KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐAQuyển 465__________________________________________________ ______________________________________
Quyển 465
LXXII. PHẨM HỌC TẤT CẢ 02
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Ở trong tánh vô tánh của tất cả các pháp nếu Đại Bồ-tát phát sanh bốn tịnh lự, phát sanh năm thần thông, chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề đầy đủ các công đức, an lập hữu tình thành ba nhóm khác nhau, giúp họ đạt được sự lợi lạc thì ở trong tánh vô tánh của tất cả các pháp, làm sao Đại Bồ-tát mới phát tâm tạo nghiệp tuần tự, tu học tuần tự, làm các việc tuần tự, chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, làm các việc lợi lạc thù thắng cho hữu tình?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Các Đại Bồ-tát ở địa vị mới phát tâm hoặc theo Phật nghe hoặc từ chỗ cúng dường nhiều vị Phật, Bồ-tát, Độc giác, A-la-hán, Bất hoàn, Nhất lai, Dự lưu, Hiền thánh mà nghe, nghĩa là chứng ngộ các pháp lấy vô tánh làm tánh, viên mãn rốt ráo mới gọi là Phật, tuần tự chứng ngộ các pháp lấy vô tánh làm tánh là Bồ-tát, Độc giác, A-la-hán, Bất hoàn, Nhất lai, Dự lưu, tin chắc các pháp lấy vô tánh làm tánh là hiền thiện sĩ. Cho nên tất cả pháp và các hữu tình đều lấy vô tánh làm tánh. Pháp và hữu tình không có tự tánh lượng như đầu lông có thể nắm bắt được.
Sau khi nghe việc này, Đại Bồ-tát ấy nghĩ: Nếu tất cả các pháp và các hữu tình đều lấy vô tánh làm tự tánh, chứng đắc việc đó nên gọi là Phật, Bồ-tát, Độc giác, A-la-hán, Bất hoàn, Nhất lai, Dự lưu, tin chắc việc đó nên gọi là hiền thiện sĩ, thì đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, hoặc là ta sẽ chứng đắc, hoặc không chứng đắc? Vì các pháp và hữu tình đều lấy vô tánh làm tự tánh nên ta nhất định phải hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Sau khi chứng đắc Bồ-đề, nếu các hữu tình thực hành tưởng có, thì ta tìm cách an lập giúp họ trụ vào tưởng không.
Sau khi nghĩ như vậy rồi, Đại Bồ-tát này mong đạt đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Để làm tất cả hữu tình đạt được Niết-bàn, vị ấy tạo nghiệp tuần tự, tuần tự tu học, tuần tự thực hành. Như các Đại Bồ-tát đời quá khứ cầu đạt đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, trước tiên phải tuần tự tạo nghiệp, tu học và thực hành rồi mới chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Đại Bồ-tát này cũng vậy, trước tiên phải tu học bố thí Ba-la-mật-đa, kế đó phải tu học tịnh giới Ba-la-mật-đa, kế đó phải tu học an nhẫn Ba-la-mật-đa, kế đó phải tu học tinh tấn Ba-la-mật-đa, kế đó phải tu học tịnh lự Ba-la-mật-đa, cuối cùng phải tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Thiện Hiện nên biết! Từ lúc mới phát tâm tu hành bố thí Ba-la-mật-đa, Đại Bồ-tát này nên tự thực hành bố thí, cũng khuyên người thực hành bố thí, tùy thuận ca ngợi công đức bố thí, hoan hỷ ca ngợi người thực hành bố thí. Nhờ nhân duyên này, vị ấy được địa vị rất giàu có, thường thực hành bố thí, lìa tâm keo kiệt, tùy theo hữu tình cần vật gì như là đồ ăn uống, áo quần, ngọa cụ, anh lạc, hương hoa, của báu, đèn sáng, xe cộ, nhà cửa và các đồ vật khác, vị ấy đều bố thí cho họ. Đại Bồ-tát này nhờ bố thí nên thọ trì giới uẩn sanh làm trời người được đại tôn quí. Do thí giới nên vị ấy lại đạt được định uẩn, nhờ thí giới định nên lại được huệ uẩn, do thí giới định huệ nên lại được giải thoát uẩn, do thí giới định huệ giải thoát nên lại được giải thoát tri kiến uẩn. Nhờ thí uẩn cho đến giải thoát tri kiến uẩn viên mãn nên vị ấy vượt qua địa vị Thanh văn, Độc giác thể nhập Chánh tánh ly sanh của Bồ-tát. Đã nhập vào Chánh tánh ly sanh của Bồ-tát, vị ấy thành thục hữu tình, trang nghiêm cõi Phật. Sau khi làm việc này, vị ấy chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, chuyển pháp luân vi diệu, dùng pháp tam thừa để an lập, độ thoát các loài hữu tình, giúp họ ra khỏi sanh tử và chứng đắc Niết-bàn.