KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Quyển 421
__________________________________________________ ______________________________________


Quyển 421

XXIII. PHẨM VÔ BIÊN TẾ 02


Lúc bấy giờ, cụ thọ Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

- Do nhân duyên nào nên nói các Đại Bồ-tát đời quá khứ vô sở hữu bất khả đắc; các Đại Bồ-tát đời vị lai vô sở hữu bất khả đắc; các Đại Bồ-tát đời hiện tại vô sở hữu bất khả đắc? Do duyên nào nên nói: sắc vô biên tế, nên biết Đại Bồ-tát cũng vô biên tế; thọ, tưởng, hành, thức vô biên tế, nên biết Đại Bồ-tát cũng vô biên tế, cho đến Thanh văn thừa vô biên tế, nên biết Đại Bồ-tát cũng vô biên tế; Độc giác thừa, Đại thừa vô biên tế, nên biết Đại Bồ-tát cũng vô biên tế?

Do duyên nào nên nói: Ngay nơi sắc, Đại Bồ-tát vô sở hữu bất khả đắc; lìa sắc, Đại Bồ-tát vô sở hữu bất khả đắc. Ngay nơi thọ, tưởng, hành, thức, Đại Bồ-tát vô sở hữu bất khả đắc; lìa thọ, tưởng, hành, thức, Đại Bồ-tát vô sở hữu bất khả đắc; cho đến ngay nơi Thanh văn thừa, Đại Bồ-tát vô sở hữu bất khả đắc; lìa Thanh văn thừa, Đại Bồ-tát vô sở hữu bất khả đắc. Ngay nơi Độc giác thừa, Đại thừa, Đại Bồ-tát vô sở hữu bất khả đắc; lìa Độc giác thừa, Đại thừa, Đại Bồ-tát vô sở hữu bất khả đắc?

Do duyên nào nên nói: Tôi đối với tất cả pháp này, bằng mọi cách, mọi nơi, mọi lúc, cầu các Đại Bồ-tát hoàn toàn không thấy, không thể được; làm sao bảo tôi đem Bát-nhã Ba-la-mật-đa dạy bảo, truyền trao cho các Đại Bồ-tát?

Do duyên nào nên nói: Các Đại Bồ-tát, các Đại Bồ-tát ấy chỉ có giả danh hoàn toàn không có tự tánh?

Do duyên nào nên nói: Như nói ngã v.v... rốt ráo không sanh, chỉ có giả danh hoàn toàn không có tự tánh?

Do duyên nào nên nói: Các pháp cũng vậy, rốt ráo không sanh chỉ có giả danh hoàn toàn không có tự tánh?

Do duyên nào nên nói: Các sắc nào rốt ráo không sanh, những thọ, tưởng, hành, thức nào rốt ráo không sanh, cho đến những Thanh văn thừa nào rốt ráo không sanh, những Độc giác thừa, Đại thừa nào rốt ráo không sanh?

Do duyên nào nên nói: Nếu rốt ráo không sanh thì không có tên sắc, cũng không có tên thọ, tưởng, hành, thức, cho đến nếu rốt ráo không sanh thì không có tên Thanh văn thừa, cũng không có tên Độc giác thừa, Đại thừa?

Do duyên nào nên nói: Sao tôi có thể đem Bát-nhã Ba-la-mật-đa rốt ráo không sanh dạy bảo, truyền trao cho các Đại Bồ-tát rốt ráo không sanh?

Do duyên nào nên nói: Lìa rốt ráo không sanh thì không có Đại Bồ-tát nào có thể thực hành quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác?