KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐAQuyển 469__________________________________________________ ______________________________________
Thiện Hiện! Bồn thần túc là: Đại Bồ-tát tu tập thần túc, thành tựu đoạn hành nhờ dục Tam-ma-địa, tu tập thần túc, thành tựu đoạn hành nhờ cần Tam-ma-địa, tu tập thần túc, thành tựu đoạn hành nhờ tâm Tam-ma-địa, tu tập thần túc, thành tựu đoạn hành nhờ quán Tam-ma-địa, dựa vào sự nhàm chán, dựa vào sự lìa bỏ, dựa vào sự tiêu diệt, hồi hướng đối với xả. Đó là bốn thần túc.
Năm căn là: Tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, huệ căn của Đại Bồ-tát. Đó là năm căn.
Thiện Hiện! Năm lực là: Tín lực, tinh tấn lực, niệm lực, định lực, huệ lực của Đại Bồ-tát. Đó là năm lực.
Thiện Hiện! Bảy chi đẳng giác là: niệm đẳng giác chi, trạch pháp đẳng giác chi, tinh tấn đẳng giác chi, hỷ đẳng giác chi, khinh an đẳng giác chi, định đẳng giác chi, xả đẳng giác chi của Đại Bồ-tát. Đó là bảy chi đẳng giác.
Thiện Hiện! Tám chi thánh đạo là: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định của Đại Bồ-tát. Đó là tám chi thánh đạo.
Thiện Hiện! Ba môn giải thoát là pháp môn không, vô tướng, vô nguyện của Đại Bồ-tát. Thế nào là pháp môn giải thoát không? Đó là Đại Bồ-tát dùng hành tướng rỗng không của vô ngã thu nhiếp tâm về một nẻo. Đó gọi là không giải thoát môn. Thế nào là pháp môn giải thoát vô tướng? Đó là Đại Bồ-tát dùng hành tướng vắng lặng, tịch diệt thu nhiếp tâm về một nẻo. Đó gọi là pháp môn giải thoát vô tướng. Thế nào gọi là pháp môn giải thoát vô nguyện? Đó là Đại Bồ-tát dùng hành tướng khổ, vô thường thu nhiếp tâm về một nẻo. Đó gọi là pháp môn giải thoát vô nguyện.
Thiện Hiện! Tám giải thoát là: Đại Bồ-tát tự có sắc quán các sắc bên ngoài. Đó là giải thoát thứ nhất. Tưởng bên trong không có sắc quán các sắc bên ngoài là giải thoát thứ hai, chứng đắc sự thanh tịnh trong thân là giải thoát thứ ba. Vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt trừ hữu đối tưởng, không tư duy các loại tưởng, nhập vào định vô biên không không vô biên xứ định và hoàn toàn an trụ trong đó, là giải thoát thứ tư. Vượt qua tất cả không vô biên xứ nhập vào định vô biên thức thức vô biên xứ và an trụ hoàn toàn trong đó, là giải thoát thứ năm. Vượt qua tất cả thức vô biên xứ, nhập vào định vô thiểu sở hữu vô sở hữu xứ và hoàn toàn an trụ trong đó, là giải thoát thứ sáu. Vượt qua tất cả vô sở hữu xứ, nhập vào định Phi tưởng phi phi tưởng xứ và hoàn toàn an trụ trong đó, là giải thoát thứ bảy. Vượt qua tất cả Phi tưởng phi phi tưởng xứ nhập vào định diệt tưởng thọ và hoàn toàn an trụ trong đó là giải thoát thứ tám.