THANH TỊNH ĐẠO LUẬN
Chương 23
__________________________________________________ ______________________________________


31. (vi) Sự chứng đạt xảy ra như thế nào? Diệt dịnh phát sinh nơi một vị thực hiện các công việc chuẩn bị bằng cách nỗ lực tịnh tiến với tịnh chỉ và (tuệ) quán, và làm cho tâm phi tưởng phi phi tưởng xứ chấm dứt. Người chỉ nỗ lực tinh cần với tịnh chỉ (định) mà thôi, thì dạt phi tưởng phi phi tưởng xứ rồi ở đấy, còn người chỉ nỗ lực tinh cần với tuệ mà thôi thì đắc quả rồi dừng mãi ở đấy, nhưng người nỗ lực tinh cần với cả hai (định và tuệ) và sau khi làm các công việc chuẩn bị, sẽ làm cho chấm dứt tâm phi tưởng phi phi tưởng xứ và đắc diệt định. Ðây là nói vắn tắt.

32. Nhưng chi tiết thì như sau: Khi một tỳ kheo muốn đắc diệt định đã ăn xong, rửa sạch chân tay, ngồi xuống nơi đã soạn sẵn trong một nơi vắng vẻ. Sau khi xếp hai chân ngồi kiết già để thân ngay thẳng, đặt niệm trước mặt, vị ấy đắc sơ thiền, và khi xuất thiền, vị ấy thấy các hành trong đó với tuệ là vô thường, khổ, vô ngã.

33. Tuệ này gồm ba, là tuệ phân biệt các hành, tuệ để đắc quả, và tuệ để đắc diệt định. Ở đây, tuệ phân biệt các hành, dù chậm lụt hay linh lợi, đều là nhân gần cho một đạo lộ mà thôi. Tuệ để chứng quả chỉ có giá trị khi nó linh lợi, thì giống như tuệ để tu tập một đạo lộ . Tuệ để đắc diệt định chỉ có giá trị khi nó không quá chậm lụt cũng không quá linh lợi. Bởi vậy, vị ấy thấy các hành ấy với tuệ không quá chậm lụt cũng không quá linh lợi.

34. Sau đó vị ấy đắc nhị thiền, và khi xuất, vị ấy thấy các hành như trên. Sau đó hành giả đắc tam thiền... (v.v... )... Sau đó vị ấy nhập không vô biên xứ, và khi xuất, vị ấy quán các hành như trên. Cũng vậy hành giả nhập vô sỡ hữu xứ. Khi xuất, vị ấy làm bốn sự chuẩn bị, đó là: (a) không hại tài sản kẻ khác, (b) tăng chúng chờ đợi, (c) vị đạo sư triệu tập và (d) định thời gian.

35. (a) Không hại tài sản kẻ khác ám chỉ những gì vị tỳ kheo có xung quanh mình mà không phải là tài sản cá nhân vị ấy: y bát, giường ghế, hay một gian phòng, hay bất cứ vật dụng nào khác mà vị ấy giữ nhưng thuộc sở hữu của nhiều người khác. Vị ấy phải khởi tâm nghĩ rằng, những vật như vậy sẽ không bị hại, không bị lửa đốt, nước cuốn, gió thổi, trộm lấy, chuột gặm v.v... Ðây là hình thức sự khởi tâm: "Trong bảy ngày này hãy để cho những vật như vậy không bị lửa cháy, nước trôi, gió làm hỏng, kẻ cắp lấy, chuột gặm v.v... " Khi vị ấy khởi ý như vậy, những vật kia sẽ không bị nguy hiểm trong vòng bảy ngày.

36. Nếu vị ấy không khởi tâm quyết định như trên, những vật kia có thể bị thiêu cháy v.v... như trường hợp đại đức Màhà-Nàga. Vị đại đức này đi khất thực nơi mẹ ngài, một tín nữ cư trú. Bà cho ngài ăn cháo và để ngài nằm trong phòng khách. Ngài ngồi xuống nhập định. Trong khi ngài nhập định, gian phòng bốc lửa. Những tỳ kheo khác cắp tọa cụ chạy. Dân làng bu lại, và trông thấy vị tỳ kheo họ la lên "Ôi ông thầy tu làm biếng, ông thầy tu làm biếng!" Ngọn lửa bốc cháy gian nhà tranh tre và gỗ, và bao vây vị đại đức. Người ta mang nước dập tắt lửa. Họ dời tro tàn ra, sửa chữa căn nhà, rải hoa và đứng cung kính đợi chờ. Vị đại đức xuất định như đã tính trước, khi trông thấy người đông, ngài tự nhủ: "Chúng thấy ta mất rồi". Và liền thăng hư không đi đến đảo Piyangu.

Ðấy là không làm hại đến tài sản người khác.