Thiền sư Trung Hoa Tập 1T.s Cảnh Sầm__________________________________________________ ______________________________________
NỐI PHÁP NAM TUYỀN PHỔ NGUYỆN
42. THIỀN SƯ CẢNH SẦM
(Trường Sa)
Sau khi đắc pháp nơi Nam Tuyền, Sư đến Lộc Uyển an trụ. Về sau, Sư không ở một chỗ nhất định, chỉ tùy duyên tùy cảnh giáo hóa độ sanh. Vì thế, người đương thời gọi Sư là Hòa thượng Trường Sa.
Sư thượng đường dạy chúng:
- Nếu ta một bề nêu cao tông giáo thì trong pháp đường này cỏ mọc cao một trượng. Vì sự bất đắc dĩ, ta bảo các ngươi rằng: Tột mười phương thế giới là mắt của Sa-môn, tột mười phương thế giới là thân của Sa-môn, tột mười phương thế giới là ánh sáng của mình, tột mười phương thế giới ở trong ánh sáng của mình, tột mười phương thế giới không có người nào là chẳng phải chính mình. Ta thường nói với các ngươi: Chư Phật trong đời cùng chúng sanh khắp pháp giới là ánh sáng Ma-ha Bát-nhã. Khi ánh sáng này chưa phát, cả thảy các ngươi đến nương nơi đâu? Khi ánh sáng này chưa phát, còn không có tăm dạng Phật và chúng sanh, thì chỗ nào có núi sông thế giới?
Có vị Tăng hỏi:- Thế nào là mắt Sa-môn?
Sư đáp:
- Dài dài ra chẳng đặng, thành Phật thành Tổ ra chẳng đặng, sáu đạo luân hồi ra chẳng đặng.
- Chẳng biết ra cái gì chẳng đặng?
- Ngày thấy mặt trời, đêm thấy sao.
- Con không hội.
- Núi Diệu Cao sắc xanh lại xanh.
*
Sư sai một vị Tăng đến hỏi bạn đồng sư là Hòa thượng Hiệp rằng:
- Hòa thượng sau khi thấy Nam Tuyền rồi thế nào?
Hòa thượng Hiệp lặng thinh.
Tăng hỏi:- Hòa thượng trước khi chưa thấy Nam Tuyền thì sao?
Hòa thượng Hiệp đáp:- Không thể lại riêng có.
Vị Tăng về thuật lại Sư nghe, Sư làm một bài kệ chỉ bày:
Bách trượng can đầu bất động nhân
Tuy nhiên đắc nhập vị vi chân
Bách trượng can đầu tu tấn bộ
Thập phương thế giới thị toàn thân.
Dịch:
Trăm trượng đầu sào vẫn đứng yên
Tuy là được nhập chẳng phải hiền
Đầu sào trăm trượng cần vượt khỏi
Mười phương thế giới thảy thân mình.