Thiền sư Trung Hoa Tập 2T.s Văn Yển__________________________________________________ ______________________________________
Sư đến Linh Thọ, Thiền sư Tri Thánh (trụ trì Linh Thọ) dự biết trước, sai chúng đánh ba hồi chuông trống ra trước cửa rước Thủ tọa. Nơi đây, Sư sung chức Thủ tọa.
Quảng chủ họ Lưu muốn cử binh, đích thân vào viện thỉnh Linh Thọ tiên tri kiết hung thế nào? Linh Thọ biết trước, từ giã chúng vui vẻ ngồi an nhiên thị tịch. Quảng chủ hỏi Tri sự: Hòa thượng bệnh bao lâu? Tri sự đáp: Chẳng từng có bệnh. Hòa thượng có để lại một phong thơ xin trình Đại vương. Quảng chủ mở thơ ra xem, thấy nói: "con mắt của nhân thiên là Thủ tọa trong chùa này". Ông hiểu ý chỉ của Linh Thọ bèn dừng binh và thỉnh Sư trụ trì Linh Thọ. Sư khai pháp ở đây không được bao lâu, lại dời đến chùa Quang Thới tại Vân Môn.
*
Sư nhân bàn chân mang tật nên thường chống gậy. Một hôm, chống gậy đi thấy chúng làm công tác công cộng, Sư đưa gậy lên bảo:
- Xem! xem! người Uất Đơn Việt thấy các ông bửa củi khó khăn ở giữa sân họ dọn đồ cúng dường các ông, lại vì các ông tụng kinh Bát-nhã: "Nhất thiết trí trí thanh tịnh, không hai không hai phần, vì không khác không dứt".
Chúng vây quanh Sư khá lâu không giải tán, Sư lại bảo:
- Hết thảy các ông vô cớ chạy đến trong đây để tìm cái gì? Lão tăng chỉ biết ăn cơm, đi ỉa, hiểu riêng làm gì? Các ông ở mọi nơi đi hành khước tham thiền hỏi đạo, tôi hỏi các ông việc tham được thế nào? hãy nêu ra xem?
Khi ấy, Sư bất đắc dĩ tụng bài kệ của Tam Bình rằng:
Tức thử kiến văn phi kiến văn
Tức thấy nghe này chẳng thấy nghe
Sư xoay lại nhìn Tăng bảo: Gọi cái gì là thấy nghe? Sư lại tiếp:
Vô dư thanh sắc khả trình quân
Không thừa thanh sắc đáng trình ngươi
Sư bảo Tăng: Có bao nhiêu thanh sắc ở đầu môi? Sư tiếp:
Cá trung nhược liễu toàn vô sự
Trong đây nếu liễu toàn vô sự
Sư bảo Tăng: Có sự gì? Sư tiếp:
Thể dụng hà phòng phân bất phân
Thể dụng ngại gì phân chẳng phân.
Sư bảo: Nói là thể, thể là nói. Lại đưa gậy lên bảo: Gậy là thể lồng bàn là dụng, là phân hay chẳng phân? Đâu chẳng thấy nói Nhất thiết trí trí thanh tịnh.