DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 17/49 ĐầuĐầu ... 7151617181927 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 161 tới 170 của 487
  1. #161
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN MỘT _ CHƯƠNG IV
    __________________________________________________ ______________________________________


    Cho đến lúc đó, ngay cả một tập hợp tấn công của cả tam giới cũng không thể làm tổn hại tới một sợi tóc trên đầu Ngài Mục Kiền Liên, huống chi là sự đánh đập của những người ngoại đạo. Nhưng vào lúc đó, vì hành nghiệp của quá khứ đè trĩu lên Ngài để cho quả được trổ nên Ngài đành bó tay như bất kỳ một người phàm phu nào khác.

    Ngài nói: “Ngay cả việc chỉ suy nghĩ xem làm sao để sử dụng thần thông mà tôi còn không làm được, thì nói chi tới chuyện làm được điều đó” Ngài Xá Lợi Phất bọc Ngài trong chiếc y và vác Ngài đi.

    Khi họ đi tới Rừng Kỳ Thọ (Rừng Jeta), Ngài Xá Lợi Phất la lên, “Tôi không thể chịu nổi ngay cả việc nghe tả lại về cái chết của bạn tôi! Làm sao tôi có thể nhìn chuyện đó xảy ra?” và Ngài nhập niết bàn cùng với nhiều vị A La Hán khác. Lập tức sau đó, Ngài Mục Kiền Liên cũng siêu vượt nỗi đau khổ.

    Có lần, có một vị tăng sống ở Kashmir tên là Ravati, là người có nhiều đệ tử. Ông ta là một nhà thấu thị và có thần thông. Một ngày nọ, ông đang nhuộm màu vàng nghệ chiếc y tu sĩ của mình trong một khu rừng rậm. Cùng lúc đó, một người thế tục sống gần đó đang tìm con bò đi lạc. Anh ta thấy khói bốc lên từ cánh rừng già bèn đi tới xem chuyện gì xảy ra.

    Thấy vị tăng đang đun lửa, anh ta hỏi: “Ông đang làm gì vậy?”

    “Tôi đang nhuộm y” vị tu sĩ trả lời.

    Người đàn ông nhấc nắp vạc nhuộm lên và nhìn vào trong.

    “Đó là thịt!” anh ta la lên, và quả thực khi vị Tăng nhìn vào trong vạc thì cũng thấy là thịt.
    Người đàn ông bèn dẫn vị tu sĩ giao cho nhà vua, và nói: “Thưa Ngài, vị sư này ăn trộm con bê của tôi. Hãy trừng phạt ông ta” Nhà vua đem Ravati quăng vào hầm.

    Tuy nhiên vài ngày sau, con bò mẹ của người đàn ông tự tìm thấy ra con bê con đi lạc của nó. Anh ta trở lại gặp nhà vua và nói: “Thưa Ngài, nhà sư này hoàn toàn không ăn trộm bò của tôi; làm ơn thả ông ta ra”.

    Nhưng nhà vua đãng trí quên thả Ravati. Suốt trong sáu tháng nhà vua không nhớ gì về việc đó.

    Sau đó, một ngày nọ, một nhóm nhiều đệ tử của vị tu sĩ mà bản thân họ đã đạt được thần thông, họ bay trên không gian và hạ xuống trước mặt nhà vua.

    “Ravati là nhà sư thanh tịnh và vô tội” họ nói với nhà vua: “Xin thả Ngài ra”

    Nhà vua đi thả vị sư, và khi thấy tình trạng suy yếu của Ravati, lòng nhà vua tràn đầy sự hối hận.

    “Tôi định đến sớm hơn, nhưng đã để lâu quá” nhà vua kêu lên, “Tôi đã phạm một tội khủng khiếp”

    “Ngài chẳng làm gì ác cả” vị sư nói. “Đây hoàn toàn là kết quả những hành nghiệp của riêng tôi”

    “Đó là hành động nào?” nhà vua hỏi.

    “Trong một đời quá khứ, tôi là kẻ trộm, và có lần tôi ăn trộm một con bê. Khi người chủ đuổi theo, tôi bỏ chạy, để lại con bê kế bên một vị Độc Giác Phật đang ngẫu nhiên thiền định trong một bụi cây. Người chủ bắt vị Độc giác Phật ném vào hố trong sáu ngày. Khi hậu quả hành vi của tôi đã hoàn toàn chín muồi, tôi phải trải qua nhiều đời đau khổ trong những cõi thấp. Những đau khổ mà giờ đây tôi vừa chịu đựng trong đời này là đau khổ cuối cùng trong số đó.”

    Om Mani Padme Hum !

  2. #162
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN MỘT _ CHƯƠNG IV
    __________________________________________________ ______________________________________


    Một ví dụ khác là câu chuyện người con trai của Surabhibhadra,85 một vị Vua Ấn Độ. Một ngày nọ, hoàng tử được mẫu hậu đưa cho một áo lụa không có đường nối. Hoàng tử không muốn mặc ngay và nói: “Con sẽ mặc vào ngày thừa kế vương quốc”

    “Con sẽ không bao giờ được thừa kế vương quốc” mẫu hậu nói. “Điều đó chỉ có thể xảy ra khi nào phụ vương con chết. Nhưng phụ vương của con và Thầy Long Thọ (Nagarjuna) có cùng một loại sinh lực 86 như vậy không có khả năng phụ vương chết trong khi Ngài Long Thọ Bồ Tát vẫn còn sống. Và vì Ngài Long Thọ Bồ Tát có năng lực kéo dài thọ mạng của Ngài nên phụ vương của con sẽ không bao giờ chết. Đó là điều tại sao những người anh của con đã chết mà không thừa kế được Vương quốc.”

    “Vậy con có thể làm được gì?”
    hoàng tử hỏi.

    “Hãy đến gặp Thầy Long Thọ hỏi xin cái đầu của Ngài. Ngài sẽ đồng ý vì Ngài là một Bồ Tát. Ta thấy không còn giải pháp nào khác”

    Hoàng tử tới gặp Long Thọ Bồ Tát và hỏi xin cái đầu của Ngài. “Hãy cắt lấy nó và đem đi” Đạo sư nói. Hoàng tử dùng kiếm chém vào cổ Ngài Long Thọ Bồ Tát. Nhưng không có chuyện gì xảy ra. Như thể lưỡi kiếm của hoàng tử chặt vào không khí.

    “Vũ khí không thể làm tổn thương ta” Đạo sư giải thích: “vì năm trăm đời trước ta đã hoàn toàn tự tịnh hóa tất cả những quả hoàn toàn chín muồi của việc sử dụng vũ khí. Tuy nhiên, có một ngày ta đã giết một côn trùng khi cắt cỏ kusa. Hậu quả chín muồi của hành động đó chưa cắt được đầu ta, vậy nếu ngươi dùng cỏ kusa làm kiếm thì ngươi có thể cắt được đầu ta”

    Vì vậy, hoàng tử nhổ một lá cỏ kusa và cắt đầu Ngài Long Thọ. Đầu liền rơi xuống đất. Ngài Long Thọ nhập Niết Bàn và hát:

    Bây giờ ta rời bỏ thế gian để đến cõi Cực Lạc;
    Sau này, ta sẽ quay lại ngay chính trong thân này
    .87

    Nếu ngay cả những con người phi thường như vậy vẫn còn phải kinh nghiệm quả báo của những hành vi trong quá khứ của các Ngài thì làm thế nào chúng ta - là những kẻ mà những hành động bất thiện, hoàn toàn không thể tính đếm, đã được tích luỹ từ vô thủy trong những cuộc lang thang của chúng ta qua các cõi của luân hồi – lại có thể hy vọng giải thoát khỏi luân hồi trong khi chúng ta vẫn còn tích lũy ác hạnh? Ngay cả việc thoát ra khỏi những cõi thấp cũng cực kỳ khó khăn. Vậy, bằng mọi giá, chúng ta hãy tránh làm những hành động xấu ác nhỏ bé nhất dù chỉ trong phút giây, và chuyên chú làm bất kỳ điều gì tốt lành mà chúng ta có thể làm, cho dù những điều tốt lành ấy có vẻ tầm thường vô nghĩa. Chừng nào chúng ta còn chưa nỗ lực tinh tấn, thì mỗi một khoảnh khắc của ác hạnh sẽ tiếp tục dẫn dắt chúng ta đọa xuống những cõi thấp trong nhiều kiếp. Đừng bao giờ xem thường những hành động xấu ác dù nhỏ nhặt nhất, và cho rằng chúng không thể gây tổn hại lớn lao. Như Bồ Tát Tịch Thiên (Santideva) có nói:

    Om Mani Padme Hum !

  3. #163
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN MỘT _ CHƯƠNG IV
    __________________________________________________ ______________________________________


    Ác hạnh, dù chỉ trong khoảng khắc
    Cũng đủ dẫn tới một kiếp trong địa ngục A-Tì,
    Bao ác hạnh tôi đã từng tạo từ vô thủy –
    Chẳng cần nói cũng biết, chúng ngăn cản không cho tôi đến được các cõi cao!


    Và trong Kinh Hiền Ngu, chúng ta thấy có nói:

    Đừng xem thường ác hạnh dù nhỏ bé,
    Và tin rằng chúng không tác hại:
    Ngay cả một tia lửa nhỏ xíu,
    Cũng có thể thiêu rụi một núi cỏ.


    Tương tự như thế, ngay cả những thiện hạnh nhỏ bé nhất cũng đem lại lợi ích to lớn. Chớ có xem thường, đừng cho rằng những thiện hạnh nhỏ bé là việc không đáng làm.

    Trong một đời quá khư, vua Mandhatri là một người nghèo khó. Một ngày nọ, trên đường đi dự một đám cưới với một nắm đậu trong tay, ông gặp Đức Phật Ksantisarana đang du hành qua làng. Được thúc đẩy bởi lòng sùng kính mãnh liệt, ông tung nắm đậu vào Ngài. Bốn hạt đậu rơi vào bình bát và hai hạt khác chạm vào ngực Ngài. Việc trổ quả của hành động này khiến ông tái sinh làm đại đế cai trị châu Diêm Phù Đề. Vì bốn hạt đậu rơi vào bình bát của Phật nên ông được cai trị bốn trung châu trong tám vạn năm. Bởi một trong hai hạt đậu chạm vào tim Phật, ông trở thành Hoàng Đế cai quản cảnh giới của Tứ Thiên Vương trong tám vạn năm khác; và do hạt đậu thứ hai, ông được liên tiếp chia đồng đều chủ quyền với ba mươi bảy vị Trời Đế Thích trên cung Trời thứ Ba Mươi Ba.

    Người ta có nói ngay cả quán tưởng Đức Phật và tung một đoá hoa vào hư không cũng dẫn tới việc bạn được chia vương quyền của Vua Trời Đế Thích trong một thời gian dài khó tưởng tượng nổi. Đây là điều tại sao Kinh Hiền Ngu nói:

    Không làm những thiện hạnh nhỏ bé,
    Vì tin rằng chẳng lợi lạc gì:
    Tuần tự từng giọt nước một
    Khi đến lúc,
    Có thể làm đầy một hồ lớn.


    Và Kho Báu Thiện Đức có nói:

    Từ những hạt giống không lớn hơn hạt mù tạt,
    Mọc thành những cây ashota bát ngát
    Chỉ trong một năm
    Có thể vươn cành rộng hàng lý.
    Sự tăng trưởng của thiện và ác
    Thậm chí còn nhanh hơn thế.


    Hạt của cây ashota không lớn hơn hạt cây mù tạt, nhưng cây ashota thì phát triển nhanh tới nỗi cành lá của chúng lớn hàng lý chỉ trong một năm. Tuy nhiên ngay cả hình ảnh này cũng chưa đủ mô tả sự lớn mạnh khủng khiếp của những hành vi thiện và ác.

    Om Mani Padme Hum !

  4. #164
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN MỘT _ CHƯƠNG IV
    __________________________________________________ ______________________________________


    Cũng thế, dù phạm phải giới luật nhỏ bé nhất cũng gây nên những điều xấu ác to lớn. Một ngày kia Long Vương Elapatra đội lốt một vị Chuyển Luân Thánh Vương và đến gặp Đức Phật.

    Đức Phật khiển trách: “Sự tổn hại mà người tạo ra cho giáo lý của Đức Phật Ca Diếp (Kasyapa) đối với ngươi còn chưa đủ hay sao mà bây giờ lại còn muốn làm tổn hại giáo lý của ta? Hãy hiện nguyên hình mà lắng nghe Giáo Pháp!”

    “Nếu làm như vậy, nhiều người sẽ hại con” Long Vương trả lời; vì thế Đức Phật bèn đặt Long Vương dưới vòng gia hộ của đức Kim Cương Thủ (Vajrapani), Long Vương bèn biến thành một con rắn khổng lồ dài vài lý (một lý khoảng 4,8km). Trên đầu rắn mọc một cây elapatra lớn, đè bẹp con rắn với sức nặng của nó, rễ cây nhung nhúc côn trùng chúng làm cho con rắn đau đớn khủng khiếp.

    Đức Phật hỏi tại sao Long Vương lại như thế này, Long Vương trả lời rằng, “Xưa kia, vào thời đại giáo lý của Đức Phật Ca Diếp (Kasyapa), khi ấy con là một tu sĩ. Một hôm áo của con bị vướng vào một cây elapatra lớn mọc bên đường và bị kéo tuột ra. Con giận dữ điên cuồng và liền phạm giới luật,88 con đã đốn ngã thân cây. Những gì Ngài thấy hôm nay là hậu quả của hành vi đó.”

    Đối với tất cả những hành vi thiện hay ác, động cơ thúc đẩy (tác ý) là yếu tố quan trọng nhất để quyết định những hành vi ấy mang tính chất thiện hay bất thiện, nặng hay nhẹ. Điều này cũng giống như một cái cây: nếu rễ của nó có dược tính, thì thân và lá của nó cũng sẽ có dược tính. Nếu rễ độc hại thì thân và lá cũng độc. Lá thuốc không thể phát triển từ một rễ độc. Tương tự, nếu một động cơ (hay tác ý) phát triển từ sự kích động hay bám chấp, và do đó không hoàn toàn thanh tịnh, thì hành vi theo sau bắt buộc phải tiêu cực, mặc dù mang vẻ tích cực. Trái lại, nếu động cơ thanh tịnh, thì cho dù hành vi có vẻ tiêu cực nhưng trong thực tế lại là tích cực. Trong Kho Báu Thiện Đức có nói:

    Nếu rễ là thuốc thì đọt mầm cũng thế.
    Nếu rễ độc thì khỏi cần nói, đọt mầm cũng độc.
    Điều làm cho một hành vi thành thiện hay ác không phải
    ở chỗ bề ngoài ra sao
    Hoặc kích thước thế nào, mà dựa trên động cơ phiá sau là tốt hay xấu.


    Om Mani Padme Hum !

  5. #165
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN MỘT _ CHƯƠNG IV
    __________________________________________________ ______________________________________


    Vì lý do này, thậm chí đã có thời chư vị Đại Bồ Tát, những bậc Trưởng Tử của các Đấng Chiến Thắng, được phép vi phạm bảy hành vi bất thiện của thân và khẩu với điều kiện là tâm của các Ngài thanh tịnh và thoát khỏi mọi tham muốn ích kỷ. Điều này được minh họa bằng những ví dụ của Thuyền Trưởng Đại Bi Tâm giết Chiến sĩ Giáo Đen, hay của thanh niên bà la môn Tình Nhân Thiên Tú đã phạm giới hạnh với một thiếu nữ Bà la môn.

    Có lần, trong một đời trước, Đức Phật là một thuyền trưởng tên là Đại Bi Tâm. Ngài đang vượt biển với năm trăm thương nhân thì tên cướp biển ác độc tên là Chiến Sĩ Giáo Đen xuất hiện, đe dọa giết tất cả mọi người. Thuyền trưởng nhận thấy những lái buôn này đều là những vị Bồ Tát* không còn phải trở lại luân hồi,
    * Các Bồ Tát là những bậc đã đạt tới một quả vị mà ở đó các Ngài không còn bị bắt buộc phải quay trở lại vòng luân hồi nữa.

    và nếu một người nào đó giết họ thì người ấy sẽ phải chịu đau khổ trong Địa ngục trong vô số kiếp. Được thúc đẩy bởi một cảm xúc bi mẫn mãnh liệt, Ngài nghĩ: “Nếu ta giết hắn, hắn sẽ không phải xuống Địa ngục. Do đó ta chẳng còn chọn lựa nào khác, dù rằng điều đó có nghĩa là chính ta phải đọa Địa ngục.” Với lòng can đảm phi thường, Ngài đã giết tên cướp biển, và khi làm hành động này Ngài đã tích tập được một lượng công đức tương đương với công đức tích tập trong bảy mươi ngàn kiếp theo cách bình thường. Nhìn bề ngoài của việc làm đó thì đây là một ác hạnh, bởi Bồ Tát đang phạm vào hành vi sát sinh. Nhưng điều ấy đã được thực hiện mà không có chút động cơ ích kỷ nào. Nhìn gần, việc ấy cứu mạng sống của 500 người lái buôn. Và trong phạm vi xa rộng hơn thì việc ấy cứu Chiến Sĩ Giáo Đen khỏi phải chịu đau khổ trong Địa ngục. Vì vậy, trên thực tế thì hành động đó chính là một thiện hạnh vô cùng mạnh mẽ.

    Lại có một người Bà la môn tên là Tình Nhân Thiên Tú sống lâu năm trong rừng, giữ giới nguyện trong sạch. Một ngày nọ, anh ta đi khất thực trong một ngôi làng. Một thiếu nữ Bà la môn thất tình với anh, tuyệt vọng tới nỗi sắp tự tử. Được thúc đẩy bởi lòng bi mẫn đối với cô ta, chàng thanh niên đã cưới cô, và hành động này đã đem lại cho anh bốn mươi ngàn kiếp công đức.

    Đối với những người như vậy thì việc giết hại hay phá vỡ giới nguyện trong sạch được cho phép. Trái lại, những hành vi tương tự nhưng lại làm với động cơ ích kỷ do bởi sự tham dục, sân hận hay vô minh thì đều không được phép đối với bất kỳ ai.

    Om Mani Padme Hum !

  6. #166
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN MỘT _ CHƯƠNG IV
    __________________________________________________ ______________________________________


    Một Bồ Tát với tâm rộng lớn bao la, không một dấu vết tham dục cá nhân, cũng có thể lấy trộm của những người giàu mà keo kiệt, và nhân danh họ, cúng dường của cải cho Tam Bảo hay cho những người nghèo túng.

    Việc nói dối để che chở người nào đó sắp bị giết, hay để bảo vệ tài sản thuộc về Tam Bảo thì cũng được cho phép làm. Nhưng lừa dối người khác vì lợi lạc của mình thì không bao giờ là điều đúng đắn…

    Việc gieo sự bất hoà, chẳng hạn như giữa hai người bạn thân – trong đó có một người chuyên làm điều xấu trong khi người kia yêu thích làm việc tốt lành – thì điều này cũng được cho phép, đó là nếu có nguy cơ tính khí mạnh mẽ của người xấu sẽ làm hư hỏng người tốt. Tuy nhiên, tuyệt đối không được phép chia rẽ hai người đang hoà thuận với nhau.

    Lời nói cay nghiệt có thể được dùng, ví dụ thế, như một phương tiện mạnh mẽ hơn để đem Giáo Pháp tới với những người mà cách răn dạy mềm mỏng không tạo được ấn tượng cho họ – hoặc có thể dùng khi cần răn dạy một đệ tử nhằm phô bày lỗi lầm tiềm ẩn của anh ta. Như Ngài Atisa có nói:

    Vị Thầy tốt nhất là người tấn công vào những lỗi lầm tiềm ẩn của bạn;
    Giáo huấn tuyệt hảo nhất là lời chỉ dạy nhắm thẳng tới những lỗi lầm tiềm ẩn ấy.


    Tuy nhiên, nói lời cay nghiệt chỉ để sỉ nhục người khác thì không được cho phép.

    Nói chuyện phiếm vô ích có thể được sử dụng như một phương tiện để giới thiệu Giáo Pháp cho những người thích trò chuyện và những người mà ta không có cách nào khác đem Giáo Pháp lại cho họ. Nhưng hoàn toàn không được dùng chuyện phiếm để làm cho chính mình và những người khác bị xao lãng.

    Đối với ba hành vi bất thiện của ý thì không ai được phép vi phạm, bởi đứng về mặt của động lực (tác ý) thì không có cách nào để chuyển hoá những động cơ này thành động cơ tốt lành. Một khi tư tưởng xấu ác đã khởi lên, thì việc ấy sẽ luôn luôn phát triển thành một điều gì đó không tốt lành.

    Tâm thức là người duy nhất khởi xướng điều tốt và điều xấu. Có nhiều trường hợp khi những tư tưởng khởi lên trong tâm, cho dù chúng không được chuyển hoá thành lời nói hay hành động, thì vẫn có một hậu quả tốt hay xấu hết sức mạnh mẽ trổ ra. Vì thế, hãy luôn luôn kiểm soát tâm bạn. Nếu tư tưởng của bạn tốt lành, hãy hoan hỷ và làm nhiều điều tốt lành hơn nữa. Nếu chúng tiêu cực, hãy sám hối lập tức, cảm thấy xấu xa và tủi hổ rằng bạn vẫn còn nuôi dưỡng những tư tưởng như vậy mặc dù đã tiếp nhận mọi giáo lý, và hãy tự nhủ từ giờ trở đi bạn phải nỗ lực hết sức không để cho những tư tưởng như thế xuất hiện trong tâm. Ngay cả khi bạn làm điều thiện, hãy quán sát động lực (tác ý) của bạn thật kỹ lưỡng. Nếu ý hướng của bạn tốt, hãy thực hiện điều bạn suy nghĩ. Nếu động cơ của bạn là để gây ấn tượng cho mọi người, hoặc được đặt trên nền tảng của sự ganh đua hay khao khát danh vọng thì hãy cương quyết chuyển hóa tác ý để cho tác ý ấy được thấm đẫm Bồ Đề Tâm. Nếu bạn hoàn toàn không chuyển hoá được động cơ thúc đẩy bạn, thì tốt hơn hết là bạn nên trì hưỡn không nên thực hiện việc thiện lành đó.

    Om Mani Padme Hum !

  7. #167
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN MỘT _ CHƯƠNG IV
    __________________________________________________ ______________________________________


    Một ngày nọ, Geshe đang mong đợi một nhóm đông thí chủ của Ngài tới thăm. Sáng hôm đó, Ngài sắp xếp đồ cúng dường trên bàn thờ trước hình tượng của Tam Bảo hết sức ngăn nắp. Khi quán sát động cơ thúc đẩy mình, Ngài nhận ra là chúng không thanh tịnh, và điều Ngài đang làm chỉ là để tạo sự chú ý cho các vị tín chủ hảo tâm của Ngài; vì thế Ngài hốt một nắm đất và ném lên toàn bộ các thức cúng dường, Ngài nói: “Này ông Tỳ Khưu, hãy ở yên ở đó và đừng có màu mè!”

    Khi Padampa Sangye nghe được chuyện này, Ngài nói: “Trong cả xứ Tây Tạng, nắm bụi mà Ben Kungyal ném là món cúng dường tuyệt hảo nhất!”

    Vì thế, hãy luôn cẩn trọng canh chừng tâm của bạn. Ở trình độ của chúng ta, là những người tầm thường, ta không thể không có những tư tưởng và hành động bị thôi thúc bởi những động cơ xấu ác. Nhưng nếu chúng ta có thể lập tức nhận ra điều sai lầm, rồi sám hối và nguyện không tái phạm nữa thì chúng ta sẽ cắt đứt mối ràng buộc với động cơ xấu ác.

    Một ngày khác, Geshe Ben đang ở nhà của một vài tín chủ. Lúc gia chủ ra khỏi phòng, Geshe Ben nghĩ: “Ta không còn trà. Ta sẽ lấy trộm một ít để nấu khi trở về thiền thất.”

    Nhưng lúc đặt tay vào túi trà của họ, đột nhiên Ngài nhận ra điều mình đang làm và lên tiếng gọi các tín chủ lại: “Hãy lại đây nhìn xem tôi đang làm gì! Chặt tay tôi đi!”

    Ngài Atisa nói: “Từ khi thọ giới nguyện Biệt Giải Thoát (Pratimoksa), ta chưa từng bị ô nhiễm ngay cả bởi một lỗi lầm nhỏ nhất. Trong khi thực hành giới luật Bồ Đề Tâm, ta đã vi phạm một hay hai lỗi nhỏ bé. Và từ khi thọ giới của Kim Cương Mật Thừa, mặc dù thỉnh thoảng còn vấp ngã, nhưng ta không để những lỗi lầm hay những sa sút này lưu lại trong ta quá một ngày.”

    Khi đi du hành, ngay khi khởi lên bất kỳ niệm xấu nào trong tâm, Ngài lấy đế Mạn-đà-la bằng gỗ 89 luôn mang theo trong người ra và sám hối tư tưởng xấu của mình, nguyện rằng không bao giờ tái phạm.

    Một ngày nọ, Geshe Ben đang tham dự một hội chúng đông đảo gồm các vị tiến sĩ Phật Học tại Penyulgyal. Một lát sau món sữa đông được mang ra mời khách. Geshe Ben ngồi ở một hàng giữa và nhận thấy những vị Tăng ngồi ở hàng đầu nhận được khẩu phần lớn.

    “Món sữa đông trông thật ngon lành,” Ngài tự nghĩ : “nhưng ta không nghĩ mình sẽ được phần tốt như thế.”

    Ngay lập tức Ngài tự nhận ra: “Mi ghiền sữa đông chua rồi!” Ngài nghĩ thế, và lật úp bình bát của mình. Khi người có nhiệm vụ phân phối sữa tới hỏi Ngài có muốn dùng không thì Ngài từ chối.

    “Tâm thức xấu xa này đã có một phần ăn rồi.” Ngài nói.

    Om Mani Padme Hum !

  8. #168
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN MỘT _ CHƯƠNG IV
    __________________________________________________ ______________________________________


    Mặc dù hoàn toàn không có gì sai trái khi muốn được nhận phần bằng nhau của bữa tiệc cùng những vị tu sĩ thanh tịnh khác, nhưng chính tánh tự cho mình là quan trọng trong tư tưởng mong cầu được nhận món sữa chua ngon lành đã khiến Ngài từ chối nó.

    Nếu bạn luôn quán sát tâm bạn như vậy, tuân theo những gì lành mạnh và từ bỏ những gì độc hại, tâm bạn sẽ nhu nhuyễn và mọi tư tưởng của bạn sẽ trở nên tốt lành.

    Ngày xưa, có một người Bà la môn tên là Ravi, là người luôn kiểm soát tâm mình. Bất cứ khi nào một niệm xấu khởi lên, ông để một viên sỏi đen sang một bên và khi khởi lên một niệm tốt, ông đặt một viên sỏi trắng. Thoạt tiên, tất cả đều là những hòn sỏi đen. Sau đó, khi ông kiên trì trong việc phát triển các pháp đối trị và làm những thiện hạnh, từ bỏ những ác hạnh, một thời gian sau, số lượng sỏi trắng và đen bằng nhau. Cuối cùng thì ông có toàn sỏi trắng. Đây là cách thức bạn nên phát triển hành động tốt lành như một phương pháp đối trị, cùng với sự tỉnh thức và cảnh giác, và chớ làm ô nhiễm bản thân ngay cả bằng những hành động bất thiện nhỏ bé nhất.

    Cho dù bạn không tích tụ những hành vi bất thiện trong đời này, bạn cũng không thể thấu biết được sự rộng lớn của tất cả những hành động mà bạn từng tích lũy trong vòng luân hồi vô thủy, hoặc không thể hình dung ra được hậu quả của những ác hạnh mà bạn phải trả quả. Vì thế có những người mặc dù giờ đây hoàn toàn hiến mình cho đức hạnh và tu tập tánh Không, nhưng họ vẫn tràn đầy đau khổ. Có những quả không trổ sanh lập tức mà ngủ ngầm, chờ ngày đưa đến việc trổ sanh trong những cõi thấp. Nhưng những quả thuộc loại hậu nghiệp này lại xuất hiện nhờ vào những pháp tu đối trị mà họ áp dụng trong cuộc đời để giúp cho những quả ấy trổ ngay trong đời này. Kinh Kim Cương có nói:

    Các vị Bồ Tát hành trì trí tuệ bát nhã siêu việt vẫn bị đau khổ – quả thực, họ sẽ bị đau khổ khủng khiếp – bởi những hành nghiệp trong quá khứ, thay vì sẽ gây đau khổ trong những đời sau, thì đã trổ quả ngay trong đời này.

    Ngược lại, có những người chỉ làm ác hạnh mà vẫn kinh nghiệm được ngay lập tức kết quả của một vài thiện hạnh; những thiện hạnh này, lẽ ra phải chờ thêm một thời gian lâu sau mới trổ. Điều này đã xảy ra trong xứ Aparantaka. Một trận mưa toàn đá quý đã đổ xuống trong bảy ngày liền, sau đó bảy ngày mưa quần áo, và bảy ngày nữa mưa ngũ cốc. Cuối cùng là một trận mưa đất. Mọi người đều bị đè chết và bị tái sinh trong Địa ngục.

    Những tình huống như thế, khi người làm tốt phải chịu đau khổ, người làm ác lại hưởng sự thành công thịnh vượng, là những tình huống luôn luôn xảy ra như là nghiệp báo của những hành vi đã làm trong quá khứ. Hành động hiện nay của bạn, dù xấu hay tốt, sẽ đem đến quả trổ sanh trong đời kế tiếp hay những đời sau nữa. Vì lý do này, thật là điều hết sức cần thiết để phát triển một lòng tin vững chắc vào nghiệp báo là cái gì không thể nào tránh khỏi của những hành động mà bạn đã tạo tác và luôn luôn hành sử một cách phù hợp.

    Om Mani Padme Hum !

  9. #169
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN MỘT _ CHƯƠNG IV
    __________________________________________________ ______________________________________


    Không nên sử dụng loại ngôn ngữ Phật Học của những kiến giải của chân lý tối hậu (tánh Không) để xem thường luật nhân quả. Đạo Sư Vĩ Đại xứ Oddiyana đã nói:

    Hỡi Đại Vương, trong Mật Thừa của tôi, kiến (cái Thấy) là điều quan trọng nhất. Tuy nhiên, đừng để hành động của Ngài sa sẩy theo chiều hướng của cái thấy. Nếu làm như vậy, Ngài sẽ rơi vào tà kiến của ma quỷ, sẽ bày trò phiếm luận rằng thiện thì không mà ác cũng không. Nhưng cũng đừng để cái thấy của Ngài sa sẩy theo chiều hướng của những hành động tạo tác, nếu không, Ngài sẽ bị mắc kẹt vào duy vật và hệ tư tưởng giáo điều,* và như vậy, thì giải thoát sẽ không bao giờ tới. ... Đó là điều tại sao cái thấy của tôi cao hơn bầu trời, mà sự chú tâm của tôi dành cho mọi hành động tạo tác và cho kết quả của những hành động tạo tác ấy thì còn tinh nhuyễn hơn cả bột mì. **

    * dngos po dang mtshan ma, nghĩa đen: vật chất và các đặc tánh của vật chất.
    Điều này có nghĩa là ta sẽ không bao giờ vượt được khỏi những khái niệm tạo tác.
    ** zhib có nghĩa là mịn (như bột mì) và cũng có nghĩa là vô cùng tỉ mỉ, chính xác.

    Vậy, cho dù trong cái thấy, bạn có hoàn toàn chứng ngộ được bản tánh của thực tại như thế nào chăng nữa thì bạn cũng phải hết sức chú tâm tới những hành vi của bạn và kết quả của những hành vi ấy.

    Có lần, có một người hỏi Ngài Padampa Sangye rằng: “Một khi chúng ta đã chứng ngộ tánh Không, việc phạm những ác hạnh có còn tác hại chúng ta hay không?”

    “Một khi các ông chứng ngộ tánh Không,”
    Ngài Padampa Sangye trả lời, “thì thật là vô lý khi làm việc bất thiện. Khi các ông chứng ngộ tánh Không thì lòng đại bi xuất hiện hết sức tự nhiên cùng lúc với tánh Không.”

    Do đó, nếu bạn muốn hành trì Giáo Pháp một cách đích thực, bạn nên dành ưu tiên lựa chọn làm những việc gì phù hợp với luật nhân quả. Cái thấy (kiến) và hành động phải được nuôi dưỡng song hành với nhau. Dấu hiệu cho thấy bạn đã thấu suốt giáo lý về nghiệp quả phải giống như Ngài Jetsun Milarepa đã thấy.

    Một ngày nọ, một đệ tử hỏi Ngài: “Thưa Ngài Jetsun, mọi hành vi chúng con thấy Ngài làm đều vượt lên sự hiểu biết của những người bình thường. Ngài Jetsun tôn quý, phải chăng ngay từ lúc khởi đầu, Ngài đã là một hoá thân của Đức Kim Cương Trì (Vajradhara), hay của một vị Phật hoặc Bồ Tát?”

    Om Mani Padme Hum !

  10. #170
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN MỘT _ CHƯƠNG IV
    __________________________________________________ ______________________________________


    “Nếu các con coi ta là một hoá thân của Đức Kim Cương Trì, hay của một vị Phật hoặc Bồ Tát,” Ngài Jetsun trả lời, “thì điều này cho thấy các con có lòng tin nơi Ta – nhưng tuy vậy, các con khó có thể nào có được một cái thấy nào sai lầm to tát hơn là như thế về Giáo Pháp! Khởi đầy, ta đã chất chồng những hành động cực kỳ ác hại, sử dụng chú thuật và tạo ra mưa đá. Ta cũng sớm nhận ra rằng mình không có cách nào thoát khỏi cảnh đọa sinh vào Địa ngục. Vì thế, ta đã thực hành Giáo Pháp với lòng nhiệt thành không ngơi nghỉ. Nương vào những phương pháp sâu xa của Mật Thừa, ta đã phát triển được những phẩm tính đặc biệt trong chính ta. Giờ đây, nếu các con không thể phát triển bất kỳ quyết tâm chân thực nào để thực hành Giáo Pháp, thì đó là vì các con không tin vào luật nhân quả. Bất cứ ai với chút ít quyết tâm, có thể phát triển lòng dũng cảm như ta đã làm nếu họ có được sự xác tín chân thật và chân thành tin tưởng vào nghiệp báo của những hành vi của họ. Khi đó họ sẽ đắc được những quả vị thành tựu tương tự như ta – và rồi, người khác cũng sẽ nghĩ rằng những kẻ ấy là hiện thân của Đức Kim Cương Trì, hay của một vị Phật hoặc Bồ Tát nào khác.”

    Chính niềm tin vào nhân quả của Jetsun Milarepa đã hoàn toàn thuyết phục Ngài rằng khi đã phạm phải những ác hạnh trong thời niên thiếu thì chắc chắn Ngài sẽ bị đoạ sinh trong cõi Địa ngục. Do lòng xác tín này, Ngài đã miên mật tu tập với một sự quyết tâm khó tìm thấy được trong bất kỳ câu chuyện nào ở Ấn Độ hay Tây Tạng – không có câu chuyện nào có thể so sánh được với câu chuyện kể về những thử thách và nỗ lực miên mật của Ngài.

    Như vậy, tận đáy lòng bạn, hãy khơi dậy lòng xác tín nơi điểm cực kỳ trọng yếu này, là nguyên lý nhân quả. Hãy luôn luôn thực hiện càng nhiều càng tốt các thiện hạnh bất cứ khi nào bạn có thể thực hiện được, cho dù chúng nhỏ bé tới đâu chăng nữa; trong khi thực hiện các thiện hạnh này thì phải áp dụng ba phương tiện thiện xảo tối thượng.* Hãy tự hứa là sẽ không bao giờ lập lại những hành vi xấu ác tiêu cực cho dù nhỏ bé nhất và cho dù mạng sống của bạn bị đe dọa đi chăng nữa.

    * Xem Phần Một, Chương Một, Mục II, tiết 4.

    Khi thức giấc vào buổi sáng, đừng bất thần nhảy xuống giường như con bò hay cừu phóng ra khỏi chuồng của nó. Trong lúc vẫn còn ở trên giường, hãy thư giãn tâm thức bạn, xoay nhìn vào trong tâm và quán sát tâm ấy thật kỹ càng. Nếu bạn đã làm bất kỳ điều bất thiện nào vào ban đêm trong giấc mộng thì hãy ân hận và sám hối. Trái lại, nếu bạn làm điều gì đó tốt lành thì hãy hoan hỷ và hồi hướng công đức để đem đến lợi lạc của tất cả chúng sinh. Hãy khơi dậy Bồ Đề Tâm, và nghĩ rằng: “Hôm nay tôi sẽ làm bất cứ hành động tốt lành, tích cực nào mà tôi có thể làm được, sẽ hết sức tránh bất kỳ hành động tiêu cực hay xấu ác nào, khiến cho tất cả chúng sinh vô biên đều đạt được Phật Quả viên mãn.”

    Om Mani Padme Hum !

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •