PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA
PHẨM CHÚC LỤY THỨ 22.
__________________________________________________ ______________________________________


Huyền nghĩa:

CHÚC là gởi, phó thác. – LỤY (lẽ ra phãi đọc là LŨY) có nghĩa là chồng chất. Bây giờ chúng ta nói: Ký thác, như ký thác vào một Ngân-hàng, với nghĩa gởi bạc một khi một ít vào một Ngân-hàng. Do đây, Ô. Burnouf dịch là “depôt”.

Ánh-sáng ấy tạm gọi là Trí-huệ của Phật. Thật sự Trí-huệ ấy là của Như-Lai tức là của Chân-tâm, Phật-tánh. Nói đúng hơn, đó là Trí-huệ tự-nhiên ở con người, khác với cái Trí-huệ “hậu-đắc” tức là cái trí-huệ cần phải học hỏi mới có, như trí-huệ của môt nhà toán-học, bác-sĩ, chẳng hạn.

Như-Lai là đại thí-chủ có nghĩa là Tâm không bao giờ từ chối với ta một tia sáng trí-huệ nào. Tại chúng ta nghe theo tình dục không hỏi Tâm nên Tâm không ban cho những lời chỉ bảo sáng suốt, chớ nào phải Tâm keo kiết, bỏn sẻn, tham tiếc. Vây ai đã tìm thấy nguồn ánh-sáng ấy nơi mình, thì nên theo lòng hào-hiệp của Tâm mà ban bố ánh-sáng ấy, không nên giữ riêng cho mình.

Nhưng tin rằng Tâm mình là Phật, trong Tâm mình có Kinh Pháp-Hoa, nguồn Vô-thượng giác, là một việc khó, phải là bậc Bồ-tát mới làm được. Vì vậy, gặp những người “chưa tin trí-huệ của Như-Lai” thời nên dùng pháp khác trong vô lượng pháp thâm diệu của Như-Lai (Tâm) mà khai mở cho họ được lợi ích.

“Chư phân-thân Phật, mỗi vị tùy chỗ an trú của mình mà trở vào Tháp của Phật Đa-Bảo như cũ” có nghĩa tất cả chúng-sanh đều là Một, và Một ấy là Pháp (Đa-Bảo) và Pháp là Tâm.

Nói tóm, Tâm chứa lấy đầy đủ Trí-huệ, Giác-ngộ, đó là nơi ký thác Vô thượng Chánh-đẳng Chánh-giác.


--------------

[4] Chúc luỵ: Giao phó, gởi gấm.

[5] Đại thí chủ: người cho nhiều, cho không tiếc.