KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Quyển 341
__________________________________________________ ______________________________________


Quyển 341

LV. PHẨM HỌC PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO 05

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Như lời ông hỏi, nếu Đại Bồ-tát vì sự tận của Như Lai mà học, là học trí nhất thiết trí chăng? Nếu Đại Bồ-tát vì sự ly của Như Lai mà học, là học trí nhất thiết trí chăng? Nếu Đại Bồ-tát vì sự diệt của Như Lai mà học, là học trí nhất thiết trí chăng? Nếu Đại Bồ-tát vì sự vô sanh của Như Lai mà học, là học trí nhất thiết trí chăng? Nếu Đại Bồ-tát vì sự vô diệt của Như Lai mà học, là học trí nhất thiết trí chăng? Nếu Đại Bồ-tát vì bản lai tịch tịnh của Như Lai mà học, là học trí nhất thiết trí chăng? Nếu Đại Bồ-tát vì tự tánh Niết-bàn của Như Lai mà học, là học trí nhất thiết trí chăng? Thì này Thiện Hiện! Theo ý ông thì sao? Chơn như của Như Lai có tận, diệt, đoạn chăng?

Thiện Hiện đáp:

- Bạch Thế Tôn! Không! Bạch Thiện Thệ! Không!

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát đối với chơn như học như thế là học trí nhất thiết trí.

Này Thiện Hiện! Nên biết, chơn như không tận, không diệt, không đoạn, chẳng thể tác chứng. Nếu Đại Bồ-tát đối với chơn như, học như thế là học trí nhất thiết trí.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát khi học như thế là học bố thí Ba-la-mật-đa, là học tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Nếu Đại Bồ-tát học bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa là học trí nhất thiết trí.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát khi học như thế là học pháp không nội, là học pháp không ngoại, pháp không nội ngoại, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi, pháp không rốt ráo, pháp không không biên giới, pháp không tản mạn, pháp không không đổi khác, pháp không bản tánh, pháp không tự tướng, pháp không cộng tướng, pháp không tất cả pháp, pháp không chẳng thể nắm bắt được, pháp không không tánh, pháp không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh. Nếu Đại Bồ-tát học các pháp không nội, pháp không ngoại cho đến pháp không không tánh tự tánh là học trí nhất thiết trí.