DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 25/27 ĐầuĐầu ... 152324252627 CuốiCuối
Hiện kết quả từ 241 tới 250 của 270
  1. #241
    Avatar của senvang
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    473
    Thanks
    123
    Thanked 47 Times in 33 Posts
    Thiền sư Trung Hoa Tập 2
    THIỀN SƯ PHẬT ẤN
    __________________________________________________ ______________________________________


    Vua Thần Tông nghe danh đức của Sư ngưỡng mộ ban cho ca-sa của Cao Ly tặng và bát vàng.
    Sư thượng đường dạy chúng:
    - Lạnh lạnh, gió gõ tiếng tre khô, nước đông cá lội rích, rừng thưa chim ngủ khó, thảy là uy thế của sương. Đâu kham hành khách áo đơn, thôi nghỉ hoa tía núi ngàn đóa, hãy vây lò lửa một phen dùi, buông đi thù du trong không cọc tre, lật ngược Ca-diếp trước cửa cột phướn.
    Liền đó, Sư lại nói:
    - Chẳng hội suy nghĩ càng không manh mối. Tham!

    *

    Một hôm, Sư và đồ chúng vào thất, cư sĩ Tô Đông Pha đến thẳng vào thất. Sư nói:
    - Trong này không có ghế ngồi, cư sĩ đến đây làm gì?
    Đông Pha đáp:
    - Tạm mượn thân tứ đại của Phật Ấn làm ghế ngồi.
    - Sơn tăng có một câu hỏi, cư sĩ nếu nói được thì mời ngồi. Bằng nói chẳng được thì cổi ngọc đái để lại.
    Đông Pha vui vẻ nói:- Xin hỏi.
    - Vừa rồi cư sĩ nói "tạm mượn thân tứ đại Sơn tăng làm ghế ngồi". Chỉ như Sơn tăng tứ đại vốn không, năm ấm chẳng có, cư sĩ đến chỗ nào ngồi? Tô Đông Pha không đáp được, phải cổi dây ngọc đái để lại.
    Sư tặng lại cho Đông Pha lá y Vân Sơn.
    Đông Pha làm kệ:

    Bách thiên đăng tác nhất đăng quang
    Tận thị hằng sa diệu pháp vương
    Thị cố Đông Pha bất cảm tích
    Tá quân tứ đại tác thiền sàng.
    Bệnh cốt nan kham ngọc đái vi
    Độn căn nhưng lạc tiễn phong ki
    Hội đương (dục giao) khất thực ca cơ viện
    Đoạt đắc Vân Sơn cựu nạp y.


    Dịch:

    Đèn trăm ngàn ngọn ánh sáng đồng
    Cả thảy hằng sa Diệu pháp vương
    Bởi thế Đông Pha đâu dám tiếc
    Mượn anh tứ đại làm giường thiền.
    Bệnh xương khó chịu ngọc đái ràng
    Căn độn nên rơi máy nhọn tên
    Hiểu nên khất thực xa ca kỹ
    Nhận lãnh Vân Sơn chiếc y xưa.



  2. #242
    Avatar của senvang
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    473
    Thanks
    123
    Thanked 47 Times in 33 Posts
    Thiền sư Trung Hoa Tập 2
    THIỀN SƯ PHẬT ẤN
    __________________________________________________ ______________________________________


    Lý Công Lân vì Sư viết chiếu. Sư bảo cười, Lý cười. Sư làm bài tán:

    Lý công thiên thướng thạch kỳ lân
    Truyền đắc Vân Cư đạo giả chân
    Bất vị niêm hoa minh đại sự
    Đẳng nhàn khai khẩu tiếu hà nhân?


    Dịch:

    Lân đá lên trời ấy Lý công
    Truyền được Vân Cư đạo đó chân
    Chẳng bởi niêm hoa rành việc lớn
    Rảnh rang mở miệng cười ai đây?


    *

    Nê ngưu mạn hướng phong tiền khứu
    Khô mộc vô đoan tuyết lý xuân
    Đối hiện đường đường câu bất thức
    Thái bình thời đại tự do thân.


    Dịch:

    Nằm dưới vũng bùn trâu ngửi gió
    Không có cây khô trong tuyết tươi
    Rành rành trước mắt đều chẳng biết
    Vào lúc thái bình thân tự do.


    *

    Ngày mùng bốn tháng giêng niên hiệu Nguyên Phù năm đầu (1098) Sư đang cùng khách nói chuyện có người ngộ được tâm, Sư cười một cái rồi tịch.


  3. #243
    Avatar của senvang
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    473
    Thanks
    123
    Thanked 47 Times in 33 Posts
    Thiền sư Trung Hoa Tập 2
    THIỀN SƯ HUỆ NHẬT TRÍ GIÁC
    __________________________________________________ ______________________________________


    71. THIỀN SƯ HUỆ NHẬT TRÍ GIÁC

    Ở chùa Vĩnh Minh Diên Thọ - (904 - 975)


    Sư họ Vương quê ở Dư Hàng, thuở bé đã qui tâm về Phật thừa. Lúc thiếu niên Sư không ăn thịt cá, mỗi ngày chỉ ăn một bữa. Sư trì kinh Pháp Hoa vừa được sáu tuần liền được lão thông, cảm đến bầy dê quì nghe kinh.

    Năm Sư hai mươi tám tuổi làm quan trấn ở Hoa Đình, gặp lúc Đại sư Thúy Nham Vĩnh Minh dời về ở chùa Long San truyền bá Thiền tông, Sư thường tới lui hỏi đạo. Vua Văn Mục Vương nước Ngô Việt biết Sư mộ đạo, bèn theo chí nguyện của Sư cho xuất gia.

    Sư lễ Thúy Nham xin làm đệ tử, hằng ngày làm việc phục vụ cho chúng trọn quên mình là kẻ làm quan. Mặc chẳng cần đẹp, ăn chẳng nghĩ ngon, áo vải đơn sơ che mưa đỡ gió.
    Lên núi Thiên Thai, ở ngọn Thiên Trụ tập định chín tuần, có loại chim tha cỏ làm ổ trong áo của Sư.
    Sư đến yết kiến Quốc sư Đức Thiều. Vừa trông thấy Sư, Quốc sư đã chấp nhận, thầm trao huyền chỉ. Quốc sư bảo Sư: Người cùng Nguyên soái có duyên, sau này sẽ làm hưng thịnh Phật pháp.

    *

    Ban đầu, Sư đến Minh Châu ở núi Tuyết Đậu học chúng rất đông.
    Sư thượng đường dạy:
    - Trong núi Tuyết Đậu này vươn lên ngàn tầm không dừng mảy thóc, dựa đảnh muôn nhẫn không có chỗ để chân. Tất cả các người nhằm chỗ nào tiến bộ?
    Có vị Tăng ra hỏi:- Một lối tắt của Tuyết Đậu làm sao dẫm đi?
    Sư đáp:- Bước bước hoa lạnh kết, lời lời suốt đáy băng.

    *

    Niên hiệu Kiến Long (950), Trung Hiến Vương thỉnh Sư trụ trì chùa mới ở núi Linh Ẩn. Năm sau, lại thỉnh Sư trụ trì đại đạo tràng Vĩnh Minh. Ở đây, chúng tụ họp đến hơn hai ngàn vị.
    Có vị Tăng hỏi:- Thế nào là diệu chỉ của Vĩnh Minh?
    Sư đáp:- Lại thêm hương đi.
    - Tạ Thầy chỉ dạy.
    - Hãy mừng chớ giao thiệp.

    Sư làm bài kệ:

    Dục thức Vĩnh Minh chỉ
    Môn tiền nhất hồ thủy
    Nhật chiếu quang minh sanh
    Phong lai ba lãng khởi.


    Nghĩa :

    Biết diệu chỉ Vĩnh Minh
    Trước cửa nước một hồ
    Trời soi ánh sáng dậy
    Gió sang sóng mòi sanh.



  4. #244
    Avatar của senvang
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    473
    Thanks
    123
    Thanked 47 Times in 33 Posts
    Thiền sư Trung Hoa Tập 2
    THIỀN SƯ HUỆ NHẬT TRÍ GIÁC
    __________________________________________________ ______________________________________


    Tăng hỏi:- Trường Sa kệ rằng:
    Học đạo chi nhân bất thức chân
    Chỉ vị tùng tiền nhận thức thần
    Vô thủy thời lai sanh tử bản
    Si nhân hoán tác bổn lai nhân

    [Xem T.S.T.H. tập 1 về Thiền sư Cảnh Sầm có bản dịch.]

    -Đâu chẳng phải lìa thức tánh riêng có chân tâm ư?
    Sư đáp:
    - Như Lai Thế Tôn trên hội Thủ Lăng Nghiêm vì ngài A-nan giản biệt rất rõ mà người vẫn cố chẳng tin. Ngài A-nan lấy cái suy xét theo đuổi làm tâm, bị Phật quở đó, cái suy xét theo đuổi ấy là "thức" vậy. Nếu lấy cái biết pháp, theo tướng là phiền não thì gọi thức, chẳng gọi tâm. Ý là nhớ, nhớ tưởng cảnh trước khởi vọng đều là vọng thức chẳng can gì về việc của tâm. Tâm chẳng phải có không, có không chẳng nhiễm. Tâm chẳng phải cấu tịnh, cấu tịnh chẳng nhơ. Cho đến mê ngộ phàm thánh đi đứng ngồi nằm đều là vọng thức, chẳng phải tâm vậy. Tâm xưa chẳng sanh nay cũng chẳng diệt. Nếu biết tâm mình như thế, đối chư Phật cũng vậy. Cho nên ông Duy-ma nói: "trực tâm là đạo tràng", vì không có hư giả vậy.

    *

    Tăng hỏi:
    - Học nhân ở tại Vĩnh Minh đã lâu, vì sao chẳng hội gia phong Vĩnh Minh?
    Sư đáp:- Chỗ chẳng hội nên hội lấy.
    - Chỗ chẳng hội làm sao mà hội?
    - Thai trâu sanh voi con, biển biết dấy bụi hồng.



  5. #245
    Avatar của senvang
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    473
    Thanks
    123
    Thanked 47 Times in 33 Posts
    Thiền sư Trung Hoa Tập 2
    THIỀN SƯ HUỆ NHẬT TRÍ GIÁC
    __________________________________________________ ______________________________________


    Sư muốn đem giáo pháp một đời của Phật lưu truyền ở cõi này, xem qua lối phán giáo của ngài Thiên Thai, Hiền Thủ, Từ Ân chia các tông tánh tướng v.v... trở thành mâu thuẫn khiến khó khăn thêm cho người học đạo. Sư lấy yếu điểm của Tâm tông (Thiền tông) làm nhân chiết trung, góp các kinh Phương Đẳng v.v... sáu mươi bộ, những lời dạy của ba trăm vị Tổ ở Ấn Độ và Trung Hoa để giúp nghĩa cho Tâm tông, soạn thành bộ sách một trăm quyển tên là Tông Cảnh Lục để lưu truyền hậu thế.

    *

    Sư ở chùa Vĩnh Minh mười lăm năm, độ một ngàn bảy trăm đệ tử. Niên hiệu Khai Bảo năm thứ bảy (974), Sư lên núi Thiên Thai truyền giới chừng một vạn người, thường cho bảy chúng thọ giới Bồ-tát. Ban đêm cúng thí quỉ thần, ban ngày làm lễ phóng sanh không thể tính hết. Sáu thời tán hoa, hành đạo còn dư sức, Sư tụng một vạn ba ngàn (13.000) bộ kinh Pháp Hoa.
    Ngoài bộ Tông Cảnh Lục, Sư còn trước tác thi, kệ, phú, vịnh đến cả ngàn muôn lời.

    *

    Vua nước Cao Ly (Triều Tiên) xem các tác phẩm của Sư cảm mến sai sứ đem thơ sang, trong thơ tự nhận là đệ tử, dâng cúng Sư y ca-sa tía do kim tuyến dệt thành, mấy hạt châu thủy tinh, chung vàng v.v...
    Có ba mươi sáu vị Tăng ở Cao Ly sang học đạo với Sư đều được ấn ký, lần lượt về nước mỗi người giáo hóa mỗi nơi.

    *

    Đến niên hiệu Khai Bảo năm thứ tám (975) tháng chạp, Sư có chút bệnh. Ngày hai mươi sáu vào buổi sáng, Sư thắp hương từ biệt chúng, ngồi kiết già thị tịch, thọ bảy mươi hai tuổi, bốn mươi hai tuổi hạ.


  6. #246
    Avatar của senvang
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    473
    Thanks
    123
    Thanked 47 Times in 33 Posts
    Thiền sư Trung Hoa Tập 2
    THIỀN SƯ CHÍ PHÙNG
    __________________________________________________ ______________________________________


    72. THIỀN SƯ CHÍ PHÙNG

    Ở chùa Hoa Nghiêm núi Ngũ Vân - (909 - 985)


    Sư quê ở Dư Hàng, sanh ra đã không ưa thịt cá, cơ thể thơm sạch. Sư xuất gia tại viện Lãng Chiêm núi Đông Sơn, thông suốt tam học, rành rõ tánh tướng. Những khi mộng, Sư thường thấy đi lên núi Tu-di thấy ba đức Phật ngồi sắp hàng. Trước đức Phật Thích-ca, kế Phật Di-lặc, Sư đều lễ dưới chân, duy chẳng biết đức Phật thứ ba, Sư chỉ ngước nhìn mà thôi. Đức Thích-ca chỉ, nói: đây là Di-lặc bổ xứ và Phật Sư Tử Nguyệt, Sư mới chịu làm lễ. Sau khi thức, nhân xem Đại tạng kinh mới biết hợp với mộng.

    *

    Khoảng niên hiệu Thiên Phước (947), Sư du phương đến núi Thiên Thai ở đạo tràng Vân Cư tham với Quốc sư Đức Thiều, cơ duyên chủ khách được trùng hợp phát minh huyền chỉ.

    *

    Một hôm, Sư vào trong điện Phổ Hiền an tọa, chợt có một vị thần quì gối ở trước. Sư hỏi: Ông là ai? Thần đáp: Tôi là thần hộ giới. Sư hỏi: Tôi lo có những tội trước chưa sạch, ông có biết chăng? Thần đáp: Thầy có tội gì, chỉ có một lỗi nhỏ mà thôi. Sư hỏi: Lỗi gì? Thần đáp: Phàm nước rửa bát cũng là vật của thí chủ, Thầy thường đổ đi không nên vậy. Nói xong, vị thần ẩn mất. Từ đây về sau, Sư rửa bát lấy nước uống hết.

    *

    Vua nước Ngô Việt nghe danh đức của Sư, thỉnh vào triều ban tử y và hiệu là Phổ Giác Đại sư. Ban đầu mời ở viện Lâm An Công Thần, Tăng chúng tấp nập kéo đến.
    Sư thượng đường dạy:
    - Chư Thượng tọa bỏ một tri thức đến tham với một tri thức, trọn học theo gương của Thiện Tài. Xin hỏi các Thượng tọa: như Thiện Tài từ biệt Văn-thù định lên núi Diệu Phong yết kiến Tỳ-kheo Đức Vân, đến đó rồi vì sao Đức Vân lại ở Biệt Phong trông thấy nhau? Phàm giáo ý Tổ ý đồng một phương tiện không có lý khác. Kia nếu rõ được thì đây cũng rành rành. Chư Thượng tọa hiện nay hiệp đoàn với Lão tăng là thấy nhau hay chẳng thấy nhau? Chỗ này là Diệu Phong hay là Biệt Phong? Nếu hay từ đây tỉnh được, có thể nói chẳng cô phụ Lão tăng, cũng thường thấy Tỳ-kheo Đức Vân, chưa từng có một sát-na xa rời nhau, lại tin đến chăng?


  7. #247
    Avatar của senvang
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    473
    Thanks
    123
    Thanked 47 Times in 33 Posts
    Thiền sư Trung Hoa Tập 2
    THIỀN SƯ CHÍ PHÙNG
    __________________________________________________ ______________________________________


    Niên hiệu Khai Bảo năm đầu (968), Trung Hiến Vương xây cất Tinh xá Phổ Môn ba phen thỉnh Sư trụ trì, lại tuyên dương pháp yếu.
    Sư thượng đường:
    - Cổ đức vì pháp đi hành khước chẳng nệ nhọc nhằn, như Hòa thượng Tuyết Phong ba phen trở lại Đầu Tử, chín lần lên Động Sơn, xẩn vẩn qua lại còn cầu con đường vào chẳng được. Xem các ông ngày nay đi tham học, vừa bước đến cửa liền đợi Lão tăng tiếp dẫn chỉ rõ nói thiền. Các ông muốn đến đạo Huyền cực, đâu thể rảnh rang; huống là việc này ngộ phải đúng thời, gấp gáp cầu đâu được. Các ông cần biết đúng thời ngộ chăng? Hiện giờ mỗi người hãy vào nhà thiền ngồi yên lặng, đợi bao giờ ngước xem ngọn núi này gật đầu, Lão tăng sẽ vì ông nói.

    *

    Tăng hỏi:- Thế nào là gia phong Phổ Môn?
    Sư đáp:- Bao người xem chẳng đủ.
    - Thế nào là cảnh Phổ Môn?
    - Ngươi đến chỗ hãy hỏi gia phong rồi thôi.

    *

    Niên hiệu Khai Bảo năm thứ tư (971), Sư cố từ chối với Quốc chủ bởi tuổi đã già muốn tịnh dưỡng nơi chốn suối rừng. Khi ấy, Đại tướng Lăng Siêu mới tạo đạo tràng Hoa Nghiêm ở núi Ngũ Vân dâng cúng cho Sư để làm chỗ dưỡng già.

    *

    Niên hiệu Ung Hy năm thứ hai (985) tháng mười một, Sư có chút bệnh. Đến ngày hai mươi lăm, Sư sai vị Tăng đứng hầu đi thắp hương, lấy nước súc miệng xong, Sư ngồi kiết già giây lâu, từ biệt chúng thị tịch. Sư thọ bảy mươi bảy tuổi, được năm mươi tám tuổi hạ.


  8. #248
    Avatar của senvang
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    473
    Thanks
    123
    Thanked 47 Times in 33 Posts
    Thiền sư Trung Hoa Tập 2
    THIỀN SƯ BỔN TIÊN
    __________________________________________________ ______________________________________


    73. THIỀN SƯ BỔN TIÊN

    Ở chùa Đoan Lộc -(942 - 1008)


    Sư họ Trịnh quê ở Vĩnh Gia, lúc bé xuất gia tại viện Tập Khánh, thọ giới nơi chùa Quốc Thanh ở Thiên Thai.
    Sư đến tham vấn Quốc sư Đức Thiều, Quốc sư đem câu "chẳng phải gió phướn động mà tâm nhân giả động", Sư liền ngộ giải.

    *

    Sư trụ ở chùa Đoan Lộc, chân chẳng dạo thành ấp, tay chẳng nhận tiền bạc, chẳng sắm mền nệm, không mặc tơ lụa, mỗi ngày ăn một bữa, ngồi thiền suốt ngày, trọn ba mươi năm không thay đổi ý chí.

    Sư dạy chúng:

    - Ta lúc mới gặp Thiên Thai vừa nghe câu nói liền tiến được. Nhưng khoảng một ngàn ngày (ba năm) trong bốn oai nghi in tuồng có vật ngại nơi ngực, như đồng ở chung với kẻ thù. Một ngàn ngày về sau, một hôm vật ngại bỗng tan, không còn ở chung với kẻ thù, liền đó an vui chợt nhận ra lỗi trước.

    Sư liền thuật ba bài kệ:

    1. Chẳng phải gió phướn động
    Mà tâm nhân giả động.


    Phi phong phan động duy tâm động
    Tự cổ tương truyền trực chí kim
    Kim hậu thủy vân đồ dục hiểu
    Tổ sư chân thật hảo tri âm.


    Dịch:

    Gió phan chẳng động riêng tâm động
    Truyền nối từ xưa nhẫn đến nay,
    Về sau mây nước dù muốn biết
    Tổ sư chân thật bạn tri âm.


    2. Thấy sắc liền thấy tâm.


    Nhược thị kiến sắc tiện kiến tâm
    Nhân lai vấn trước phương nan đáp
    Nhược cầu đạo lý thuyết đa ban
    Cô phụ bình sanh tam sự nạp.


    Dịch:

    Nếu là thấy sắc liền thấy tâm
    Người sang hỏi đến thật khó đáp
    Muốn cầu đạo lý nói nhiều điều
    Phũ phàng ba việc người tăng sĩ.


    3. Rõ chính mình.

    Khoáng đại kiếp lai chỉ như thị
    Như thị đồng thiên diệc đồng địa
    Đồng địa đồng thiên tác ma hình
    Tác ma hình hề vô bất thị.


    Dịch:

    Nhiều kiếp đến nay chỉ như thế
    Như thế đồng trời cũng đồng đất
    Đồng đất đồng trời tạo hình gì?
    Tạo hình gì rồi thảy đều phải.



  9. #249
    Avatar của senvang
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    473
    Thanks
    123
    Thanked 47 Times in 33 Posts
    Thiền sư Trung Hoa Tập 2
    THIỀN SƯ BỔN TIÊN
    __________________________________________________ ______________________________________


    Sư dạy chúng:

    - Cả thảy các ngươi! lại thấy Trúc Lâm Lan-nhã núi nước viện xá người chúng chăng? Nếu nói thấy thì ngoài tâm có pháp. Nếu nói chẳng thấy, mà hiện tại Trúc Lâm Lan-nhã núi nước viện xá người chúng rõ ràng. Lại hội lời dạy thế ấy chăng? Nếu hội thì lanh lợi chẳng ngại, vô sự chớ đứng lâu.

    *

    Sư dạy chúng:

    - Trong Thiên Thai giáo nói "ba cửa Văn-thù Quan Âm, Phổ Hiền. Cửa Văn-thù là tất cả sắc. Cửa Quan Âm là tất cả thanh. Cửa Phổ Hiền là chẳng dời bước". Còn ta nói cửa Văn-thù chẳng phải tất cả sắc. Cửa Quan Âm chẳng phải tất cả thanh. Cửa Phổ Hiền là cái gì? Chớ bảo là khác với Thiên Thai giáo nói. Vô sự hãy lui.

    *

    Sư dạy chúng:

    - Tất cả các ngươi! trong ban đêm ngủ mê chẳng biết tất cả. Đã chẳng biết tất cả, thử hỏi, khi ấy các ngươi có tánh xưa nay chăng? Nếu nói khi ấy có tánh xưa nay, mà khi ấy lại chẳng biết tất cả, cùng chết không khác? Nếu nói khi ấy không có tánh xưa nay, mà chợt thức giấc liền biết như xưa? Lại hội chăng? Chẳng biết tất cả cùng chết không khác, ngủ mê chợt thức giấc liền biết như xưa. Những khi như thế là cái gì? Nếu chẳng hội, mỗi người tự thể cứu lấy. Vô sự chớ đứng lâu.

    *

    Niên hiệu Nguyên Phù năm đầu (1008) tháng hai, bất chợt Sư bảo đệ tử lớn là Như Trú: Nên xây tháp cho ta, rằm tháng tám ta sẽ tịch. Như Trú vâng mạng xây vừa xong xuôi, khi ấy dân chúng quan liêu xa gần đua nhau đến chiêm ngưỡng. Đúng ngày rằm, vẫn tham vấn như thường, đến giờ ngọ, Sư ngồi yên ở phương trượng tay kiết bảo ấn, lại bảo Như Trú: Người xưa nói: "cỡi đầu cọp nắm đuôi cọp", việc ở khoảng giữa lại thế nào? Như Trú đáp: Cũng chỉ là Như Trú. Sư bảo: Ngươi hỏi lại ta. Như Trú hỏi: Cỡi đầu cọp nắm đuôi cọp, việc khoảng giữa Hòa thượng nói thế nào? Sư đáp: Ta cũng nói chẳng ra. Nói xong, Sư an nhiên mở nhỏ một con mắt xem, rồi tịch. Sư thọ sáu mươi bảy tuổi, bốn mươi hai tuổi hạ.

    Sư có trước tác Trúc Lâm Tập mười quyển hơn một ngàn bài thi, ca, từ.


  10. #250
    Avatar của senvang
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    473
    Thanks
    123
    Thanked 47 Times in 33 Posts
    Thiền sư Trung Hoa Tập 2
    THIỀN SƯ ĐẠO GIAI
    __________________________________________________ ______________________________________


    74. THIỀN SƯ ĐẠO GIAI

    Ở Phù Dung - (1043 - 1118)


    Sư họ Thôi quê ở Nghi Thủy Nghi Châu, tánh tình cứng cỏi cang trực, tự lúc thiếu thời đã học đạo nhịn cơm, vào ẩn trong núi Y Dương. Sau, Sư dạo kinh đô nương nơi chùa Thuật Đài và ở đây học tập kinh điển, thọ giới cụ túc.

    *

    Đi du phương, Sư đến yết kiến Thiền sư Nghĩa Thanh ở chùa Hoa Nghiêm núi Đầu Tử.

    Sư hỏi:

    - Ngôn giáo của Phật Tổ như việc cơm nước thường ngày trong nhà, lìa rời việc này riêng có chỗ vì người hay chăng?

    Đầu Tử đáp:

    - Ngươi nói sắc lệnh của Thiên tử trong cõi này, lại nhờ vua Võ, vua Thang, Nghiêu, Thuấn hay chăng?

    Sư suy nghĩ để đáp lại. Đầu Tử lấy phất tử bịt miệng Sư, nói:

    - Ngươi phát ý ra đã đáng ăn ba mươi gậy rồi.

    Ngay câu nói này, Sư tỉnh ngộ, đảnh lễ, liền ra đi. Đầu Tử gọi: Xà-lê hãy lại đây. Sư chẳng ngó lại. Đầu Tử nói: Ngươi đến chỗ chẳng nghi chăng? Sư liền bịt tai.

    *

    Sau, Sư coi việc nhà trù. Đầu Tử hỏi: Việc trong nhà trù không phải là dễ. Sư thưa: Chả dám. Đầu Tử hỏi: Ngươi thổi cơm ư? Nấu cháo ư? Sư thưa: Nhân công đãi gạo nhúm lửa, trị nhật nấu cháo thổi cơm. Đầu Tử hỏi: Còn ngươi làm gì? Sư thưa: Nhờ ơn Hòa thượng từ bi cho con rảnh rang.

    *

    Một hôm, Sư theo hầu Đầu Tử đi dạo vườn trà. Đầu Tử trao cây gậy cho Sư, Sư nhận lấy liền đi theo sau Đầu Tử. Đầu Tử bảo: Lý nên thế ấy. Sư thưa: Cùng Hòa thượng xách giày cầm gậy, cũng chẳng phải việc phần ngoài. Đầu Tử bảo: Vẫn có người đồng hành. Sư thưa: Đây là một người không nhận dạy. Đầu Tử thôi hỏi.

    Đến chiều, Đầu Tử bảo: Sớm mai nói thoại chưa hết. Sư thưa: Thỉnh Hòa thượng nói tiếp. Đầu Tử nói: Mẹo sanh nhật, tuất sanh nguyệt. Sư liền đốt đèn đem đến, Đầu Tử nói: Ngươi đi lên đi xuống đều không luống công. Sư thưa: Ở bên cạnh Hòa thượng lý phải như thế. Đầu Tử nói: Kẻ tôi đòi trong nhà nào mà không có. Sư thưa: Hòa thượng tuổi cao thiếu nó không được. Đầu Tử hỏi: Ân cần cái gì? Sư thưa: Có phần đền ân.


Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Chủ đề tương tự

  1. Thiền sư trung hoa (tập 1)
    Gửi bởi senvang trong mục THIỀN TÔNG
    Trả lời: 190
    Bài cuối: 07-08-2018, 05:51 PM
  2. Thể dạng trung gian giữa cái chết và sự sinh.
    Gửi bởi honglien trong mục MẬT TÔNG
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 12-28-2015, 11:20 AM

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •