THANH TỊNH ĐẠO LUẬNChương 22__________________________________________________ ______________________________________
II. Các Pháp Tương Ưng Với Ðạo Lộ v.v...
32. Bây giờ, để thẩm định giá trị của Tri kiến thanh tịnh này với bốn loại trí của nó, có những vấn đề:
(1) Sự hoàn tất (viên mãn) các bồ đề phần pháp
(2) Sự xuất khởi (ngoi lên)
(3) Sự sóng đôi các lực
(4) Các hành cần từ bỏ
(5) Hành vi từ bỏ chúng
(6) Các nhiệm vụ liễu tri, v.v... khi bốn chân lý đã được thâm nhập,
(7) Mỗi thứ cần được nhận chân tùy theo tự tánh của nó.
33.
(1) Ở đây, sự viên mãn các bồ đề phần pháp là 37 pháp sau đây: Bốn niệm xứ (Trung 10), Bốn chánh cần (M. ii, 11), 4 thần túc (M. i,103), 5 căn (M. ii,12), năm lực (M. ii,12), Bảy giác chi (M. ii, 11), và Thánh đạo tám ngành (D. ii, 311). Những pháp này được gọi là "dự phần vào giác ngộ" vì chúng đóng vai trò của Thánh đạo tám ngành, được gọi là "Giác ngộ" trong nghĩa soi sáng, và những pháp ấy trợ giúp cho chánh đạo nên gọi là "dự phần"
34. "Bốn niệm xứ" (hay bốn niện trú): "trú" (patthàna) là an trú, bằng cách đáp xuống trên những đối tượng này khác. Sự an trú ấy chính là niệm, nên gọi là niệm trú hay niệm xứ. Nó gồm bốn loại, vì nó xảy ra liên hệ đến thân thể, cảm thọ, tâm và pháp, xem chúng là bất tịnh, khổ, vô thường, vô ngã, và nó cũng thuộc bốn loại vì nó hoàn tất nhiệm vụ từ bỏ tưởng về thường, lạc, ngã, tịnh.
35. Nhờ nó mà con người nỗ lực một cách chánh đáng, nên gọi là chánh cần. Hoặc nó tốt vì bỏ được những xấu xa của phiền não, nó là nỗ lực (cần) đem lại sự cải thiện, với ý nghĩa phát sinh an lạc. Ðó là tên chỉ nghị lực. Nó hoàn tất bốn nhiệm vụ trừ khử những bất thiện pháp đã sanh, ngăn ngừa sự sanh khởi những bất thiện chưa sanh, nó làm sanh khởi những thiện pháp chưa sanh, và duy trì những thiện pháp đã sanh, nó gồm có bốn, nên gọi là bốn chánh cần.
36. Lực (Iddhi) là nói theo nghĩa thành công (tjjhana) như đã nói ở Chương XII, đoạn 44. Ðó là con đường, (pàda) đi đến năng lực thành công, nó là tiền đạo cho sự thành công, cái nhân đi trư?c thành công, nên gọi là con đường đưa đến năng lực thành công, căn bản của thành công. Nó gồm bốn là dục, v.v. Do đó, mà "bốn như ý túc" hay "bốn thần túc" được nói, như đoạn: "Bốn như ý túc: dục như ý túc, tinh tấn như ý túc, nhất tâm như ý túc, trạch pháp như ý túc" (Vbh. 223) là những pháp thuộc siêu thế mà thôi. Nhưng khi nói: "Nếu một tỷ kheo có được định, có được nhất tâm nhờ dục tăng thạnh, thì đó là định nhờ dục" (Vbh. 216) v.v. thì đó cũng là những pháp thuộc thế gian có được nhờ dục tăng thạnh v..v..
37. "Căn" là nói theo nghĩa tăng thạnh, thắng lướt, bởi vì những pháp này, với tư cách là những căn thì thắng lướt được các pháp bất tín, giải đải, thất niệm, tán loạn và bất chánh tri (hoang mang).
"Lực" là nói theo nghĩa không "nao núng", bởi vì những pháp này, với tư cách là năng lực, sẽ không còn biết áp đảo bởi các pháp bất tín, v..v.. Căn và lực mỗi thứ gồm năm là tín, tấn, niệm, định và tuệ.