước thuật :

    1.-Bách luận, 2.-Bách tự luận, 3.- Đại trượng phu luận, 4.-Đề-Bà Bồ-Tát phá Lăng-Già kinh trung ngoại đạo tiểu-thừa tứ tông luận, 5.- Đề-Bà Bồ-Tát thích Lăng-Già kinh trung ngoại đạo tiểu-thừa Niết-bàn luận…

    Những bộ luận trên nổi tiếng nhất là bộ Bách-luận và Đại-Trượng-Phu luận .

    _____________

    Chú thích :

    (*)


    入道不通理  
    復身還信施
    汝年八十一  
    此樹不生耳



    (**)

    本對傳法人  
    為說解脫理
    於法實無證  
    無終亦無始


    NAM MÔ ĐẠI TUỆ VĂN THÙ SƯ LỢI BỒ TÁT

  2. The Following User Says Thank You to lavinhcuong For This Useful Post:

    hoatihon (06-19-2015)

  3. Chủ đề tương tự

    1. Trích đăng Truỳên Đăng Lục
      Gửi bởi lavinhcuong trong mục THIỀN TÔNG
      Trả lời: 42
      Bài cuối: 06-18-2015, 09:49 AM
    2. Truyền đăng lục ~ Hoạt hình Phật giáo
      Gửi bởi minhquang trong mục Video liên quan Phật giáo
      Trả lời: 0
      Bài cuối: 06-17-2015, 10:03 PM
  4. #2
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts


    Ư pháp thật vô chứng





    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  5. The Following User Says Thank You to hoatihon For This Useful Post:

    lavinhcuong (06-19-2015)

  6. #3
    NỤ Avatar của lavinhcuong
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    410
    Thanks
    302
    Thanked 508 Times in 134 Posts


    Bài 24

    Tổ Tăng-Già-Nan-Đề (Sanghanandi) 僧伽難提


    (Ngài là vị Tổ thứ 17 (giữa thế kỷ thứ bảy) sau Phật Niết-bàn).

    Ngài là hoàng-tử con vua Bảo-Trang-Nghiêm ở thành Thất-La-Phiệt. Ngài sanh chưa bao lâu đã biết nói,mà thường nói việc Phật pháp. Năm bảy tuổi, Ngài chán thú vui ở đời, cầu xin xuất gia. Ngài nói kệ xin cha mẹ :

    Khể thủ đại từ phụ,
    Hòa nam cốt huyết mẫu,
    Ngã kim dục xuât gia,
    Hạnh nguyện ai mẫn cố .


    (Cúi đầu lễ cha lành,
    Nép mình lạy mẹ hiền,
    Nay con muốn xuất gia,
    Xin thương xót nhận cho) .


    Cha mẹ cố khuyên giải không cho. Ngài phải nhịn ăn nài nỉ cho kỳ được. Đối cùng cha mẹ thấy chí Ngài quá mạnh không sao ngăn nổi, nên cho xuất gia với điều kiện ở một ngôi nhà riêng trong hoàng cung. Vua thỉnh Sa-Môn Thiền-Lợi-Đa về dạy Phật pháp cho Ngài. Từ đây Ngài được pháp danh là Tăng-Già Nan-Đề. Ngài ở trong hoàng cung chín năm tu hành, mới được thọ giới cụ túc. Một hôm, Ngài tự cảnh tỉnh : -Ta đã thọ giới cụ túc mà còn ở trong nhà thế tục nầy sao ?
    Chợt một buổi chiều trời quang mây tạnh, Ngài nhìn thấy một con đường bằng phẳng, ở xa đầu kia lố dạng một ngọn núi xanh. Ngài liền cất bước nhắm hòn núi thẳng tiến. Ngài đi đến dưới núi mà trời chưa tối. Tự Ngài tìm được thất đá rồi ngồi thiền nơi ấy. Năm ấy Ngài 26 tuổi.

    Sáng hôm sau, vua nghe mất Thái-tử cho người tìm kiếm khắp nơi không được. Bực mình, vua đuổi Sa-Môn Thiền-Lợi-Đa ra khỏi thành. Ngài tu thiền ở đây ngót mười năm, mới có cơ duyên gặp Tổ La-Hầu-La-Đa được truyền chánh pháp. Sau khi đắc pháp, Ngài thống lãnh đồ chúng du hóa khắp nơi làm lợi lạc quần sanh. Một hôm, Ngài bảo đồ chúng :

    -Thầy ta La-Hầu-La-Đa thường nói nước Ma-Đề sẽ ra đời một vị thánh tên Già-Da-Xá-Đa nối ta truyền pháp. Nay ta và các ngươi sang nước ấy tìm. Ngài liền dẫn đồ chúng du hóa nước Ma-Đề. Đang đi trong nước nầy, bỗng có một luồng gió mát lành từ phương Tây thổi đến làm mát khỏe toàn chúng, Ngài bảo chúng : - Đây là đạo đức phong, ba ngàn dặm về phía Tây ắt gặp thánh nhơn. Thầy trò đi đến một hòn núi nhìn lên đảnh có áng mây năm sắc.

    Ngài bảo chúng : -Trên đảnh núi có mây tía như cái lọng ắt là chỗ thánh nhơn ở. Lên đến đảnh, quả nhiên thấy một mái nhà tranh nằm bên cạnh núi. Một đứa bé cầm gương tròn, đến trước bái Ngài. Ngài hỏi : - Ngươi bao nhiêu tuổi ?

    Đứa bé thưa : -Trăm tuổi.
    –Ngươi còn bé mà sao trăm tuổi ?
    –Tôi chẳng hiểu sao,chính tôi một trăm tuổi.
    –Ngươi có căn cơ lành chăng ?
    -Phật đâu không nói kệ : "Nếu người sanh trăm tuổi không hội được cơ duyên chư Phật,chẳng bằng sanh một ngày,mà được hiểu rành rõ".
    –Ngươi cầm gương tròn ý muốn làm gì ?

    Đứa bé nói kệ :

    Chư Phật đại viên giám,
    Nội ngoại vô hà ế,
    Lưỡng nhơn đồng đắc kiến,
    Tâm nhãn giai tương tợ.


    Chư Phật gương tròn lớn,
    Trong ngoài không vết che,
    Hai người đồng được thấy,
    Tâm mắt đều giống nhau .


    Cha mẹ thấy đứa bé đối đáp hợp đạo như thế, đồng ý cho theo Ngài làm thị giả. Ngài nhận đứa bé dẫn về tịnh-xá cạo tóc thọ giới, cho pháp danh là Già-Da-Xá-Đa.
    Một hôm, gió thổi cái linh treo trên điện Phật khua động, Ngài hỏi Xá-Đa:
    _ Linh kêu hay gió kêu ?
    Xá-Đa thưa: -Chẳng phải linh kêu, chẳng phải gió kêu, mà tâm con kêu.
    _ Tâm ngươi là cái gì ?
    _ Đều lặng lẽ.
    _ Hay thay! ngươi khéo hội lý Phật. Nên nói pháp yếu, nối đạo cho ta, chẳng phải ngươi còn ai ?. Ngài liền nói kệ :

    Tâm địa bổn vô sanh,
    Nhơn địa tùng duyên khởi,
    Duyên chủng bất tướng phương,
    Hoa quả diệc phục nhĩ .
    (*)

    (Đất tâm vốn không sanh,
    Nhơn đất từ duyên khởi,
    Duyên giống chẳng ngại nhau,
    Hoa trái cũng như thế) .


    Nói kệ xong, Ngài nắm cành cây mà hóa. Đồ chúng bàn nhau: "Thầy ta diệt độ ở dưới tàng cây, cũng là điềm che mát cho kẻ sau". Liền làm lễ hỏa táng tại đây .


    Chú thích :

    (*)


    心地本無生  
    因地從緣起
    緣種不相妨  
    華果亦復爾


    NAM MÔ ĐẠI TUỆ VĂN THÙ SƯ LỢI BỒ TÁT

  7. #4
    NỤ Avatar của lavinhcuong
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    410
    Thanks
    302
    Thanked 508 Times in 134 Posts


    Bài 25.

    Tổ Già-Da-Xá-Đa (Gayasata) 伽邪舍多


    Ngài là vị Tổ thứ 18 (cuối thế kỷ thứ bảy) sau Phật Niết-bàn.

    Ngài họ Uất-Đầu-Lam ở nước Ma-Đề, cha hiệu Thiên-Cái, mẹ là Phương-Thánh. Bà Phương-Thánh thọ thai,một đêm mộng thấy có người cầm cái gương báu đến nói: "Tôi đến đây !". Bà chợt tỉnh giấc, nghe toàn thân nhẹ nhàn thanh thản, khác hơn ngày thường. Trong nhà có mùi hương lạ, vài lằn hào quang xuất hiện. Bảy ngày sau, Bà sanh ra Ngài.

    Thân Ngài trong sáng giống như lưu-ly. Ngài thích chỗ vắng vẻ, nói ra những lời siêu việt. Nhà cha mẹ Ngài ở trên núi Bảo-Lạc-Ca. Sau khi Ngài ra đời, ngôi nhà nầy luôn luôn có áng mây tía che đậy trên không. Tổ Tăng-Già-Nan-Đề nhơn thấy áng mây ấy tìm đến gặp Ngài. Từ đó, Ngài theo làm đệ tử của Tổ.

    Về sau, Ngài được Tổ truyền tâm ấn và thống lãnh đồ chúng. Tùy duyên, Ngài đi vân du khắp nơi để giáo hóa làm lợi ích cho quần sanh. Khi tuổi đã già, Ngài du hóa đến nước Nguyệt-Chí, trong nước nầy có người dòng Bà-La-Môn tên Cưu-Ma-La-Đa tuổi được 30 tu theo ngoại đạo (chủ thuyết tự nhiên). Ông có nuôi một con chó, mỗi khi ăn xong, con chó ra hành lang dưới tấm rèm nằm. Có những khi mưa gió ướt cả mình mà nó vẫn nằm đó. Người nhà sợ nó lạnh đuổi đi chỗ khác, rồi nó cũng trở lại chỗ đó nằm. Ông Cưu-Ma-La-Đa lấy làm lạ, đem việc đó hỏi thầy ông, nhưng không giải được điều gì. Ông mong có dịp gặp những bậc tu hành đạo đức cao cả để nhờ giải nghi.

    Ngài cùng đồ chúng đi đến gần nhà người Bà-la-môn nầy bỗng thấy khí đại thừa xông lên. Ngài dừng lại bảo chúng:

    -Khí nầy nếu vòng tròn như khoen đeo tai là có Bồ-Tát bên cạnh. Nay khí nầy tương tợ vòng tròn ắt có thánh nhơn gần đây. Thầy trò đi đến một đỗi,bỗng có người Bà-la-môn đến hỏi thị giả: "Thầy đây là người gì ?" Thị giả đáp: "Là đệ tử Phật". Người ấy liền chạy thẳng vào nhà đóng cửa lại. Ngài đi theo đến nơi gõ cửa. Trong nhà nói vọng ra rằng:

    -Nhà nầy không có người.

    Ngài hỏi: - Trả lời "không người" đó là ai ? (vậy, AI lên tiếng ?)

    Cưu-Ma-La-Đa nghe nói bèn có vẻ lạ, nghi là bậc đạo hạnh bèn mở cửa. Ra thấy Ngài, ông chào và thỉnh ngồi ghế giữa, đoạn đem nghi vấn về con chó ra hỏi.

    Ngài giải thích: -Con chó nầy là cha của ông, bởi có chút ít nghiệp nên đọa làm súc sanh. Xưa kia cha ông đem cả ngàn đính vàng để trong cái hũ, lén chôn dưới rèm. Đến khi người chết, chưa gặp ông để trối lại, vì còn tiếc của nầy nên sanh ra làm chó để gìn giữ. Nếu ông đào được, ắt nó sẽ bỏ đi. Cưu-Ma-La-Đa liền cho người đào chỗ con chó nằm, quả nhiên được hũ vàng đúng như lời Ngài nói. Ông hết lòng kính phục phát nguyện xuất gia. Ngài hoan hỷ chấp nhận làm lễ xuất gia thọ giới và cho làm thị giả. Thấy cơ duyên đã mãn, Ngài kêu Cưu-Ma-La-Đa đến dặn dò: -Xưa Như-Lai đem đại pháp nhãn trao cho Tổ Ca-Diếp truyền lần đến ta, nay ta truyền lại cho ngươi. Ngươi nghe ta dạy:

    Hữu chủng hữu tâm địa,
    Nhơn duyên năng phát manh,
    Ư duyên bất tướng ngại,
    Đương sanh sanh bất sanh.
    (*)

    (Có giống có đất tâm,
    Nhơn duyên hay nẩy mầm,
    Đối duyên chẳng ngại nhau,
    Đang sanh, đã sanh, chẳng có gì sanh cả).


    Cưu-Ma-La-Đa cung kính vâng dạy, đảnh lễ thọ lãnh. Ngài dùng mười tám phép thần biến rồi vào viên tịch. Đồ chúng hỏa táng và lượm xá-lợi xây tháp cúng dường .

    Phụ chú :


    有種有心地  
    因緣能發萌
    於緣不相礙 
    當生生不生


    NAM MÔ ĐẠI TUỆ VĂN THÙ SƯ LỢI BỒ TÁT

  8. #5
    NỤ Avatar của lavinhcuong
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    410
    Thanks
    302
    Thanked 508 Times in 134 Posts


    Bài 26.

    Tổ Cưu-Ma-La-Đa (Kumarata) 鳩摩羅多


    Ngài là vị Tổ thứ 19 (đầu thế kỷ thứ tám) sau Phật Niết-bàn.

    Ngài dòng Bà-la-môn ở nước Nguyệt-Chí. Gia đình Ngài trước kia giàu có, song cha Ngài vì bịnh tham tiếc chỉ một bề bo bo giữ của. Nhơn việc con chó nằm ngoài rèm, gặp Tổ Già-Da-Xá-Đa giải nghi, Ngài phát tâm theo đạo Phật xuất gia thọ giới. Sau khi được được Tố Xá-Đa phó chúc và truyền tâm pháp, Ngài đi vân du khắp nơi để hoằng pháp lợi sanh. Ngài đi giáo hóa đến miền Trung-Ấn, trên đường gặp một du khách tên Xà-Dạ-Đa đến lễ bái Ngài, Ông hỏi:

    -Nhà con cha mẹ đều kính Tam-Bảo tu hành đúng pháp, mà sao nhiều bệnh hoạn, làm việc gì thất bại việc ấy. Hàng xóm gần nhà con,có người hung bạo giết hại làm ác càng ngày càng nhiều, mà thân thể khỏe mạnh, ra làm việc đều được như ý. Như vậy, nhơn quả nghiệp báo đâu không phải nói suông ư ? Con rất nghi lẽ nầy, mong Ngài giải nghi.

    Ngài bảo: -Phật nói nghiệp báo thông cả ba đời, bởi do đời trước tạo nghiệp lành nên đời nầy hưởng quả lành. Dù đời nầy có làm ác thì quả ác sẽ chịu ở đời sau. Cho nên, có người đời nầy tuy làm lành mà đời nầy không hưởng được quả lành, vì nghiệp ác trước mạnh hơn. Có người đời nầy tuy làm ác mà không chịu quả ác, vì nghiệp lành trước mạnh hơn. Nếu do đời nầy không được quả lành, rồi lại tạo ác, thì đời sau càng sa vào đường ác. Nếu do đời nầy được quả lành, rồi lại tạo lành, thì đời sau càng tiến trên đường lành. Lại, có người đời trước làm lành được nửa đời, đổi sang làm ác, đến đời nầy nửa đời trước hưởng phước, nửa đời sau mắc họa. Hiện nay cha mẹ ông và người hàng xóm lẽ báo ứng thiện ác cũng giống như thế, bởi nghiệp đời trước chiêu cảm nên vậy. Đâu thể căn cứ trong hiện đời mà hiểu được ?

    Dạ-Đa nghe giải liền tan hết nghi ngờ. Ngài dạy thêm:

    -Tuy ông đã tin nghiệp ba đời, mà chưa rõ nghiệp từ hoặc sanh, hoặc nhơn thức có, thức y nơi bất giác, bất giác y nơi tâm. Song tâm vốn thanh tịnh, không sanh diệt, không tạo tác, không báo ứng, không hơn kém, lặng lẽ linh thông. Ông nếu vào pháp môn nầy có thể đồng với chư Phật, tất cả thiện, ác, hữu vi, vô vi, đều như mộng huyễn.

    Dạ-Đa nghe được lời nầy liền phát huệ đời trước, bèn xin xuất gia.

    Ngài hỏi: -Ông người xứ nào ? Cha mẹ còn chăng ? Nếu thật tâm cầu đạo, nên trở về nhà xin với cha mẹ, xin xong trở lại cũng chẳng muộn.

    Dạ-Đa thưa: -Con là người Bắc-Ấn,cách đây hơn ba ngàn dặm, đâu thể trở lại được. Xin thỉnh Ngài đến xứ con, cho gia đình con cúng dường và nhơn đó con được xuất gia.

    Ngài bằng lòng, thầy trò và đồ chúng đồng sang Bắc-Ấn. Đến nhà, Dạ-Đa xin phép cha mẹ được xuất gia. Ngài làm lễ xuất gia và truyền giới cụ túc cho Dạ-Đa tại một ngôi tháp cổ, nơi quê hương của Dạ-Đa. Một hôm, Ngài gọi Dạ-Đa đến dặn dò:

    -Xưa Phật ghi rằng ngươi sẽ làm Tổ thứ hai mươi, nay ta trao pháp nhãn tạng cho ngươi, ngươi khéo giữ gìn và truyền bá. Nghe ta nói kệ:

    Tánh thượng bổn vô sanh,
    Vị đối cầu nhơn thuyết,
    Ư pháp ký vô đắc,
    Hà hoài quyết bất quyết.
    (*)

    (Trên tánh vốn không sanh,
    Vì đối người cầu nói,
    Nơi pháp đã không được,
    Đâu cần giải chẳng giải).


    Lại dặn: -Kệ nầy là lời diệu, do Như-Lai thấy tánh thanh tịnh nói ra, ngươi nên vâng giữ.

    Dạ-Đa cung kính đảnh lễ vâng dạy. Ngài ngồi ngay trên tòa chấp tay hở ra như hoa sen nở, phóng hào quang sáng suốt soi khắp trong chúng, rồi yên lặng thị tịch. Toàn chúng xây tháp phụng thờ.

    Phụ chú :

    (*)


    性上本無生  
    為對求人說
    於法既無得  
    何懷決不決


    NAM MÔ ĐẠI TUỆ VĂN THÙ SƯ LỢI BỒ TÁT

  9. #6
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts


    Suốt thông.






    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  10. #7
    NỤ Avatar của lavinhcuong
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    410
    Thanks
    302
    Thanked 508 Times in 134 Posts


    Bài 28.

    Tổ Bà-Tu-Bàn-Đầu (Vasubandhu) 婆修盤頭


    Ngài là vị Tổ thứ 21 (cuối thế kỷ thứ tám) sau Phật Niết-bàn.

    Ngài họ Tỳ-Xá-Khư ở nước La-Duyệt, cha hiệu Quang-Cái, mẹ là Nghiêm-Nhất. Nguyên gia đình ông Quang-Cái giàu có mà không con. Hai ông bà đồng đi lễ tháp Phật ở phía Bắc thành La-Duyệt để cầu con. Sau đó, bà mộng thấy nuốt hai hạt châu một sáng một tối. Kế bà biết mình có thai. Một hôm, có vị A-La-Hán hiệu Hiền-Chúng đến nhà. Ông Quang-Cái ra đảnh lễ. Đến lượt bà ra lễ, Tôn-giả Hiền-Chúng liền tránh qua một bên ra vẻ cung kính đáp lại.

    Ông Quang-Cái lấy làm lạ hỏi: -Tôi là trượng phu đảnh lễ Tôn-giả chẳng nhượng, tại sao vợ tôi là phụ nữ mà Tôn-giả lại kính nhượng ?

    Tôn-giả Hiền-Chúng đáp: -Bởi ông là phàm phu nên tôi nhận ông lễ, còn vợ ông đang mang thai Bồ-Tát là bậc pháp khí thượng thừa nên tôi cố tránh, không phải tôi trọng nữ khinh nam.

    Ông Quang-Cái tạ lỗi thưa: -Tôn-giả là bậc thánh nhơn hay biết việc chưa đến.

    Sau quả nhiên bà Nghiêm-Nhất sanh được hai người con trai một lượt. Người con lớn đặt tên là Bà-Tu-Bàn-Đầu tức là Ngài. Thuở bé, Ngài ý chí siêu việt, đến 15 tuổi xin xuất gia với A-La-Hán Quang-Độ. Khi thọ giới được Bồ-Tát Tỳ-Bà-Ha truyền cho. Ngài mộ hạnh của Tổ Ca-Diếp nên tập tu theo hạnh đầu-đà. Lúc gặp Tổ Xà-Dạ-Đa kích khởi phát sanh đại huệ và được truyền pháp.

    Ngài thống lãnh đồ chúng du hóa khắp nơi, lần lượt đến nước Na-Đề. Vua Na-Đề tên là Thường-Tự-Tại, sanh được hai người con trai. Người con lớn là Ma-Ha-La đã 40 tuổi, người con thứ là Ma-Noa-La được 30 tuổi. Khi Ngài đến nước nầy, vua thỉnh vào cung cúng dường.

    Vua hỏi Ngài: -Phong tục nước tôi chắc không bằng phong tục thuần mỹ ở thành La-Duyệt ?

    Ngài đáp: -Ở thành La-Duyệt xưa kia có phước đức được ba đức Phật ra đời, ở nước nầy hiện có hai vị hiền sĩ làm phước báo.

    Vua hỏi: -Hai vị hiền là ai ?

    Ngài đáp: -Xưa Phật thọ ký rằng: "Gần một nghìn năm sau ta Niết-bàn, có một thần lực đại sĩ ra nối truyền chánh pháp tại nước Na-Đề tên là Ma-Noa-La", là con thứ hai của bệ hạ. Còn bần tăng tuy đức mỏng cũng đảm đang một vị vậy. Vua nghe hoan hỷ gọi thái-tử Ma-Noa-La đến, bạch với Ngài:

    Con tôi đây đã được Phật thọ ký, cúi xin Tôn-giả nhận cho nó xuất gia. Ngài bảo: -Vị hoàng tử nầy nếu không phải tôi làm thầy, sau nầy không ai độ được. Ngài liền triệu tập thánh chúng vào hoàng cung làm lễ xuất gia thọ giới cho Ma-Noa-La. Ma-Noa-La rất hoan hỷ được thọ lãnh giới pháp. Sau đó, Ngài dẫn Ma-Noa-La sang hóa đạo nước khác.

    Một hôm, Ngài gọi Ma-Noa-La lại bảo: -Đại pháp nhãn tạng của Như-Lai nay giao phó cho ngươi, ngươi phải gìn giữ truyền bá. Nghe ta nói kệ:

    Bào huyễn đồng vô ngại,
    Vân hà bất ngộ liễu,
    Đạt pháp tại kỳ trung,
    Phi kim diệc phi cổ.
    (*)

    (Bọt huyễn đồng không ngại,
    Tại sao chẳng liễu ngộ,
    Đạt pháp ngay trong ấy,
    Chẳng xưa cũng chẳng nay).


    Truyền pháp xong, Ngài đang ngồi trên tòa, bỗng thân vượt lên hư không, ngồi yên trên ấy. Bốn chúng quỳ bạch:

    _ Chúng con muốn thờ xá-lợi, xin Tôn-giả cho chúng con được thiêu lấy xá-lợi.

    Thân Ngài liền hạ xuống ngồi yên chỗ cũ, chúng thiêu, lượm xá-lợi phụng thờ .

    ------------

    Phụ chú :

    (*)


    泡幻同無礙  
    如何不了悟
    達法在其中  
    非今亦非古


    NAM MÔ ĐẠI TUỆ VĂN THÙ SƯ LỢI BỒ TÁT

  11. #8
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts


    Thiên Thu một niệm.






    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  12. #9
    NỤ Avatar của lavinhcuong
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    410
    Thanks
    302
    Thanked 508 Times in 134 Posts


    Bài 29.

    Tổ Ma-Noa-La (Manorhita) 摩拏羅


    Ngài là vị Tổ thứ 22 (đầu thế kỷ thứ chín) sau Phật Niết-bàn.

    Ngài dòng Sát-Đế-Lợi ở nước Na-Đề, cha là Thường-Tự-Tại vua nước nầy. Ngài là con thứ ba của vua, khi sanh ra có nhiều điềm lạ, nên vua không dám lấy việc thế tục ràng buộc. Khi gặp Tổ Bà-Tu-Bàn-Đầu, Ngài được 30 tuổi, vua cha cho phép xuất gia theo Tổ. Sau Ngài được Tổ truyền tâm pháp.

    Ngài sang Tây-ấn giáo hóa. Vua nước nầy họ Cù-Đàm tên Đắc-Độ hằng sùng Phật pháp tinh tấn tu hành. Bảy năm hành đạo tại Long cung, một hôm, bỗng hiện một bảo tháp xanh huyền bề cao một thước tư, ngay chổ vua tu hành. Vua đích thân lại bưng lên để thờ, nhưng bưng không nổi, lính hộ vệ hợp lực nhắc lên cũng không lay chuyển. Sau cùng vua phải mở đại hội triệu tập tất cả lực sĩ, tăng sĩ, phạm-chí, chú-thuật…để hỏi nguyên nhơn bảo tháp xuất hiện và dời lên thờ.Trong cuộc hội nầy, Ngài cũng đến dự. Trước tiên những lực sĩ ra sức nhắc tháp lên không lay động. Kế các nhà chú-thuật dùng thần chú cũng bất lực. Sau cùng Ngài Ma-Noa-La bước ra giải thích:

    -Tháp nầy do vua A-Dục tạo ra để thờ xá-lợi của Phật. Bốn mặt đều có chạm hình tiền thân Phật Thích-Ca khi còn làm hạnh Bồ-Tát. Ngày nay do đại-vương có duyên phước lớn nên tháp nầy mới hiện.

    Nói xong, Ngài lại nhắc bảo tháp để trên bàn thờ. Vua và toàn chúng hết lòng kính phục.

    Vua thưa: -Xin Tôn-giả dạy cho chúng tôi những Phập pháp gì cần học ?

    Ngài bảo:-Muốn học Phật pháp phải bỏ ba vật và đủ bảy việc.

    Vua thưa: -Ba vật gì phải bỏ và đủ bảy việc gì ?

    Ngài đáp: -Tham, sân, si là ba vật phải bỏ. Đủ bảy việc là: 1)- đại từ, 2)- hoan hỷ, 3)- vô ngã, 4)-dõng mãnh, 5)- nhiêu ích, 6)- hàng ma, 7)- vô chứng.

    Vua Đắc-Độ nghe xong cảm ngộ, rất tiếc mình được hiểu quá muộn. Tự than: "Bậc chí thành khó gặp, sự vui trong đời có gì lâu dài !"

    Vua cho đòi thái tử đến giao hết việc nước, xin theo Ngài xuất gia học đạo. Ngài triệu tập các vị thánh chúng đến hoàng cung làm lễ xuất gia và truyền giới cho vua. Xuất gia tu không bao lâu, vua Đắc-Độ chứng được quả Thánh. Ngài dạy Đắc-Độ ở lại trong nước giáo hóa, còn Ngài sang nước Nguyệt-Chi tìm người kế truyền.

    Ngài Ma-Noa-La và tăng chúng đến nước Nguyệt-Chi. Vua nước nầy là Bảo-Ấn và Tỳ-kheo Hạc-Lặc-Na đồng đón tiếp, thỉnh về nội cung. Hạc-Lặc-Na đem việc Long-Tử hỏi trước:

    -Thưa Tôn-giả ! tôi có một đứa đệ tử tên Long-Tử tuổi tuy còn nhỏ mà thông minh tuyệt vời. Tôi thường nhập định tìm nguyên nhơn đời trước mà không thấy manh mối, hôm nay gặp đây xin Tôn-giả chỉ dạy cho ?

    Ngài hỏi: -Ông nhập định quán thấy được mấy kiếp ?

    Hạc-Lặc-Na thưa: -Tôi chỉ thấy được ba đời.

    Ngài bảo: -Đệ tử của ông trong kiếp thứ năm đã sanh trong nhà Bà-la-môn giàu có tại nước Diệu-Hỷ. Khi ấy, trong nước có ngôi chùa mới khánh thành cái đại hồng chung.Con ông Bà-la-môn nầy dùng gỗ chiên đàn tiện cái chày dộng chuông cúng chùa. Nhờ chày nầy giúp cho người được nghe chuông thức tỉnh. Bởi quả báo ấy, nên nay nó sanh ra được thông minh.

    Hạc-Lặc-Na lại hỏi: -Riêng tôi không biết duyên gì mà cảm được bầy hạc thường theo, xin Tôn-giả chỉ dạy ?

    Ngài bảo:-Xưa ông trong kiếp thứ tư làm vị Tỳ-kheo đạo đức được đầy đủ,có đến 500 đệ tử mỗi khi Long cung thỉnh ông cúng dường, ông xét trong hàng đệ tử không có người đủ phước đức thọ Long cung cúng nên ông chỉ đi một mình. Nhóm đệ tử bất mãn nói: "Thầy thường thuyết pháp nói: đối sự ăn uống bình đẳng, đối với pháp cũng bình đẳng, mà nay thầy đi thọ trai một mình !" Sau Long cung thỉnh, ông đều cho chúng đi theo. Bởi họ chưa đủ đức mà nặng về sự ăn uống, nên sau khi tịch diệt, chúng ấy lần lượt chết sanh trong loài có cánh. Đã trải qua năm kiếp, nay họ lại làm thân hạc. Do nhơn duyên thầy trò kiếp trước nên nay chúng cảm mến ông.

    Hạc-Lặc-Na cảm động, lại hỏi: -Nay phải tu pháp gì để giúp chúng trở lại làm người ?

    Ngài bảo: -Ta có pháp bảo vô thượng, là kho tàng Như-Lai, Thế-Tôn xưa trao cho Tổ Ca-Diếp lần lượt đến ta, nay ta trao cho ông, ông nên truyền bá chớ nên để dứt mất.

    Nghe ta nói kệ:

    Tâm tùy vạn cảnh chuyển,
    Chuyển xứ thật năng u,
    Tùy lưu nhận đắc tánh,
    Vô hỷ diệc vô ưu .
    (*)

    (Tâm theo muôn cảnh chuyển,
    Chổ chuyển thật kín sâu,
    Theo dòng nhận được tánh,
    Không mừng cũng không lo).


    Hạc-Lặc-Na vui vẻ kính vâng phụng hành. Ngài truyền pháp xong, ngay chỗ ngồi lặng lẽ thị tịch. Chúng hỏa táng và lượm xá-lợi xây tháp thờ .

    ------------

    Phụ chú :

    (*)


    心隨萬境轉  
    轉處實能幽
    隨流認得性  
    無喜復無憂


    NAM MÔ ĐẠI TUỆ VĂN THÙ SƯ LỢI BỒ TÁT

  13. #10
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts


    Thức biến.





    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  14. The Following User Says Thank You to hoatihon For This Useful Post:

    lavinhcuong (06-20-2015)

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •