SỰ TÍCH TÂY DU PHẬT QUỐC





(Tây Tạng Tự 2548 - 2004)

__________ o o 0 o o __________


LỜI GIỚI THIỆU




Nhẫn Tế Thiền Sư tại xứ Tây Tạng


Nhẫn Tế Thiền sư có thế danh là Nguyễn văn Tạo (Nguyễn Tấn Tạo) sinh năm Kỷ Sửu (1889) tại làng An Thạnh (tức Búng), Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương.) Nguyên là một viên chức trong ngành y tế, chán cảnh đua tranh danh lợi và nung nấu ý nguyện cầu Đạo giải thoát, ngài đã xin thôi việc và chú tâm vào việc tu hành. Ngài xuất gia với Hòa Thượng trụ trì chùa Sắc tứ Thiên Tôn tự tại Búng (Bình Dương), được đặt Pháp hiệu là Nhẫn Tế. Sau này ngài cầu Pháp với Hòa Thượng Thích Huệ Đăng ở núi Thiên Thai (Bà Rịa) và được nhận Pháp hiệu là Minh Tịnh. Sau đó tại Tây Tạng ngài được Đại Thượng Tọa Lama Nhiếp Chính ban Pháp danh là Thubten Osall Lama.

Có thể nói Hòa Thượng Nhẫn Tế là người Việt Nam đầu tiên đi tới Tây Tạng trong bối cảnh đất nước này còn hạn chế sự hiện diện của những con người và văn minh ngoại quốc trên xứ sở của họ. Vào thời ấy, không ít những học giả Tây phương đã coi Tây Tạng là xứ sở huyền hoặc và đã gọi Phật Giáo Tây Tạng là Lạt Ma giáo, như một tôn giáo đặc biệt của Tây Tạng mang nhiều màu sắc huyền bí.

Trên bước đường du hành, Hòa Thượng Nhẫn Tế đã ghi lại dưới hình thức nhật ký thật vắn tắt và khi trở về Việt Nam ngài đã biên soạn thành Hồi ký Sự tích Tây Du Phật Quốc. Với một bút pháp chân thật, điềm đạm, ngôn ngữ mang âm hưởng của thời đại lúc đó, Sự tích Tây du Phật Quốc vẽ ra cuộc hành trình của một thiền giả trên bước đường hành hương chiêm bái Phật tích và khẩn cầu Phật Đạo. Độc giả sẽ bị cuốn hút từ đầu tới cuối theo bước chân ngài từ quê nhà sang Ấn Độ, Nepal, Bhutan, tới Tây Tạng rồi trở về Tích Lan, Ấn Độ, Tích Lan và Việt Nam. Trong từng câu từng lời ghi chép với những nhận xét, suy tư và cảm xúc đầy đạo vị, đôi khi chỉ là những ghi chép ngắn gọn về những công việc thường nhật như tụng Kinh, điểm tâm, đi chợ… độc giả dễ dàng bắt gặp hình ảnh một vị ẩn tu trong manh áo mỏng manh không quản ngại bao nhiêu gian khổ để tìm cầu Thánh Pháp nơi Xứ Tuyết Tây Tạng, không khác gì hình ảnh Đường Huyền Trang cầu Pháp nơi Thiên Trúc ngày xưa. Hồi ký này cũng có thể được coi là một tác phẩm văn chương phong phú, một tài liệu lịch sử vô cùng quý báu cho những ai quan tâm tới phương diện văn học và lịch sử phát triển Phật Giáo tại Việt Nam.

Qúy vị độc giả có thể tìm đọc Tiểu sử của Hòa Thượng Nhẫn Tế trong:
http://www.thuvienhoasen.org/danhtang2-giaidoan3-17.htm
và Bộ Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông do ngài dịch trong:
http://www.phatphapthuchanh.com/show...4ng-Th%C3%B4ng