Chương 9
Trong đời sống vẫn có những sự kiện xảy ra thật bất ngờ, ngoài sự mong cầu, ao ước. Tôi đã mải miết tìm kiếm khắp nơi một cách mù quáng nhưng vẫn không tìm thấy điều tôi muốn. Quả thật tôi có mắt mà như mù, ngay khi đến Taiheiji, tiếp xúc với thiền sư Yasutani, tôi vẫn không nhận ra đó là vị thầy mà tôi muốn tìm từ bao lâu nay. Nếu thiền sư Yasutani không từ bi mở cho một con đường thì không biết hiện nay tôi sẽ như thế nào? Có thể tôi vẫn lang thang tìm kiếm cho đến những ngày cuối của cuộc đời. Tôi được thọ giới tỳ kheo và giao phó nhiệm vụ quét dọn, nấu nướng tại Taiheiji. Mỗi sáng tôi dậy rất sớm để tham dự các thời khóa thiền. Tôi thực hành theo lời chỉ dẫn của thiền sư Yasutani, luôn luôn cẩn thận, ngồi thật đúng cách, và gìn giữ cử chỉ thật trang nghiêm, thành kính trong mọi hành động. Trong lúc tọa thiền, nếu có điều gì thắc mắc tôi đều đem ra hỏi, nhờ thế tôi mới thấy việc tìm được một vị thầy có kinh nghiệm hướng dẫn quan trọng như thế nào. Đôi khi có những thắc mắc rất nhỏ, tưởng chừng không có gì đáng kể nhưng khi nhận được câu giải đáp, tôi mời thấy tầm quan trọng của nó.
Một hôm trong lúc tọa thiền, tôi cảm thấy trong người thoải mái, dễ chịu, dường như có một cái gì kỳ lạ đang biến chuyển trong tâm tôi. Tôi thấy mình như được nâng lên một bình diện nào đó, khắp người được bao phủ trong một niềm phúc lạc vô biên, tôi thấy mình như tan biến trong một biển tình thương rộng lớn. Tôi mừng rỡ tìm đến thiền sư Yasutani để kể cho ông nghe về kinh nghiệm này. Ông thản nhiên nói ngay:
- Điều này không có gì lạ, đa số học trò của ta cũng đều có những kinh nghiệm tương tự như vậy. Phần lớn con người thường quen suy nghĩ theo đuờng lối nhị nguyên, có chủ thể và đối tượng, nên thường bám víu vào bản ngã. Các cảm giác khoái lạc, hạnh phúc cũng đều xảy ra quanh cái bản ngã này. Lần này bà đã kinh nghiệm được một thứ tình cảm cao thượng hơn vì không còn tập trung vào bản ngã nên bà thấy sung sướng, thoải mái hơn các cảm giác khoái lạc của bản ngã. Tuy nhiên bà đừng nên bám víu lấy nó, chỉ nên coi đó là một việc đã xảy ra rồi và quên nó đi. Đừng để kinh nghiệm này trở nên một kỷ niệm rồi giữ mãi trong tâm mà thành chướng ngại.
Trong một buổi thiền tập khác, tôi bỗng dưng thấy chán nản và thất vọng một cách kỳ lạ. Tôi sợ mình sẽ không thể thành công được và cảm giác sợ hãi này cứ chi phối tôi trong suốt khóa thiền. Thiền sư Yasutani đã khuyên:
- Đó là một điều thường xảy ra. Một cái máy có thể hoạt động đều đặn không ngưng, nhưng một con người thì không như thế. Có lúc cơ thể mệt mỏi vì các hiện tượng tâm lý hay sinh lý, hoặc cả hai. Điều quan trọng là hãy vững tâm và đừng thất vọng. Bà phải tin chắc rằng mình sẽ thành công và sự quyết tâm này sẽ gây phấn khích và khôi phục lòng nhiệt thành của bà. Một khi bà nghĩ rằng mình không thể đạt được điều mình muốn hoặc tệ hơn nữa, bà cho rằng việc đó vượt khỏi khả năng của bà, thì bà không bao giờ nhận ra được chân tánh của mình.
Hôm sau, trong buổi giảng hàng ngày, thiền sư Yasutani đã nói:
- Có ba yếu tố hết sức quan trọng trong việc tu thiền, đó là Đại Tín Căn (Daishinkan) hay lòng tin nhiệt thành, một lòng tin đã cắm rễ rất sâu, không gì có thể lay chuyển được. Đây không phải là lòng tin mù quáng hay mê tín dị đoan nhưng là một lòng tin tưởng chắc chắn vào những điều đức Phật đã chỉ dạy. Phật giáo bắt đầu với sự giác ngộ của đức Phật, do đó niềm tin nhiệt thành của chúng ta là sự chứng ngộ của Phật và bản chất của sự chứng ngộ đó. Đức Phật nói: “Ta là Phật đã thành và các con là Phật sẽ thành” thì chắc chắn chúng ta sẽ thành Phật vì chúng ta vốn sẵn có khả năng đó. Nếu người nào không tin được điều này thì chắc chắn không thể tiến xa được. Yếu tố quan trọng thứ hai là Đại Nghi Đoàn (Daigidan) hay sự nghi ngờ mãnh liệt, một nỗi nghi khiến chúng ta cảm thấy áy náy, khó chịu không sao tìm được sự giải thích thỏa đáng.
Đây không phải là một mối nghi ngờ tầm thường hay đơn giản nhưng là một mối nghi phát xuất từ cái lòng tin nhiệt thành kia. Nó là cái nghi rằng tại sao thế giới này lại đầy xung đột, mâu thuẫn và đau khổ khi lòng tin nhiệt thành cho rằng chính sự ngược lại như vậy mới đúng. Cái nỗi nghi mãnh liệt này hiện hữu tương xứng với cái lòng tin nhiệt thành kia, do đó mới nảy sinh yếu tố quan trọng thứ ba là Đại Phấn Chí (Daifunshi) hay sự quyết tâm dũng mãnh. Sự quyết tâm này phát xuất một cách tự nhiên từ sự nghi ngờ mãnh liệt kia. Để dẹp tan mối nghi ngờ đó, người ta dốc toàn lực ra để khám phá vì sao lại có sự nghịch lý như vậy, tại sao “bản tánh của chúng ta vốn tự trong sạch, đầy đủ và không sinh diệt” mà thế giới của chúng ta, vốn chỉ là những biểu hiện của nội tâm chúng ta, lại bất toàn, thiếu sót, đầy những khổ đau và luôn luôn thay đổi như vậy? Chính cái động năng cương quyết tìm câu trả lời này sẽ dẫn người ta đến Ngộ. Giải quyết được mối nghi này là phá vỡ được tất cả những mâu thuẫn nhị nguyên và đó chính là con đường mà các tổ thiền tông đã chỉ dạy “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”.
Sau khi sống tại Tokyo khoảng một tháng, tôi được thiền sư Yasutani cho tham dự khóa Nhiếp tâm (Sesshin) tại chùa Shinkoji. Cũng như khóa nhiếp tâm trước tại Zuiryuji với thiền sư Joten, mọi người bắt đầu bằng công án Vô. Trong buổi độc tham (Dokusan) với thiền sư Yasutani, tôi đã cố gắng trình bày kiến giải của mình nhưng lúc đó tôi vẫn còn chịu ảnh hưởng các kinh nghiệm quá khứ nên thiền sư Yasutani đã nói ngay:
- Đó là Ma cảnh chứ chẳng phải Phật pháp, hãy khởi sự lại từ đầu.