Cũng phải nói thêm rằng thời đại Minh Trị (Meiji) là một giai đoạn đặc biệt với những truyền thống cũ mới xung đột nhau mạnh mẽ. Khi trước, vào thời Tokugawa (1600 – 1867), các sứ quân nắm quyền cai trị và vai trò của hoàng đế rất lu mờ, nếu không nói là vô quyền. Để phát triển văn hóa, các sứ quân cho lập trường Quốc học (Kokugaku) để nghiên cứu văn hóa và phục hồi các truyền thống cổ xưa. Nhờ biết áp dụng các phương pháp nghiên cứu rất khoa học, các học giả của trường Quốc học đã phát hiện được rất nhiều tài liệu cổ, nhất là những tài liệu từ xưa, được cất giấu trong các chùa chiền, cổ mộ. Vào đầu thế kỷ 18, lúc phong trào bế quan tỏa cảng lên cao, các học giả chủ trương bài ngoại muốn dẹp bỏ các ảnh hưởng ngoại lai, nhất là ảnh hưởng của Trung Hoa, để phục hồi truyền thống quốc gia nên thiết lập ra học phái Kannagara-no-michi. Học giả Hirata Atsutane (1776 – 1843) là người cổ súy việc này. Ông chủ trương lấy Thần đạo làm quốc giáo, nhấn mạnh về vai trò Hoàng đế là một vị thần (Kami) con cháu của Thái Dương thần nữ. Theo ông, các sứ quân chỉ là kẻ tiếm vị, là người đã theo chủ thuyết Trung Hoa mà ông gọi là chủ thuyết của các quan hoạn, làm ô uế truyền thống cao đẹp cổ truyền của Thái Dương thần nữ. Dĩ nhiên các sứ quân triều đại Tokugawa không chấp nhận lời giải thích này nên Hirata bị bắt giam và đày biệt xứ, sách của ông bị tịch thu nhưng học trò của ông vẫn lén lút truyền bá học thuyết này. Ít lâu sau, lợi dụng tình hình chính trị sôi động về việc người Âu Mỹ bắn phá các hải cảng của Nhật, đòi tự do giao thương và truyền giáo, các nhóm chính trị đối lập đã hô hào dân chúng nổi lên, lật đổ chế độ sứ quân, đưa Thiên Hoàng trở lại địa vị tối cao. Một trong những điều đầu tiên của Minh Trị thiên hoàng là khôi phục lại truyền thống cũ, đưa Thần đạo lên hàng quốc giáo và dẹp bỏ ảnh hưởng của Phật giáo mà triều đình cho rằng đã ủng hộ các sứ quân khi xưa. Sự phát triển của Thần đạo đã vô tình phục hồi giai cấp võ sĩ đạo (Bushido) vốn bị các sứ quân thời Tekogawa hạn chế. Dưới danh nghĩa võ sĩ đạo, các nhà lãnh đạo quân sự đã đào tạo được nhiều sĩ quan có tinh thần quốc gia cực đoan, và hậu quả là đưa Nhật Bản vào cuộc chiến với Trung Hoa (1894 – 1895), Nga sô (1904 – 1905) và Thế chiến thứ hai (1937 – 1945).