DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 3/7 ĐầuĐầu 12345 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 21 tới 30 của 69
  1. #21
    Avatar của cát bụi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    249
    Thanks
    210
    Thanked 119 Times in 66 Posts
    BỒ TÁT HẠNH (Bodhicaryàvatàra)
    Chương 5 Giữ gìn tâm ý
    __________________________________________________ ______________________________________


    33) Tỉnh thức, một khi đến sẽ không bỏ đi nữa nếu được chánh niệm giữ gìn ngoài cửa (tâm).

    34) Cứ như thế, ta phải giữ gìn tâm ý. Nếu cảm thấy như bị thúc giục bởi một ý niệm bất chánh, ta phải tức khắc đứng yên bất động như một cây khô.

    35) Mắt không được ngó đây liếc kia một cách vô ích mà phải nhìn xuống như trong lúc tọa thiền.

    36) Nhìn xuống lâu mõi mắt, ta có thể ngẩng lên nhìn chân trời và lúc đó nếu có người đến gần, ta cũng nên chào hỏi lễ phép.

    37) Trong khi đi đường, nếu nghi ngờ tai nạn, ta có thể nhìn bốn phía, nhưng phải đứng lại để nhìn.

    38) Sau khi nhìn trước ngó sau, ta có thể tiến tới hoặc thối lui tùy trường hợp.

    39) "Đây là tư thế của thân" hành giả sơ cơ cần phải niệm như vậy trước khi làm một động tác nào. Và trong khi hành động cũng phải kiểm soát tư thế của mình.

    40) Hành giả phải canh chừng cẩn mật tâm ý như canh chừng một con voi rừng không cho nó giựt đứt dây xẩy thoát khỏi cột trụ chánh pháp.

    41) "Tâm ta ở đâu, đang làm gì?". Hành giả niệm như vậy và quán sát tâm mình nếu muốn an trụ nơi thiền định.

    42) Tuy vậy, gặp trường hợp bất ngờ như tai nạn hoặc trong lúc bố thí, nếu thất niệm thì cũng có thể tha thứ được.

    43) Nếu quyết định làm một việc lành nào thì phải để hết tâm thi hành xong việc đó không được nghĩ đến chuyện khác.

    44) Như vậy mọi việc sẽ được hoàn tất. Ngược lại thì "xôi hỏng bỏng không" và thất niệm sẽ trở về lấn át.

    45) Phải xa lìa các cuộc nói chuyện tầm phào và những cảnh tượng kích thích.

    46) Nhớ lời Phật dạy không nên làm điều vô ích, ta sẽ không gạch đường, bới đất, cắt cỏ.

    47) Trước khi nói năng hay cử động, ta phải kiểm soát tâm ý đưa nó trở về chánh niệm.

    48) Nếu thấy tâm đang ái nhiễm hay sân hận thì ta ngưng mọi nói năng, cử động và đứng yên như một cây khô.

    49-50) Khi nào thấy tâm ngã mạn, kiêu ngạo, háo thắng, khoe khoang, tà vạy, ác độc, muốn chỉ trích lừa đảo kẻ khác thì ta hãy đứng yên bất động như một cây khô.

    51) Khi tâm muốn tiền của, danh dự, vinh quang, khen ngợi thì ta sẽ đứng yên bất động như một cây gỗ.

    52) Khi tâm ích kỷ, không muốn làm lợi ích cho người mà chỉ muốn lợi cho mình thì khi sắp nói, ta sẽ đứng yên bất động như một cây khô.

    Ta còn để lại gì không ?
    Kìa non nước chảy, nọ sông cát bồi !

  2. #22
    Avatar của cát bụi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    249
    Thanks
    210
    Thanked 119 Times in 66 Posts
    BỒ TÁT HẠNH (Bodhicaryàvatàra)
    Chương 5 Giữ gìn tâm ý
    __________________________________________________ ______________________________________


    53) Khi tâm bồn chồn, lo lắng, lười biếng, thích nói chuyện phù phiếm, thiên vị thì ta sẽ đứng yên bất động như một cây khô.

    54) Khi nhận thấy tâm mình bị xao động, đang làm mồi cho ý niệm tà kiến thì người dũng sĩ (Bồ Tát) phải giữ chặt giây cương, dùng phương pháp đối trị.

    55-56) Cương quyết từ bi, khiêm nhường, lễ phép, thông cảm, bình tĩnh, luôn luôn làm lợi ích cho kẻ khác. Không bao giờ bực tức, nổi giận vì những đòi hỏi vô lý của những kẻ vô tri mà ngược lại, khởi tâm thương xót vì biết họ đang bị vô minh phiền não sai sử.

    57) Trong lúc làm lợi ích cho mình và cho người, Bồ Tát luôn thuận theo Chánh pháp, giữ gìn cẩn mật tâm ý, xa kìa mọi ý niệm về "Ta".

    58) Luôn ghi nhớ giờ phút hy hữu có được ngày hôm nay, sau bao kiếp đau khổ, ta sẽ giữ gìn tâm ý vững chắc, bất động như núi Tu Di.

    59) Khi bị đám diều hâu thèm thịt, cắn xé, mổ xẻ, sao cái thân (thây) chết kia không biết đau đớn, la hét?

    60) Ôi, tâm ơi! Sao ngươi lại lo lắng, cho cái thây đó là ngươi? Là bản ngã (cái ta) của ngươi? Nếu nó không phải là ngươi thì sự còn mất của nó có ăn nhằm gì?

    61) Ôi, ngu xuẩn! Tại sao ngươi không lấy một con búp bê bằng gỗ sạch sẽ cho đó là cái Ta (bản ngã) của ngươi mà lại đi săn sóc một cái máy dơ bẩn cấu tạo bằng những thứ bất tịnh?

    62-63) Trước hết bằng sự quán tưởng, hãy nhấc bỏ cái lớp vỏ "da" này ra; với trí phân biệt làm con dao, hãy cắt rời từng mảnh thịt ra khỏi xương; tiếp theo chặt từng khúc xương và nhìn vào tủy xem thực chất của nó là gì?

    64) Sau khi tìm kiếm kỹ lưỡng, không thấy được thực chất nào. Tại sao ngươi vẫn tiếp tục bảo vệ, ái luyến cái thân?

    65) Người ta không ăn được những thứ bất tịnh, không uống được máu mủ. Vậy thử hỏi ngươi làm gì với cái thân?

    66-67) A! Phải ngươi gìn giữ nó để sau này làm mồi nuôi chó sói và diều hâu chăng? Thay vì dùng cái thân khốn nạn này vào việc tạo công đức, ngươi lại săn sóc ái luyến nó để cuối cùng tử thần cũng đến giựt của ngươi, vứt cho diều hâu ăn. Ôi, lúc đó ngươi sẽ làm gì?

    68) Thông thường, một kẻ đầy tớ khi thôi việc rời khỏi nhà, người ta có cho y quần áo cùng tặng vật không? Cũng thế, cái thân này, sau khi được nuôi dưỡng, chăm sóc, cuối cùng nó sẽ ra đi, tại sao ngươi lại tốn công vì nó?

    69) Hãy trả vừa đủ lương cho nó thôi! Và tâm của ta ơi! Hãy lo cho chính ngươi, đừng tốn thì giờ vô ích cho cái thân nữa.

    70) Hãy xem cái thân như một chiếc thuyền qua lại. Hãy làm chủ và điều khiển nó theo ý ngươi để đưa chúng sinh đến bờ giải thoát.

    Ta còn để lại gì không ?
    Kìa non nước chảy, nọ sông cát bồi !

  3. #23
    Avatar của cát bụi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    249
    Thanks
    210
    Thanked 119 Times in 66 Posts
    BỒ TÁT HẠNH (Bodhicaryàvatàra)
    Chương 5 Giữ gìn tâm ý
    __________________________________________________ ______________________________________


    71) Bãy giờ làm chủ được cái ta, Bồ Tát trở nên người bạn lành của tất cả mọi người, luôn mỉm cười không còn nhăn mặt chau mày.

    72) Không còn bồn chồn, xao động, đập phá bàn ghế, xô cửa ầm ĩ. Bồ Tát an trụ trong yên lặng và khiêm tốn.

    73) Con hạc, con mèo và kẻ trộm luôn bước đi nhẹ nhàng yên lặng nên dễ bắt được mồi. Bồ Tát cũng nên tập như vậy.

    74) Đối với các bậc hiền giả khéo dùng phương tiện hướng dẫn làm lợi ích cho chúng sinh, Bồ Tát luôn đảnh lễ kính trọng. Đối với mọi người, Bồ Tát luôn nhún nhường như một người đệ tử vậy.

    75) Nghe ai thuyết giảng Chánh pháp, Bồ Tát gật đầu xưng tán. Thấy ai làm việc lành, Bồ Tát liền khen ngợi và tùy hỷ.

    76) Bồ Tát luôn khéo léo kể lại hạnh lành của những kẻ khác. Nếu nghe người khen ngợi công đức của mình thì Bồ Tát phải xem đó là lời khen ngợi hạnh lành (chứ không phải khen ngợi mình).

    77) Công đức chính là nguồn gốc của an vui hạnh phúc. Tuy vậy, chúng rất hy hữu, dù có nhiều tiền của cũng không thể mua được. Bởi thế nên ta sung sướng tùy hỷ công đức của kẻ khác.

    78) Được vậy, trong đời này ta không mất mát gì cả mà đời sau lại được sung sướng hạnh phúc. Ngược lại, nếu ganh ghét, đố kỵ thì đời này ta bị hận thù ray rứt và đời sau sẽ phải chịu nghèo hèn khổ sở.

    79) Lời nói của Bồ Tát cần phải rành mạch, rõ ràng, thành thật, dịu dàng, dễ nghe, ẩn chứa từ bi, vắng lặng.

    80) Khi gặp một người nào đó, Bồ Tát nhìn thẳng và nghĩ rằng: "Ta phải biết cám ơn kẻ này vì nhờ họ mà ta sẽ được thành Phật".

    81) Thành kính cúng dường chư Phật, vâng lời phụng sự các bậc Thầy, cứu khổ giúp đỡ chúng sinh: đó là những cơ hội cho Bồ Tát tích tụ công đức.

    82) Với sự cương quyết, khéo léo, Bồ Tát hành động một mình, không nhờ vả lệ thuộc vào ai.

    83) Các hạnh Ba La Mật như bố thí, trì giới, v.v... được xem từ thấp lên cao, từ dễ đến khó. Nhưng Bồ Tát không được xem thường hạnh Bố thí (cho nó là thấp kém) hoặc bất cứ hạnh nào.

    Ta còn để lại gì không ?
    Kìa non nước chảy, nọ sông cát bồi !

  4. #24
    Avatar của cát bụi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    249
    Thanks
    210
    Thanked 119 Times in 66 Posts
    BỒ TÁT HẠNH (Bodhicaryàvatàra)
    Chương 5 Giữ gìn tâm ý
    __________________________________________________ ______________________________________


    84) Sau khi hiểu rõ điều trên, Bồ Tát phải đem hết nghị lực làm việc không ngừng để lợi ích chúng sinh. Nhiều khi Bồ Tát cũng có thể phạm vào giới cấm nếu biết điều đó đem lại lợi ích cho chúng sinh.

    85) Bồ Tát sẽ chia sẻ thức ăn của mình cho kẻ đau khổ, cô thế và những tu sĩ khác. Bồ Tát xả bỏ hết, trừ ba y (cà sa).

    86) Thân của Bồ Tát chỉ dùng để tu tập chánh pháp nên Bồ Tát không hành hạ, lạm dụng nó vào những việc tầm thường thế gian. Như thế, Bồ Tát sẽ hoàn tất nhanh chóng sự mong ước của chúng sinh.

    87) Bồ Tát không được hy sinh thân mạng của mình cho những người lợi dụng, không có lòng từ bi. Bồ Tát chỉ nên hy sinh nó vì lý do chánh đáng (tức giải thoát chúng sinh).

    88) Bồ Tát không thuyết pháp cho kẻ bất kính, hoặc kẻ đội mũ, che đầu, cầm dù, cầm gậy, cầm dao.

    89) Giáo pháp cao thượng, thâm sâu, không được giảng dạy cho những kẻ thô tục hoặc cho người nữ nếu không có người nam cùng nghe. Bồ Tát kính trọng bằng nhau giáo lý Đại Thừa và Tiểu Thừa.

    90) Nếu thấy người nào có đủ nhân duyên lãnh thọ giáo pháp Đại Thừa thì Bồ Tát không nên giảng dạy giáo pháp Tiểu Thừa cho người đó. Bồ Tát cũng không được thu hút người khác bằng cách giảng dạy sai lạc Kinh giáo (Sutra) và Mật giáo (Mantra).

    91) Bồ Tát không vứt tăm xỉa răng hay khạc nhổ bừa bãi. Tiểu tiện trên dòng nước sạch, trên đất cấy là điều xấu hổ đáng trách.

    92) Bồ Tát không ăn đầy miệng, há miệng to, khua húp ra tiếng; không ngồi duỗi chân, đong đưa, cũng không được xoa tay xào xạc.

    93) Bồ Tát không du lịch một mình hoặc ngủ lại đêm với người nữ. Bồ Tát cần học hỏi để giữ gìn, không làm những việc có thể gây tai tiếng.

    94) Bồ Tát không ra dấu (hay ra lệnh) bằng một ngón tay, mà bằng cả một bàn tay phải, một cách lịch sự, dù để chỉ đường cũng vậy.

    95) Khi cần gọi ai, Bồ Tát không dơ tay xua vẫy, trừ trường hợp gấp rút, mà Bồ Tát chỉ búng tay (đàn chỉ) ra tiếng động. Nếu không Bồ Tát sẽ mất tự chủ (oai nghi).

    Ta còn để lại gì không ?
    Kìa non nước chảy, nọ sông cát bồi !

  5. #25
    Avatar của cát bụi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    249
    Thanks
    210
    Thanked 119 Times in 66 Posts
    BỒ TÁT HẠNH (Bodhicaryàvatàra)
    Chương 5 Giữ gìn tâm ý
    __________________________________________________ ______________________________________


    96) Khi ngủ, Bồ Tát sẽ nằm theo tư thế của Đức Phật khi nhập Niết Bàn. Luôn chánh niệm, tỉnh thức, sẵn sàng ngồi dậy nhanh chóng (không chờ ai gọi dậy hay bắt buộc).

    97) Hạnh của Bồ Tát rất nhiều, không thể tính đếm. Nhưng có một hạnh tuyệt đối cần giữ gìn đó là luyện tập và thanh lọc tâm ý.

    98) Ba lần buổi sáng, ba lần buổi tối, Bồ Tát thực hành (trì tụng) ba điều căn bản (Giới, Định, Huệ). Nương tựa chư Phật và Bồ Đề Tâm, Bồ Tát sẽ tẩy sạch mọi tội lỗi cho đến vết cuối cùng.

    99) Trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù thuận, dù nghịch, Bồ Tát cũng đều nhớ thực hành những giới hạnh trên một cách tương xứng.

    100) Vì lợi ích (giải thoát) chúng sinh nên không có hạnh nào mà Bồ Tát không làm. Và như thế, không có hạnh nào mà không đem lại công đức.

    101) Bồ Tát làm những hạnh trên chỉ vì lợi ích trực tiếp hay gián tiếp cho chúng sinh; và cũng chỉ vì lợi ích chúng sinh mà Bồ Tát hồi hướng tất cả công hạnh cầu quả Bồ Đề.

    102) Dù phải xả bỏ thân này đi nữa, Bồ Tát cũng không bao giờ xa lìa thiện tri thức thực hành Bồ Tát Hạnh, thông hiểu giáo nghĩa Đại Thừa.

    103) Bồ Tát phải thành kính tin tưởng bậc thầy dẫn đạo của mình, như phẩm Srisambhavavimoksa đã dạy. Những giới hạnh được trình bày nơi đây và những lời dạy của Phật cần được tìm học trong Kinh tạng.

    104) Những giới luật cùng sự hành trì đều được giảng nói trong Kinh, do đó Bồ Tát cần phải đọc (tụng) Kinh, đặc biệt là Kinh Akacagarbhasutra để biết các lỗi nào nên tránh.

    105) Thêm nữa, Bồ Tát cần phải đọc Siksasamuccaya vì trong đó kể chi tiết những hạnh của Bồ Tát.

    106) Hoặc Bồ Tát nghiên cứu tập Sutrasamuccaya, tóm tắt các hạnh của Bồ Tát và tác phẩm trùng tên của ngài Long Thọ [3].

    107) Qua những sách trên, Bồ Tát sẽ biết rõ những gì nên tránh và nên làm. Như thế, Bồ Tát mới có thể hoàn tất chu đáo giới hạnh của mình.

    108) Tóm lại, chánh niệm tỉnh thức có nghĩa là quán sát tỉ mỉ, thường xuyên những trạng thái của tâm ý và thân thể.

    109) Sau cùng ta phải áp dụng, thực hành những điều trên, vì chỉ đọc tụng và nói suông không thể đem lại lợi ích nào cả. Nếu một bịnh nhân chỉ biết đọc toa thuốc thôi thì y có hết bịnh chăng?


    Chú thích:

    [1] Ở địa ngục, kẻ phạm tội tà dâm bị bắt buộc leo lên cây Kutacalmali, trên đó có những người đàn bà khổng lồ răng sắt nhọn bám níu cắn xé.

    [2] Nghĩa là để tâm phóng túng khởi nghĩ những điều trái với Bồ Tát Hạnh.

    [3] Xem phần chú thích ở tiểu sử Tôn Giả Santideva.

    Ta còn để lại gì không ?
    Kìa non nước chảy, nọ sông cát bồi !

  6. #26
    Avatar của cát bụi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    249
    Thanks
    210
    Thanked 119 Times in 66 Posts
    BỒ TÁT HẠNH (Bodhicaryàvatàra)
    Chương 6 Nhẫn nhục
    __________________________________________________ ______________________________________


    Chương 6

    Nhẫn nhục


    1) Tất cả hạnh lành tích tụ trong nhiều kiếp như bố thí, lễ Phật, v.v.. chỉ cần một giây phút sân hận thôi cũng đủ đốt cháy tiêu tất cả.

    2) Không có tội nào tai hại hơn sân hận, cũng không có khổ hạnh nào dũng cảm hơn hạnh nhẫn nhục. Do đó, bằng mọi cách ta sẽ nuôi dưỡng, tăng trưởng tánh nhẫn nhục.

    3) Ta sẽ không bao giờ an ổn hay nếm được mùi vị sung sướng thảnh thơi, không bao giờ được yên ngủ tự tại nếu ngày đó nọc độc sân hận còn nằm ở trong tâm .

    4) Dù được dạy dỗ, bảo vệ, nhưng một khi chán ghét, bực tức, người đệ tử có thể mong muốn hủy diệt vị thầy của mình.

    5) Nếu ta giống như người đệ tử trên thì anh em, bạn bè sẽ ghê tởm, xa lánh ta. Dù ta có rộng rãi bố thí đi nữa, họ cũng không tin tưởng ta. Tóm lại, sự an vui không thể đến với người sân hận.

    6) Kẻ nào, sau khi ý thức được sân hận là nguồn gốc của đau khổ, hăng hái diệt trừ nó, kẻ đó sẽ hưởng sung sướng trong đời này và đời sau.

    7) Sự bất mãn hay sợ hãi vì bị lừa dối chính là nhiên liệu của sân hận. Nếu để nó bùng cháy chắc chắn ta sẽ bị hại.

    8) Do đó, ta phải tiêu hủy chất nhiên liệu này trước khi nó sát hại ta.

    9) Dù có bị vu khống thậm tệ đi nữa, sự an lạc trong tâm ta cũng không lay động. Vì ta biết rằng bất mãn không đem lại an vui mà ngược lại nó sẽ làm tiêu tan công đức.

    10) Cần gì phải buồn rầu bất mãn, nếu ta có giải pháp? Và dù không có giải pháp thì bất mãn sẽ đem lại lợi ích gì?

    11) Đau khổ, mạ nhục, chỉ trích, vu oan, tất cả điều đó ta không muốn nó xảy đến với ta và người thân, nhưng ta lại muốn nó xảy đến cho kẻ thù.

    12) Sung sướng, dù được cực nhọc tìm kiếm, vẫn mãi không đến. Đau khổ, dù không ai mời mọc lại đến thường xuyên. Giải thoát không thể có nếu không đi qua đau khổ. Ôi, tâm ơi! hãy can đảm nhẫn nhục!

    Ta còn để lại gì không ?
    Kìa non nước chảy, nọ sông cát bồi !

  7. #27
    Avatar của cát bụi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    249
    Thanks
    210
    Thanked 119 Times in 66 Posts
    BỒ TÁT HẠNH (Bodhicaryàvatàra)
    Chương 6 Nhẫn nhục
    __________________________________________________ ______________________________________


    13) Ngoại đạo và chúng sinh ở Carnatic sẵn sàng tự thiêu, rọc xé thân mình mà không hy vọng có ngày giải thoát. Trong khi ta đây, vì mục đích giải thoát, há lại hèn nhát sao?

    14) Không có gì khó làm cả, nếu biết luyện tập. Như thế, hãy bắt đầu làm quen với sự cực khổ tầm thường, sau này ta sẽ nhẫn chịu được những cực khổ dữ dội hơn.

    15) Ruồi, muỗi, đói, khát, nhức, ngứa v.v... Tại sao lại xem thường, bảo chúng là vô ích?

    16) Nếu không nhẫn chịu được nóng, lạnh, mưa, gió, nhọc, mệt, hành hung, đấm đá thì làm sao có thể nhẫn chịu được những khổ cực khác?!

    17-18) Có những người lính khi bị đổ máu, họ lại càng can đảm; lại cũng có người chỉ nhìn thấy máu của kẻ khác cũng đủ té xỉu. Cái đó tùy thuộc ở tâm vững mạnh hay yếu đuối. Bồ Tát phải vượt lên làm chủ, chống lại đau khổ.

    19) Đau khổ không thể lay động sự bình tĩnh của Bồ Tát. Bởi vì không có sự chiến thắng nào mà không có đau khổ, nhất là chiến thắng ái dục.

    20) Thắng được kẻ thù bằng cách chiến đấu hiên ngang thì đáng được xem là chiến tướng anh hùng; còn kẻ chiến thắng bằng thủ đoạn chỉ là người "giết thây chết" mà thôi.

    21) Đau khổ nhiều khi cũng đem lại lợi ích: nó dẹp trừ kiêu mạn, khai mở lòng thương người, ghê sợ tội lỗi và tăng trưởng đức tin nơi chư Phật.

    22) Ta không thể nào nổi sân với lục phủ, ngũ tạng, dù biết chúng là nguyên nhân của bịnh tật. Như thế sao ta lại nổi sân đối với người khác? Vì họ cũng bị nhân duyên chi phối.

    23) Dù không ai ưa thích nó, nhưng bịnh tật một khi hội đủ nhân duyên thì tự phát sinh. Cũng vậy, vì bị vô minh, tà kiến che lấp nên khi gặp ngoại cảnh nghịch ý thì con người nổi sân lên.

    24) Khi nổi sân, con người đâu có nghĩ trước rằng: "Bây giờ ta phải nổi sân!". Và cơn giận, tự nó cũng đâu có nghĩ rằng: "Bây giờ ta phải xuất hiện".

    25) Như vậy, tất cả lỗi lầm cùng hành động xấu ác đều do nhân và duyên hòa hợp sanh khởi. Không có cái gì có thể phát sinh tự nó được.

    26) Khi "nhân" và "duyên" phối hợp với nhau, chúng không cố ý tạo ra một cái gì cả. Và "quả" cũng vậy, nó không bao giờ nghĩ là nó được tạo ra bởi cái gì cả.

    27) Cái thường được gán gọi là bản chất đầu tiên hoặc cái được tưởng tượng dưới nhãn hiệu "Ta", không bao giờ tự phát sinh sau khi suy nghĩ: "Ta sinh".

    28) Vì trước khi được sinh ra. Nó không có (hiện hữu) và như thế làm sao có thể "muốn" sinh ra được? Nếu nó thường có (vĩnh cửu), nó sẽ không bao giờ tách rời khỏi đối tượng của nó và như vậy việc giải thoát không thể có được.

    Ta còn để lại gì không ?
    Kìa non nước chảy, nọ sông cát bồi !

  8. #28
    Avatar của cát bụi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    249
    Thanks
    210
    Thanked 119 Times in 66 Posts
    BỒ TÁT HẠNH (Bodhicaryàvatàra)
    Chương 6 Nhẫn nhục
    __________________________________________________ ______________________________________


    29) Nếu cái Ta (Atman) thường hằng, vô biên như hư không thì đương nhiên nó bất động chuyển. Tự tánh nó như vậy thì dù có xúc chạm với bất cứ vật gì đi nữa, nó cũng không bị chuyển động.

    30) Ngay khi xúc chạm sự vật mà nó vẫn như như không khác lúc trước khi xúc chạm, vậy nhân duyên nào lại có thể lay chuyển nó? Nếu bảo tự nó chuyển động thì là cả một sự sai lầm! Một vật làm sao lại có thể có hai tự tánh cùng một lúc được? (vừa bất chuyển động vừa chuyển động) [1].

    31) Như vậy tất cả sự vật bắt nguồn từ nhiều nhân, và những nhân này lại tùy thuộc vào nhiều nhân khác nữa. Không có gì độc lập tự hữu cả! Hiểu như thế, làm sao ta có thể nổi sân lên đối với những tên người máy (rô bô) vô chủ cử động như ảo ảnh, huyễn thuật?

    32) Nhưng người ta sẽ hỏi rằng: "Nếu các pháp không có thật (như ảo như huyễn) vậy "Ai" sẽ dằn cơn giận? Và nếu như không có "Ai" thì cần gì phải dằn cơn giận?" -Cần chứ! Bởi vì tuy không có "Ai" cả nhưng tiến trình nhân quả vẫn tiếp diễn. Ngăn chặn cơn giận thì sẽ hóa giải được hậu quả đau khổ.

    33) Khi một người bạn hay một kẻ thù có những hành động bất hảo với ta, ta hãy nên nhủ lòng: "Đây là nhân duyên đang hoạt động" và giữ tâm vắng lặng.

    34) Nếu tất cả vật phát sinh theo ý muốn con người thì chắc không có ai khổ cả: vì đâu có ai lại muốn đau khổ bao giờ!

    35) Bởi si mê, sân hận, ham muốn dục lạc, nữ sắc nên con người cấu xé nhau, đói khát khổ sở.

    36) Lại cũng có người vì đó mà tự hại mình như: thắt cổ, gieo mình xuống vực thẳm, uống thuốc độc, ăn uống quá độ, v.v.. Thảy đều là tội lỗi.

    37) Chỉ vì nô lệ cho ái dục, con người đâm ra hủy hoại thân thể (quý giá) của mình. Như vậy làm sao bảo vệ được thân thể cho người khác?

    38) Với những kẻ điên dại vì ái dục, luôn não hại ta, nếu ta không khởi được lòng từ bi thương xót họ, thì ít nhất ta cũng đừng nên sân hận (với họ).

    39) Nếu tự tánh của những kẻ si mê trên là ác độc, chuyên làm khổ người khác thì nổi sân với họ chẳng khác chi nổi sân với ngọn lửa. Đó là một điều vô lý.

    40) Ngược lại, nếu tự tánh của họ hiền lành, ngay thẳng và sự ác độc của họ chỉ là tạm thời chốc lát thì nổi sân với họ cũng vô lý như nổi sân với làn khói trong hư không.

    Ta còn để lại gì không ?
    Kìa non nước chảy, nọ sông cát bồi !

  9. #29
    Avatar của cát bụi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    249
    Thanks
    210
    Thanked 119 Times in 66 Posts
    BỒ TÁT HẠNH (Bodhicaryàvatàra)
    Chương 6 Nhẫn nhục
    __________________________________________________ ______________________________________


    41) Khi bị đánh đập, không ai giận cây gậy cả, mà giận chính người xử dụng cây gậy. Cũng vậy, đối với người sân hận ta, ta không nên giận họ mà hãy nên giận cái tánh sân hận đã thúc đẩy họ.

    42) Xưa kia ta não hại người nên nay người não hại ta. Đó là quả báo đương nhiên.

    43) Sự đau khổ của ta có hai nguyên nhân: lưỡi kiếm chém ta và thân ta bị chém. Người kia đã lựa cây kiếm còn ta thì khoác cái thân này. Như vậy còn trách ai?

    44) Bởi vô minh che lấp, ta đã bám víu vào thân này, không biết thực tướng của nó chính là một vết thương nặng, chỉ cần đụng nhẹ cũng gây đau đớn. Như vậy, thử hỏi khi nó đau thì giận ai (nếu không phải là giận chính ta)?

    45) Ta không thích khổ đau nhưng lại thích (tạo) nguyên nhân dẫn đến đau khổ. Ôi! Không ai điên rồ hơn ta! Chính vì (tội lội của) ta mà đau khổ phát sinh, tại sao lại đi giận kẻ khác?

    46) Chính những hành động của ta đã tạo ra cảnh Địa ngục với rừng đao lá kiếm và cũng chính hành động của ta tạo cho ta khổ đau hiện thời. Như vậy ta còn giận ai?

    47) Chính những hành động của ta đã khiêu khích kẻ khác (để họ tức giận) và khiến họ đọa Địa ngục. Thủ phạm há chẳng phải là ta ư?

    48) Nhờ họ mà ta thành tựu được hạnh nhẫn nhục, tẩy trừ nhiều tội lỗi. Nhưng ngược lại, vì ta mà họ phải đọa Địa ngục lâu dài.

    49) Họ là những ân nhân của ta, trong khi ta lại hành quyết họ. Ôi! Cái tâm (mất dạy của ta) ơi, sao ngươi không biết hổ thẹn mà lại đòi giận tức?

    50) Nếu biết hành hạnh nhẫn nhục thì ta sẽ tự cứu được mình không đọa Địa ngục. Nhưng những kẻ khác thì sao?

    51) Dù ta có trả thù họ đi nữa, không phải vì thế mà họ được cứu rỗi. Ngược lại, sự nghiệp Bồ Tát của ta sẽ đổ gẫy và những kẻ đáng thương kia sẽ bị đọa đày.

    52) Tâm của ta vô tướng mạo, không phải bằng vật chất nên không ai có thể đánh đập được nó. Nếu nó bị đau đớn, chẳng qua chỉ vì nó bám víu vào cái thân mà thôi.

    53) Những lời mắng chửi, nói xấu, vu oan, v.v.. không ăn nhằm hay tổn thương gì đến thân, thế nhưng tại sao ngươi lại nổi giận hả tâm?

    54) Nếu có nhiều người thù ghét ta, sự việc đó đâu có cắn xé được ta trong đời này hay đời sau, tại sao ta lại sợ hãi?

    55) Vì sợ mất lợi dưỡng chăng? Dù muốn dù không, lợi dưỡng cũng tan biến sau đời này, trong khi đó nghiệp xấu của ta vẫn tiếp tục mãi đời sau.

    Ta còn để lại gì không ?
    Kìa non nước chảy, nọ sông cát bồi !

  10. #30
    Avatar của cát bụi
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    249
    Thanks
    210
    Thanked 119 Times in 66 Posts
    BỒ TÁT HẠNH (Bodhicaryàvatàra)
    Chương 6 Nhẫn nhục
    __________________________________________________ ______________________________________


    56) Thà chết ngay ngày hôm nay còn tốt hơn là sống lâu trong tà kiến. Bởi vì, dù có sống lâu đi nữa cũng không ai thoát khỏi đau đớn của cái chết.

    57-58) Một người, trong chiêm bao thấy mình sống sung sướng 100 năm; người khác lại mơ thấy chỉ sung sướng trong một giờ. Cuối cùng cả hai đều thức dậy và khi đó hạnh phúc kia cũng không còn. Cũng vậy, dù cuộc đời có dài hay ngắn, khi cái chết đến thì cũng chấm dứt như nhau.

    59) Dù có sống sung sướng, giàu sang, hưởng thọ khoái lạc, cuối cùng ta cũng phải ra đi với hai bàn tay trắng, giống như người bị kẻ cướp bóc lột.

    60) Có người bảo: "Nhờ giàu sang ta mới có thể sống lâu để tích tụ công đức, tiêu trừ tội lỗi". Đúng vậy, nhưng nếu vì lợi dưỡng mà nổi sân thì đó lại là tích tụ tội lỗi, tiêu mòn công đức.

    61) Nếu không có một mục đích lý tưởng cao thượng trong đời thì sống lâu có ích lợi gì? Phải chăng để tạo nghiệp ác?

    62) Chắc chắn ta ghét kẻ nói xấu ta, vì như thế họ sẽ làm người khác không tin tưởng ta nữa. Thế sao khi họ nói xấu kẻ khác thì ta lại thản nhiên?

    63) Ta thản nhiên được khi kẻ khác bị nói xấu, thế sao ta lại khó chịu trước những lời thật (trái tai) vạch rõ lỗi lầm của ta?

    64) Đối với những người bất kính, đập phá tượng, tháp, kinh sách, ta cũng không nên nổi giận. Bởi vì ngay cả đức Phật và chư thánh tăng cũng đâu có bị (tổn thương) gì!

    65) Nếu kẻ nào xử tệ với thầy ta, cha mẹ ta và những người thân ta, ta hãy kềm tâm hãm giận, quán chiếu đó chỉ là kết quả của nhiều nhân duyên.

    66) Sự đau khổ của chúng sinh chính là hậu quả của những nguyên nhân cố ý hay vô tình và nó chỉ phát hiện với một chúng hữu tình. Vậy hãy ráng nhẫn chịu tâm ơi!

    67) Một kẻ thì tạo ác bởi vô minh, một kẻ thì nổi sân vì si mê. Vậy ai đúng ai sai?

    68) Xưa kia ta đã tạo hành động gì để ngày nay khiến người khác làm ta đau khổ? Tất cả đều là kết quả nghiệp quá khứ, làm sao trách cứ được ai?

    69) Hiểu như vậy, ta sẽ cố gắng tạo nghiệp lành, cầu cho tất cả chúng sinh có được ý niệm thương yêu lẫn nhau.

    70) Khi có một căn nhà bị cháy, người ta sẽ chạy sang nhà bên cạnh, lôi vứt tất cả rơm cỏ khô và những đồ dễ bắt lửa.

    71) Cũng vậy, tất cả ý niệm nào có thể kích thích ngọn lửa sân hận đều phải được loại trừ tức khắc, nếu không chẳng mấy chốc cái kho công đức của ta sẽ bị cháy rụi.

    72) Làm sao một tên tử tội lại có thể than vãn khi bị chặt tay rồi được thả, thay vì phải bị chém đầu? Làm sao ta lại không nhẫn chịu được đau khổ tạm thời nếu biết nhờ đó ta sẽ tránh khỏi cái khổ Địa ngục?

    73) Nếu ngày hôm nay không nhẫn chịu được một chút đau khổ của thế gian thì sao ta không biết ngăn chặn sân hận, vì nó là nguyên nhân dẫn đến đau khổ Địa ngục?

    Ta còn để lại gì không ?
    Kìa non nước chảy, nọ sông cát bồi !

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 4 người đọc bài này. (0 thành viên và 4 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •