DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 2/3 ĐầuĐầu 123 CuốiCuối
Hiện kết quả từ 11 tới 20 của 26
  1. #11
    NỤ Avatar của lavinhcuong
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    410
    Thanks
    302
    Thanked 508 Times in 134 Posts


    Bài 27

    Tổ Xà-Dạ-Đa (Jayata) 闍夜多


    Ngài là vị Tổ thứ 20 (giữa thế kỷ thứ tám) sau Phật Niết-bàn.

    Ngài người Bắc-Ấn, trước đã sẵn lòng mến đạo, thông hiểu đạo lý. Nhơn du lịch miền Trung-Ấn gặp Tổ Cưu-Ma-La-Đa, Ngài nhờ giải nghi, rồi phát tâm xuất gia. Sau được truyền tâm ấn. Ngài thống lãnh đồ chúng du hóa các nước, lần lượt đến thành La-Duyệt. Trong thành nầy hiện có số đông chúng tăng học đạo. Nghe tin Ngài đến, họ đua nhau đến yết kiến. Chúng đến trước nhất, người lãnh đạo là Bà-Tu-Bàn-Đầu. Ông nầy tu hành tinh tấn suốt ngày đêm không nằm và sáu thời lễ bái, mặc y vá, ăn một bữa, lòng đạm bạc không mong cầu, đồ chúng nhơn đó rất kính trọng ông.

    Ngài gọi đồ chúng bảo: -Người khổ hạnh tu hành thanh tịnh nầy (Bà-Tu-Bàn-Đầu) có thể được Phật đạo chăng ?

    Chúng đáp: -Thượng nhơn nầy tu hành tinh tấn như thế, đâu không được đạo.

    Ngài bảo: -Người nầy cùng đạo xa vậy. Dù khổ hạnh trải qua nhiều kiếp, chỉ giúp cho gốc vọng, đâu thể chứng đạo ?

    Chúng hỏi: -Nhơn giả chứa đựng được pháp gì mà chê thầy tôi ?

    Ngài đáp: -Ta chẳng cầu đạo cũng chẳng điên đảo, ta chẳng lễ Phật cũng chẳng khinh mạn, ta chẳng ngồi mãi cũng chẳng lười biếng, ta chẳng biết đủ cũng chẳng tham cầu.

    Bà-Tu-Bàn-Đầu nghe lời nầy vui vẻ nói bài kệ tán thán:

    Khể thủ tam muội tôn,
    Bất cầu ư Phật đạo,
    Bất lễ diệc bất mạn,
    Tâm bất sanh điên đảo,
    Bất tọa bất giải đải,
    Đãn thực vô sở hảo,
    Tuy hoãn nhi bất trì,
    Tuy cấp nhi bất tháo,
    Ngã kim ngộ chí tôn,
    Hòa nam y Phật giáo.


    (Đảnh lễ tam muội tôn,
    Chẳng cầu được Phật đạo,
    Chẳng lễ cũng chẳng khinh,
    Tâm chẳng sanh điên đảo,
    Chẳng ngồi chẳng lười biếng,
    Chỉ ăn không cần ngon,
    Tuy hoãn mà không chậm,
    Tuy gấp mà chẳng thô,
    Nay con gặp chí tôn,
    Cúi đầu vâng Phật dạy.)


    Ngài bảo chúng: -Người tu hạnh đầu đà nầy, bọn ngươi không thể bì kịp. Vì ông ấy kiếp trước tu hạnh bất khinh nên mới được như vậy. Vừa rồi ta chê ông, bởi thấy ông đạo tâm tha thiết, sợ e như sợi dây đờn thẳng quá phải đứt nên ta không khen ông, muốn ông tiến đến chỗ vô sở đắc và dừng trụ nơi đất An-Lạc.

    Ngài lại gọi Bàn-Đầu hỏi: -Ta nói trái ý ông, tâm ông được chẳng động chăng ?

    Bàn-Đầu thưa: -Đâu dám động tâm. Tôi nhớ bảy đời về trước sanh cõi An-Lạc, vì mộ đạo nên thờ Trí giả Nguyệt-Tịnh làm thầy. Thầy Nguyệt-Tịnh dạy tôi: "Không bao lâu nữa ngươi sẽ chứng quả Tư-Đà-Hàm, nên siêng năng tinh tiến. Phàm tu hành như trèo lên cao, phải cố gắng tiến lần lên, không cho sụt xuống. Nếu lỡ có sụt, muốn trèo lên lại càng khó".Lúc đó, tôi đã tám mươi tuổi, nương gậy mới có thể đi được, khi ấy, gặp Bồ-Tát Đại-Quang-Minh ra đời, tôi muốn đến lễ Ngài, bèn đi đến tịnh-xá, lễ bái xong trở về. Chợt gặp thầy Nguyệt-Tịnh quở trách tôi: "Dốt quá, tại sao ông lại khinh cha trọng con ? Hôm trước,ta thấy ông sắp được chứng quả, hôm nay đã mất".

    Khi ấy, tôi tự cho là không có lỗi, nên không phục những lời quở ấy. Tôi cầu xin thầy Nguyệt-Tịnh chỉ lỗi cho tôi.

    Thầy Nguyệt-Tịnh dạy: -Vừa rồi, ngươi đến đảnh lễ Bồ-Tát Đại-Quang tại sao lại dựng cây gậy vào mặt Phật vẽ trên vách, ngươi do lỗi nầy nên sụt quả vị". Tôi nhớ kỹ lại, thật đúng như lời thầy Nguyệt-Tịnh quở. Từ đó về sau, phàm có nghe lời nào, chẳng dám không tin. Dù bị những lời chửi mắng vẫn coi như gió thổi ngoài tai. Huống là, nay Tôn-giả dùng chánh pháp chỉ dạy thì đâu dám phiền buồn. Cúi xin đấng đại từ thương xót đem đạo mầu chỉ dạy cho con.

    Ngài liền dạy: -Đại pháp nhãn tạng của Như-Lai, nay ta trao cho ngươi, ngươi nên truyền bá chớ để dứt mất. Nghe ta nói kệ:

    Ngôn hạ hiệp vô sanh,
    Đồng ư pháp giới tánh,
    Nhược năng như thị giải,
    Thông đạt sự lý cánh.
    (*)

    (Nói ra hợp vô sanh,
    Đồng cùng tánh pháp giới,
    Nếu hay hiểu như thế,
    Suốt thông tột sự lý).


    Bà-Tu-Bàn-Đầu lễ bái vâng lệnh. Ngài ngồi ngay trên tòa lặng lẽ qui tịch. Chúng hỏa táng thu xá-lợi xây tháp thờ .

    Phụ chú :

    (*)


    言下合無生  
    同於法界性
    若能如是解  
    通達事理竟


    NAM MÔ ĐẠI TUỆ VĂN THÙ SƯ LỢI BỒ TÁT

  2. #12
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts


    Suốt thông.






    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  3. #13
    NỤ Avatar của lavinhcuong
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    410
    Thanks
    302
    Thanked 508 Times in 134 Posts


    Bài 28.

    Tổ Bà-Tu-Bàn-Đầu (Vasubandhu) 婆修盤頭


    Ngài là vị Tổ thứ 21 (cuối thế kỷ thứ tám) sau Phật Niết-bàn.

    Ngài họ Tỳ-Xá-Khư ở nước La-Duyệt, cha hiệu Quang-Cái, mẹ là Nghiêm-Nhất. Nguyên gia đình ông Quang-Cái giàu có mà không con. Hai ông bà đồng đi lễ tháp Phật ở phía Bắc thành La-Duyệt để cầu con. Sau đó, bà mộng thấy nuốt hai hạt châu một sáng một tối. Kế bà biết mình có thai. Một hôm, có vị A-La-Hán hiệu Hiền-Chúng đến nhà. Ông Quang-Cái ra đảnh lễ. Đến lượt bà ra lễ, Tôn-giả Hiền-Chúng liền tránh qua một bên ra vẻ cung kính đáp lại.

    Ông Quang-Cái lấy làm lạ hỏi: -Tôi là trượng phu đảnh lễ Tôn-giả chẳng nhượng, tại sao vợ tôi là phụ nữ mà Tôn-giả lại kính nhượng ?

    Tôn-giả Hiền-Chúng đáp: -Bởi ông là phàm phu nên tôi nhận ông lễ, còn vợ ông đang mang thai Bồ-Tát là bậc pháp khí thượng thừa nên tôi cố tránh, không phải tôi trọng nữ khinh nam.

    Ông Quang-Cái tạ lỗi thưa: -Tôn-giả là bậc thánh nhơn hay biết việc chưa đến.

    Sau quả nhiên bà Nghiêm-Nhất sanh được hai người con trai một lượt. Người con lớn đặt tên là Bà-Tu-Bàn-Đầu tức là Ngài. Thuở bé, Ngài ý chí siêu việt, đến 15 tuổi xin xuất gia với A-La-Hán Quang-Độ. Khi thọ giới được Bồ-Tát Tỳ-Bà-Ha truyền cho. Ngài mộ hạnh của Tổ Ca-Diếp nên tập tu theo hạnh đầu-đà. Lúc gặp Tổ Xà-Dạ-Đa kích khởi phát sanh đại huệ và được truyền pháp.

    Ngài thống lãnh đồ chúng du hóa khắp nơi, lần lượt đến nước Na-Đề. Vua Na-Đề tên là Thường-Tự-Tại, sanh được hai người con trai. Người con lớn là Ma-Ha-La đã 40 tuổi, người con thứ là Ma-Noa-La được 30 tuổi. Khi Ngài đến nước nầy, vua thỉnh vào cung cúng dường.

    Vua hỏi Ngài: -Phong tục nước tôi chắc không bằng phong tục thuần mỹ ở thành La-Duyệt ?

    Ngài đáp: -Ở thành La-Duyệt xưa kia có phước đức được ba đức Phật ra đời, ở nước nầy hiện có hai vị hiền sĩ làm phước báo.

    Vua hỏi: -Hai vị hiền là ai ?

    Ngài đáp: -Xưa Phật thọ ký rằng: "Gần một nghìn năm sau ta Niết-bàn, có một thần lực đại sĩ ra nối truyền chánh pháp tại nước Na-Đề tên là Ma-Noa-La", là con thứ hai của bệ hạ. Còn bần tăng tuy đức mỏng cũng đảm đang một vị vậy. Vua nghe hoan hỷ gọi thái-tử Ma-Noa-La đến, bạch với Ngài:

    Con tôi đây đã được Phật thọ ký, cúi xin Tôn-giả nhận cho nó xuất gia. Ngài bảo: -Vị hoàng tử nầy nếu không phải tôi làm thầy, sau nầy không ai độ được. Ngài liền triệu tập thánh chúng vào hoàng cung làm lễ xuất gia thọ giới cho Ma-Noa-La. Ma-Noa-La rất hoan hỷ được thọ lãnh giới pháp. Sau đó, Ngài dẫn Ma-Noa-La sang hóa đạo nước khác.

    Một hôm, Ngài gọi Ma-Noa-La lại bảo: -Đại pháp nhãn tạng của Như-Lai nay giao phó cho ngươi, ngươi phải gìn giữ truyền bá. Nghe ta nói kệ:

    Bào huyễn đồng vô ngại,
    Vân hà bất ngộ liễu,
    Đạt pháp tại kỳ trung,
    Phi kim diệc phi cổ.
    (*)

    (Bọt huyễn đồng không ngại,
    Tại sao chẳng liễu ngộ,
    Đạt pháp ngay trong ấy,
    Chẳng xưa cũng chẳng nay).


    Truyền pháp xong, Ngài đang ngồi trên tòa, bỗng thân vượt lên hư không, ngồi yên trên ấy. Bốn chúng quỳ bạch:

    _ Chúng con muốn thờ xá-lợi, xin Tôn-giả cho chúng con được thiêu lấy xá-lợi.

    Thân Ngài liền hạ xuống ngồi yên chỗ cũ, chúng thiêu, lượm xá-lợi phụng thờ .

    ------------

    Phụ chú :

    (*)


    泡幻同無礙  
    如何不了悟
    達法在其中  
    非今亦非古


    NAM MÔ ĐẠI TUỆ VĂN THÙ SƯ LỢI BỒ TÁT

  4. #14
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts


    Thiên Thu một niệm.






    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  5. #15
    NỤ Avatar của lavinhcuong
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    410
    Thanks
    302
    Thanked 508 Times in 134 Posts


    Bài 29.

    Tổ Ma-Noa-La (Manorhita) 摩拏羅


    Ngài là vị Tổ thứ 22 (đầu thế kỷ thứ chín) sau Phật Niết-bàn.

    Ngài dòng Sát-Đế-Lợi ở nước Na-Đề, cha là Thường-Tự-Tại vua nước nầy. Ngài là con thứ ba của vua, khi sanh ra có nhiều điềm lạ, nên vua không dám lấy việc thế tục ràng buộc. Khi gặp Tổ Bà-Tu-Bàn-Đầu, Ngài được 30 tuổi, vua cha cho phép xuất gia theo Tổ. Sau Ngài được Tổ truyền tâm pháp.

    Ngài sang Tây-ấn giáo hóa. Vua nước nầy họ Cù-Đàm tên Đắc-Độ hằng sùng Phật pháp tinh tấn tu hành. Bảy năm hành đạo tại Long cung, một hôm, bỗng hiện một bảo tháp xanh huyền bề cao một thước tư, ngay chổ vua tu hành. Vua đích thân lại bưng lên để thờ, nhưng bưng không nổi, lính hộ vệ hợp lực nhắc lên cũng không lay chuyển. Sau cùng vua phải mở đại hội triệu tập tất cả lực sĩ, tăng sĩ, phạm-chí, chú-thuật…để hỏi nguyên nhơn bảo tháp xuất hiện và dời lên thờ.Trong cuộc hội nầy, Ngài cũng đến dự. Trước tiên những lực sĩ ra sức nhắc tháp lên không lay động. Kế các nhà chú-thuật dùng thần chú cũng bất lực. Sau cùng Ngài Ma-Noa-La bước ra giải thích:

    -Tháp nầy do vua A-Dục tạo ra để thờ xá-lợi của Phật. Bốn mặt đều có chạm hình tiền thân Phật Thích-Ca khi còn làm hạnh Bồ-Tát. Ngày nay do đại-vương có duyên phước lớn nên tháp nầy mới hiện.

    Nói xong, Ngài lại nhắc bảo tháp để trên bàn thờ. Vua và toàn chúng hết lòng kính phục.

    Vua thưa: -Xin Tôn-giả dạy cho chúng tôi những Phập pháp gì cần học ?

    Ngài bảo:-Muốn học Phật pháp phải bỏ ba vật và đủ bảy việc.

    Vua thưa: -Ba vật gì phải bỏ và đủ bảy việc gì ?

    Ngài đáp: -Tham, sân, si là ba vật phải bỏ. Đủ bảy việc là: 1)- đại từ, 2)- hoan hỷ, 3)- vô ngã, 4)-dõng mãnh, 5)- nhiêu ích, 6)- hàng ma, 7)- vô chứng.

    Vua Đắc-Độ nghe xong cảm ngộ, rất tiếc mình được hiểu quá muộn. Tự than: "Bậc chí thành khó gặp, sự vui trong đời có gì lâu dài !"

    Vua cho đòi thái tử đến giao hết việc nước, xin theo Ngài xuất gia học đạo. Ngài triệu tập các vị thánh chúng đến hoàng cung làm lễ xuất gia và truyền giới cho vua. Xuất gia tu không bao lâu, vua Đắc-Độ chứng được quả Thánh. Ngài dạy Đắc-Độ ở lại trong nước giáo hóa, còn Ngài sang nước Nguyệt-Chi tìm người kế truyền.

    Ngài Ma-Noa-La và tăng chúng đến nước Nguyệt-Chi. Vua nước nầy là Bảo-Ấn và Tỳ-kheo Hạc-Lặc-Na đồng đón tiếp, thỉnh về nội cung. Hạc-Lặc-Na đem việc Long-Tử hỏi trước:

    -Thưa Tôn-giả ! tôi có một đứa đệ tử tên Long-Tử tuổi tuy còn nhỏ mà thông minh tuyệt vời. Tôi thường nhập định tìm nguyên nhơn đời trước mà không thấy manh mối, hôm nay gặp đây xin Tôn-giả chỉ dạy cho ?

    Ngài hỏi: -Ông nhập định quán thấy được mấy kiếp ?

    Hạc-Lặc-Na thưa: -Tôi chỉ thấy được ba đời.

    Ngài bảo: -Đệ tử của ông trong kiếp thứ năm đã sanh trong nhà Bà-la-môn giàu có tại nước Diệu-Hỷ. Khi ấy, trong nước có ngôi chùa mới khánh thành cái đại hồng chung.Con ông Bà-la-môn nầy dùng gỗ chiên đàn tiện cái chày dộng chuông cúng chùa. Nhờ chày nầy giúp cho người được nghe chuông thức tỉnh. Bởi quả báo ấy, nên nay nó sanh ra được thông minh.

    Hạc-Lặc-Na lại hỏi: -Riêng tôi không biết duyên gì mà cảm được bầy hạc thường theo, xin Tôn-giả chỉ dạy ?

    Ngài bảo:-Xưa ông trong kiếp thứ tư làm vị Tỳ-kheo đạo đức được đầy đủ,có đến 500 đệ tử mỗi khi Long cung thỉnh ông cúng dường, ông xét trong hàng đệ tử không có người đủ phước đức thọ Long cung cúng nên ông chỉ đi một mình. Nhóm đệ tử bất mãn nói: "Thầy thường thuyết pháp nói: đối sự ăn uống bình đẳng, đối với pháp cũng bình đẳng, mà nay thầy đi thọ trai một mình !" Sau Long cung thỉnh, ông đều cho chúng đi theo. Bởi họ chưa đủ đức mà nặng về sự ăn uống, nên sau khi tịch diệt, chúng ấy lần lượt chết sanh trong loài có cánh. Đã trải qua năm kiếp, nay họ lại làm thân hạc. Do nhơn duyên thầy trò kiếp trước nên nay chúng cảm mến ông.

    Hạc-Lặc-Na cảm động, lại hỏi: -Nay phải tu pháp gì để giúp chúng trở lại làm người ?

    Ngài bảo: -Ta có pháp bảo vô thượng, là kho tàng Như-Lai, Thế-Tôn xưa trao cho Tổ Ca-Diếp lần lượt đến ta, nay ta trao cho ông, ông nên truyền bá chớ nên để dứt mất.

    Nghe ta nói kệ:

    Tâm tùy vạn cảnh chuyển,
    Chuyển xứ thật năng u,
    Tùy lưu nhận đắc tánh,
    Vô hỷ diệc vô ưu .
    (*)

    (Tâm theo muôn cảnh chuyển,
    Chổ chuyển thật kín sâu,
    Theo dòng nhận được tánh,
    Không mừng cũng không lo).


    Hạc-Lặc-Na vui vẻ kính vâng phụng hành. Ngài truyền pháp xong, ngay chỗ ngồi lặng lẽ thị tịch. Chúng hỏa táng và lượm xá-lợi xây tháp thờ .

    ------------

    Phụ chú :

    (*)


    心隨萬境轉  
    轉處實能幽
    隨流認得性  
    無喜復無憂


    NAM MÔ ĐẠI TUỆ VĂN THÙ SƯ LỢI BỒ TÁT

  6. #16
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts


    Thức biến.





    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  7. The Following User Says Thank You to hoatihon For This Useful Post:

    lavinhcuong (06-20-2015)

  8. #17
    NỤ Avatar của lavinhcuong
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    410
    Thanks
    302
    Thanked 508 Times in 134 Posts


    Bài 30.

    Tổ Hạc-Lặc-Na (Haklena) 鶴勒那


    Ngài là vị Tổ thứ 23 (giữa thế kỷ thứ chín) sau Phật Niết-bàn.

    Ngài dòng Bà-la-môn sanh tại nước Nguyệt-Chi, cha hiệu Thiên-Thắng, mẹ là Kim-Quang. Ông Thiên-Thắng đã lớn tuổi mà không con. Một hôm, ông đến trước Kim-Tràng thờ bảy đức Phật dâng hương lễ bái cầu con. Một hôm, bà Kim-Quang nằm mộng thấy một vị thần đứng trên ngọn núi Tu-Di tay cầm vòng ngọc nói với bà: "Ta lại đây". Khi thức giấc, bà biết có thai.

    Khi Ngài được bảy tuổi đi chơi trong xóm, thấy một ngôi miếu thờ thần, dân gian hằng ngày giết các súc vật đến dâng cúng. Ngài đi thẳng vào miếu quở:

    -Khéo bày đặt sự họa phước mà lừa gạt dân chúng, hằng năm làm hao phí của nhơn dân, tổn hại sinh mạng loài vật quá nhiều !

    Ngài quở xong, ngôi miếu bị sụp đổ. Dân chúng trong làng gọi Ngài là "ông thánh con".

    Hai mươi tuổi, Ngài xuất gia tu theo Phật giáo. Ngài ở ẩn trong đám rừng xanh ngót chín năm, chỉ làm bạn với bầy hạc và chuyên tụng kinh Đại-Bát-Nhã. Năm ba mươi tuổi, Ngài gặp Tổ Ma-Noa-La và được truyền tâm ấn. Ngài dẫn chúng du hóa miền Trung-Ấn. Ông vua sứ nầy tên Vô-Úy-Hải rất sùng mộ Phật giáo. Vua thỉnh Ngài vào cung thuyết pháp cho vua nghe. Vua nghe Ngài thuyết pháp rất hoan hỷ. Ngài có đệ tử ưu tú nhất là Long-Tử. Long-Tử rất thông minh, mà mạng yểu. Long-Tử mất, cha mẹ và anh là Sư-Tử đến làm lễ hỏa táng, song dời quan tài không được.

    Sư-Tử lấy làm lạ hỏi Ngài: -Toàn chúng tận lực dỡ lên, tại sao không nổi ?

    Ngài đáp: -Lỗi tại nơi ngươi vậy.

    Sư-Tử hỏi: -Tôi có lỗi gì ? Xin Tôn-giả nói cho tôi biết ?

    Ngài bảo: -Ngươi xưa theo Bà-la-môn, em ngươi đi xuất gia, hai bên xa cách. Em ngươi hai năm ngày đêm nhớ thương, muốn làm phước giúp cho ngươi, bảo thầy ngươi đấp một tượng Phật, đã lâu mà chưa hoàn bị. Ngươi vì ghét nên đem tượng Phật ném xuống đất. Bây giờ, ngươi đi về thỉnh tượng Phật để trên bàn lại, thì quan tài sẽ dời được.

    Sư-Tử làm y như Ngài dạy, quả nhiên quan tài dời đi dễ dàng. Kế đến vị thầy (Bà La Môn) của Sư-Tử tịch. Ông cảm thấy buồn bã, nghiệm lại lời Ngài nói, bèn đến xin xuất gia theo làm đệ tử Ngài.

    Sư-Tử hỏi Ngài: -Bạch thầy ! con muốn dụng tâm cầu đạo, phải dụng tâm nào ?

    Ngài đáp: -Không có chỗ dụng tâm.

    - Đã không dụng tâm làm sao làm Phật sự ?

    –Ngươi nếu có dụng thì chẳng phải công đức. Nếu ngươi không làm tức là Phật sự. Cho nên kinh nói: "Ta làm công đức, mà không có cái ta làm".

    Sư-Tử nghe nói liền phát sanh trí huệ Phật.

    Ngài chỉ hướng Đông-Bắc hỏi Sư-Tử: -Ngươi thấy gì chăng ?

    Sư-Tử thưa: -Con thấy.

    –Ngươi thấy cái gì ?

    –Con thấy hơi trắng xông lên giống như cái mống bao khắp trời đất, lại có hơi đen năm lằn xẹt như cây thang lên trời Đạo-Lợi.

    -Ngươi thấy hơi ấy, có biết ứng điềm gì chăng ?

    –Con không biết ứng điềm gì, xin thầy dạy cho.

    -Cuối năm chục năm sau khi ta diệt độ, tai nạn sẽ phát khởi ở Bắc-Ấn ngươi nên biết đó.

    Sư-Tử thưa: -Con muốn du phương, thỉnh thầy chỉ dạy.

    Ngài bảo: -Nay ta đã già, giờ Niết-bàn sắp đến, Đại pháp Nhãn tạng của Như-Lai giao lại cho ngươi, ngươi đến nước khác. Song nước ấy có tai nạn mà liên hệ đến thân ngươi. Ngươi phải dè dặt, truyền trao sớm chớ để đoạn mất. Nghe ta nói kệ:

    Nhận đắc tâm tánh thời,
    Khả thuyết bất tư nghì,
    Liễu liễu vô khả đắc,
    Đắc thời bất thuyết tri .
    (*)

    (Khi nhận được tâm tánh,
    Mới nói chẳng nghĩ bàn,
    Rõ ràng không chỗ được,
    Khi được không nói biết).


    Truyền pháp xong, Ngài phi thân lên hư không làm mười tám pháp thần biến, rồi trở lại chỗ ngồi lặng lẽ thị tịch.

    Phụ chú :

    (*)


    認得心性時  
    可說不思議
    了了無可得  
    得時不說知


    NAM MÔ ĐẠI TUỆ VĂN THÙ SƯ LỢI BỒ TÁT

  9. #18
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    Bất tư nghì.






    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  10. #19
    NỤ Avatar của lavinhcuong
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    410
    Thanks
    302
    Thanked 508 Times in 134 Posts


    Bài 31.

    Sư-Tử Tôn giả (Aryasimha) 師子尊者


    Ngài là vị Tổ thứ 24 (cuối thế kỷ thứ chín) sau Phật Niết-bàn.

    Ngài dòng Bà-la-môn người Trung-Ấn. Thuở nhỏ Ngài rất thông minh, tài hùng biện xuất chúng. Ngài có người em tên Long-Tử cũng thông minh như thế. Trước Ngài thọ giáo với thầy Bà-la-môn, em Ngài lại xuất gia tu theo Phật giáo.

    Khi Long-Tử tịch, Ngài có cơ hội gặp Tổ Hạc-Lặc-Na và hồi đầu thọ giáo với Tổ. Khi Tổ sắp tịch truyền tâm pháp lại cho Ngài. Ngài sang nước Kế-Tân hoằng hóa.

    Trong nước nầy trước có vị Sa-môn tên Bà-Lợi-Ca, chuyên tập thiền quán Tiểu-thừa. Môn đồ của Bà-Lợi-Ca, sau lại chia làm năm phái:1) -Thiền-định, 2) –Tri-kiến, 3) -Chấp-tướng, 4) -Xã-tướng, 5)-Tịnh-khẩu. Họ tranh nhau dành phần hơn. Ngài đến các phái ấy, dùng biện tài vô ngại chiết phục được bốn phái. Duy phái Thiền-định người cầm đầu là Đạt-Ma-Đạt, hay tin nầy tức giận tìm đến cật vấn Ngài.

    Vừa gặp Ngài, Đạt-Ma-Đạt nói: -Muốn gặp nhau vấn nạn mới đến đây.

    Ngài hỏi: -Nhơn giả tập định sao lại đến đây ? Nếu có đến đây thì đâu phải thường định ?

    Ma-Đạt nói: -Tôi đến chỗ nầy mà tâm cũng không loạn, định tùy người tập đâu phải tại chỗ nơi.

    Ngài hỏi: -Nhơn giả lại đây thì cái tập kia cũng đến. Đã không phải chỗ nơi thì đâu tại người tập ?

    Ma-Đạt nói: -Vì định tập người, chẳng phải người tập định. Tuy tôi có đi lại mà cái định ấy vẫn thường tập.

    Ngài hỏi: -Người chẳng tập định, vì định tập người. Vậy chính khi người đi lại, thì cái định ấy tập ai ?

    Ma-Đạt nói: -Như hạt minh châu sạch, trong ngoài không bị che, nếu định được thông đạt cũng lại như thế.

    Ngài bảo: -Nếu định thông đạt giống như hạt minh châu. Nay thấy nhơn giả không thể sánh được với hạt minh châu.

    Ma-Đạt nói: -Hạt châu kia sáng suốt trong ngoài đều định. Tâm tôi không loạn ví như hạt châu ấy.

    Ngài bảo: -Châu kia không có trong ngoài, nhơn giả làm sao hay định ? Vật nhơ chẳng giao động, định nầy chẳng phải sạch.

    Đạt-Ma-Đạt biết nghĩa mình bị bẽ gãy, càng kính phục, đảnh lễ bạch Ngài: -Con học đạo còn sơ suyển, nếu không được lời chỉ dạy của Tôn-giả làm sao biết được chỗ tột. Cúi xin Tôn-giả thương xót nhận con làm học trò.

    Ngài dạy thêm: -Thiền-định của chư Phật không có sở đắc. Giác đạo của chư Phật không có sở chứng. Không đắc không chứng là chơn giải thoát. Đền nhơn trả quả là nghiệp báo của thế gian, ở trong pháp nầy (chơn giải thoát) ắt chẳng như thế. Ngươi nếu tập định nên tập như vậy.

    Đạt-Ma-Đạt vui vẻ vâng lời dạy. Một hôm, có ông trưởng giả dẫn đứa con đến yết kiến Ngài.
    Trưởng giả thưa: -Thằng con tôi đây tên là Tư-Đa, từ khi sanh ra cho đến giờ (20 tuổi) mà bàn tay trái vẫn nắm chặc lại chưa từng mở ra. Xin Tôn-giả từ bi nói rõ nhơn đời trước của nó cho con hiểu.

    Ngài nhìn thẳng vào mặt Tư-Đa, rồi đưa tay bảo: -Trả hạt châu lại cho ta !

    Tư-Đa liền xoè tay dâng hạt châu cho Ngài, Ông trưởng-giả và đồ chúng thấy thế đều ngạc nhiên.

    Ngài giải thích:-Thuở quá khứ Ta làm vị Tỳ-kheo thường được Long-Vương thỉnh xuống Long-cung tụng kinh, khi ấy, Tư-Đa nầy cũng theo ta xuất gia, tên Bà-Xá. Một hôm, Long-Vương thỉnh ta đi tụng kinh, Bà-Xá theo làm thị giả. Tụng kinh xong, Long-Vương cúng hạt châu đáp lễ. Ta nhận trao cho thị giả giữ trong tay. Ta tịch, sanh nơi đây, vì nhơn duyên thầy trò chưa hết, nên lại gặp nhau tại hội nầy. Ông trưởng giả nghe được tiền duyên của con mình, hoan hỷ cho Tư-Đa theo Ngài xuất gia.

    Ngài xét duyên xưa và nay nên hợp hai tên lại đặt là Bà-Xá-Tư-Đa. Nhận Bà-Xá-Tư-Đa rồi, Ngài triệu tập thánh chúng làm lễ truyền giới. Sau đó, Ngài gọi Bà-Xá-Tư-Đa lại bảo: -Nơi nước nầy sắp có tai nạn đến cho ta, nhưng tuổi ta đã già yếu đâu mong lánh thoát làm gì. Ta đã được truyền đại pháp nhãn tạng của Như-Lai, nay ta trao lại cho ngươi, ngươi nên phụng trì, ngươi mau đi khỏi nước nầy, lấy sự giáo hóa làm nhiệm vụ. Nếu có người nghi ngờ nên trình cái y tăng-già-lê của ta đây làm tin.

    Nghe ta nói kệ:

    Chánh thuyết tri kiến thời,
    Tri kiến câu thị tâm,
    Đương tâm tức tri kiến,
    Tri kiến tức vu kim.
    (*)

    (Chính khi nói tri kiến,
    Tri kiến đều là tâm,
    Chính tâm tức tri kiến,
    Tri kiến tức là hiện nay).


    Bà-Xá-Tư-Đa nhận lãnh tuân hành, ngay hôm ấy đi nơi khác. Lúc ấy, trong nước Kế-Tân có hai người ngoại đạo giỏi pháp huyễn thuật mưu đồ ám sát nhà vua. Nhưng còn ngại bại lộ cơ mưu, nên chúng đổi hình Tỳ-kheo đi làm việc gian ác ấy. Quả nhiên bị quân quan bắt được. Vua Di-La-Quật hay việc nầy nổi cơn phận nộ, ra lệnh triệt hạ chùa chiền, bắt nhốt tăng chúng.

    Vua trách: -Lâu nay ta sùng kính Phật giáo quý trọng Tỳ-kheo mà nay họ lại manh tâm sát hại ta, vậy còn đạo đức chỗ nào ? Bởi sự tức giận ấy, nhà vua đích thân cầm gươm báo đến chỗ Ngài Sư-Tử hỏi:

    -Thầy được không tướng chưa ?

    Ngài đáp: -Đã được.

    - Đã được, thì còn sợ sống chết chăng ?

    - Đã lìa sống chết thì đâu có sợ.

    -Chẳng sợ có thể cho ta cái đầu chăng ?

    - Thân chẳng phải cái của ta, huống nữa là đầu.

    Vua liền chặt đầu Ngài rơi xuống đất, nơi cổ phun lên vòi sữa trắng cao chừng một trượng. Cánh tay mặt của vua Di-La-Quật cũng đứt lìa. Bảy ngày sau vua băng.

    (Duyên nghiệp đời trước của Ngài và nhà vua có ghi rõ ràng trong: Thánh-Trụ Tập và Bửu-Lâm Truyện).Thái-tử Quang -Thủ lên ngôi, lo mai táng phụ hoàng và thỉnh chúng tăng cúng dường sám hối. Tăng chúng lo xây tháp thờ Ngài .

    ----------------

    Phụ chú :

    (*)


    正說知見時  
    知見俱是心
    當心即知見  
    知見即于今

    NAM MÔ ĐẠI TUỆ VĂN THÙ SƯ LỢI BỒ TÁT

  11. #20
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts


    Tri kiến







    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  12. The Following User Says Thank You to hoatihon For This Useful Post:

    lavinhcuong (06-20-2015)

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Chủ đề tương tự

  1. Trích đăng Truỳên Đăng Lục
    Gửi bởi lavinhcuong trong mục THIỀN TÔNG
    Trả lời: 42
    Bài cuối: 06-18-2015, 09:49 AM
  2. Truyền đăng lục ~ Hoạt hình Phật giáo
    Gửi bởi minhquang trong mục Video liên quan Phật giáo
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 06-17-2015, 10:03 PM

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •