KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐAQuyển 329__________________________________________________ ______________________________________
Lúc bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như lời Phật dạy, thì phân biệt việc làm đều chẳng phải thật có, thì vì nhân duyên gì mà các đại Bồ-tát ấy được phước vô số, vô lượng, vô biên?
Bạch Thế Tôn! Phân biệt việc làm chẳng có thể phát khởi chánh kiến chơn thật, chẳng có thể hướng vào Chánh tánh ly sanh, chẳng có thể đắc quả Dự-lưu, hoặc quả Nhất-lai, hoặc quả Bất-hoàn, hoặc quả A-la-hán, hoặc quả vị Độc-giác, cũng chẳng có thể đắc quả vị giác ngộ cao tột của chư Phật.
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như ông đã nói. Phân biệt việc làm chẳng có thể phát khởi chánh kiến chơn thật, chẳng có thể hướng vào Chánh tánh ly sanh, chẳng có thể đắc quả Dự-lưu, hoặc quả Nhất-lai, hoặc quả Bất-hoàn, hoặc quả A-la-hán, hoặc quả vị Độc-giác, cũng chẳng có thể đắc quả vị giác ngộ cao tột của chư Phật.
Này Thiện Hiện! Các đại Bồ-tát tu hành sâu sắc Bát-nhã-ba-la-mật-đa, thì biết tất cả các loại phân biệt việc làm là không, không có sở hữu, hư vọng chẳng thật. Vì sao? Này Thiện Hiện! Vì các đại Bồ-tát khéo học pháp không nội, khéo học pháp không ngoại, khéo học nội pháp không ngoại, khéo học pháp không không, khéo học pháp không lớn, khéo học pháp không thắng nghĩa, khéo học pháp không hữu vi, khéo học pháp không vô vi, khéo học pháp không rốt ráo, khéo học pháp không không biên giới, khéo học pháp không tản mạn, khéo học pháp không không đổi khác, khéo học pháp không bản tánh, khéo học pháp không tự tướng, khéo học pháp không cộng tướng, khéo học pháp không tất cả pháp, khéo học pháp không chẳng thể nắm bắt được, khéo học pháp không không tánh, khéo học pháp không tự tánh, khéo học pháp không không tánh tự tánh.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy an trụ pháp không rồi, quán sát đúng như thật sự phân biệt việc làm là không, không có sở hữu, hư vọng chẳng thật như thế, tức là chẳng xa lìa Bát-nhã-ba-la-mật-đa sâu xa.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy, như thật chẳng xa lìa Bát-nhã-ba-la-mật-đa sâu xa như thế nên mới được phước vô số, vô lượng, vô biên.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vô số, vô lượng, vô biên có gì sai biệt?
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Nói vô số là số chẳng thể nắm bắt được, chẳng thể đếm ở trong cảnh giới hữu vi, chẳng thể đếm ở trong cảnh giới vô vi. Nói vô lượng là lượng chẳng thể nắm bắt được, chẳng thể lường ở trong pháp quá khứ, chẳng thể lường ở trong pháp vị lai, chẳng thể lường ở trong pháp hiện tại. Nói vô biên là biên giới chẳng thể nắm bắt được, chẳng thể đo lường giới hạn kia vậy.