21.
Bồ-Tát Long-Thọ (Nagarjuna) 龍樹大士
Ngài là vị Tổ thứ 14 (giữa thế kỷ thứ sáu) sau Phật Niết-bàn.
Ngài cũng có tên là Long-Thắng, dòng Phạm-Chí ở miền Tây-Ân. Thuở nhỏ, Ngài bẩm tánh thông minh, vừa nghe Phạm-Chí tụng bốn kinh Phệ-Đà là Ngài thuộc lòng văn nghĩa. Đến 20 tuổi, Ngài đi châu du khắp các nước tìm học các môn thiên văn, địa lý, toán số, sấm ký và các học thuật của ngoại đạo. Môn nào Ngài học đến đều xuất sắc hơn mọi người. Nhơn một cơ duyên chẳng lành, Ngài nhận thức được các pháp là vô thường đau khổ nên vào núi ở ẩn. Số người tìm đến cầu học với Ngài rất đông.
Sau khi gặp Tổ Ca-Tỳ-Ma-La cảm hóa, Ngài xin xuất gia được Tổ độ cho và truyền cả tâm ấn. Từ đó Ngài vân du thuyết pháp khắp nơi, lần lượt đến miền Nam-Ấn. Dân chúng xứ nầy chỉ sùng phước nghiệp, từ Ngài đến đem pháp yếu chỉ dạy,họ tự bảo nhau : “Chỉ phước nghiệp nầy là việc tối thắng, nói về Phật tánh thì đâu thể thấy”.
Ngài nhơn đó bảo họ : -Các ngươi nếu muốn thấy được Phật tánh thì trước hết phải bỏ tâm ngã mạn đi, mới có thể thấy được. Họ hỏi Ngài : -Phật tánh lớn hay nhỏ ? Ngài đáp : -Chẳng nhỏ chẳng lớn, không rộng không hẹp, không phước không báo, chẳng chết chẳng sống. Dân chúng nghe Ngài nói tột lý, vui mừng nguyện học pháp ấy. Ngài liền ngay trên tòa hóa thân như vầng mặt trăng. Dân chúng tuy nghe thuyết pháp mà không thấy có hình Ngài. Trong ấy có con một ông nhà giàu tên là Ca-Na-Đề-Bà, khi thấy thế liền cảm ngộ.
Đề-Bà bảo dân chúng : -Biết tướng nầy chăng ? Dân chúng thưa : -Chúng tôi không thể phân biệt được. Đề-Bà nói: -Đây là Bồ-Tát thị hiện để biểu thị Phật tánh, muốn chúng ta hiểu rỏ vậy. Vô tướng tam muội giống như mặt trăng tròn là nghĩa Phật tánh rỗng rang sáng suốt. Đề-Bà nói dứt lời thì vầng trăng ẩn mất, Bồ-Tát hiện ngồi an nhiên chỗ cũ nói kệ:
Thân hiện viên nguyệt tướng,
Dĩ biểu chư Phật thể,
Thuyết pháp vô kỳ hình,
Dụng biện phi thinh sắc.
(Thân hiện tướng trăng tròn,
Để nêu thể các Phật,
Nói pháp không hình ấy,
Dùng rõ phi thinh sắc).
Toàn chúng nghe xong đều cảm ngộ, cầu xin xuất gia. Ngài triệu tập các bậc Thánh tăng đến truyền giới. Trong số xuất gia nầy, Đề-Bà là người dẫn đầu. Một quốc gia ở gần miền Nam-Ấn, có đến năm ngàn người tu theo ngoại đạo được nhiều phép lạ, Vua và quốc dân đều thọ giáo nơi họ, khiến đạo Phật mờ tối. Ngài thấy thế cảm động, bèn đổi hình thức, mặc áo trắng đợi mổi khi vua ra thành, Ngài cầm cây cờ đi trước, hoặc ẩn hoặc hiện, làm như thế đến bảy lần. Vua lấy làm lạ kêu lại hỏi : -Ngươi là người gì dám đi trước ta, mà bắt không được, thả chẳng đi ?
Ngài đáp : -Tôi là người trí, biết tất cả việc. Vua nghe ngạc nhiên, muốn thí nghiệm nói: -Chư thiên nay đang làm gì ?
Ngài đáp : -Chư thiên đang đấu chiến với A-Tu-La.
Vua hỏi :-Làm sao được biết ?
Ngài đáp :-Nếu bệ hạ muốn biết chốc lát sẽ thấy chứng nghiệm.
Quả nhiên phút chốc thấy gươm giáo, tay chơn ở trên không rơi xuống. Vua và quốc dân rất kính phục Ngài, nhơn đó Ngài chuyển họ trở lại quy y Tam-Bảo. Một hôm Ngài gọi Ca-Na-Đề-Bà đến dặn dò :
-Như-Lai lấy đại pháp nhãn tạng trao cho Tổ Ca-Diếp, truyền mãi cho đến đời ta, nay ta trao cho ngươi. Hãy nghe kệ :
Vị minh ẩn hiển pháp,
Phương thuyết giải thoát lý,
Ư pháp tâm bất chứng,
Vô sân diệc vô hỷ. (*)
(Vì sáng pháp ẩn hiển,
Mới nói lý giải thoát,
Nơi pháp tâm chẳng chứng,
Không sân cũng không hỷ).
Dặn dò xong, Ngài nhập nguyệt luân tam muội rồi hiện tướng thần biến vào Niết-bàn. Ngài sáng tác rất nhiều bộ luận để xiển dương giáo pháp Đại-Thừa :
1-Trung luận, 2-Thuận trung luận, 3-Thập nhị môn luận, 4-Đại-Thừa phá hữu luận, 5-Lục thập tụng như lý luận,
6- Đại-Thừa nhị thập tụng luận, 7-Thập bát không luận, 8-Hồi tránh luận, 9-Bồ-đề tư lương luận, 10-Bồ-đề tâm ly tướng luận, 11-Bồ-đề hạnh kinh, 12-Thích ma ha diễn luận, 13-Khuyến phát chư vương yếu kệ, 14-Tán pháp giới tụng, 15-Quảng đại pháp nguyện tụng.
Bồ-Tát Mã-Minh là người khêu mồi ngọn đèn chánh pháp đại-thừa; chính Ngài là người thắp sáng và truyền bá khắp nơi cho đến vô tận ngọn đuốc Đại-Thừa, Những tác phẩm của Ngài, bộ Trung-Luận có giá trị nhất, đến hiện nay đã dịch ra nhiều thứ tiếng để truyền bá khắp thế giới.
----------------------
Chú thích :
(*)
為明隱顯法
方說解脫理
於法心不證
無瞋亦無喜
Hết Quyển 1
NAM MÔ ĐẠI TUỆ VĂN THÙ SƯ LỢI BỒ TÁT
lavinhcuong (06-19-2015)
Hiện có 2 người đọc bài này. (0 thành viên và 2 khách)