Lời vàng của thầy tôiTIỂU SỬ PATRUL RINPOCHE__________________________________________________ ______________________________________
Ở Mamo Do tại Dhachukha, Ngài dâng hiến nỗ lực trong nhiều năm cho việc phát triển một Dobum nổi tiếng, một quần thể những bức tường đá đồ sộ thật đáng kinh ngạc, và trên mỗi hòn đá có khắc nhiều thần chú “OM MANI PADME HUM.” Bức tường này được bắt đầu từ vị tiền nhiệm của Patrul. Trong lần đầu tiên [khi mới khởi sự], Ngài bắt đầu thu nhận tất cả các phẩm vật cúng dường và dùng từng mẩu bơ như tiền lương trả cho những người được Ngài thuê khắc những lời cầu nguyện. Khi bức tường đá được hoàn tất, Ngài gởi một sứ giả đến thỉnh cầu Ngài Khyentse Wangpo tới làm lễ hiến cúng. Vào ngày đặc biệt này, những hạt gia trì của lễ hiến cúng mà Ngài Khyentse Wangpo ném từ một nơi cách xa tám ngày đường trên lưng ngựa, rơi xuống bức tường đá trước mắt mọi người.
Ở Tramatung, Ngài giảng dạy và hướng dẫn thực hành về các tu tập chuẩn bị duy nhất, Trekcho và Thogal. Sau này, Tendzin Norbu (Tenli), đệ tử chính của Ngài, đã nhận xét như sau: “Tôi đã có một ít hiểu biết về Dzogpa Chenpo trước đó, nhưng ở Tramatung, tôi hoàn toàn thấu suốt và chứng ngộ những điều này.”
Khoảng năm 1872, Dodrupchen đệ tam, lúc đó tám tuổi, đến Dzagya Gon để nhận các giáo lý và trao truyền từ Patrul. Sau khóa giảng, theo khẩn cầu của chính Patrul, Dodrupchen ban giáo lý về Bodhicharyavatara cho đại chúng, kể cả cho bản thân Patrul. Sau đó Patrul gởi tin lành đến cho Khyentse Wangpo, nói rằng: “Về việc học Pháp, Dodrupchen đã ban giáo lý về Bodhicharyavatara năm lên tám tuổi. Đối với việc chứng ngộ Pháp, Nyakla Pema Dudul [1816-1872] vừa đạt được thân cầu vồng. Vì thế Giáo Pháp của Đức Phật không bị suy giảm.”
Vào lúc đó, thỉnh thoảng Dodrupchen nghe giọng nói của Patrul lọt qua tường, nói rằng: “Đức Liên Hoa Sanh vĩ đại, xin đoái tưởng tới con. Con không có người nào khác để tin cậy...” – những lời khẩn cầu Guru Rinpoche trong bản văn ngondro Longchen Nyingthig. Điều này cho thấy chắc hẳn ngondro là một trong những pháp hành trì chính yếu của Ngài.
Từ năm bảy mươi mốt tuổi, Ngài bắt đầu tiết kiệm lương thực, chỉ đủ để dùng khoảng một tuần, là việc mà trước đây ngài chưa bao giờ làm. Ngoài ra, ngài không nhận bất kỳ vật cúng dường nào, hoặc nếu có nhận thì ngài lập tức gởi nó cho quỹ xây tường đá mani. Thỉnh thoảng ngài để lại thực phẩm ở nơi được cúng dường cho ngài, khiến những người nghèo thường đi theo Ngài để thâu thập những vật cúng dường mà ngài để lại.
Năm bảy mươi sáu tuổi, tại cánh đồng Dza Mamo, Ngài ban giáo lý về Lời Nguyện Khát Khao Cõi Tịnh Độ và Mani Kabum cho khoảng một ngàn người. Sau đó Ngài không ban giáo lý cho đại chúng nữa. Bất kỳ ai đến gặp Ngài, Ngài gởi tới Thầy Tenzin Norbu để học Pháp. Nếu ai cố nài nỉ thì Ngài la rầy, nhưng Ngài càng la rầy thì họ càng sùng mộ Ngài. Đó là bởi trái tim bi mẫn và lời lẽ khiêm tốn của Ngài.