PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA PHẨM PHÂN BIỆT CÔNG-ĐỨC THỨ 17.
__________________________________________________ ______________________________________
Huyền nghĩa:
I. Những “pháp-lợi” (những sự lợi-ích của Pháp) khi được nghe Phật nói về “Thọ Mạng của Như-Lai”.
Như-Lai là Tâm, mà Tâm thì bất-sanh (non-né) cho nên bất-diệt (non-mort), do đó nói thọ mạng của Như-Lai không cùng không cực.
Trong mỗi con người, có hai phần: a) phần sanh-diệt là ngũ-uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) tức là xác thịt và tinh thần; b) phần bất-sanh và bất-diệt hay vô-sanh, tức là Tâm hay bản-thể. Phần trước thì đổi dời (vô thường), phần sau không đổi dời (thường). Chính phần sau này mới là con người thật (Chân-nhân hay Chân-ngã), còn phần trước là con người bề ngoài (homme apparent), con người giả (Giả-ngã).
Từ trước đến giờ, ai cũng lấy phần giả làm thiệt cho nên lầm tưởng mình có sanh, có chết và sống theo sự kích-thích của xác thịt, tình-cảm và tư-tưởng, nghĩ ngợi. Nay Phật đem sự thật ra nói và dạy cho biết con người thật là Tâm, là Như-Lai, không sanh cũng không diệt, sống mãi đời đời, không cùng không tận.
Ai nghe được chân-lý này và hiểu được thì thu hoạch được nhiều lợi-ích. Nhưng không phải đồng là người mà thụ hưởng được những sự lợi-ích như nhau. Vì căn cơ của chúng-sanh không đều, cho nên sự hiểu biết về “Như-Lai thọ mạng” cũng không đều: hiểu biết không đều cho nên sự lợi-ích hưởng được trong chỗ giác-ngộ cũng không đều. Vì vậy, hiểu cạn, hưởng lợi-ích nhỏ thì nhiều, mà hiểu sâu và hưởng lợi-ích to, thì càng sâu càng ít.
Những sự lợi-ích ấy như thế nào? Đại khái có 8:
a) Vô-sanh pháp-nhẫn (kiến tánh): rất đông người được: 6 trăm tám mươi vạn ức Na-do-tha Hằng-sa chúng-sanh.
b) Văn-trì đà-la-ni (nghe hiểu và nắm giữ được) số người hưởng được là hàng Bồ-tát một ngàn lần nhiều hơn.
c) Nhạo thuyết vô ngại biện tài (thích nói Pháp và có biện tài): đại Bồ-tát nhiều như vi-trần của một thế-giới.
d) Triền đà-la-ni (thông hiểu đầy đủ, ra vào cửa Pháp vô ngại): đại Bồ-tát nhiều như vi-trần của một thế-giới.
e) Pháp-luân bất thối (tu hành tinh tấn): đại Bồ-tát nhiều như vi-trần của Tam thiên.
f) Pháp-luân thanh-tịnh (được sự thanh-tịnh): đại Bồ-tát nhiều như vi-trần của hai ngàn cõi.
g) Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác (thành Phật): 4 hạng đại Bồ-tát nhiều ít khác nhau và mau chậm cũng khác nhau.
h) Phát tâm Vô thượng (phát tâm tu thành Phật): chúng-sanh nhiều như vi-trần của 8 thế-giới.