DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 11/11 ĐầuĐầu ... 91011
Hiện kết quả từ 101 tới 109 của 109
  1. #101
    Avatar của Ngọc Quế
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    422
    Thanks
    518
    Thanked 1.880 Times in 296 Posts
    PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA
    PHẨM NHƯ-LAI THẦN-LỰC THỨ 21.
    __________________________________________________ ______________________________________


    Ở đây, nên phân biệt có hai hạng Bồ-tát: 1) hạng dưới đất vọt lên (tượng trưng cho những đức tướng trong tâm của mỗi chúng-sanh); 2) hạng đương cơ, tức là những Bồ-tát bằng xương bằng thịt, đang nghe Phật thuyết pháp.

    Câu bạch ở đoạn đầu của hàng Bồ-tát thứ nhất có nghĩa: “trong tâm nào (quốc độ) mà ánh-sáng giác (phân-thân Phật) tắt mất (diệt độ), nghĩa là bị vô-minh che áng, thời người tu muốn được thanh-tịnh (pháp lớn chân tịnh) phải thọ trì, đọc tụng…Kinh Pháp-Hoa để gieo trồng đức tướng. Có đức là có thanh-tịnh.

    Lưỡi rộng dài tiêu biểu cho tiếng Pháp (Pháp-âm), tức như hiện nay chúng ta nói tiếng của lương-tâm. Nghe được tiếng Pháp, trở thành sáng suốt hay giác ngộ (phóng quang).

    Nghe được tiếng Pháp, tiếng của cõi lòng xa xuôi, chỉ những người cột tâm trói ý hay nhập định (Phật ngồi dưới cây báu, ám chỉ lúc Đức Thích-Ca ngồi dưới cội Bồ-đề tư duy 49 ngày). Nghe được rồi, (rút lưỡi vô), thời sức nghe thấy phát triển lạ lùng (thần thông), đến nỗi nghe được những tiếng nhỏ nhặt của cõi lòng (tằng-hắng và khảy móng tay), và nghe lớn như những tiếng trời gầm, lan khắp vũ-trụ vô biên và làm rung rinh quả đất. Còn cái thấy thì cũng thần thông lạ lùng: thấy tất cả chúng-sanh đều có Phật-tánh (vô lượng ức Phật ngồi toà sư-tử trong cõi Ta-bà), thấy Tâm nào (tháp báu) cũng đều có chứa đựng Ánh-Giác (Thích-Ca) và hằng-sa đức tướng (Đa-Bảo), lại thấy vô số chúng-sanh đang tiến về Ánh-Giác, trước sau thứ bậc Bồ-tát, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di (tứ chúng).

    Nghe thấy được như vậy là sanh tâm kính tín, như trong hư-không có tiếng thúc giục, rồi tự nhiên mà niệm Phật, quy ngưỡng và cúng dường. Cúng dường hết sức mình, nghĩa là khi đã hiến trọn thân mình cho Phật, cho Giác-ngộ, thì sự giác-ngộ nơi mình trở thành bao-la, soi thấy mười phương thế-giới một cách thông suốt, không còn gì ngăn ngại nữa.

    Tóm lại, trong Tâm (Như-Lai) có tất cả pháp, tất cả thần-lực tự-tại, tất cả điều bí-yếu huyền-diệu. Và tất cả những cái ấy đều có nói rõ và đầy đủ trong Kinh Pháp-Hoa. Vậy phải thọ trì, đọc tụng,…và nhất là theo lời Kinh mà tu hành cho đúng.
    Trên đây là ý nghĩa thâm huyền mà chúng tôi cảm thấy trong phẩm này. Trong cái nghe thấy thần thông nói ở đây, không gì khác hơn là chữ Huệ, hay nói đúng hơn, những diệu dụng của Huệ.



    NAM MÔ BẤT ĐỘNG QUANG MINH

  2. #102
    Avatar của Ngọc Quế
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    422
    Thanks
    518
    Thanked 1.880 Times in 296 Posts
    PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA
    PHẨM NHƯ-LAI THẦN-LỰC THỨ 21.
    __________________________________________________ ______________________________________


    Ngọc Quế có ý kiến như vầy :

    "Chư Phật le lưỡi rộng dài đến cõi Trời Phạm Thế" nhằm muốn nói ĐÂY LÀ ĐIỀU CHÂN THẬT NHẤT (trong vô lượng Giáo điều mà đức Phật đã từng tuyên thuyết).

    Sau bao nhiêu sự chuẩn bị đặc thù, đại chúng lắng lòng chờ nghe DIỆU PHÁP, thì DIỆU PHÁP lại KHÔNG CÓ MỘT LỜI, "Tằng hắng và khảy móng tay" đã là TẤT CẢ PHẬT PHÁP, là đã trọn vẹn, gồm thâu hết Giáo lý Phật pháp trong động tác này ! Ở đây khi muốn tuyên thuyết điều tuyệt vời nhất, Phật đã KHÔNG NÓI CÂU NÀO, hàm nghĩa là mọi Giáo lý mà Phật đã từng nói chỉ là Phương tiện thuyết.

    Chuyện này và chuyện đức Phật cầm một bông hoa đưa lên (Niêm hoa vi tiếu) cùng một ý nghĩa : MỌI LỜI NÓI ĐỀU VÔ NGHĨA, MỌI VIỆC LÀM ĐỀU VÔ NGHĨA ! Chỉ một tiếng tằng hắng thôi, 49 năm thuyết pháp của Phật bị xóa sạch hết; chỉ một cái khảy móng tay, vô lượng kiếp độ sinh "trôi ra biển".

    Đây là nghĩa BẤT ĐỘNG QUANG MINH.


    NAM MÔ BẤT ĐỘNG QUANG MINH

  3. The Following User Says Thank You to Ngọc Quế For This Useful Post:

    hoatihon (04-25-2017)

  4. #103
    Avatar của Ngọc Quế
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    422
    Thanks
    518
    Thanked 1.880 Times in 296 Posts
    PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA
    PHẨM CHÚC LỤY THỨ 22.
    __________________________________________________ ______________________________________


    PHẨM THỨ 22

    CHÚC LỤY
    ([4]) (Le dépôt)


    Lúc bấy giờ, đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni, từ pháp toà đứng dậy, hiện sức thần lớn, dùng tay mặt xoa đầu vô lượng đại Bồ-tát mà nói rằng: “Trong vô lượng trăm ngàn muôn ức a-tăng-kỳ, ta đã tu tập pháp Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác khó đặng này, nay đem giao phó cho các ngươi; các ngươi nên một lòng truyền bá để rộng thêm sự ích lợi.

    Đức Phật ba phen xoa đầu các Bồ-tát và ba phen lập lại câu nói trên.

    Vì sao? Vì Như-Lai có từ bi lớn không tham tiếc cùng không có điều sợ sệt, năng cho chúng-sanh trí-huệ của Phật, trí-huệ của Như-Lai, trí-huệ tự-nhiên. Như-Lai là đại thí-chủ([5]) của tất cả chúng-sanh, các ngươi nên theo học pháp của Như-Lai, chớ nên tham tiếc. Đời sau, nếu có trai lành gái thiện nào tin trí-huệ của Như-Lai thời các ngươi nên vì những người ấy mà diễn nói Kinh Pháp-Hoa, để họ nghe biết mà được sự sáng suốt của Phật. Nếu gặp hạng chúng-sanh không tin lãnh lời Kinh, thời nên dùng pháp khác trong các giáo-pháp thâm diệu của Như-Lai, mà chỉ dạy cho họ được lợi ích vui mừng. Làm được như thế là các ngươi đã báo ân Phật rồi vậy.


    Khi nghe Phật nói xong, các đại Bồ-tát đều cảm thấy sự vui mừng lan khắp thân thể. Lòng thêm cung kính, các Bồ-tát nghiêng mình cúi đầu, chấp tay hướng Phật đồng bạch: “Chúng con sẽ làm đầy đủ theo lời Thế-Tôn dạy, kính xin Thế-Tôn chớ nên lo nghĩ”.

    Lúc bấy giờ, đức Phật Thích-Ca dạy các phân-thân Phật từ mười phương đến, đều trở về nước mình và nói rằng: “Chư Phật mỗi vị tuỳ chỗ an trú của mình mà trở về vào tháp của Phật Đa-Bảo như cũ”.

    Trong lúc Phật nói, mười phương vô lượng phân-thân Phật đang ngồi trên toà sư-tử dưới cây báu, cùng Phật Đa-Bảo với vô biên vô số Bồ-tát như Xá-lợ-Phất ..v.v… hàng Thanh-văn, bốn chúng và tất cả ba hạng chúng-sanh lành là thiên, nhân, A-tu-la, nghe lời Phật nói đều rất vui mừng.



    NAM MÔ BẤT ĐỘNG QUANG MINH

  5. #104
    Avatar của Ngọc Quế
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    422
    Thanks
    518
    Thanked 1.880 Times in 296 Posts
    PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA
    PHẨM CHÚC LỤY THỨ 22.
    __________________________________________________ ______________________________________


    Huyền nghĩa:

    CHÚC là gởi, phó thác. – LỤY (lẽ ra phãi đọc là LŨY) có nghĩa là chồng chất. Bây giờ chúng ta nói: Ký thác, như ký thác vào một Ngân-hàng, với nghĩa gởi bạc một khi một ít vào một Ngân-hàng. Do đây, Ô. Burnouf dịch là “depôt”.

    Ánh-sáng ấy tạm gọi là Trí-huệ của Phật. Thật sự Trí-huệ ấy là của Như-Lai tức là của Chân-tâm, Phật-tánh. Nói đúng hơn, đó là Trí-huệ tự-nhiên ở con người, khác với cái Trí-huệ “hậu-đắc” tức là cái trí-huệ cần phải học hỏi mới có, như trí-huệ của môt nhà toán-học, bác-sĩ, chẳng hạn.

    Như-Lai là đại thí-chủ có nghĩa là Tâm không bao giờ từ chối với ta một tia sáng trí-huệ nào. Tại chúng ta nghe theo tình dục không hỏi Tâm nên Tâm không ban cho những lời chỉ bảo sáng suốt, chớ nào phải Tâm keo kiết, bỏn sẻn, tham tiếc. Vây ai đã tìm thấy nguồn ánh-sáng ấy nơi mình, thì nên theo lòng hào-hiệp của Tâm mà ban bố ánh-sáng ấy, không nên giữ riêng cho mình.

    Nhưng tin rằng Tâm mình là Phật, trong Tâm mình có Kinh Pháp-Hoa, nguồn Vô-thượng giác, là một việc khó, phải là bậc Bồ-tát mới làm được. Vì vậy, gặp những người “chưa tin trí-huệ của Như-Lai” thời nên dùng pháp khác trong vô lượng pháp thâm diệu của Như-Lai (Tâm) mà khai mở cho họ được lợi ích.

    “Chư phân-thân Phật, mỗi vị tùy chỗ an trú của mình mà trở vào Tháp của Phật Đa-Bảo như cũ” có nghĩa tất cả chúng-sanh đều là Một, và Một ấy là Pháp (Đa-Bảo) và Pháp là Tâm.

    Nói tóm, Tâm chứa lấy đầy đủ Trí-huệ, Giác-ngộ, đó là nơi ký thác Vô thượng Chánh-đẳng Chánh-giác.


    --------------

    [4] Chúc luỵ: Giao phó, gởi gấm.

    [5] Đại thí chủ: người cho nhiều, cho không tiếc.


    NAM MÔ BẤT ĐỘNG QUANG MINH

  6. #105
    Avatar của Ngọc Quế
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    422
    Thanks
    518
    Thanked 1.880 Times in 296 Posts
    PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA
    PHẨM DƯỢC VƯƠNG BỒ-TÁT BỔN SỰ THỨ 23.
    __________________________________________________ ______________________________________


    PHẨM THỨ 23

    DƯỢC VƯƠNG BỒ-TÁT BỔN SỰ


    (Ancienne méditation de Chaichadjyarâdja)


    Lúc bấy giờ, Bồ-tát Tú-Vương-Hoa bạch Phật: “Thế-Tôn! Làm thế nào mà Bồ-tát Dược-Vương dạo nơi thế-giới Ta-bà? Bồ-tát Dược-Vương có bao nhiêu ngàn muôn ức hạnh khổ khó làm? Nguyện Thế-Tôn giải nói một ít cho Thiên-Long bát bộ, cho các hàng Bồ-tát từ nước khác lại cùng bậc Thanh-văn ở đây nghe, để tất cả đều đặng vui mừng”.

    Phật đáp trong quá khứ cách nay vô lượng hằng-sa kiếp, có Phật hiệu Nhật-Nguyệt Tịnh-Minh-Đức. Ngài có tám mươi ức đại Bồ-tát, bảy mươi hằng-sa đại Thanh-văn, thọ bốn muôn hai ngàn kiếp, chư Bồ-tát cũng sống lâu như thế. Trong nước của đức Phật ấy, không có đàn-bà, Địa-ngục, Ngạ-quỉ, Súc-sanh, A-tu-la .v.v…cũng chẳng có các khổ nạn. Đất bằng lưu-ly, mặt phẳng như bàn tay, có trồng cây báu, trên có màn báu bao trùm, tràng phan hoa báu buông thông. Khắp nước, bình báu, lò hương dẫy đầy. Cách mỗi cây, khoảng một lằng tên có một đài bằng bảy báu. Dưới những cội cây ấy, có chư Bồ-tát, Thanh-văn ngồi, còn trên mỗi đài thì trăm ức chư Thiên trổi nhạc Trời, hát múa cúng dường Phật”.

    Lúc bấy giờ, Đức Phật Nhật-Nguyệt Tịnh-Minh-Đức nói Kinh Pháp-Hoa cho Bồ-tát Nhất-Thế Chúng-Sanh Hỷ-Kiến cùng các hàng Bồ-tát, Thanh-văn nghe.

    Bồ-tát Hỷ-Kiến ưa tu tập khổ hạnh, trong pháp của Phật Tịnh-Minh-Đức tinh tấn kinh hành, một lòng cầu thành Phật, (nhờ vậy) mà mãn một muôn hai ngàn năm đặng Chánh-định “Hiện nhất thế sắc thân”. Bồ-tát mới tự nói trong lòng: “Đặng Chánh-định này là nhờ sức nghe Kinh Pháp-Hoa, vậy ta nên cúng dường Phật Tịnh-Minh-Đức và Kinh Pháp-Hoa”. Tức thời Bồ-tát nhập định, trong hư-không rưới các thứ hoa-hương cõi Trời cúng dường Phật”.

    Cúng dường xong, Bồ-tát xuất định và tự nói trong lòng: “Tuy ta đã dùng thần-lực cúng dường Phật, nhưng sao bằng lấy thân cúng dường”. Bồ-tát liền uống các chất thơm, kế uống dầu làm bằng các thứ hoa thơm mãn một ngàn hai trăm năm, rồi lấy dầu thơm thoa thân, dùng áo báu cõi Trời quấn mình trước Đức Phật Tịnh-Minh-Đức, rưới các thứ dầu thơm lên áo và dùng sức nguyện thần thông mà tự đốt thân. Ánh sáng toả soi tám mươi ức Hằng-sa thế-giới. Trong ánh sáng ấy, chư Phật đồng thời đều khen: “Lành Thay! Lành thay! Như vậy mới thật là tinh tấn, mới thật là cúng-dường Pháp. Các lối cúng dường khác bằng hương hoa, chuỗi ngọc.v.v… đều chẳng bằng, thậm chí đem cả một nước, thành quách, vợ con mà bố-thí cũng chẳng bằng. Trong các lối bố-thí, bố-thí thân là bậc nhất”.



    NAM MÔ BẤT ĐỘNG QUANG MINH

  7. #106
    Avatar của Ngọc Quế
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    422
    Thanks
    518
    Thanked 1.880 Times in 296 Posts
    PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA
    PHẨM DƯỢC VƯƠNG BỒ-TÁT BỔN SỰ THỨ 23.
    __________________________________________________ ______________________________________


    Nói xong, chư Phật im lặng. Lửa thân Bồ-tát cháy trót một ngàn hai trăm năm, sau đó thân Bồ-tát mới tận.

    Cúng-dường Pháp xong và sau khi mạng chung, Bồ-tát Hỷ-Kiến phục sanh trong nước Phật Tịnh-Minh-Đức, tại nhà vua Tịnh-Đức, phục sanh một cách bỗng nhiên, trong trạng thái ngồi kiết-già. Hoá sanh xong bèn vì cha đọc bài kệ:

    Đại-Vương nay nên biết:

    Nhờ kinh hành nơi ấy

    Tức thời đặng tất cả

    Chánh-định trong các thân,

    Sau cần cố gắng hơn

    Nên bỏ thân yêu mến

    Dâng cúng-dường Thế-Tôn

    Để cầu huệ vô-thượng.


    Nói xong, Bồ-tát thưa với vua cha: “Trước cúng-dường Phật Tịnh-Minh-Đức xong, tôi đặng "Đà-la-ni Giải tất cả tiếng nói của chúng-sanh”, kể lại nghe vô số kệ của Kinh Pháp-Hoa. Nay Phật Tịnh-Minh-Đức vẫn còn, tôi xin cúng dường nữa”. Bồ-tát bèn ngồi lên đài bảy báu, bay lên hư-không, qua đến chỗ Phật Tịnh-Minh-Đức, làm lễ và đọc một bài kệ khen Phật:

    Lạ lùng thay dung nhan

    Mười phương soi ánh-sáng

    Tôi đã từng cúng-dường

    Nay con lại được thấy.


    Nói kệ xong, Bồ-tát Hỷ-Kiến bạch Phật Tịnh-Minh-Đức: “Thế-Tôn còn ở thế chứ? Đức Phật bảo: “Giờ diệt tận đã đến, ngươi nên sắp đặt giường đi, ta trong đêm nay sẽ nhập Niết-bàn”. Phật lại nói thêm “Ta nay giao phó Phật-Pháp và Vô-thượng-giác cho ngươi, cho các Bồ-tát và các đại đệ tử: “Ta cũng giao cho ngươi ba ngàn đại-thiên thế-giới bảy báu, các cây báu, đài báu và chư Thiên hầu hạ. Sau khi ta diệt độ, ta cũng giao cho ngươi tất cả Xá-lợi của ta, ngươi nên lưu bố khắp nơi để cho đông người được xây nhiều Tháp cúng dường”.

    Đến cuối đêm, Phật Tịnh-Minh-Đức nhập Niết-bàn.

    Bồ-tát Hỷ-Kiến dùng gỗ Chiên-đàn làm giàn hoả thiêu, thâu Xá-lợi đựng vào 84.000 bình báu, xây 84.000 ngọn tháp cao ba thế-giới.

    Bấy giờ, Bồ-tát lại tự nghĩ: Cúng dường Xá-lợi như thế chưa đủ. Bèn ở trước 84.000 tháp, đốt hai cánh tay được trang nghiêm bằng trăm phước, suốt bảy muôn hai ngàn năm, khiến vô số hạng cầu quả Thanh-văn và vô lượng người phát tâm Vô-thượng-giác đều đứng vững trong Chánh-định “Hiện nhất thế sắc thân”.

    Các Bồ-tát, Trời, Người, A-tu-la v.v… thấy vậy đều sầu khổ buồn thương. Bồ-tát, trong đại chúng, bèn lập thệ: “Ta bỏ hai tay ắt sẽ đặng thân Phật. Nếu quả đúng như vậy, thời xin cho hai tay ta tự nhiên trở lại như cũ”. Thệ vừa xong, hai tay tự nhiên trở lại, ấy là nhờ phước-đức và trí-huệ thuần hậu của Bồ-tát chấp lại.



    NAM MÔ BẤT ĐỘNG QUANG MINH

  8. The Following User Says Thank You to Ngọc Quế For This Useful Post:

    hungmanh (04-27-2017)

  9. #107
    Avatar của Ngọc Quế
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    422
    Thanks
    518
    Thanked 1.880 Times in 296 Posts
    PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA
    PHẨM DƯỢC VƯƠNG BỒ-TÁT BỔN SỰ THỨ 23.
    __________________________________________________ ______________________________________


    Đức Phật Thích-Ca hỏi Bồ-tát Tú-Vương-Hoa: “Ý ngươi nghĩ sao? Bồ-tát Hỷ-Kiến thuở xưa đâu phải ai lạ, chính nay là Bồ-tát Dược-Vương đó. Ông ấy đã xả bỏ, bố-thí, vô lượng số thân như thế. Này Tú-Vương-Hoa, ai phát tâm muốn đặng đạo vô-thượng mà đốt một ngón tay hay một ngón chân cúng dường Tháp Phật, còn hơn người dùng nước, thành, vợ, con, cùng trân bảo trong ba ngàn đại-thiên thế-giới mà cúng dường. Còn ai dùng bảy báu trong khắp ba ngàn đại-thiên thế-giới mà cúng dường Phật, Bồ-tát, Duyên-giác, La-hán, cũng không có công-đức bằng người thọ trì Kinh Pháp-Hoa, dầu là một bài kệ bốn câu cũng vậy.

    Tú-Vương-Hoa, trong các dòng nước, biển là bậc nhất; cũng thế, trong các Kinh của Như-Lai nói, Kinh Pháp-Hoa là sâu lớn hơn hết.

    Trong các thứ núi, núi Tu-Di là bậc nhất; cũng thế, trong các thứ Kinh, Kinh Pháp-Hoa là cao hơn hết.

    Trong các tinh-tú, mặt trăng là bậc nhất; cũng thế, trong các Kinh, Kinh Pháp-Hoa là sáng soi hơn hết.

    Như mặt trời năng trừ mọi thứ tối-tăm, Kinh Pháp-Hoa phá tất cả những tối-tăm của cái chẳng-lành.

    Trong các hàng Tiểu-vương, Đại-đế là bậc nhất; cũng thế, trong các Kinh, Kinh Pháp-Hoa đáng tôn trọng hơn hết.

    Như Đế-Thích làm vua thống ngự 33 cõi trời, Kinh Pháp-Hoa là vua các Kinh.

    Như Phạm-thiên là cha của tất cả chúng-sanh, Kinh Pháp-Hoa là cha của tất cả Hiền-Thánh.

    Trong hàng phàm-phu, Tứ Thánh và Duyên-giác là bậc nhất; cũng thế, trong tất cả các Kinh do Như-Lai, Bồ-tát Thanh-văn nói, Kinh Pháp-Hoa là bậc nhất. Ai thọ trì được là bậc nhất trong hàng chúng-sanh.

    Trong tất cả hàng Thanh-văn và Duyên-giác, Bồ-tát là bậc nhất. Cũng thế, trong tất cả các Kinh, Kinh Pháp-Hoa là bậc nhất.

    Như Phật là vua các pháp, Kinh này là vua của các Kinh.

    Tú-Vương-Hoa! Kinh này có thể cứu tất cả chúng-sanh, làm cho chúng-sanh xa rời các khổ não; Kinh này có thể cho chúng-sanh nhiều lợi ích, làm thoả mãn những mong cầu của chúng-sanh, như ao nước trong có thể làm thoả mãn người khát nước. Như người lạnh được lửa, như trần truồng được quần áo, như đi buôn gặp người dẫn mối, như con gặp mẹ, như muốn qua sông gặp thuyền, như bệnh gặp thầy, như tối được đèn, như nghèo được báu, như dân được vua, như khách buôn gặp biển, như đuốc trừ tối, Kinh Pháp-Hoa này cũng thế, có thể làm cho chúng-sanh xa lìa mọi thứ thống khổ, mọi thứ tật bệnh, có thể cổi mở sự trói buộc của sanh-tử.



    NAM MÔ BẤT ĐỘNG QUANG MINH

  10. The Following User Says Thank You to Ngọc Quế For This Useful Post:

    hungmanh (04-27-2017)

  11. #108
    Avatar của Ngọc Quế
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    422
    Thanks
    518
    Thanked 1.880 Times in 296 Posts
    PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA
    PHẨM DƯỢC VƯƠNG BỒ-TÁT BỔN SỰ THỨ 23.
    __________________________________________________ ______________________________________


    Ai nghe được Kinh này, hoặc tự mình chép, hoặc bảo người chép, thì được công-đức nhiều đến nỗi trí-huệ Như-Lai cũng không ước tính được. Nếu chép Kinh này mà còn dùng các thứ hoa hương, đèn dầu cúng dường, thời cũng được vô lượng công-đức như thế.

    Tú-Vương-Hoa! Ai nghe phẩm “Bồ-tát Dược-Vương Bổn-Sự” này cũng được vô biên công-đức, Nếu là đàn-bà thì sau khi dứt báo thân, không còn trở lại làm đàn bà nữa. Năm trăm năm sau Phật diệt độ, người nữ nào nghe Kinh này và tu hành đúng theo lời Kinh dạy, thời khi mạng chung, được vãng sanh qua cõi An-lạc của Phật A-Di-Đà, hết bị tham, sân, si, mạn làm khổ nữa, được Vô-sanh pháp-nhẫn và nhãn căn thanh-tịnh.

    Bây giờ, các đức Phật đồng xa khen: “Hay thay! Lành thay! Này thiện-nam-tử, người có thể trong pháp của Phật Thích-Ca mà thọ trì, đọc tụng, suy gẫm Kinh Pháp-Hoa và nói cho người khác nghe, ngươi đặng công-đức vô lượng vô biên, lửa chẳng đốt đặng, nước chẳng làm trôi, phá được giặc ma, đánh bại quân sanh-tử, và diệt trừ các quân thù khác. Thiện-nam-tử, trăm ngàn đức Phật sẽ giữ gìn ngươi, tất cả trời người, không ai bằng ngươi và, trừ Như-Lai, không Bồ-tát, Duyên-giác, Thanh-văn nào có trí-huệ bằng ngươi.

    Ai nghe phẩm “Dược-Vương Bổn-Sự” này mà biết tuỳ hỷ khen ngợi, thời người đó trong đời hiện tại, miệng thường thoảng mùi thơm hoa sen, và các lỗ chân lông thường tiết mùi trầm.

    Tú-Vương-Hoa, ta giao phó phẩm “Dược-Vương Bổn-Sự” cho ngươi; năm trăm năm sau khi ta diệt độ, phải đem ra truyền bá nói rộng ở cõi Diêm-phù-đề, vá đem sức thần-thông mà giữ-gìn, vì đây là phương thuốc hay cho người bệnh thế-gian, ai bệnh mà nghe được Kinh này thời bệnh liền tiêu diệt, chẳng già, chẳng chết.

    Thấy ai thọ trì Kinh này, Tú-Vương-Hoa nên dùng hoa sen xanh đựng đầy hương bột rải trên người ấy và nghĩ rằng: Người này chẳng bao lâu quyết định sẽ trải cỏ ngồi nơi Đạo-Tràng, phá các ma quân, thổi ốc pháp, đánh trống pháp, độ thoát tất cả chúng -sanh ra khỏi sanh già bệnh chết.


    Lúc Đức Phật nói phẩm “Dược-Vương Bổn-Sự” này có 8 muôn 4 ngàn Bồ-tát đặng Đà-la-ni “Giải nhất thế chúng-sanh ngôn-ngữ”

    Đức Phật Đa-Bảo trong Tháp báu khen Tú-Vương Bồ-tát: Lành thay! Lành thay! Tú-Vương-Hoa, ngươi thành tựu những công-đức không thể nghĩ bàn mới hỏi được Đức Phật Thích-Ca việc như thế, làm lợi ích vô lượng cho tất cả chúng-sanh.



    NAM MÔ BẤT ĐỘNG QUANG MINH

  12. The Following User Says Thank You to Ngọc Quế For This Useful Post:

    hungmanh (04-27-2017)

  13. #109
    Avatar của Ngọc Quế
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    422
    Thanks
    518
    Thanked 1.880 Times in 296 Posts
    PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA
    PHẨM DƯỢC VƯƠNG BỒ-TÁT BỔN SỰ THỨ 23.
    __________________________________________________ ______________________________________


    Huyền nghĩa:

    Các phẩm trước chỉ cho thấy tất cả chúng-sanh đều có Phật-tánh

    (Hiển Tánh), phẩm Dược-Vương này chỉ cách hành (Hiển Hành), tức phương-pháp làm cho Phật-tánh phát hiện.

    Vậy “Dược-Vương Bồ-tát Bổn-Sự” có nghĩa là sự tích của phương thuốc chúa, (Dược là thuốc, Vương là vua, là chúa).

    Hai câu hỏi của Bồ-tát Tú-Vương-Hoa nêu ở đầu phẩm hàm chứa hai ý: 1) làm thế nào cho phương thuốc ấy được truyền khắp thế-giới Ta-bà? 2) phương thuốc ấy gồm có những hạnh khó làm nào?

    Toàn phẩm đã đáp lại hai câu hỏi này bằng sự tích tượng trưng của Bồ-tát Hỷ-Kiến.

    Phật Nhật-Nguyệt Tinh-Minh-Đức ám chỉ đức Thanh-Tịnh làm sáng tâm.

    Có thanh-tịnh là có sáng suốt, có sáng suốt là thấy Tánh được (minh tâm kiến tánh), và sự kiến Tánh ấy được nhân-cách-hoá (personnifié) ở đây bằng một vị Bồ-tát có tên là “Nhất-thế chúng-sanh hỷ-kiến”, có nghĩa là: Cái mà tất cả chúng-sanh vui thấy, Thấy được Tánh là một sự vui mừng mà không chúng-sanh nào không thưởng thức.

    Thấy được Tánh, tức thấy luôn rằng Tánh ở trong (hiện) tất cả chúng-sanh (sắc-thân), cho nên Kinh nói là được Chánh-định “Hiện nhất thế sắc thân”.

    Muốn thấy Tánh (Hỷ kiến) phải tu tập khổ-hạnh, tinh-tấn, tham-thiền (kinh hành) trong thanh-tịnh, một lòng cầu giác-ngộ (thành Phật). Như thế là vì Pháp mà hy-sinh làm mọi cố-gắng tinh-thần (dùng Thần-thông cúng dường).

    Nhưng cố gắng cho thế mấy mà còn nghĩ đến thân, còn luyến tiếc cái “ta” thì sự hy-sinh chưa trọn vẹn. Do đây mà phải phá “ngã chấp” (dùng thân cúng dường).

    Xả bỏ thân, hy-sanh thân, bằng cách cho nó uống các chất thơm, thoa các thứ dầu thơm (trong ngoài thanh-tịnh thơm sạch) và dùng thần-thông, tức sức mạnh của định mà thiêu đốt tất cả những ô-trược. Sự thanh-tịnh-hoá ấy (purification) phải liên tục trong nhiều thời-gian (thân cháy trót 1.200 năm), sau đó mới diệt tận các chất nhơ (thân tận).

    Có chết với đời sống ô-trược như thế, mới phục sanh trong Trong-sạch (Tịnh-Đức), ở mãi trong nhà trong sạch (nhà vua Tịnh-Đức). Kết quả ấy toàn do sự tham-thiền (ngồi kiết-già hoá sanh).

    Có thanh-tịnh mới giải đặng nghĩa ẩn của lời nói chúng-sanh (Giải nhất thế chúng-sanh ngữ-ngôn) là những phương-tiện diễn đạt chân-lý hết sức eo hẹp, mới hiểu thâm sâu được những bài kệ tóm nghĩa Kinh Pháp-Hoa, là những lời nói với Tâm chớ không phải với trí-óc tầm thường. Nhưng nghĩa Kinh dầu hiểu, Tánh dầu đã thấy, vẫn phải cố-gắng thêm (cúng dường) để thân chứng([6]) Phật-tánh (gặp Phật, thấy cho tạn mặt).

    Thân chứng được rồi là nắm đặng Phật-Pháp và Chánh-giác vô thương (Phật giao phó).

    Bây giờ đến giai-đoạn chót là “đốt hai tay” chỉ biết làm phước thế-gian, để được hai tay khác là phước-đức và trí-huệ (lưỡng túc tôn).

    Cúng dường cho Phật-Pháp như thế mới là lối hy-sinh cao cả và chân chánh nhất. Lễ Phật, dâng hoa hương, tiền bạc mà không làm một cố gắng nào, không hy-sanh thân tâm phàm-phu mình cho Chánh-Pháp (Phật), thời bất quá tạo phước để hưởng trong sanh già bệnh chết, sao bằng dùng món thuốc chúa nói trên để mưu sự giải-thoát luân-hồi (chẳng già, chẳng chết).


    -------------------

    [6] Thân chứng = réaliser.

    HẾT


    NAM MÔ BẤT ĐỘNG QUANG MINH

  14. The Following User Says Thank You to Ngọc Quế For This Useful Post:

    hungmanh (04-27-2017)

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 3 người đọc bài này. (0 thành viên và 3 khách)

Chủ đề tương tự

  1. Trả lời: 0
    Bài cuối: 10-03-2015, 12:23 PM
  2. Cảm nghĩ về Phóng Sanh, tốt xấu lẫn lộn không rõ ràng...
    Gửi bởi Trí Từ trong mục Những bài tự viết - Tập viết
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 10-01-2015, 10:55 AM
  3. Những Lời Khuyên Tâm Huyết - Đức Đạt Lai Lạt Ma 14
    Gửi bởi choconxauxi trong mục MẬT TÔNG
    Trả lời: 6
    Bài cuối: 08-21-2015, 09:08 PM

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •