Dĩ nhiên tôi không có vật riêng nào cả, nhưng tôi nán lại với hy vọng rằng ông có thể thương xót và bớt nghiêm khắc với tôi. Song, tôi chỉ làm kích động tính khí của ông bừng dậy thôi; vì thình lình vừa chủi mắng tôi với những lời tôi đã từng nghe nhiều lần trước kia, ông nện vào đầu tôi một cú làm tôi ngã nhào xuống; rồi ông lôi tôi đứng dậy và xô tôi ngã ngửa ra, cuối cùng ông lấy gậy đánh tôi không ngừng. Nhưng Ngogdun, người dự thí chính trong buổi lễ, đã nhảy vào dùng sức mạnh can ông ra; trong khi quá kinh hãi, tôi co giò phóng qua cửa sổ, việc này ngấm ngầm đe dọa ông. Tôi ngã xuống đất, thân thể không bị đau nhưng tinh thần lại mang một vết thương sâu thẳm, và lúc dó tôi muốn tự tử dể giải quyết đời tôi. Như thường lệ, người an ủi vẫn là bà Marpa, bà đã đến an ủi tôi với tất cả tấm lòng thương cảm của bà:
“Này Đại Phù thủy, con đừng lo buồn thái quá. Con vẫn là người đệ tử yêu quí nhất và trung thành nhất. Nếu con thật muốn đi tìm một Đạo sư khác, ta sẽ cho con tiền bạc và quà tặng để làm lễ vật.” Người hiền phụ đó đã ở lại suốt đêm với tôi và chúng tôi cùng khóc. Bà lo lắng cho tôi đến nỗi làm trễ lễ puja (cúng) chiều với chồng bà.
Sáng hôm sau Thầy tôi cho gọi tôi. Cuối cùng có phải là để dạy Giáo lý? Nhưng không! Ông chỉ hỏi rằng lòng tin của tôi đối với ông lung lay và tình thương của tôi đối với ông đã trở thành oán ghét phải không?
Tôi thưa: “Bạch thầy, không! Bởi vì dó chỉ là ác nghiệp quá khứ của con quá sâu dày đã ngăn cản lễ Điểm Đạo Truyền Pháp của con và lòng con đầy hối hận về những việc ác con đã làm,” và tôi bật khóc.
Ông hét: “Cái gì thế? Mi khóc lóc để buộc tội ta đấy à? Và ông lại nổi giận.
Tôi vội vàng rời khỏi phòng. Tôi cảm thấy lòng tôi tan vỡ và bàng hoàng. Tôi ước làm sao tôi có được nửa tài sản tôi đã bỏ lại quê nhà. Tôi sẽ không được gì cả từ vị Đạo sư này nếu tôi khong có một món quà tốt đẹp – mà bất cứ Đạo sư nào cũng vậy, vì đó là tục lệ. Không có gì cả khiến tôi muốn chết cho xong đời trong triền phược tội lỗi – thế tại sao tôi vẫn tiếp tục sống? Hay để làm việc gì khác? Suy nghĩ và suy nghĩ. Tôi sẽ đi làm việc và kiếm tiền trở lại? Hay về nhà với mẹ? Điều này là một liều lĩnh vì những người trong làng phẫn nộ tôi vô cùng. Nhưng tôi phải có tiền bằng bất cứ cách nào, hay đi tìm Giáo lý ở nơi khác. Vâng. Đi, đi… Những tiếng đi, đi… như những nhát búa nện mạnh vào óc tôi.
Tôi đã thu góp mấy quyển sách của tôi xong, nhưng lúc này tôi không có quyền lấy thức ăn trong nhà đem đi. Tôi cũng không tỏ bày tâm sự với bà Marpa. Nhưng sau khi đi được bốn năm dặm đường, tôi bắt đầu muốn gặp lại bà để cảm ơn lòng tử tế của bà đối với tôi, sự vô ơn bạc nghĩa lúc bỏ bà ra đi không nói được vài tiếng “cảm ơn” làm lòng tôi tràn đầy hối hận. Đến trưa, tôi xin được một ít gạo lúa mạch và mượn dụng cụ để nấu bữa ăn trưa tiết kiệm. Mọi việc thật khó khăn, tôi bắt đầu nghĩ rằng muốn có lương thực lâu dài, tôi phải làm những trò nho nhỏ rẻ tiền và lấy nhiều nhất là nửa giá tiền công, và điều này cũng không giải quyết được sự phiền phức trong lúc sửa soạn bữa ăn này. Ý tôi nửa đã muốn trở về, nhưng không thể vác mặt về như thế này được.
Rồi khi tôi đi trả những dụng cụ đã mượn để nấu ăn, một cụ già giữ tôi lại, hỏi:
“Tặt! Tặt! Thanh niên như anh có thể làm việc khá lắm, sao lại đi xin? Anh đọc Kinh được, sao không đọc để lấy mì bơ mà ăn? Nếu không đọc được, sao không kiếm việc gì mà làm? Giả anh đọc được chăng?”
Tôi thưa rằng tôi có thể đọc được và tôi không phải là một tên ăn mày chuyên nghiệp.
Ông nói: “Được rồi, hay theo tôi về nhà đọc tôi nghe, tôi sẽ trả công anh tử tế. Đi!”
Tôi vui vẻ nhận lời đề nghị. Tôi bắt đầu đọc kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa cho ông nghe, và dĩ nhiên khi tôi đọc đến đoạn vị Thánh nghèo không xu dính túi, đã bán thịt mình để lấy Pháp (Dharma). Thực sự vị Thánh sẽ bán luôn cả tim mình nếu cần. Và đem so sánh những thử thách của tôi chẳng nghĩa lý gì. Rồi một lần nữa tôi lại bắt đầu hy vọng có lẽ rồi đức Lạt-ma sẽ bớt nghiêm khắc và dạy Giáo lý cho tôi. Tôi tự bảo dù sao bà Marpa cũng đã hứa giúp tôi tìm một Đạo sư khác. Vì thế tôi trở về.